Ngài, trong ký ức của tôi…

*Đọc 5 phút*

Bài SƯ KHÁNH HỶ

Tôi gặp Ngài Kim Triệu khi tôi còn rất nhỏ. Từ năm 1956 tôi đã hành thiền Minh Sát với Hòa thượng Giới Nghiêm tại Tam Bảo Tự Đà Nẵng và được học kinh kệ với Ngài Kim Triệu. Sau này tôi theo Ngài Kim Triệu hành thiền và phụ giúp Ngài hướng dẫn thiền nhiều năm. Tôi học hỏi được nhiều ở Ngài từ những lời nói cho đến thân giáo của Ngài.

Một trong các đức tính tốt đẹp của Ngài mà tôi cố gắng học hỏi là sự bình thản đối với những gì đang xảy ra chung quanh. Tôi chưa bao giờ thấy Ngài nổi giận. Ngài là vị thầy rất nhiều từ ái và tận tâm. Ngài muốn trao truyền tất cả những hiểu biết và giảng dạy cho tôi. Ngài mong muốn hướng dẫn cho tôi những gì tốt đẹp mà Ngài đã học hỏi.

Hình ngài Kim Triệu trên bìa cuốn ‘Có Bấy Nhiêu Đó Thôi’

Khi Ngài dạy Kinh Pāli cho tôi với một đoạn kinh ngắn bốn dòng, Ngài đã bỏ ra hai đến ba tiếng đồng hồ, kiên trì sửa giọng, sửa cách phát âm cho tôi và các huynh đệ của tôi. Mỗi lần tôi trình pháp với Ngài, Ngài chăm chú lắng nghe. Tôi có cảm tưởng như là Ngài đang nghe một vị pháp sư hay là một vị thầy giảng dạy. Ngài chịu khó lắng nghe dầu tốn nhiều thì giờ đi nữa, Ngài cũng không màng. Sau đó Ngài chỉ dẫn cho tôi từng li, từng tí một.

Một hôm nọ, khi tôi trình pháp với Ngài, trình pháp xong, Ngài giảng giải kỹ càng cho tôi rồi. Nhưng có lẽ, Ngài thấy tôi với gương mặt buồn – Ngài đọc được ý nghĩ của tôi – là tôi chưa tiến bộ như ý tôi mong muốn nên sau khi đã cho những người khác trình pháp xong, Ngài đi kinh hành quanh vườn và nhìn thấy tôi đang tưới những dãy hoa hồng tận cuối vườn, Ngài chậm rãi đến bên tôi khích lệ và an ủi tôi, “Con cứ cố gắng hành thiền đi, bằng lòng với những gì mình đang đạt ở hiện tại; bằng lòng những gì trong hiện tại không có nghĩa là con dừng lại mà con cố gắng tinh tấn. Đó mới gọi là biết đủ, bằng lòng với hiện tại nhưng với quyết tâm tinh tấn để tiến bộ hơn.”

Rồi Ngài nói thêm, “Ngày xưa Sư cũng ở tình trạng này đến tám năm lận, con cứ cố gắng tinh tấn, thoải mái thì con sẽ đạt được kết quả tốt.”

Câu nói của Ngài đã khích lệ tôi rất nhiều trong việc đào luyện tâm. Năm 1982 tôi xuất gia gieo duyên và hành thiền dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Taungpulu và Ngài.

Một lần nọ tôi hỏi Ngài, “Bạch Ngài, con hành thiền đến kiếp nào mới giác ngộ.”

Ngài nói một câu chắc nịch, “Kiếp này chứ kiếp nào.”

Lần đầu tiên tôi được nghe một câu nói của vị thầy một cách quả quyết như vậy. Những lần trước, khi tôi đặt cùng câu hỏi đó với các vị khác, chưa có một vị nào nói kiên định, rõ ràng. Nhiều vị còn nói, “Thời này là thời mạt pháp, tu đến đâu thì được đến đó thôi, đừng có mong chi giác ngộ.”

Ngài thường nói những câu rất là nhỏ nhẹ. Lần này câu nói cũng nhỏ nhẹ thôi, nhưng tôi cảm thấy giống như Ngài đang quát la tôi, giống như Ngài trách cứ tôi, “Tại sao không có sự tự tin vào công việc hành thiền của mình?”

Sư Khánh Hỷ (Ty Khuu Khanh Hy/ Facebook)

Câu nói của Ngài đập mạnh vào tâm tôi, rồi từ đó tôi tinh tấn hành thiền hơn. Đây cũng là một yếu tố mạnh mẽ, giúp tôi quyết định xuất gia luôn và xin Ngài làm thầy tế độ. Bởi thế nên tôi thọ Giới Sa Di với Ngài Sīlānanda, nhưng thọ Đại Giới Tỳ Khưu với Ngài Kim Triệu. Đó là dấu ấn không phai của tôi đối với Ngài trên bước đường tu tập, mà cũng là hành trang sách tấn tôi mỗi khi gặp trở ngại.

Gần đây, khi thấy cách Ngài giải quyết một vấn đề tế nhị giữa người tu sĩ và cư sĩ, tôi cũng rút ra được một kinh nghiệm và thấy được tâm từ của Ngài trải rộng như thế nào.

Có một vị sư được Ngài gởi đến để lo cho một ngôi chùa nọ. Một số Phật tử ở ngôi chùa đó không bằng lòng với vị sư, bởi vì vị sư có nhiều nhiệt tâm muốn sửa chữa và xây dựng thêm cho chùa được khang trang, nhưng vị sư đó không biết rằng muốn sửa chữa gì trong chùa cũng phải xin phép. Cho nên vị ấy làm cho các Phật tử – nhất là trong Ban Bảo Trợ – sợ hãi.

Nhiệt tâm của nhà sư muốn làm thêm gây ra sự bất hòa giữa Sư và Ban Bảo Trợ. Vì thế, Ban Bảo Trợ yêu cầu Ngài gởi tới một vị sư khác. Ngài đồng ý lời thỉnh cầu của Phật tử và bảo tôi mua vé máy bay cho Sư về. Tôi nói với vị sư đó, “Thôi, Sư hãy về lại chùa mình đi. Sư đừng nghĩ Sư có lỗi gì cả, đừng nghĩ Ban Bảo Trợ có lỗi gì cả. Cứ nghĩ rằng mình là hạt giống tốt nhưng trồng mảnh đất đó không thích hợp. Giống như hạt giống nên trồng ở xứ lạnh mà ta lại trồng ở xứ nóng nên không trổ hoa, kết trái vậy.”

Nhưng vị sư đó không đồng ý, mà nói rằng, “Con không có lỗi gì cả mà tại sao Ngài nghe theo lời thiện tín, Ngài đưa con về. Con yêu cầu Ngài có một buổi họp toàn thể Phật tử, để biết ai trái, ai phải, trước khi quyết định đưa con về.”

Tôi thuật lại với Ngài ý kiến của vị ấy, Ngài đã khuyên rằng, “Nếu làm ra lẽ thì vị ấy sẽ thắng, nhưng chúng ta là một nhà sư – mình không tranh thắng bại với ai, cũng không cần minh chứng là mình không có lỗi – dầu cho mình thắng đi nữa, thì cũng không đẹp. Hãy nhẹ nhàng ra đi.”

Vị này nghe theo cách giải quyết đầy từ ái của Ngài, nên hoan hỷ rời khỏi ngôi chùa ấy. Trong tận đáy lòng, Ngài cũng biết đây là một vị sư tốt, có đầy nhiệt tâm, khó có được trong hàng ngũ Tăng chúng. Sau đó, Ngài đã giúp đỡ tài vật và khích lệ để vị ấy đi đến một nơi mới – thuận duyên hơn trong công việc truyền bá Giáo Pháp.

Cho đến bây giờ, mặc dầu Ngài đã lớn tuổi, Ngài vẫn tích cực tạo nên các cơ sở, thiền viện và chùa để thế hệ Tăng, Ni sau này thuận duyên trong việc quang huy Phật giáo. Đó bởi vì Ngài biết rằng với đức độ và uy tín của Ngài, việc kiến tạo thiền viện, chùa chiền có phần dễ dàng hơn những người học trò của Ngài. Tấm lòng bi mẫn của Ngài đáng cho thế hệ Tăng, Ni và Phật tử noi gương để tiếp bước trên hành trình đi đến giác ngộ giải thoát…

(Trích trong Hồi Ký của Sư Khánh Hỷ được đăng lại trong “Có Bấy Nhiêu Đó Thôi” do Thích Ca Thiền Viện ấn hành.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *