Lời SƯ GIÁC NGUYÊN
Quí vị có bao giờ ngồi xuống trước cái mâm cơm mà để ý mấy điều sau đây: Cái tấm thân này là một thứ phản trắc, mình nuôi nó mập để rồi nó ngầm chứa trong đó bao nhiêu là thứ bất tịnh; ngầm chứa bao nhiêu là mầm bịnh có thể quật ngã mình bất cứ lúc nào; và cuối cùng khốc liệt nhất là nó chứa cái mầm chết.
Ngay trong tấm thân này nó chứa cái mầm già, mầm bệnh, mầm chết, ấy vậy mà mình phải nuôi nó. Hành trình nuôi dưỡng tấm thân này qua bao nhiêu giai đoạn: kiếm tìm thực phẩm, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, tiêu hóa, bài tiết. Chừng ấy việc chúng ta phải làm trong từng ngày.
Hồi giờ có khi nào quí vị nghĩ mình phải tu trước mâm cơm? Quí vị nghĩ, tu là phải trước điện Phật, phải có chuông có mõ, có tăng có ni, có kinh có kệ, rồi phải kinh hành, ngồi thiền xếp bằng khói hương nghi ngút, chứ có đâu mà tu trước mâm ăn. Nhưng mà có! Có một cái đề mục gọi là Āhārepaṭikkūlasaññā là ngồi tu với mâm cơm đó.
Nghĩa là, hành giả muốn giải thoát thì có nhiều cách, trong đó có một cách là ngồi tu với mâm cơm. Nhìn cái mâm cơm mà nghĩ, vì cái tấm thân này mà chúng ta phải đổ mồ hôi, xót con mắt đi kiếm về chế biến (nấu nướng), bảo quản (trong tủ đông tủ lạnh), tiêu thụ (ăn uống nhai nuốt), tiêu hóa, bài tiết hôi hám tanh tưởi. Suốt một ngày phải làm năm việc như vậy để nuôi cái của nợ này.
Nhìn mâm cơm rồi ngó lại thân mình, biết rằng trong từng ngày mình phải đi cày xới như trâu như ngựa để nuôi của nợ này. Mà cái của nợ này chứa trong đó bao nhiêu thứ bất tịnh, bao nhiêu cái mầm bệnh; chứa trong đó cái tuổi già, chứa trong đó cái chết.
Nghĩ tới đó là buông đũa, ăn không nổi, ngán quá đi. Chỉ riêng cái đề mục ăn, nhìn mâm cơm mà tu thôi mà khi quí vị đạt tới cảnh giới nhìn mâm cơm muốn buông đũa thì rõ ràng mình đã bước chân vào một cảnh giới chưa từng đạt tới. Xưa giờ mình chưa bao giờ nghĩ có cái pháp môn tu hành gì mà lạ đời như vậy.
Chưa hết.
Xưa giờ có bao giờ mình nghĩ mình có thể tu với hơi thở không? Mình hiểu tu là phải có chuỗi có chuông có kinh kệ tăng ni chùa miểu khói nhang hương đăng hoa quả chớ có đâu mà ngồi một mình đối diện với hơi thở vào ra. Nhưng đó là tu. Đó là một cảnh giới mà ta chưa từng đặt chân tới.
Hôm nay ta đã là hành giả rồi thì ngoài chuyện ngồi nhìn mâm cơm mà tu thì bây giờ mình chuyển qua ngó hơi thở vào ra để mà tu. Nó ra biết nó ra, nó vào biết nó vào. Nó ra bằng sự khó chịu, nó vào bằng sự khó chịu; thở ra bằng tâm tham thở vào bằng tâm tham, thở ra bằng tâm sân, thở vào bằng tâm sân, biết rất rõ. Từng hơi thở dài ngắn đi kèm với cảm xúc nào, với tâm trạng nào ta đều biết rất rõ. Làm được như vậy trong một tháng, hai tháng, năm tháng, tám tháng, mười tháng, một năm, hai năm lúc đó quí vị sẽ chính thức đường hoàng nghiễm nhiên bước vào một cảnh giới tâm thức mà xưa giờ mình không ngờ tới. Nó sướng không tả được.
Cảm giác của một người gác hết mọi thứ ngoài thềm rêu để ngồi lại tung hứng với hơi thở vào ra của mình, cảm giác đó sướng không thể tả được. Sướng đến mức người ta có thể bỏ vợ bỏ chồng bỏ con bỏ cái, bỏ nhà bỏ cửa, bao nhiêu sự sản gia tài để vào rừng sâu núi thẳm ngồi chơi với hơi thở của mình. Đến được cảnh giới có thể buông hết mọi sự là chúng ta đã đi vào cảnh giới mà hồi đó đến giờ mình chưa từng đi.
(Nguồn: Những bài giảng Kinh Tăng Chi – tập 7 / New Dharma Readers Facebook)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.