‘Ai cũng có quyền sống dù đó là người già nua, tàn tật, đui mù, câm điếc. Đó là lòng nhân đạo hay lý tưởng nhân đạo. Là lãnh đạo đất nước chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ mạng sống của toàn dân chứ không phải hy sinh lớp người này để cứu lớp người kia.’
Bài THIỆN QUẢ ĐÀO VĂN BÌNH
Lệnh “Cách Ly Tại Nhà” của Tổng Thống Donald Trump nhằm kiềm chế sự lan tràn của dịch coronavirus tại Hoa Kỳ… dĩ nhiên là phải trả giá về kinh tế. Nạn thất nghiệp gia tăng, sự thiệt hại về kinh tế có thế ước lượng cả chục ngàn tỉ Mỹ Kim. Và nếu tình trạng khẩn trương kéo dài trong ba tháng có thể đưa đến kinh tế suy sụp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận hy sinh kinh tế để cứu mạng người.
Thế nhưng tại Hoa Kỳ có khác. Trước nhu cầu tái tranh cử vào tháng 11 tới đây. Nếu kinh tế cứ như thế này thì hy vọng tái cử rất mong manh. Do đó ông Trump gợi ý có thể hủy bỏ sắc lệnh phong tỏa vào ngày 12 tháng 4 tới đây, tức sinh hoạt sẽ trở lại bình thường.
Khi đó, hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất: Khi lệnh cách ly hủy bỏ, dịch coronavirus sẽ lan nhanh và lúc đó vô phương cứu chữa, người ta sẽ chết hàng loạt. Thứ hai: Có thể dịch cũng sẽ lan tràn nhưng ở tốc độ vừa phải. Người trẻ có sức chịu đựng sẽ không chết. Còn người già nếu có chết vài ngàn cũng không sao nhưng kinh tế hồi phục.
Ông Dan Patrick – Phó Thống Đốc Tiểu Bang Texas – 69 tuổi, một đồng minh của ông Trump trong một cuộc hội thoại trên Fox News nói rằng các cụ ông cụ bà (grandparents) Hoa Kỳ sẵn sàng chết vì dịch coronavirus để cứu vãn nền kinh tế. Ông lên án việc phong tỏa và đóng cửa các cơ sở không cần thiết. Nếu việc phong tỏa kéo dài ba tháng thì nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ và ông không muốn cả quốc gia phải hy sinh. Ông còn nói rằng ông sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho nền kinh tế.
Trong khi đó ông Andrew Cuomo – Thống Đốc Tiểu Bang New York – lại có quan điểm ngược lại. Là tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch coronavirus với 20,875 người nhiễm bệnh và 157 người chết, ông Cuomo nói rằng, “Mẹ tôi không thể bị hy sinh, mẹ của bạn cũng không thể bị hy sinh và các anh chị em của chúng ta cũng không thể bị hy sinh và chúng ta sẽ không chấp nhận tiền đề cho rằng mạng người có thể bỏ đi và chúng ta chũng không đặt đồng đô-la lên sinh mạng của con người.” (New York Gov. Andrew Cuomo took issue with the ethical choices implied by Trump’s priorities, saying, “My mother is not expendable and your mother is not expendable and our brothers and sisters are not expendable, and we’re not going to accept a premise that human life is disposable, and we’re not going to put a dollar figure on human life.”)
Chúng ta nghĩ gì về chủ trương “hy sinh người già để cứu vãn kinh tế?”
Là một Phật tử với tinh thần Từ Bi và “Khẩu hòa vô tránh,” tôi không dám tranh luận về vấn đề này mà chỉ đưa ra ý nghĩ là: Nhân đạo là gì? Nhân đạo là tôn trọng mạng người, bảo vệ mạng người, cứu người mà không phân biệt, tuổi tác, màu da, chủng tộc và không thể có bất cứ lý do gì để hy sinh mạng người. Nếu vì lý do kinh tế mà chúng ta phải hy sinh người già tức là chúng ta theo “Chủ nghĩa nhân đạo có điều kiện.”
