Kinh nghiệm niệm Phật của một người nghiện rượu

*Đọc 29 phút*

Người viết ẨN DANH
Người dịch Phúc Quỳnh

(Bài viết này được một cư sĩ Phật giáo Mỹ đăng trên trang “Buddha and Bill.” Ông nghiện bia rượu hơn ba-mươi năm, đã tham dự những buổi họp cai rượu Alcoholics Anonymous (người nghiện rượu ẩn danh) gọi tắt là AA. Chương trình AA tổ chức họp hàng tuần miễn phí, khởi nguồn vào năm 1935 tại tiểu bang Ohio bởi một người muốn thoát nghiện. AA có chi nhánh tại 180 quốc gia, mà hầu hết là ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Trong những buổi họp của AA -thường được bảo trợ bởi một nhà thờ Thiên Chúa Giáo địa phương- những người nghiện rượu được khuyến khích đọc bản tuyên ngôn ‘12 Bước’ (12 Steps) và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với các người đồng cảnh ngộ. Bài viết này liên quan đến bước thứ Hai và thứ Ba, nội dung: “Tin ở một Quyền Lực Cao Hơn có thể giúp chúng ta phục hồi sự tỉnh trí” và “Quyết định đưa ý chí và cuộc sống của chúng ta nương tựa vào sự phù hộ của Thượng Đế như chúng ta hiểu về Ngài.” Tựa bài do Tinh Tấn đặt.)

Tôi không thể nói thay cho tất cả các Phật tử khác, chỉ về kinh nghiệm bản thân mà thôi. Trong bốn-mươi năm, tôi đã thực tập Thiền theo truyền thống Tào Động Nhật, tu tập theo Tịnh Độ Chân Tông và Mật Tông Tây Tạng theo truyền thống Kagyu. Tôi chưa có kinh nghiệm về Phật Giáo Nam Tông. Thế nên kinh nghiệm tu tập của tôi được hạn chế trong các truyền thống Bắc Tông. Dù vậy, ngoài tôi ra thì cũng có khá nhiều người Tây Phương tham gia cả hai, Người Nghiện Rượu Ẩn Danh và Phật Giáo Đại Thừa, gồm một hay nhiều hơn các pháp môn mà tôi đã trải nghiệm. Họ có cách khác so với tôi để xác định Quyền Lực Cao Hơn. Thế nên tôi chỉ có thể nói về kinh nghiệm của bản thân vì đó là tất cả những gì tôi có được.

Kinh nghiệm của tôi

Khi bắt đầu dự những buổi họp AA vào mùa xuân năm 2006, tôi nghĩ mình sẽ phải trở thành một người Thiên Chúa Ngộ Giáo (Gnostic Christianity) để có thể thực hiện phương pháp Mười-Hai Bước. Thế nhưng trong lòng thì tôi đã quyết tâm hành trì Chánh Niệm trong hiện tại–nghĩa là tỉnh giác trong từng phút giây và kéo dài sự tỉnh giác đó càng lâu càng tốt trong đời sống hàng ngày. Tôi từng tập Thiền hai năm, từ 1969 đến 1971, dưới sự hướng dẫn của thầy Suzuki Roshi tại Trung Tâm Zen San Francisco, và sự tu tập đó giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của chánh niệm. Tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng chánh niệm phải là một phần trong sự thực hành Thiên Chúa Ngộ Giáo.

Thế rồi tôi thực hành chánh niệm với khái niệm rằng sự tỉnh giác của tôi cũng được theo dõi bởi đấng Quyền Lực Cao Hơn của tôi–bất kể đấng ĐÓ là ai. Để trợ giúp cho sự duy trì Chánh Niệm, tôi bắt đầu áp dụng lời Cầu Nguyện Bình Yên của AA:

“Lạy Chúa, xin ban cho con sự bình yên để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, xin ban cho con sự can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi, và xin giúp con có trí tuệ để phân biệt điều gì không thể thay đổi và điều gì có thể thay đổi.”

Ngày ấy tôi đi bộ và đi xe bus rất nhiều. Vì hậu quả của sự lái xe say rượu, tôi bị treo bằng lái. Một trở ngại lớn cho việc duy trì chánh niệm trong lúc di chuyển khi đó là sự lo lắng về việc đến dự những buổi họp và những cuộc hẹn đúng giờ. Lấy thí dụ, rất khó giữ bình tĩnh chứ đừng nói chi “giữ chánh niệm” khi vừa đến trạm xe bus thì chuyến xe tôi cần lên đã vừa chạy qua và rời trạm thật nhanh, khiến tôi phải phóng chân thật lẹ để đuổi theo. Đó là lúc thích hợp để áp dụng lời Cầu Nguyện Bình Yên. Và nó tạo cho tôi việc thực tập cầu xin đấng Quyền Lực Cao Hơn giúp cho tôi duy trì được sự bình thản hay phục hồi chánh niệm.

Tôi cũng thực tập tọa thiền căn bản, chú ý hơi thở theo pháp môn Zen, Phật Giáo Nguyên Thủy và Tây Tạng trong sinh hoạt cầu nguyện và hành thiền mỗi ngày, nhất là sau khi thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.

Từ những gì học được ở AA, tôi bắt đầu nghiên cứu lại Phật Giáo, Thiên Chúa Ngộ Giáo, Thần Bí Thiên Chúa Giáo (Christian Mysticism), Ấn Độ Giáo Vệ Đà (Vedanta Hinduism), Thần Bí Do Thái Giáo (Kabbala), và Sufism (Hồi). Trong vòng một tháng, tôi nhận ra rằng mình không cần phải rời Phật Giáo để thực hành Mười-Hai Bước. Thật vậy, những gì học được ở AA đã giúp hồi sinh sự hiểu biết và trân quý Phật Pháp trong tôi.

Tượng Phật A Di Đà tạc bằng gỗ thế kỷ thứ 18 triều đại Edo, Nhật, trưng tại Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Geneva-Ethnography Museum. (Rama/ Wikimedia Commons)

Vào đầu thập niên 1990, tôi đã có một thời gian tu hành theo pháp môn Tịnh Độ Chân Tông. Qua pháp môn này, tôi học được ý tưởng “tha lực” trái với “tự lực.” Giáo lý của Tịnh Độ Tông dựa trên ba bộ kinh Đại Thừa là Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, và Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Theo ba bộ kinh, Phật A Di Đà hay Amitabha là Phật Vô Lượng Quang, giáo chủ của Tây Phương Cực Lạc, hay còn gọi là Tịnh Độ. Hầu hết, nếu không là tất cả, đều công nhận Tịnh Độ không là một địa điểm, mà là một trạng thái ý thức. Kinh Vô Lượng Thọ nói rằng Phật A Di Đà từng là một vị bồ tát tên là Pháp Tạng. Ngài bồ tát đó đã phát nguyện rằng khi thành Phật thì ngài sẽ tạo lập cõi Tịnh Độ để cho tất cả các chúng sanh được tái sanh về đó một cách dễ dàng hầu tiếp tục tu hành cho đến khi được giải thoát viên mãn. Ngài Pháp Tạng đã phát 48 thệ nguyện mà trong đó thệ nguyện thứ 18 được Tịnh Độ Tông xem là “bổn nguyện thiết yếu.”

Thệ nguyện thứ 18, theo Chân Tông: “Khi tôi thành Phật, nếu có chúng sanh nào ở mười phương với chí tâm tín thọ, muốn sanh về nước tôi  và niệm đủ mười niệm tên tôi mà chẳng được vãng sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh Giác, duy trừ kẻ phạm năm tội ngỗ nghịch hoặc phỉ báng Chánh Pháp.”

Trong khi đó, học giả Thiền Nhật nổi tiếng D.T. Suzuki đã đưa ra một phiên bản hơi khác trong cuốn sách ‘Đức Phật Vô Lượng Quang’ về Phật Giáo Chân Tông. Ông viết:

“Nếu khi tôi thành Phật, tức là thành tựu giác ngộ, tất cả chúng sanh trong Mười Phương không thành tâm và chân thật mong muốn được sinh về quốc độ của tôi, và nếu họ không được sanh về đó chỉ bằng cách nghĩ đến tôi, chẳng hạn, đến mười lần—trừ những người đã phạm năm trọng tội và những người phỉ báng Chánh Pháp—tôi xin không đạt được giác ngộ tối thượng.”

Xin lưu ý rằng sự khác biệt chính giữa hai bản dịch vừa trích dẫn ở trên là, trong khi Bồ Tát Pháp Tạng nguyện “niệm đủ mười niệm tên tôi,” thì D. T. Suzuki viết “nghĩ đến tôi, chẳng hạn, đến mười lần.”

Tôi đã đọc cả hai bản dịch vào năm 2006 khi tôi bắt đầu cai rượu và thực hành Mười-Hai Bước. Bản dịch của Chân Tông xem phù hợp hơn với việc thực hành niệm Phật (Nembutsu). Trong Nhật ngữ [và Việt ngữ cũng vậy], Nembutsu có nghĩa “nghĩ tới Phật.” Trong bối cảnh Tịnh Độ Nhật, Nembutsu là tên hay danh hiệu của câu “Nam Mô A Di Đà Phật” (Namu Amida Butsu) dịch từ tiếng Phạn “Namo Amitabha Buddha,” có nghĩa đen là “Tán thán Đức Phật A Di Đà!” và còn có nghĩa là “Con xin quy y Phật A Di Đà!” hay cũng có nghĩa “Con xin đặt niềm tin ở Đức Phật A Di Đà.”

Daisetsu Teitarō Suzuki (Shigeru Tamura/ Wikipedia)

Đối với người tu hành trong cả hai trường phái Tịnh Độ Nhật Bản [Tịnh Độ Tông của ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân và Tịnh Độ Chân Tông của ngài Thân Loan –đệ tử của Pháp Nhiên Thượng Nhân], họ tin rằng sự niệm Phật sẽ bảo đảm họ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc theo bổn nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà.

Nhưng đối với người thật sự hành trì sâu hơn nữa với Tịnh Độ Chân Tông, niệm Phật không chỉ bảo đảm tái sanh ở cõi Cực Lạc. Pháp Sư Kenryu Tsuji viết trên trang mạng của ông bài “Tịnh Độ Chân Tông: Giới Thiệu Tóm Lược”:

“Câu niệm Phật – Nam Mô A Di Đà Phật – bên ngoài là bày tỏ sự tri ân về việc bảo đảm được vãng sanh. Bên trong là sự biết ơn đối với Lòng Từ Bi của Phật A Di Đà, và sự biết ơn đó trở thành một sức mạnh tâm linh cốt yếu trong cuộc đời của tất cả những người hành trì Niệm Phật.”

Chân dung ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân (Honen) vẽ bởi Fujiwara Takanobu, thế kỷ 12. (Wikipedia)

Trong cuốn ‘Phật Giáo Tịnh Độ: Những Mảnh Vụn Biến Thành Vàng,’ học giả Taitetsu Unno viết:

“Trong Phật Giáo Tịnh Độ, mục tiêu tối hậu của sự chuyển hóa nằm ở câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Điều này có nghĩa là gì? Tóm lược, niệm Phật là tiếng gọi trôi chảy của Đức Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, đến từ trung tâm vô tận của chính sự sống, cũng như phản ứng của chúng ta đối với tiếng gọi đó mà không do dự hay tính toán. Do đó, niệm Phật không phải là một hành động thỉnh cầu, một sự lặp lại máy móc, vô tâm, hay một câu thần chú có sức mạnh kỳ diệu. Điều này cần một số giải thích.

“Lời kêu gọi niệm Phật này đánh thức chúng ta đến với một sức mạnh giải thoát, sức mạnh này thánh hóa mọi sự sống, bởi vì lời gọi đến từ bên ngoài cái tôi nhỏ bé luôn bận rộn tính toán cuộc sống chỉ theo hướng được hay mất, thắng hay thua. Trước sau gì chúng ta sẽ đáp lại lời kêu gọi này, nếu chúng ta muốn biết đến cảm giác an lạc. Nếu tôi dịch niệm Phật sang tiếng Anh, thì đó sẽ là ‘Tên-gọi,’ vì tiếng kêu gọi đó làm chúng ta thức tỉnh với tiềm năng lớn nhất của mình để trở thành những con người chân chính, thực sự và chân thành.”

Một pháp sư khác là bà Patricia Kanaya Usuki. Trong bài phỏng vấn tựa đề “Đại Bi” đăng tạp chí Phật Giáo Tricycle số Hè 2011, Pháp Sư Usuki nói:

“Trong Chân Tông Tịnh Độ, một trong các bộ kinh của chúng tôi là Kinh Vô Lượng Thọ, trong đó có câu chuyện về Bồ Tát Pháp Tạng. Như tất cả các vị bồ tát khác, ngài Pháp Tạng lập thệ nguyện để trở thành Phật. Lời nguyện quan trọng nhất là nguyện thứ 18 mà chúng tôi gọi là Bổn Nguyện. Trong câu chuyện, Pháp Tạng Bồ Tát từ chối thành Phật cho đến khi tất cả chúng sanh được giải thoát cùng với ngài, bất kể chúng sanh đó tàn ác hay ngu si đến mức nào. Ngài đặt sự giải thoát của chúng ta bên trên sự giải thoát của chính ngài. Đây là cốt lõi của Tịnh Độ Tông.

“ Theo kinh, Pháp Tạng thành Phật A Di Đà, nên bổn nguyện của ngài đã thành tựu và vận hành cho chúng ta. Đây là ngôn ngữ của Kinh, ngôn ngữ tượng trưng. Bổn Nguyện thật sự là nguyện vọng sâu xa nhất của tất cả các chúng sanh. Hãy nhớ rằng đây là truyền thống Đại Thừa, và chúng ta nắm lấy lý tưởng bồ tát là tất cả chúng sanh cùng nhau giải thoát. Sự vận hành của Bổn Nguyện có nghĩa là tất cả chúng sanh có nguyện vọng sâu xa này cho tất cả các chúng sanh khác tìm được trong tâm sự giải thoát và bình yên vĩnh viễn. Thành thử khi chúng ta nói về Đức Phật A Di Đà thì thật sự chúng ta nói về trí tuệ vô lượng và từ bi cho tất cả sự sống.

“Khi tôi mô tả như vậy, nghe như là một khái niệm đẹp, nhưng trong Tịnh Độ Tông chúng ta vào cửa sau của cuộc sống của chính mình và thực hành việc tự nhận thức. Chúng ta nhận ra bản chất của con người thật của chính mình, với những khiếm khuyết, vân vân. Cùng lúc chúng ta hiểu rằng mình là người được thừa hưởng trí tuệ vô lượng và từ bi của sự sống, những thứ luôn luôn duy trì và bảo bọc chúng ta, bất kể chúng ta là người như thế nào, bất kể thực tế là dù cố gắng hết sức mình chúng ta sẽ không bao giờ đạt được trạng thái thanh tịnh tối hậu. Chúng ta không thể hiểu được sự mong ước sâu thẳm cho đến khi chúng ta sống cuộc sống của mình, trải nghiệm cuộc sống, nhìn thấy bản thân thực sự của chúng ta trong cuộc sống này—và cũng nhìn thấy thực tế của chính mình trong mọi cuộc sống và tận hưởng những lợi ích của cuộc sống mà chúng ta nhận được. Từ đó chúng ta mới có thể hiểu khái niệm về mong ước sâu thẳm nhất hay Bổn Nguyện. Bồ Tát Pháp Tạng trở thành Phật A Di Đà là điều chỉ trở thành sự thật đối với người thức tỉnh với nghiệp chướng của mình và nhận thức được sự hạn chế của họ trong bối cảnh thực tế rộng lớn hơn.”

Rev. Patricia Kanaya Usuki (Buddhist Church of America)

Theo giáo lý Tịnh Độ, Phật A Di Đà là “quyền năng lớn hơn” có thể phục hồi lý trí cho chúng ta. Trong cuốn sách về Tịnh Độ Chân Tông, tựa đề ‘Phật Vô Lượng Quang,’ ông D. T. Suzuki viết:

“Tha lực tiếng Nhật là tariki, và tự lực là jiriki. Tịnh Độ Tông được biết là trường phái Tha Lực vì dạy rằng tariki là yếu tố quan trọng nhất để sanh về Tây Phương Cực Lạc, cho dù được hiểu là tái sanh hay giác ngộ hoặc cứu độ. Bất kể chúng ta có thể đặt tên gì cho mục đích của nỗ lực tôn giáo của mình, thì mục đích đó đến từ Tha Lực, không phải từ tự lực. Đây là luận điểm của các Phật tử Chân Tông…

“Theo giáo lý Tịnh Độ, chúng ta có thể nói là chỉ có năng lực của Phật A Di Đà mới bảo đảm sự giải thoát và tự do của chúng ta. Chúng ta không thêm gì vào công việc của Phật A Di Đà. Học thuyết về Tha Lực, hay chủ nghĩa đơn tử này, dựa trên ý tưởng rằng con người là những chúng sanh tương đối, và vì được cấu thành như vậy nên chúng ta không có gì cho phép mình vượt qua dòng sông sanh tử. Phật A Di Đà đến từ Bờ Bên Kia, đưa chúng ta lên con tàu với Bổn Nguyện của ngài qua Bờ Bên Kia.

“Giữa Phật A Di Đà và chúng ta có một khoảng sâu thẳm. Chúng ta bị vướng gánh quá nặng của nghiệp chướng đến nỗi chúng ta không thể thoát khỏi chúng bằng sức mạnh của chính mình. Phật A Di Đà phải đến và giúp chúng ta, dang rộng vòng tay giúp đỡ từ phía bên kia. Đây là điều thường được dạy trong Chân Tông. Nhưng nhìn từ một quan điểm khác, trừ khi chúng ta dốc hết sức lực để đạt đến mục đích tối hậu, dù có ngu dốt và bất lực đến đâu, chúng ta sẽ không bao giờ nắm được vòng tay của Phật A Di Đà.

“Có thể nói rằng Tha Lực tự làm mọi thứ. Chúng ta chỉ để Tha Lực hoàn thành công việc của nó. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức được Tha Lực đang làm công việc trong chúng ta. Nếu không ý thức được Phật A Di Đà đang làm công việc trong ta, chúng ta sẽ không bao giờ được tiếp dẫn. Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng mình được vãng sanh ở Cõi Tịnh Độ và đạt được sự giác ngộ. Để có được ý thức này, chúng ta phải nỗ lực hết sức mình. Phật A Di Đà có thể đang đứng chờ đưa chúng ta đến Bờ Bên Kia, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy Phật A Di Đà cho đến khi chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm. Tự lực không thực sự cần thiết để vượt qua vòng sinh tử, nhưng Phật A Di Đà sẽ chỉ đưa tay giúp đỡ khi chúng ta nhận ra rằng tự lực không thể làm được gì.

“Vì chúng ta không thể đạt được mục đích tối hậu trên con đường giác ngộ, nên sự trợ lực của Phật A Di Đà phải được công nhận. Chúng ta phải ý thức được điều đó. Trên thực tế, sự công nhận chỉ đến sau khi chúng ta đã nỗ lực hết sức để tự vượt qua sông. Chúng ta chỉ nhận ra sự vô hiệu của tự lực khi chúng ta tìm cách dùng nó và nhận ra sự vô giá trị của nó. Tha lực hoàn toàn quan trọng, nhưng sự thật này chỉ được biết đến bởi những người đã cố gắng dùng tự lực để làm điều không thể.

“Sự việc nhận ra sự vô giá trị của tự lực cũng có thể là công trình của Phật A Di Đà. Trên thực tế, đúng là như vậy, nhưng cho đến khi đạt được sự tự nhận thức, chúng ta không nhận ra rằng Phật A Di Đà đã làm tất cả những điều này cho chúng ta và trong chúng ta. Do đó, nỗ lực là điều kiện thiết yếu của sự nhận thức. Về mặt tâm linh, mọi thứ cuối cùng đều đến từ Phật A Di Đà, nhưng nên nhớ rằng chúng ta là những chúng sanh tương đối. Như vậy, chúng ta không thể hiểu được mọi thứ trừ khi trước tiên chúng ta cố gắng làm hết sức trên cõi tương đối này. Việc vượt qua từ cõi tương đối sang cõi tuyệt đối của Tha Lực có thể là điều không thể xảy ra về mặt lý luận, nhưng dường như chỉ không thể trước khi chúng ta đã thử mọi thứ trên cõi này.”

Cũng trong bài phỏng vấn “Đại Bi” đăng báo Tricycle số Hè 2011, Pháp Sư Patricia Kanaya Usuki được hỏi:

Ý tưởng chúng ta được chấp nhận như thế này vốn có liên quan đến ý tưởng về tính tự nhiên, một phần rất nổi bật trong việc hành trì Tịnh Độ Chân Tông. Bà có thể nói thêm về vai trò của tính tự nhiên trong Chân Tông không?”

Bà trả lời:

“Trong Tịnh Độ Chân Tông, chúng tôi đối chiếu tự lực với ý tưởng tập trung vào toàn bộ cuộc sống, vào pháp giới trùng trùng duyên khởi. Khi một điều gì đó xảy ra, nó không phải do nỗ lực của chính mình để đạt được điều đó. Ý tưởng về tính tự nhiên là không-làm tức là thực sự làm. Nên hiểu rằng mọi thứ không xảy ra do sự tính toán và nỗ lực của riêng bạn. Bạn không ngồi đó nghĩ rằng, ‘Được rồi, nếu tôi có thể thực hành bát chánh đạo và làm mọi thứ đúng cách, thì tôi sẽ đạt được sự giác ngộ.’ Đó là nỗ lực dựa trên sự mê lầm, chấp ngã của riêng bạn. Tôi đã làm điều này, tôi có thể làm điều kia — ngay khi bạn bắt đầu nghĩ như vậy, tâm chấp ngã của bạn liền bước vào cuộc.

“Tuy nhiên, khi đủ duyên, khi nhân duyên kết hợp với nhau, bạn sẽ tinh tấn trên đường tu. Không phải ‘tôi’ làm điều này hay ‘tôi’ niệm Phật. Khi tôi niệm ‘Nam Mô A Di Đà Phật,’ không có ‘tôi’ làm điều này hay ‘tôi’ niệm Phật mà là cái mà chúng tôi gọi là tha lực—hay theo ý tôi, là Phật lực. Tha lực đã kết hợp với nhân duyên của tôi để đưa tôi đến với câu niệm ‘Nam Mô A Di Đà Phật.’ Nó làm cho tôi cảm thấy biết ơn, hoan hỷ, an lạc trong tim và an lạc trong tâm – những phẩm chất mà Tịnh Độ Chân Tông coi trọng. Vì vậy, tính tự nhiên là đối nghịch với tính toán, với nỗ lực dựa trên bản ngã để cố gắng đạt được điều gì đó bằng sức mạnh của riêng bạn–được cho là độc lập. Nếu thực sự nhận thức được, bạn sẽ thấy rằng mình không thể đạt được điều đó bằng nỗ lực và tính toán của riêng mình.”

Câu hỏi kế tiếp cho Pháp Sư Kanaya Usuki:

“Có phải Bổn Nguyện chỉ dành cho người tu theo Tịnh Độ Chân Tông, hay Phật A Di Đà cũng tiếp dẫn những người khác?”

Bà trả lời:

“Bổn Nguyện mở rộng cho tất cả chúng sanh. Bổn Nguyện nói về tâm chân thật, tâm sâu sắc, và tâm khát vọng. Đầu tiên bạn phải thức tỉnh với tâm khát vọng. Điều đó không có nghĩa bạn phải là một Phật tử Chân Tông để có khát vọng đó. Trong khoảng khắc mà những thắc mắc quan trọng khởi lên—Tôi là ai? Tại sao tôi ở đây? Mục đích của cuộc sống của tôi là gì?—Tôi nghĩ đó là khát vọng với tâm chân thật muốn hiểu mọi thứ như thế nào.”

Tôi khám phá sự khác biệt trong hai bản dịch về Bổn Nguyện Thứ 18 của Phật A Di Đà, một theo Chân Tông và một theo học giả D.T. Suzuki trong ‘Đức Phật Vô Lượng Quang,’ đã được giải quyết một cách thú vị trong bài thơ sau đây của thi sĩ Saichi Asahara (1850-1932), một tài năng thiên phú sùng tín Tịnh Độ Chân Tông:

Tôi không niệm Phật.
Vì không cần thiết.
Được cứu độ bởi lòng từ bi của Đức Phật,
Tôi cảm thấy biết ơn biết bao.
Về phần NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT,
Nó luôn ở bên tôi.
Tôi luôn ở bên nó.
Khi ngủ, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Khi thức, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Khi đi hay nghỉ,
Khi ngồi hay nằm, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Khi làm việc, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Tranh vẽ thi sĩ Saichi Asahara (Không rõ nguồn)

Sau khi tái khám phá Tịnh Độ Chân Tông ở bước đầu của tiến trình cai rượu, tôi quyết định chọn Phật A Di Đà là đấng Quyền Lực Cao Hơn của tôi, đưa ý chí và cuộc sống của tôi nương tựa vào Ngài như được ghi trong Bước Thứ Ba của 12 Bước của hội AA.

Một trong những điều chỉnh đầu tiên của tôi là niệm Phật thay cho lời Cầu Nguyện Bình Yên của AA. Cách thức này có hiệu quả khi tôi phải chạy như điên rượt theo xe bus. Trong những trường hợp như vậy, lời cầu nguyện bình yên thật quá dài cho dù chỉ nói câu đầu. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục đọc lời Cầu Nguyện Bình Yên khi đọc chung với mọi người lúc bắt đầu buổi họp AA–chỉ bỏ chữ “Thượng Đế” hoặc thay bằng “Phật A Di Đà.”

[…]

Trong bài viết Phật Thị Hiện Trong Mỗi Người (The Buddha Appears through the Individual) đăng trang mạng cá nhân, Pháp Sư Kemmyo Taira Sato viết:

“Trong Tịnh Độ nói chung, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là nói đến sự vãng sanh xảy ra ra đúng giây phút lâm chung. Theo Thân Loan Thánh Nhân (1173-1262), vị tổ của Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, câu “vãng sanh Cực Lạc” có hai nghĩa: 1) đạt được niềm tin trong kiếp sống này và 2) tái sanh ở Tây Phương Cực Lạc lúc lâm chung. Điều quan trọng nhất trong Chân Tông là đạt được đức tin trong khi sống trên thế giới này, tức là được vãng sanh ở Tịnh Độ ngay lập tức dựa trên các câu trong Kinh Vô Lượng Thọ hàm ý: ‘Chúng sanh nguyện sanh về Cõi Cực Lạc, trong khoảnh khắc được sanh về Cõi Cực Lạc và được Bất Thối Chuyển.’ Câu này được coi là quan trọng nhất để mô tả việc đạt được đức tin ở đây và bây giờ. Một khi đạt được đức tin, tức là lần đầu tiên sanh ở Tịnh Độ, thì không có vấn đề gì về lần tái sinh thứ hai vào lúc lâm chung. Việc tái sanh lần thứ hai được xem là rất tự nhiên, bất kể người đó có thể chết như thế nào, điên loạn, đau đớn, bất tỉnh hay đang chánh niệm và nghĩ đến Đức Phật.

“Tại sao đạt được trải nghiệm đức tin lại được gọi là sanh ở Cõi Tịnh Độ? Vì trải nghiệm đức tin bao gồm một hình thức chết về mặt tinh thần, tái sanh sau cái chết của một lối sống ích kỷ. Trong những cuộc pháp thoại, tôi đã nói rằng đức tin là sự thức tỉnh trong đạo Phật và với sự thức tỉnh này, chúng ta sẽ chấm dứt một cuộc sống ích kỷ và bắt đầu một cách sống mới, sống theo niệm Phật. Nhà thơ Phật giáo Saichi đã tuyên bố:

“Sau khi hoàn tất việc chết và tang lễ,
Saichi sống ở thế gian này với Nam Mô A Di Đà Phật.
Saichi là A Di Đà,
A Di Đà là Saichi.
Hồng Danh A Di Đà đã đến với Saichi,
Và kết thúc khoảnh khắc cuối cùng của tôi,
Tôi nhẹ nhõm biết bao khi niệm Phật—
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nơi mà tôi được gọi đến, và được bạn đưa đến.”

Pháp Sư Kemmyo Taira Sato (phải) đang cười khi Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi về râu của ngài Bhai Mohinder Singh Ahluwalia trong một dịp họp mặt Liên Tôn được tổ chức tại Thượng Viện Anh, London ngày 21 tháng 9, 2015. (Photo: Ian Cumming/ Dalai Lama Facebook)

Không như các đạo hữu Chân Tông tuân theo giáo lý của ngài Thân Loan nghiêm ngặt, hay đạo hữu theo Tịnh Độ Tông của ngài Pháp Nhiên, tôi không bỏ thiền. Tôi cũng không bỏ bất cứ phương pháp hành thiền nào theo Thiền Nhật Bản hay Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng khi tọa thiền, tôi thường niệm Phật ít nhất một lần trong đầu. Làm như vậy, tôi an trú ở Phật A Di Đà. Sự chánh niệm mà tôi có được từ thiền cũng là chánh niệm từ sự gia hộ của Phật A Di Đà. Ngài là Phật tánh của tôi, là Phật tánh của tất cả chúng sanh, của vạn pháp.

Tôi cũng quán tưởng Phật A Di Đà thiền định trong tư thế hoa sen với hai bàn tay đặt lên nhau trước mặt như vị Phật thường thấy ở các bức tượng, hình ảnh. Cùng lúc, tôi niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, đến khi không còn vọng tưởng thì tôi để hình ảnh Phật A Di Đà hòa nhập với tôi, như tôi từng làm khi quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) trước khi niệm Om Mani Padme Hum mà tôi từng học từ các thầy Tây Tạng.

Tôi được biết pháp môn Tịnh Độ đã được xiển dương bởi hai luận sư vĩ đại của Phật Giáo Đại Thừa là ngài Long Thọ (150-250) và ngài Thế Thân (316-396).

Ngài Long Thọ được biết đến là vị tổ của Tông Trung Quán. Tông này lập một hệ thống triết học phân tích hợp lý hỗ trợ chặt chẽ học thuyết tánh không (sunyata) của Đại Thừa như được trình bày trong Bát Nhã Tâm Kinh. Trung Quán là một phần quan trọng trong giáo lý của hệ phái Gelug thuộc Phật Giáo Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu. Ngài Long Thọ được coi là Tổ Thứ 14 thuộc dòng Ấn Độ trong Thiền Tông Nhật. Về phía Tịnh Độ Tông, ngài Thân Loan coi ngài là vị Tổ thứ nhất. Thân Loan Thánh Nhân giải thích lý do:

“Một trong các tác phẩm của ngài Long Thọ được xem là liên quan đến Tịnh Độ Tông là chương Dị Hành trong bộ Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận. Trong tác phẩm này, ngài Long Thọ phân biết hai con đường-khó và dễ-đưa đến địa vị Bồ Tát Bất Thối Chuyển. Đường Khó (Nan Hành) là tu hành theo Lục Độ Ba-La-Mật-bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí huệ. Đây là con đường được hướng dẫn bởi trí tuệ và lòng từ bi siêu việt, và đòi hỏi nỗ lực tu hành mạnh mẽ trong nhiều kiếp. Đối với những người không phù hợp với Nan Hành, có con đường dễ hơn, theo đó họ gọi tên các vị Phật, thực hành phủ nhận sự chấp trước vào bản ngã thông qua sự tin tưởng vào các vị Phật, thực hành từ bỏ sự dính mắc vào bản ngã bằng sự tin tưởng vào lòng từ bi của các vị Phật và Bồ tát, và được chuyển hóa thành điều tốt tương ứng qua hoạt động của Tánh Không. Bao gồm trong con đường dễ này (Dị Hành) là Danh Hiệu và Bổn Nguyện của Phật A Di Đà.

“Ngài Long Thọ không chủ trương từ bỏ con Đường Khó của Bồ Tát Đạo để ủng hộ con Đường Dễ của đức tin; tuy nhiên, chúng ta có thể thấy trong các tác phẩm của ngài, ngay tại nguồn gốc của tư tưởng Đại Thừa, một sự trình bày rõ ràng về ý nghĩa của Bổn Nguyện của Phật A Di Đà, và về sự hoạt động, chứ không chỉ thực hành, của lòng từ bi tuyệt đối.”

Ngài Thân Loan (Shinran) được vẽ bởi Nanbokucho (Nara National Museum/ Wikipedia)

Trong khi đó ngài Thế Thân, người đồng sáng lập Du Già Hành Tông với anh là ngài Vô Trước -người sáng lập Duy Thức Tông, đã kết hợp những phương pháp thiền định với giáo lý Tịnh Độ. Ngài Thân Loan giải thích:

“Thế Thân (thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên) là một trong những người sáng lập Du Già Hành Tông là dòng Phật Giáo Đại Thừa Ấn Độ lớn thứ hai, tạo ra sự cân bằng với sự phủ định có hệ thống của triết học Trung Quán. Du Già Hành Tông bắt đầu từ nền tảng của Trung Quán Tông, nhưng thấy rằng cách diễn đạt hợp lý về Tánh Không là không đủ trước những vấn đề tức thời về thực hành và chứng ngộ, tập trung vào sự chuyển động của tâm. Từ mối quan tâm này, họ đã phát triển triết lý Duy Thức Học, trong đó các hiện tượng không chỉ đơn thuần bị bác bỏ là trống không, mà được phân tích như những điều chỉnh liên tục thay đổi của ý thức. Mặc dù các hình thức hiện tượng là tạm thời và ảo tưởng, nhưng bản thân ý thức, và chỉ có ý thức, mới có thể được coi là có thật. Bên dưới các cấp độ của nhận thức giác quan, khi bị ô nhiễm, sẽ tạo ra ảo tưởng về sự tồn tại thực sự của mọi thứ, và bên dưới cấp độ ý thức sâu hơn mà từ đó ảo tưởng về một bản ngã tác động lên đối tượng phát sinh, có một chủ thể cơ bản điều này, trước mọi biểu hiện hiện tượng, truyền cho chúng bản thể của chúng, mặc dù không có sự dính mắc nào. Đó là sự nhận thức về ý thức này, không bị ô nhiễm bởi tính khách quan, mà các hành giả Du Già Hành Tông tìm kiếm qua thiền định.

“Sự đóng góp của Thế Thân cho Tịnh Độ chủ yếu nằm ở việc xây dựng tư tưởng Niệm Phật về việc thực hành Phật pháp bằng cách áp dụng phương pháp quán chiếu vào Tịnh Độ. Thực hành quán chiếu thường được trình bày dưới dạng Định (samatha) và Tuệ (vipaWana). Khi tâm trí được tĩnh lặng và tuệ giác phát sinh, người ta đạt được sự chứng ngộ hoàn toàn. Trong Luận thuyết về Tịnh Độ, ngài Thế Thân tuyên bố Đức Tin vào Phật A Di Đà và dạy quán chiếu năm cánh cửa như một phương pháp thực tế để người ta có thể vào được Tây Phương Cực Lạc. Năm cửa, hay Ngũ Môn là: Tôn thờ Phật A Di Đà; tán thán Phật A Di Đà; ước nguyện được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc; quán tưởng công đức trang nghiêm cõi Tịnh Độ; nguyện cho tất cả chúng sanh cũng được vãng sanh Cực Lạc.

“Trong sự thực hành này, nguyện vọng vãng sanh tương ứng với sự tập trung, và sự quán tưởng về cõi Tịnh Độ tương ứng với sự sáng suốt. Khi một người tập trung tâm trí vào tái sanh mà không bị phân tâm, người đó sẽ đi vào trạng thái định, và trí tuệ tự nhiên phát sinh để có thể quán sát cõi Tịnh độ. Thế Thân đã suy luận từ Kinh Vô Lượng Thọ, những mô tả về cõi Tịnh Độ, Đức Phật A Di Đà, và các vị Bồ tát, và sắp xếp chúng thành hai-mươi chín khía cạnh, bao gồm chẳng hạn, ‘nước, đất và không gian hoàn thiện,’ ‘thân của Phật A Di Đà hoàn thiện,’ và ‘đến khắp mọi nơi mà không di chuyển hoàn thiện.’ Những khía cạnh này là tiêu biểu cho nguyện vọng của Phật A Di Đà là tạo ra một cõi Tịnh Độ cho tất cả chúng sanh; khi đó, chúng là hiện thân của ý thức vô nhiễm, và, với tư cách là đối tượng hành trì, cho phép hành giả nhận ra bản thể thực sự của chính mình trong Tâm Nguyện của Phật A Di Đà.

“Do đó, việc quán tưởng về Tịnh Độ, tự thân là việc thực hành quán chiếu, tất yếu không chỉ bao gồm sự cứu rỗi bản thân, mà còn gồm cả việc cứu rỗi người khác. Điều này được thể hiện bằng Cửa Thứ Năm của Chuyển Công Đức. Thực hiện ‘tự lợi-lợi tha’, trí tuệ và lòng từ bi, là đạt được sự giác ngộ tối thượng và hoàn toàn. Do đó, chúng ta thấy trong công thức của Thế Thân, những phác thảo về con đường Dị Hành của Bồ tát. Tuy nhiên, trong việc xác định rõ ràng một phương pháp thực hành cho Tịnh Độ, mặc dù nó không phải là sự thích nghi với ‘phàm phu’, Thế Thân đã đặt nền tảng cho những phát triển sau này củapháp môn Niệm Phật.”

Nhưng sự khích lệ lớn nhất cho tôi trong việc kết hợp sự thực hành Tịnh Độ “Tha Lực” với hành thiền “Tự Lực” là khám phá ra rằng một truyền thống kết hợp Thiền với Tịnh đã có sẵn ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ và đã được đưa vào Hoa Kỳ ở một mức độ nào đó. Đáng tiếc là hai thiền sư Việt Nam nổi tiếng nhất, Hòa Thượng Thích Thiên Ân và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, không nói nhiều về sự kết hợp này trong các tác phẩm đã xuất bản của họ. Nhưng Trung tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế (IBMC) tại Los Angeles do ngài Thích Thiên Ân sáng lập có hai trang mạng thảo luận về sự kết hợp Tịnh Độ với Thiền: “Sự Hòa Giải của Thiền và Phật Giáo Tịnh Độ” của Ni Trưởng Karuna Dharma và “Kinh Nghiệm Của Tôi Với Phật A Di Đà“ của Thượng Tọa Tri Ratna Priya Karuna. (Thật không may, hình như không có liên kết nào đến các trang này, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ trang chủ của IBMC. Tôi tìm thấy bài thông qua tìm kiếm trên mạng.)

Rev. Tri Ratna Priya Karuna (IBMC)

Thật phấn khởi khi thấy trang “Kinh Nghiệm Của Tôi Với Phật A Di Đà“ của Thượng Tọa Tri Ratna Priya Karuna có đoạn mô tả về kỹ thuật thiền thứ hai tôi nhận được mà không có sự tác động bên ngoài nào khác ngoài những gì đến từ chính Đức Phật A Di Đà. Đây là trích đoạn có liên quan:

“Vậy Phật A Di Đà có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của tôi? Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu không có ảnh hưởng và nguồn cảm hứng của Phật A Di Đà, tôi sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay. Tôi chấp nhận học thuyết về Vô Ngã hay không có linh hồn vĩnh cửu và nhận ra rằng khi không có bản chất của riêng mình, tôi hoạt động như một đường dẫn mà Phật A Di Đà có thể dùng để chuyển năng lượng chữa lành, nâng cao, nuôi dưỡng của Ngài đến tất cả các chúng sanh khác. Nếu có bất cứ công đức nào trong công việc của tôi, thì đó là vì Đức Phật A Di Đà đang thể hiện Ngài thông qua tôi.

“Tuy nhiên, hầu như tất cả quá trình tu hành của tôi đều đã diễn ra tại I.B.M.C. [Trung Tâm Thiền Học Phật Giáo Quốc Tế ở Los Angeles], nơi được xem là một ngôi chùa Thiền Tông. Do đó, ngoài đức tin của tôi ở Đức Phật A Di Đà, tôi tin rằng mọi tín đồ Phật giáo chân thành đều nên thực hành thiền định nếu họ được trang bị tinh thần để làm như vậy. Đường dẫn của tôi mà Đức Phật A Di Đà chảy qua đã bị ngăn cản một phần, và dòng chảy ân sủng của Phật A Di Đà bị cản trở bởi bùn lầy ô nhiễm tích tụ mà tôi đã để cho sự vô minh, tức giận và ảo tưởng xâm nhập vào ý thức của mình. Tôi không biết cách nào tốt hơn để chùi sạch, thanh lọc và khai thông đường dẫn của mình hơn là thực hành thiền định hàng ngày.

“Liệu có thể vừa là một Phật tử Thiền Tông vừa là một Phật tử Tịnh Độ cùng một lúc không? Để trả lời câu hỏi này, tôi tham khảo cuốn sách đầy cảm hứng ‘Zen Philosophy, Zen Practice’ [Triết Lý Thiền, Thực Hành Thiền] của Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Thiên Ân, người sáng lập Trung Tâm đáng kính của chúng ta. Hòa Thượng nói rằng một số học giả lỗi lạc cổ võ cho sự phát triển độc quyền của ‘tự lực’ theo phong cách Thiền Tông không hề xem xét đến việc dựa vào ‘tha lực,’ nghĩa là họ chỉ dựa vào vị thiền sư dạy họ cách ngồi, rèn luyện tâm trí, suy nghĩ với công án và thực hành tọa thiền. Tiến Sĩ Thiên Ân đặt câu hỏi, ‘Nếu không có sự thúc đẩy liên tục của thiền sư, thì có bao nhiêu người đạt được giác ngộ?’

“Câu hỏi này đưa đến một kết luận không thể tránh khỏi là nếu một thiền sư chỉ chứng ngộ được một lượng trí tuệ và lòng từ bi giới hạn mà còn có thể hỗ trợ lớn lao như vậy cho các đệ tử của mình trong hành trình đạt giác ngộ, thì Đức Phật A Di Đà, người đã đạt đến trạng thái trí tuệ hoàn hảo và lòng từ bi vô hạn, chắc chắn có thể giúp họ nhiều hơn thế nữa.

“Hòa Thượng Thiên Ân khẳng định một cách dứt khoát rằng niềm tin vào ‘tha lực’ của Đức Phật A Di Đà giúp chúng ta phát triển ‘tự lực’ của mình. Trên thực tế, Hòa Thượng khuyến khích một phương pháp thực hành kết hợp sự phát triển của ‘tự lực’ theo phong cách Thiền với sự tin tưởng vào ‘tha lực’ của Đức Phật A Di Đà. Nói cách khác, thiền sinh nên kết hợp việc hành thiền với việc tụng niệm ‘Nam Mô A Di Đà Phật.’ Thiền sinh và Đức Phật trở nên hiệp nhất với nhau trong một sự hợp nhất huyền bí. Không còn sự phân biệt nào giữa Thiền và Tịnh Độ, tự lực hay tha lực, trí tuệ hay lòng từ bi, vì mọi thứ đã chuyển hóa thành ánh sáng của Vô Lượng Quang. Luân Hồi trở thành Niết Bàn. Tất cả sự an lạc và thanh tịnh của Tây Phương Cực Lạc đều được nhận ra trong hiện tại và trong lúc này của cuộc sống hàng ngày. Ở đây hai pháp môn Thiền và Tịnh Độ gặp nhau tại một điểm chung mà cả hai đều phát ra, Tâm Nhất Thể của Đức Phật, đó là Bản Chất Tâm thực sự và vĩnh cửu của chúng ta.”

Ni Trưởng Karuna Dharma-Thích Nữ Ân Từ (1940-2014) đã giúp Hòa Thượng Thích Thiên Ân lập Chùa Việt Nam, Los Angeles và Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế, IBMC năm 1969, thọ giới Tỳ Kheo Ni theo nghi thức Phật Giáo Việt Nam với Hòa Thượng năm 1976. (Photo: UrbanDharma / IBMC)

Sau đây là vài trích đoạn có liên quan nhất từ bài “Sự Hòa Giải của Thiền và Phật Giáo Tịnh Độ” của Ni Trưởng Karuna Dharma (TN Ân Từ):

“Trước tiên, tôi xin nhắc sơ qua một chút về lịch sử Phật Giáo tại Việt Nam. Đạo Phật đến Việt Nam từ Ấn Độ bằng đường biển vào thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, trong thời Vua Asoka (A Dục Vương), vị hoàng đế Phật Giáo vĩ đại nhất. Lẽ đương nhiên họ mang đến Phật Giáo Hinayana mà nay gọi là Phật Giáo Theravada (Nguyên Thủy). Hai trăm năm sau một cộng đồng Trung Hoa đã được thành lập. Một người Trung Hoa cải đạo viết và mô tả các nhà sư mặc áo cà sa, cạo đầu và chỉ ăn một bữa một ngày, rõ ràng là các sư Nguyên Thủy đã phục vụ cộng đồng của họ.

“Như quý vị đã biết, ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ đến Trung Hoa năm 520 và giới thiệu Thiền Tông với họ. Đến phần sau của thế kỷ thứ sáu (năm 580), một nhà sư từ Ấn Độ mang Thiền Tông đến Việt Nam. Tên của ngài là Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi). Hai trăm năm sau một nhà sư Trung Hoa đến Việt Nam để thực hành Bồ Tát nguyện cứu độ hết các chúng sanh. Trường phái của ngài gọi là Vô Ngôn Thông. Thiền phái thứ ba đến Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 11 và mang tên của người sáng lập là Thảo Đường. Trường phái này kết hợp Thiền với Tịnh Độ.

“Đến thế kỷ 17, Thiền Lâm Tế đến Việt Nam mang tên của tổ sáng lập là Lâm Tế, được biết nhiều hơn qua tên Nhật là Rinzai. Dòng tu này được tổ Liễu Quán người Việt phổ biến, trở thành trường phái quan trọng nhất tại Miền Trung Việt Nam, và tất cả các sư được truyền giới tại ngôi chùa này đều thuộc dòng Liễu Quán. Giờ đây dòng dõi này không nhất thiết cho thấy các thầy tu pháp môn gì. Chẳng hạn, pháp môn của Hòa Thượng Thích Tâm Thiện (Kusala) có rất nhiều yếu tố của Phật Giáo Nguyên Thủy. Hòa Thượng Thích Tâm An (Ruja) hoàn toàn theo Nguyên Thủy. Hòa Thượng Thích Tâm Tuệ (Tri Ratna Priya) tu hành nhiều hơn theo truyền thống Thiền -Tịnh. Có lẽ những đệ tử duy nhất ở đây thực hành chủ yếu theo hình thức Liễu Quán là tôi, Thích Tâm Trí (Vajra), và Huynh Jnana (Lynn). Pháp môn hỗn hợp là điển hình của Phật Giáo Việt Nam, nơi các nhà sư thuộc các truyền thống khác nhau cùng tu hành trong cùng một chùa: Nguyên Thủy, Tịnh Độ, và Thiền tông, với một chút Mật Tông pha trộn cho đủ bộ. Tôi tin rằng điều này cũng phổ biến ở Trung Quốc và Đại Hàn.

“Dù gì chăng nữa, dòng dõi của ngôi chùa này là Liễu Quán, một truyền thống hoàn toàn theo Thiền Tông, bắt nguồn trực tiếp từ Lâm Tế của Trung Hoa. Tông này được phổ biến bởi các nhà sư cảm thấy rằng Thiền Tông đã bị Tịnh Độ làm cho ô nhiễm quá mức; họ muốn qua trở lại với Thiền Tông thuần túy.”

“Thế nên bạn thấy ngôi chùa này được lập nên bởi một người xác định mình sư Thiền. Thực vậy, tôi đã không biết gì về Tịnh Độ cho đến khi người tỵ nạn Việt Nam đến đây. Hòa Thượng Thiên Ân hiểu người Mỹ, dạy Thiền thuần túy cho chúng tôi, và đó là điểm khởi sự của ngài. Đối với người Việt Nam, điểm khởi sự của ngài là Phật A Di Đà và tư tưởng Tịnh Độ. Làm sao có những thái độ khác biệt như vậy ở một người và được dạy bởi người này?

“Vì Thiền là một phương pháp luận hơn là một hệ thống tư tưởng, mặc dù nó chắc chắn có một hệ thống tư tưởng, nhưng sức mạnh tự lực của Thiền Tông chứa đựng tha lực của Tịnh Độ. Một khi có tự lực, bạn phải có tha lực. Rốt cuộc, Niệm Danh Hiệu Phật được dùng như một các thực tập sự tập trung. Đây là điểm khác biệt giữa Tịnh Độ của Trung Hoa/Việt Nam và Tịnh Độ Nhật. Người theo Tịnh Độ Việt Nam cũng thiền hành bất cứ khi nào họ có thời gian, trong khi Tịnh Tông Nhật nói rằng thiền hành chỉ là một thủ thuật tâm lý, nơi bạn nghĩ rằng bạn có khả năng tự cứu độ. Họ nói rằng chúng ta phải từ bỏ thiền định và mọi ý nghĩ tự cứu mình, và chỉ dựa vào Đức Phật A Di Đà để cứu chúng ta. Sự tu hành của họ là nhận ra chính xác họ là ai và họ là gì, mà không có hình thức màu hồng nào được đặt cho sự giác ngộ của họ.

“Nếu việc thực hành của bạn là để loại bỏ mọi thứ trong tâm trí, thì việc bạn áp dụng công án, tọa thiền, hay tái tạo Đức Phật trong tâm trí bạn có quan trọng không? Tất cả các kỹ thuật này đều có hiệu quả nếu chúng được siêng năng tu tập và đưa người thiền đến cùng một điểm, đến sự chứng ngộ (điều mà các hành giả Nguyên Thủy ca ngợi rất nhiều.)

“Khi bắt đầu tu tập Tịnh Độ, bạn nghĩ Phật và Tịnh Độ của Ngài là tách rời khỏi bạn. Nhưng khi tu hành lâu hơn, dần dần bạn mới nhận ra mình và Phật A Di Đà là một như nhau. Bạn có thể chứng ngộ Tịnh Độ ngay tại đây và trong lúc này.”

(Photo: Rama/ Wikimedia Commons and Mutefekkirane/ Pexels)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *