Bài HUYỀN TRÍ
Khởi nguồn từ một giấc mơ đẹp.
Thỉnh thoảng tôi có vài giấc mơ đẹp, giúp cho mình cảm nhận ý nghĩa sống, hay là thu nhặt được vài chỉ dấu, định hướng trong đời. Như giấc mơ lạ này:
“Tôi bỡ ngỡ đi vào một cảnh vườn đẹp như tiên cảnh, đầy hoa cỏ tươi tốt muôn màu muôn sắc, có vài cây đào trái chín đỏ cuốn hút khác thường. Tôi cảm nhận đây là vườn đào tiên, nên không dám đưa tay lên hái trái. Đột nhiên có một dáng hình nữ nhân hiện ra phía trước. Mới đầu chỉ như một vòm ánh sáng, dần dần hiển lộ. Qua ánh sáng không nhìn rõ nét, nhưng tôi linh cảm đó là một vị cõi trên, dường như là Bồ Tát Quan Thế Âm hay một vị Thượng Tiên, đẹp đẽ hiền hòa, miệng mỉm cười, tay đưa ra phía trước trao cho tôi một quả đào tiên. Tôi đến gần cung kính cúi đầu đón nhận. Đến khi chợt nhìn lên. Hóa ra là hình ảnh của mẹ tôi!”
Tuy giấc mơ rất đẹp nhưng lại khiến tôi băn khoăn. Sao lại là hình ảnh của mẹ tôi? Mẹ tôi cũng chỉ là một bà mẹ bình thường như bao nhiêu bà mẹ khác. Hiền lành, nhẫn nhịn, thương yêu, hy sinh cho con cháu, bao dung, giúp đỡ nhiều người. “Mẹ là Bồ Tát trong nhà” vốn là câu thành ngữ quá quen thuộc trong Phật giáo, đến đỗi ít người phân biệt được đó chỉ là lời tán tụng của phàm nhân, hoặc phản ánh chân thật cõi thiêng liêng.
Tôi không dám đưa ra câu trả lời trong bài viết này. Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, tùy cơ duyên, tùy trình độ. Dưới đây chỉ là câu chuyện thật cùng những thực chứng. Có thể quá khô khan, cũng có khi gây cảm xúc, và cũng có lúc khá phũ phàng.
Bài viết này xin cung kính gửi đến tất cả bà mẹ. Tôi tin rằng tất cả đều là mẹ hiền – vì trời ban cho bản năng sinh tồn như thế – bao gồm cả, một số ít khác, vốn cũng chẳng phải mẹ dữ, chỉ là mẹ mang bệnh trong tâm. Đặc biệt bài viết xin dành cho những vị có niềm tin vào Tịnh Độ.
Khi cười xòa, lúc lặng câm. Lúc xót thương, khi nhẫn nhịn.
Từ sau giấc mơ lạ ấy là một chuỗi ngày dài, rất dài, xuyên suốt hơn hai mươi năm, của một cặp mẹ con nương tựa nhau đương đầu với hai cái khổ lớn nhất trong đời người: bệnh và già. Bệnh đáng sợ hơn già. Nhưng vừa già vừa bệnh lại gia tăng cái khổ gấp bội.
Đầu tiên khi mẹ vừa từ Pháp về sống cùng tôi, tôi khá vui mừng, nghĩ rằng được chăm sóc cho mẹ là điều vạn phúc. Lại nữa, tôi từng khấn nguyện thay ba tôi chăm sóc cho mẹ để ba đỡ nghiệp chướng, vì đã bỏ bê vợ hiền và bầy con nhỏ. Phải chăng do lời nguyện ấy mà từ đó hai mẹ con dắt dìu nhau lao vào biển khổ?
Mẹ về nhà tôi ít lâu thì lắm chuyện đổi thay chẳng mấy tốt lành ụp xuống – nếu nhìn theo mắt đời. Tôi là người viết sách, viết truyện. Từ nhỏ tôi đã mê thích làm việc này, cứ như là thiên tính. Nhưng mẹ đọc qua truyện thì bảo, “nói xạo.” Mới đầu tôi hơi tức mình. Mẹ với tôi thực ra chẳng hợp tánh nhau, mẹ rất chân thật, đơn giản, nói nhiều chuyện thực tế. Còn tôi thì ít nói, sống nội tâm, thường suy tư, tưởng tượng phong phú. Không phải vì mẹ nói vậy mà tôi bỏ nghiệp văn đâu, nhưng sau đó tự dưng tôi lại buông bỏ, cảm thấy sống trong vọng tưởng hộ người khác như vậy chẳng ích lợi gì. Tiếp đến không lâu tôi cũng bỏ việc viết báo, vì không muốn bị… hại não, cho dù lúc mới nhập làng cũng mang theo chút kỳ vọng là (vừa kiếm cơm vừa) trả nợ… quốc gia dân tộc (lớn quá)!
Rồi, mới ít tuần nhảy ra làm văn phòng để kiếm sống thì hay tin mẹ lâm bệnh té lăn ngoài đường. Thế là tôi quay về nhà chăm sóc mẹ, với hy vọng đây chỉ là cơn bệnh nhỏ chữa ít lâu lại lành. Cũng có chút tính toán, ở nhà viết và phụ làm sách với bạn đạo vui hơn. Không ngờ căn bệnh mẹ không lành chút nào, ngày càng nặng thêm. Cứ thế, kéo dài hơn hai mươi năm trời, mẹ vô hình trung cho tôi cơ hội (tạm dùng vài chữ văn hoa đạo vị) phát bồ đề tâm, minh quán sát, hầu liễu ngộ thực tánh của khổ.
Căn bệnh của mẹ tôi đại khái thế này. Mới đầu mẹ đau một chân, rồi chuyển sang hai chân, nhức nhối, chân này yếu hơn chân kia, dần dà cả hai chân đều không đi được. Mới đầu tay run rẩy, sau thì cứng lại, rồi các ngón tay từ từ cong cứng lại. Cuối cùng tay chân cùng co quắp… Thú thật tôi không dám đếm ngày đếm tháng. Như thế này, cứ mỗi năm năm chính phủ cấp cho một chiếc xe lăn, chiếc đầu tiên nghĩ là chỉ tạm dùng qua rồi bỏ hẳn, nhưng rồi kéo dài mãi cho đến chiếc thứ tư sắp hỏng, chưa kịp lấy chiếc thứ năm thì mẹ chỉ còn dùng đến những chiếc băng ca của bệnh viện.
Lúc đầu chạy đủ thầy đủ thuốc, món gì giảm đau, trật đả, hồi phục, bồi bổ… vân vân và vân vân, đều được thử qua. Bác sĩ này bảo là phong thấp (rheumatism), y sĩ nọ đòi kéo xương sống, người thì châm cứu, có kẻ đòi phẫu thuật. Cũng đã chuẩn bị phẫu thuật xương sống (bị cong) rồi đấy chứ, nhưng lúc đó mẹ đã ngoài tám mươi, bác sĩ bảo phải mất hơn nửa năm mới hồi phục, và rất đau. Mẹ không chịu, mà tôi cũng không muốn. Và cả hai đều quyết định đúng, vì cột sống vốn chẳng phải là căn bệnh chính để trị. Các bác sĩ cứ thi nhau, hết chụp X-ray chân, rồi chụp tay, chụp xương sống. Mãi về sau thấy mẹ run rẩy và hơi lẩm cẩm (dementia), có bác sĩ gởi đi chụp hình não. Bác sĩ nói đơn giản, não của mẹ “bị đóng vôi”, tức là hiện tượng các tế bào thần kinh bị thoái hóa (neurodegeneration) do lão hóa hay bệnh chết nhanh bao bọc trắng xóa quanh não, càng ngày càng dầy đặc. Nói vắn tắt, là hội chứng của bệnh bất trị Parkinson’s disease, đã vào thời kỳ nặng. Bác sĩ cho biết chỉ còn có cách mổ não ra nạo vôi, nhưng không bảo đảm, 50%. Ai dám? Còn sót lại một điều may: hệ xúc giác của mẹ theo đó cũng tê liệt dần nên bớt biết đau.
Trong giai đoạn đó tôi chỉ biết tùy duyên, phương tiện thiện xảo. Khi cười xòa, lúc lặng câm. Lúc xót thương, khi nhẫn nại. Cười là khi hai mẹ con cùng nhau làm gì luộm thuộm quá, như mẹ té lăn ra đất và con cứ mải loay hoay kéo co mà nâng không lên. Cười xòa lên cho mẹ cùng cười mà xem nhẹ. Lặng câm là khi mẹ gắt gỏng, càu nhàu, tuy không phải là trách móc, nhưng người bệnh hoạn hay cau có. Mới đầu tôi còn đáp trả, sau lại chọn lặng câm, cũng dễ thôi, vì tôi vốn ít nói. Tưởng lòng xót thương (từ bi tâm) sẽ khô cứng dần, chai sạn dần theo ngày tháng, nó lại cứ tăng trưởng cùng nhịp với sự suy hoại của thân thể mẹ. Tứ chi mẹ cứ như từ từ hóa đá, mới đầu là hai chân, rồi lên đến hai tay, và dần dà leo đến tận cổ, và cả mắt.
Lúc đó, đã nhận rõ bản án, tôi chỉ còn biết cố làm mẹ quên bớt suy tư phiền muộn. Nhiều ngày qua hai mẹ con cứ nằm xem hết phim chưởng lại đến phim hài. Hết Ngộ Không rồi đến Tế Điên. Đôi khi tôi cũng có cảm tưởng mình như một thứ Tế Điên, có cái cười ngây dại, khác một điều là tôi lại thừa Điên mà thiếu Tế, chắc vì không kham nổi cây quạt rách nát. Thỉnh thoảng tôi đẩy xe đưa mẹ ra chùa, hay đi chơi lòng vòng đâu đó. Lúc đó cũng cho mẹ nghe kinh và niệm Phật nhưng không nhiều. Vì mẹ lại thích nghe cải lương hơn. Nuối tiếc những ngày xưa cũ.
Về sau, các em ở xa về thăm mẹ, đưa đề nghị đóng góp tìm người đến phụ giúp. Mới đầu tôi không chịu, phần thích sống yên tĩnh, phần không muốn làm phiền các em. Cho đến lúc mẹ trở nặng quá và trì kéo quá, cứ té hoài. Rồi một hôm té nứt cả xương đùi phải đưa vào điều trị và dưỡng bệnh ở nursing home. Mẹ rút được kinh nghiệm nursing home sau lần đó, nên đưa ra lời phán: Nếu đưa vào đó vài tháng mẹ sẽ chết. Do đó, tôi đành phải chịu phép không dùng giải pháp đó được mà chọn nhận người phụ nuôi.
Ôi chao, sống với mấy bà mấy cô Oshin thiếu chữ lại lắm lời nhiều chuyện quả lắm bực bội. Bệnh mẹ nặng nên rất khó tìm người giúp. Họ cứ kiếm chuyện, đòi tiền, và đua nhau nhảy lóc chóc như cóc bỏ dĩa. Chuyện thường tình này không đáng nhắc đến nhiều. Họ cũng chỉ góp hơi góp sức vào thổi các luồng gió độc ắt có trong đời thường. Xem như nhờ họ giúp thổi chữ nhẫn của tôi ngày càng phình to lên thôi.
Tám luồng gió độc, một trận cuồng phong
Ngay khi đang phải chống đỡ tám luồng gió độc (bát phong: được mất, khen chê, vinh nhục, khổ vui) của cuộc đời từ ngoài chợ đến lùa vào khuấy đảo đời sống, trận cuồng phong thịnh nộ của bệnh lão đã trỗi dậy cuốn hút thân người nhỏ bé tội nghiệp của mẹ. Là lúc mẹ khởi sự trao cho tôi một bài học đau thương nhất, đáng sợ nhất mà tôi cứ tránh né, đó là trực diện cùng mọi thứ bất tịnh trong cõi đời với cái tâm bất tịnh nhất của con người: luyến ái.
Khởi đầu là gió độc thời khí của thiên nhiên vào mùa đông. Mẹ ho nặng và nhiều hơn chứng cảm lạnh thông thường. Mấy lần tôi đề nghị vào bệnh viện nhưng mẹ không chịu, sợ nhà thương. Một đêm kia, nghe mẹ ho sặc sụa quá bất thường, tôi chạy vào phòng thăm, mẹ lại từ chối. Lần này tôi cảm thấy bất ổn, quyết định không nghe nữa và đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết mẹ bị pneumonia, sưng phổi nặng, nếu không cấp cứu kịp là khó qua. Thế là mẹ vào nằm bệnh viện hơn tháng trời. Thời gian đó mẹ suy sụp lắm, không muốn cười, không muốn nói. Người hốc hác gầy xọp đi, yếu ớt và trông chán nản. Không hiểu có phải lúc đó mẹ đã muốn ra đi chăng mà tôi còn quyết tâm giữ lại? Tôi giữ mẹ lại cho mẹ, cho tôi, cho các em tôi, cho gia đình tôi, hay chỉ cho bát phong? Bát phong ngoài đời và bát phong trong chính đầu tôi. Dấy lên ào ào, ầm ĩ.
Đó cũng vừa lúc bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, một bài học khác. Ít lâu sau mẹ về lại nhà. Cơn bệnh tăng cấp rõ rệt. Sóng thần Kanagawa. Khi đó mẹ hầu như không nói được, nuốt cũng khó khăn và cứ sặc sụa mỗi khi ăn uống. Cân lượng tuy không lên nhưng người như nặng hơn nhiều vì không còn chút sức nào để gượng dậy. Hầu như không còn cựa quậy nổi, nằm đâu yên một chỗ. Hai mắt lạc thần, tuy vẫn còn hiểu biết.
Một hôm, mẹ chỉ cho tôi một cục u lạ bên hông trái mẹ. Nó có màu sắc bình thường, và cũng không đau. Tôi đưa đến bác sĩ gia đình. Hai ba bác sĩ vào xem, thấy lạ, không nghĩ ra là khối u gì. Vì nó không đau và không biến sắc nên khó biết. Có thử máu và không thấy nhiễm trùng. Một ít thuốc giảm đau phòng ngừa, và thuốc trụ sinh theo yêu cầu của tôi. Theo bác sĩ thì đó là khối u bình thường và có thể sẽ vỡ ra rồi lành.
Khối u đó lớn rất nhanh, vài tuần sau đã có bề rộng gần bằng trái banh quần vợt, và bắt đầu bốc mùi tanh tưởi. Mẹ vẫn không kêu đau. Chưa đến ngày tái khám thì khối u đã vỡ, máu mủ chảy ra. Tôi tức tốc đưa mẹ đến bác sĩ chuyên khoa vết thương ở bệnh viện. Trời ạ, khối u này chỉ do chấn động va chạm mà thành vì da thịt đã lão hóa, và các tế bào bên trong và sâu bên dưới khối u đã chết cả nên mới ùn lên như vậy. Bác sĩ đã nạo chỗ hư thối sâu gần tới xương, băng bó rồi cho về nhà. Có lẽ họ thấy bà già quá nên không muốn cứu thêm nữa.
Một vết thương thật to lọt cả nắm tay, máu thịt đỏ hỏn vừa mới cắt, lẫn vào chút mỡ màng, còn có chút màu xương trắng ngà ló dạng bên dưới. Tôi tê tái cả người khi cho tay vào trong da thịt mẹ săn sóc vết thương, cố gắng lau rửa bó băng. Mẹ không kêu la dãy dụa, cũng không rên rỉ lấy một lời. Không biết đau hay biết được tôi đau lòng? Hình ảnh phũ phàng của xương thịt người thân yêu đó cứ bám lấy tôi.
Một pháp thoại trong Kinh Pháp Cú chợt trở về. Câu chuyện của các vị sư tu thiền Tứ Niệm Xứ tìm vào nghĩa trang, đến nơi có những người chết rã thịt phơi xương, hầu tu tập quán chiếu về thân bất tịnh, về khổ thọ điền, vân vân… Pháp thoại này rất mạnh mẽ, đánh động. Tôi ít nghĩ đến vì không đủ sức đối diện. Làm sao biết được có một ngày mẹ lại đem chính thân mình ra dạy tôi, nhắc nhở tôi về thực chất của cuộc đời? Mẹ ơi, máu mủ thịt xương mà mẹ trao ra để dạy cho con bài học về sự đau khổ sự bất tịnh ở trong đời, hầu đánh thức con không còn mê đắm, làm sao con chưa thức tỉnh được, làm sao con chưa có quyết tâm tìm một con đường giải thoát?
Thực sự lúc đó người tôi như có phần tê dại, tôi chỉ còn mỗi quyết tâm phải chữa trị cho mẹ. Thấy mẹ vẫn còn sinh lực, còn chưa muốn đi. Mẹ nằm ở nhà vài ba hôm, máu mủ vẫn cứ ứa rịn qua lớp băng. Tôi đưa mẹ trở lại bệnh viện xin cấp cứu lần nữa. Bác sĩ cấp cứu gọi bác sĩ trị vết thương, rồi cho tôi lời khuyên là nên đưa về nhà nhận Hospice chứ bệnh viện không chữa trị được hơn. Ông còn thuyết cho tôi nghe lợi ích của Hospice, nào là mẹ tôi tuổi đã gần chín mươi, nào là quality of life, nào là có con cái quay quần, vân vân… Lấy ví dụ cả đến trường hợp cá nhân của ông và mẹ ông. Tôi vẫn cương quyết… quậy… năn nỉ khắp nơi. Còn nước còn tát.
Sau cùng, vị bác sĩ gia đình tử tế của mẹ, ông NHV, đến nhận lời giúp đỡ. Ông cho biết sẽ dùng hai ba thứ trụ sinh để ngăn nhiễm trùng, chuyền máu và IV, khi giảm bệnh sẽ đưa về convalescence home để có bác sĩ phẫu thuật khâu vết thương lại. Cuối cùng vết thương cũng khâu lại, lõm sâu xuống có thể cho cả nắm tay vào!!! Vết thương này chưa lành, thì lại vết khác. Vì nằm ngửa mãi trong bệnh viện khi giải phẫu vết thương bên hông, mẹ lại sinh lở loét ở xương cùng, lại phải đưa vào khoét đục, kéo da ra khâu vá… Tóm tắt là mẹ ra vào bệnh viện triền miên. Nhờ trời cho ít biết đau cũng đỡ khổ. Đồng lúc, mẹ đi dần đến chỗ không còn ăn uống nói năng được nữa vì các cơ bắp cổ họng đã ngưng hoạt động. Mắt cũng chỉ còn có 80%. Parkinson’s đã bước vào thời kỳ cuối.
Hai năm sau cùng của đời mẹ lại diễn ra tại nhà. Với cái ống ở bụng để chuyền sữa. Cái máy trợ hơi thở, mặt nạ chụp để thở, máy hút đàm, máy đo máu đo đường, các thứ. Một vài loại thuốc thử thuốc chích. Với thân hình tay chân co quắp lại không còn kéo ra được. Với máy băng niệm Phật và tụng kinh mở quanh năm suốt tháng. Kinh Tịnh Độ và Kinh Thủy Sám. Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm.
Mẹ ra đi, miệng mỉm cười.
Mặc dù kéo dài cho mẹ thêm hơn ba năm, nhưng những năm này mẹ quả không còn hưởng thụ gì cuộc sống. Chỉ còn sự lắng nghe. Niềm vui nhỏ nhoi chỉ là đôi lúc con cháu về tề tựu, ồn ào vui vẻ, những tiếng u ơ đáng yêu các cháu bé. Tiếng động mẹ nghe thường trực là tiếng niệm kinh, niệm Phật. Ngày ngày tôi nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ một chút, nhắc nhở niệm Phật và đừng nghĩ ngợi gì nữa. Mẹ thường không nói gì, hai con mắt mờ đục cứ lờ đờ xa xăm. Môi mím chặt trễ xuống như một nếp nhăn dài. Đó là vẻ mặt thất thần, thời kỳ cuối của căn bệnh. Tuy vậy, đầu óc của mẹ vẫn còn sót lại nhận thức. Đôi lúc mẹ phản ứng trả lời. Nhấp nháy môi niệm Phật theo tôi. Thỉnh thoảng cố phát ra vài tiếng nói nghe không rõ. Có một lần tôi nghe mẹ gắng sức thều thào, “Cám ơn con.” Câu nói cuối cùng của mẹ cùng tôi.
