Lời HẠNH VIÊN
Trên hành trình tìm hiểu giáo lý của đức Thế Tôn, tôi đã hơn một lần nghe (trong băng dĩa) quý Thầy Cô giảng giải về “bốn loại thức ăn” và tạm có khái niệm tổng quát về đề tài trên. Nhưng, chính qua khóa tu học Thanh Lọc Thân Tâm do thầy Tâm Thành hướng dẫn, sau mấy ngày trải nghiệm thực tế, tôi mới nhận ra, dù chút xíu thôi, thế nào là thức thực cùng tầm quan trọng của nó và từ đó càng thêm kính ngưỡng trí tuệ cao vời của đấng Giác Ngộ tự ngàn xưa.
Theo “Sổ Tay Thanh Lọc” được phân phát cho các thiền sinh, “mục đích của việc Thanh Lọc Thân Tâm là đẩy những cặn bã tồn đọng trong thân và tâm ra ngoài; và tiến trình thực hiện thanh lọc là một tiến trình kéo dài gồm giai đoạn đầu tiên là để giải tỏa những chất dư thừa nặng nề và dơ bẩn trong thân vật lý, rồi sau tới tĩnh tâm thanh lọc tâm và im lặng để lắng nghe những vận hành và phản ứng trong thân và tâm, để tập có mặt trọn vẹn cho thân trong mọi giây phút và hành động,” vân vân và vân vân…
Sau khóa tu sáu ngày mà tôi may mắn được tham dự, hầu như các thiền sinh đều hỉ hả hài lòng với kết quả gặt hái ngay trước mắt: người thì xổ ra “cả bụm” sạn mật, kẻ thì “bụng xẹp hẳn đi,” anh thì “gọn gàng thấy rõ,” chị thì “da dẻ sáng lên”… Riêng tôi, tôi học được vài điều cụ thể như sau: mình có thể uống nước ép từ rau củ hay hoa quả để sống mà không hoa mắt run tay sụm chân như hằng lo sợ (vì đã từng xảy ra trước đây mỗi khi tôi đói bụng), và nắng, gió, năng lượng mặt trời cùng sự thư dãn tâm tư có thể trở thành nguồn sữa ngọt nếu mình biết hồn nhiên nhận lãnh như một đứa bé thơ.
Thật vậy, rõ ràng từ kinh nghiệm bản thân: không ăn thức ăn đặc mấy ngày liên tiếp, đi xổ rất nhiều lần trong ngày, cộng thêm một đêm thiếu ngủ, vậy mà sáng hôm sau tôi vẫn đủ khỏe để theo kịp những động tác lạy khí công mà thầy hướng dẫn và đầu óc vẫn sáng suốt để theo dõi bài giảng. Nhờ thiền định, nhờ biết giữ chánh niệm trong lúc ăn (thức ăn lỏng), hay nhờ nắng trong gió lành ở công viên? Tôi không biết chắc. Nhưng tôi rõ một điều: hình như kết quả này liên quan tới bài học trên slide show của thầy về hai loại kim tự tháp đối ngược: các loại thức ăn từ thô tới vi tế (đoàn thực, xúc thực, thức thực) đi ngược với mức độ cung cấp năng lượng – càng vi tế càng cho nhiều năng lượng.
Tâm đắc với điều vừa trải nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người, tôi còn đang loay hoay xoay sở thì cơ duyên đưa đẩy cho tôi quen được chị Tuệ Hiền, vị hướng dẫn viên lớp lạy khí công từng dạy cho các thiền sinh trong khóa tu học ấy và được chị hứa giúp đóng góp bài vở. Và nhờ vậy Tinh Tấn có được một bài giảng thật giá trị của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh về đề tài trên qua công lao phiên tả của chị.
Chị kể, sau khi nghe Thầy giảng phẩm kinh nầy, chị có làm bốn câu thơ diễn tả mơ ước mình và đề tặng Hạnh Viên mà Hạnh Viên xin được phép ghi ra đây như một món quà chung cho độc giả Tinh Tấn:
Gió thoảng chút hương thừa
Mát dịu giữa trời trưa
Cho con được một ngày
Hương giác ngộ thơm đưa.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.