Bài và hình HOÀNG MAI ĐẠT
Phật đến với mỗi người, hay Phật tỏa sáng từ trong tâm, có lẽ tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng của người khi Phật hiện hữu trong giây phút nhiệm màu ấy, tôi đoán vậy. Tôi chỉ có bản thân mình để tự xét nghiệm, không dám bàn đến kinh nghiệm của người khác vì e rằng sẽ phán xét không đúng sự thật. Còn Chùa Phật Tổ thì chùa này đã đến với tôi khi mà hoàn cảnh xem chừng không thuận với tâm trạng.
Từ nhiều năm trước tôi đã rất mong được sống ở một nơi yên tịnh, tại một miền đồng quê yên ắng hay trong một khu rừng u tịch, trên núi cao hay cạnh biển lạnh, miễn là vắng người, để tâm bớt đi hoang theo người cùng chuyện đời của họ, có được thời giờ để tu tập. Niệm Phật, thiền, tụng kinh, trì chú, đọc sách đạo, nghiền ngẫm về kinh nghiệm tu hành của các vị thánh hiền, làm cái chi cũng quý, miễn là được hít thở an vui giữa thiên nhiên, tập sống theo lời Phật dạy.
Muốn thì muốn vậy, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép. Mà ai trên thế gian này có được một cuộc sống lý tưởng như ý? Thỉnh thoảng tôi cũng được hưởng một ngày rời xa khu phố đầy chuyện thời sự mà tôi bắt buộc phải vướng vào từng phút, từ sáng sớm đến tối khuya, vì công việc kiếm cơm. Có cái thân cần phải nuôi, có trách nhiệm cần phải hoàn thành với sự nhẫn nại, tình thương. Thế nên chuyện đi chùa, đến chùa hay về chùa đối với tôi vẫn là một món quà xa xỉ, không phải cứ muốn đến là đến được.
May thay tôi đã có được món quà đó từ Chùa Phật Tổ vào một buổi sáng sớm mà có lẽ đã được gieo mầm từ lâu. Tôi nói gieo mầm là vì mười mấy năm trước mẹ tôi từng đến chùa này làm công quả khi chùa tổ chức khóa An Cư Kiết Hạ. Bà có một tấm hình chụp chung với chư tôn đức tăng ni trong mùa an cư ấy nơi ngôi chánh điện rộng thoáng vừa mới hoàn thành, để chứng minh với tôi. Chủng tử Chùa Phật Tổ rơi vào tâm thức tôi qua bức hình ấy.
Rồi mấy năm sau, mỗi sáng sớm cuối tuần tôi lại chứng kiến cảnh dì tôi loay hoay kéo một chiếc va-li nhỏ trên lối đi tráng xi-măng, lên đường như mấy cô thợ làm nail – “cô thợ” này đã trên bảy mươi tuổi – rời nhà đón xe bus ở Westminster để đến Chùa Phật Tổ tuốt trên Long Beach. Dì “đi tu” hai ngày cuối tuần, có khi suốt một tuần ở chùa đó. Lại thêm một chủng tử đã gieo vào tâm tôi.
Tiếp theo mấy năm nữa, vợ tôi thỉnh thoảng cũng đến Chùa Phật Tổ trong hai ngày cuối tuần, mang về cho tôi thật nhiều “mầm” đạo, gieo rắc “lung tung” những câu chuyện đạo từ các buổi giảng pháp, những buổi tu tập. Với ba vị ân nhân trên, nói sao tôi không “nẩy mầm” với Chùa Phật Tổ được chứ?
Thế rồi một buổi sáng thứ Ba kia, giữa tháng Hai năm 2015, tôi cũng đến Chùa Phật Tổ, nhưng đến để “tác nghiệp,” chẳng để tầm đạo hay tìm một vị Phật sống ở đó. Tờ báo nơi tôi làm việc đang cần một tấm ảnh cho Tết Nguyên Đán. Tôi nghĩ đến một bức hình chuẩn bị đón Xuân ở một ngôi chùa phù hợp với truyền thống của người Việt Nam mình. Và rồi bao nhiêu chủng tử Chùa Phật Tổ từ đời nào bỗng ào ạt trồi lên, thúc đẩy tôi lên xe hướng đến chùa cách nhà chừng 20 phút.
Đến nơi, tôi bấm máy chụp vu vơ mấy tấm ảnh ở sân chùa tuy vắng vẻ nhưng tràn đầy cây cối, bông hoa rực rỡ, tưng bừng chuẩn bị đón Tết. Bước ra khoảng sân bên hông chánh điện, tôi thấy một thanh niên đang đứng cạnh một chiếc bàn, chậm rãi làm một công việc gì đó. Anh chàng thu hút tôi bởi nét dáng rất điển trai mà lại làm một công việc rất phụ nữ. Đứng cắm bông hoa vào những chiếc bình.
Lại gần hơn, tôi nhận thấy anh đội nón len xám che xuống chân mày, mặc chiếc áo lạnh trùm đầu và quần thể thao cũng cùng màu xám, hơi lôi thôi mà rất nghệ sĩ. Mặt mày râu lún phún chưa cạo, mà dáng người lại rất thanh tú, dịu dàng khoan thai cầm từng nhánh hoa tu-líp vàng và đỏ cắm vào những chiếc bình, sắp xếp cho chúng được ngay ngắn, cẩn thận như một cô giáo đang dìu từng em bé vào lớp mầm non.
Nhìn anh đang cắm hoa dưới mái chùa, tôi biết đây là hình ảnh mà tôi có thể nắm bắt cho báo Xuân, nên bèn lại gần để làm quen với người có nét thanh tú ấy. Chưa kịp hỏi thì anh ta đã ngước lên nhìn, tặng người khách lạ một nụ cười thật tươi và ánh mắt thân tình, “Chú có cần gì không?”
Anh cỡ tuổi con chúng tôi. Chợt nhớ đến các con mình giờ này đang bận bịu với công việc ở ba thành phố khác nhau trên xứ Mỹ, mà anh chàng có nụ cười đẹp, đôi mắt hiền này lại dư thời giờ để đến chùa đây làm công quả. Kể cũng lạ. Tôi bèn hỏi bắt chuyện, “Anh tên gì vậy? Sao sáng nay lại đến chùa cắm bông? Bộ thích chùa lắm hả?”
Anh thoáng nhìn người hỏi, ánh mắt dò xét, miệng vẫn cười, rồi trở lại với những cành tu-líp trên tay, nói vừa đủ nghe với chút e thẹn, “Dạ, tên là Thường Tịnh. Chùa cần gì thì mình làm chuyện đó thôi chú.”
Nghe hai chữ “Thường Tịnh” tôi liền giật thót mình. Một trong những câu chuyện mà tôi nghe vợ kể về Chùa Phật Tổ là chùa có một thầy đại đức, trẻ và hiền, đã được đưa lên nhiệm vụ trụ trì, vì Hòa Thượng Thích Thiện Long bị bệnh nặng. Vợ tôi cũng kể, ngoài giờ hành lễ cần thiết, thầy Thường Tịnh ít khi ở trên chánh điện, vì thầy bận bịu lui cui nấu ăn dưới bếp, làm miết ở dưới đó. Không nghe vợ nói chuyện thầy trụ trì đẹp trai, cũng không nói mập ốm như thế nào, nên tôi tưởng thầy Thích Thường Tịnh là một người hơi đẫy đà, mập phúc hậu như mấy người chuyên nấu ăn. Ai dè thầy này cao ráo, mảnh khảnh, lại có vẻ dẻo dai, ánh mắt hiền hậu chân tình.
Biết mình đang nói chuyện với thầy trụ trì, tôi cười bẽn lẽn, thay đổi cách xưng hô cho hợp với một vị tăng đại diện cho Phật. Chúng tôi nói chuyện thêm dăm ba phút. Tôi nói tôi ngưỡng mộ những người còn trẻ mà đã biết hiến thân cho đạo như thầy, còn những người già như chuối sắp chín cây như tôi đây mà nay mới biết đạo thì cũng đáng tiếc, biết chừng nào mới tìm ra được con đường giải thoát, trước khi rụng xuống gốc cây.
Nghe vậy, thầy nói như an ủi tôi, giải thích rằng những người như tôi biết đâu đã có căn tu từ những đời trước, nay còn chút nghiệp để trả, rồi đến khi xong việc đời mà đi tu thì không chừng lại mau đắc đạo hơn những người đã xuất gia và tu suốt đời. Không biết thầy nói có đúng hay không, nhưng nghe giọng thầy rất chân thành, ôn tồn, tôi cảm thấy nhẹ trong người. Rồi thầy ngỏ một lời mời mà từ đó về sau tôi biết thầy luôn nói với bất cứ ai từng đến Chùa Phật Tổ, “Chú ăn chưa? Mời chú ăn đi rồi hẵng về.”
Thấy tôi còn ngại ngùng, thầy liền lấy một chiếc dĩa và mời mạnh tiếng hơn, “Cơm chùa ngon lắm. Chú ăn chút đi rồi hẵng về đi làm.” Nhìn tôi cười chịu thua trước lời mời ngọt vị đạo, thầy liền mở nồi cơm điện lớn ở gần đó, hỏi tôi muốn ăn bao nhiêu thầy lấy cho. Rồi thầy tìm thêm mấy món kho, xào cho tôi ăn. Một hồi sau tôi được mời thêm chén canh khoai môn mới nấu xong, từ một nồi lớn chắc để chuẩn bị cho khách thập phương và Phật tử đi lễ cuối tuần.
Trong nhiều phút sau, chúng tôi giữ yên lặng, chuyện ai nấy làm mà vẫn biết có sự hiện diện của nhau ở một khoảng cách chỉ có mấy thước. Thầy tiếp tục đứng cắm từng cành hoa vào bình, tôi ngồi ở bàn đối diện chậm rãi đưa từng thìa cơm vào miệng. Vợ chồng tôi đã ăn chay trường được mấy năm, tài nấu ăn của vợ tôi cũng đỡ đỡ (chắc chắn là hơn tôi), vậy mà mỗi lần ăn cơm chùa đều thấy ngon hơn cơm nhà. Sáng hôm đó cũng không khác. Sau này tôi mới biết các món ăn ở Chùa Phật Tổ này thuộc hạng “đệ nhất” ở xứ chùa Quận Cam.
Không những thế, Chùa Phật Tổ luôn được tiếng khen là có “lực lượng” tăng ni và Phật tử công quả rất dễ thương, ân cần chu đáo cung cấp cho khách thập phương những bữa ăn chay miễn phí thật tuyệt vời vào hai ngày cuối tuần cũng như cúng dường cả trăm, cả ngàn phần ăn trong những buổi Pháp Hội hay Phật Sự đông đảo (do các chùa khác tổ chức).
Từ buổi sáng gặp gỡ lần đầu đó, thỉnh thoảng tôi theo vợ đến Chùa Phật Tổ ngày Chủ Nhật, tụng kinh và nghe pháp buổi sáng, xong xếp hàng dùng bữa trưa rồi mới rời chùa. Và rồi dự tính thực hiện chủ đề ăn chay cho báo Tinh Tấn đã dẫn đến buổi nói chuyện giữa tôi với thầy Thường Tịnh hơn ba năm sau. Thật ra thầy chia sẻ nhiều, còn tôi chỉ hỏi mấy câu để tìm hiểu chuyện nấu ăn của thầy. Và cũng qua buổi nói chuyện, tôi mới hiểu hơn về nguyện hạnh nấu ăn phục vụ chúng sanh của thầy.
Vì thầy bận suốt tuần (ngoài Chùa Phật Tổ, thầy còn dành vài ngày cho Chơn Sung Tự ở vùng đồi núi Valley Center), nên chúng tôi chỉ có thể hẹn gặp nhau vào một sáng sớm trong tuần vào giữa tháng Tám 2018, sau thời tụng kinh công phu khuya của quý thầy. Buổi nói chuyện đã dài hơn một tiếng, lâu hơn tôi hy vọng có được, diễn ra tại Tổ đường mà cũng là phòng tiếp khách có cửa vào bếp, lối đi dẫn lên các phòng trên lầu và cửa ra sân sau. Và cũng nhiều hơn niềm mong đợi, tôi được nghe thầy kể về chuyện xuất gia, hộ niệm, nấu ăn, mấy ngày mở nhà hàng ở phố Bolsa, và qua đó thấy được tâm đạo của thầy. Mời bạn đọc tiếp.
Về duyên đi tu và qua Mỹ
“Thầy xuất gia từ năm 1996, ở một ngôi chùa dưới quê là chùa Khánh Hưng ở Đồng Tháp, lúc đó khoảng 13 tuổi…” Bằng một giọng Nam trong trẻo và chơn chất đầy cởi mở, thầy Thường Tịnh đã bắt đầu buổi nói chuyện như thế và kể cho tôi nghe thật đầy đủ những gì tôi hằng thắc mắc. Thầy thường xưng là “mình”, đôi khi thì xưng “thầy”, nhưng qua cung cách trình bày của thầy, từ cách xưng hô nào tôi cũng cảm được một sự gần gũi, khiêm cung và đầy ắp chân tình.
Theo lời thầy, cơ duyên đi tu của thầy cũng thật hi hữu. Trước khi đi vào chuyện xuất gia ấy, tôi xin lược qua một chút về người anh và em của thầy hiện tu ở hải ngoại này. Anh thầy là Thượng Tọa Thường Tín, đang tu ở Trang Nghiêm Tịnh Độ Đạo Tràng ở Garden Grove và em thầy là Đại Đức Thường Định, hiện tu ở Thái Lan sau khoảng ba năm trú xứ ở chùa Phật Tổ và Chơn Sùng Tự.
Mấy anh em thầy bắt đầu đi chùa từ khi cha mất. (Các Phật tử ở chùa Phật Tổ thân cận với quý thầy cho vợ tôi biết thân phụ thầy là cựu cảnh sát viên của miền Nam). Có thể nói chính biến cố đó là duyên để gia đình thầy đến với đạo. Năm 1994, thầy quy y, trong lúc đó thì thầy Thường Tín lớn hơn, vô chùa tìm hiểu về Phật pháp. Vì thiếu cha, nên khi một trong những người em trai của thầy hơi ngỗ nghịch, chú này liền được mẹ gởi vô chùa nhờ Hòa Thượng Thiện Quảng (là thầy trụ trì lúc đó) dạy giùm. Không ngờ chính người em út (là thầy Định), ban đầu đi theo anh chơi thôi, sau lại thích ở chùa tu luôn.
Thế là thầy Tịnh, từ cái duyên là hằng ngày lên thăm em, dần dà bỗng mến cảnh chùa và cũng xuất gia luôn. Thầy kể, “Đi lên thăm em, tối nào cũng tụng kinh xong mới về – chùa ngày nào cũng tụng kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn. Chùa quê yên tịnh lắm, không biết sao, mình thấy thích, nên xin sư phụ đi tu. Anh em mình có tới hai sư phụ: thầy Thiện Quảng và thầy Thiện Long. Thầy Thiện Quảng truyền ngũ giới, tới năm 1995 Thầy Thiện Quảng đi Mỹ theo diện HO vì xưa Thầy là Quận Trưởng (hiện Thầy đang ở North Carolina), nên mình được Thầy Thiện Long tiếp tục dạy dỗ…”
Tưởng cũng nên thêm chi tiết sau. Cuối buổi phỏng vấn thầy Thường Tịnh, lúc ra về tôi cũng được gặp Hòa Thượng Thiện Long đang đứng tưới cây cạnh bãi đậu xe trong chùa. Nghe tôi trình qua về việc viết bài về thầy trụ trì, Sư Ông nói gọn, “Ổng nói ổng muốn qua Mỹ. Tui mới nói qua Mỹ buồn lắm, không có gì vui đâu. Ổng nói ổng nhất định đi Mỹ. Tui mới nói, Ô kê. Muốn đi thì đi. Vậy đó. Rồi ổng qua ổng lo nấu ăn…”
Nhờ “vậy đó” mà tôi mới có dịp thân cận và được nghe những mẩu chuyện về đời tu của một vị tăng vào một buổi sáng giữa hè.
Thầy Thường Tịnh kể, “Mình qua Mỹ năm 2004, ngày July Fourth (4 tháng 7), lúc sư phụ (Thầy Thiện Long) đang trông coi việc xây cái chùa ở đây…Tới năm 2005, ngôi chùa mới được khánh thành. Rồi năm 2006 mở khóa tu, thỉnh Thầy Ngộ Thông về, từ lúc đó mình đảm trách việc nấu ăn…”
Vậy thầy biết nấu ăn từ hồi nào?
“Hồi ở Việt Nam, lúc còn sư phụ, thì mình phải nấu ăn cho sư phụ vì mình lớn nhất (khi đó thầy Thường Tín và thầy Thường Chơn đã vô trường Phật Học ở tu luôn). Nhưng nấu đơn giản – canh, kho, xào – vậy thôi. Nhưng khi mà qua Mỹ, từ năm 2005, 2006 trở đi thì bắt đầu có nhu cầu. Thật sự lúc mới qua, mình cũng chưa nấu ăn, chỉ lo đi học thôi. Các sư cô nấu hết, vì lúc đó Phật tử thọ bát mỗi tháng một lần, loe ngoe có 15 người thôi.
“Từ khi ngôi chùa được khánh thành và mở các khóa tu, như năm 2006 có khóa tu của Thầy Ngộ Thông, lúc đó mình mới bắt đầu học hỏi thêm, mấy cô dạy thầy nấu. Ban đầu tu mỗi tháng một lần, cỡ hai, ba trăm người về, thì cùng nhau nấu.
“Rồi từ từ mình mới học và thấy thích. Càng quen việc, mình tự chế biến, sáng tạo thêm ra. Chắc vì có duyên với việc nấu ăn.
“Mình coi nấu ăn như một hạnh nguyện. Vì muốn cho người ta gieo duyên với chùa, thì mình phải thân thiện. Mà muốn thân thiện, muốn gần gũi với họ thì mình phải có một cái gì đó mà họ thích. Tỉ như họ thích ăn uống, thì mình mang thức ăn ngon đến cho họ. Từ cái tâm của mình. Tâm của mình muốn hướng đến điều thiện, vì khi họ ăn chay thì họ cũng đỡ sát sanh.
“Ăn chay cũng đâu phải dễ. Có khi mình nấu ngon cỡ nào đi nữa mà họ ăn chay không được là không được, có năn nỉ họ ăn, họ ăn cũng không được. Thành ra một khi có đủ duyên để có thể giúp người ta ăn chay thì mình không nên bỏ qua. Có vậy mình mới từ từ chuyển hóa họ được, vì khi họ có thiện cảm với mình rồi đó, thì mình giảng pháp họ mới dễ nghe theo hơn. Mình từ từ gần gũi với mọi người, không dụ ai hết (cười). Ai đến thì đến ai đi thì đi, mình chỉ tạo duyên cho họ đến với Tam Bảo thôi.
“Đối với khách thập phương, thì mình vui vẻ tiếp đãi họ. Khi nào họ có đủ duyên thì họ đến chùa. Khi không còn duyên với chùa nữa thì họ đi, đi nơi này nơi kia để tìm học đạo lý. Giáo lý của Phật dạy là không được dụ ai. Phải tùy duyên. Khi nào đói thì họ mới cần đến thức ăn và ăn mới thấy ngon.
“Cũng vậy, nếu bình thường đời sống chưa xảy ra điều gì đó gây khổ đau cho họ hay cho gia đình họ thì mình nói pháp không ảnh hưởng họ được. Nhưng khi họ gặp một cái gì đó, như bịnh, như người thân trong gia đình mất. Lúc đó họ cần đến đạo, họ đến với mình họ hỏi thì mình sẵn sàng chia sẻ. Thường khi, họ đến chùa thì mình cứ để họ tự nhiên thôi, không bao giờ mình nói đi theo đạo đi, đi quy y đi, hay làm đệ tử tui đi” (cười). Mình chỉ làm bổn phận là hướng dẫn hay làm cái gì đó trong khả năng. Nhưng tới khi họ cần thì mình sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những hiểu biết của mình.
“Đây là những điều mình được truyền dạy mà cũng từ kinh nghiệm sống của mình. Đối với ai cũng vậy, mình mở cái tâm của mình ra….”
Có lẽ cũng vì cảm cái “tâm” đó mà, theo chỗ tôi biết, đã có rất nhiều người xin quy y làm đệ tử của thầy. Nhờ buổi nói chuyện, tôi mới có dịp nghe những lời khuyên thấm nhuần giáo lý Phật đà từ vị thầy trẻ tuổi này: “Nếu ai có đủ duyên muốn quy y với mình thì mình đại diện chư tăng để truyền tải Phật Pháp trong bước đầu. Khi quy y Tam Bảo rồi, nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng rồi, thì đối với mọi chư Tăng, bất cứ với ai người Phật tử đều kính trọng, quý mến, học hỏi được, chớ không phải bắt buộc chỉ phụng sự, phục vụ vị thầy, cái chùa mà mình quy y thôi…
“Người Phật tử nên học để nắm vững giáo lý căn bản như luật Nhân Quả, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo để khi mình hiểu sâu được lời đức Phật dạy rồi thì mình có thể đi nghe hết tất cả các thầy giảng mà mình không bị dính mắc. Vì nhiều khi quý thầy giảng, quý thầy giảng theo cái ý của quý thầy nữa. Mình nên đặt niềm tin nơi chánh pháp của Phật, như vậy nó sẽ vững hơn là đặt vô một vị nào đó để rồi có khi bị thất vọng vì một lý do gì đó rồi trở nên mất niềm tin…”
Tốn kém quá, làm sao lo nổi?
Trả lời câu hỏi “Việc cung cấp bữa ăn rất là tốn kém, làm sao quý thầy làm được đều đặn mỗi cuối tuần như vậy?” Thầy nhìn nhận, “Đúng vậy. Nhiều khi mình suy nghĩ lại: Nếu không được chư thiên gia hộ chắc không thể nào làm nổi. Bởi vì chi phí không phải là nhỏ. Nhìn lại mười mấy năm qua mình làm những việc mà người ta rất là sợ. Lấy thí dụ, lo một bữa ăn cho gia đình nhiều khi cũng đã khó rồi. Rồi cái quan trọng là tiền bạc ở đâu mà có.
“Về tiền bạc thì mình phát tâm làm, bên cạnh đó Phật tử cũng phát tâm làm. Hồi xưa, lúc chỉ có một, hai trăm người (ăn) thì thầy không có bán. Nhưng sau thầy nghĩ đến lâu dài cho nên phải ráng chịu cực. Chịu cực như vậy thì mới có đủ để lo chi phí. Vì khi Phật tử đến ăn rồi thì ủng hộ mua đồ chay, bên cạnh đó Phật tử cũng cúng dường chút đỉnh. Nhờ vậy mình mới có đủ phương tiện để trang trải chi phí để duy trì được.
“Nếu không có những cái đó, nếu không bán thêm thì nói theo chữ ngoài đời là không đủ sở hụi, bởi vì chi phí lớn quá. Mỗi tuần chi phí đi chợ này nọ tính hết (tổng cộng) vào khoảng năm ngàn. Vì vậy phải vừa bán, vừa nhờ Phật tử ăn rồi ủng hộ, vừa được đám xá cúng vô thêm. Mỗi lần có Phật sự của Giáo Hội hay của bất cứ Phật sự nào, quý thầy nhờ mình nấu thì mình cúng dường hết, như trường hạ hoặc tất cả các khóa tu do quý thầy ở ngoài tổ chức, thì thường thầy cũng phát tâm cúng dường vì muốn giúp cho Phật pháp trường tồn.
“Mỗi người góp một tay, mình có mảng nào thì mình phát triển cái mảng đó cho nó tốt để đóng góp. Khi nhận nấu giúp, thầy chỉ cần biết có bao nhiêu người tham dự thôi chớ không phân biệt pháp môn hay tông phái nào. Phật tử ăn rồi lo tu là quá tốt. Thầy chỉ muốn góp tay tạo cơ hội, giúp phương tiện cho đại chúng tu thôi…
“Ngoài ra mình cũng phải đối xử trân trọng người đến ăn, chứ không phải mình cho ăn mà mặt này mặt nọ, lúc vui lúc buồn. Cho nên quý vị Phật tử đến chùa làm công quả gắp thức ăn thầy cũng nhắc nhở họ hoài, là cái của mình cho không bằng cái cách mình cho, khi mình muốn cho ai mình phải trân trọng người ta. Mình bố thí cũng vậy, mình cũng phải nhớ không được vất đồ, tỏ vẻ coi thường người nhận bố thí, bởi vì người đó không nghèo ở cái tâm hoặc cái tư cách, phẩm giá con người mà chỉ vì họ không đủ phương hay thiếu tiền mà thôi.”
Về việc nấu nướng, thầy tự mua nguyên liệu hay sao?
“Mình chọn các nguyên liệu. Mình đi chợ tự chọn mua lấy những món tươi ngon về nấu. Phật tử mang đến, nhiều khi mình cũng không thích, nhưng người ta có lòng cúng dường thì mình cũng trân trọng. Nhưng nói chung thích nhứt là tự đi chợ mua thực phẩm để nấu. Sau này không quán xuyến hết cho nên mua về mình giao cho các cô Phật tử ở dưới bếp với thầy Minh Tài lo nấu các món canh, kho, xào này kia. Trên bếp này thì mình lo nấu mấy món nước súp. Mình thích nấu những món đó (cười).
“Nhiều việc quá nên không thể nào mình lấy hết, làm hết. Cho nên mình chia. Mình thấy người nào nấu ăn ngon thì mình giao cho họ. Đồ ăn nấu phải ngon thì người ta ăn chay mới được. Nếu như người ta đến mà một bữa ăn không được trọn vẹn, hoặc bị thiếu đồ ăn vì bữa đó mình bận rộn quá, thì mình không thấy vui. Chẳng thà mình nấu dư rồi cho Phật tử mang về mình thấy hạnh phúc hơn là mình nấu thiếu. Cho nên lúc nào mình cũng chuẩn bị đồ ăn sẵn, dư cho người ta rất là nhiều. Bởi vậy Tết hay lễ, rằm gì cũng không bao giờ thiếu hết. Có thể là (những người tới sau) không được đầy đủ như lúc đầu nhưng lúc nào cũng có đồ ăn hết.”
Món tủ của Thầy Thường Tịnh
“Một trong những món mình thích nấu nhứt là mì vịt tiềm. Cái món đó thì nhiều người thích mà cũng ít có ai nấu. Mình hay nấu món đó ngày mồng một Tết cho khách thập phương ăn. Mà món đó thì hơi cực và nhiều nguyên liệu mắc tiền, nếu có nhiều tiền để mua đầy đủ các món như hột sen, bạch quả thì càng ngon. Nội cái gia vị thuốc bắc cũng mắc tiền nhưng phải có, mua về hầm với củ sen này kia… Đi ra ngoài không thấy ai bán món này nên mình về tự chế biến. Ai hỏi thì mình cũng chỉ, nhưng tại vì nó cực quá nên cũng không ai thích làm. Với lại làm phải có nhiều người phụ mình mới làm được.
“Tàu hủ ky phải ướp bằng gia vị rồi để ráo. Kim châm thì phải lấy từng cọng rút bỏ ruột ra rồi thắt lại. Nấm đông cô phải mua loại ngon về ngâm, vắt ráo, chiên lên rồi mới cắt ra và xào nêm nếm. Kim châm cũng vậy, thắt gút xong cũng phải ngâm, rồi luộc sơ để bỏ đi chất dơ và chất chua, để ráo rồi mới xào. Xong trộn với nấm đông cô, nêm nếm để làm nhưn. Sau đó lấy tàu hủ ky đã ướp xong mình gói nhưn này lại, bọc bên ngoài là một lá tàu hủ ky nguyên rồi đem hấp. Khi nào ăn thì mới đem ra chiên. Chiên trên chảo thật ít dầu cho nó vừa đủ vàng, sao cho miếng tàu hủ ky vừa ăn và thơm thơm thì nó mới ngon.
“Về nước súp thì mình nấu bằng củ sắn, củ cải, cà rốt. Nấu xong mình vớt bỏ hết cái, chỉ lấy nước thôi, rồi để củ sen (sau khi đã bào vỏ và rửa sạch) vô hầm cỡ mấy tiếng đồng hồ. Rồi bỏ gia vị thuốc bắc như đản sâm, táo tàu, nhãn nhục, đơn quy, ngọc trúc… để vô hầm một lúc rồi vớt ra để khi ăn để lên mặt, nếu muốn ngon hơn thì có hạt sen, bạch quả. Và thêm cải ngọt hay cải làn, kỳ tử và ngò cho đẹp.
“Một lần Tết thầy xài khoảng 16 thùng mì, một thùng 40 pounds. Có năm lên đến 20 thùng. Nội cái người luộc mì không thôi cũng là một vấn đề. Nói chung là từng khâu, từng khâu, khâu nào cũng quan trọng. Có được một món ăn cho mấy ngàn người như vậy là công sức nhiều vô cùng chứ không đơn giản. Người tới chùa ăn tô mì thì thấy có vẻ dễ dàng như bỏ nước lạnh vô nấu ra tô mì (cười) nhưng sự thực không phải như vậy. Mình nấu là đặt hết cái tâm mình vô, cho nên món nào cũng vậy, cũng cực hết.”
Cực vô cùng nhưng rất vui…
Thầy Thường Tịnh còn vui vẻ kể, “Nấu mì trong ngày Tết cực vô cùng nhưng mình thấy rất vui vì đem lại sự ngon miệng cho người ăn. Có người thấy ngon quá, ăn một lần bốn, năm tô mình cũng vui vẻ không tiếc gì, chỉ trong trường hợp họ lấy mà họ ăn không hết rồi bỏ dở thì uổng phí khiến người đi sau không có phần. Thầy chỉ muốn người ăn biết trân quý món ăn, nó được nấu ra và phục vụ bằng tất cả công sức của rất nhiều người, vì vậy phải ăn cho hết món mình đang có rồi mới lấy món khác.
“Thầy làm nhiều món không phải để cho Phật tử phung phí mà chỉ phòng trường hợp có người không thích ăn mì mà thích ăn cơm thì cũng được vừa ý. Cho nên sư phụ lâu lâu nói mình bớt lại đi con, mình bớt một món, nấu đơn giản lại cho khỏe vì sư phụ thấy mấy Phật tử làm công quả cực quá cũng tội. Nhưng mình thấy còn sức, mà các Phật tử cũng vui vẻ muốn làm, nên nói chung là nương nhau mà làm.
“Nội cái khâu dọn dẹp cũng nặng lắm. Nếu mỗi tuần mà không có người đó thì cũng mệt. Có mấy chú phát tâm làm, thí dụ như chú Long, mỗi tuần phát tâm quét dọn lau chùi hai ngày thứ Năm, thứ Sáu. Chú ở rất xa, qua khỏi Mission Viejo lận. Chú về chùa làm công việc clean up rất là nhiệt tình, ai cần cái gì cũng vui vẻ giúp, làm ai nấy cũng vui lây.
“Bên ngoài ai cũng có địa vị xã hội nhưng khi về chùa thì là một Phật tử bình thường mà thôi. Bỏ hết bản ngã để trở thành một Phật tử chân thành mộc mạc, cho dù ở ngoài đời, trong sở làm anh là dược sĩ, kỹ sư, manager. Truyền thống từ xưa ở chùa này, Hòa Thượng chủ trương không giới thiệu (tước vị của) người này người kia tới chùa. Mỗi lần làm lễ là đi vô nghi thức Phật giáo liền, tránh bớt những hình thức chính trị vì còn dính chính trị là phải còn sân si phiền não, mà phiền não nổi lên thì việc tu nó không được đẹp.
“Mình tu là cầu giải thoát, muốn đem lại sự tươi mát cho người Phật tử đến chùa thôi. Mọi việc mình đều làm với cái tâm. Thí dụ như trong vấn đề quan trọng ở đây là chuyện tiền bạc. Có nhiều người hỏi thầy tiền ở đâu mà thầy có. Mình thấy, cứ làm đi, làm theo khả năng, theo cái sức của mình rồi tự nhiên nó ổn. Chứ không đặt ra bữa nay được bao nhiêu tiền. Nhiều khi mình mua đồ, ngàn ngàn đó, mà mình cũng không để ý nữa. Nhiều khi để ý thì không dám mua (vì), nói thật, tiền cũng rất quan trọng. Chùa cũng cần tiền. Nhiều khi mình bịnh hay bị gì mình cũng lo lắm. Lo hổng biết có người nào để tiếp tục duy trì…”
Thỉnh thoảng thầy chắc cũng bị cảm cúm, đau bịnh lặt vặt?
“Ô có lần mình bịnh, rinh đồ hổng nổi. Lần đó Tết, làm nhiều quá mà làm nặng nữa, tự nhiên bị trẹo vai, cái thùng củ sắn mà rinh lên hổng nổi. Thôi chết rồi, điệu này không biết có ai làm phụ mình. Mình là người chính cho nên cái gì mình cũng làm hết. Thí dụ như lúc trước, đi chợ trên Los, mỗi tuần phải đi chợ mà đi một lần hai xe, hai xe Pilot, tại hổng có xe lớn, cho nên đi hai xe vậy đó, tới cái chỗ đó là chỗ bán whole sale cho tất cả các chợ, bán đầu mối. Mình lên đó mua, mua xong phải rinh từng thùng, từng thùng cho nên cực lắm.
“Bây giờ thì mình có quen một cô Phật tử, cổ có cái whole sale, cho nên khi mình order thì cổ cũng lên đó mua. Mình order hết tất cả những gì cần, rồi mình lái chiếc xe bự đó, xe Cargo mới mua được hai năm, chở được nhiều thứ lắm. Lên đó rồi thì có mấy anh Mễ bưng xuống dùm cho mình, đỡ lắm. Chớ hồi xưa… Nghĩ lại, nếu làm như hồi xưa chắc mình làm hổng nổi nữa. Mỗi thời nó qua rồi… (cười). Bây giờ mà quay lại giống như vậy cũng ngán ngẩm lắm.
Bận như vậy mà làm sao thầy luôn giữ được nụ cười? Ai cũng nói tới chùa là được thầy tươi cười chào hỏi và mời ăn.
“Cái cười thì chắc do bẩm sinh. Từ nhỏ tới lớn, đi đến đâu cũng vậy, cực cách mấy cũng vậy. Chỉ khi nào trong người nóng, thí dụ như có quá nhiều thứ chuyện xảy ra cùng một lúc khiến mình hổng được vui, là coi như từ trên xuống dưới ai cũng biết hết (cười). Như có những lúc mình không hoan hỷ được, cho nên ngày đó mình rất là cẩn thận. Mình cố gắng canh chừng, nhìn hành động của mình, cái tâm của mình. Vì mình đang có tâm trạng bực bội thì ai hỏi gì mình dễ nổi cáu lắm, hoặc là dễ nói những lời không hay. Bình thường thì việc gì mình cũng có thể bỏ qua được hết, nhưng có những lúc tâm trạng mình nó hơi phiền. Mình cũng tự thấy được những cái đó. Cho nên lúc đó mình cố gắng làm thôi, hổng nói gì hết. Cố gắng làm cho xong công việc rồi lên phòng tắm rửa đi nghỉ, hổng muốn tiếp xúc nhiều, tại vì mình biết khi mình tiếp xúc, có gì đó không vui mình sẽ dễ để cho người khác phiền.
Thầy làm gì những lúc đó?
“Mình đọc sách. Có những quyển sách mà mình rất là thích. Những khi có tâm trạng buồn hoặc bị người ta làm mình cảm thấy không thoải mái, thì mình lấy sách ra đọc, đọc rồi nghiền ngẫm lại cuộc sống. Mình quán chiếu lại những lời đức Phật dạy, tự nhiên thấy thấm thía rồi bỏ qua được (cười).
“Nhưng mà nó hiếm lắm. Nó cũng ít xảy ra. Sau này vì mình mỗi ngày tiếp xúc nhiều, giống như mình có cái chiều sâu rồi, sự thực tập của mình cũng có chiều sâu, cho nên nó đến với mình cũng nhẹ nhàng. Còn lúc trước, nói chung mình còn nhỏ, còn trẻ nữa, cho nên nhiều thứ xảy đến, mà xảy đến một lần thì mình chịu không nổi. Sau này thì mình chỉ cười thôi. Nó đến thì mình chấp nhận, mình nghe. Nghe xong rồi chọn lọc nó, rồi bỏ qua.”
Thầy có thì giờ tu học không? Có đi dự những khóa an cư không?
“Dạ cũng có chớ. Lúc trước thì mình cũng đi theo dự các khóa an cư. Nhưng sau mình được quý thầy giao phải xuống bếp lo cho đại chúng, cho nên thầy phát nguyện hy sinh. Được cái mình cũng có thời gian riêng cho mình, những lúc rảnh rỗi mình nghe pháp hoặc là lúc nấu ăn mình cũng có thể nghe pháp. Hoặc mình đọc sách. Có những quyển sách đọc không kịp thì mình nghe. Thời đại bây giờ cũng dễ (cười), muốn đọc cái gì đó mình chỉ cần lên mạng gõ.
Lúc nấu ăn thầy có niệm chú hay làm cái gì bí mật cho món ăn được ngon?
“Người ta đồn (cười) thầy đi Thái thầy có bùa gì đó. Có bùa gì đâu! Hoặc là người ta nói thầy này là Việt Cộng, Việt Cộng bỏ tiền qua để dụ người này người kia. Thầy nói Việt Cộng lấy vô chớ đâu có bỏ ra.
“Bởi vậy làm Phật sự nhiều khi cũng gặp thử thách, mình chỉ cười thôi. Mình cũng phải làm muốn chết chớ đâu phải ở không đợi Phật tử tới cúng dường rồi mới có tiền rồi làm cho người ta ăn đâu. Ở Mỹ nó khác. Ở Mỹ không thể ngồi chờ Phật tử cúng dường mà phải tìm một cách nào đó để tồn tại để dù cho không có Phật tử đến, mình vẫn sống được để mang lại đạo lý cho người Phật tử.
“Cho nên nó khó lắm. Phải chịu cực chịu khó là như vậy. Thí dụ mỗi lần lễ trai tăng cúng dường mời một, hai trăm vị đến mà mình sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn để cúng dường thì tiền đó ở đâu mà có. Thì mình cũng tích góp, cũng dành dụm, cũng phải buôn bán. Sao đức Phật dạy không buôn bán mà mình lại buôn bán? Nhưng đây giống như cái phương tiện để mình có thể tồn tại được, tùy theo mỗi thời. Như bây giờ mình có cái chùa thì mình phải lo cho cái chùa, phải mua bảo hiểm nè, bảo hiểm là đủ thứ hết, người ta đi vô chùa người ta té, hoặc khi người ta ăn đồ ăn của mình cho người ta mang về lỡ có đau bụng hay bị cái gì người ta thưa mình, mình cũng phải chịu trách nhiệm; rồi những đứa bé đến chùa… Nói chung là tất cả mọi thứ đều phải mua bảo hiểm hết. Tiền đó ở đâu ra. Hổng lẽ mình đợi Phật tử đến cúng dường thì mình mới có sao?
“Rồi với quý thầy ở chùa, mỗi tháng mình cũng phải cúng dường cho quý thầy đổ xăng. Với quý thầy đến hướng dẫn tu tập, thuyết pháp này kia, thì mình cũng phải lo những chi phí đó. Mỗi thứ một ít nhưng tổng cộng lại thì thành rất nhiều. Nói chung là mình không than thở với ai, mình tự mình làm để tự mình sống. Phật tử nào có phát tâm thì mình cũng vui để thọ nhận cái đó để tiếp tục làm việc tốt cho mọi người. Không phải nhận xong rồi cất vô. Nhiều khi mình làm là làm vậy thôi, chớ hổng có nghĩ là làm để mình được cái lợi ích gì hết.
“Nói chung là mình có cái khả năng rồi thì làm với niềm vui, sự hoan hỷ, làm với cái tâm là đủ rồi. Còn ngoài ra ai có đến với mình, dù người nghèo hay người giàu gì thì mình cũng không phân biệt. Đi đám hay bất cứ chuyện gì cũng vậy.”
Hộ niệm cũng bằng cả cái tâm
“Đi đám” cũng là một khía cạnh độc đáo khác của thầy Thường Tịnh – hết lòng hộ niệm cho Phật tử sắp từ trần.
Thầy tâm sự, “Đi hộ niệm là không bao giờ mình lấy tiền hết. Vì mình đến là chỉ giúp thôi , vì muốn mang một cái gì đó đẹp đến với người Phật tử. Có những người không hiểu rõ đạo, mình đến, rồi họ cúng dường, mình nhận. Thì cái tâm của họ có thể nghĩ không hay về người tu sĩ. Mình không muốn đánh mất đi nét đẹp của người tu sĩ. Vì nhiều khi họ cúng dường mình một trăm, hai trăm hay là một ngàn, họ nghĩ là họ mua mình. Như khi họ có hậu sự gì họ thỉnh mình đến, họ nhờ mình, rồi họ cúng dường coi như là xong, coi như là bổn phận của mình phải làm cái đó. Có nhiều người họ nghĩ như vậy.
“Cho nên đối với mình, dù cho anh giàu đến mấy đi nữa tui cũng không đánh mất đi cái tư cách của tui, cho nên tui làm bằng cái tâm, tui đến là tui giúp cho cái người mất thôi, mà anh cũng phải trân trọng tui, anh đừng có nghĩ là anh cúng dường tôi một hai trăm hay một ngàn gì đó rồi là xong, coi như bổn phận thầy là phải làm cái đó. Không có cái đó (giọng dứt khoát).
“Nhiều khi ban ngày mình cũng làm công việc như mọi người, mà ban đêm khi có hậu sự gì, người ta gọi nhờ thì mình cũng vẫn sẵn sàng có mặt ngay lúc đó để giúp. Có khi tới đó mình hộ niệm nguyên cả đêm nhưng về mình cũng làm việc như bình thường, chớ hổng phải về mình ngủ hay mình than thở với người này người kia để người ta thương mình đâu.
“Mình làm với cái tâm thì mình mới đi được đến con đường đó. Mình chấp nhận mình là tu sĩ thì phải giúp cho mọi người trong lúc khó khăn. Nếu người nào có khả năng thì họ cúng dường lại chùa, thì mình lấy cái tiền đó mình chia sẻ đến với những người thiếu thốn.”
Như vậy ở cả hai việc, nấu ăn và hộ niệm, đều có cái giống nhau?
“Nói chung là trên đường tu tập mình chưa giỏi hơn ai, cũng chưa làm được cái gì vĩ đại cho đạo Phật hết, nhưng mình nghĩ là mình làm được một cái gì đó nhỏ thôi, tí xíu thôi. Nhưng mỗi người một ít thì cũng mang lại được lợi ích cho đại chúng. Chứ một người có thể nào làm hết được mọi việc đâu, nhưng mình cũng cố gắng thôi. Thí dụ như thầy này giỏi tụng kinh, hay là giỏi thuyết pháp, thì những mảng kia thầy đâu có làm được, vì thời gian nghiên cứu phải nhiều, phải trau dồi nữa, đủ thứ hết. Còn mình thì trụ trì. Một người trụ trì bên Mỹ không phải dễ. Người trụ trì bên Mỹ phải biết tất cả mọi thứ. Từ nấu ăn, đi cúng, thuyết pháp, cái này cái kia, đủ thứ hết.”
Về vai trò trụ trì một ngôi chùa lớn
Được hỏi khi mới nhận vai trò trụ trì, thầy có lo ngại về khả năng chăng thì thầy thành thật kể, “Hồi xưa tới giờ, thầy đi theo sư phụ, cứ làm thôi, chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm trụ trì. Đến bất cứ ở đâu, chùa lớn chùa nhỏ gì mình cũng làm. Mình ở chùa Ấn Quang (tại Sài Gòn) cũng được hai năm, ở trên giao xuống việc gì mình đều làm trọn hết. Nếu việc chưa xong thì phải làm cho xong rồi muốn đi đâu thì đi, hổng có dám bỏ bê công việc dù là một công việc nhỏ như quét sân.
“Nói nhỏ vậy chớ hổng nhỏ đâu (cười). Mỗi sáng ở chùa Ấn Quang, hai năm trước khi mình qua đây, hòa thượng giao cho mình quét sân. Chùa đó là chùa lớn, mà vô đó là mình nhỏ nhứt. Quý thầy đều là thầy lớn hết cho nên mình cũng sợ, đi đứng nằm ngồi đều phải cẩn thận. Khi hòa thượng giao một việc gì thì phải có trách nhiệm.
“Nhiệm vụ của mình là quét sân, quét xong rồi mới đi học. Công việc quét sân mới đầu được giao cho ba chú. Hai chú kia ngày nào cũng bị hòa thượng rầy vì chểnh mãng công việc, còn mình thì hòa thượng không nói gì hết vì ngày nào cũng làm xong. Được khoảng một năm thì việc quét sân được giao cho một mình mình vì hai chú kia hổng làm (cười)… Mà mình cũng vui vẻ làm thôi chớ hổng phân bì gì hết. Mà cái sân đó cũng lớn, quét cả hai tiếng đồng hồ đó.
“Từ từ hòa thượng thấy mình làm có trách nhiệm, hòa thượng nói thôi bây giờ ông trực phòng khách. Trực thì trực, tới giờ cứ xuống trực vậy thôi. Trực, mình cũng làm tròn bổn phận. Rồi hòa thượng cũng giao coi mấy cô nấu ăn. Bây giờ ông vô ông coi mấy cô, hổng cần ông phải nấu, ông vô ông kiểm soát coi thiếu cái gì cần cái gì, coi mấy cô làm coi có được hay không, gì gì đó. Mình nói cái này khó lắm thầy ơi, mình nhỏ nữa, vô lớ quớ mấy cô la. Hòa thượng nói, Được, ông làm được.
“Rồi, thầy giao thì mình cứ nhận, nhận một mớ công việc luôn. Rồi ở chùa có cái nhà quàn. Nhà quàn đó chùa cho free, ai có tiền thì cúng, ai không có tiền thì cho không. Mình cũng coi cái đó. Nói chung là nhỏ, nhưng trách nhiệm nó nhiều. Mình làm việc gì được giao mình cũng hoan hỷ, không có đi đâu hết. Đi học về, sáng học chiều học, việc trực phòng khách hay việc này việc kia mình đều không bỏ. Được một cái là qua những cái đó mình mới học hỏi được.
“Mình thấy được là ai sanh ra cũng có một trách nhiệm, muốn thành công là phải chu toàn ngay từ một việc nhỏ chứ không cần tới khi được giao cho việc lớn. Có nghĩa là việc nhỏ mình phải xong thì việc lớn mình mới thành tựu được. Còn như cái việc nhỏ như quét dọn, nấu ăn, hay lau chùi mà mình không làm được thì những việc lớn không thể nào mình làm được. Ở chùa cũng vậy, tu tập cũng vậy. Mình lau một cái bàn hay chưng một cái bình bông, hay quét một cái nhà… Đối với mình, một cái toilet mà mình làm không sạch thì mình không làm được việc gì hết.
“Cho nên bây giờ đối với mình, mình rất an nhiên tự tại. Ba ngày cuối tuần, thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật là mình hy sinh vì đại chúng. Mình lo đi chợ, mình lo phục vụ cái này cái kia đó. Còn ngày thứ Hai thì chùa được nghỉ. Tối Chủ Nhật xong việc ở đây là thầy chạy lên núi (Chơn Sùng Tự). Lên núi là thầy enjoy với cái đời sống của mình.
Thầy có enjoy thật không hay là lại làm việc tiếp như cắt cỏ, làm vườn (cười)?
“Tuy là cũng làm việc như làm cỏ này nọ nhưng rất là thoải mái vì thấy mình làm cho đất của mình được sạch, cũng như cho cái tâm của mình… Hơn nữa tính mình thích sống yên tịnh, có thời gian đọc sách, có thời gian ngồi chiêm nghiệm lại đời sống. Cho nên mình ít có liên lạc với người này người kia lắm. Ai cần thì gọi mình thôi chớ mình hổng gọi cho ai hết. (Cười)
“Nhiều khi Phật tử họ than phiền nữa. Họ nói sao thầy không gọi hỏi thăm. Mình nói công việc của thầy nhiều quá. Phật tử có việc gì cần thầy giúp thì thầy sẵn sàng. Còn như quý Phật tử không có việc gì cần thì thầy không gọi để tránh phiền phức hay là tránh trường hợp nói những chuyện không hay sanh ra chuyện thị phi nữa, người này tốt người kia xấu, thầy này thế này thầy kia thế nọ. Mình không quan tâm đâu.
“Mình tu mình chỉ quan tâm mình thôi, coi mình có tu hành đúng chưa, còn những người khác mình không để ý đến đâu (cười). Ai tốt ai xấu là chuyện của mỗi người. Còn mỗi ngày mình phải quay lại nhìn mình để tu tập cho bản thân mình để tiếp tục nâng cao trình độ, kiến thức của mình, mình có được thêm cái gì hay thì mình chia sẻ với quý Phật tử. Mình chia sẻ bằng tâm chân thật của mình, vậy thôi, còn ngoài ra mình không có giỏi gì hết.”
Thầy học trường thường hay trường Phật học? Thầy có bạn khi đi học không?
“Thầy học trường thường rồi trường Phật học. Cũng bình thường thôi. Cũng có bạn. Rồi dẫn họ về chùa hết. Qua bên Mỹ cũng vậy. Thầy đi học, có gì ăn là thầy đem vô trong lớp cho mấy người trong lớp. Ăn xong mang cả lớp về chùa, cả cô giáo Mỹ luôn. Mấy người họ ghé qua chợ Miên gần đây nè, họ mua đậu, mua cà đem vô cúng dường cho chùa. Dễ thương lắm. Mình thích thân thiện, gần gũi, không xa cách. Nên vô lớp ai mình cũng quen hết.”
Nhân nhắc về người em, thầy Thường Định hiện đang tu ở Thái, thầy Thường Tịnh cho biết thầy chưa qua Thái Lan nhưng từng đi Miến Điện.
“Đi cho biết thôi. Đời sống bên đó rất tốt, sự tu tập rất là hay. Phật tử có thời gian thì vô chùa, họ thiền, họ tu tập. Đời sống tuy ở thành phố mà rất là bình dị, yên bình, thấy cũng hay.”
Được hỏi ý kiến về việc Phật tử bên Miến Điện cúng dường đồ mặn, thầy nói, “Cái đó thì đức Phật dạy hồi xưa, mình có tam tịnh nhục (có thể ăn): không thấy, không nghe, không nghi. Có nghĩa là các vị thầy ăn chỉ để duy trì mạng sống, để tiếp tục tu tập, thành tựu việc lớn, còn ngoài ra đối với các vị việc ăn không quan trọng, có nghĩa là ai cúng cái gì thì ăn cái đó thôi, không chấp vô cái đó. Nhưng sau này, đối với bậc A La Hán thì khác, còn đối với phàm tăng, họ chấp vô cái đó thì họ tham, nên khi người ta cúng chay thì họ ăn không được. Cái đó không hay lắm.
“Nhưng những trường thiền có hai loại thức ăn, có thức ăn chay và thức ăn mặn, ai ăn được cái nào thì ăn cái đó. Cái đó là cái truyền thống rồi, phải đi sâu vào đó thì mình mới nhận được. Còn mình đứng bên ngoài, mình theo Phật Giáo Đại Thừa thì cái tâm từ bi được đặt hàng đầu nên mình hổng được ăn mặn, ăn mặn thì nó sai. Đối với mình thì nó khác, nhưng mình không lấy cái (quan điểm) của mình mà đặt lên cái (quan điểm) kia bởi vì hai truyền thống khác nhau.”
Cơ duyên mở nhà hàng Golden Flower?
“Đó cũng là một việc mà mình tự thử thách. Vì mình thấy ở ngoài đời người ta cũng làm việc đó. Nếu đủ duyên thì mình cũng mở một cái nhà hàng chay, có thể tạo việc làm cho quý thầy quý cô vì ở Mỹ ai cũng cần tiền, có nhiều quý thầy quý cô cũng phải đi làm. Phật tử ai cũng phải đi làm thì đời sống nó mới vững được. Còn nếu như mình cứ đợi Phật tử chia sẻ một phần nào đó thì cũng khó cho người ta. Mà mình cũng không thể nào mình đợi được.
“Cho nên từ chỗ đó mà mình đi đến quyết định mở nhà hàng. Nhưng mà khi mở rồi thì thấy. Wow! Nó cực. Nó cực thì mình hổng sợ rồi vì mình cực từ hồi xưa tới giờ rồi. Nhưng mà nó phức tạp, rồi bận rộn, bao thời gian đều phải để vô đó hết. Khi mình phải để hết thời gian vô cái nhà hàng, tự nhiên mình nhìn lại: mình là ông thầy, mà trụ trì cái chùa nữa, bây giờ mình bỏ đi như vậy, rồi những đám ma, hay hộ niệm, những Phật sự cuối tuần ở chùa,… không có ai lo.
“Cho nên từ cái chỗ đó mà mình nhìn trở lại và thấy: Vậy là hổng được (nghiêm giọng). Ngay bữa đầu, Phật tử ủng hộ rất là đông, một ngày bán được bảy, tám ngàn. Mình thấy làm có mấy món mà bán bảy, tám ngàn. Phật tử ngày nào cũng đến rất đông, tới 5 giờ chiều là không còn đồ ăn nữa rồi. 5 giờ chiều là đóng cửa. Mình nói hổng được, tiền thì có, nhưng mà hổng thể nào mình như vậy được. Với lại vì mình cũng chưa có kinh nghiệm trong ngành nhà hàng nữa. Nghĩa là nếu mình có kinh nghiệm đó, thì mình sẽ làm ra sẵn hết recipes, rồi mình mướn người vô để họ làm, mình chỉ đứng chỉ thôi. Còn đằng này mình làm hết. Cho nên mình hết còn thời gian.
“Còn cuối tuần thì chùa hổng có ai, tại vì mình là người chính trong chùa, mỗi tuần mình phải đi chợ, phải làm. Tuần đó nghe nói ở chùa vắng hoe, buồn hiu, buồn dễ sợ lắm, tại mình đi ra ngoài đó rồi kéo nhiều người đi nữa.
“Từ chỗ đó mà mình quyết định phải nhường lại cho một người nào đó, chứ mình không thể là một thầy tu mà đứng ở đây. Nói chung thì mình cũng thích làm (cười) nhưng hổng thể nào mình bỏ hết thời gian ra đứng ngoài đó.
“Cho nên dù có tiền thiệt, đếm tiền mỗi ngày quá chừng nhiều, nhưng tiền bỏ vô tủ thì không làm gì được. Mình đi hộ niệm thì không có tiền, nhưng mà mình cũng vẫn thích, hoặc là mình đi nấu ăn cho chỗ này chỗ kia, mình cúng dường việc nấu đó, cũng đâu có tiền mà còn bỏ tiền ra nữa, nhưng mà mình vẫn thích. Thành ra thôi.
“Nhưng mà cái duyên tới thì mình cũng phải thử. Thử qua để mình biết đồng tiền mà Phật tử họ kiếm ra, kiếm từng đồng vậy đó, họ đến cúng dường cho mình, thì nó cực vô cùng. Mình làm cực, mình cũng đã biết rồi. Nhưng mà ra ngoài mình làm mình mới biết nó cực như thế nào. Cho nên mình mới trân trọng, rất là trân trọng những gì mọi người đến với mình, ủng hộ mình, mọi thứ mình đều rất quý.”
*
Xong câu chuyện với tôi, thầy Thường Tịnh quày quả ôm một cái rổ ra sân sau… để hái mấy cọng rau thơm, bắt đầu một ngày nấu ăn khá cực nhọc nhưng hạnh phúc của thầy. Tôi xin phép chụp tấm hình thầy đang cầm rổ, như để ghi lại một buổi nói chuyện hiếm quý, thú vị, và thân mật. Mấy tuần sau, một trưa Chủ Nhật, tôi ghé chùa để chụp ảnh quý Phật tử đến giúp thầy nấu ăn và những khách thập phương vào chùa để có một bữa ăn thanh tịnh. Ở họ, tôi tìm thấy niềm vui của sự phụng sự lan tỏa từ vị thầy trụ trì trẻ tuổi đến với mọi người.
Tôi mượn cớ phỏng vấn thầy Thường Tịnh dành cho Tinh Tấn Magazine, mà cũng có lẽ là cho chính tôi, để học hỏi thêm trên con đường tầm đạo mà tôi biết không thể nào thiếu những cuộc gặp gỡ có ích lợi cho việc tu hành của bản thân. Mong rằng bài viết này cũng mang lại sự lợi ích cho việc tu hành của bạn, giúp bạn tìm thấy ở tâm mình một vị Phật.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.