Bài PHAN TẤN HẢI
Tập hồi ký – nhan đề “Trung Kiên Với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul” của Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân- gói gọn gần trăm năm lịch sử của gia tộc ông dự kiến sẽ ra mắt tại Quận Cam vào giữa tháng 2/2020.
Buổi giới thiệu sách sẽ được thực hiện tại: Westminster Community Service Center, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683 vào ngày 15/02/2020 từ 1:00pm-4:00pm.
Trong khi chúng ta thấy rất nhiều tập hồi ký về thời kỳ những năm sau 1975, sách này của TS Đinh Xuân Quân sẽ kể về gia tộc họ Đinh xuyên suốt gần 100 năm lịch sử, chiếu rọi thêm ánh sáng về thời Việt Minh tan rã, dẫn tới thời kỳ CSVN truy sát người quốc gia, rồi tới thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, và thời kỳ sau 1975.
Trong tập hồi ký có ghi lại một số sự kiện, từ điểm nhìn và hoàn cảnh của tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua thời kỳ Hoàng Đế Bảo Đại – trong đó, thân phụ tác giả Định Xuân Quân là cụ Đinh Xuân Quảng từng giữ các chức Bộ Trưởng trong nhiều nội các của Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Thủ Tướng Hoàng Thân Bửu Lộc – trở về nghề thẩm phán dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, soạn thảo Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa và tranh cử Quốc Hội Lập Hiến (1966-1967)…
Chuyện kể từ điểm nhìn tác giả Đinh Xuân Quân ghi nhận từ những ngày thơ ấu, chứng kiến những sóng gió trong gia tộc họ Đinh trong thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, được cơ duyên đi du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, khi ra tù may mắn vượt biên thoát, vào làm việc cho một số dự án Liên Hiệp Quốc về phát triển kinh tế các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam… Cũng nên nhắc rằng, em ruột của TS Đinh Xuân Quân là Bác sĩ Quỳnh Kiều, một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng.
Tập hồi ký ghi lại nhiều sự thật cay đắng của lịch sử, sẽ làm nhiều nhà hoạt động và nhiều tổ chức buồn lòng khi được nhắc tới lịch sử một thời, và dĩ nhiên là người cộng sản không hề vui với chuyện kể gần 100 năm chống cộng của gia tộc họ Đinh.
Nhà văn Phạm Phú Minh khi viết Lời Bạt trong hồi ký của Đinh Xuân Quân, ghi nhận, trích:
“Đinh Xuân Quân là một người có học vấn cao, đã tốt nghiệp Đại Học Sorbonne Paris, Đại Học Temple ở Philadelphia Hoa Kỳ và tại Viện Đào Tạo của Ngân Hàng Dresdner Bank, Frankfort am Main, Đức Quốc. Khi anh ghé Tòa soạn báo Thế Kỷ 21 để đưa bài và làm quen với tôi vào khoảng năm 1993 thì anh đã đi làm việc tại khá nhiều quốc gia rồi, đã đem tài “kinh bang tế thế” của một kinh tế gia có nền học vấn uyên thâm cộng với tinh thần dấn thân đến giúp những quốc gia nghèo tại Phi châu, Á châu. Các bài anh viết cho báo chí vì thế là những bình luận, phân tích từ những hoàn cảnh rất cụ thể chứ không quá nặng về lý thuyết.
“Tại tòa soạn Thế Kỷ 21 tôi là người có trách nhiệm đọc, chọn (và sửa chữa nếu cần) các bài viết của các tác giả cộng tác, sao cho sáng sủa gãy gọn, trở nên dễ hiểu hơn đối với độc giả của mình. Ngoài việc hiểu nhau qua những bài viết, tôi và anh còn trở thành bạn thân của nhau, luôn luôn góp ý cho nhau về những vấn đề trong đời sống. Đặc biệt Quân là nhà tài trợ hào phóng cho những bạn bè gặp khó khăn, và riêng với những dự án in ấn tốn kém của tôi như về hội họa hoặc các kỷ yếu văn học, anh đã giúp một tay rất đáng kể để vượt qua các khó khăn về tài chánh. Anh là một người xởi lởi vui vẻ – đồng thời có nguyên tắc sống rất cao. Anh luôn luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình cộng với tinh thần của một Hướng Đạo Sinh từ thời niên thiếu, luôn luôn sẵn sàng giúp đời, giúp người.
“Sau khoảng 10 năm “lăn lộn” với các quốc gia nghèo ở châu Phi để đem lại sự trù phú cho họ, vào khoảng giữa thập niên 1990 bạn Đinh Xuân Quân bắt đầu nhận công tác tại Việt Nam. Cũng thật oái oăm, vào năm 1975, phe thắng trận tại Việt Nam bắt kinh tế gia Đinh Xuân Quân tống vào trại “cải tạo” để lo việc cuốc đất gánh phân, hai mươi năm sau họ lại đón chào cũng kinh tế gia này do Liên Hiệp Quốc gửi đến để cải tạo nền kinh tế Việt Nam sao cho phù hợp với cách làm ăn thịnh vượng của thế giới văn minh. Chính quyền cộng sản tại Việt Nam đã nhìn thấy đổi mới là con đường bắt buộc phải theo để đất nước trở nên khá hơn sau những năm dài tăm tối theo phương thức sản xuất kỳ quặc xã hội chủ nghĩa, nhưng đổi như thế nào, mới như thế nào chính là nhờ những bàn tay giàu kinh nghiệm cộng với kiến thức phong phú của những chuyên gia như Đinh Xuân Quân. Ngoài tư cách là chuyên gia kinh tế đã đến và giúp rất nhiều nước kém phát triển trên thế giới thoát cảnh nghèo đói, Đinh Xuân Quân còn đến Việt Nam với tư cách là một người Việt Nam rất yêu thương đất nước và dân tộc của mình. Dù nhiều khi phải đối diện với guồng máy quái lạ của một nước quen với hệ thống độc tài đảng trị, anh vẫn kiên nhẫn mang hết tâm tình và năng lực của mình để sửa đổi một nếp sản xuất chỉ đem lại sự nghèo đói và bất công.” (ngưng trích)
Trong khi đó, GS Lê Xuân Khoa trong Lời Tựa sách “Trung Kiên Với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul” của Tiến Sĩ Kinh Tế Đinh Xuân Quân, ghi nhận, trích:
“…Mặc dù nội dung cuốn sách đề cập đến kinh nghiệm của tác giả qua ngót 40 năm làm cố vấn cao cấp về cải cách và phát triển tại trên 20 quốc gia chậm tiến (trong đó một số nước được trở lại nhiều lần), điều đáng chú ý là tác giả đã được LHQ và Hoa Kỳ gửi về Việt Nam làm việc hai lần với tư cách cố vấn chính phủ nhưng có thành tích là một cựu tù cải tạo đã trải qua ba năm bị xỉ nhục và hành hạ tàn nhẫn chỉ vì là chuyên gia phát triển kinh tế của “ngụy quyền” miền Nam.
“Trong mấy chục năm làm “chuyên gia đi xây dựng xứ người” tại những quốc gia có chế độ chính trị, lịch sử và phong tục tập quán khác nhau, TS Đinh Xuân Quân đã rút được nhiều kinh nghiệm về các vấn đề cải cách bộ máy hành chánh, kỹ thuật tổ chức và quản trị xí nghiệp, hệ thống giáo dục, đào tạo chuyên gia và lãnh đạo tương lai, xây dựng kinh tế thị trường, nhất là tìm kiếm giải pháp thích hợp cho những vấn đề phát triển ở những cựu thuộc địa bị thực dân bóc lột và một số nước theo mô hình xã hội chủ nghiã của Liên Xô hay Trung Quốc.
“Có một số chuyện thú vị về tình trạng cạnh tranh viện trợ giữa hai khối Tư bản và Cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm lôi cuốn các nước nhỏ yếu về phe mình. Như trường hợp Guinée, nông dân cần máy cày thì không hiểu vì lý do gì Sứ quán Nga lại gửi tặng cả trăm máy dẹp tuyết. Có những nỗ lực sửa đổi thành máy cày nhưng thiếu đồ phụ tùng lại gặp thời tiết ở Guinée ẩm thấp vì nhiều mưa nên chẳng bao lâu các máy dẹp tuyết đều trở thành đống sắt vụn. Một lần khác, Bắc Hàn cũng viện trợ cho Guinée 40 chiếc máy cày, nhưng chắc là máy phế thải vì máy quá lớn mà chỉ có 20 mã lực nên không đủ sức cày, chỉ có thể dùng để chở lúa. Trong khi đó máy cày và máy ủi đất do Mỹ viện trợ mạnh tới 200 mã lực với đầy đủ phụ tùng và hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên những máy này lại bị phu nhân Tổng thống Sékou Touré “mượn” cho nông trại của bà khiến cho World Bank phải dọa cúp viện trợ mới giải quyết được ổn thỏa.
“Tại xứ Zaire tức Cộng hòa Dân chủ Congo, tác giả đã có một ngộ nhận về thủ tục tiếp đón khách ở một địa phương. Sau khi được thu xếp nơi ăn ở, ông được nữ nhân viên ban nghi lễ hỏi ông có cần “chăn mền” hay không. Vì thời tiết nóng nực ở địa phương, ông trả lời dứt khoát là không cần. Chỉ đến khi người phụ tá địa phương đi kèm giải thích “chăn mền” ở đây có nghĩa là “nữ hộ lý” thì ông mới thấy rằng khả năng tiếng Pháp cấp tiến sĩ của ông vẫn cần phải có thông dịch viên. Tục lệ đón khách này nghe nói có từ thời Zaire là thuộc địa của Bỉ (Belgique). Một hình thức tham nhũng đặc biệt ở Afghanistan là món quà hối lộ không phải bằng tiền bạc mà là sự trao đổi tình dục. Tệ nạn này lại xảy ra ngay trong ngành giáo dục. Nghe tin có chuyên gia quốc tế làm Cải cách Hành chánh, nhiều bà cựu hiệu trưởng hay ứng cử viên làm hiệu trưởng đến gặp riêng tác giả bày tỏ nỗi lo ngại là các ban tuyển chọn thiếu công bằng. Cố tìm hiểu manh mối thì được biết chuyện bình thường ở Afghanistan trong việc tuyển lựa nữ nhân viên là các ứng viên muốn được chọn thì phải có “dầu mỡ” và dầu mỡ ở đây là “quan hệ nam nữ”. Thật rất đáng ngạc nhiên vì trong nước Hồi giáo, nam nữ có quan hệ “bất chính” có thể bị chặt đầu. Một vấn đề nữa là việc sử dụng giáo sĩ trong ngành giáo dục. Dưới thời Taliban, các nữ giáo viên đều bị sa thải và 15,000 giáo sĩ đã được đưa vào thay thế, mà những người này chỉ có trình độ học lực lớp Sáu, không biết gì khác hơn là thuộc lòng kinh Coran.
“Cũng ở Afghanistan, chính phủ có trên 50 bộ với 90 phần trăm công chức không có bằng trung học và 60 phần trăm trên 50 tuổi. Do đó việc cắt giảm các bộ xuống một nửa, đào tạo nhân viên công vụ trẻ để thay thế cho người lớn tuổi rất khó khăn và phức tạp. Sau khi Taliban bị loại và Afghanistan bầu Tổng thống Karzai thuộc khuynh hướng tiến bộ, phụ nữ được sử dụng lại trong công vụ. Khi đó, một quốc gia Hồi giáo khác là Malaysia có trường Quốc Gia Hành Chính gọi là viện INTAN được Ngân Hàng Thế Giới đánh giá cao. Mô hình Malaysia được sử dụng để cải tổ hành chánh tại Afghanistan. Nhiều đợt công chức cao cấp được gửi sang Malaysia để được Viện INTAN đào tạo, trong đó có một số nữ công chức để chuẩn bị cho họ tham gia nhiều hơn trong các dự án phát triển đời sống kinh tế và xã hội Afghan.
“Công việc giúp đỡ cải cách và phát triển không phải ở đâu cũng xuông xẻ như ý muốn. Tác giả đã vô cùng thất vọng và phải xin từ chức khi phục vụ tại Iraq sau thời gian nhà độc tài Saddam Hussein bị loại bỏ. Lý do vì tình trạng xung đột quyền lực giữa các phe Hồi giáo đối nghịch và tình hình thiếu an ninh trầm trọng. Cố vấn quốc tế phải đi gặp các quan chức địa phương để lên chương trình làm việc với họ và bàn cãi về nhiều vấn để phải giải quyết. Mặc dù có mối giao hảo khá tốt với các quan chức địa phương, việc thiết lập dự án ở Iraq mất rất nhiều thì giờ và việc thực hiện rất khó khăn vì xung khắc trong nội bộ chính quyền, và mỗi khi đi ra ngoài đều phải mặc áo giáp, ngồi trong xe bọc sắt, có công-voa hộ tống. Tác giả không thể thoải mái trước tình trạng lãnh lương cao mà “làm ít hay không làm được gì cả.” Ở Afghanistan, tình trạng an ninh cũng rất nghiêm ngặt nhưng làm việc có kết quả rõ ràng. Cuối cùng ông phải bỏ Iraq xin đổi sang Liberia làm cố vấn cho Bộ Nông nghiệp và tại đây đã thành công tốt đẹp.
Kinh nghiệm Việt Nam
“Còn nhiều đặc điểm đáng biết về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nước Á, Phi, Trung Đông và cựu Sô viết, nhưng độc giả Việt Nam cần được biết nhiều hơn về kinh nghiệm cải cách và phát triển của tác giả tại Việt Nam trong vai trò cố vấn của Liên Hiệp Quốc.
“Trước hết hãy tìm hiểu tâm trạng của tác giả khi được Quỹ IFAD của Liên Hiệp Quốc cử về Việt Nam năm 1992 cùng một nhóm chuyên gia để xây dựng dự án phát triển nông nghiệp cho tỉnh Tuyên Quang, Bắc Việt. Tác giả cho biết nhiệm vụ này thoạt tiên làm sống lại nơi ông những hình ảnh kinh hoàng, ghê tởm, đầy uất hận trong ba năm bị đày đọa trong trại tù cải tạo và ông đã phải phấn đấu với lương tâm trước khi quyết định tham gia dự án cứu giúp nông dân nghèo đói ở quê hương. Đây là một chuyến đi ngắn hạn của toán đầu tiên trong ba tháng để thâu thập dữ kiện xây dựng dự án sơ khởi. Các chuyên gia được đưa đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy và dụng cụ, trại nuôi bò và nông trường tập thể (lúc đó nông dân chưa được quyền sản xuất cá thể.) Mặc dù nhà nước thực hiện “đổi mới” đã 6 năm, nông dân vẫn còn quá nghèo đến độ không trả nổi học phí 2 đô-la/tháng cho con em, khác với giáo dục tiểu học miễn phí dưới chính thể miền Nam trước 1975. Một sự kiện gây sốc là tại một nông trường trồng tre để cung cấp cho nhà máy giấy Bãi Bằng có 4,000 thanh nữ xung phong với mấy thương phế binh phái nam. Có một chị trong nông trường ngỏ ý với anh tài xế của nhóm chuyên gia giúp cho chị có một đứa con, để giải quyết vấn đề vật chất và tinh thần. Đối với nông dân dưới chế độ cộng sản thì đứa con sẽ là “bảo hiểm nhân thọ” cho đời sống tương lai của họ.
“Một sự kiện lạ lùng khác là trong chuyến đi xem một đập thủy điện các chuyên gia chỉ thấy có đập mà không có nước, và tất nhiên là không có điện. Lý do là nhà nước không biết cách làm dự án phát triển, nhất là không có nghiên cứu tính khả thi của dự án.
“Một khó khăn tâm lý rất bất lợi cho chính phủ trong việc xin ngoại viện. Đó là tâm lý “biểu diễn” của cán bộ nhà nước chỉ muốn tuyên truyền cho chế độ nên luôn luôn hướng dẫn phái đoàn đi xem những chỗ giàu nhất, đẹp nhất trong tỉnh hay huyện kèm theo những bữa tiệc tùng bia rượu thả dàn mà không biết rằng cần phải cho các chuyên gia quốc tế thấy rõ tình trạng nghèo khổ và nhu cầu thiết thực của nhân dân. Có như vậy các chuyên gia mới có thể làm ngân sách viện trợ thích hợp và đầy đủ. Thật ra thì việc đón tiếp linh đình phái đoàn nước ngoài cũng là cơ hội cho các cán bộ nhà nước được tiêu xài công quỹ và hưởng lợi cá nhân.
Chuyến đi Việt Nam lần hai
“Năm 1994, tác giả được Chương trình Phát triển LHQ cử về Hà Nội làm cố vấn cho Ban Tổ chức Chính phủ (BTCCP) thực hiện Dự án Cải cách Hành chánh. Tuy gọi là Ban nhưng quyền hành BTCCP rất lớn vì là nơi bổ nhiệm và tuyển dụng công chức các cấp tương đương với Bộ Công Vụ VNCH, vì vậy người cầm đầu có chức vụ Bộ trưởng. Bộ máy hành chính XHCN ở Việt Nam không hữu hiệu vì các tỉnh đều tự túc tự cường lại thường cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau. Chính sách viện trợ của Liên Xô là cấp tiền thẳng cho các tỉnh tùy nghi sử dụng, khác với chính sách của LHQ và các nước tư bản là chỉ giải ngân qua trung gian các ngân hàng theo nhu cầu và chương trình được chấp thuận, và việc chi tiêu được quản lý chặt chẽ. Khi Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ từ LHQ và các quốc gia Tây Âu trước khi có quan hệ bình thường với Hoa Kỳ năm 1995 thì đã phải theo các điều kiện và thủ tục khác hẳn với chính sách của Liên Xô.
“Trong những năm đầu, XHCN Việt Nam không quen giao thiệp với Tây phương nên có những trục trặc về lề lối làm việc làm hỏng dự án lớn. Trường hợp tỉnh Quảng Bình là một thí dụ cụ thể. Đây là một thí điểm được Bộ trưởng Tổ chức Chính phủ Phan Ngọc Tường yêu cầu cố vấn LHQ Đinh Xuân Quân làm dự án cải cách. Trở ngại nhỏ đầu tiên là vấn đề công tác phí (per diem) dành cho viên chức phụ trách công tác khi đi xa. Việt Nam không có thủ tục này vì mỗi khi viên chức chính phủ đi công tác ở địa phương nào thì địa phương đó phải lo hết các phí tổn ăn, ở và phương tiện làm việc cho người đó. Cố vấn ĐXQ nêu vấn đề công tác phí với Bộ trưởng về thể lệ quốc tế mà Việt Nam cần áp dụng, vì nếu LHQ trả per diem cho chuyên gia của họ thì chính phủ cũng phải trả per diem cho viên chức của mình, không thể bắt địa phương đài thọ. Sau nhiều tranh cãi và giải thích, cuối cùng Bộ trưởng chấp thuận cấp công tác phí nhưng chỉ cho viên chức đi công tác hưởng 50 phần trăm còn nửa kia phải để lại cho nhân viên ở Hà Nội (?). Tuy nhiên, chế độ công tác phí hiện nay đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam.
“Trở ngại lớn không vượt qua được là vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Đây là “con bò sữa” của các quan chức tham nhũng. Các dự án không có quy trình nghiên cứu tính khả thi, đánh giá và quản lý chặt chẽ dự án mà chỉ có việc xin đầu tư, lỗ lãi thì nhà nước chịu hết. Tỉnh Quảng Bình nổi tiếng về ngành biến chế tôm và cá mực nhưng đa số doanh nghiệp nhà nước đều phá sản vì lỗ nặng. TS Quân cử một chuyên gia Mỹ gốc Việt tới Quảng Bình giúp quản lý dự án nhưng người này phải bỏ về Mỹ vì không thể ký những giấy tờ và hóa đơn “dỏm”. Dự án Quảng Bình bị LHQ đánh giá là thất bại. Một thí dụ khác về viện trợ nước ngoài là BTCCP muốn nhận viện trợ của nước nào thì phải tiếp xúc với Đại sứ nước đó, nhưng muốn vậy thì phải được Bộ Ngoại giao chấp thuận qua những thủ tục rườm rà và tốn kém thì giờ. Trong một trường hợp giúp cho tỉnh Quảng Bình lấy được viện trợ của Hà Lan, TS Quân phải tìm đường tắt là thu xếp một buổi gặp gỡ không chính thức tại một nhà hàng giữa Bộ trưởng TCCP, Đại sứ Hòa Lan và đại diện LHQ. Rút kinh nghiệm thất bại lần trước, lần này quy trình xây dựng dự án, đánh giá tính khả thi và các điều kiện thực hiện được LHQ ấn định rành mach và được Việt Nam cam kết tôn trọng. Ngoài ra, TS Đinh Xuân Quân còn vận động cho sự tham gia của các NGOs, đặc biệt là chương trình y tế toàn diện của Project Vietnam, và được UNDP cử GS Trương Hoàng Lem, nguyên Phó Viện trường Học Viện Quốc Gia Hành Chánh của VNCH, hợp tác trong các chương trình đào tạo cán bộ hành chánh, lại đúng vào thời ký các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải làm Thủ tướng nên dự án Quảng Bình/Hà lan được LHQ đánh giá là thành công, dẫn đến sự mở thêm dự án cho các tinh khác như Nam Định, Đồng Hới, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng với tiền viện trợ của Hà Lan, Na Uy, Thụy sĩ, Đức, Thụy Điển, v.v. Tổng cộng trong ba năm làm việc ở Việt Nam, TS Quân và nhóm chuyên gia LHQ đã xây dựng được 11 dự án trong đó 7 dự án được chấp thuận với tổng số ngân khoản viện trợ không hoàn trả là 40 triệu Mỹ kim.
“Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của quốc tế thành công tại một số tỉnh thành không thể chấm dứt hay thay đổi được bao nhiêu những tệ nạn đã trở thành nền tảng của chế độ, cụ thể là cơ chế quốc doanh và nhũng lạm quyền thế. Nạn cắt xén và gia tăng tiền đầu tư để chia chác của quan chức doanh nghiệp nhà nước dẫn đến thua lỗ và phá sản cơ sở kinh doanh, làm thiệt hại hàng trăm triệu hay cả tỉ đô-la. Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất là một trường hợp thất bại thê thảm trong hàng trăm thí dụ phá hoại của doanh nghiệp nhà nước do ngu dốt và nhũng lạm trong quản lý tài chánh. TS Quân được Ban Tư vấn của Thủ tướng nhờ theo dõi và đánh giá dự án này trong giai đoạn đầu do Pháp thiết kế và sẵn sàng thực hiện. Nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Mỹ là Fluor Daniel ở Orange County, California, được mời tham gia hợp tác đã phải bỏ dở nửa chừng vì lý do kỹ thuật yếu kém và quản lý không minh bạch. Tham nhũng hay “thủ tục đầu tiên” (= tiền đâu?) hay “văn hóa phong bì” đã trờ thành một lề thói tự nhiên trong công việc giao dịch thường ngày. Trong thời gian làm việc ở Quảng Bình, TS Quân đã có dịp dò hỏi cách giải quyết vấn đề “thủ tục đầu tiên” thì được các lãnh đạo cao cấp xác nhận là “nạn tham nhũng nay tràn lan, đạo đức xã hội suy sụp, thành phần cấp từ T. trưởng trở xuống đã bị thoái hóa.” Ông cho biết chính ông đã chứng kiến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa phong bì cho Thứ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư trong một cuộc gặp để xin Bộ chấp thuận một dự án.
“Các dự án cải cách và phát triển do viện trợ từ bên ngoài bắt đầu bị khựng lại từ cuộc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần VIII năm 1996 với sự gia tăng nghi ngờ của phe bảo thủ thân Tàu trong Bộ Chính trị. Tân Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục sự nghiệp đổi mới của người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt nhưng chỉ thành công về kinh tế thị trường kéo theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” do Đảng nối thêm vào. Nói rõ hơn, chừng nào chế độ độc tài toàn trị còn được duy trì, chừng nào nhân dân còn phải tiếp tục nuôi dưỡng hai hệ thống cai trị song hành là Đảng và Nhà nước thì nước Việt Nam còn mãi mãi tụt hậu so với Singapore, Đài Loan hay Hàn quốc, chưa nói đến nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dòng giống Việt đang hiện ra trước mắt. Biết mình có ở lại cũng không làm được gì hơn, năm 1997, chuyên gia cải cách Đinh Xuân Quân quyết định phải từ giã Việt Nam để sang Nhật làm việc cho Viện Đào Tạo của Ngân Hàng Phát Triển Á châu (ADB) tại Tokyo, và hai năm sau lại tiếp tục cuộc hành trình đi “xây dựng xứ người”.
Kiên trung với lý tưởng và chữ TÍN
“Tôi dành phần cuối của bài Tựa này để nói về phần đầu cuốn hồi ký của chuyên gia quốc tế Đinh Xuân Quân khi ông viết về lý tưởng con người của ông được hun đúc bởi gương mẫu của song thân, đức tin Công giáo, cốt cách hướng đạo sinh, cơ sở học thức Tây phương và kinh nghiệm trường đời. Tất cả những yếu tố này được thu gọn vào chủ đề của cuốn hồi ký là Kiên trung với Lý tưởng như một phương châm hoạt động của tác giả từ thời sinh viên cho đến khi trở thành chuyên gia với 40 năm thực hiện những dự án có lợi ích cho quốc gia và quốc tế, và nay đã quá tuổi “cổ lai hy” mới trở về với đời sống gia đình và đóng góp tình nguyện cho cộng đồng.
“Tác giả chịu ảnh hưởng sâu xa của thân phụ về lòng yêu nước của một trí thức trung thành với chính nghĩa quốc gia trong giai đoạn tranh đấu chính trị với Pháp và cộng sản giành độc lập cho Việt Nam từ 1945 đến 1954. Năm 1946, trí thức Đinh Xuân Quảng phải trốn sang Hong Kong sau khi bị cộng sản ám sát hụt trong đợt truy lùng các thành phần đối lập. Ông trở thành cố vấn của cựu hoàng Bảo Đại, giúp điều đình với Pháp để có Hiệp định Hạ Long 1948 và Hiệp Định Élysée 1949 theo đó Hòa ước Patenotre 1984 bị xóa bỏ, Pháp trả lại đất Nam Kỳ và nhìn nhận nền độc lập của Quốc gia Việt Nam. Sau đó ông tham gia vào các chính phủ quốc gia cho tới 1954 khi Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thay cho Bửu Lộc để tham gia hội nghị Genève bị các cường quốc chia đôi đất nước. Từ 1955, dù không hoạt động công khai, ông đương nhiên thuộc thành phần bất đồng chính kiến với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau cuộc đảo chính hụt 1960 của Đại tá Nguyễn Chánh Thi, cả hai ông bà Đinh Xuân Quảng cùng với con trai Đinh Xuân Quân bị Lực lượng Đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn bắt giam về tội chứa chấp nhà đối lập Phan Quang Đán. Khi đó, tác giả còn là học sinh trung học nên chỉ bị giam 8 tháng nhưng cha mẹ đều bị án tù cho đến sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963 mới được thả. Năm 1966, Đinh Xuân Quảng đắc cử dân biểu Quốc Hội, soạn thảo Hiến pháp Đệ nhị Cộng Hòa và trở thành Chủ tịch Quốc hội Lập Hiến năm 1967. Ông mất vì bệnh năm 1971, thọ 62 tuổi. Ông nổi tiếng là một nhà yêu nước đã đóng góp quan trọng cho “giải pháp Quốc gia Việt Nam”, một chính khách thanh liêm, trung thành với lý tưởng quốc gia và bạn bè đồng chí hướng…” (ngưng trích)
Tập hồi ký không phải là một cuốn biên niên sử khô khan. Bạn sẽ xúc động theo từng trang giấy kể lại các chuyển biến lịch sử của quê nhà. Sách là chuyện đời thực của gia tộc họ Đinh, cũng là chuyện đời thực của nhiều triệu gia tộc yêu nước đã tham dự những trận đánh đuổi quân Pháp, hy vọng liên minh quốc-cộng sẽ giúp đất nước độc lập và thống nhất nhưng rồi tan rã khi ông Hồ Chí Minh quyết định tấn công những người có lập trường quốc gia…
Tập hồi ký khởi đầu bằng những dòng chữ kể chuyện gia đình lặng lẽ trong đêm trốn về khu nhà thờ Phát Diệm để tránh nạn cộng sản:
“…một đêm tháng chạp năm 1947, trời lạnh buốt. “Dậy đi các con” Tiếng má thúc giục đã làm hai chị em tôi bừng tỉnh lúc nửa đêm.
“Với tâm hồn non nớt, một cậu bé mới 4 tuổi như tôi cảm thấy có cái gì không ổn. Tôi thấy bà ngoại, cậu, má và U già đi qua đi lại sắp xếp nhiều thứ vào thúng như để chuyển đi đâu.” (ngưng trích)
Thời kỳ ban đầu, Công giáo Phát Diệm liên minh với ông Hồ Chí Minh để chống Pháp, nhưng rồi phải rời bỏ liên minh. Tập hồi ký kể:
“…Bên ngoại của tôi là một gia đình có đạo gốc từ Nam Định. Trong họ có người đã tử vì đạo và đạt tới Á thánh. Hài cốt của ông được giữ tại trường “Sacré Coeur” Nam Định do các sơ trông nom.
“Cậu tôi trước đây đang học năm chót tại trường Y thì nghỉ học vào chiến khu theo Việt Minh chống Pháp. Khi nghe tin gia đình về Phát Diệm, cậu rời bỏ vùng kháng chiến về đoàn tụ cùng gia đình làm bà ngoại tôi vui mừng.
“Má tôi kể: Đức cha Lê Hữu Từ cai quản địa phận Phát Diệm. Địa phận này có rất nhiều giáo dân công giáo sinh sống. Lúc đó đức cha Lê Hữu Từ làm cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh, cả hai đồng lòng chống Pháp. Nhưng từ ngày 24 tháng 10 năm 1946, Đức cha Lê Hữu Từ chống đối Hồ chí Minh vì ông không chấp nhận Cộng Sản. Năm 1947 đã có những đụng độ giữa lực lượng Việt Minh và lực lượng công giáo cứu quốc. Phía Công Giáo cứu quốc của Đức Cha có một số súng ống tuy không nhiều và một ít dân tự vệ…” (ngưng trích)
Thân phụ của tác giả hồi ký là một chuyên gia trong ngành luật. Tập hồi ký kể:
“…Trước đây ba tôi, Đinh Xuân Quảng là công tố viên Tòa Thượng Thẩm Hà nội. Ông phải chạy trốn sang Tàu sau khi bị Việt Minh ám sát hụt. Vào thời gian đó, cũng như ba tôi, rất nhiều người quốc gia khác phải trốn qua bên Tàu vì bị Việt Minh ruồng bố, muốn ám sát. Lúc đó tôi chừng 3-4 tuổi chạy theo má tôi về lánh nạn tại quê ngoại ở Đồng Nghĩa….” (ngưng trích)
Tập hồi ký ghi rằng khi lưu vong sang Trung Hoa, cụ Đinh Xuân Quảng đã gặp và thảo luận với nhiều thành phần đảng phái quốc gia mà đa phần trước đây bị Việt Minh khủng bố. Lúc đó, giải pháp được các nhà hoạt động quốc gia nghĩ tới là bảo hoàng, trích:
“…Các giới trí thức, nhân sĩ, cùng phe phái quốc gia thời ấy đều nghĩ rằng chỉ có cựu hoàng Bảo Đại là biểu tượng cho chính nghĩa Quốc Gia Việt Nam và họ đã cố gắng vận động, yêu cầu cựu hoàng đại diện cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam và chế độ quân chủ nhà Nguyễn vẫn được coi là chính thống…” (ngưng trích)
Năm 1945 lúc ở bên Tàu, cụ Đinh Xuân Quảng tham gia phong trào Quốc gia. Hồi ký kể rằng vài năm sau đó, tríh:
“…Nguyễn Văn Xuân thay mặt phe Quốc Gia ký bản Tuyên Bố chung ở Vịnh Hạ Long (1948). Pháp vẫn tiếp tục giằng co với một chính phủ Quốc gia chưa có thực quyền, thiếu tài chính, không có quân đội và cảnh sát và còn lệ thuộc vào Pháp.
Sau lưng Bảo Đại là các luật gia lão luyện. Họ qua Pháp vận động các phía để đòi Nam kỳ lại cho Việt Nam. Đây là một sứ mạng vô cùng khó khăn mà các chuyên gia cố gắng thực hiện và tránh chiến tranh đổ máu…
…Ba tôi kể lại những khúc mắc, khó khăn khi ký bản tuyên bố chung với Cao Ủy Pháp, ông Bollaert, trên chiến hạm Pháp Dugay Trouin ở Vịnh Hà Long ngày 5 tháng 6 năm 1948. Muốn giữ thể diện quốc gia, Việt Nam phải mướn máy bay Úc để di chuyển.
Sau đó ba tôi đã đi Pháp cùng với phái đoàn luật gia thương thuyết với Pháp về vấn đề độc lập và trà lại Nam kỳ cho Việt Nam. Ông kể lại những khó khăn khi làm việc với Pháp vì phe Quốc gia phải cùng một lúc làm việc với nhiều đảng phái Pháp, dung chính sách ngoại giao để thuyết phục họ trả lại độc lập và thống nhất cho Việt Nam.
Ba tôi cắt nghĩa cho chúng tôi về ý nghĩa của lá quốc kỳ, lá cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho ba miền Nam-Trung-Bắc. Ba tôi kể lại khi ông làm việc trong nội các của Thủ Tướng Nguyễn văn Xuân là khi có quyết định về lá cờ Việt Nam. Lúc đó ba tôi làm bí thư cho nội các Nguyễn văn Xuân, sau đó giữ chức vụ bộ trưởng phủ thủ tướng và là người phối hợp với các bộ khác. Cho đến ngày nay, lá cờ ba sọc đỏ trên nền vàng vẫn còn mang một giá trị rất quan trọng đối với những người quốc gia không Cộng Sản.
Ba tôi đã tham gia nhiều nội các của: Thủ Tướng Nguyễn phan Long, Thủ Tướng Nguyễn văn Xuân, Thủ Tướng Trần văn Hữu, Thủ Tướng Hoàng Thân Bữu Lộc. Ông giữ nhiều chức vụ như Bộ Trưởng phủ thủ tướng, Bộ Trưởng Ngân Sách, Bộ Trưởng Y tế, Bộ trưởng Công vụ, vv…”(ngưng trích)
Trong sách “Trung Kiên Với Lý Tưởng: Cuộc Phiêu Lưu Saigon-Kabul” cũng có nhiều tấm hình quý giá trong thời kỳ này, trong đó có hình chụp tại Đà Lạt vào tháng 1, 1950 – thương thuyết thống nhất quốc gia VIỆT NAM -thành lập chính phủ quốc gia Bảo Đại, trong hình chụp này có cụ Đinh Xuân Quảng.
Tương tự, hình chụp một số Bộ Trưởng (trong đó có cụ Đinh Xuân Quảng) với Thủ Tướng Nguyên Văn Xuân.
Hay là hình các nhà lãnh đạo Công giáo, với ghi chú “Đức Cha Phạm Ngọc Chi, Mai Văn Hàm, Đinh xuân Quảng và Đức Cha Lê Hữu Từ — Hà Nội, 1951” tại trường Lasalle – Puginier.
Tương tự, hình ghi chú “Chính phủ Bửu Lộc 1954 (Tay trái: Bửu Lộc, Bảo Đại) Hàng 2: Nguyễn Quốc Định, Phạm văn Huyến, Phan Huy Quát, Nguyễn Hữu Đệ, Đinh Xuân Quảng, Vũ Quốc Thúc…”
Tập hồi ký kể rằng, sau khi đất nước chia đôi, đời sống của chuyên gia luật Đinh Xuân Quảng tại Sài Gòn cũng đầy sóng gió. Mật vụ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng nhúng tay ám sát nhiều trí thức quốc gia bị xem là độc lập.
Tác giả Đinh Xuân Quân kể lại trong tập hồi ký, trích:
“…Khi mới về nước, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm phải đối đầu với nhiều khó khăn về đối ngoại cũng như đối nội. Đó cũng là thời kỳ các người quốc gia và các đảng phái quốc gia bị bố ráp, truy lùng.
“Ba tôi lúc đó đang làm thẩm phán tại Tòa Thượng Thẩm Saigon. Ba bị chèn ép, phải nghỉ nhưng kiện chính phủ ra Tòa.
“Khi ra ngoài nhà, ba tôi ăn mặc chỉnh tề, đóng bộ (costume và cravate) và đội mũ.
“Lúc đó Tòa Đô chính cho đổi tên đường từ tên Pháp sang tên Việt, từ Gracerie sang Duy tân, số nhà cũng bị đổi theo, từ số 33 thành số 49.
“Lúc đó báo chí đưa tin là có một Pháp kiều đội nón và mặc complet đã bị bắn chết tại số 33 đường Duy Tân. Cảnh sát điều tra. Nhà tôi không biết gì cả. Sau vụ nổ súng tại số 33 thì có người lạ gọi điện thoại tới nhà và hỏi có tổ chức đám tang hay không? Má tôi cầm điện thoại nghe thì giật mình. Chị tôi cũng có mặt lúc đó. Chị tôi kể lại người này kỳ quá, gọi điện thoại đến hỏi nhà mình có đám tang hay không? Khi má tôi trả lời là không có đám tang thì họ cúp điện thoại.
“Đây là điềm xấu vì trong quá khứ ba tôi đã bị ám sát hụt. Vì vậy trong những ngày đó, ba tôi phải đi lánh mặt trong một thời gian. Dĩ nhiên cuộc điều tra của cảnh sát chẳng đi tới đâu. Việc này cho thấy là không những Cộng Sản muốn thủ tiêu những người quốc gia mà ngay cả chính quyền quốc gia Ngô Đình Diệm cũng cho lệnh thủ tiêu những người không đồng chính kiến với họ.” (ngưng trích)
Tác giả kể về thời niên thiếu sinh hoạt trong Hướng Đạo, trích:
“Tôi tham gia Hướng Đạo một thời gian rất dài cho đến khi du học. Khi còn ở Trung học tôi gia nhập đội Hắc Báo, thiếu đoàn Lam Sơn, Đạo Cửu Long, Châu Gia Định. Tôi đã làm lễ tuyên hứa “Trung thành với tổ quốc”, sẵn sàng giúp mọi người và tuân thủ luật Hướng đạo tại một rừng cao su gần Thủ Dầu Một. (Anh thiếu đoàn trưởng Nguyễn Gia Mô bị cảnh sát cho đi an trí, về sau này anh Châu Tâm thế thì thiên tả.) Lời thề Hướng Đạo trên lúc nào tôi cũng giữ và là kim chỉ nam cho cuộc đời tôi…”(ngưng trích)
Tác giả Đinh Xuân Quân kể về thời sóng gió, trích:
“…Khi ở bên Tàu, bác sĩ Phan Quang Đán và ba tôi là hai người bạn cùng cố vấn cho cựu hoàng Bảo Đại. Ba tôi và Bác sĩ Đán đều biết ông Diệm. Ba tôi ở chung với ông Diệm tại Hong Kong. Ông Diệm cùng quê Quảng Bình và học cùng lớp với anh ba tôi. Bác sĩ Đán và ba tôi bất đồng chính kiến với ông Ngô Đình Diệm.
“Năm 1956, ông Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Ông đã thắng với 98% số phiếu. Ông Diệm bỏ chế độ quân chủ, lập Đệ Nhất Cộng Hòa.
“Lúc thủ tướng Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, ba tôi là Thẩm Phán tòa Thượng Thẩm Saigon. Rồi ông bộ trưởng Tư Pháp Thinh vô cớ bãi nhiệm ba tôi. Ba tôi kiện chính phủ ra tòa. Mãi sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, vụ án của ba tôi mới được xử và ba đã thắng kiện trước tòa.
“Trong cuộc trưng cầu dân ý, ông Diệm đã moi móc những chuyện riêng tư của Bảo Đại trước toàn dân. Đây là việc không mấy quân tử.
“Với thời gian, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng trở nên độc tài và gia đình trị. Cho mật vụ theo dõi, bắt bớ các thành phần chống đối, kể cả việc ám sát thủ tiêu, không tôn trọng luật pháp và đạo lý…”(ngưng trích)
Sau khi lực lượng nhảy dù tổ chức cuộc đảo chính hụt, an ninh của TT Diệm bố ráp vì nghi ngờ BS Phan Quang Đán và cụ Đinh Xuân Quảng liên hệ tới cuộc đảo chánh. Thực sự hai người này không liên hệ gì tới quân nhảy dù.
Cậu học sinh Đinh Xuân Quân chứng kiến giây phút mật vụ xông vào nhà nửa đêm vây bắt ba mẹ cậu, trích:
“Tôi hỏi: các ông tới đây có trát tòa hay không? Không thèm trả lời thì các người mật vụ khác đã đẩy cửa nhẩy vào nhà. Họ chạy vào nhà la lối ai là Bs Đán, ai là Đinh Xuân Quảng? Vài phút sau họ không bịt mắt hay làm gì chỉ lôi tôi lên xe chở thẳng vào nhà giam. Tôi nhìn thấy nhiều người đi qua ngã nhà Bảo sinh của BS Tài. Vợ Bs Đán trên lầu nhà bảo sinh Bs Tài đã chứng kiến những gì xẩy ra nơi nhà tôi đêm hôm đó.
“Sau này chúng tôi biết những kẻ đó là người của cậu Cẩn, em út của TT. Ngô Đình Diệm, lãnh chúa của miền Trung. Họ bắt Bs Đán, ba tôi và cả má tôi, một người đàn bà có 4 con nhỏ.
“Lúc ra tòa năm 1963 chỉ có má tôi là phụ nữ duy nhất. Họ kết án gia đình tôi liên quan tới việc ám sát hụt Ngô Đình Diệm.
“Cách bắt bớ người dưới chế độ Diệm cho thấy chính phủ Ngô Đình Diệm trị nước không có kỷ cương, đã lạm quyền quyền hành dùng một đám lâu la nửa đêm đi bắt người, không có trát tòa hay bất cứ giấy tờ gì của ngành Hành pháp hoặc Tư pháp. Từ đó ba má tôi đã phải ở tù trong hơn 3 năm. Cách bắt bớ như thế của chế độ Ngô Đình Diệm ngẫm ra không khác mật vụ KGB thời Stalin, mật vụ Hitler thời Đức Quốc Xã, hay cách của cộng sản Việt Nam ban đêm đến nhà mời đi và không bao giờ thấy trở về.
“Vừa đặt chân đến trại giam tôi bị ăn đòn liền về tội dám hỏi “trát tòa đâu?” Nơi tôi bị tra tấn là một trong nhiều căn phòng phía dưới một biệt thự gần hãng Lambretta, Tân Sơn Nhất. Đây là một trung tâm hỏi cung của Mật vụ, không thuộc cảnh sát quốc gia.
“Sau khi bị đánh đập, còn nằm trên một ghế dài tôi nghe quanh đấy hình như có tiếng người bị tra tấn bằng đổ nước. Lắng tai nghe, đó chính là tiếng rên rỉ của má tôi. Nhìn qua các tấm ván che, tôi thấy má bị cột vào ghế dài và họ đổ nước dã man. Sự việc này làm cho má tôi bị sẩy thai. Thấy bà bơ phờ mệt mỏi, tôi cảm thấy buồn, bất lực, không làm được gì.
“Ba tôi bị nhốt vào một phòng không xa lắm. Rôi chuyển sang phòng lớn hơn, bị tra tấn cùng phải đối chất với nhiều người khác. Ba bị đưa đi đưa về nhiều lần. Có một ngày chúng đem tôi chứng kiến cảnh ba má bị tra tấn và uy hiếp tinh thần. Ba tôi bị nhét giẻ vào miệng cho khỏi la, hai tay bị trói ngược ra sau, cả thân người bị treo lủng lẳng lên trần nhà. Má thì bị tiếp tục uy hiếp tinh thần.
“Trước áp lực ba má vẫn bền chí không khai làm vừa lòng tụi mật vụ. Nhiều người khác, sợ hãi bi tra tấn, đã khai lung tung làm liên lụy tới một số người không nhỏ…
“… Những người bị mật vụ bắt tối hôm đó gồm Bs Đán, ba, má, anh tài xế và tôi. Chúng dùng xe của gia đình tôi để đi bắt thêm những người khác. Chưa kể bắt con chó berger của gia đình tôi để đi lai giống.
“Có thể nói là sự tàn ác và lộng hành của cơ quan mật vụ dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã tiếp tay với Cộng Sản để thanh toán những người Quốc Gia, những người Yêu nước.”
Dù vậy, chế độ ông Diệm vẫn nhân đạo hơn chế độ Cộng sản. Tập hồi ký kể lại kinh nghiệm ở tù của cậu học trò Đinh Xuân Quân, trích:
“Hết thời gian hỏi cung kéo dài ba tháng, đời sống trong trại có phần dễ dãi hơn. Được chơi cờ tướng, kể chuyện tiếu lâm. Ăn uống không đến nỗi tệ lắm, cũng có phần dinh dưỡng. Vệ sinh được tôn trọng cho nên tránh không bị chứng tiêu chẩy hay kiết lị. Ai bị bệnh nặng có xe ban quản trị chở đi nhà thương.
“Kể ra như vậy để so sánh với cái ngục tù Cộng Sản mà 15 năm sau tôi phải trải qua. Tù nhân ẩu đả, làm ăn ten, chỉ điểm. Cộng sản dùng biện pháp “kiểm soát bao tử,” bỏ đói triền miên. Gạo không có, chỉ khoai mì trộn với bo bo. Dùng chính sách hạ uy tín, sỉ nhục hàng ngày, v.v.. Môi trường mất vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, tiêu chảy, kiết lị, v.v..
“Tám tháng sau, tôi được thả, đưa về tận nhà. Còn cha mẹ bị chuyển qua khám Chí Hòa. Gia đình được thăm ba má tôi tại Khám Chí Hòa…”(ngưng trích)
Thế rồi, chàng sinh viên Đinh Xuân Quân có những ngày tham dự biểu tình chống chế độ Tổng Thống Diệm nhiều hơn những ngày ôm sách tới trường. Tập hồi ký kể:
“…Năm 1962, vì “thuộc thành phần không thân chế độ” tôi bị bác đơn không cho đi du học. Tôi ghi danh vào học Đại học Khoa học nhưng những năm đó biểu tình nhiều hơn là học. [Về sau này khi đi du học tại Hoa kỳ và đọc được cuốn “Pentagon Papers” tôi có phần hối hận vì sinh viên lúc đó bị lợi dụng.]
“Mãi đến 1963 ba má mới được ra tòa và được trả tự do. Cùng năm đó sau đảo chính tôi được phép đi du học.”(ngưng trích)
Nhưng điểm tuyệt vời trong tập hồi ký là tư cách của giới trí thức Việt Nam. Nơi đó, quyền lực không ép họ dời đổi được quan điểm, tiền bạc cũng không mua chuộc được họ. Tập hồi ký kể:
“…Chị tôi kể rằng, khi ba làm bộ trưởng nội vụ thì một thương gia Chợ Lớn đem bánh Trung Thu đến biếu. Mở ra dưới bánh toàn là vàng. Lập tức má cho người mang trả lại. Bà là người không tham lam, lúc nào cũng giữ sự thanh liêm cho ba.” (ngưng trích)
Thân mẫu của tác giả là một mẫu điển hình của trí thức nữ lưu Công giáo. Tác giả kể:
“… Chúng tôi học được ở ba tính trung trực, giám làm và thanh liêm, ở má đức tin vững chắc. Má là người của xã hội, cộng đồng, nên luôn luôn nhắc cho các con phải hướng về xã hội, giúp đỡ, đóng góp cho xã hội.
“Năm 1966-1967 ba ra tranh cử Quốc Hội lập Hiến (QHLH). Má cũng sát cánh đi khắp nơi, ngang cùng ngỏ hẻm giúp tranh cử cho ba. Má tìm gặp cử tri ở khắp nơi, giới thiệu liên danh của ba và may mắn thay, năm đó ba đắc cử.
“Trước năm 1954, lúc miền Bắc chưa hoàn toàn trong tay Cộng Sản, má đã bay từ Saigon về Nam Định, thu xếp cho bà ngoại và các cậu cùng gia đình vô Nam qua ngả Hải Phòng. Má về Hải Dương, lấy hết văn tự đất đai, ruộng vườn đem chia cho các tá điền. Việc làm này khiến mọi người rất cảm phục, giống như một thứ cải cách ruộng đất ở cấp cá nhân. Việc này cho thấy là mặc dù Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của đạo Khổng nhưng phụ nữ Việt Nam rất mạnh, khác phụ nữ Trung Quốc hoàn toàn tùy thuộc chồng. Phụ nữ như má tôi có cái nhìn khá xa.
“Sau khi ba tôi qua đời, má ra tranh cử dân cử Quốc Hội đơn vị tỉnh Cao Lãnh dưới khẩu hiệu “cô gái cầm bó lúa.” Thời ấy, phụ nữ ra tranh cử còn hiếm hoi lắm. Cao lãnh là vùng “sôi đậu”. Má đã miệt mài vận động tranh cử khắp nơi, khắp các ấp làng, nhiều khi phải đi bằng tác rang, ghé lội khắp các ngõ đường và sông ngòi của tỉnh. Nhưng cuối cùng, má phải chịu thua không địch nổi các đại biểu quân nhân phe ông Thiệu. Bà thua nhưng không cúi đầu theo chính quyền….” (ngưng trích)
Tập hồi ký còn nhiều chi tiết đóng góp thêm dữ kiện cho các nhà nghiên cứu lịch sử. Những sóng gió của bản thân tác giả thời sau 1975, vào tù, vượt biên, làm việc cố vấn kinh tế cho các nước đang phát triển và về Việt Nam cố vấn một số dự án, và rồi cuối đời trở về Quận Cam xây dựng cộng đồng. Tác phẩm viết rất trung thực, cần có trong mọi tủ sách gia đình.
Buổi giới thiệu sách sẽ thực hiện tại: Westminster Community Service Center, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683 vào ngày 15/02/2020 từ 1:00pm-4:00pm.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.