‘Ăn Tết’ thời thơ ấu

*Đọc 42 phút*

Bài TRẦN VĂN MÃNH
(Đã đăng trên trang Blog TrungHocHaTienXua tháng Giêng và tháng Hai, 2021, nay được tác giả gởi cho Tinh Tấn Magazine)

Chuẩn bị ‘ăn Tết’

Thầy cô và các bạn thân mến, chỉ còn không đầy hai tuần nữa là đến ngày Tết Việt Nam của mình rồi…Giờ đây, xa quê hương Hà Tiên vạn dặm, đã không còn hương vị hay cái nôn nao ngóng chờ ba ngày Tết như những năm xa xưa nữa. Nếu còn trong ký ức những gì của ngày Tết ở quê nhà năm xưa, thì mình chỉ còn tưởng nhớ, suy nghĩ và thấm thía cho sự “ăn Tết” ở xứ xa… Thật vậy, nếu nghĩ chín chắn lại, thế hệ của mình, tức thế hệ của những người được sinh ra trong những năm 40, 50 hay 60 là thế hệ được sống trọn vẹn nhất cho cái thú “ăn Tết” ở quê hương… Mình đang bị hay đúng hơn là được nguồn suy tưởng về những hình ảnh “ăn Tết” năm xưa tràn về đầy trong ký ức và để không bị tắc nghẽn đi dòng suy tưởng nầy, mình phải viết ra, biến những tư tưởng, nỗi nhớ hay hình ảnh trong đầu óc thành những dòng chữ, thành bài viết để thỏa đi sự hồi tưởng nầy…

Bây giờ nhớ đến đâu sẽ viết đến đó, có thể không theo trình tự thời gian hợp lý được nhé thầy cô và các bạn… Hiện giờ trong đầu óc mình chứa quá nhiều ý tưởng, hình ảnh và kỷ niệm những năm xưa “ăn Tết”… Phải viết ra để giải tỏa dòng tư tưởng nầy và phải viết nhanh lên để không bị mất đi những gì đang đến với đầu óc.

Sự nôn nóng được “ăn Tết” bắt đầu khi tờ lịch bước vào tháng chạp, tức tháng 12 âm lịch trong năm. Trong thời gian nầy có rất nhiều dấu hiệu cho ta thấy Tết sắp đến. Mình không nhớ những năm xưa báo chí hay tạp chí ra số đặc biệt gọi là Báo Xuân là vào thời điểm nào trong tháng chạp, nhưng cứ bắt đầu chờ Tết đến là lần lượt các tờ báo hằng ngày, nhất là những tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san lại đua nhau phát hành báo xuân: Tia Sáng, Tiếng Chuông, Thần Chung, Sóng Thần, Tin Điển, Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phổ Thông, Thời Nay, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Chọn Lọc, hay những tạp chí cho trẻ con như tụi mình thường thích đọc như là những tờ: Cờ Lau, Măng Non, Thằng Bờm, Tuổi Hoa,…Tất cả các loại báo nầy đều có ra số báo Xuân.

Mỗi ngày tụi con nít nhỏ như mình thường đi rảo xem các sạp báo ngoài chợ để đón xem có báo Xuân của tạp chí mình thích về chưa. Thường thường ở Hà Tiên, giờ có báo mới ra là giờ các chuyến xe đò Lộc Thành (hay Liên Trung) từ Sài Gòn chạy về tới Hà Tiên, khoảng 2 hoặc 3 giờ trưa. Mấy ông chủ tiệm sạp báo ra bến xe để đón lấy các kiện hàng báo mới và chạy ngay về tiệm sạp của mình để bắt đầu kiểm, đếm báo, sắp xếp trên quầy báo, đó là lúc tụi trẻ con như mình đứng lóng ngóng để chờ xem có báo Xuân ra hay chưa. Thường thì các bạn cùng lớp thông tin nhau về sự xuất bản của các báo Xuân, vì các báo không ra cùng một ngày nhất định, hôm nay thì báo nầy phát hành số Xuân, ngày kia thì báo nọ, cứ lai rai xuất bản số đặc biệt như vậy làm cho độc giả và tụi trẻ con như mình cứ đón chờ ngày nầy qua ngày nọ.

Dĩ nhiên là tụi con nít như mình thì đâu có đủ tiền để mua nhiều tờ báo Xuân như vậy, cũng may là nhà mình có ông ngoại xem nhật báo hằng ngày nên khi có báo Xuân của nhật báo ông ngoại xem thì ông ngoại kêu tụi mình ra sạp mua về cho ông xem và sau đó là tụi mình cũng được xem luôn…Còn lại những tờ báo Xuân mà không thể mua hết được thì cũng có khi chủ sạp cho con nít xem ké tại chỗ, hay chỉ đứng nhìn các tờ báo Xuân được treo đầy với các tờ tranh ảnh phụ bản biếu tặng phía trên vách của sạp báo, nhìn mà thấy rất hấp dẫn và thèm xem lắm.

Vào thời đó Hà Tiên có hai tiệm sạp báo, thứ nhất là của bác Minh Xuân (ba của người bạn học cùng lớp với mình ở Trung Học). Tiệm báo của bác nằm ở dãy tiệm sát mé sông Giang Thành, ở giữa cầu Bắc và chợ cá Hà Tiên. Tiệm sạp báo thứ nhì ở trong nhà lồng chợ Hà Tiên, phía bên mặt đường Tham Tướng Sanh, hơi đối diện với tiệm trồng răng Phục Hưng ba má của bạn Tường, sạp báo nầy có một anh hơi cao lớn tên là Chương, hằng ngày anh Chương thường chạy chiếc xe đạp đòn dông đi phát báo tận nhà.

Dấu hiệu khác cho thấy là Tết sắp đến là sự trở về quê để chuẩn bị ăn Tết của các bạn học Hà Tiên đi lên Sài Gòn hay các tỉnh lớn để theo học. Thật vậy, có một số bạn học đến một mức độ nào đó, thường do điều kiện gia đình cho phép nên rời trường Hà Tiên qua bên Rạch Giá hay các tỉnh khác để tiếp tục theo học. Ngoài ra cũng có nhiều bạn khi học xong hết tất cả các lớp ở Trung Học Hà Tiên, tức là lớp đệ nhị, thi tú tài đậu xong thì phải lên Sài Gòn hay sang Rạch Giá học tiếp lớp đệ nhất, vì lúc đó trường Hà Tiên đã hết lớp. Tuy rời Hà Tiên nhưng vẫn là người quê quán Hà Tiên nên cứ mỗi năm vào dịp gần Tết thì các bạn nầy lại trở về nhà để ăn Tết. các bạn nầy không hẹn nhau về cùng một lúc nên có hôm bạn nầy về, vài hôm sau lại hay tin bạn khác về… Những người còn ở lại Hà Tiên theo học như nhóm tụi mình thì rất thích ngóng chờ các bạn đó về nhà để thăm hỏi và họp mặt lại sau thời gian dài xa nhau.

Mình còn nhớ có một hôm đi ngang qua tiệm bác Quách Ngọc Bá ở phía đường Trần Hầu, gặp anh Lý Cảnh Tiên vừa mới ở Sài Gòn về nhà chờ ăn Tết, vì anh Lý Cảnh Tiên rời trường Trung Học Hà Tiên vào năm 1966 để lên Sài Gòn học tiếp theo năm đó, mình đi ngang tiệm thì thấy anh Tiên đang vén áo chỉ cho bạn Quách Ngọc Sơn cái quần tây anh đang mặc có đáy rất ngắn, đó là mode quần tây ở ngay thời điểm đó và ở Hà Tiên chưa có người nào cập nhật cái mode nầy vì Hà Tiên chỉ là quận lẻ xa xôi. Sau đó một thời gian thì giới trẻ nam sinh Trung Học Hà Tiên cũng theo mode quần tây đáy ngắn đó, đáy quần tây như vậy rất ngắn, chỉ dài khoảng một tấc trở lại, làm cho lưng quần chưa cao hơn cái rốn của người mặc, vì là mode nên ai cũng thấy như vậy là đẹp và phải theo thời như vậy. (Sau đó vài năm thì cái mode lại đảo ngược lại, giới trẻ bắt đầu mặc quần tây có đáy rất cao, cao đến tuốt lên phía trên lưng, khi mặc áo bỏ trong quần thấy rỏ cái lưng quần với sợi dây nịt cao lên trên lưng và cũng là vì theo mode nên ai cũng thấy như vậy là đẹp nên ai nấy cũng đặt may quần với đáy cao như vậy.) Hồi thời đó được đi Sài Gòn hay các tỉnh lớn để học và khi trở về Hà Tiên ăn Tết thì rất oai, các bạn đó thường tỏ ra có hơi khác một chút so với tụi còn ở quê nhà quận lẻ như tụi mình, trong cách ăn mặc hằng ngày các bạn đó cũng có vẻ chỉnh tề và trang trọng hơn, đúng là đã trở thành dân thủ đô!

