Văn tự kinh chữ nghĩa đời

*Đọc 5 phút*

Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG

Năm xưa khi Phật thuyết kinh, hoàn toàn dùng khẩu ngữ vì bấy giờ nhân loại chưa có chữ viết (xứ Ấn). Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật mới kết tập lại những gì Phật dạy để lưu truyền cho đời sau. Đạo Phật dần dần truyền sang các xứ khác, truyền đến đâu thì kinh điển cũng được phiên dịch sang ngôn ngữ của xứ ấy. Lúc ban đầu kinh Phật được ghi chép bằng tiếng Phạn (Sancrit, Pali ) sau đó thì dịch sang tiếng: Sinhale, Pakistan, Afghanistan, tiếng Tàu, Thái, Nhật, Hàn, Việt… và sau nữa là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha…

Đọc, tụng kinh Phật mỗi người có lợi ích khác nhau vì mức độ thấu hiểu và thâm nhập khác nhau. Phàm người đã từng đọc, tụng kinh Phật có thể hiểu hay không, có thể nhớ hay quên… nhưng có một câu này thì ai ai cũng thuộc lòng, ai ai cũng biết. Cho dù đó là trí hay ngu, sang hay hèn, già hay trẻ…

Đó là câu mở đầu thông thường trong các kinh Phật: “Ta nghe như thế này…”

Câu này có vẻ đơn sơ, tầm thường, tưởng như không có gì, chẳng có ý nghĩa gì nhưng kỳ thật nó thật thâm sâu và đầy ý nghĩa, nó vô cùng vi diệu! Vì nó trống rỗng như hư không nên vô cùng vi diệu. Hư không chứa được tất cả mà hư không vẫn trống rỗng. Không thể giữ lấy hình hài, không thể nắm bắt được hư không vì thế mà vi diệu. Đem ngôn ngữ mà bình luận, phân tích, chia chẻ kinh Phật thì cũng như đem thước thợ may mà đo hư không vậy!

“Ta” ở câu này là ai? Có thật có cái “ta” chăng? Ở nghĩa hẹp có thể hiểu là ngài Anan- người tuyên đọc lời Phật dạy, là năm trăm vị A La Hán kết tập kinh điển. Còn nghĩa rộng thì có thể hiểu là những người đọc, tụng kinh Phật, là tất cả chúng sanh trong các pháp giới, là tất cả những ai đọc kinh Phật, là tánh giác, là Phật tánh của mỗi chúng sanh…

“Nghe” là văn, là thính tuy nhiên có nhiều cách nghe, nghe lơ đãng, nghe thoáng qua, nghe kỹ càng… Trong các cách nghe thì “Đế thính” là cách nghe sâu sắc nhất, là lắng lòng mà nghe, là tập trung toàn bộ tư tưởng tinh thần mà nghe. Ở đây nhất định là “Đế thính”! Thế nhưng nghe cái gì? Nghe kinh Phật, kinh Phật vô cùng mênh mông như biển cả, cao như núi thì biết nghe từ đâu? Nghe như thế nào đây?

 Chỉ nghe mỗi hai từ “ Như thị,” mà “ Như thị” còn có: Như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác… Quả thật rắc rối, hoa cả mắt, bận cả tâm thế thì làm sao mà nghe? Rốt cuộc “Như thị” là cái gì? Là như thế đó! Là như vậy! là sự thật đúng như vậy, sự thật đúng như thế đó!

 Ở góc độ cạn cợt thì: Tôi lập lại đúng những lời Phật đã nói! Ở góc độ rộng lớn thì như thị là: Chơn tướng của tất cả mọi vật, mọi việc nó vốn như thế! chơn tướng ấy là gì? Là khổ-không-vô thường-vô ngã, là sanh-trụ-dị-diệt… bởi vậy mới có: Khổ-tập-diệt-đạo, mới có Bát Chánh Đạo, thập nhị nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Chơn tướng sự thật nó như thế nhưng vì con người, vì chúng sanh mê lầm, vì chấp chặt vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, vì trói buộc trong tài-sắc-danh-thực-thùy mà triền miên khổ, luân hồi bất tận. Chỉ cần nghe “Như thị,” biết cái “Như thị” và hành cái “Như thị” thì lập tức giải thoát! Không có ai trói buộc mình, tự mình buộc mình thì cũng tự mình giải thoát cho mình. Phật – Bồ tát đã thị hiện đã chỉ bày phương cách, con đường đi; đã cho mình nghe cái “Như thị” vậy thì cứ “Như thị” mà hành, cứ y theo “Như thị” thì sẽ hết khổ, hết ràng buộc vậy! Con người chịu trách nhiệm với chính số phận mình, những gì mình có hôm nay là cái quả đã gieo trong quá khứ; những gì mình gieo hôm nay thì sẽ gặt nó ở ngày mai. Không có thượng đế, thần linh nào có quyền ban phước hay giáng họa cả. Ngay cả các vị trời cũng còn dính chặt vào sắc-hương-thanh… và khi hết phước cũng đọa như thường.

 Như thị là đúng như thế đấy! Chân tướng sự thật của vũ trụ, của nhân sinh nó như thế đấy! Muốn hết khổ, muốn giải thoát thì cứ nghe như thế, hành như thế! sẽ đắc được giải thoát. Ai tin thì theo, không tin thì thôi. Đạo Phật không có bắt buộc, không có giáo điều, không có cực đoan… Nói theo ngôn ngữ hiện đaị thì rất tự do và dân chủ. Ai cũng có thể tin theo hoặc lìa bỏ. Ai cũng có thể hành theo và đạt được địa vị giác ngộ tối cao. Ai cũng có thể thành Phật nếu cứ nghe và hành đúng như thị! vì thế mà nghe được như thị và hành đúng như thị quả là một việc vô cùng quan trọng.

 Ta đã nghe như thế này rồi, nhưng còn “Một thuở nọ” nghĩa là sao? Một thuở nọ là thuở nào? Ở đâu? Ngày, tháng, năm nào? Đời nào? Sao không ghi xuống cụ thể rõ ràng? Nghe qua cứ tưởng như chuyện cổ tích: “Ngày xửa ngày xưa ở taị một làng nọ…,” “Một thuở nọ” tưởng chừng như mơ hồ, mông lung nhưng thật sự là sự vi diệu cùng cực, không thể dùng từ ngữ khác hay khái niệm khác thay được. Khi Phật thuyết pháp, thời ấy là thời đại dân tộc bộ lạc. Ấn Độ có cả trăm quốc gia, mỗi quốc gia dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Lịch pháp chưa có, hoặc giả có thì cũng sơ khai và khác biệt vô cùng. Nếu đem năm, tháng, ngày, giờ ghi xuống thì chết cứng và sai biệt lớn, không thể linh hoạt mà hoằng truyền sang xứ khác và truyền thừa cho đời sau. Thời gian vốn vô thuỷ vô chung, không gian vốn không đầu không cuối, quốc độ thiên sai vạn biệt. Bên này bán cầu là ngày thì bên kia là đêm. Bên này trái đất là mùa hè thì bên kia mới mùa đông… Ấy là chưa nói đến sự khác biệt giữa các cảnh giới khác nhau, những cảnh giới phi thời gian, phi không gian… Bởi vậy dùng năm, tháng, ngày, giờ là không thể được! Việc này cũng giống như Phật -Bồ tát vốn vô tướng nên có thể hiện mọi tướng, còn con người chấp chặt một tướng chết cứng nên không thể nào mà hiện tướng khác được.

Vì vậy việc dùng chữ “ Một thuở nọ” là vô cùng vi diệu, vô cùng linh hoạt. Bất cứ thời nào, đời nào, quốc độ nào… Kinh Phật cũng đều khế cơ khế lý vì nó được nghe và chép vào “ Một thuở nọ”. Năm, tháng, ngày, giờ mãi sau này con người mới chế ra để cho tiện công việc và cuộc sống ( Nghĩ cũng mắc cười, con người chế ra năm, tháng, ngày,giờ rồi laị tưởng tượng thêm ra kiết-hung, tốt-xấu… để rồi mắc kẹt, dính chặt vào đó luôn)

 Sau này kinh Phật truyền đến đâu thì dịch ra ngôn ngữ xứ ấy, việc lý giải cũng có nhiều sai biệt, cộng với sự giao thoa của văn hoá bản địa mà phát sinh nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên tất cả cùng chấp nhận và giữ vững cái cốt lõi: Tứ diệu đế, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo… thì là Như thị! Một thuở nọ từ thời thế Tôn cho đến một thuở nọ chư tổ và hôm nay vẫn mãi là “Một thuở nọ”, mai sau vẫn cứ là “Một thuở nọ”, vĩnh viễn là “ Một thuở nọ”

Ta nghe như thế này, một thuở nọ…vĩnh viễn vi diệu như thế!

(Ất Lăng Thành, 9/24/2019)

Hình chụp ngày 1 tháng 9, 2019. (Photo: George Best Thai)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *