Đâu có tu gì, thay đổi tí hà!

*Đọc 4 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Lần chót gặp anh bạn thân, rất thân, ở xa về, tôi phải nói thật.

Anh là người hào phóng, thường lẳng lặng về đất Bolsa này và rủ từng đứa bạn đi nhậu riêng ở một cái quán nào đó. Tàn tiệc anh lại biến mất, vài tháng sau, hay có khi cả năm lại bay về, hú gọi đi nhậu thật bất ngờ, không hẹn trước. Anh có nhiều bạn thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ giang hồ chợ búa cho đến văn sĩ, trí thức cà vạt cổ cồn. Tôi lọt vào được “vòng thân mật” của anh, không phải vì tôi là tay anh chị hay nhà văn, nhà vẽ gì ráo, mà vì tôi ít nói, ngồi đâu chỉ biết nhe răng cười nghe chuyện người khác, mà anh thì có nhiều chuyện lý thú để kể, và vì – điều này mới thật sự quan trọng – tôi uống được nhiều bia. Anh thích ngồi với bạn uống được nhiều bia, sẵn sàng bao. Hào phóng lắm. “Cóc ngồi với đứa nào không biết uống!” Anh thường nói giỡn, mà cũng có thể nói thật, khi nhắc đến một ai đó mà anh không muốn gặp.

Thế nên thuở ấy mỗi lần về Quận Cam thì thể nào anh cũng gặp tôi một bữa, có khi hai. Lần cuối cùng thì chúng tôi gặp nhau ở một cái quán ăn bình dân gần góc đường Westminster và Brookhurst. Vừa ngồi xuống bàn, theo thói quen anh đã gọi ngay bốn chai bia, hai chai uống liền trong vòng năm phút, còn hai chai kia có sẵn trên bàn khỏi phải ngoắc tay gọi tiếp viên. Mỗi lần đi ăn trưa như vậy thì chúng tôi “làm” đâu chừng bốn, năm chai mỗi đứa. Ăn tối thì khỏi nói, thiếu điều chủ quán phải cầm chổi hăm he đuổi hai ông khách để đóng cửa.

“Bữa nay không uống đâu anh,” tôi nói khi nghe anh gọi bia.

“Sao vậy?” anh chưng hửng, xong xua tay nói, “Thôi biết rồi. Vậy là tin tình báo tụi nó nói đúng. Bạn tu rồi phải không?”

Tôi tính đáp, “Đâu có tu gì đâu anh, chỉ thay đổi tí thôi, một chút hà,” nhưng rồi không thốt ra lời, vì không hiểu “tu” đối với anh nghĩa là như thế nào. Có người nghĩ tu là đi chùa, theo một vị thầy, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, hay xuống tóc xuất gia tìm một nơi yên tịnh nào đó.

Tu có thể là như vậy, nhưng cũng có lẽ còn xa hơn, sâu hơn, không hẳn dừng lại ở những hình thức như thế.

Thấy tôi ngần ngừ chưa biết trả lời mô tê ra sao, anh phất tay trước mặt như muốn phủi đi một cái gì đó mà anh không muốn nghe, muốn biết. “Thôi hiểu rồi cha nội. Bạn không cần phải giải thích, tui cũng biết. Đừng nói chuyện sinh tử luân hồi, nhân duyên với tôi nha. Đọc nhiều rồi, biết hết rồi, biết trước bạn lâu rồi, bạn không cần giảng đạo cho tui nghe.”

Như mọi lần, tôi mỉm cười, gật đầu đồng ý với những điều anh nói. Thấy tiếp viên mang ra hai chai bia. Tôi chia xẻ với anh một chai, để kỷ niệm tình bạn một lần cuối rồi thôi. Ngụm nước bia hôm ấy vẫn mát trong miệng, vẫn làm tôi lâng lâng, bừng nóng khi nó thấm sâu vào bên trong. Nhưng mà lần ấy cái đắng của bia đã thật sự đắng.

Trong bữa “nhậu” mà chắc chắn nhạt nhẽo đối với anh hôm ấy, tôi cố gắng nhắc đến những gì mà hai anh em cùng chia sẻ: tình thương cho kẻ thế cô, người nghèo, kẻ bị áp bức dưới thế lực độc tài ở Việt Nam. Sau lần chia tay với anh, tôi vẫn đọc những bài anh viết hàng tuần đăng trên báo ở chốn Bolsa đây, được gởi từ một nơi nào đó mà bước giang hồ đã đưa anh tới ở Cam Bốt, Thái Lan, Lào, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Hồng Kông, gần quê hương nhưng chưa thể về được nơi ấy.

Vậy chứ tôi có tu không? Có chứ sao không! Nhưng chỉ mới được chút xíu hà.

Tôi đã đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nghe các thầy giảng pháp, hiểu ra rằng mình cần phải thay đổi cách sống, phải quay vào bên trong thay vì hướng ngoại, phải nương tựa, nắm lấy những lời Phật dạy để lần đường đi sâu hơn vào nội tâm. Phải đóng hết sáu cánh cửa đưa đến lạc thú bên ngoài của trần thế để quay hẳn vào bên trong. Không chuộng ăn ngon, không chuộng nghe nhạc, không chuộng hương thơm, không chuộng cảnh đẹp, không chuộng lời khen, danh vọng, tiền bạc, và ngay cả không chuộng đọc sách, một thú vui khó rời của tôi.

Buông bỏ hết những thú vui của đời thường, mà vẫn sống trong đời thường, vẫn sinh hoạt với đồng loại, vẫn thương yêu mọi chúng sanh, vẫn đọc sách, vẫn biết trân quý mạng sống của chính mình, chăm sóc nó như chăm sóc một chiếc xe sẽ đưa mình tới bến bờ của sự tỉnh thức. Đường vào bên trong nội tâm đã giúp tôi nhận ra điều đó, và quý hơn nữa, hành trình ấy đôi lúc mang lại sự an vui đầy đạo vị mà tôi không thể giải thích được với ai. Làm sao diễn tả được niềm vui khi ngồi tụng kinh trước Phật một mình trong phòng nhỏ vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa lên, nghe âm thanh của chính mình hòa nhịp với âm thanh của muôn vạn hành giả đã từng đi trước trong hàng vạn năm, hàng vạn kiếp?

Chắc cũng đã bốn, năm năm trôi qua mà tôi chưa gặp lại anh bạn. Vẫn đọc bài viết hàng tuần của anh trên báo. Vẫn biết anh còn về chốn Bolsa đây, rủ rê mấy người bạn ra quán. Thấy thương anh mà đành phải quay gót, để lại những kỷ niệm đẹp bên đường.

(Thanks to Nishant Vyas, Delhi, India/Pexels)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *