Nụ cười bất diệt

*Đọc 2 phút*

Lời SƯ ÔNG THÍCH THANH TỪ

Trong thời gian yên tu, một hôm bỗng dưng chúng tôi cảm thông được nụ cười nhẹ nhàng hiện trên môi tượng đức Phật và nụ cười tạm biệt của các Thiền sư khi từ giã cuộc đời. Tại sao bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật tại Lộc Uyển đề cập trước nhất là Khổ đế, cho đến nhiều bài thuyết pháp sau này, đức Phật cũng thường nhắc đến nỗi khổ của chúng sanh vô tận bằng những câu “nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả ” mà trên gương mặt Ngài luôn nở nụ cười?

Ðeo mang thân này là đeo mang gông cùm, bệnh tật, bại hoại, khổ đau, buông xả được nó thì nhẹ nhàng thảnh thơi an lạc. Xả bỏ thân này đâu phải là hết, mà còn bầu trời mênh mông có trăng trong gió mát, còn gì thích thú bằng nên Thiền sư cười! Tôn giả Pháp Loa khi sắp tịch để kệ:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn muơi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Người thế gian có khi cười có lúc khóc, hoặc cười xã giao, cười nhạo báng, cười gằn, cười gượng khóc thầm…, tất cả cái cười ấy đều thuộc về tình cảm sanh diệt. Cái cười của đức Phật, của Thiền sư là nụ cười giác ngộ thoát ra ngoài mọi thứ mê lầm, chỉ có cười mà không có khóc, gọi là “nụ cười bất diệt.”

Hơn nữa, vì đạt được thể vô sanh, mọi khổ đau sanh diệt đã trút sạch, thong dong tự tại đi trên con đường Niết Bàn, trên môi nở nụ cười rạng rỡ, nụ cười này thật là “nụ cười bất diệt.” Như thế, có ai cả gan dám lớn tiếng bảo đạo Phật là bi quan.

Ðạo Phật tạo cho con người niềm vui hiện tại và mãi đến mai sau. Chúng ta tu theo đạo Phật là vứt bỏ mê lầm để cho đời này được an lạc và giác ngộ để về sau mãi mãi an lạc. Chính đây là mục đích cứu khổ của đạo Phật. Ðạo cứu khổ cho chúng sanh, quả là đạo ban vui. Vì hết khổ là được vui, nên phải nói đạo Phật thực sự là lạc quan, mà là lạc quan vĩnh cửu.

(Photo: Hmd

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *