Xin làm cơn mưa pháp

*Đọc 6 phút*

Bài PHÚC QUỲNH

Bước vào con đường tu hành, cho dù là tại gia chứ chưa phải xuất gia, một kẻ sơ cơ và đã luống tuổi như tôi đây gặp khá nhiều thử thách chứ không ít, trong việc buông xả những thói quen, sở thích đã từng có trước khi tâm hướng về đạo, mong cầu được thấy chân lý của đạo, được tỏ ngộ lời Phật dạy. Nói theo kiểu thời nay, tôi “tự hào” là đã bỏ được một số tập khí cũ như ăn mặn, uống bia, tụ tập để bù khú, nói phét với các bạn văn, bạn nhậu, xem phim ảnh, coi thể thao, v.v.. Nhưng tôi cũng rất xấu hổ khi biết mình còn nhiều thói quen chưa thể bỏ hẳn được, chẳng hạn như lái xe ngắm cảnh thiên nhiên, hảo món ngọt chocolate, ăn cay, đọc truyện, nghe nhạc, v.v..

Món nghe nhạc ban đầu tưởng dễ bỏ dễ buông, nhưng có lẽ món đó là một phần của chất nghệ sĩ còn vương vấn trong tôi, nên khó dứt lìa hoàn toàn, không dễ ợt chút nào. Tôi từng một thời mê những giọng nam khá xưa như Anh Ngọc, Sỹ Phú, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, hay trẻ hơn chút như Anh Dũng, Don Hồ, Nguyên Khang. Bỏ nghe mấy “anh” này thì cũng dễ thôi, vì những ca khúc đượm đầy tình cảm, mộng mơ của đời không còn làm rúng động trái tim “nay đã chai đá” theo tiếng chuông chùa của tôi.

Nhưng tôi khám phá sở thích nghe nhạc của mình không dễ xả bỏ như tôi tưởng qua một kinh nghiệm mới đây. Hôm ấy, trong một dịp gặp gỡ các đạo hữu, tôi được anh bạn trẻ Hồ Quốc Việt tặng album nhạc đạo của anh. Vì công việc, tôi thỉnh thoảng được các ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, và có khi nhiếp ảnh… sĩ tặng tác phẩm của họ. Thường thì tôi tặng lại các món quà cho những ai mà tôi biết mến mộ các nghệ sĩ đó. Thế nên dĩa ‘Diệu Pháp Liên Hoa’ của Hồ Quốc Việt cũng được tôi để nằm lay lắt trên bàn bày những món quà chờ được tặng người khác.

Nhưng rồi mỗi khi đi ngang bàn, tôi vẫn cầm lên dĩa CD của Việt, ngắm nghía, nhớ lại lời tâm sự của người bạn trẻ này: “Việt không hát nhạc đời nữa, không hát nhạc tình, Việt chỉ hát nhạc đạo, dành hết cho đạo.” Có lẽ vì lời chân thật ấy nên một buổi sáng kia tôi đã không kềm được tập khí cũ là thích nghe nhạc, tuy cẩn thận nhưng vẫn nôn nao khi mở vỏ bọc CD của Việt, đưa dĩa vào máy nghe mà từ lâu ít sử dụng. Và rồi một thời mê âm nhạc đã trở về trong khoảng khắc.

Lẽ đương nhiên tôi cũng có chút nội lực đủ để không hoàn toàn đắm chìm vào lạc thú của nhĩ căn, nhưng phải nói là album ‘Diệu Pháp Liên Hoa’ này đã làm tôi say mê nhạc trở lại sáng hôm ấy. Mở đầu cho tám ca khúc là bài hát mang tựa đề của album. Bản ‘Diệu Pháp Liên Hoa’ của nhạc sĩ Chúc Linh đã nổi tiếng từ mấy năm qua, được nhiều ca sĩ trình diễn khá xuất sắc. Ca khúc này càng tuyệt vời hơn qua tiếng hát của Hồ Quốc Việt. Anh có giọng ca khỏe, hùng mạnh, trầm ấm, mà cũng lên cao xuống thấp khá êm ái, sâu dày.

(Album của Hồ Quốc Việt, mùa Thu 2019)

Những ca khúc kế tiếp đã được Việt biểu diễn vừa chuyên nghiệp, và cũng vừa truyền cảm đủ để chuyển tải ý đạo mà không rơi vào cảm xúc quá đáng của nhạc đời. ‘Tiếng Chuông Khuya’ của nhạc sĩ Giác An; ‘Xuất Gia’ thơ Tuệ Kiên, nhạc Võ Tá Hân; ‘Dòng Sông Thấp Thoáng Con Thuyền’ thơ Thanh Trí Cao, nhạc Hoàng Quang Huế; ‘Dòng Sông Bến Cũ’ thơ Thanh Trí Cao, nhạc Lâm Hoài Thạch; ‘Quỳ Kính Phật Đà’ của Giác An; ‘Phật Là Ánh Từ Quang’ của TVG Phi Long; và ‘Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật’ của Thẩm Oánh.

Hai ca khúc soạn từ thơ của Thanh Trí Cao, tức Thầy Thích Quảng Thanh, đã làm người nghe không khỏi bồi hồi, buồn sâu thấm, một phần vì Thầy Quảng Thanh mới mất khoảng nửa năm nay, nên lời nhạc càng gợi nhắc một hình bóng đã sang sông rồi “người sẽ về đâu.”

Tiếng hát của Hồ Quốc Việt đã tươi tắn và phấn khởi hơn trong ca khúc ‘Xuất Gia’ với nhạc của Võ Tá Hân, nói lên ý chí của Thái Tử Tất Đạt Đa trong đêm từ giã Công Chúa Da Du Đà La để tìm đường giải thoát cho chúng sanh “vì lòng từ bi.”

Thú vị nhất cho tôi là ca khúc số bảy của album ‘Phật Là Ánh Từ Quang’ của TVG Phi Long. Lời nhạc tròn đầy ý đạo, mà tiếng hát của Hồ Quốc Việt không chỉ chuyển tải được tinh thần kính mến Phật rất tha thiết, mà còn có chất giọng phơi phới thênh thang của tuổi trẻ lý tưởng trong điệp khúc  “Xin được làm cánh đồng / Cho ngọn lúa xanh tươi,” và “Xin làm cơn mưa pháp / Tưới mát đời khô khan.”

(Bibhukalyan Achar/ Pexels)

Tìm hiểu thêm về ca khúc ‘Phật Là Ánh Từ Quang’ được nghe lần đầu này, tôi được biết chữ viết tắt TVG tên tác giả chính là “Thích Viên Giác,” pháp danh của thầy Đại Đức trụ trì Chùa Đôn Hậu ở Trondheim, Na Uy. Google thêm nữa, tôi được biết Thầy Viên Giác từng vượt biển từ miền Trung Việt Nam, được một gia đình ở Na Uy bảo trợ. Hai ông bà người Na Uy trung lưu này không chỉ giúp thầy hội nhập vào xã hội Bắc Âu từ thời trung học, còn chỉ dẫn thầy cách chơi đàn guitar. Nhờ đó mà sau khi xuất gia tìm về gốc đạo của mình, Thầy Viên Giác khám phá khả năng viết nhạc để cúng dường chư Phật. Thầy Viên Giác năm nay được 55 tuổi, vẫn tiếp tục sáng tác nhạc đạo mặc dù bận với việc trụ trì một ngôi chùa Việt Nam mà nay khá nổi tiếng ở Na Uy.

Điều cũng làm tôi ngạc nhiên không kém là lời nhạc tiếng Việt của Thầy Viên Giác vẫn đượm đầy tình quê hương, ý đạo mặc dù thầy lớn lên với người Na Uy, thông thạo ngôn ngữ của xứ này. Đây là lời của ca khúc ‘Phật Là Ánh Từ Quang’:

Đại Đức Thích Viên Giác (Hình Chùa Phổ Hiền, Strasbourg, Pháp, 2018)

Phật là ánh từ quang
Soi lối con trở về
Nguồn pháp từ mênh mông
Đưa con về bờ giác.

Phật từ bi soi sáng
Đưa con thoát lầm mê
Đã bao đời say đắm
Trên nhung gấm lụa là.

Xin được làm con ngoan
Luôn sống bên cha lành
Xin được làm cánh đồng
Cho ngọn lúa xanh tươi.

Xin một lần được nương
Theo gót chân cha lành
Xin làm cơn mưa pháp
Tưới mát đời khô khan.

Phật là ánh từ quang
Cho tâm con bừng sáng
Thấu triệt đời hư vô
Đắm trong biển luân hồi.

Phật từ bi chỉ lối
Đưa con khỏi trầm luân
Nương tựa ba ngôi báu
Thoát khỏi đời bể dâu.

Có lẽ nhờ được thuần tiếng Việt như vậy nên ca khúc ‘Phật Là Ánh Từ Quang’ của thầy đã được nhiều ca sĩ ở Việt Nam trình diễn thường xuyên suốt mấy năm qua như Quách Tuấn Du, Ưng Hoàng Phúc, Gia Huy, Thầy Thích Nhuận Thanh, Thầy Thích Thiên Ân, Dương Triều Vỹ, Mai Quốc Huy, cặp song ca Nhật Quốc & Tuấn Quốc, Bé Ngọc Ngân, và còn rất nhiều ca sĩ khác trên Youtube.

Lẽ đương nhiên cuộc vui nào cũng đến lúc phải chấm dứt. Buổi sáng nghe album ‘Diệu Pháp Liên Hoa’ của Hồ Quốc Việt cũng vậy. Trong dư âm sau cuộc “đi hoang” ra ngoài chánh niệm, “thả trâu” chạy lung tung với vọng tưởng, tôi thầm cảm ơn người bạn trẻ đã cho tôi được sống lại một sở thích mà tôi không chờ đợi được phấn khởi với nhạc đạo đến như vậy.

Hồ Quốc Việt từng cho biết từ nay đến cuối năm thì anh sẽ rất bận đi show trên khắp nước Mỹ. Vào chiều Chủ Nhật, ngày 8 tháng 12, tới đây, Hồ Quốc Việt sẽ có mặt trong chương trình ‘Kỷ Niệm 1 Năm Thành Lập’ của Đài Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu được tổ chức tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3, đường Westminster, thành phố Westminster.

Cất lại dĩa nhạc trong vỏ giấy, tôi giã từ thú vui nghe nhạc để trở về với một cuộc sống thanh tịnh hơn cho tâm hồn. Nói vậy chứ không dễ đâu, vì bên tai tôi vẫn nghe âm thanh của một điệp khúc đang cất cánh bay bổng cao vút rồi hạ xuống nhẹ êm ngọt ngào, như đôi cánh của một vị bồ tát từ cõi Phật trở lại thế gian, để cứu độ chúng sinh.

Xin một lần được nương
Theo gót chân cha lành
Xin làm cơn mưa pháp
Tưới mát đời khô khan.

(20 tháng 11, 2019)

*

Bấm vào video dưới đây để nghe ca khúc ‘Phật Là Ánh Từ Quang’ qua tiếng hát của Hồ Quốc Việt.

https://youtu.be/2MKYfgpqnJM

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Xin làm cơn mưa pháp

  1. Bài mưa pháp tuyệt vời
    Vang vọng khắp nơi nơi
    Ơn thầy ơn tam bảo.
    Soi sáng những mảnh đời 🙏🌹🙏

    HT.Tønsberg 19.09.21

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *