Nhịp sóng đạo&đời
Bài HUYỀN TRÍ
Trong không gian bao la vô tận, loài người chỉ là những hạt vi trần li ti gắn bó trên mặt quả địa cầu nhỏ nhoi, lại cứ ngỡ mình là trung tâm vũ trụ, là gạch nối liền thiên-địa-nhân. Chúng ta ai cũng chỉ là những hạt bụi tạm thời quấn quýt bên nhau rồi lìa xa nhau để lại bay đi hội tụ cùng các mối nhân duyên khác.
Bên cạnh loài người lại có thêm những hạt vi trần khác, tuy trong mắt người có thể nhỏ bé tầm thường, nhưng chí ít lại cùng ta chung sống, cùng chia sẻ chút duyên nghiệp trên đời trần với nhau. Loài vật cũng là chúng sanh, mỗi con vật dù bé nhỏ đến đâu cũng đều có mạng sống, có cuộc đời, có câu chuyện của nó, và có thể mang theo cả bài học của nó. Hơn nữa, biết đâu chúng lại có liên hệ chuyển kiếp ít nhiều với chúng ta. Từ vô thỉ vô lượng kiếp sanh sanh hóa hóa, ta và những người thân thương quen biết, đâu phải lúc nào cũng mang hình dáng người hiện tại?
Xem ra ta có lớn lao gì so với con ve cái kiến, sâu bọ côn trùng, so với chim chóc chó mèo… Câu chuyện của chúng hay các mối liên hệ của chúng với ta, từ ngắn ngủi phút giây cho đến kéo dài nhiều năm tháng, nếu để tâm quán sát một chút, ta sẽ tìm thấy những ý nghĩa, những bài học sống, hoặc về nghiệp lực, hoặc về từ bi, hoặc về một thiền pháp… nào đó.
Con sâu trên dàn bầu của mẹ
Xóm nhà chúng tôi chẳng khác chi một xóm bình dân ở ngoại ô Sài gòn. Có rặng trúc, có bụi chuối, có dàn bông giấy, có hoa dâm bụt, có luống rau, có dàn bầu… Có tiếng chó sủa trăng, có tiếng hót họa mi, thỉnh thoảng có tiếng gà xao xác gáy… Hầu hết các thứ linh tinh đó lần lượt theo mẹ tôi về tập tụ ở nhà tôi ít lâu, rồi lại lần lượt ra đi, trả lại sự khô khan bình dị thường ngày của đời sống trên đất Mỹ.
Khi mẹ tôi lâm bệnh, không di chuyển được rồi sau đó ngồi luôn một chỗ, gà gáy trưa cũng được đưa về nhà cho mẹ giải sầu, đỡ nhớ quê nhà, nhưng ít lâu sau thì nó biến mất khuấy; ngỡ là nó không biết bay vì nhốt mãi trong chuồng, nhưng lại tập bay bừa đi luôn, vào nhà nào hay vào nồi nào đó chẳng rõ. Chó mèo sẵn có trong nhà nhưng mẹ lại không mấy thích. Trúc cứ mọc tùm lum dọn hoài cũng mệt nên đào lên cho hàng xóm; rau vào mùa lạnh cũng chết co ro; bông giấy thiếu dàn; dâm bụt trồng không lên vì lạnh, sái mùa; bụi chuối nhảy nhanh mà không có trái, vân vân. Duy chỉ có mỗi dàn bầu là lên thật nhanh, xanh um, chẳng mấy chốc đã trổ hoa kết trái, ong bướm bay vờn.
Một sáng sớm còn hơi sương tôi ra sân dạo chơi, thú vị ngắm nghía dàn bầu tươi mát – có lẽ là thành quả lớn nhất của nghề trồng trọt trong đời tôi. Bất chợt tôi nhìn thấy một con sâu xanh nằm uể oại trên một chiếc lá xanh, kiểu như vừa ăn no quá đang cần nghỉ dưỡng sức để ăn tiếp. Con sâu này không có gì đáng sợ, chỉ nhỏ độ ngón tay út của em bé, màu xanh biếc, không có lông.
Cứ sâu không lông là không đáng sợ, theo kinh nghiệm buổi thiếu thời của tôi. Chả là, hồi bé khoảng lên tám tôi từng bị sâu lông đo… suýt chết. Suýt chết đây là qua lời dọa dẵm trêu ghẹo của các anh chị trong nhà khi thấy tôi quá sợ con sâu đo lông lá nhỏ xíu trườn bò trên mình. Anh chị bảo, để cho nó bò từ đầu đến chân là chết đó, khi đó con sâu đã từ trên đầu tóc đánh đu bò xuống tới lưng tôi! Sau đó tôi bị sưng mình mẫy và phát sốt mất mấy hôm.
Thuở bé chúng tôi sống chung hòa bình cùng nhiều loài động vật nhỏ trong ngôi nhà thơ mộng của ba tôi. Ngôi nhà khá lớn rộng, nhưng xưa cũ lắm rồi. Ngoài những bông hoa cây cỏ mới ở vườn trước, phía sau nhà có trồng mấy cây to tổ bố, cao ngất ngưỡng. Cứ nhìn cây to là đoán biết tuổi nhà. Trong đám có một cây không đẹp mà cũng chẳng ích lợi chi, chỉ để dành làm chỗ chứa sâu bọ. Tên nó gọi là cây me tây (không biết có đúng không). Cây rất to, có tàng rợp ngả về phía sân nhà, che phủ gần nửa cái sân sau. Lá nho nhỏ tròn tròn như lá me, hoa nhỏ màu tím hồng nhàn nhạt nhìn xa chẳng thấy, trái chín dáng như trái me lại có màu đen, vị hơi chua chua ngòn ngọt chẳng ngon lành chi, lại có mùi hăng hắc ghê ghê.
Đến mùa hoa trái, một cơn gió thoảng qua đưa theo bao cánh hoa phớt hồng nhẹ nhàng bay xuống trông thật thơ mộng… làn gió đó cũng kèm theo vô số cảm tử quân sâu đo nhảy dù từ trên cành lá cao rơi xuống đất, uốn mình đo đất thật nhanh tìm chỗ ẩn nấp… Lợi hại nhất chính là bầy sâu trên cây me tây này. Sâu me rất nhỏ, dài khoảng lóng tay em bé, thân hình tong teo tua tủa đầy lông đen dài nhọn. Chính bộ lông đen này là vũ khí, là súng đạn của chúng. Đấy là giờ phút bọn trẻ con ra sức phòng bị nạn sâu đo tấn công. Khổ nỗi nhà ăn nằm ở cạnh sân sau, mà chỗ giải trí lại chính là sân sau, cho nên đi ăn mà đầu phải đội nón lá, giữa trưa nóng bức mà phải khoác thêm áo mưa… Sâu đo cứ thích sà xuống mái tóc dài đen bóng của các cô em, lẫn trong màn tăm tối đó mà đo đạc thám thính. Khi nó đo khỏi chỗ có trang bị và đi vào chỗ thịt da thì chợt nghe tiếng hét lên, và có kẻ đứng dậy nhảy lưng tưng như nhập đồng! Lông sâu chích vào nhức nhối ngứa ngáy vô cùng, có rửa nước xà phòng cũng không hết nhức, chỗ sâu bám sưng bỏng đỏ lên tức khắc. Phải hai ba ngày sau mới hết. Vì vậy, khi các anh chị dọa sâu đo hết người thì chết nghe cũng có lý. Có điều, ai quá dại hay quá dũng cảm chịu trận đau nhức để cho sâu đo hết mình nhỉ?
