Bài HOÀNG MAI ĐẠT
(Bài này được viết ngày 20 tháng 1, 2011 với tựa nguyên thủy là “Những Buổi Cầu Siêu ‘Dễ Thương’ Ở Riverside,” nay xin đăng lại trên Tinh Tấn Magazine để tưởng nhớ nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả của Tháng Ba Gãy Súng, một cuốn hồi ký chiến tranh được tái bản nhiều lần viết về những ngày tàn cuộc chiến năm 1975 của một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Những buổi cầu siêu cho anh vào cuối năm 2010 đầu năm 2011 tại Riverside, Nam California đã tạo thêm duyên và khuyến khích bản thân tôi đi xa và sâu hơn vào con đường đạo, mà nay nhìn lại tôi vẫn luôn biết ơn anh, biết ơn mái chùa Văn Thù cho dù nơi ấy chỉ còn tấm ảnh của anh ở buồng thờ hương linh.)
*
Thời gian gần đây tôi nhận thấy mình đang có những biến đổi trong cách suy nghĩ và thói quen. Cơn khủng hoảng tâm lý của tuổi trung niên như một quái khách bỗng đến cầm gậy quất đổ những thành quách, lâu đài mà tôi đã khổ công gầy dựng trên bãi cát, tôi biết vậy. Tôi buông trôi để xem thử dòng đời sẽ đưa mình về đâu, đến đâu, khi mà những đền đài kia đã đổ nát, tan hòa vào những đợt sóng bất tận của đại dương.
Trong những đổi thay đó có những điều mà ba-mươi năm trước đây tôi không thể tưởng tượng sẽ xảy ra cho mình. Chẳng hạn như bớt uống bia, bớt xem thể thao trên TV, bớt thèm ăn ngon, bớt coi trọng chức tước, bớt nhìn vợ với một nụ cười cầu… tình. Chẳng hạn như lìa xa bạn bè, chán chường những bữa tiệc bên những vỏ bia cạn chỉ để tán tụng, tranh cãi, tuyên dương, gây gỗ lẫn nhau đến quá nửa đêm. Chẳng hạn như không ngó ngàng đến những sinh hoạt văn chương mà tôi từng mê thích, thậm chí không còn tin ở chữ nghĩa. Cây gậy của quái khách quả đáng khiếp sợ, quất tôi tơi bời, ê ẩm mình mẩy.
Mấy mươi năm trước tôi chắc chắn không thể mường tượng mình sẽ “bớt” quá nhiều lạc thú để tập những thói quen mới mà tôi từng cho là tầm thường, chẳng đáng để một đấng nam nhi với chí khí bốc cao ngút tận trời xanh phải bận tâm trên con đường tạo lập sự nghiệp, tiền tài. Chẳng hạn như thắp nhang khấn nguyện cho ba má được vãng sanh tịnh độ vào mỗi buổi sáng, cầu phước cho những vong linh còn vất vưởng ở chốn ta bà vào mỗi ngày rằm. Chẳng hạn như ngồi cả buổi theo dõi những ý tưởng tâm linh có lúc sáng tỏ tưởng nắm bắt được trong lòng bàn tay, có lúc huyền ảo như bóng mây biến dạng trên mặt nước. Chẳng hạn như thường ghé chùa lễ Phật, khấn xin giữ được lòng từ tâm đối với những kẻ kém may mắn đang sống vất vưởng như những bóng ma giữa cõi người.
Nói là tôi đang tu để thoát luân hồi thì thật quá đáng. Tôi thấy xấu hổ vì nhận biết mình chưa đủ trình độ, chưa có chút tư lương nào để khởi đầu một cuộc hành trình kéo dài “a tăng kỳ kiếp” đó. Tâm tôi còn dao động như một người không ngừng quay đầu trong lúc xem một cuộc diễn hành Tết trên đường Bolsa. Có lúc tôi hò hét ầm ĩ theo một đoàn binh diễn hành rầm rộ, có lúc cười hi hô với một nhóm múa lân náo nhiệt, đôi khi vỗ tay tán thưởng một chính trị gia cười với đám đông để cầu… phiếu, và rồi chợt buồn khi thấy chiếc xe hoa cuối cùng vừa quẹo mất hút ở một góc phố, trả lại con đường Bolsa cho những dòng xe bon chen thường nhật.
Nhưng cũng có lẽ đúng là tôi đang tu, muốn níu lại cái tâm cho nó đừng bay nhảy theo những cảm xúc khởi động từ thế giới bên ngoài. Từng ngày, tôi quay gót xa dần những biến cố náo nhiệt ở dưới phố Little Saigon, nhưng công việc viết tin cho đài truyền hình để kiếm sống không cho phép tôi dứt hẳn với những huyên náo của cộng đồng. Có lúc tôi nản lòng, dừng xe ngưng nghỉ bên đường, nửa muốn đi tiếp để khỏi phí một cuộc đời chỉ dành cho dục vọng, nửa muốn quay về với nếp sống náo động như hầu hết mọi người để tránh một cảnh huống cô độc vốn đã dành sẵn cho một người viết.
Nếu không có những trợ duyên ở dọc đường thì có lẽ tôi đã quay về từ lâu, đành an phận chấp nhận buồn vui trong một đời người mà lòng vẫn hoài nghi, thao thức cho những đời sau. Trợ duyên lớn nhất giúp tôi đi tiếp trên con đường còn xa tít mù khơi xuất phát từ người bạn đời mà cũng là một bạn đạo thân thiết nhất của tôi, và từ những món quà chan hòa đạo vị, như mấy dĩa giảng pháp mà bác Mật Nghiêm từng hoan hỉ mang đến nhà cho, như những cuốn sách mà từng tò mò lượm nhặt ở chùa. Lẽ đương nhiên mấy người bạn lành này, ngoại trừ vợ tôi, chưa ai ngồi với tôi ở bàn nhậu bao giờ. Họ sống quanh quẩn ở đâu đây trong cuộc đời mà đến nay tôi mới nhận ra họ là cơ duyên giúp cho tôi có thêm “xăng” để hăng hái lái chiếc xe ì ạch trên con đường tu tập.
Một trong những người bạn mà tôi từng cho là không “lành,” cần né thiệt xa để khỏi phải trôi lăn tiếp trong mấy bữa nhậu là anh Cao Xuân Huy. Đến khi cầu siêu cho anh, tôi mới nhận ra anh cũng là một trợ duyên trên con đường tu tập còn xa thẳm của mình. Nói anh Huy không “lành” là mang tội khá lớn chứ không vừa, ở tù vài năm chứ không ít. Anh là một trong những người hiền lành nhất trong đám bạn văn nghệ của vợ chồng tôi. Ít khi nghe anh nói xấu người khác. Thay vì trả lời một câu có thể gây phật lòng người nghe, anh chỉ im lặng cười trừ, không nói gì thêm. Có lần gặp anh ở một bữa tiệc, vợ tôi nói, “Tụi em quí anh lắm, xem anh như một bồ tát. Hiền quá, ai nói gì cũng kệ. Không giận ai, chỉ cười.” Lần ấy anh cũng cười làm như mắc cở trước một lời khen quá đáng, nhưng cũng vuốt nhẹ chòm râu dưới cằm trong lúc cười tươi, lộ hai gò má tròn quay, ra vẻ hiền lành như một ông đạo sĩ.
Cũng vì chuyện “nhậu” mà dạo sau này anh Huy bị tôi “chê” không “lành.” Như đã trình bày, tôi đang hướng tới một chân trời mới mà trong đó không có bia rượu. Vì vậy tôi đành từ bỏ những bạn văn nghệ vì họ thường tụ tập ăn nhậu. Ngồi gần các bạn mà không ực một chai bia thì không được, kỳ lắm, mà đạo lực mình còn yếu thì không thể nào cưỡng nổi trước sự quyến rũ ngay trước mắt. Biết mình có khuyết điểm như vậy nên tôi phải cắt đứt mối quan hệ với đám bạn văn chương, viện đủ lý do để không đi nhậu. Ban đầu tôi còn khổ tâm, nghĩ rằng mình đã phụ lòng dăm người bạn vốn đã không nhiều. Thế nhưng sau này sự việc cũng trở nên dễ dàng hơn vì chẳng còn ai thèm rủ tôi đi uống bia. Bạn giận cũng đành chịu.
Thế nên tôi đã không gặp anh Huy trong hơn một năm trời cho đến ngày anh sắp mất. Tình bạn giữa anh với tôi có lúc đậm đà như câu chuyện bên ly cà phê đen mà anh chia sẻ với các bạn mỗi cuối tuần ở một cái quán nào đó, có lúc lạt như nước trà mà chủ nhà mời khách uống cho dã rượu trước khi lên đường.
Thời gian “đậm” là lúc chúng tôi cùng làm việc tại đài Little Saigon Radio. Thật ra khoảng mười năm trước đó chúng tôi cũng đã “đậm” với nhau rồi. Trong mấy tháng làm việc cho tuần báo “Diễn Đàn” năm 1993, anh Huy lãnh phần trình bày những trang báo, tôi lo viết tin. Báo phát hành được vài tháng thì dẹp tiệm. Có lần nhắc đến thời gian làm báo ngắn ngủi ấy, anh cười hóm hỉnh, khề khà, “Tao với mày từng làm cùng sở.” Anh luôn “mày, tao” với tôi như anh cả với em út ở trong nhà.
Tan “sở” Diễn Đàn, tôi khăn gói qua đài Little Saigon Radio, để rồi mười năm sau gặp lại anh ở “sở” mới ấy. Lần này anh cũng giữ chân layout cho tuần báo Việt Tide phụ thuộc đài phát thanh, cộng thêm việc diễn đọc một chương trình hàng tuần cho đài nơi mà giọng diễu “cán bộ Bắc Kỳ” của anh được trưng dụng tối đa, thu hút một lớp thính giả trung thành hằng tuần.
Thời gian anh làm cho đài cũng là lúc chúng tôi gần nhau nhất. Gần một phần vì anh đang giữ vai trò chủ bút tờ Văn Học. Anh ngồi trong phòng báo ở phía trước đài, tôi ngồi trong góc ở sau đài. Hầu như ngày nào anh cũng ló đầu vào ô làm việc của tôi, chỉ hỏi gắt một câu, “Bài đâu?” Trong mấy năm cuối của tờ Văn Học, tôi nhận viết hai mục tạp ghi và giới thiệu sách. Có lúc bận quá, không thể viết bài, muốn xin ngưng một kỳ, tôi vẫn bị anh hối thúc, không buông tha.
“Có đưa bài không thì bảo, tao đánh chết bây giờ,” anh gằn giọng, nhíu mày như đang nhập vai một ông cán bộ hách dịch uy hiếp một ông tù cải tạo.