Xin nhớ, ngoài nhân đạo chúng ta còn có tình đồng loại theo câu nói, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” và “Máu chảy ruột mềm.” Khi gặp khốn khó chúng ta phải chung sức, chung lòng, chia ngọt sẻ bùi và chia sẻ trách nhiệm chứ không phải ích kỷ chỉ nghĩ tới mình. Chúng ta không thể hy sinh một tầng lớp nào đó cho phúc lợi của một tầng lớp nào đó.
Trong lịch sử nhân loại có một thời kỳ bi thảm đó là chủ trương thanh lọc chủng tộc của Hitler. Theo Biên Niên Sử Thế Kỷ XX (Chronicle of the 20th Century), vào ngày 26 tháng 7, 1933, bằng một loạt các sắc lệnh, Hitler ra lệnh lành mạnh hóa chủng tộc để không còn người mù, câm, điếc, thân thể méo mó, di truyền, khờ dại, động kinh… ngăn cấm lai giống để chỉ đẻ ra giống Aryan thuần chủng thông minh, đẹp đẽ, thân hình cao lớn, tóc vàng. Bằng ý tưởng điên rồ và man rợ, Hitler vì muốn có một giống Đức thuần chủng và đẹp đẽ, đã giết chết biết bao nhiêu người vô tội.
Ai cũng có quyền sống dù đó là người già nua, tàn tật, đui mù, câm điếc. Đó là lòng nhân đạo hay lý tưởng nhân đạo. Là lãnh đạo đất nước chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ mạng sống của toàn dân chứ không phải hy sinh lớp người này để cứu lớp người kia.
Là người Phật tử, hành động cần thiết trong cơn đại nạn là không kinh hoảng, không kỳ thị, nhẫn nại chịu đựng, cầu nguyện và phát triển tâm lành, đồng thời tin tưởng vào các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ và những quyết định đúng đắn của chính quyền.
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
(California ngày 25/3/2020)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Bài này đặt một tiền đề rất chủ quan khi cho rằng ông Trump có thể bỏ sự phong toả vì nhu cầu tranh cử. Đây là một sự võ đoán vì tình cảm riêng của mình mà không thấy tâm tốt của người. Nếu tác giả thử thay đổi cái nhìn khác đi một chút để nghĩ rằng khi kinh tế bị tổn thương, cuộc sống của mọi người sẽ bị ảnh hưởng thì có thể có một nhận định khác, không định kiến và thiện tâm hơn. Người đó sẽ thận trọng suy xét về trách nhiệm nặng gánh của người đứng đầu chính danh của một đất nước mà mình cũng là một thành viên. Mặt khác, kế hoạch gỡ bỏ phong toả chưa có thì sao đã đinh ninh là nhóm người này sẽ bị hy sinh vì nhóm người kia? Nói được lời đúng và tránh nói lời không chắc chắn cũng là hạnh khẩu mà người theo Phật cần gìn giữ.
Hoàn toàn đồng quan điễm với Hoằng Chơn .
Xin đồng ý với đạo hữu Chiêu Lâm.
Người viết có thể phê bình một lời nói hay một hành động nhưng tránh sự vơ đũa cả nắm với mục đích tuyên truyền. Ví dụ như trong trường hợp Hitler, đây là một người tột ác đối với người Do thái nhưng những mối thù truyền kiếp giữa họ thì mình vì không có Phật nhãn thành ra không thấy và vì thế không thể quy tội chỉ về một bên. Mình chỉ nên theo lời Phật dạy là “Oán thù nên cởi, không nên buộc”.
Lúc này ai cũng bối rối, Xin tránh những bài nói về chính trị hay nhận xét có tính chủ quan và thiếu lòng nhân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho 1 số người .
Nếu không thể phát tán tình thương và lòng từ bi thì cũng không nên dùng lý luận lối mòn của người trần thế .
” yêu nhau yêu cả lối đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng “