Kinh A Di Đà và Tịnh Độ

*Đọc 4 phút*

Bài HT THÍCH MINH ĐIỀN

Kinh A Di Đà này trình bày về giáo lý viên đốn, thuộc Đại Thừa Bồ Tát Tạng, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả chư Phật hộ niệm. Kinh này dùng lời rất kỳ đặc, để chuyển tải nội dung rất sâu xa vi diệu, không có đương cơ thưa hỏi, mà do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giảng nói, nhằm khai thị về pháp môn niệm Phật tam muội, hay niệm tự tánh Di Đà, tức đưa tâm ra khỏi mọi sở niệm.

Pháp niệm danh tự tánh A Di Đà là pháp trực chỉ nơi tâm mà hành trì, chứ không qua trung gian phương tiện, nhằm giúp hành giả đạt đến nhất tâm bất loạn. Cõi tịnh độ của Phật A Di Đà được ẩn dụ cho tánh giác mà ai cũng có. Vì chỉ cho tánh giác vô thủy vô chung, nên gọi là vô lượng thọ, vô lượng quang, hay pháp giới tạng thân.

Phật nói kinh A Di Đà là trực chỉ vào tên kinh mà cũng là pháp, nhưng pháp ở đây là pháp niệm tự tánh, nên danh A Di Đà ở đây cũng là danh tự tánh. Bởi danh tự tánh A Di Đà mới siêu việt thời gian nên nói Vô Lượng Thọ, và siêu việt không gian nên nói Vô Lượng Quang. Và niệm ngay nơi tự tánh Di Đà ở trong tâm mình, nên cất hết mọi đối tượng của thức, vì vậy kinh nói “pháp khó tin” (nan tín chi pháp).

Còn nếu niệm danh từ “A Di Đà Phật” thì do thức niệm, nên không thể siêu vượt thời gian và không gian, không thể có kết quả là nhất tâm bất loạn được. Đó chính là sự nhầm lẫn mà xưa nay chúng ta thường niệm, nên rốt cuộc không thể trực nhập chân tâm. Kinh này thuộc về giáo lý viên đốn, Bồ Tát Tạng nên nói “chư Phật sở hộ niệm.”

Hòa Thượng Thích Minh Điền là viện chủ Tu Viện Quy Nguyên (Princeton Meditation Center), 9516 County road 867, Princeton, TX 75407. (Hình cung cấp)

Nhưng do căn cơ của người tu có cao thấp sai khác, nên người xưa phương tiện lập ra bốn phương pháp là:

1. Trì danh niệm Phật: Tức chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà bởi ý thức, nên làm cho ý thức không phân tán, dần dần đạt được nhất niệm. Phương pháp này giúp chúng ta gom nhiều niệm (đa niệm) về một niệm (nhất niệm), làm cho ý chỉ duyên vào danh hiệu A Di Đà Phật, mà không suy nghĩ miên man. Phương pháp này chỉ có tác dụng là an lập ý của Nhị Thừa.

2. Quán tượng niệm Phật: Tức dùng ý thức và đôi mắt chiêm ngưỡng hình tượng đức Phật A Di Đà (do nghệ nhân tưởng tượng vẽ ra), không cho ý thức phân tán nên dần dần cũng đạt được nhất niệm. Phương pháp này cũng giống như phương pháp thôi miên của thế gian, nhờ chăm chăm nhìn vào một điểm cố định nên ý không phân tán. Phương pháp quán tượng này cũng chỉ tác dụng là an lập ý.

3. Quán tưởng niệm Phật: Tức dùng trí tưởng tượng hình bóng đức Phật A Di Đà (được nghệ nhân vẽ ra) làm hiện hữu hình bóng ấy trong vọng tâm của chúng ta, làm cho ý không phân tán, nên dần dần cũng được nhất niệm. Phương pháp này cũng chỉ tác dụng là an lập ý.

Chúng ta cần chú ý là, pháp gì có đối tượng thì còn bị thức dính vào; tức còn sở tướng là còn hư vọng, nên còn bị dòng năng lực samsāra chi phối, để hình thành ba loại hạt giống: Thiện – ác và vô ký hay rơi vào hôn trầm (4 cú: có, không, cũng có cũng không, không có không không).

Trên lộ trình chín cảnh giới định (cửu định) của đức Phật Thích Ca, Ngài liên tục từ bỏ những gì có sở chứng, từ sơ thiền cho đến phi phi tưởng định. Đức Phật Thích Ca thấy rằng: Pháp gì được tác thành thì pháp ấy còn tình thức dính vào nên rơi vào hữu vi vô thường, nên Ngài mới đi vào diệt thọ tưởng định, nơi mà các lậu hoặc sẽ hoàn toàn được đoạn trừ, các cảm thọ lạc, khổ, vô ký và các tưởng đi đến các cảm thọ lạc, khổ, vô ký sẽ hoàn toàn được tịnh chỉ.

4. Thật tướng niệm Phật: Tức niệm Phật tam muội hay chính là niệm tự tánh Di Đà mà kinh A Di Đà này chỉ dạy. Tự tánh vốn tự thanh tịnh, nên niệm A Di Đà là niệm vô sở niệm (tâm vô sở trụ). Bởi niệm vô niệm, nên các Tổ xưa chuyển từ niệm danh tự A Di Đà Phật sang niệm tự tánh bằng cách đảo ngược lại: “Ai niệm A Di Đà Phật?”

Vì vậy cho nên kinh nói “pháp khó tin;” vì không có sở niệm, nên cũng gọi là “pháp không pháp.” Theo lý Thật Tướng thì niệm pháp thân Phật, nên gọi là “Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật.” Pháp thân thanh tịnh như hư không, biến khắp pháp giới, thật không có tướng có thể được, không có tướng tâm năng niệm, tướng Phật sở niệm, năng sở đều quên, tâm – Phật không hai, mới đạt thành nhất tâm bất loạn, trạm nhiên thường trụ.

Chân tâm vốn lìa khỏi sanh diệt, vốn vô thủy vô chung nên nói vô lượng thọ, vô lượng quang. Không ai làm cho tâm mình thanh tịnh ngoài mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xác quyết rằng, Ngài chỉ là vị thầy dạy đạo mà thôi. Còn ai ăn thì nấy no, ai uống thì nấy hết khát. Đức Phật không thể tu thay cho thị giả A Nan được, nên khi Ngài thị hiện tịch diệt thì thầy A Nan vẫn chưa chứng được đạo. Không tu chờ gần chết, nhờ người khác đến trợ niệm danh tự “Nam mô A Di Đà Phật” để được vãng sanh, tức là phá bỏ luật nhân quả mà Phật Thích Ca đã dạy. Người theo Phật có chánh kiến thì phải cẩn thận!

Như vậy, đề kinh cũng nói lên thật tướng niệm Phật để đạt đến cảnh giới chân tâm, nguồn an lạc tuyệt đối (cực lạc) mà đức Phật Thích Ca đã chứng đắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *