Lòng hiếu thảo của Hòa Thượng thương cua

*Đọc 6 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Câu chuyện dưới đây được kể nhân Mùa Vu Lan là chuyện hư cấu dựa theo truyền thuyết có thật về ngài Thiền Sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung, một cao tăng Việt Nam đã cứu Phật Giáo thoát khỏi ách nạn vào thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị (1678) thời hậu Lê, khi nhà vua đề cao Nho Giáo và đuổi các tăng ni ra khỏi các chùa. Thiền Sư đã xin được gặp vua để giải thích về Phật Giáo, và rồi ngài đã cứu được đạo Phật, còn được nhà vua trọng dụng. Tuy là bậc tôn sư của triều đình, là tổ thứ hai của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam, nhưng đối với dân gian thì Thiền Sư vẫn luôn được gọi một cách thân kính là “Hòa Thượng cua” vì lòng hiếu thảo của ngài đối với mẹ qua hành động cứu những con cua, được trích trong Truyện Cổ Phật Giáo Việt Nam.

Thiền Sư Tông Diễn sanh năm 1640, mất năm 1711, thọ 71 tuổi, quê ở làng Phú Quân, huyện Cẩm Giang, tỉnh Thanh Hóa. Cha mất sớm, Sư sống với mẹ. Năm Sư được 12 tuổi thì bị mẹ đánh đuổi ra khỏi nhà chỉ vì mấy con cua. Sư sợ quá bỏ đi tu, mấy chục năm sau trở về quê, và từ đó có câu chuyện “Hòa Thượng thương cua” rất cảm động dưới đây.

*

Thuở xưa có một cậu bé mồ côi cha sống với mẹ tại một miền quê hẻo lánh. Năm cậu bé được 12 tuổi, bà mẹ vẫn buôn bán tảo tần nuôi con. Cuộc sống bon chen ở chợ rất vất vả, khiến bà trở nên hung dữ, thường tranh cãi với người khác.

Một hôm, trước khi mang hàng ra chợ bán, bà mẹ trao cho con một giỏ cua đồng, nói con giã ra nấu canh làm cơm chiều. Cậu bé làm y theo lời mẹ dặn mang giỏ cua ra giã. Thế nhưng khi cầm chày tính đập con cua đầu tiên, thấy con vật quýnh quáng, bò ngang bò dọc, mắt mở to khốn khổ tìm đường thoát để được sống, cậu bé với căn tu từ mấy đời trước bỗng động lòng từ bi không nỡ sát hại con cua. Cậu liền đem giỏ cua ra trút xuống ruộng, cầu nguyện cho các con cua được sống thêm ngày nào hay ngày đó.

Tan chợ, bà mẹ mang hàng về chiều tối hôm đó. Vì buôn bán ế ẩm, nhìn mâm cơm chỉ có rau luộc bên chén tương, bà liền nổi nóng hỏi, “Thế, món canh cua đâu?”

Cậu bé ấp úng, “Khi sáng con mang cua ra làm, thấy chúng nó khóc, con thương quá, nên thả hết rồi mẹ ạ!”

Vừa đói, vừa giận, bà mẹ vơ lấy một khúc cây trong bếp quất túi bụi vào đầu, vào lưng con. Cậu bé hoảng sợ, nhưng rồi nhẫn nhịn chịu đòn như muốn chịu đau thay cho những con cua. Đánh con xong, dù con đã u đầu chảy máu, mặt mũi bầm dập, người mẹ vẫn còn giận, chỉ tay ra cửa và đuổi con ra khỏi nhà. Mặc kệ con van xin, bà còn nói trong cơn giận, “Mày cút đi cho khuất mắt tao, con không biết nghe lời, nuôi chi cho khổ quá thế này.”

Thế là người con đành phải rời nhà ra đi trong đêm tối mà lòng vẫn thương mẹ, muốn làm cho mẹ được vui. Quá nửa đêm, trong lúc bụng đói, người mệt lã, đau nhức, không biết đi về đâu giữa rừng khuya, cậu bé quỳ đảnh lễ chư Phật, nguyện được tu hành suốt cuộc đời còn lại để cứu mẹ, cứu chúng sanh thoát khổ. Cầu nguyện xong cậu bé thiếp vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy trời chưa sáng hẳn, cậu lần ra tới bìa rừng thì thấy thấp thoáng một mái chùa ở chân núi giữa chốn hoang vu.

Ở đó có một vị thầy tu một mình đã lâu, lui cui quanh quẩn đơn độc lâu lắm mới nghe tiếng người, nay thấy một cậu bé đến nài nỉ xin được dậy dỗ, tu hành, nên thầy cũng động lòng muốn nhận. Thầy nói, “Chùa này nghèo, bữa đói, bữa no, nếu muốn ở chùa thì con phải lao động nhiều lắm, rồi phải học Phật, tụng kinh, làm đủ thứ chuyện.”

Biết chư Phật đã chỉ đường cho mình đến đây, cậu bé vui mừng nhận lời ngay. Thế là từ đó ngôi chùa đơn sơ ở nơi thôn dã có thêm tiếng tụng kinh, tiếng làm lụng của một cậu bé dần dần trưởng thành. Cậu được thầy chỉ dẫn tu theo thiền tông, vốn thông minh nên học nhanh, lại có sẵn căn cơ nên lòng bi mẫn lại càng phát triển, giúp ngôi chùa ngày càng tỏa sáng, thu hút người từ xa đến thăm, có thêm những thanh thiếu niên đến xin tu.

Khi quá đôi mươi, cậu bé mà nay là một đại đức xin thầy bổn sư cho đi đó đây để tham vấn, học thêm đạo pháp từ những vị cao tăng khác. Được sư phụ cho phép, đại đức đã vui mừng và chu du khắp chốn, học thêm những giáo pháp được truyền từ thời Đức Phật Thích Ca đến nay, trong đó có cả pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông. Được đi nhiều nơi, nhưng lòng của đại đức vẫn luôn hướng về người mẹ của mình, mong một ngày kia được giáo hóa mẹ, giúp bà không gây thêm nghiệp chướng để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Rồi một ngày kia, khi cảm thấy đã đủ đạo lực để giáo hóa người khác, ngài thiền sư lần đường về làng xưa để tìm mẹ, mong rằng bà còn sống để hưởng được giáo pháp ở đời này trước khi quá trễ.

Hơn 30 năm đã trôi qua, bà mẹ đã già yếu, vẫn bán hàng từng buổi chợ để mưu sinh. Từ ngày đuổi con đi, bà đã hối hận về sự nóng giận của mình, dần dần hiền từ trở lại và mong có dịp được gặp con trước khi nhắm mắt.

Một hôm đang trong buổi chợ, bà gặp một vị tăng trung niên, ghé qua hàng hỏi thăm. Thấy bà già yếu, không người chăm sóc, vị tăng đề nghị giúp đỡ bà bằng cách đưa về chùa nuôi dưỡng, với điều kiện bà phải ăn chay, niệm Phật, làm công quả ở chùa. Vì đã chán cảnh chợ búa, lại cô đơn, mà nay miệng ăn cái gì cũng không thấy ngon, thì về chùa ăn chay cũng được vậy, lại được những tăng ni chăm sóc, nghĩ vậy nên người mẹ liền nhận lời.

Từ đó dưới mái chùa của vị thượng tọa đã có thêm tiếng niệm Phật của bà cụ. Thầy vẫn không tiết lộ mối liên hệ máu mủ với bà, vì mong bà chí tâm tu hành để giải nghiệp chướng, hồi hướng những công đức đến cho chính bà được giải thoát phiền não, khổ đau. Thầy chỉ dẫn cho bà cách niệm Phật vì pháp môn đó giúp cho miệng của bà luôn nhắc tới Phật, giải bớt những nghiệp xấu gây ra bởi khi dùng miệng để nói lời không tốt thời còn bôn ba ở chợ đời. Vì cũng có căn cơ từ nhiều đời trước, chỉ bị che mờ trong kiếp này, nên bà cụ đã tu tập rất tinh tấn, ngày đêm niệm Phật, tâm chỉ nghĩ đến những điều lành, lòng từ bi lan tỏa đến với mọi người, mọi thú vật, ngay cả cây cỏ cũng xanh tươi nhờ đón nhận được lòng từ của bà.

Ngày tháng dần qua, đã đến lúc bà cụ phải từ giã cõi đời. Trước những ngày cuối đời của mẹ, vị thầy mà nay là Hòa Thượng trụ trì, mới tiết lộ câu chuyện cứu những con cua năm xưa, nói cho mẹ biết rằng chính nhờ sự ra đi thuở bé đó mà thầy mới tìm đường tu hành được đến ngày nay, thầy đã hồi hướng những công đức tu tập về cho mẹ, mong bà một ngày kia cũng được vào chùa, vào cửa Phật để thoát vòng sanh tử luân hồi.

Nghe vậy, bà mẹ rất cảm động và vui mừng, thấy được tấm lòng hiếu thảo bao la của con, mà cũng là tấm lòng mà con không chỉ dành cho bà mà cho mọi chúng sanh. Phút lâm chung bà mãn nguyện ra đi về cõi Phật trong tiếng niệm Phật của con, của các tăng ni, và của đại chúng trong ngôi chùa do chính con của bà đã tạo dựng xuất phát từ lòng bi mẫn dành cho những con cua năm nào.

*

Tranh vẽ về câu chuyện hiếu thảo của ngài Thiền Sư Tông Diễn với mẹ của ngài. (Ảnh: Nhuận Thường)

Trên đây là câu chuyện được phóng tác từ sự tích về ngài Tông Diễn và mẹ ruột của ngài, một câu chuyện vô cùng cảm động và cũng không kém phần huyền bí. Sau khi ngài viên tịch, xá lợi của ngài được đặt trong vài tháp mộ mà nay còn lưu lại ở ít nhất hai ngôi chùa tại miền Bắc Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *