Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG
Những ngày mùa đông phương ngoại đang chìm trong giá lạnh. Miền Đông Bắc có nơi lạnh hơn cả sao hỏa. Miền Tây lửa cháy hơn cả Hỏa Diệm Sơn. Cố quận cũng đang tơi tả trong mưa bão, xả hồ liên miên; chưa kể bao nhiêu bất ổn, nhiễu nhương khác nhưng trời đất và lòng người đang hướng về mùa xuân.
Cao trào mua sắm, ăn chơi của tết Tây đă lắng xuống. Cuộc sống đang trở lại nếp cũ thường ngày, guồng máy xã hội tiếp tục quay trong sự cần mẫn, hối hả. Người Việt thì lại bắt đầu cho một cuộc chơi mới. Người người rộn ràng chuẩn bị về quê để hưởng một cái tết khác. Tết cố quận, tết của dân tộc, tổ tiên! Có không ít người bảo rằng: “Tây chỉ có một cái tết. Ta thì hai cái tết và còn bao cái lễ khác nữa, hưởng tới bến luôn!”
Người Việt dù tha phương với bất cứ lý do gì, tâm hồn họ vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi mùa xuân cố quận đã ngấp nghé bên thềm thì mọi người lũ lượt quay về. Nơi ấy có cả một khung trời kỷ niệm tuổi thơ, có mồ mả tổ tiên ông cha. Nơi ấy vẫn còn bao thân thuộc, bạn bè, làng xóm. Nơi ấy còn là cái văn hoá, cái gốc gác của mình! Sống ở hải ngoại dù có đầy đủ vật chất, cuộc sống phong lưu, tự do… nhưng trong tâm hồn ai ai cũng có một nỗi hoài niệm về tết cố quận!
Không biết tự bao giờ tết đã trở nên quan trọng như thế đến với người Việt. Dù đi đâu cũng cố về nhà trong ba ngày tết để mà tế tổ tiên, mừng tuổi ông bà, tảo mộ, lễ chùa… Ngày tết em xúng xính áo lụa, hài thêu trẩy hội. Anh mắt nhìn không rời, làm bao chàng trai khác phải hò lơ. Con trẻ rộn ràng với pháo chuột, với những trò chơi dân gian: Lô tô, bầu cua cá cọp… Ngày tết thăm viếng họ hàng, gặp gỡ bạn bè… Mọi người ai ai cũng vui vẻ hoan hỷ. Ai cũng chúc nhau những lời tốt đẹp. Ai cũng sẵn lòng bỏ qua hay gác laị những khuất tất, xích mích trong năm. Ngày tết như kết nối mọi người, như cởi mở lòng ra với nhau, với trời đất, vạn vật muôn loài.
Ngày tết cố quận gắn liền với lịch sử dựng nước giữ nước của cha ông. Ngày tết bắt đầu với bánh tét-bánh chưng vào đời vua Hùng. Mùa xuân năm bốn mươi, Hai bà Trưng đánh đuổi Tô Định, lập quốc đóng đô ở Mê Linh. Mùa xuân cố quận lập quốc với nhà nước Vạn Xuân của nhà tiền Lý. Mùa xuân mở ra thời đại Lý- Trần với hào khí Đông-A vô cùng rực rỡ. Giặc tan, nước yên, chính sự vững. Vua Trần lên Yên Tử. Từ đây mùa xuân Yên Tử hoằng hóa Phật Pháp, xiển dương dòng thiền Trúc Lâm. Cho đến mùa xuân Kỷ Dậu là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng ca dựng nước và giữ nước. Người anh hùng dân tộc áo vải cờ đào cỡi voi vào Thăng Long! Lẽ đời vốn có thịnh-suy, có sanh-diệt… bên cạnh những mùa xuân huy hoàng, những ngày tết hỷ hoan. Nước Việt cũng trải qua những mùa xuân mất mát, tang thuơng đầy máu và nước mắt!
Mùa xuân cố quận với những tập tục đẹp, đầy ý nghĩa nhân văn cao cả như: “mùng một tết cha, mùng ba tết thầy”… Mọi người hy vọng một năm mới nhiều may mắn và tốt đẹp hơn. Không biết tự bao giờ mọi người vẫn gọi mùa xuân trời đất, mùa xuân dân tộc là xuân Di Lặc! Ngoài ý nghĩa huyền ký trong kinh ra thì hình tướng ngài Di Lặc quá hoan hỷ nên gắn liền với mùa xuân để khởi đầu cho năm mới, khởi đầu một thờ gian mới, một vận hội mới! Bạn là Phật tử hay không thì mỗi khi xuân về mà gặp hình tượng ngài ngồi ung ung, tự tại và cười hoan hỷ như thế thì lòng bạn cũng cảm thấy an lạc, vui vẻ và thư thái biết bao! Mùa xuân cố quận, mùa xuân dân tộc, xuân Di Lặc hay gọi với bất cứ danh tự nào cũng đều gợi nhớ đến quá khứ cha ông và hy vọng đến tương lai con cháu thế hệ mai sau. Mùa xuân kết nối cũ và mới, truyền trao giữa đời trước và đời sau, duy trì mạng mạch lịch sử, văn hiến của quốc gia, dân tộc.
Những ngày mùa đông trời phương ngoại lạnh lắm, nhớ nắng ấm năm nào của cố quận xa xăm. Đã quá nửa đời người rồi giờ như chợt “ngộ.” Ngày xưa khi mới ra đi, hội nhập với xứ người háo hức lắm, tuổi trẻ xốc nổi nên không có ý niệm gì mấy về khái niệm tết hay xuân cố quận. Giờ thì lại thấy thiết tha biết bao, có phải chăng mình đã già? Hay là mình đã chính chắn hơn? Con cáo chết quay đầu về núi, con chim bay về nam, con cá hồi dù sống ngoài đại dương nhưng vẫn quay về thượng nguồn sông suối để sanh con và chết! Hành trình vạn dặm trở về của nó có không biết bao nhiêu là tai họa, chướng ngại nhưng từng đàn cá hồi vẫn cố vượt qua để quay về!
Thượng nguồn sông, suối; cội nguồn xuân là lẽ tự nhiên của đất trời, của vũ trụ càn khôn. Nó không phụ thuộc vào cái ý chủ quan, đoản tri, thiểu trí của bất kỳ ai hay nhóm nào. Có những kẻ cuồng ngông ngu muội, cố tình đặt một mót chính trị lên trên dân tộc và trước cả quy luật tự nhiên của đất trời. Có nhiều người nhầm lẫn hay cố tình mập mờ giữa quốc gia và triều đình và cũng có nhiều người cố tình đánh lận nhập nhèm triều đình và quốc gia! Có nhiều người lẫn lộn giữa thể chế chính trị với đất nước, hoặc cố tình đánh đồng khái niệm chính trị với dân tộc, với đạo pháp, kể cũng đáng tiếc thay!
Cho dù có thế nào đi nữa thì mùa xuân cố quận vẫn lung linh trong ta như câu chuyện “Ngày xửa ngày xưa…” Cuộc sống hiện đại hôm nay với những thay đổi chóng mặt, với những thành tựu khoa học, kỹ nghệ quá tân kỳ đã làm cho những nét truyền thống văn hóa, những cái đẹp cổ truyền đang phai nhạt đi rất nhiều. Những thế hệ trẻ sanh sau càng ngày càng ít biết hay tha thiết gì mấy với khái niệm “ Mùa xuân cố quận.” Mặc dù có những cố gắng tố chức hội chợ xuân dân tộc… Âu đó cũng là cái giá phải trả của cuộc sống hôm nay!
(Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.