“Anh mà đánh được ai. Súng gãy cong queo mà cũng bày đặt làm tàng,” tôi thường mang tựa sách lẫy lừng của anh ra để đối phó trong những lúc “bí” quá, không biết nói sao trước một ông anh nổi tiếng là một trung úy đại đội phó ngang bướng trong Thủy Quân Lục Chiến, từng xông pha đánh giặc ở Quảng Trị nhưng đành thúc thủ cùng các đồng đội ở cửa biển Thuận An trước sự bỏ rơi của cấp trên và mũi súng của quân thù. Cho đến nay cuốn “Tháng Ba Gãy Súng” của anh vẫn là một trong những cuốn hồi ký có giá trị, trung thực nhất liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. Tôi thuộc thế hệ sinh sau anh hơn chục tuổi, chưa dính dáng đến quân đội, nhưng cũng mủi lòng trước cảnh bi thương “gãy súng” của những người lính trận khi tàn cuộc chiến.
Sau ngày rời đài Little Saigon Radio, tôi gặp anh vài lần trong mấy bữa nhậu, trao đổi dăm ba câu thăm hỏi để biết đôi bên vẫn còn sống ngắc ngoải trong làng báo. Một buổi chiều kia anh gọi tôi đến một nghĩa trang lớn nằm bên cạnh khu phố Bolsa. Lẽ đương nhiên lúc ấy anh còn sống. Chẳng hiểu sao bữa hôm ấy anh và xướng ngôn viên Ngọc Ân lại thực hiện một chương trình cho đài truyền hình Hồn Việt, muốn tìm “hồn” ở những ngôi mộ của các văn thi sĩ qua đời ở hải ngoại. Vì biết tôi từng viết bài “Tìm Ở Sao Trời,” họ réo tôi đến nghĩa trang để kiếm giùm mộ hai thi sĩ Mai Thảo và Nguyễn Tất Nhiên. Ra đến nơi tôi gặp anh Huy, Ngọc Ân, một chuyên viên thâu hình, và anh Trần Như Hùng từ bên Úc. Thấy anh Huy cười nói lè nhè, câu trước đè lên câu sau, mặt đỏ hồng, tôi biết anh đã say. Ở mộ anh Nhiên, anh Huy khui chai rượu mời thi sĩ, tâm sự “mày, tao” một hồi với bức hình của một chàng trai có đôi mắt chiếu thẳng vào người đối diện.
Anh Huy cũng mời tôi uống nhưng tôi từ chối. Sau đó tôi hướng dẫn cả bọn đến hai ngôi mộ của thi sĩ Nguyên Sa và học giả Đào Mộng Nam nằm bên cạnh nhau. Anh Huy lại uống thêm vài hớp cho họ. Đi quanh quẩn một hồi, cả bọn chia tay và rời nghĩa địa trước khi trời tối.
Hơn một năm sau tôi nghe tin anh lâm nguy trước cơn bệnh ngặt nghèo, khó thoát bàn tay của tử thần. Vợ chồng tôi đến thăm anh vào một buổi tối thứ Năm, khá trễ sau giờ đi làm. Người tiếp chúng tôi ở cửa là anh Trần Như Hùng từng gặp ở nghĩa trang năm trước. Nghe bạn lính bị bệnh nặng, anh Hùng bỏ hết công việc ở bên Úc, vội vàng bay qua Nam California để phụ giúp chị Minh cùng hai con gái của anh Huy. Anh Hùng giữ nhiệm vụ “kiểm tra an ninh,” không cho khách đến quấy rầy người bệnh. Anh đề nghị chúng tôi vào thăm thật nhanh, tránh đánh thức anh Huy dậy. Trong căn nhà khang trang, ngăn nắp ở Lake Forest, anh Huy nằm thiêm thiếp trong một phòng mờ tối với cô con gái ngồi kề bên để theo dõi cha. Chị Minh lúc ấy đã ngủ sau một ngày dài mệt đừ với công việc săn sóc chồng và tiếp bạn đến thăm.
Tôn trọng người bệnh và gia đình, tôi đứng lấp ló ở hành lang nhìn vào phòng tối, chỉ thấy đôi chân gầy guộc dưới tấm mền được vén lên. Vợ tôi đứng ở ngưỡng cửa, thấy anh đang thiếp ngủ. Anh Hùng tiếp chuyện với chúng tôi thêm một hồi lâu gần phòng khách. Trong hơn mười phút hàn huyên đó, tôi không thật sự để ý đến những gì vợ tôi và anh Hùng nói về bệnh tình, cách chữa trị cho anh Huy. Tôi chỉ lắng nghe sự tĩnh lặng trong không gian tranh tối tranh sáng ở hành lang hướng vào phòng người bệnh. Nghĩ đến đôi chân gầy bất động, tôi bất giác khấn nguyện trong lòng cho anh được ra đi êm ả với đôi chân ấy, như tôi vẫn thường cầu nguyện cho những vong linh còn vương vấn ở cõi người vào mỗi đêm rằm. Hãy rời cõi ta bà của khổ đau. Hãy đến một cõi bình yên trong ánh sáng của tâm thức. Hãy nhận lời cầu nguyện chân thành này như một món quà tiếp sức trên một hành trình mới. Tôi nhìn vào hành lang như mong cho ý nguyện được vang vọng đến tận căn phòng thiếu ánh đèn kia.
Đêm hôm ấy chúng tôi lặng lẽ rời ngôi nhà ở đường Briarcroft, lái xe lên hướng bắc trên xa lộ 405, băng qua phố khuya Bolsa trên lộ trình về nhà. Qua chiều thứ Sáu hôm sau chúng tôi được tin anh Huy mất. Mặc dù không tin anh đã nghe lời khấn nguyện, tôi cũng cảm nhận có một mối liên hệ nào đó giữa tôi với anh trong cõi tâm linh mà tôi chưa đủ khả năng để nắm bắt.
