Bài ĐỒNG PHÚC
Bạn có tin có luật nhân quả không?
Tôi thì tin chắc có nhân có quả, mặc dù ngày xưa từng ngờ vực về điều đó. Một hôm kia mới hiểu ra rằng mình không cần phải tầm đạo ở đâu xa để chứng nghiệm cái quy luật bất biến ấy, những chuyện nhỏ trong ngày cũng có thể cho thấy sự vận hành của luật nhân quả, tuy vô hình nhưng luôn luôn hiện hữu, rõ như bàn tay để ngay trước mắt, nếu mình biết dành thời giờ để suy ngẫm, xét lại chuyện vừa xảy ra cho bản thân.
Tôi nói vậy là vì một chuyện nhỏ mới đây đã làm cho tôi tư lự, suy nghĩ về những cảm tưởng đang diễn ra trong tâm thức. Số là sáng hôm Chủ Nhật vừa rồi, tôi rời giường trong cơn đau đớn của cơ thể. Hôm ấy là cao điểm của một trận cúm vừa xảy ra cho tôi. Ban đầu tưởng mình chỉ bị cảm nhẹ vì thời tiết nóng lạnh bất thường ở Nam California đây. Đâu ngờ từ mũi sụt sịt, nghẹt cứng, cơn bệnh lan dần đến giọng nói trầm đặc, đầu nặng và thân thể nhức nhối, ho suốt đêm, không cho tôi được chợp mắt để ngủ lấy lại sức sau gần một tuần làm việc quá dài.
Với sự thiếu ngủ cộng thêm cơn đau nhức, khi đang lui cui mở cửa xe đậu ở lề đường để lấy một món đồ bỏ lại từ đêm hôm trước, tôi đã quên hết những lời dạy của quý tăng về cách quán chiếu “thân này không phải của ta,” vẫn cảm thấy mình đang khó chịu, bực bội vô cùng, mong sao chết quách cho rồi để khỏi bị đau đớn thêm nữa. Đúng lúc đang vật vã với cơn sốt nóng, mũi nghẹt, đầu đau giật từng cơn, không muốn sống thêm nữa, tôi bỗng nghe có tiếng nói nhẹ nhàng rất gần xe.
“Chú khỏe không chú?”
Tôi quay mặt nhìn, chỉ kịp cười đáp lại lời chào của một cô gái có nụ cười và ánh mắt rất thân thiện đang chạy bộ qua trước nhà. Cô vẫn chạy, không dừng lại, nhưng đã ngoái cổ để vẫy tay chào trước khi biến mất ở góc đường, cho tôi một chút hân hoan mà từ đó tôi nắm lấy để tự đưa mình ra khỏi cơn sầu khổ đang lan chiếm tâm hồn.
Nhân đây cũng xin chia sẻ với bạn một cách sống cho đời được nhẹ nhàng hơn. Đó là mỗi ngày, nếu bắt đầu bằng những gì không vui, tôi thường tìm một điều tích cực, lạc quan nào đó để nắm bắt, để tự lôi mình ra khỏi nỗi buồn tiêu cực. Ngay cả một tia nắng ban mai đang rọi chiếu trên cành lá cũng có thể giúp tôi có được một niềm vui để đánh tan cơn phiền não luôn bám theo đời sống, nếu tôi kịp nhớ ra rằng mình rất may mắn, còn sống và còn nghe được từng hơi thở ra vào trong buồng phổi. Vậy chứ chuyện tia nắng ấy có dính dáng gì đến đề tài nhân quả của bài này? Xin ngưng lan man và trở lại với cô gái.
Nói là “cô” chứ thật ra người phụ nữ này đã trên bốn-mươi, có con trai mới vào đại học. Tôi biết vậy là vì mấy tháng trước cô từng dừng chân để trò chuyện đôi ba phút, “phỏng vấn” tôi nhiều hơn là tôi hỏi về cô ta.
Một sáng Chủ Nhật vài năm trước cũng như sáng Chủ Nhật vừa rồi, cô mặc một bộ đồ thể thao trùm kín người, mặt mũi thì bạn biết rồi đó, dân tập thể thao buổi sáng nào có trang điểm gì đâu, chưa chắc đã đánh răng rửa mặt trước khi rời nhà, nên trông họ tèm nhem lắm. Thấy cô ta chạy ngang nhà, tôi dừng tay tỉa cây để nói câu chào “Good morning” theo thói quen từ hồi còn ở nhà người Mỹ bảo trợ tuốt tận xứ Pennsylvania. Thấy ai bước qua trước nhà tôi cũng “Good morning,” và thường thì mấy anh Mễ, chị Mễ đi làm sớm, hay mấy ông Mỹ, bà Mỹ dắt chó đi dạo đều vui vẻ đáp lại “Good morning.” Riêng đối với người Việt ở đây, hay chắc ở xứ Bolsa này thôi, hầu hết đều ngoảnh mặt làm ngơ, làm như không nghe, không đáp lại mặc dù trước đó họ có thể đã nhìn tôi chằm chằm.
Cô chạy bộ kia cũng vậy. Nghe tôi chào thì cô làm bộ ngó qua bên kia đường, không chào lại. Tôi quen với tính của người Việt mình, nên cũng không lấy gì làm phiền, chỉ biết là mình nên chào người qua lại trước nhà, tặng họ một nụ cười để bắt đầu một ngày mới trong sự an lành. Bạn biết rồi đó, nào ai biết được ngày mai mình có còn sống để tặng người khác một niềm vui dù nhỏ?
Rồi một cuối tuần kia, vừa nghe tôi chào với nụ cười thì không chỉ làm ngơ, cô ta còn chạy băng qua bên kia đường, thiếu điều như sợ tôi bắt cóc hay sao ấy. Té ra mới hiểu là cô này sợ chó. Con Kiwi nhà tôi thuộc giống chó bẹc-giê lai, xí gái chứ không đẹp gì cho lắm, nhưng mặt trông hiền, mắt buồn. Nó thường theo tôi ra sân trước, hai “cha con” làm vườn một hồi mỗi buổi sáng. Thấy cô gái bỏ chạy, mắt sợ hãi, tôi nắm dây đeo cổ chó và nói theo, vẫn tiếng Anh, “Chó này không cắn đâu, nó hiền lắm.”
Từ đó cô không chạy qua bên kia đường mỗi khi đến trước nhà tôi, rồi có hôm tôi thấy cô nhìn con Kiwi với ánh mắt trìu mến khi nó nằm bên cạnh lúc tôi nhổ cỏ dại. Cô cũng chưa dám nói gì khi thấy tôi chào “Good morning.”
Một hôm kia tôi cũng đang lồm cồm bò trên sân làm cỏ thì nghe tiếng cô hỏi bằng tiếng Anh, “Con chó của ông đâu rồi?”
Tôi chỉ tay lên trời, rồi không biết nói gì hơn vì hôm đó tôi thật tình còn thương nhớ con Kiwi lắm. Nó mới mất, nên ở từng bụi cây, góc sân, tôi vẫn còn thấy hình bóng của con chó thân yêu đang gặm cỏ hay ngửi cái gì đó, thương nó lắm như thương đứa con ruột từng vui chơi với bố mẹ suốt mười-bốn năm.
“Cô người Việt Nam?” tôi hỏi bằng tiếng mẹ đẻ.
“Ủa, chú cũng là người Việt Nam?” cô đáp. “Hồi nào tới giờ cháu cứ tưởng chú là người Tàu hay người Nhựt gì đó, tại nghe chú nói tiếng Anh.”
“Tui là một ông Hàn nhỏ con,” tôi nói giỡn mà gần đúng.
Thế rồi cô kể cô làm nail suốt tuần, chỉ có thể chạy bộ vào sáng sớm cuối tuần. Con cái cũng vừa mới lớn, rất thích cái nhà tuy cũ nhưng trông gọn mắt của chúng tôi, và cũng rất mến con chó hiền khi biết nó… không cắn ai.
Từ ngày đó cô không còn làm ngơ, có khi chờ đợi được chào tôi một câu trước khi chạy đi xa, như hôm Chủ Nhật vừa rồi. Nhân quả là ở chỗ đó. Đúng lúc tôi đang buồn khổ vì có một ngày khởi đầu với bệnh tật, thì cô gái tặng lại cho tôi một lời chào chất chứa niềm hân hoan. Nếu tôi không từng tặng người khác niềm vui thì chắc gì giờ này tôi được cho lại niềm vui ấy?
Thôi nhé! Xuân Canh Tý cũng sắp đến rồi, chỉ còn vài ngày nữa thì phố Little Saigon đây lại tưng bừng với diễn hành Tết (hai cái lận, năm 20-20 mà, tới luôn bác tài). Chúc bạn một mùa Xuân đầy an lành.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.