Khi đó đã gần đến Tết. Tình trạng mẹ sụp xuống thình lình. Sữa không vào được bao tử, thường tuôn trào ra ướt cả bụng. Có vài chỉ dấu cận tử: toàn thân rũ liệt, nước da đổi màu, ngủ quá nhiều gần như mê man, không còn nhận thức ăn, cũng không còn bài tiết… Thỉnh thoảng mở mắt dậy bật lên ho khô khan và rồi cứ khò khè như hết hơi, phải dùng máy thở. Tôi biết mẹ sắp đi, nhưng không nói ra sợ làm buồn các em ở xa về thăm, mà chỉ lặng lẽ cầu nguyện và gia tăng máy niệm Phật. Tôi cũng không muốn đưa mẹ vào nhà thương ngay, cố kéo dài qua mấy ngày Tết, biết rõ mẹ vào bệnh viện lần này sẽ không còn trở lại… Toại nguyện cho mẹ muốn ở lại “ăn” Tết cùng con cháu. Mẹ “ăn” Tết trong giấc ngủ vùi, không biết có nghe được tiếng pháo nổ hay tiếng trẻ con reo vui…
Vừa qua mồng ba Tết, mẹ được đưa vào nằm trong ICU. Ngày thứ nhất chưa thấy gì rõ tuy các vital signs yếu ớt. Sang chiều hôm sau đột nhiên có triệu chứng buông thả. Tay chân vốn dĩ cứng ngắc co quắp như chân chim của mẹ tự nhiên trở lại mềm mại và thả lõng, duỗi ra, như buông bỏ, thoải mái, không còn nấn níu, không còn nắm bắt. Ai thấy cũng bảo lạ, cho là tốt lành. Tôi không nói, nhưng ngầm hiểu ấn dấu. Tôi ngồi niệm Phật gần tai mẹ.
Đến chiều hôm sau, mẹ đột nhiên trở cơn. Tất cả máy theo dõi vital signs đồng loạt xuống thấp, reo vang lên. Hai ba y tá chạy vào chuẩn bị lo cấp cứu. Tôi đến nắm tay mẹ vỗ nhẹ và khuyên nhủ, “Mẹ ơi, mẹ đừng đi. Mẹ rán chờ chút nữa đi. Em T. (em trai tôi) sắp về rồi. Mẹ muốn chờ em mà. Rán lên mẹ.” Thế là đột nhiên máy móc trở lại bình thường. Nhịp tim, hơi thở trở lại bình thường. Con tôi ở gần đó bảo, “Sao hay quá vậy, mẹ nói gì mà bà ngoại trở lại bình thường vậy. Con thấy máy vọt lên liền.” Tôi cho biết, “Không phải mẹ, là bà ngoại đó. Cái thức của Bà muốn chờ cậu T.”
Vài giờ sau cậu em bên miền Đông về đến. Bên dưới một núi ống thở, mặt nạ che khuất, đôi mắt mẹ nhướng lên khi vừa nghe tiếng em, có vẻ hài lòng, có vẻ lắng nghe.
Tối hôm đó, khi tôi mỏi mệt vừa mới quay về nhà nghỉ, an tâm vì đã có quý tử của mẹ trông nom, thì cậu em gọi giật lại, giọng run run: “Mẹ đi rồi chị ơi!” Tôi dặn dò em đừng khóc và đừng động đến mẹ, chờ tôi đến. Tôi hoa cả mắt trên con đường lái xe quay trở lại. Hình như có đi lạc một chút trên con đường quen thuộc. Trong câu niệm Phật có xen lẫn vài câu “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
Đến nơi, mẹ nằm đó, người hơi cong queo – vì mặc dù thân đã mềm duỗi nhưng y tá lại kéo co lên để tiện săn sóc. Tôi vừa niệm Phật vừa rải cát Tịnh độ trên đãnh đầu và trán mẹ, cùng em trai chỉnh sửa cho mẹ nằm ngay ngắn trang nghiêm hai tay chắp lại. Trán mẹ vẫn còn hơi ấm dù tay chân bắt đầu lạnh. Mặt mẹ hơi xanh nhưng có vẻ thanh thản bình an, chỉ có miệng há to vì vừa mới rút ống trợ thở. Lúc đó tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Tôi tự trách mình, Phải nhiếp tâm quyết chí không khóc. Phải nhiếp tâm hộ niệm vãng sanh cho mẹ. Phải nhiếp tâm làm sao để cho mẹ không còn chịu khổ.
Tôi bắt đầu niệm kinh cho mẹ. Chú Đại Bi và chú Vãng Sanh nhiều lần. Rồi bắt đầu niệm Phật Quán Thế Âm, và rồi chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Một lúc sau, em gái tôi đến, thỉnh được sư cô C.P., một vị ni hết lòng lo chuyện vãng sanh cho Phật tử, dù lúc đó đã nửa đêm vẫn sốt sắng chạy đến.
Sư cô và hai chị em tôi rốt ráo niệm Phật theo tiếng mõ của sư cô. Mới đầu nhịp nhàng, ngày càng gia tăng tốc độ. Sau cùng chỉ niệm vắn tắt “A Di Đà Phật”, thật nhanh. Tôi nhắm mắt lại, đứng thẳng người hơi nương vào vòng đai sắt quanh giường mẹ, mang trong tâm chỉ mỗi một cứu cánh “vãng sanh” và trên miệng gắn liền bốn chữ “A Di Đà Phật.” Tiếng mõ của sư cô ngày càng dồn dập, nhưng đến một lúc tôi cũng chẳng còn nghe tiếng mõ, cũng không nghe tiếng động gì chung quanh, mà chỉ nghe được tiếng niệm Phật của chính mình, như đang ngấm vào trong tâm mình. Thân hình tôi mới đầu hơi tê vì đứng quá lâu, dần chuyển sang rung động theo tiếng niệm, nhanh dần. Đột nhiên dừng lại, rồi như được sức hút cuốn hút lên, kéo thẳng lên. Tôi chẳng cảm thấy thân mình nữa. Chẳng nghe tiếng niệm. Đầu chợt mát rượi như có hơi lạnh rót lên trên. Vẫn nhắm mắt, tôi bắt đầu thấy ánh sáng hiện ra trước mặt. Mới đầu là một vòng tròn xoáy nhanh, có màu xanh chung quanh, màu vàng ở giữa. Vòng sáng lan dần ra, tỏa rộng, xanh biến mất, vàng chói lòa rực rỡ. Dù đang nhắm mắt tôi cảm thấy như chói chang và cứ nhấp nháy mắt. Tôi giữ yên trạng thái đó một lúc, rồi nói với sư cô, “Ánh sáng rồi sư cô!” Sư cô nói, “Sáng lắm phải không?” Tôi đáp, “Dạ.” Sư cô từ từ lơi dần tiếng mõ, và sau cùng chúng tôi dứt tụng niệm.
Tôi mở mắt ra hỏi sư cô “Sư cô có thấy sáng không?” “Không, cô bận quan sát người đi.” Rồi cô chỉ cho tôi xem. Miệng mẹ tôi đã khép lại, chưa khít khao, còn hơi chút hé mở, phơn phớt một nụ cười.
Mẹ đã ra đi, miệng mỉm cười!
Nam Mô A Di Đà Phật.
Mọi việc cứ tuần tự diễn ra theo những nghi thức cho người quá vãng. Một điều cần phải ghi chú để cho những ai còn nghi ngờ đó là các vọng tưởng. Trên thực tế, suốt trong tuần lễ tang chay khó nhọc ấy, người tôi hoàn toàn nhẹ nhàng thanh thản, không chút mệt nhọc muộn phiền. Kể từ khi được nhìn thấy luồng hào quang vi diệu bất khả tư nghì đó.
Tôi kể lại cảnh khổ của mẹ mình một cách chân thật và tường tận như thế vì cảm thấy mẹ thọ khổ như một thông điệp, một nhắn nhủ gửi đến cho chính tôi và cho những vị tin vào cõi Tịnh Độ: Biết được Sự Thật mới thoát khổ. Cũng xin gửi đến những vị có cha mẹ còn an lành hay lâm cảnh ốm đau, xin an tâm chăm sóc, xin xem như là các bậc Bồ tát dạy mình tu học.
Câu chuyện cuối cùng. Tôi biết mẹ đã đi xa, nên cũng không mong vọng được nhìn thấy mẹ, cho dù qua chiêm bao. Thế mà, khoảng một tháng sau, tôi được gặp mẹ trong giấc mơ. Tôi thấy mình chở mẹ – khỏe mạnh và tươi đẹp – vượt qua một dòng sông rộng hay con biển nhỏ nào đó, có nhiều sóng gió. Tôi lái xe, hay lái thuyền gì đó không rõ, lượn bay là là bên trên (không phải sát mặt nước). Trồi lên hụp xuống khá nhiều lần. Hơi lảo đảo hồi hộp. Nhưng rồi một lúc sau thì mẹ đột nhiên tách ra, tự mình lái một chiếc xe (hay thuyền) nhỏ chạy vụt lên phía trước, rời đi. Trước khi mất dạng, mẹ quay đầu nhìn lại tôi, miệng mỉm cười.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.