Người đến rồi người đi: Hòa Thượng Thích Quảng Thanh

*Đọc 8 phút*
Thầy Quảng Thanh ngồi trước một ao sen được đăng trên trang nhà của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới với tựa đề ‘Thiền Bên Bờ Suối.’

Bài KIỀU MỸ DUYÊN

“Thưa thầy, con kính mời thầy nói vài lời mời đồng hương Phật tử đến tham dự lễ Phật Đản ở chùa Bảo Quang trong chương trình Cái Nhà Là Nhà Của Ta hàng tuần thầy nhé.”

Thầy Quảng Thanh nhanh nhẹn nhận lời ngay, “Tôi sẽ gọi vào.”

Đó là chiều thứ Tư. Thầy sẽ gọi vào để mời đồng hương tham dự đại lễ Phật Đản ở chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, và Thầy cũng mời luôn đồng hương đến tham dự nhận nguyệt san Trúc Lâm, dùng cơm chay từ lúc 4 giờ chiều, nghe nhạc đạo, nhạc thiền 5 giờ, và đúng 6 giờ đại lễ Phật Đản bắt đầu.

 Chiều cùng ngày, Thầy gọi tới và nói, “Tôi không thể nói trên chương trình của chị chiều thứ Sáu.”

Tôi rất ngạc nhiên, vì mấy chục năm nay quen thầy khi thầy hứa điều gì thì chưa bao giờ thầy không thực hiện lời hứa của thầy.

Thầy nói tiếp, “Tôi đang nằm bệnh viện.”

 Tôi hỏi liên tục, “Sao vậy thầy, có nặng lắm không thầy? Bác sĩ nói như thế nào ? Con vào thăm thầy được không?”

“Không sao, mai mốt tôi về, không nên thăm.”

 Dù thầy không cho thăm, nhưng tôi quen bác sĩ , y tá, giám đốc bệnh viện, thì với tôi việc thăm viếng là bình thường. Chắc thấy tôi bận rộn quá, sợ tôi tốn thì giờ. Nhưng thầy là ân nhân của gia đình tôi. Khi mẹ tôi qua đời thầy tụng niệm cầu siêu cho mẹ. Tới đến em chồng, em họ, rồi ông xã tôi, thầy cũng cầu siêu, thì sao tôi không thể thăm thầy được. Tôi gọi tất cả nhà thương, cuối cùng tôi cũng biết thầy đang nằm ở đâu.

 Chúng tôi vào bệnh viện Orange Coast. Giường của thầy gần cửa sổ. Thầy đang nhắm mắt, nhưng chúng tôi biết thầy không ngủ. Thầy gầy hơn so với tuần trước khi tôi gặp thầy. Đứng một lúc khá lâu, tôi nói, “Thầy ơi, chúng con thăm thầy.”

 Thầy mở mắt và chào chúng tôi.

 “Bác sĩ nói thầy bao giờ về chùa?”

Thầy nói, “Vào đây mấy ngày chưa chữa trị gì hết. Ngày nào cũng lấy máu, đo áp huyết.”

Thầy nói buổi sáng thầy còn đi tập thể dục. Rồi thầy lại về chùa, cầu siêu cho anh hùng Lý Tống 49 ngày. Còn nhớ khi Lý Tống qua đời, thầy làm lễ cho Không Quân Lý Tống. Làm lễ cả hai ngày, thứ Bảy và Chủ Nhật, mặc dù lúc đó thầy cũng đã ra vào bệnh viện.

 Làm lễ xong, tôi nói, “Thầy vừa ở nhà thương mà giọng tụng kinh của thầy mạnh quá.”

 Thầy trả lời, “Làm việc gì tôi cũng làm hết lòng hết dạ.”

“Thầy mệt lắm không?”

 “Mệt chứ chị , vừa ở bệnh viện về mà.”

 Ngày hôm sau, thầy lại ngồi trên xe jeep dự diễn hành văn hoá của thành phố Garden Grove. Thầy đã hứa làm việc gì thì bao giờ cũng giữ lời hứa, dù thầy đang bệnh.

Ngày 19 tháng 5, 2019, thầy không về chùa tham dự lễ Phật Đản được vì đang nằm trong bệnh viện. Hòa Thượng Thích Minh Mẫn nói đây là lễ Phật Đản đầu tiên trong cuối đời thầy Quảng Thanh không tham dự.

 Chúng tôi thăm thầy ở bệnh viện. Thầy cho biết thầy nằm ở bệnh viện không về chùa, nhưng chùa đã có nhiều người lo cho, như các thầy Phước Hậu, cháu ruột của thầy, con của người anh thứ hai ở tù cải tạo về, đi tu và thầy Huệ Minh. Các thầy trẻ giỏi lắm, chịu khó làm việc, nên thầy yên tâm. Thầy tin tưởng ở các thầy trẻ, và chùa không thiếu nợ.

Rồi đến một trưa thứ Tư đầu tháng Sáu, Hòa Thượng Minh Mẫn cho biết, vài giờ nữa thầy Quảng Thanh sẽ về chùa. Thầy nói bệnh viện giữ lại, nhưng thầy Quảng Thanh nhất định về chùa. Khi chúng tôi đến chùa, thầy Quảng Thanh nằm trên giường bệnh đặt ở giữa phòng triển lãm, và cũng là lớp học tiếng Việt cho các em vào cuối tuần.

 Thầy yên lặng, giữa hàng trăm Phật Tử đang tụng kinh. Thầy thở bằng dưỡng khí. Một thầy cho biết, bác sĩ nói thầy bị ung thư gan đã đến thời kỳ trầm trọng, chỉ còn vài ba ngày nữa. Phật tử khắp nơi ở Cali cũng như nhiều Phật tử từ các tiểu bang khác, du lịch về đây, nghe tin thầy Quảng Thanh bệnh nặng, nên đến cầu an cho thầy.

Thầy Quảng Thanh sinh năm1951 ở Bình Thuận, tên thật là Dương Thanh Tùng, khi làm thơ lấy bút hiệu là Thanh Trí Cao. Thầy vượt biên đến Nam Dương, làm việc Phật sự ở một ngôi chùa trong trại tị nạn. Định cư ở Cali, thầy ở chùa Hương Tích, thành phố Santa Ana. Kế, thầy thành lập chùa Bảo Quang ở thành phố Garden Grove. Sau mua nhà thờ ở Santa Ana làm chùa, mái chùa cong cong như ở Việt Nam. Thầy in sách, ra báo Trúc Lâm đến số 73. Mỗi năm in ba lần, đại lễ Phật Đản, Vu Lan và báo Xuân.

Thầy không ngồi nghỉ ngày nào. Thầy có chương trình phát cơm cho người không nhà suốt 26 năm, mỗi tuần ngày thứ Ba. Thầy cũng giúp lợp mái nhà cho nạn nhân bão lụt ở quê nhà.  Thầy tổ chức những lớp học tiếng Việt cho trẻ em, dạy múa hát, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, cây bonsai, tổ chức nhạc thính phòng. Thầy giữ một chương trình của Hoà Thượng Viên Lý là Hành Trình Giác Ngộ và cũng làm việc với thầy Viên Lý trên đài truyền hình. Thầy chụp hình rất đẹp, được nhiều giải thưởng quốc tế ở Anh. Thầy sáng tác nhiều thơ, và nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ của thầy, tặng cho đời nhiêu CD, DVD về thiền, về đạo.

Một chuyện cảm động nhất mà Phật tử kể cho chúng tôi nghe. Khi thân mẫu của thầy hấp hối ở Việt Nam. Người nhà gọi sang nói rằng tất cả con cháu đều có mặt bên giường bệnh của bà cụ, nhưng chỉ thiếu có thầy nên bà cụ không nhắm mắt. Lúc đó thầy đang tụng kinh cầu an cho thân mẫu. Người nhà chuyển điện thoại cho thầy. Một tay gõ mõ, một tay cầm điện thoại, thầy nói, “Con lạy mẹ, mẹ đi bình yên. Con không thể về được.”

 Hòa Thượng Quảng Thanh cũng như cố Đại Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu thường nói với đệ tử rằng “Còn Cộng Sản là không về.”

Từ ngày thầy Quảng Thanh từ bệnh viện trở về chùa Bảo Quang lần cuối, các thầy, ni và Phật tử đến thăm từ sáng đến chiều, và có người ở bên cạnh thầy 24/24 giờ. Di chúc thầy đã làm xong. Nhưng mơ ước của thầy còn nhiều, chưa thực hiện được, như sưu tầm nhiều di tích Phật giáo cho bảo tàng viện. Hàng trăm bài thơ của thầy chưa phổ thành nhạc. Những tác phẩm của thầy chưa in thành sách, v.v. Trong đời này có ai ra đi mà thực hiện được tất cả giấc mơ của mình?

Thầy Quảng Thanh mơ ước Việt Nam có tự do dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải. Trong chương trình Hành Trình Giác Ngộ trên đài tivi 18/12 lúc nào vào chương trình cũng như cuối chương trình thầy đều cầu nguyện cho Việt Nam như trên.

 Nhiều người cũng mơ ước như thầy, nhưng giấc mơ tuyệt vời đó chưa thực hiện được thì họ đã ra đi.

Thầy có nhiều tác phẩm trong đó có cuốn Dấu Ấn Nghệ Thuật, giấy dầy, hình ảnh rất đẹp. Những tác phẩm đã chiếm giải thưởng quốc tế. Ở chùa thì nơi nào cũng có tranh rất đẹp, như phòng ăn, trên tường có những bức tranh đã chiếm giải thưởng quốc tế.

 Ở sân chùa có rất nhiều tượng Phật. Sân cũng có một con thuyền của người tị nạn Việt Nam ở trong hồ. Đây là một trong các di tích của làn sóng người tị nạn vượt biển lớn nhất trong nhân loại. Hàng ngàn người vượt biển bằng thuyền đánh cá mỏng manh, bị hải tặc đánh đập, bỏ mình trên biển cả trên đường tìm Tự Do.

Từ khi Hòa Thượng về chùa lần cuối, 24/24 giờ lúc nào cũng có người tụng niệm A Di Đà Phật. Tiếng cầu kinh nho nhỏ đầy thành kính trong phòng triển lãm.

Chiều thứ Sáu, ngày 7 tháng 6, tôi dành một chương trình 60 phút không quảng cáo ngắt đoạn nói về thầy Quảng Thanh, nói về công việc Phật sự và văn hóa của thầy. Tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các quốc gia khác, đặc biệt cô Tuyết ở Việt Nam. Cô nói cô đã từng nghe Hòa Thượng Quảng Thanh là diễn giả nhiều lần, nghe tin thầy bệnh, cô cầu nguyện cho thầy. Cô là tín đồ Công Giáo.

Thư email từ nhiều nơi gởi đến. Có những đồng hương cho biết đã gặp thầy ở đảo Nam Dương, bây giờ số người đó đi tứ tán khắp nơi như Úc Châu, Âu Châu, Hoa Kỳ, ai nghe tin thầy bệnh nặng đều cầu nguyện cho thầy.

 Hàng ngàn người đã cầu nguyện ngày đêm cho thầy Quảng Thanh.

Thầy Quảng Thanh viên tịch lúc 12:45 phút sáng Chủ Nhật, ngày 9 tháng 6, 2019 có sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, thầy Phước Hậu, thầy Huệ Minh, và một số nam nữ Phật tử xung quanh tụng kinh cầu siêu cho Hòa Thượng.

 Khi nhận được tin thầy đã viên tịch, tôi tức tốc đến chùa. Chưa vào tới cửa đã nghe tiếng tụng kinh ấm áp. Xung quanh thầy Quảng Thanh là một rừng hoa, đủ loại hoa, hoa cúc vàng rực rỡ như một thuyền hoa đưa thầy lên cõi Niết Bàn. Tôi gặp thầy Chơn Thành, thầy Minh Mẫn, thầy Phước Hậu, thầy Huệ Minh, và nhiều tu sĩ, huynh trưởng gia đình Phật tử của chùa Bảo Quang. Khuôn mặt người nào cũng buồn. Tôi thấy mí mắt bên phải của thầy Quảng Thanh còn đọng nước mắt. Một thi sĩ, nhiếp ảnh gia, người dạy cắm hoa, làm hòn non bộ, sẽ được hỏa táng.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn nói, “Không có tu sĩ nào chết mà không hỏa táng. Thầy Quảng Thanh cũng vậy, cũng sẽ hỏa táng.”

Thầy Quảng Thanh đã đi. Khuôn mặt thầy bình thản giữa rừng hoa. Một nữ Phật tử chuyên đem hoa đến chùa, nấu ăn trong chùa, nức nở nói với tôi, “Cháu không thể chấp nhận được thầy ra đi.”

Tôi ôm vai em và nói, “Cầu nguyện, cầu nguyện để thầy ra đi bình thản em ơi.”

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, 1951-2019. (Hình của Uyên Nguyên, cựu Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Chùa Bảo Quang, Santa Ana.)

Trưa Chủ Nhật, hàng trăm đồng bào Phật tử, Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức , ni sư, sư cô đã đến chùa Bảo Quang để tiễn đưa Hòa Thượng đến Peek Family Funeral Home, thành phố Westminster. Tiếng tụng kinh đều đều từ trong phòng triển lãm, nơi Hoà Thượng Quảng Thanh viên tịch sao mà buồn quá.

 Người đứng trong phòng khách, người đứng dọc theo đường đi. Linh cữu Hòa Thượng được di chuyển vào chánh điện nơi có Hòa Thượng Chơn Thành, Hòa Thượng Minh Mẫn, Hòa Thượng Viên Lý, Thượng Tọa Huệ Minh, Thượng Tọa Phước Hậu, và các Phật tử của chùa.

Hòa Thượng Quảng Thanh đã về với Phật, nhưng ngôi chùa Bảo Quang vẫn đồ sộ, sừng sững trong gió. Phật tử vẫn đến chùa, và những lớp học tiếng Việt vẫn tiếp tục. Các sinh hoạt thường ngày vẫn tiếp tục. Hoa vẫn nở, chim vẫn hót líu lo trong các hàng cây ở chùa, nhưng sao tiếng hát của chim buồn quá. Xin hồn thiêng của thầy phù hộ cho Phật Tử, cho đồng hương thực hiện được giấc mơ của mình.

 Chúng tôi đứng trước hành lang nghe tiếng gió lồng lộng của tiếng chuông bằng đá chạm vào nhau như lời giã biệt của thầy viện chủ Quảng Thanh. Thầy đã ra đi. Thầy về cõi Niết Bàn.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Người đến rồi người đi: Hòa Thượng Thích Quảng Thanh

  1. Tôi vinh hạnh có pháp danh với chữ Quảng đầu giống Thầy, đã vài lần nghe Thầy trả lời phóng viên phỏng vấn trên tivi và có cảm tình với một vị Thầy có tâm hồn nghệ sĩ nên muốn đi xem tranh của Thầy và số bảo vật cổ Thầy sưu tầm được nhưng không có duyên nên khi đến Chùa thì Chùa nghỉ trưa không vào xem triễn lãm được, thật tiếc.
    Xin cầu nguyện và gởi chút năng lượng bình an đến với Thầy, tri ân một vị Thầy mang đến cho đời và cho Phật tử những điều hết sức tốt lành.
    Quảng Tường

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *