Một số hình ảnh về Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ (1928-2020)

*Đọc 9 phút*

Bài và hình DUYÊN GIÁC NGỘ

Hóa duyên nay đã mãn rồi
Thâu thần nhập phách quy hồi chơn nguyên
Hồng trần nhẹ gánh chơi ba cõi
Mỗi niệm tùy duyên độ chúng sanh.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 Mậu Thìn, tại xã Thanh Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời thờ Phật. Thân sinh ngài là cụ Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu ngài là cụ Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Ngài có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và ngài là con út.

Năm 1934, ngài theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia theo Hoà thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, được cho pháp danh Quảng Độ, tu học tại Phật học viện Quán Sứ ở Hà Nội.

Năm 1944 Ngài thụ giới Sa di, năm 1947, thụ giới Cụ túc. Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Bắc Việt do cố Hoà Thượng Thích Tố Liên lãnh đạo cử Ngài đi Tích Lan theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.

Năm 1953 Ngài qua Ấn Độ, theo học tại Đại học Vishva Bharati University, Santiniketan ở Tây Bengal. Trong thời gian du học Ấn Độ, ngài có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây tạng…Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963 Ngài bị bắt cùng chư Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, đông nhất tại hai thành phố Saigon và Huế.

Sau cuộc đảo chính của giới quân nhân ngày 01/11/1963 ngài được tha về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, di chuyển phải bò vì không thể đứng trên hai chân. Vì vậy mà sau khi được phóng thích, ngài nghỉ trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, ngài mới bình phục về nước. Trên đường về ngài ghé các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường :

– Phật học viện Huệ Nghiêm.
– Phật học viện Từ Nghiêm.
– Phật học viện Dược Sư.
– Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon).
– Viện đại học Hoà Hảo (An Giang).
– Giáo Hoàng Học viện Piô X (Dalat).

Năm 1972, ngài tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong chức vụ Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hoá Đạo.

Năm 1974, Đại hội kỳ 6 bầu Ngài làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trên phương diện trước tác, thì các Kinh sách Ngài đã phiên dịch hoặc viết ra từ năm 1958 cho đến năm 1975 của thế kỷ trước gồm có :

– Kinh Mục Liên, 3 quyển.
– Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 7 quyển.
– Truyện Cổ Phật Giáo
– Thoát Vòng Tục Luỵ (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân.
– Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
– Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
– Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
– Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan.
– Dưới Mái Chùa Hoang (tập truyện phóng tác).

Sau biến cố 1975 Phật giáo Việt Nam hòa cùng vận nước bước vào giai đoạn khó khăn, trắng đen lẫn lộn. Vì không đồng ý việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quản lý, giám sát GHPGVNTN, Ngài kêu gọi biểu tình đòi tự do tôn giáo.

Ngày 6/4/1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh ở Sài Gòn do Bộ Nội vụ quản lý, cùng với cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Huyền Quang, v.v… Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, nên sau 18 tháng tù giam, ngày 10/12/1978 Nhà cầm quyền cộng sản đưa ngài ra Tòa án Nhân dân thành phố Sài Gòn xét xử, kêu án 2 năm tù treo và quản chế tại chỗ. Ngài phản đối việc Cộng sản chính trị hóa và công cụ hóa Phật giáo, nên Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang bị Nhà cầm quyền bắt ngày 25/2/1982, trục xuất khỏi thành phố Sài Gòn, dùng xe công quyền chở về lưu đày nơi nguyên quán miền Bắc tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Năm 1994, theo lời giao phó của Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Ngài đứng ra tổ chức lại cơ cấu hoạt động của GHPGVNTN, mà việc đầu tiên là Ngài ra lệnh cho tất cả cơ sở của Giáo hội dựng bảng hiệu GHPGVNTN trên các chùa viện của mình. Cuối năm 1994, nạn bão lụt trầm trọng xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long, Ngài tổ chức phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ, Ngài bị bắt ngày 4/1/1995 cùng với chư Tăng trong đoàn cứu trợ là các Thượng toạ Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Toà án Nhân dân Sài Gòn đem ra xử hôm 15/8/1995, Ngài lãnh án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội đi cứu trợ.

Tháng 9 năm 1998, Ngài được tự do và bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Đô Thành Sài Gòn.

Thời gian bị lưu đày 10 năm ở tỉnh Thái Bình, Ngài khởi công dịch bộ Phật Quang Đại từ điển gần tám nghìn trang. Công việc chưa hoàn tất thì bị bắt. Ngài mang theo ra nhà tù Ba Sao làm tiếp. Nhưng quản giáo nhà tù ngăn cấm. Ngài phải tranh luận quyết liệt mới được ban quản trại chấp thuận. Nhưng ngày ân xá vào cuối năm 1998, ban giám trại không cho ngài mang công trình dịch thuật theo về, bảo rằng Ngài phải làm đơn xin để họ xét. Ngài bảo rằng công trình của tôi dịch thuật, mà nay phải đi xin các ông ư ? Ngài bỏ lại công trình này ở Ba Sao, và phải mất 2 năm sau mới hoàn tất lại việc đã làm trong tù. Bộ Phật Quang Đại Từ điển xuất bản 6 tập (7374 trang, khổ 18×25) năm 2000.

Phải đọc công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ Điển mới thấy học thuật Hòa thượng thâm viễn, ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, và thù ứng với các từ Hán, Phạn tương đương. Tinh thông, nhuần nhuyễn, thanh thoát qua từng câu văn. Không còn là một tác phẩm dịch thuật, mà là tác phẩm văn chương trong lĩnh vực triết học và tư tưởng Phật giáo qua ngôn ngữ Việt. Vừa tường giải, vừa đối chiếu, mỗi từ mục là một bài thâm nhập giáo lý siêu thoát nhưng thực chứng của đạo Phật.

Năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN

Tháng 9 năm 2006, Ngài được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto. Ngoài ra nhiều lần Ngài cũng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình.

Năm 2008 cố đệ tứ tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch, hòa thượng Thích Quảng Độ được chọn làm tăng thống thứ năm của GHPGVNTN. Trong khi chờ chính thức lĩnh nhiệm thì Ngài là Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống. Đến tháng 11 năm 2011 trong kỳ Đại hội kỳ IX của GHPGVNTN tổ chức tại chùa Điều Ngự Westminster, California thì Hòa thượng Thích Quảng Độ mới nhận chức là Đệ ngũ Tăng thống GHPGVNTN cho đến nay.

Ngày 15/9/2018 Hoà Thượng Thích Quảng Độ bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện ở thành phố Sài Gòn, nơi ngài đã tá túc hàng chục năm qua sau khi ra tù vào năm 1998. Kể từ khi bị đuổi khỏi Thanh Minh Thiền Viện, đức Tăng Thống đã phải rày đây mai đó và cuối cùng vào ngày 5/10/2018, ngài đã rời Sài Gòn về quê quán của mình ở Thái Bình.

Sau 27 ngày ở nơi quê quán tỉnh Thái Bình, chiều ngày 22/11/2018 Ngài trở lại Sài Gòn trú tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8 nơi Hoà thượng Thích Nguyên Lý làm Viện chủ.

Thế rồi, vạn pháp duyên sanh, hữu sanh hữu tử, hữu hình tất hữu hoại, thân tứ đại của Hòa thượng theo năm tháng mõi mòn trong sanh diệt. Hòa thượng đã mãn nguyện Ta bà, thuận lý vô thường, trở về cõi Niết bàn vô tung bất diệt vào vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 nhằm ngày 29/1 năm Canh Tý, Phật lịch 2563 tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Hưởng thọ 93 tuổi.

Người xưa nay đã còn đâu
Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương.

Sự ra đi của Hòa Thượng là một mất mát, trống vắng vô cùng to lớn cho Giáo Hội. Để lại vô vàn tiếc thương trong lòng hàng triệu người Phật tử Việt Nam, bơ vơ giữa thế cuộc thăng trầm, dẫy đầy yêu ma ác quỷ. Những người ở lại, khác nào đàn con mất mẹ, lạc lõng giữa bầu trời nhiều phong ba bão tố.

Ngưỡng mong những người ở lại sẽ noi theo đức tánh hiền hòa, bao dung nhưng quả quyết của Hòa Thượng, cùng nhau tương kính tương thuận trong tình tự Linh sơn cốt nhục, đoàn kết một lòng, nối tiếp sự nghiệp hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh.

NGUYỆN CẦU GIÁC LINH ĐỨC ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC, SỚM HỘI NHẬP TA BÀ ĐỂ HÓA ĐỘ CHÚNG SANH 

Từ trái sang phải: Hòa thượng Thích Quảng Độ, Nhật Thường, Thích Nhật Ban, Đồng Ngọc, Thích Trí Lực, Thích Không Tánh bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra xét xử tháng 8 năm 1995 tại Sài Gòn.
Từ trái sang phải: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu) và Hòa thượng Thích Quảng Độ sau những thăng trầm trong lao tù cộng sản đã gặp nhau năm 1997.
Hòa thượng Thích Huyền Quang (bên phải) và Hòa thượng Thích Quảng Độ (bên trái), tại chùa Hội Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi trong thời gian Hòa thượng Huyền Quang bị nhà cầm quyền cộng sản quản thúc tại đây từ năm 1983 – 1995.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Đạt (bên trái) cùng với Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vào ngày 15/2/2013.
Vì không đồng ý việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quản lý, giám sát GHPGVNTN. Ngài kêu gọi biểu tình đòi tự do tôn giáo. Ngài bị bắt giam từ tháng 6 năm 1977 đến năm 1982 thì nhà cầm quyền cộng sản trục xuất Ngài về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Hòa thượng Thích Thanh Quang và Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
Đức Tăng Thống ngồi làm việc trên giường ở liêu phòng Thanh Minh Thiền Viện. Hình chụp ngày 12/5/2018
Đức Tăng Thống xem tài liệu ở liêu phòng Thanh Minh Thiền Viện. Hình chụp ngày 11/7/2018
Đức Tăng Thống trong toa tàu 9 giờ sáng ngày 5/10/2018 từ Sài Gòn về Thái Bình
Thượng Toạ Thích Từ Giáo Đại diện Tăng Đoàn GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị đến thăm Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ngày 13/10/2018 tại Thái Bình.
Chư Tôn Đức, Phật tử vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại quê nhà của Ngài ở Tiền Hải, Thái Bình ngày 25/10/2018.
Chư Tôn Đức, Phật tử vấn an Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại quê nhà của Ngài ở Tiền Hải, Thái Bình ngày 25/10/2018.
Chư Tôn Đức Vấn An Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 Sài Gòn ngày 27/11/2018. Từ trái sang: Hòa thượng Thích Nguyên Lý, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Quảng Tôn, Hòa thượng Thích Thiện Minh.
(1928-2020)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Một số hình ảnh về Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ (1928-2020)

  1. Nam mô A Di Đà Phật,

    Con thành kính tri ơn công đức của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đối với con dân nước Việt. Cầu xin Tăng Thống phù hộ cho dân Việt sớm được thoát ách Cộng sản để sống trong Tự do, Dân chủ.

    Phật tử Tuyết Minh xin được thọ tang ngài.
    North Dallas, Texas.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *