Bài TT SAKYA MINH QUANG
(Trích ghi giản lược từ pháp thoại của TT Sakya Minh Quang tại buổi giảng ở Trung Tâm Sangha, Huntington Beach, CA, do Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức ngày 9 tháng 6, 2019)
Tịnh Độ là một khái niệm rất phổ biến đối với Phật Tử Việt Nam chúng ta. Và rất nhiều người tu niệm Phật, còn gọi là tu Tịnh Độ. Đó là một truyền thống, một pháp môn của Phật Giáo Đại Thừa Đông Á phổ biến trước hết là ở những nước Tây Vực, tức là miền giáp giữa Ấn Độ và Trung Quốc thời trước, tức là những nước như Afghanistan, Pakistan bây giờ, hay Tân Cương.
Xưa kia, các vùng đó đều là vùng của Phật Giáo trước khi Phật Giáo bị Hồi Giáo tiêu diệt. Và ngài Đường Huyền Trang cũng từng từ con đường đó đi sang Ấn Độ thỉnh kinh, cho nên gọi là Tây Vực, Tây Vực là những vùng đất thuộc phía Tây (đối với) Trung Quốc. Những kinh điển được mang từ Tây Vực sang và được dịch ra tiếng Hán. Ngài Cưu Ma La Thập là người có công phiên dịch những tài liệu lịch sử hay văn bản Phật học về Tịnh Độ, ví dụ như Kinh A Di Đà, Kinh Pháp Hoa (kinh này cũng có nói về Tịnh Độ)…
[…] Tinh thần Tịnh Độ nằm bàng bạc trong kinh điển Đại Thừa. Ở đây rất nhiều người Phật Tử chúng ta tu Tịnh Độ, nhưng mà, lòng tin là do nơi nghe theo lời một vị thầy nói, hoặc do nơi bạn bè cùng rủ nhau tu mình tu theo. Và chúng ta có những niềm tin, quan điểm về Tịnh Độ mà nếu đối chiếu lại với kinh điển thì rất là lệch lạc. Nhiều người còn đi đến chỗ cực đoan, không hiểu hết giáo nghĩa Tịnh Độ cho nên biến đạo Phật giống như tín ngưỡng của một tôn giáo nhứt thần, Đức Phật A Di Đà trở thành một vị Thượng Đế cứu rỗi, chỉ có lòng tin là được cứu độ.
Chúng ta đã biết rằng Tịnh Độ là một pháp môn nằm trong hệ thống Đại Thừa. Vậy bản chất của Tịnh Độ phải mang cái tinh thần của Đại Thừa, đó là Bồ Đề Tâm, Bồ Tát Hạnh, cứu cánh thành Phật. Nhưng mà tinh thần Đại Thừa trong Tịnh Độ nhiều khi bị biến ẩn bởi những ước vọng đào thoát khổ đau trong hiện thực, sự hứa hẹn được an vui ở kiếp sau, giống như nhứt thần giáo hứa hẹn một thiên đường sau khi chết. Nhiều người tu Tịnh Độ, ước vọng về đó (cõi Tây Phương) như là hạnh phúc an vui. Nếu vậy thì trái với ý nghĩa Đại Thừa của kinh điển Tịnh Độ, trái với bản ý của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca. Có những người tu niệm Phật chỉ cần một câu A Di Đà Phật thôi, bỏ qua tất cả các kinh điển, không học, không quán chiếu, không tư duy. Họ chỉ mong được cứu độ một đời nầy thôi, mong Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn mà họ không phát được tâm Bồ Đề để cứu độ chúng sanh như chư Phật đã từng khuyên chư hành giả Đại Thừa, và thậm chí quan điểm về Đại Thừa, về Tịnh Độ cũng có sự lệch lạc. Đó là lý do có bài pháp hôm nay, để chỉnh lại những quan điểm sai lầm đó.
Rồi lại có chiều hướng thứ hai, phủ nhận Đại Thừa, phủ nhận Tịnh Độ, đúng không ạ? Không tin Đức Phật ở Tây Phương Cực Lạc, cũng không tin Đức Phật ở Đông Phương, chỉ tin có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, rồi thậm chí còn nói các kinh này do Trung Quốc viết ra. Họ nói như vậy chỉ là nói theo, chứ họ không có nghiên cứu. Các học giả nghiên cứu (thấy) kinh điển Đại Thừa từng được truyền dịch từ các nước Tây Vực sang, có những bản dịch của ngài Chi Khương Lưong về Kinh Vô Lượng Thọ, ngài Cưu Ma La Thập về Kinh A Di Đà, những bản kinh được trùng dịch lại sau này, vân vân.
Cho nên chúng ta thấy rằng có hai cái cực đoan. Một cái thì quá tin, không có hiểu giáo lý giáo nghĩa nên cực đoan, chỉ mong có cuộc đào thoát khỏi khổ đau bằng câu niệm Phật mà không có cái thệ nguyện phát Bồ Đề Tâm, Bồ Tát Hạnh. Còn một cực đoan thứ hai là bài bác hết tất cả Tịnh Độ, không tin ở Tịnh Độ làm cho người Phật Tử chúng ta hiện nay – ai có lòng tin với Tịnh Độ – cảm thấy bị lung lay khi nghe sự bài bác đó.
Đối với những người dễ thương hơn, tin hay không tin Tịnh Độ, nhiều khi bị gạt mà không hay, Lúc thầy tu ở bên Đài Loan có nghe nói: ‘Ai gởi cốt vô cái tháp này bảo đảm người mất được vãng sanh Tịnh Độ’. Đó là một hình thức quảng cáo ăn tiền. Một cái cốt, thí dụ gửi vô các tháp khác (tốn) một ngàn đô thì gởi cái tháp đó (tốn) 10 ngàn đô, nhưng người ta sẵn sàng lấy cái cốt của người thân mình từ cái tháp gởi một ngàn đô đem qua cái tháp 10 ngàn đô, tức là tốn tới 11 ngàn đô. Nhưng người ta vẫn làm. Bởi vì sao? Mười một ngàn mà được về Tây Phương Tịnh Độ quá rẻ! Đó là một hình thức quảng cáo ở Đài Loan mà không ít người đã tin theo. Và ở Việt Nam cũng vậy, rất nhiều người dễ tin. Tin về hướng ngoại thần quyền, tin về những sự linh nghiệm.
Chúng ta hôm nay, với chánh kiến và chánh tín Phật Giáo, cùng nhau nhìn lại vấn đề này bằng kinh điển của Đức Phật soi chiếu. Chúng ta là phàm phu đi theo con đường Phật dạy. Chúng ta phải lấy cái luật luận làm cái bản đồ, làm cái kim chỉ nam cho chúng ta, chúng ta không thể lấy cái tư kiến, lấy cái tình cảm riêng tư để đến với đạo Phật.
Cho nên, đầu tiên các vị phải hiểu Tịnh Độ là gì? Thật sự Tịnh Độ là một từ không có trong tiếng Phạn. Trong tiếng Sanskrit chỉ có từ Phật Độ. Phật Độ là Buddha Sacra, Sacra còn được dịch là ‘sát’ như trong câu “Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát”, có nghĩa là ‘cõi nước’. Trong kinh tiếng Sanskrit chỉ có Buddha Sacra, tức là Cõi Phật. Đương nhiên từ Cõi Phật biến thành Tịnh Độ cũng không quá xa tại vì y báo và chánh báo cõi đó thanh tịnh, không có tham, sân, si phiền não của chánh báo (là con người) thì đương nhiên y báo (tức hoàn cảnh đi theo chánh báo) cũng thanh tịnh trang nghiêm.
Tuy nhiên, không phải nhất định là như vậy. Cái đó là cảnh giới tự thọ dụng của Đức Phật. Chánh báo là Đức Phật thì y báo của ngài là quốc độ trang nghiêm thanh tịnh an vui. Nhưng mà tha thọ dụng là mình nhìn về cảnh giới của Đức Phật thì chưa chắc đã thanh tịnh. Tại vì sao? Bởi vì mình còn phiền não. Giống như mình đang mang một cặp kính màu, nhìn màu qua gì nó ra màu đó, mình nhìn qua nghiệp duyên của mình… Cái đó gọi là tha thọ dụng, mình chỉ hưởng, chỉ nhìn được một phần của nó thôi. Chẳng hạn như Đức Phật thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh mà mình chỉ nhìn ra một phần của cảnh giới đó thôi.
Đó là điều ở trong kinh Duy Ma Cật khi nói rằng “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” tức ‘khi tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh’, ngài Xá Lợi Phất thắc mắc, “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Đức Thế Tôn đã thành Phật rồi mà cõi nước của ngài bất tịnh vậy?” Đức Phật Thích Ca thành Phật ở cõi Ta Bà, mà rõ ràng cõi Ta Bà này ngũ trược ác thế, tham sân si, đủ hết. Đó là sự thật. Tại sao Đức Phật Thích Ca đã thành Phật ở cõi này mà cõi này không gọi là Tịnh Độ? Nếu mà đúng theo luật chánh báo và y báo, nhân quả, thì tại sao Đức Phật đã thành Phật mà cõi nước của ngài thua cõi nước của Phật A Di Đà, Phật Dược Sư trong khi Phật Phật đạo đồng, ngài cũng phải tu như vậy, phước đức đầy đủ, trí tuệ đầy đủ mới được thành Phật. Ngài Xá Lợi Phất đã đặt vấn đề đó dùm chúng ta và được Đức Phật trả lời bằng cách này. Ngài không dùng lý luận, mà chỉ dùng ngón chân cái của ngài ấn xuống đại địa và Xá Lợi Phất nhờ thần lực của Đức Phật mà bỗng nhận ra cõi Ta Bà này ngay khi đó trang nghiêm thanh tịnh không thua kém gì mười phương Tịnh Độ. Đó là cảnh giới tự thọ dụng của Đức Phật. Sở dĩ mình không nhận ra được như vậy vì mình còn mang cặp kiếng màu phân biệt của nghiệp chướng nên nhìn cái gì cũng là nghiệp chướng hết.
Bởi vậy, một người tu mà nói không tin Tịnh Độ là người đó không tin nhân quả, mà không tin nhân quả thì không phải là người có chánh kiến. Tại sao? Vì nếu mình tin rằng làm ác có quả báo ác, làm lành có quả báo lành thì trong quá khứ Phật đã hành Bồ Tát Đạo ba đại a tăng kỳ kiếp rồi mới thành Phật, thì ngài đã làm vô số điều lành vô lậu, đã bố thí với một lòng từ bi không vướng mắc, phân biệt, phiền não gọi là bố thí ba la mật, bố thí đáo bỉ ngạn, v.v., đó là cái nhân của Đức Phật cho nên chiêu cảm ra những phước báu trang nghiêm.
Cho nên đứng về lý nhân quả mà nói thì cõi Tây Phương Cực Lạc hay bất cứ cõi nào đều có đạo lý của nó, đều đáng tin dựa vào lý nhân quả. Ai không tin Tịnh Độ là người đó không tin nhân quả của chư Phật. Hiểu được vậy thì khi nghe ai bài bác rằng không có Tịnh Độ thì mình sẽ không bị lay động.
Không ai chứng minh bằng khoa học là có hay không có Tịnh Độ nhưng có ba cái yếu tố để mình tin có Tịnh Độ. Một là có kinh điển y cứ, gọi là thánh giáo lượng. Hai là tỷ giáo lượng, nghĩa là có đạo lý nhân quả để mình tin. Ba là hiện chứng lượng, tức là kinh nghiệm tự thân.
Người tu quán tưởng thấy có kết quả nội chứng thấy an vui hạnh phúc; hay niệm Phật thấy bớt tham, bớt sân, bớt si, thấy được chỗ diệu dụng của câu niệm Phật khi cần một điểm tựa nương, vân vân. Niềm tin vào việc niệm Phật có được sự bình an đã được khoa học chứng minh. Chẳng hạn như trong quyển Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư mà thầy đã dịch sang tiếng Việt từ tác giả Đài Loan là Pháp Sư Đạo Chính. Trước khi đi tu, pháp sư là một bác sĩ chuyên trị bịnh ung thư cuối cùng phát hiện mình cũng bị ung thư. Cô bèn bỏ tất cả, lên núi đi tu. Sau một thời gian tu hành cô tìm được sự an lạc và từ đó xuống núi đi khắp các nơi giảng cho những người đồng cảnh. Những bài giảng của pháp sư, tức bác sĩ Quách Huệ Trân, được thu thập thành dĩa, thành sách, trong đó đưa ra nhiều câu chuyện minh chứng sự hiệu nghiệm của câu niệm Phật. Cho nên từ kết quả của những nghiên cứu về phương thức trị liệu tổng quát, chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng người niệm Phật có niềm tin, có niềm vui, sống lâu hơn, vui hơn, thắng được phiền não. Nếu kết quả đuọc như vậy thì các vị nghĩ có nên niệm Phật không?
Đó là về mặt hiện chứng lượng. Còn đứng về mặt tỷ giáo lượng, tức lý luận, thì mình có nhân quả của mình, Phật có nhân quả của Phật. Nếu nói ‘tôi chưa thấy Tịnh Độ nên tôi không tin’, (chẳng qua) đó là vì điều này vượt qua khả năng thấy biết của mình. Thí dụ như con kiến mà nhìn con người chắc chắn nó không biết con người mình cao một mét mấy, mập ốm ra sao thì mình nhìn Đức Phật cũng giống như vậy, sợ còn tệ hơn như vậy nữa.
Còn đứng về mặt thánh giáo lượng, tinh thần Tịnh Độ bàng bạc trong các kinh Đại Thừa. Nếu ai có lòng tin Đại Thừa thì người đó tin Tịnh Độ, đó là điều đương nhiên.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.