Về sau bị rên khóc quá, đến hết mùa sâu rụng, có người đến đốn cây me tây đi. Phải mất mấy hôm và mấy người mới giải quyết nổi cái cây già thành tinh đó. Chúng tôi còn nhớ cảnh đốn cây thật rầm rộ, mấy chú thợ trông cũng cảm tử lắm, quấn dây ngang bụng, treo lủng lẳng trên cành cây, không khác gì mấy con sâu thật lớn. Phải chặt hết cành nhỏ trước rồi mới tấn công gốc khủng. Cám ơn mấy chú, đã cảm tử giúp chúng tôi thoát nạn sâu lông công kích.
Phải mất vài năm sau tôi mới vượt qua nỗi sợ sâu, từ khi bắt đầu học nuôi tằm. Lớp khoa học thường thức khi đó khuyến khích học sinh nuôi tằm, ấp trứng nuôi gà con, chim con… và nhiều việc lẩm cẩm hay hay khác. Ấp trứng thì dùng bóng đèn đủ độ, để xa thôi, để gần quá thì trứng thành trứng luộc mất. Ít lâu sau trứng nở nhìn con gà con khảy mỏ nứt trứng chui ra thật vui mắt. Nó không khảy nổi thì mình khảy cho nó, đừng khảy mạnh quá nó sẽ thành trứng gà lộn. Gà con mới ra khỏi trứng lông còn ướt, đợi đến lúc khô mới biết màu gì, và màu gì cũng dễ thương cả.
Trứng tằm thì tròn tròn nhỏ xíu chỉ lớn hơn hạt mè, dính vào trong giấy. Cũng phải có cách ủ ấp cho chúng nở ra. Eo ôi, sâu tằm mới nở trông chẳng khác gì sâu đo con cả! Đen lúc nhúc những lông là lông. Có điều chúng nằm thẳng đơ ra mà ăn chứ không oằn oèo quậy lên quậy xuống đo đạc như sâu đo. Khi đó chúng tôi phải lo đi tìm hàng xóm xin lá dâu về nuôi tằm. Lá phải cắt nhuyễn và không cho dính nước. Tằm ăn như chớp, lá dâu phủ ngập trên mình mà chúng xơi trong nháy mắt. Chúng lớn như thổi, và thời gian mang đi theo lớp lông đen bẩn thỉu rất nhanh. Ăn rồi ngủ, rồi lột xác thay hình, rồi lại ăn lại ngủ. Càng lớn tằm càng trổ mã xinh đẹp, màu da trắng ngà, thân hình tròn trịa, cái mỏ màu nâu sậm. Khều vài con bỏ trên lòng bàn tay nghe lành lạnh, hay hay. Đến lúc tằm chín tới chuyển sang màu hồng nhạt rồi đỏ dần. Sau đó nhả kén, kéo kén quấn quanh mình. Kén màu vàng tươi hơi óng ánh… Đến lúc đó, chúng tôi đưa các ống kén đó vào lớp chấm điểm. Khi đem về nhà có thử… kéo tơ, không kéo ra gì chỉ thấy một con sâu còng queo thảm hại bị luộc chín. Những kén không bị kéo tơ sẽ có một con bướm nhỏ cắn chui ra, không lấy gì làm đẹp, chỉ nhàn nhạt trông như bướm đêm.
Mấy tuần lễ chia sẻ cùng vài con sâu tằm be bé đã nguệch vào cái đầu nhỏ dại của tôi vài ý tưởng vụn vặt bám theo tôi cả cuộc đời. Sự mến tiếc các loài vật tầm thường nhỏ bé đã đóng góp thật nhiều vào đời sống của con người. Tằm ăn thật nhiều lá dâu để lớn thật nhanh mà nhả tơ kéo kén. Rồi vào nồi nước sôi mà đóng góp cho đời. Tơ nõn dùng làm áo đẹp, thịt béo làm món ăn ngon! Hàng năm có mấy mươi tỷ con tằm vào nồi nước sôi quái ác! Sự thực thuở đó còn bé, lòng từ của tôi chưa phát triển được bao nhiêu, chỉ thấy hơi buồn cho những con vật bé nhỏ mình đã vỗ nuôi cho béo lớn mà kết cục chỉ là ngần ấy thôi. Lớn lên một chút khi bắt đầu viết văn làm thơ, nhớ lại lúc tằm ăn rỗi chín muồi chực nhả tơ, cứ như nhà nghệ sĩ háo hức thu thập kiến thức để rồi cậm cụi nhả chữ làm văn. Có biết đâu rằng chờ đợi họ chỉ là những dòng nước sục sôi của cuộc đời. Mãi về sau, bước vào đường tu học, lại quay về những con tằm tận tụy ăn lên để rồi lột xác từng lần từng lớp da lông nhớp nhúa lộ ra thân hình trong suốt, lần này hình ảnh đó được thấy như cái tâm của hành giả, cần nỗ lực tinh tấn học tập cải sửa không ngưng nghỉ để có một ngày tâm trở nên trong suốt, đỏ hồng ấm áp; rồi thì, kéo tơ cho kén cũng được, hóa bướm bay cao cũng được, cống hiến cho đời cái tâm từ bi, hoặc là hóa kiếp chuyển hình trong những dòng sinh mệnh mới.
Trở lại, lúc đó sâu tằm đã cởi mở hộ tôi khỏi nỗi sợ sâu lông. Nhờ đó, cả một thời tuổi nhỏ với các loài sâu bọ, ong bướm, dế giun… trở thành dễ thương đáng nhớ. Thủa đó trẻ con chưa có đồ chơi điện tử nên gần gũi với thế giới thực tế nhiều hơn. Thứ gì trong mắt trẻ cũng trở thành từ đồ chơi đến bạn bè, rất thân quen và vui vẻ. Tôi đi thám thính tất cả hoa cỏ thú vật sâu bọ giun dế trong vườn nhà, vườn hàng xóm, ở ven sông, ở dọc đường đến trường. Tôi thích thú phân biệt cả từng loại sâu bọ, sâu cây nào có màu gì, và sẽ thành bướm ra sao. Bướm đẹp phải đến từ loại sâu có thật nhiều màu sắc. Sắc màu của sâu cũng đẹp không thua gì bướm, có điều thân hình nhìn như không đầu không chân không cánh, cứ nung núc nhoi nhoi dễ làm người ta sợ.
Những gì chưa hiểu biết thường khiến cho người ta sợ. Từ nỗi sợ phát sinh ra sự kỳ thị, ghét bỏ, tránh né… Nhìn kỹ, không có thứ gì trên thế gian này lại chẳng có vai trò, ý nghĩa của nó. Hiện hữu của mỗi người chúng ta đều có một ý nghĩa nào đó. Và hiện hữu của loài sâu bọ cũng mang vai trò nào đó. Loài sâu ngoài vẻ im lìm bất cần và hình dáng oằn oại khó hiểu, cũng không có gì đáng ghét lắm. Chỉ cần phân biệt sâu có độc tánh hay không để tránh, và sâu có phá hoại không để ngừa. Ngoài ra, đa số sâu đều có vai trò của chúng có ít nhiều tương quan đến sự sinh tồn của loài người. Sâu thành bướm tô đẹp cảnh sắc, luân chuyển phấn hoa giúp cây kết trái. Sâu tằm mấy ngàn năm nay đã oằn oại nhả tơ ra thành lụa đẹp chở che thân người. Nhiều loại sâu ở các xứ nóng bức nghèo nàn như Phi châu được dùng làm thức ăn cứu đói; có những loại sâu hiếm quý (như đông trùng hạ thảo) còn dùng làm thuốc cứu sống mạng người… Sâu có vai trò của chúng, và luôn giữ đúng vai trò của chúng. Vậy, ta có nên giết sâu không?
Tự hỏi và tự làm khó mình. Tôi không thể trả lời câu này, vì các câu vừa nêu bên trên toàn là loài sâu tằm thí mạng cho tơ lụa, lại có cả người đói ăn sâu… Thử mượn tạm vài quan điểm trong các truyền thống niềm tin và tôn giáo. Người thổ dân da đỏ trên nước Mỹ thời xưa sống bằng nghề săn bắn và di dân luôn vì không biết cách trồng trọt khai thác hoa màu. Họ có tục tế lễ trước mùa săn, kể cả khi săn được một con thú rừng lớn, cầu nguyện và tạ ân thú vật đã dâng hiến thực phẩm cho mình. Một cách bày tỏ ấn tượng khác, người Tây tạng lúc xưa có tập tục đưa người chết lên núi cao cắt thịt dâng hiến cho chim muông, coi như tạ lễ đã bố thí thân thịt, và tạo sự quân bình vay trả nghiệp lực. Người dân Tạng sống trên núi rừng khí hậu khắc nghiệt rất khô khan lạnh lẽo khó trồng trọt nên thường dùng thịt cho phù hợp thủy thổ. Có lẽ vì vậy mà Phật giáo Tây tạng cho phép dùng thịt, tuy vẫn ca ngợi việc ăn chay.
Sát sanh chỉ để sát sanh thì lại mang tà niệm khác. Thậm chí cố tình dẫm giết sâu bọ cho vui hay cho thỏa mãn sự ghét bỏ một loài mà mình không muốn biết đến, đó là tạo nghiệp.
Trong Pháp Cú diễn giải, có vài thoại liên quan đến loài sâu bọ. Câu chuyện về tiền thân của một vị đệ tử Phật từng là một con sâu trên chiếc lá cây trong khu vườn có Phật ngự và thuyết pháp. Câu chuyện khác về một vị đệ tử của Đức Phật trong lúc đi thiền hành quá lắng sâu vào định nên không biết là mình đã dẫm chết vài con sâu bọ. Một vài đệ tử khác trông thấy vậy vào bạch Phật. Đức Phật trả lời, vì vô tình nên không mang tội nặng, chỉ phạm chút nghiệp lực như họa hình trên cát mà thôi. Ngược lại, nếu có ý tưởng sát sanh, dù chỉ là khởi phát ra ý tưởng, thì đã tạo lấy ý nghiệp nặng hơn nhiều, như khắc sâu trên đá vậy.
Trở về với con sâu trên dàn bầu của mẹ. Một con sâu nhỏ bé cô độc sao lại mang đến cho tôi ngần ấy câu chuyện? Đó là sức mạnh của con sâu hay của liên tưởng bất tận? Nhưng rốt cuộc tôi đã làm gì với con sâu đó? Bắt nó bỏ vào lọ cho mấy đứa bé xem mà học hỏi? Cắt lá ném sang nhà hàng xóm cho nó ăn bớt cây lá xanh rờn của người ta? Không đâu, tinh nghịch quá, chẳng giống Phật tử chút nào. Hôm đó trời đẹp, tôi vui miệng buông lời thách đố chú sâu, thách cả nhà sâu chúng mi, cố lên, thử ăn cho hết dàn bầu này đi! Con sâu, cả nhà sâu chúng nó, sau đó đã thua cuộc, nhưng chúng cũng chỉ nhẹ nhàng hóa bướm bay đi mất hút, còn lại tôi chính là kẻ bị lỗ nặng trong vụ đánh cuộc này! Năm đó dàn bầu xum xuê cống hiến đầy quả to ngon ngọt. Những quả bầu này hành tôi trăm lần nhiều hơn mấy con sâu bầu. Mẹ thì chỉ ăn nhỏ nhẻ như chim sẻ. Lũ trẻ Mỹ hóa không thích món bầu. Còn lại mấy chục ký lô bầu để mà giải quyết, tôi chỉ còn có nước lớp đi bộ, lớp đổ xăng lái xe, bỏ sức khênh bầu mang đến cùng xóm giềng làng nước, bè bạn anh chị em, mang cả đến chùa, ra công năn nỉ nhờ tiêu thụ. Viếng chỗ nào cũng thấy đã sẵn có đầy cả bầu. Chả là, người Việt mình cứ thích theo thời, một người trồng được là cả xóm trồng theo, ăn không hết lại khênh đi biếu cáp…
Ước gì dàn bầu của mẹ khi năm đó có nhiều sâu hơn! Cuối năm, mùa đông lạnh ùa đến, dàn bầu ngả màu rồi tàn lụi, chết khô dần. Mẹ cũng hết hứng thú ra cái sân ngắm cảnh sắc khô khan lạnh lẽo. Tôi bứng bỏ cả cây lẫn gốc và tự hứa hẹn không bao giờ trồng bầu nữa…
Cái kiến mày cợt nhà sư
Có một lần tôi nao nức theo một số bạn đạo đến tham dự buổi thuyết pháp của một vị hòa thượng từ xa ghé đến. Ngài nổi tiếng là một người đạo cao đức trọng hiếm có, đại khái, ngài giữ gìn giới luật trang nghiêm, không bao giờ ngồi chung xe hay ở chung phòng cùng một phụ nữ mà không có người thứ ba.
Buổi thuyết pháp dành cho đủ trình độ Phật tử, không phân biệt. Dĩ nhiên, trong đó có nhiều bà nhiều cô hơn các ông, như đa phần các buổi lễ đạo khác. Hòa thượng quả thực là một vị tăng có tướng mạo nghiêm trang, thuyết pháp hiền hòa mà dễ hiểu. Đề tài cũng chỉ thông dụng, dành cho đại chúng. Lúc đó vào mùa hè, thời tiết oi bức mà trong căn phòng nhỏ đông người sát cánh nhau ngồi bệt dưới sàn, nên thầy không nói dông dài lắm.
Cuối thời pháp, hòa thượng cho phép vấn đáp. Một nữ Phật tử giơ tay lên hỏi một câu rất thực tế: “Thưa thầy, mùa hè kiến lên nhiều quá, con giết kiến có được không thầy?” Chắc trời nóng nực quá nên Hòa thượng nổi giận trông thấy rõ: “Vậy mà cũng hỏi?” Thầy quay mặt đi không thèm nhìn Phật tử đó. Ai nấy đều ngỡ ngàng…
Khi tôi kể lại câu chuyện này cho một Phật tử khác nghe, không có phần kết luận, và đố anh này giải được câu trả lời của Hòa thượng. Anh ngần ngừ: “Chắc Thầy bảo dùng chỗi quét nhẹ đi phải không?” Tôi lắc đầu. Người bạn nghĩ ngợi một chút rồi nói: “Nếu vậy cũng không biết nữa!” Tôi cho biết câu đáp, rồi cả hai cùng cười. Câu hỏi cũng oái mà câu đáp cũng oăm!
Thật ra cũng có nhiều cách trả lời, nhưng sao hòa thượng lại phản ứng “nực” như thế? Chắc trời nóng quá. Nếu, thay vì là một nữ Phật tử lớn tuổi lẩm cẩm đang bối rối khó xử trong cảnh sống hàng ngày vì còn biết lo ngại tội sát sanh, giả như đó là một thiền sinh hỏi thầy: “Nếu con đang hành thiền mà kiến bu vào cắn quá thì phải làm sao?” Câu đáp của thầy chắc sẽ thú vị hơn, vì kinh nghiệm thiền tất nhiên thầy nắm vững, còn kinh nghiệm làm bà nội trợ làm sao thầy cảm thông.
Vài năm sau, tôi được nghe một vị hòa thượng khác kể chuyện một vị sư khất sĩ sau khi khất thực thọ trai xong ngồi hành thiền tại vườn Bờ-rô (Sài gòn) và lỡ ngồi trúng một ổ kiến lửa, kiến bấu vào cắn thầy sưng cả chân mà thầy lại không hay vì đang đi quá sâu vào thiền.
Đúng là con ong cái kiến cứ thích trêu ghẹo nhà sư! Nhưng vì sao thầy khất sĩ kia không chọn chỗ trống mà ngồi, lại chiếm chỗ của bầy kiến làm gì khiến chúng phải lo bảo vệ nhà cửa mà tranh thủ tấn công thầy? Dĩ nhiên câu hỏi đúng không thể đặt ra như vậy, mà phải là, “Thầy thiền cách nào hay quá mà kiến tấn công cũng chẳng hay?” Những người mới học thiền gặp cảnh đó chắc nhảy lưng tưng rồi!
Ít năm nữa, tôi lại có dịp đích thân trông thấy một nhà sư khất sĩ khác “nuôi kiến” và trò chuyện với bầy kiến! Đến viếng thầy, ngay trước cổng có một bầy kiến sắp hàng dài băng ngang qua cổng, tiến về phía bãi cỏ cạnh đó. Tôi hiếu kỳ theo dõi lộ trình của bầy kiến thì thấy có thức ăn thừa đặt trên dĩa giấy ẩn sau lùm cỏ. Thật quá buồn cười! Thì ra thầy mang thức ăn cúng dường dùng không hết ra nuôi bầy kiến (đói khát?). Tôi hỏi thầy liệu kiến có cắn không, vì chúng hành quân chặn ngang cổng vào, có thể ai không để ý sẽ dẫm đạp nhằm. Thầy đáp, có khi thầy nói chuyện, bảo chúng nhường đường đi thì chúng cũng dạt qua một chút cho đi. Tôi hết ý kiến!
Thật ra, ngày trước khi vào nhập thất trong hang động tại Việt Nam, thầy đã từng sống chung hòa bình với một bầy chuột, vì lỡ chọn nhằm hang đó vốn là tổng hành dinh của chúng. Thầy bảo, chuột không cắn thầy, chỉ bò lên bò xuống trên người! Eo ơi! Sau đó, thầy đi khất thực về chia của cho bầy chuột xơi, không biết có phải vì vậy mà chúng thích chực chung quanh khi thầy ngồi thiền, hay có thể đã say “hương thiền” mất rồi!
Những câu chuyện trên đây đều có thật không pha chế. Con ong cái kiến tuy nhỏ nhoi tầm thường cũng đều có mạng sống. Chắc có con cũng có “tánh linh”, chẳng hạn bầy chuột trong hang động lại không thử cạp chân nhà sư mà chỉ ở lòng vòng chào đón khách vào lấn đất? Nhưng đa số chúng bị xem là các con vật quấy nhiễu (pest) trong đời sống hàng ngày của loài người, khiến ai cũng phải có lần quan ngại về cách xử sao thích đáng để vừa tránh sát sanh mà tránh bị quấy phá, hoặc dĩ có thể nào sống chung hòa bình cùng các kẻ lạ khó ưa không mời mà đến đó. Đã có mấy câu trả lời bên trên, mời bạn tùy ý chọn lựa.
Bản thân tôi cũng cho mình một câu trả lời thực tiễn. Nhà tôi thường chịu nạn kiến xâm lăng, nhất là vào hè, hay khi trời oi bức chuyển mưa. Thường thì tôi cũng dùng chỗi mềm phủi nhẹ vào xẻng hốt rác, rồi thả cho chúng di cư ra sân cỏ trước nhà. Có năm các em ở xa về chơi, cứ nghe tôi nhằn nhì về chuyện giết kiến, một anh chuyên viên khoa học bảo, “Có làm vậy ít hôm chúng cũng chết mà, kiến sống không lâu đâu, vài tuần thôi!” Tôi đáp ngay, “Miễn mình đừng can thiệp vào chuyện sống chết của chúng!” Theo tôi nghĩ, thực tế nhất là “phòng bệnh hơn trị bệnh”, cố giữ sao cho chúng không có đường công kích vào nhà. Đúng theo nghĩa của “đường”. Kiến chuyên môn đánh hơi mùi thức ăn, ưa thích nhất là đường. Dùng plastic bọc kỹ những món khoái khẩu của chúng thì chúng sẽ không lần vào, tìm sang… nhà hàng xóm thích ăn ngọt, hoặc đến nhà nào có mấy nhà sư ưa nuôi kiến!
Dạ oanh say ánh trăng hè
Không gì thích thú bằng nửa đêm ngồi thiền mà chợt nghe chim dạ oanh (nightingale) vút lên một chuỗi giọng thanh thoát. Nhất là vào những đêm trăng tròn, chim hót say mê như chào đón, như tắm đẵm hòa quyện trong ánh trăng, như gặp lại bạn tri âm rộn rã trải trọn tấm lòng ra tâm sự, như ngợi ca thứ hạnh phúc cao thượng nào đó. Thiền giả sẽ cảm thấy hồn lâng lâng một niềm an lạc hòa nhịp cùng những âm sắc trong trẻo, thoát trần. Không hay biết mình đã thọ nhận tham thấu được quán âm thiền từ lúc nào, vì chẳng mấy chốc tiếng chim như đã rót tận trong tâm người… và rồi người cũng không còn phân biệt âm thanh chi bên ngoài hay bên trong nữa…
Trong các loài động vật, chim được nhiều ưu đãi của hóa công hay của thiêng liêng nhất. Biết bay cao, có bộ lông đẹp, có giọng hót hay. Dĩ nhiên, cũng còn tùy loại chim, như ác là, như chim quạ, chim chích chòe… thì sao sánh được với oanh yến, họa mi, hay kể cả chim nhại (mockingbird). Đó là chưa kể bao nhiêu loại chim đẹp và cao quý, từ dưới đất lên đến trên trời cao.
*
Trong một giấc mơ đẹp, tôi đã từng gặp gỡ và vui chơi thân thiết cùng với một con chim phượng hoàng. Tôi đi vào một cõi lạ, bầu trời không u ám không chói lọi, pha lẫn nhiều ánh hồng, có những núi non chập chùng trông giống như các tòa lâu đài bằng đá đỏ. Cuối đường là một con chim khổng lồ, nguy nga, lộng lẫy. Tôi ngập ngừng dừng chân đứng yên chiêm ngưỡng. Nhận ra ngay hình dáng phượng hoàng. Chim từ từ bước đến gần, đầu hơi cúi xuống như ân cần. Hình ảnh đẹp đẽ phi thường đến đỗi tôi cứ ngây người ra, trong lòng tràn niềm hỉ lạc, pha chút bồi hồi, không gì lo lắng sợ sệt. Lông phượng hoàng có nhiều sắc đỏ hơi nâu óng ánh, rực rỡ phát tỏa hào quang đủ màu sắc, đuôi dài nhiều màu ngũ sắc. Hỏa phượng hoàng. Chim đến nhìn tôi với tia mắt vui mừng. Đôi mắt dài, xếch cao, không to tròn mà có đuôi nhọn vuốt lên. Tuy trông có nét như các hình vẽ trong truyền thuyết, nhưng lại không giống, có thứ gì khác biệt không thể diễn tả. Dường như là màu sắc không rực rỡ tầm thường kiểu thế gian mà mang tính chất linh thiêng bất phàm. Còn nữa là thần thái, khí chất, vẻ tôn quý, trang nghiêm, cao thượng, uy nghi, lại hiền hòa, thân thiện. Thân phượng hoàng ở xa trông thật uy nghi cao cả, đứng giữa thành trì núi non trùng điệp trông chẳng khác gì như một hòn núi nhỏ, nhưng bước đến gần lại không quá to lớn, vì tôi có thể vuốt đầu bá cổ. Phải chăng trong giấc mơ, thân tôi đột nhiên cũng biến hóa to lớn. Không sao hiểu nổi. Vào lúc đó trên không hiện ra một phượng hoàng thứ hai vần vũ bên trên một lúc, chim này to lớn hơn, cánh giương ra che cả một khoảnh trời, màu sắc trên thân còn rực rỡ hơn, hình như là chim trống. Nhưng chim chỉ hiện ra phút chốc rồi bay biến mất, chim mái lưu lại cùng tôi.
Không có âm thanh trong giấc mơ, chỉ có trao đổi nhau bằng ánh mắt. Nỗi niềm hoan hỉ ấm áp không ngôn ngữ nào tả xiết. Cứ thế, tôi chơi đùa bầu bạn cùng phượng hoàng khá lâu, giấc mơ cứ vậy êm ả trôi đi. Một chập sau đó, biến hóa sao không rõ, chợt không còn nhìn thấy tôi mà chỉ thấy có mỗi phượng hoàng, và trong tâm tôi đột nhiên cảm nhận mình chính là chim phượng hoàng, và phượng hoàng là chính mình. Sau đó tôi chợt tỉnh giấc, người nhẹ nhàng, hân hoan suốt cả ngày, tựa như chất chứa niềm vui gặp được cố nhân…
Câu chuyện hóa thân phượng hoàng này khiến tôi lại nhớ truyền thuyết “bướm là ta hay ta là bướm” của Trang Tử. Trang Tử không đưa ra câu giải đáp. Tôi cũng không rõ câu giải đáp. Điều tôi tin tưởng là chính mình đã không vọng tưởng, vì giấc mơ kéo rất dài và rất rõ rất thực. Về hiện tượng này, hòa thượng Tuyên Hóa có chỉ dẫn rõ phương cách phân biệt vọng tưởng và thật cảnh. Khi những hình ảnh lạ nhìn thấy càng lúc càng rõ hơn, thì hẳn là cảnh thật; chứ cảnh vọng tưởng sẽ mơ hồ, tan nhanh đi khi hành giả nhiếp tâm, và khi tỉnh thức nhiều khi hành giả không còn nhớ rõ.
*
Có rất nhiều loài chim đẹp, câu chuyện đẹp về các loài chim quý. Tịnh độ là cõi Phật cao thượng hình thành toàn thể bằng các loại đá quý; điểm tô với đủ loại hoa cỏ hiếm lạ, nhất là hồ sen thất bảo nơi các linh căn hành giả tu tập; và đặc biệt là đủ loại chim thiêng ca hát dạy thiền, trợ thiền suốt ngày. Nơi đây không có đêm, cả ngày bao phủ trong một thứ ánh sáng thanh tịnh dịu mát.
Xứ Mỹ thường được ví như thiên đàng hạ giới, trước tiên nhờ vào tài nguyên thiên nhiên. Đất rộng mênh mông lại phì nhiêu màu mỡ, đi đâu chỉ thấy một màu xanh mướt, ngay cả trong thành phố lớn cũng không thiếu các khu công viên tươi mát. Chim chóc hót vang quanh năm suốt tháng, nhất là vào xuân và hạ. Ngoài những loài chim quý hiếm như hạc như hồng… tập tụ trong rừng trên núi, chỉ cần đến một khu rừng thưa hay ao hồ nhỏ, hay đôi khi trong một công viên vắng người, nếu có duyên bạn sẽ gặp được bạch hạc hay vài chim lạ rực rỡ xuống chơi. Hai loại chim quen thuộc nhất đi đâu cũng thấy là quạ đen và chim nhại (mockingbird). Người Mỹ không ưa quạ đen phá phách dữ dằn, dĩ nhiên, nhưng họ gọi chim nhại là “homey” tức là chim nhà, vì tính cách đáng yêu của loài chim này: giọng hót hay lại có tài bắt chước nhiều loại giọng, không phá phách.
Nếu ban đêm có dạ oanh hát ru thánh thót, thì ban ngày có chim nhại đón chào bằng chuỗi giọng rộn ràng, pha trộn chút tiếu ngạo ngộ nghĩnh. Có hôm tôi trông thấy một chú chim nhại vừa nhảy nhót trên đầu một chú quạ đen vừa kêu “quạ quạ” như thể mình là chim quạ. Thật buồn cười, quạ đen hung hăng cứ vậy đứng im lìm khá lâu chịu trận mặc cho chim nhại múa may trêu ghẹo trên đầu. Chim nhại còn bắt chước được cả tiếng bò kêu hay gà gáy. Chim nhại cứ như một món quà bất chợt. Bề ngoài nó trông tầm thường, hòa lẫn, vì có màu xám nhạt nhẽo, lại thích đậu trên cao khó thấy, và chỉ được chú ý khi trỗi lên giọng hót, cao vút, rộn rã. Một buổi trưa hè nào đó, khi đang mệt nhọc vì cuộc sống bon chen, chợt nghe tiếng chim hót vang lên, lảnh lót, thanh tao, như một làn gió mát.. Đó là một chú chim nhại say sưa ca hát và nhảy múa hiến dâng đam mê cho cuộc đời, cứ như một tặng vật nho nhỏ của thiên nhiên dành tặng để nhắc nhở với ta, rằng ta hãy còn sống, hãy còn thở, hãy còn đang hưởng thụ những ân huệ bất ngờ từ thiêng liêng… Bóng chim tăm cá, chim nhại chỉ đến tạo niềm vui, rồi sang mùa lạnh chúng biến đi đâu không rõ…
Bầy trẻ chúng tôi đã sớm có kinh nghiệm đầu đời về sự thê thảm xấu xí bẩn thỉu của cái chết, từ một con chim đẹp, hát hay, và gần gũi khác. Ba tôi thích mang những món quà lạ về cho các con nhỏ. Có lần ba cho đóng một cái lồng to và thả vào đó vài con chim quý. Xinh đẹp nhất là con chim hoàng oanh lông vàng óng ả và có tiếng hót thật trong trẻo. Rồi, một buổi sáng đến thăm, tôi thấy hoàng oanh nằm chết còng queo trong lồng. Lũ trẻ buồn da diết, mang cái xác chim nhỏ bé đi chôn cất. Tôi bày trò, chim đẹp như vậy, hót hay như vậy, biết chôn ở đâu cho xứng với nó? Thế là chúng tôi chọn giàn hoa ti-gôn làm nơi chôn cất nó, vì đó là nơi thơ mộng nhất trong vườn nhà. Chúng tôi gói thân chim vào một mảnh vải gấm đẹp, rải thêm thật nhiều cánh hoa hồng thơm, rồi cho vào chiếc hộp giấy nhỏ, và đào đất âm thầm chôn chim không cho người lớn biết. Sau đó chiều chiều còn ra viếng… mộ chim.
Chẳng bao lâu sau, chỗ đất đó phủ đầy kiến lửa! Tôi lại là kẻ khám phá đầu tiên, hoảng hốt gọi mấy đứa nhỏ kia đến, và bàn nhau phải làm sao đây. Thì ra chỗ gốc hoa ti-gôn đất cứng quá, đám trẻ không chôn được sâu, mà gốc cây cứ được tưới nước nên nhão ra, bầy kiến đã đục xuống dưới. Chúng tôi đành nhờ một anh họ lớn hơn đào lên. Ôi thôi, con chim nhỏ xinh đẹp hót hay ngày nào giờ trông như nắm bùn nhầy nhụa, lông lá rơi rụng gần hết để lộ thịt lộ xương chỗ đỏ chỗ xám, kiến bu bám đen đặc, giòi ngo ngoe lúc nhúc, mùi hôi thối nồng nặc. Tôi muốn khóc thét luôn mà khóc không nổi, muốn ói ra mà không dám ói… vì… sợ chim buồn hay vì thấy mình quê? Sau cùng chim được đưa đi “hỏa táng”. Anh họ khi vứt chim vào đống lửa còn trêu bầy trẻ: “Sao lúc đó bọn bây không chịu nói để tao nhổ lông nó chiên lên cho gọn?”
Thế đó, cái sống và cái chết là vậy. Cái đẹp và cái xấu chỉ là vậy. Hoàng oanh nhỏ bé ơi, cám ơn mi!
Bạn thân của loài người
Con vật mang đến những câu chuyện thích thú nhất tất nhiên phải là bạn thân của loài người: các chú chó.
Không biết tự bao giờ mà căn nhà thời thơ ấu của tôi dung chứa thật nhiều chó. Có những chú chó vừa mới ra ràng thích lông nhông, mà tôi chưa kịp làm quen thì đã biệt dạng, sau một chuyến chạy rong ven bờ sông – nơi có một túp lều của dân nhậu.
Con chó thân nhất của bầy trẻ chúng tôi lúc đó tên là Nicky – cái tên này tôi mượn của một cô bạn bốn phương người Pháp vì cô ta đặt tên chó của cô là Saigon. Chú chó Nhật Bản hai màu đen trắng, hai mắt tròn xoe và hàm răng hô hốc! Chú chó này vui đùa với chúng tôi khá lâu, cho đến một đêm tôi khám phá ra nó nằm cứng đơ giữa sân nhà. Thế là chúng tôi cùng nhau lăn ra khóc. Khóc Nicky nhiều hơn là khóc hoàng oanh, vì nó biết chơi đùa và nó lớn xác hơn. Phải nói là Nicky làm chúng tôi nhớ khá lâu. Người lớn trong nhà giải quyết Nicky, tức là bỏ vào trong bao bố tời và ném xuống con sông trước nhà. Bầy trẻ không có tham dự nghi thức đó. Nghi thức đó cũng được âm thầm áp dụng cho một số chú chó cô mèo khác sau này mà bầy trẻ không hay biết, để tránh nhà cửa ồn ào kêu khóc. Thế nhưng, mỗi khi hay tin một chú chó qua đời, tôi không khỏi nao nao…
Sang Mỹ, làm chủ cuộc sống tiểu gia đình, mới đầu tôi áp dụng chế độ không nuôi gia súc, lý do đưa ra là sợ dơ bẩn hay mất công săn sóc, nhưng thực tình tôi sợ buồn phiền khi mất chúng. Ấy vậy mà thằng con cứ mải năn nỉ vì thích món đồ chơi sống; tôi hẹn hò nó học giỏi thì đến khi lên mười sẽ cho con chó vì lúc đó nó biết săn sóc.
Sau cùng ngày đó cũng đến. Tôi không đi mua làm gì, mà chỉ ra dogpound (chuồng chó bị bỏ rơi) vớt một chú về, vừa đỡ tốn kém vừa cứu được một mạng chó. Chuồng chó lạc thảm lắm. Các chú chó đã bị lên án đó cứ tru tréo, khóc than. Những chú ở lâu hơn nhiều kinh nghiệm, thấy người vào cứ xông ra ôm cửa lưới cào cấu kêu cứu. Sau cùng, tôi chọn được một chú vì có đôi mắt nhìn cầu cứu trông thảm quá, lại có kích cỡ vừa tầm, bộ lông khá đẹp. Và vì con tôi cũng thích chú. Vừa mang ra chú nhào đến ôm chân tôi nhảy quanh mừng rỡ và… vãi ra tung tóe.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Ben (tên con tôi đặt vì trông nó giống chó Benji trong phim). Ben về đến vườn nhà thấy chúng tôi ăn pizza đã biết đứng lên chắp tay xin bánh! Ben khôn vặt, láu cá, đã lì, mà còn chảnh. Nói là chó cho con tôi, nhưng rốt cuộc tôi trở thành chủ; lại tôi lo săn sóc, cho ăn uống, tắm táp, dọn vệ sinh, các thứ, bao gồm luôn việc lùng kiếm nó khi đi hoang. Nhưng Ben cũng có lắm cái hay; nó như hiểu biết ý người và cách nói chuyện của người (bi-lingual, cả Mỹ lẫn Việt). Bình thường nó cũng tốt với khách, thấy ai đến cũng ve vản một hồi rồi nằm dài bên cạnh chờ thời xem có ai ban bố vỗ về hay thức ăn chi không. Thế mà có lần nó cứ bám chân một ông khách và sủa mãi, ngăn không cho ông ta nhúc nhích hay đứng lên. Sau đó khách cho biết từng luyện pháp môn gì mà có cái bóng tách rời ra, chó sủa là sủa cái bóng.
Cuộc sống có Ben khá nhiều… kịch tính. Ben vốn thích trốn đi hoang, nhất là vào mùa tình của chó. Mỗi lần trốn đi thì lẩn về cũng nhanh, rút kinh nghiệm trước đó từng bị hốt vào chuồng chó. Bạn gái nó đủ loại đủ cỡ, có chị lớn gấp đôi nó. Không hiểu tình chó ra sao mà càng về sau nó lại tăng độ đi hoang, có khi đi mất dạng vài hôm làm tôi phải chạy đi lùng mấy chuồng chó. Chưa bao giờ tìm thấy ở đó, chắc nó biết tránh né xe bắt chó. Không hiểu nó tạm trú ở đâu nữa mà sau đó lại thấy về. Lần lâu nhất là bốn ngày, lúc tôi đó đi lục lạo khắp nơi, dán cả giấy quảng cáo cũng không tìm thấy nó. Tuyệt vọng rồi! Vậy mà, một đêm có tiếng cào cửa và tiếng chó rên ư ử. Tôi bật dậy ra mở cửa thì thấy Ben ở đó, nhảy loi nhoi. Nó sạch sẽ, thơm phức như mới vừa được gột rửa. Tôi đoán chắc có nhà nào rước nó về nuôi, cho tắm táp chải chuốt còn láng hơn cả khi ở nhà. Vậy mà nó vẫn cố trốn cho bằng được về lại nhà, đáng yêu thật! Con tôi bảo, chắc nó sợ họ tắm chớ gì!
Đi đêm lắm có lúc cũng gặp ma. Một hôm Ben lê chân về nhà trông thật thảm hại. Bị đánh gần què chân, lông lấm lem bẩn thỉu, bị sứt mất vài mảng, vây cả máu. Mõm chó bị đánh dập gãy mất mấy cái răng, mấy cái còn lại cứ đu đưa lặt lìa lặt lọi. Tôi phải đưa đi bác sĩ chụp thuốc mê nhổ một đống răng. Tội nghiệp, sau đó Ben trông già xộp hẳn đi, không còn đi hoang trong suốt một thời gian. Nó thường hay nằm dưới chân tôi mỗi tối khi tôi ra phòng khách xem tivi. Một đêm, khi Ben nằm quấn sát dưới chân, tôi càu nhàu nói với người nhà, sao con chó cứ đeo chân mình hoài vậy. Tối hôm đó, tôi nằm chiêm bao thấy mình trông cứ như là một nàng công chúa, đến thăm bệnh một lão thái giám bệnh hoạn. Thái giám nhìn nàng với đôi mắt chó mở to phiền muộn, như có ý muốn nói, “Tại sao lại không thương tôi?!” Thức dậy tôi hơi giật mình, liên tưởng ngay đến hình ảnh của Ben, thì ra tương quan giữa mình và một chú chó lại có ý nghĩa sâu xa thế à? Chú chó có kiếp làm thái giám cho nên kiếp này làm chó thích đi hoang theo đuổi tình chó. Chú chó từng làm thái giám chăm sóc cho công chúa nên kiếp này nhận được sự chăm sóc (và mắng mỏ) trả lại?
Ben càng già yếu càng đi đứng khó khăn. Một đêm, cũng lại tôi, khi Ben nằm dưới chân, tôi than vản, “Nó già như vậy rồi khi nó chết đi mình phải làm sao đây, thiêu nó hay chôn nó, chôn ở đâu đây, phải làm sao, thật tội quá.” Thế là, sáng hôm sau tôi đi làm, khi trở về không còn thấy bóng dáng của Ben. Ben không bao giờ trở lại, chắc nó không muốn làm phiền hay khiến cho tôi buồn vì phải chứng kiến một cái chết!
Sau khi mất Ben, tôi đe dọa trẻ trong nhà không cho nuôi con gì nữa hết. Thế nhưng một hôm, cậu con – lại cũng cậu con đó, lần này đã lớn – lái xe mang về nhà một chú chó Chihuahua nhỏ xíu và hỏi tôi có muốn nuôi không. Tôi kiên quyết giữ vững lập trường, không nuôi. Thằng bé ngoan xách con chó đi đâu vài hôm, lại mang về nhà, bảo, thôi để con nuôi! Đành chịu vậy thôi. Thì ra sự tích là con chó do cậu con mua tặng bạn gái đi học ở xa, nhưng cô này suốt ngày ở trường học, chó cứ tru tréo ở nhà, chủ nhà trọ mắng vốn nên đành trả lại cho cậu mang về chăm sóc. Quả thực ra cậu cũng giữ lời, có chút gọi là chăm sóc, tối cho ngủ chung, sáng thì gửi tạm ở nhà, vân vân… Được vài hôm, chú chó nhỏ đi đâu trở về nhà trên cổ có chụp cái mũ che bằng plastic như cái phễu. Thì ra cậu con đã xách nó đi hoạn. Tôi trách móc quá chừng. Cậu bảo, bây giờ thì vậy, nữa tốt cho nó mà, khỏi trốn đi bậy bạ. Không biết con chó có cảm thấy tốt hay cảm thấy giận gì đó không, chứ tôi thì cằn nhằn hành vi… triệt sản này dài dài. Kết quả: từ đó tôi lại kết thân với một con chó nữa, để… bù đắp cho cái nghiệp dại của cậu con. Cậu này tuy có tiếng là chủ nhưng chỉ ngủ chung về đêm chứ suốt ngày cậu đi, mọi việc chăm sóc ủy thác cho mẹ, vì bấy giờ mẹ đã kết chó lắm!
Freedom, tên của chú chó do con tôi đặt, thật không có chút gì đáng gọi là Tự do, ngoại trừ việc sủa dai sủa lớn mà không thứ gì làm nó nín được, kể cả cái roi. Trái hẳn với tánh loài chó, nó chẳng thích tự do hay phiêu lưu chút nào, rất sợ ra ngoài, nhất là leo lên xe. Có lẽ từ nhỏ nó bị mấy vố đi xe gây chấn thương tâm lý (trauma), và mắc phải hội chứng bệnh sợ (phobia) nào đó, sợ đau đớn (algophobia)… đến từ mấy chuyến đi xe lên máy bay sang tiểu bang khác; đi xe đến thú y để cắt bỏ mất cái giống… Giờ đây mỗi lần lên xe nó khủng hoảng thấy rõ, cứ nhảy lung tung, rên rỉ suốt hành trình (ngắn ngủi). Mà ngay cả khi mới đẩy nó vào lồng sắt để mang đi đâu nó cũng nổi cơn thịnh nộ, gầm gừ nhe răng cự tuyệt đến nơi đến chốn. Sau cùng thì nó cứ ở miết trong nhà, không đi hoang mà cũng chẳng muốn đi đâu. Ben từng có kiếp làm thái giám mà trong kiếp chó thì nguyên si. Không hiểu Freedom sao lại thế chỗ Ben mà bị hoạn nhỉ?
Năm tháng trôi qua, cậu con lập gia đình tậu nhà mới, ra đi lưu lại con chó cũ. Freedom cứ nằm mòn nhẵn cả cái ghế da trong phòng khách. Mãi cho đến lúc nó không còn sức phóng lên ghế được nữa. Thế là tôi phải mang cái ổ đệm của nó đặt dưới chân bàn trong phòng ăn, vì nó sợ ở một mình trong phòng kho. Khi đó nó đã già yếu lắm, ngày ngày sau khi niệm Phật cho mẹ ở trong phòng mẹ xong, tôi trở ra cũng đến vuốt đầu niệm cho nó vài câu và bảo, “Kiếp sau làm người nha con!”
Freedom ngày càng yếu hơn, bỏ ăn, vì ăn vào cứ ói ra, vậy mà tối tối nó cũng rán lê chân đến cửa phòng tôi xin cho ra ngoài làm vệ sinh. Chỉ cần nghe tiếng “guốc” lộp cộp là tôi dậy ngay giúp nó. Cô em gái tôi cũng rất thương chó, cô hỏi sao chó yếu vậy mà không mang đi chích cho nó đi cho khỏe. Cô sống như Mỹ và xem đó là việc phải làm. Tôi ngần ngừ phân vân lắm, nhưng cứ nghĩ đến việc Freedom khủng hoảng khi lên xe nên quyết định thôi cứ để cho nó đi tự nhiên, chẳng còn bao lâu nữa. Freedom yếu quá rồi. Vậy mà nó còn tỉnh, còn cố lê lết đến phòng tôi để xin ra ngoài, nhưng đi không nổi và nằm bẹp trước cửa phòng trong vũng phóng uế. Tôi ra bế nó lên, đưa vào tắm rửa săn sóc, cũng khá đau lòng khi thấy nó chỉ còn bộ xương nhỏ xíu. Sau cùng thôi thì trải giấy lót trên đệm cho nó nằm yên một chỗ. Tôi đến niệm Phật và chúc lành cho nó nhiều hơn.
Một buổi chiều, khi tôi đi làm về, Freedom không còn nữa. Xác nó được con tôi cho vào thùng đá đặt ngoài sân. Tôi nhờ con đưa vào đặt phía dưới bàn thờ Phật. Rồi thắp nhang, đọc kinh, niệm Phật cho Freedom, cầu xin cho nó thoát khỏi kiếp thú vật. Thắp nến cả đêm. Sáng hôm sau con tôi đưa Freedom đi, không mang gì của nó về nữa, kể cả mấy con thú nhồi bông củ nát yêu chuộng và chiếc thùng đá ủ xác.
Thỉnh thoảng tôi nhớ đến lúc Freedom bệnh hoạn chỉ còn bộ xương khô bọc da lê lết và cứ cảm thấy hơi nhoi nhói trong lòng. Không biết mình có làm đúng hay không khi giữ nó lại nhà chứ không mang đi chích cho nó đi sớm. Có lần hỏi thầy, thầy bảo mình làm đúng. Con chó có linh tánh, nó sợ đi xa thì cứ giữ lại, hơn nữa, mình đã làm đúng hết tất cả nghi thức cần thiết, và cầu nguyện cho nó làm người tất nó sẽ làm người, do bởi liên hệ chủ-tớ trong duyên nghiệp.
Thầy từng dặn dò, nếu có cơ hội, đừng bỏ qua bất kỳ việc thiện lành nào, dù lớn hay bé, cho bất cứ người, loài vật, hữu hình hay vô hình, ngay cả cây cỏ hay vật vô thọ cảm. Do bởi nghiệp duyên cũng được, do bởi lòng từ bi cũng được. Đó là cách tôi luyện tâm từ bi. Sau khi làm cũng đừng giữ lại trong lòng. Đó là học cách buông bỏ. Và là lối sống cho trọn vẹn một đời người, không hối tiếc.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.