Đám tang của anh lớn lắm. Bạn bè kéo về đông vô kể. Những bạn văn đến nhiều đã đành, mà những cựu đồng đội Thủy Quân Lục Chiến cũng chiếm hết chỗ đứng trong buổi lễ hỏa táng ở Peek Family. Vợ chồng tôi ghé nhà quàn vào một buổi trưa đúng giờ bắt đầu thăm viếng. Chúng tôi rời trước khi những người thân, bạn văn, bạn nhậu, bạn lính, bạn làm báo, bạn ở quán cà phê đến mỗi lúc một đông. Anh quả là một người sống tốt với các bạn, được họ tiễn đưa với nhiệt tình trong bầu không khí trang nghiêm mà cũng có phần náo động. Tôi nghe kể có người còn cao hứng mang rượu đến uống say khướt để từ giã anh Huy một lần chót.
Lúc ấy tôi có nghĩ đến việc tiễn đưa anh theo một cách riêng, thầm lặng hơn. Cầu siêu cho anh ấy.
Nói đến chuyện cúng kiến, tụng kinh thì tôi “quê” lắm. Mang tiếng là một Phật tử mà trong nhiều năm tôi ít ghé chùa. Mấy năm sau này, một phần vì có thờ cha mẹ vợ và cha ruột ở chùa Phổ Đà, một phần vì đi dự đám tang của những người quen hơi nhiều, nay người này mất mai người kia đi, tôi nghĩ đến chùa thường hơn. Những lúc lái xe tạt ngang chùa, biết giờ ấy vắng, tôi chạy vào lễ Phật, chiêm bái Ngài vài giây, có khi còn sờ đùi tượng Phật một cách âu yếm như người ta sờ bụng ngài Di Lặc lấy hên.
Cũng có những buổi chiều đi ngang một ngôi chùa nào đó, gặp đúng giờ tụng kinh, tôi thường tắp vào nghe. Tiếng tụng kinh ê a đều đặn cũng hấp dẫn mặc dù tôi không hiểu họ tụng kinh gì, có ý nghĩa ra sao. Một buổi chiều kia ghé chùa Dược Sư, đúng giờ tụng kinh của một ni sư. Tôi rón rén tháo giày theo vợ vào nghe. Giọng của ni sư thanh thoát, ngân vang tỏa khắp một chánh điện cao rộng theo tiếng gõ mõ đều đặn. Tôi nhắm mắt thả hồn theo thanh âm của lời kinh vang vọng, cảm tưởng như đang bay bổng nhẹ nhàng ở một chốn nào đó.
Nghe kinh như vậy là quá ít, mà tụng thì hầu như không. Không hiểu có phải vì “mầm” đạo trong tôi đã bắt đầu trồi lên mặt đất để nẩy nở hấp thụ khí trời theo lẽ tự nhiên, dạo này tôi hay hỏi vợ về những quyển kinh mà nàng thường mở đọc ở nhà. Nghe chồng thắc mắc với vẻ thán phục, vợ cũng ráng giảng giải nhưng chàng với “căn cơ” quá thấp nên cũng không thể nào hiểu hết. Tôi bắt đầu đọc sách đạo, thường chú ý đến những đoạn giải thích hương linh của người mới mất cần được dứt bỏ những vướng mắc ở cõi trần để được siêu thoát. Có lẽ vậy nên lúc rời nhà quàn trưa hôm ấy, tôi nghĩ đến việc cầu siêu cho anh Huy như một hình thức tiễn biệt chân thành nhất mà tôi có thể làm được. Còn có những thôi thúc khác nữa mà tôi chỉ cảm nhận nhưng không sáng nghĩa, khích lệ tôi hãy đến chùa để tụng kinh.
Vài ngày sau lễ hỏa táng, tôi gọi nhắn chị Minh mấy lần để hỏi địa điểm tổ chức lễ cầu siêu bốn-mươi-chín ngày. Không nghe chị trả lời, tôi quay qua gọi số cũ của anh Huy, vừa gọi vừa sợ “nhỡ không may” nghe anh lên tiếng. (Mới biết tu nên tâm còn sợ). Cũng không ai hồi âm lời nhắn trong máy. Quận Cam có rất nhiều chùa, biết hỏi nơi đâu? Hai tuần trôi qua. Bữa kia nghe tôi nhắc chuyện tụng kinh, vợ tôi bèn gọi số chị Minh và nhắn trong máy. Một hồi sau chị hồi âm. (Vợ tu khá hơn tôi nên gọi linh lắm). Nghe vợ tôi ngỏ ý muốn dự cúng thất, chị nói ngay, “Chùa ở xa, mà nhỏ xíu hà.” Dường như chị dè dặt một chút nhưng rồi cũng đọc cho nàng nhà tôi địa chỉ của một ngôi chùa ở Riverside.
Không hiểu sao tôi mừng khấp khởi khi thấy vợ viết địa chỉ chùa xuống giấy. Mấy phút sau tôi lên Yahoo! tìm bản đồ, chuẩn bị cho ngày Chủ Nhật sắp đến. Đó cũng là Chủ Nhật đầu tiên của tháng 12, tuần cầu siêu thứ ba cho anh Huy. Buổi sáng hôm ấy tôi dậy sớm như thường lệ, nôn nao chờ đến 10 giờ để đi chùa. Lễ bắt đầu lúc 11 giờ, chùa nằm cách xa khu phố Little Saigon khoảng một tiếng đồng hồ lái xe lên hướng đông bắc.
Chùa Văn Thù nằm cuối đường Weaver, gần phi trường của Riverside. Trước khi đến ngôi chùa nhỏ này, chúng tôi băng ngang hai cơ sở vĩ đại của hai hội Thiên Chúa Giáo. Tôi thấy vĩ đại vì bãi đậu xe của mỗi nơi có thể chứa hàng trăm chiếc xe, lớn như một khu thương xá. Buổi sáng Chủ Nhật cũng là dịp đi lễ nhà thờ, nên bãi đậu xe của California Baptist University-Riverside ở đầu này đại lộ Adams và của Harvest Christian School ở đầu bên kia đều chật cứng xe. Người ta đi lễ nườm nượp như đi mua sắm mùa Nô-En. Nằm khép nép ở cuối một ngõ cụt, khu đất sau chùa Văn Thù chứa chừng mười chiếc xe. Có thêm khách thì xe phải đậu ở ngoài đường. Coi chùa nhỏ vậy mà có chí lớn, tôi thầm nghĩ sau khi nghe vợ nhận xét rằng chùa lấy tên Văn Thù có lẽ muốn nhấn mạnh trí huệ, đặc điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Dùng trí huệ để đưa con người đến cõi cao nhất của tâm linh.
Chúng tôi đến đúng lúc thầy Quảng Phú vừa bắt đầu buổi lễ. Chánh điện đặt trong một phòng nhỏ, chỉ đủ chỗ lễ Phật cho một chục người. Vì có đến hơn hai mươi người đứng dồn vào nhau, nhất là khi có thêm hai đứa chúng tôi, căn phòng càng thấy chật hơn. Thầy khuyên mọi người đứng xá Phật thay vì lạy để có đủ chỗ hành lễ cho mọi người.
Tôi chưa biết nghi thức cầu siêu, nên thấy vợ ở bên cạnh làm sao thì mình làm y như vậy cho chắc ăn, không bị lạc quẻ với mọi người. Vợ chắp tay niệm Phật, tôi cũng chắp tay niệm Phật. Vợ quì tôi cũng quì, vợ đứng tôi cũng đứng, vợ nhắm mắt tôi cũng nhắm mắt nhưng luôn hé nhìn để biết lúc nào cần bắt chước một động tác mới. Vợ đọc một bài kinh gì đó theo mọi người, tôi cũng làm bộ đọc nhưng chỉ mấp máy đôi môi. Đến chùa chỉ biết mỗi câu “Nam Mô A Di Đà Phật” nên khi nghe mọi người vừa bắt đầu đọc câu đó, tôi bèn đọc lớn làm như mình cũng thuộc kinh như ai. Dễ nhất là lúc nghe gõ chuông. Mỗi lần nghe tiếng chuông thì chắp tay cúi đầu xá Phật.
Đến phần nghi thức Cúng Ngọ thì mấy Phật tử “đến chùa lai rai, ăn chay sơ sài” như tôi cũng đỡ khổ nhờ mấy cuốn kinh được phân phát để mọi người cùng tụng theo. Nhờ vậy tôi cũng biết sơ qua các bài kệ Cúng Hương, Chú Đại Bi, Bát Nhã Ba La Mật, Cúng Dường và Tam Quy Y. Sau phần lễ chung dài một tiếng đồng hồ, thầy giảng một bài pháp ngắn về nội dung tránh nói những lời độc hại hoặc nghĩ xấu đối với người khác, vì làm như vậy chẳng khác nào “đóng những cây đinh vào cột để rồi một ngày kia cho dù đinh được gỡ ra vẫn còn để lại những vết thương sâu đậm trong lòng người.”
Thấy tôi lạ mặt trong số những người dự lễ hôm ấy, thầy liền chiếu cố với câu hỏi rằng “đạo hữu” nghĩ sao về bài giảng. Cũng lạ. Bình thường tôi hay nói ấp úng, không suôn sẻ trước đám đông cho dù chỉ có mấy người. Vậy mà hôm ấy “đạo hữu” tôi lại đột nhiên nói lưu loát, dài dòng như đang… viết tạp ghi. Tôi đáp lời thầy rằng buổi sáng hôm ấy chắc hẳn tôi đã không khỏi có những ý nghĩ “đóng đinh” người khác, nên tôi muốn tự nhắc mình hãy ráng giữ chánh niệm thân, khẩu, ý như lời Phật dạy. Nghe tôi nói vậy, thầy reo cười nói với mọi người, “Chu choa ơi nghe dễ thương không quí vị.”
Ban đầu tôi cũng tưởng lời của mình nghe “dễ thương” ra phết. Ai dè vài phút sau tôi khám phá thầy thường nói “dễ thương” khi nghe những câu hồi đáp của hầu hết mọi người, kể cả trước những lời thổ lộ lòng bất an. Té ra ai đến chùa này cũng đều “dễ thương” hết, một ý niệm mà tôi thích thú đón nhận.
Sau bài giảng, thầy làm lễ cầu siêu riêng ở bên phòng thờ vong. Vợ chồng chúng tôi cũng quì lễ trước hương linh của người quá cố với chị Minh và hai cháu Chúc Dung, Xuân Dung. Mỗi cháu thay phiên cắm nhang, dâng trà và các món chay trước di ảnh của cha. Hình thờ một anh Cao Xuân Huy quen thuộc với các bạn. Anh cười tươi, nét mặt hồng hào trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến với chữ “Huy 4” ghi trên áo. Trong lúc nhắm mắt chắp tay lắng nghe, tôi có cảm tưởng như bài tụng đều đặn của thầy, những lời khấn nguyện riêng thầm của vợ con, của bạn đang dồn hết năng lượng để đưa hương linh siêu thoát theo nhịp gõ mõ, đánh khánh ngân vang đến một cõi tâm linh tưởng chừng như rất gần mà cũng rất xa. Ngay trong giây phút ấy tôi cũng nhận ra thân tâm tôi được bình an, tạm quên hết mọi thứ, chỉ biết nghĩ đến những điều tốt lành nhất cho người khuất mặt. Thì ra kinh cầu siêu cũng giúp cho người sống được an lạc, siêu thoát bên ngoài những âu lo thường ngày. Thêm một điều thú vị mà tôi không chờ đợi trước khi bước vào cổng chùa.
Bữa ăn sau buổi lễ hôm ấy cho tôi thêm hai niềm vui cũng bất ngờ không kém. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức món mắm và rau chay với bún mà có lẽ còn ngon hơn mắm và rau với thịt cá. Trời hôm ấy rét lạnh, được ăn món mắm quê hương đậm đà ở sân chùa quả là một kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi nghĩ sẽ không có lần thứ hai trong đời. Niềm vui thứ nhì là tôi được gặp lại hai bạn văn Trịnh Y Thư và Nguyễn Ý Thuần. Anh Thư là bạn rất thân với anh Huy, có một thời gắn bó với tờ Văn Học. Riêng anh Nguyễn Ý Thuần, một bạn lính quen anh Huy bay từ San Jose xuống hôm ấy, tôi chỉ nhớ lần cuối gặp anh là hơn hai-mươi năm trước ở một quán nhậu trên đường Bolsa. Anh Thuần vẫn gầy, cao, có phần trắng trẻo hơn so với ngày xưa. Nghe anh nói “Đạt vẫn vậy,” tôi phì cười, nghĩ anh quá lịch sự không nỡ chê tôi dạo này vừa bạc tóc vừa mập tròn.
Chủ Nhật tuần sau tôi cũng đến chùa Văn Thù dự lễ cầu siêu mặc dù không có vợ “dẫn dắt.” Bữa hôm ấy khá đông người vì có một vị hòa thượng từ xa đến làm lễ Vía Phật A Di Đà. Đến phần cầu siêu, tôi chú ý một bài kệ mà vợ từng đọc thuộc lòng với mọi người trong buổi lễ hôm trước. Về nhà, tôi hỏi vợ về bài “kệ” không thấy trong cuốn Nghi Thức Cúng Ngọ. Nàng nói rằng đó là bài “Đảnh Lễ” đơn giản mà ai thường đến chùa cũng thuộc. Biết mấy cuốn kinh ở nhà có bài đó, vả lại bài chỉ có ba phần ngăn ngắn, tôi bỗng muốn học cho thuộc bài ấy.
Đoạn đầu ngắn nhất trong ba đoạn, nên tôi học thuộc trong vòng năm phút. Kể cũng khá giỏi cho một người đã tới tuổi quên trước quên sau, thất lạc những món đồ lặt vặt.
“Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không, biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo.”
Đoạn thứ nhì khó nhớ mà đến bây giờ tôi vẫn còn vấp. Học đến đoạn thứ ba thì tôi mừng rơn vì biết sắp hết bài. Buổi tối Chủ Nhật hôm ấy, nhân lúc dắt con Kiwi đi bộ cho cả chó lẫn chủ cùng tiêu mỡ, tôi lâm râm ôn lại bài “Đảnh Lễ” giữa lúc băng qua đường, suýt quên những dòng xe xuôi ngược từ khu phố Bolsa.
Tuần thứ ba đến chùa Văn Thù, tức buổi cầu siêu thứ năm, chúng tôi đến trễ vì một cơn giông tố đang trút mưa ở mức kỷ lục xuống Nam California. Dọc theo xa lộ có những chiếc xe bị tai nạn nằm móp méo bên đường. Vào chùa chúng tôi nghe chị Minh kể anh Huy đã “phù hộ cho mấy mẹ con.” Nghe thêm mới biết chiếc xe do con chị lái đã quay 360 độ trên một đoạn xa lộ mà hầu như chiếc nào cũng bị trượt một vòng rồi tung vào xe khác. Vậy mà xe chị không đụng ai. Bữa hôm ấy tôi có một niềm vui riêng là có thể tự đọc bài “Đảnh Lễ,” không phải nhắp môi theo vợ.
Tuần cầu siêu thứ sáu cho anh Huy, tôi lại đi một mình vì vợ bận đi làm. Hôm ấy vừa sau lễ Giáng Sinh, chùa vắng so với mấy tuần trước. Cũng may là lúc nào ban hộ niệm cũng đông đủ, tụng kinh hùng mạnh với thầy để giúp mấy Phật tử quờ quạng như chúng tôi được nương theo. Lần này tôi muốn chú tâm đọc kinh mạnh theo mọi người để trợ lực cho anh Huy được vãng sanh. Bữa hôm ấy thầy mở đầu bài giảng với lời chào “Merry Christmas” đến mọi người, nghe “dễ thương” vô cùng. Bài giảng nhắc nhở mọi người hãy tặng cho nhau những món quà tình thương.
Rời chùa trưa hôm ấy, tôi nhớ đến một đoạn kinh trong Nghi Thức Cúng Ngọ nghe thầy đọc hơn một chục lần. Về nhà hỏi vợ (cái gì cũng hỏi vợ, thiệt chán), tôi được biết đó là bài Chú Đại Bi mà nhiều Phật tử đã in trên hàng nghìn tấm thẻ nhỏ để phân phát ở các chùa. Mặt ngoài của thẻ có hình Quán Âm Bồ Tát. Vợ tôi cũng có một tấm, đang học thuộc gần hết bài chú ấy.
Ban đầu tôi cũng tính học nằm lòng, nghĩ rằng mình có thể “hồ hởi xông lên” từ khí thế nhớ hết bài Đảnh Lễ để học thuộc luôn Chú Đại Bi. Thế nhưng Chú Đại Bi dài quá, lại có nhiều mật ngữ nên tôi chịu thua. Kinh gì mà toàn là “Ma ha tát đỏa bà da, Ma ha ca lô ni ca da” với “Án, A bà lô hê, Lô ca đế, Ca ra đế, Di hê rị.” Không hiểu đã đành, mà mặt chữ sao gần giống nhau, khó nhớ thấy mồ.
Hai câu đầu tương đối dễ nhớ, “Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát, Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni,” đến câu thứ ba thì tôi chịu thua mấy chữ Ấn Độ, phải đưa mắt xuống đọc bài chú trên tấm thẻ cầm trên tay.
Tuần thứ bảy cúng chung thất cho anh Huy rơi vào dịp đầu năm 2011. Hôm đó có nhiều người đến dự, kể cả vợ chồng anh Trịnh Y Thư và vài người từ San Jose, và một nhóm năm, sáu ông bạn lính cũ mà cũng là bạn nhậu của anh Huy. Mấy ông bạn ở tuổi trên dưới sáu-mươi-lăm này không vào chánh điện dự lễ mà đứng bên ngoài trò chuyện. Buổi cầu siêu thất tuần là buổi đông nhất mà tôi thấy từ ngày đến chùa Văn Thù. Lần này tôi đọc kinh khá nhuyễn dựa theo sách cầm trong tay, ngay cả bài Chú Đại Bi với những chữ bí hiểm. Có lẽ tụng kinh trong đám đông tạo nhiều năng lực trợ giúp lẫn nhau, nên lời kinh đến dễ dàng hơn chăng?
Mặc dù được nhiều người đọc kinh trợ lực trong suốt bốn-mươi-chín ngày, liệu anh Huy có siêu thoát? Tôi thắc mắc vì trong giờ ăn trưa hôm đó, ngồi cùng bàn với mấy ông bạn của anh Huy, tôi nghe một ông kể rằng mới bữa trước anh ấy đã hiện về để khều chân rủ bạn đi uống cà phê, một ông khác nói anh có ghé để nhắc bạn đi nhậu. Nghe mấy ông bạn kháo nhau chuyện “Halloween” như vậy, chị Minh vừa cười vừa nói rằng chị chẳng thấy anh về nhà một lần nào. Chị không nói thêm mà sao tôi cảm được một niềm tin vững chắc ở nơi chị. Từ ngày đến chùa cầu siêu, chúng tôi mới biết chị Minh thường đi chùa và hành thiền. Trong những lần gặp nhau ở những bữa tiệc trước đây, chúng tôi chưa bao giờ nghe chị nhắc đến đạo. Chỉ biết chị là một người hiền, điềm đạm, an nhiên tự tại. Đến khi anh mất chúng tôi mới biết anh chị theo đạo Phật. Tôi học thêm một tấm gương khiêm tốn ở nơi chị Minh. Buổi cúng chung thất hôm đó cũng là ngày tôi thấy chị vui hơn những bữa trước. Thể nào anh cũng mãn nguyện trước niềm vui của mọi người, để an tâm siêu sanh đến một cõi khác.
Từ ngày hết ghé chùa “dễ thương,” tôi bắt đầu vương vấn những lời kinh và các món chay. Quen ăn chay trong suốt ngày Chủ Nhật mỗi lần đến chùa Văn Thù, tôi bớt thèm thuồng các món mặn. Ngày nào vợ không kịp nấu thức ăn trước khi đi làm, tôi “xin” nàng cho tôi được ăn cơm với rau luộc và một miếng đậu chiên. Tôi viện lý do dạo này bác sĩ yêu cầu tôi phải bớt ăn thịt, trứng. Thay đổi này cũng bất ngờ ngay đối với tôi. Mới mấy năm trước, mỗi dịp rằm hoặc đầu tháng âm lịch nghe vợ báo “Ngày mai mình ăn chay,” tôi thừ mặt lộ vẻ chán chường thấy rõ, rên rỉ “Mới ăn đó mà lại ăn chay nữa sao?” Nay tôi vẫn ăn món mặn nhưng ao ước được thế bằng món rau.
Một vương vấn khác nữa là bài Chú Đại Bi. Tôi vẫn ngán bài chú dài với nhiều chữ khó hiểu, khó thuộc, thầm nghĩ một ngày nào đó nếu có một tín hiệu thì tôi sẽ cố gắng học làu làu bài ấy. Mới nghĩ vậy hôm trước, hôm sau tôi thấy tín hiệu hiện ra ngay trong một bữa ăn. Nói hiện ra không đúng, mà phát ra thì chính xác hơn.
Chiều hôm thứ Bảy vừa rồi, vợ chồng tôi đến nhà thầy Nguyễn Phú và cô Ngọc Ẩn, trước để thăm hỏi, sau được ăn cơm “nhà quê.” Thầy Phú từng dạy Việt Văn ở Biên Hòa trước năm 1975, được nhiều học trò cũ quí mến mà trong đó có vợ tôi. Cũng qua tình thầy trò ở những buổi họp mặt của hội cựu học sinh Ngô Quyền, tôi được biết sơ về thầy và cô. Đến thời gian gần đây, đúng lúc tôi đang bị quái khách tuổi trung niên đánh tơi bời, rời xa hết bạn bè, đầu óc đang hướng tới một con đường mới, cô bỗng nhắc thầy rủ chúng tôi đến nhà chơi, trước là cho hai đứa ăn các món mà thầy cô gọi là cơm “nhà quê,” sau nghe tâm sự “chuyện đời tôi” của hai đứa.
Thầy cô Phú sống trong một khu chung cư dành cho cao niên trên đường Garden Grove. Từ cửa sổ của căn hộ 403 nhỏ gọn của cặp vợ chồng lớn tuổi, chúng tôi có thể thấy nhà thờ Crystal Cathedral phản chiếu ánh nắng hoàng hôn bừng sáng giữa khung trời chiều mùa đông. Ngay từ lần đầu mới gặp, tôi cảm động khi biết thầy cô thương chúng tôi, khuyên bảo như con trong nhà. Họ sống khiêm tốn, thanh tịnh, tình nghĩa “trung đạo” như lời khuyên của thầy. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết thầy cô có khiếu nấu ăn, rất sành các món ngon miền Nam. Mấy lần ăn ở nhà thầy cô, tôi nhận thấy không có tiệm nào ở Bolsa lại có những món “nhà quê” tuyệt hảo như vậy. Tình thương của họ làm cho tôi có phần thiên vị, tôi biết, nhưng tôi vẫn tin chắc không có tiệm nào ở đây có món ngon như ở nhà thầy Phú.
Như hai lần trước từng đến thăm thầy cô, chiều thứ Bảy hôm ấy chúng tôi cũng ngồi lại mấy tiếng đồng hồ sau bữa ăn chỉ để “tâm sự,” uống trà thầy pha, nhâm nhi những miếng lê mát rượi được cô gọt sẵn cất trong tủ lạnh. Cô mới mổ mắt, cần đeo một cặp kiếng đen che gần nửa mặt để khỏi bị chói ánh sáng. Lúc dẫn khách trong hành lang, thầy đã nhắc cho chúng tôi biết trước như để chuẩn bị tinh thần rằng hôm nay cô thuộc thành phần “xã hội đen.” Đến khi buổi “tứ thoại” quay sang chuyện đạo, cô bỗng kể lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tu theo pháp môn Tịnh Độ mà cô đã bắt đầu từ mấy chục năm trước. Mỗi lần thỉnh được một cuốn kinh, cô xem đó như một dấu hiệu khích lệ tinh tấn trên đường tu.
Nghe đến đó, tôi nghĩ đến bài Chú Đại Bi mà tôi đang bị cản trở, học không vô. Rồi như đoán biết tâm tư u tối của tôi, cô Ngọc Ẩn đằng sau cặp kiếng “xã hội đen” bỗng phán một câu, “Hai đứa ráng học thuộc Chú Đại Bi đi, rồi cô sẽ chỉ cho nghi thức tụng niệm hay lắm, linh nghiệm vô cùng.”
Nghe vậy tôi giật mình. Đang ngán chuyện học kinh, tính câu giờ bằng cách chờ một tín hiệu đáng tin cậy thì mới tiếp tục, ai dè tín hiệu đến ngay tức khắc từ một phụ nữ hiền hòa, chất phác nhưng lại rất quả quyết về chuyện tu. Phải chăng cơ duyên đã tới để khuyên tôi hãy cố lên vì mình đang đi đúng đường?
Rời nhà thầy cô, tôi vẫn nghĩ đến lời khuyến khích “tụng niệm hay lắm” của cô, đến những cơ duyên đẩy đưa chúng tôi vào một cuộc hành trình mà tôi đang cảm thấy hứng thú vô cùng. Chỉ mới sau một kinh nghiệm dự lễ cầu siêu lần đầu, tôi học được bài Đảnh Lễ và đang luyện bài Chú Đại Bi. Biết đâu tiếp tục cầu siêu thêm nữa cho người thì chính bản thân tôi cũng sẽ được thêm lợi lạc về tinh thần. Tôi không cầu mong các bạn tôi sớm ra đi để tôi “được” tụng kinh cầu siêu cho họ. Nhưng nếu đến lúc phải rời cõi ta bà này, bạn hãy yên tâm vì tôi sẽ cầu siêu cho bạn với hết khả năng mặc dù còn thấp kém, nếu tôi biết tin bạn mất. Điều đó tôi xin hứa.
Còn chuyện học thuộc bài Chú Đại Bi?
Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế. Thước bàn ra dạ. Ta bà ha.
Án, tất điện đô. Mạn đa ra. Bạt đà da. Ta bà ha.
Thế nào tôi cũng học thuộc. Ráng. Nếu không thuộc bài thì sẽ không ăn cơm “nhà quê,” sẽ không nhìn vợ, sẽ không viết tạp ghi nữa. Chà, quyết tâm kiểu đó coi bộ không khá. Thiệt thòi mọi mặt. Thôi “thề” lại đi. Nếu không học thuộc tôi vẫn thăm thầy cô nhưng phải làm việc lành mới được ăn món quê, vẫn nhìn vợ âu yếm nhưng phải trong tình bạn đạo, và vẫn viết với tấm lòng thương yêu vô hạn nhưng không được viết dài dòng, khiến người đọc phát mệt.
Chu choa nghe dễ thương không quí vị?
(Westminster, 20 tháng Giêng, 2011)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.