Dấu hiệu khác cho thấy Tết là trong tháng 12 nầy, chợ búa ở Hà Tiên rất đông đúc và người đi mua sắm tấp nập. Ngày xưa chợ Hà Tiên có hai con đường lớn bọc quanh, đó là con đường Tham Tướng Sanh (nơi mà trên mặt đường là nơi họp chợ rau hành, trái cây, tạp hóa, thực phẩm, và con đường song song đối diện là đường Tuần Phủ Đạt, nơi mặt đường cũng là nơi buôn bán đủ loại bánh trái, thức ăn sáng như bánh tầm bì, chè đậu trắng, chè hột me, xôi vị, hũ tiếu hấp, cháo đậu, v.v.. Khi gần Tết đến thì hai con đường nầy đầy ấp người đi mua sắm, nhất là có rất nhiều người Việt gốc Khmer, những người đàn bà thường chạy chiếc xe đạp có treo hai cái giỏ to lớn phía sau xe, đó là nơi chất đầy hàng hóa đã mua ở chợ Hà Tiên và chờ chút nửa khi tan chợ sẽ chạy về phía biên giới Thạch Động, nơi những người dân nầy sinh sống. Trong những căn phố chung quanh chợ và ngay ở trong nhà lồng chợ thì thường có nhiều quý bà quý cô đi mua vải vóc để đặt may quần áo mới để mặc trong dịp Tết.

Các tiệm may quần áo, y phục phụ nữ thì lúc đó đắt hàng đặt may, nếu không lo chuẩn bị đặt sớm thì sẽ không được nhận hàng may. Người Việt Nam mình có thói quen là chỉ thích mặc quần áo đặt may theo kích thước đo riêng mỗi người chứ không có mua quần áo may sẵn như kiểu ở nước ngoài bây giờ. Mình cũng còn nhớ là trong những dịp gần Tết như vậy nhà mình cũng có mua vải cho mấy anh em mình và nhờ hia Tư Lý Văn Nhiên (tức là người anh rể, chồng của chế Thìn Lê Thị Phượng), may quần áo mới cho mấy anh em mình, vì lúc đó hia Tư và chế Thìn có mở tiệm may ở ngay trong một căn nhà bìa của ngôi nhà chung của ông bà ngoại mình ở. Mỗi lần chờ đợi quần áo do hia Tư may như vậy mình rất nôn nao, có khi ngủ cũng không được, chỉ mong cho hia Tư may đúng theo ý của mình dặn, đúng theo cách thức, đúng theo mode của giới trẻ thời đó.

Đó là những việc cho thấy là Tết đã sắp đến và là những dấu hiệu ở bên ngoài. Bây giờ xin nói tiếp đến những dấu hiệu trong chính nhà mình. Nhà có bà ngoại, má mình (mà mình và mấy anh em đều gọi là vú) và bốn anh em. Mỗi năm khi gần đến Tết thì có một số công việc phải làm không thể bỏ qua được, đó là việc “chùi lư,” tức là đánh bóng cho chiếu sáng những bộ lư đồng đặt trên nhiều bàn thờ trên gác nhà mình, việc thứ hai là “quét nóc nhà,” tức là quét dọn nhà cửa nhất là quét cho sạch những mạng nhện giăng đầy dưới mái ngói phía trong nhà và trên các vách nhà.

Dĩ nhiên là theo hợp lý thì phải quét mạng nhện trước cho nhà cửa sạch sẽ rồi sau đó mới đến việc chùi lư. Nói về việc quét mạng nhện, việc nầy quả thật là một công việc rất khó chịu, không lý thú chút nào cả, mình còn nhớ là ngày hôm đó, sau khi có “lệnh trên” của bà ngoại quyết định đã chọn ngày đó để tiến hành việc quét mạng nhện thì sáng sớm, mọi người trong nhà thức sớm, lấy các tờ báo nhật trình trải lớn ra che phủ hết bàn ghế, tủ giường, đồ đạc trong nhà để không bị dính mạng nhện và bụi dơ rớt xuống. Còn bà ngoại và vú thì mỗi người đều có một cái khăn “choàng tắm” quấn kín trên đầu tóc để không bị mạng nhện rơi trúng đầu tóc, mấy đứa nhỏ như mấy anh em mình thì cũng chạy tới chạy lui tiếp công việc nầy, tuy nhiên theo mình còn nhớ thì cũng không có làm việc gì đáng kể, chỉ có vú và bà ngoại là làm rất đắc lực, vú và ngoại thì cầm mỗi người một cây chổi ngắn, cột vào một cây sào bằng tre dài để có thể quét đụng tới nóc nhà để quét dọn. Công việc rất khó nhọc, làm như vậy gần hơn nửa ngày thì xong, sau đó phải quét dọn phía dưới nhà, trên bàn, trên ghế, dưới đất, dọn dẹp sạch tất cả những mạng nhện đen đúa rơi từ trên nóc nhà xuống cho sạch sẽ, mọi việc làm xong cũng hết một ngày, nghĩ lại chỉ có vú và bà ngoại là rất chịu khó và phải làm công việc rất nặng nhọc và mệt mỏi như vậy, tụi trẻ con như mình chỉ giúp chút đỉnh mà thôi, không đáng kể.

Sau khi nhà cửa được quét dọn sạch sẽ như vậy thì cũng có thêm một công việc tuy không nhất thiết phải làm mỗi năm, đó là việc dán vách nhà với những tờ giấy báo hay tranh ảnh cho nhà mới mẻ thêm, thường thì mình lấy giấy báo mở ra hai trang lớn và dán lên vách cho vách được mới và sáng sủa, có thêm vài tranh ảnh thường là các phụ bản tranh ảnh của các tờ báo Xuân gởi tặng theo báo, đó là hình vẽ của các họa sĩ nổi tiếng thời đó như là họa sĩ Lê Trung, Lê Minh. Các hình vẽ nầy thường là hình một người thiếu nữ nhà quê, mặc áo bà ba, tay ôm một giỏ bông súng, đầu đội nón lá, tuy là thiếu nữ nhà quê nhưng cô người mẫu nầy của họa sĩ Lê Trung rất là đẹp, có bầu ngực no tròn và cái eo mặc áo bà ba nhỏ xíu và gương mặt thì rất xinh đẹp. Các tranh mẫu khác thường là hình vẽ Vịnh Hạ Long, Hòn Phụ Tử, Đế Thiên Đế Thích. Trên vách nhà mình thường được dán những hình ảnh như vậy, mỗi ngày đi ra đi vô trông ngắm cũng rất vui mắt.

Công việc thứ hai ở nhà mình bắt buộc phải làm mỗi năm trước khi chuẩn bị ăn Tết là “chùi lư,” tức là đánh bóng các bộ lư đồng trưng bày trên các bàn thờ ở nhà mình. Ở nhà mình có một cái gác lớn, trên đó là để đặt các bàn thờ ông bà, bàn thờ năm Ông, bàn thờ Bà Mẹ Sanh,…Mỗi bàn thờ ông bà đều có một bộ lư bằng đồng, toàn bộ trong nhà mình có cũng khoảng ba hoặc bốn bộ lư hương đồng như vậy, kể cả lớn và nhỏ. Sau khi nhà được quét dọn dán nhện ở nóc nhà và trên vách nhà xong cả thì đến việc chùi lư, việc nầy cũng do bà ngoại chọn ngày nào đó thuận tiện để cả nhà tụ lại làm. Nếu vụ quét dán nhện sắp nhỏ như mấy anh em mình ít hoạt động vào thì đến việc chùi lư nầy thì mấy anh em mình tham gia vào rất hăng hái và rất hiệu lực.

Trước hết phải lên gác đem hết tất cả các bộ lư xuống nhà dưới. Giai đoạn đầu là áp dụng một chất thuốc gì đó mình quên loại gì rồi, đó là loại thuốc để lúc sau đó đánh bóng bằng vải lại thì bộ lư đồng sẽ sáng bóng. Nhớ có năm nhà không dùng thuốc nầy mà nấu me chín (loại me dốt) để lấy ra tinh chất của me và dùng làm thuốc đánh bóng lư, có lẽ là lợi dụng tính chất acide chiết ra trong trái me chín. Cả nhà quây quần ở nhà sau, có năm làm việc trên bộ váng nhà sau, có năm trải tấm đệm lớn ở nhà sau và cùng nhau chùi lư. Trước hết như mình đã kể, áp dụng hóa chất vào hết tất cả bề mặt của các bộ phận của bộ lư. Thông thường thì bộ lư chánh ở bàn thờ bà Cố thì có bộ phận ở giữa là có con sư tử phía trên, rồi phần cái bệ phía dưới, còn hai bên bộ lư là hai chân đèn cầy, mỗi chân đèn gồm có một đỉa to ở giữa và một phần bệ chân, có thêm hai khúc tròn ở giữa có dạng như thanh hình trụ, các bộ phận của chân đèn cầy nầy đều có thể tháo rời ra để chùi và đánh bóng.

Mình rất thích chùi và đánh bóng các loại chân đèn nầy vì nó có dạng hình trụ xoay tròn nên rất dễ đánh bóng, chỉ cần dùng hai bàn chân kềm chặc và dùng một miếng vải lòn vào cái thanh tròn nầy và kéo tới kéo lui cho mạnh và nhiều lần thì đồng sẽ bóng ngời lên ngay. Tuy nhiên giai đoạn đầu là sau khi đã áp dụng thuốc đánh bóng vào kim loại đồng rồi thì phải đem tất cả ra phơi nắng một thời gian, khoảng nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ, sau đó đem vào và bắt đầu dùng vải để đánh bóng, đó là giai đoạn cuối trong việc chùi lư, tới giai đoạn nầy thì rất vui và thú vị vì khi làm việc mình đã thấy kết quả từ từ hiện ra..Sau khi công việc xong xuôi cả thì phải lấp ráp lại các bộ phận của chân đèn, và đêm tất cả các bộ lư lên trên gác bố trí lại trên các bàn thờ…

Bộ lư hương đồng loại lớn và chánh ngày xưa đặt trên bàn thờ trên gác nhà mình ở Hà Tiên. Bộ lư nầy là dành cho bàn thờ của bà Cố tức là má của ông ngoại mình. Phần lư ở giữa là phần có hình sư tử phía trên và cái bệ ở giữa có bốn chân, phần nầy rất khó chùi và khó đánh bóng vì bề mặt kim loại có nhiều chỗ lồi lõm. Còn hai chân đèn phía hai bên thì dễ chùi và dễ đánh bóng vì có hình trụ xoay tròn. Hồi xưa bộ lư nầy đặt trên bàn thờ bà Cố trên gác nhà, nay chuyển xuống nhà em mình là Trần Văn Phi ở Kiên Lương.
Đây là một phần vách nhà xưa của mình ở Hà Tiên, vách bằng gỗ xưa và có chạm trổ hoa văn rất khéo theo kiểu nhà xưa ở bên Trung Hoa. Những miếng vách nầy ngày nay không còn nữa. Khi quét mạng nhện thì phải dùng chổi có cán dài để quét tới chiều cao các tấm vách nầy.

Trước và sau Tết vài ngày

Sau mấy vụ quét nóc nhà và chùi lư xong rồi thì cũng gần tới ngày 23 tháng chạp, là ngày mọi nhà đều cúng đưa Ông Táo về Trời. Nói đến việc đưa Ông Táo thì nhớ lại ngày xưa, khi đọc báo Xuân mình rất thích đọc mục “Lá sớ của Ông Táo.” Lúc còn trẻ con, ai cũng được ông bà cha mẹ kể cho nghe chuyện Ông Táo về Trời. Trong nhà nào cũng có bàn thờ Ông Táo, thường là đặt ở nhà sau, gần căn bếp. Ông bà thường kể là Ông Táo cùng ở trong nhà với chúng ta suốt năm, mỗi ngày ông đều quan sát xem xét mọi việc trong nhà, ai làm điều gì phải, quấy ông đều ghi chép cả, vì nhiều việc phải ghi chép trong suốt một năm nên tờ giấy của ông ghi trở nên quá dài, dài đến nổi thành một tờ gọi là “Sớ.” Ông ghi như vậy để đến ngày 23 tháng chạp ông sẽ bay lên Trời trình lại mọi việc cho Ngọc Hoàng Thượng Đế để ông Trời chiếu theo sự việc mà sẽ thưởng phạt các người trong nhà. Hồi nhỏ nghe kể như vậy mình cũng sợ lắm và luôn cố gắng làm việc đàng hoàng trong nhà, không dám nói hỗn với bà ngoại và vú, không dám nói gạt hay dối trá. Để có chút đỉnh quà cáp gọi là “đi cửa sau” với Ông Táo để ông trình tấu nhẹ nhẹ cho các tội của người trong nhà, người ta thường nấu chè cúng trong ngày 23 tháng Chạp để tiễn đưa Ông Táo lên Trời, thế mới có tục nấu chè chè ỷ và xôi nước (cái nầy là mình đoán ra như vậy chứ không phải là chuyện tục lệ nấu chè cúng Ông Táo nhé). Nhà mình năm nào cũng có nấu chè vì bà ngoại rất khéo trong việc làm bánh. Bà ngoại biết làm nhiều thứ bánh, mỗi lần trong nhà có làm bánh là do bà ngoại đứng ra điều khiển mọi giai đoạn. Mình còn nhớ bà ngoại nấu chè ỷ, chè xôi nước, làm bánh bông lan, làm bánh gai, nhiều thứ bánh lắm.

Lúc gần tới ngày đưa Ông Táo về Trời, người ta thường nói là đã đến tiết Đông Chí. Theo lịch Trung Quốc cổ xưa, một năm như vậy có 24 tiết khí trời, trước tiết Đông Chí là tiết Đại Tuyết và sau tiết Đông Chí là tiết Tiểu Hàn. Tiết Đông Chí bắt đầu khoảng 21, 22 tháng chạp và chấm dứt khoảng mùng 5, 6 tháng giêng năm sau. Gần tới ngày nầy, mấy đưa nhỏ như tụi mình thường nhốn nháo nói với nhau là gần tới ngày vò ỷ rồi.

Hồi nhỏ mấy anh em mình rất thích và nôn nao đợi đến ngày vò ỷ. Trước đó một hai ngày, bà ngoại và vú lo chế tạo ra bột gạo nếp. Nhà mình có một báu vật được truyền đi rất lâu đời, có lẽ là của bà Cố để lại, đó là cái cối xây bột bằng đá, rất lớn và rất nặng. Bộ cối xây bột nầy gồm hai phần, một phần ở dưới, hình tròn, có rảnh chung quanh và có một chỗ cho nước bột thoát ra chảy vào một cái thau lớn để hứng vào, phần trên thì cũng hình tròn rất nặng, ở giữa có khoét một lỗ đi sâu xuống dưới đáy để mình cho gạo nếp từ từ vào gọi là cho cối “ăn.”

Phía bên bìa phần trên nầy có một lỗ sâu để cắm một thanh gỗ tròn chắc chắn để người ta cầm vào thanh gỗ đó mà xây cối..Lúc xây bột thường là buổi tối vì trước đó phải ngâm gạo nếp một thời gian. Buổi tối đó bà ngoại thường ngồi cho cối “ăn” còn vú và mấy anh em mình thì thay phiên nhau xây cối vì việc cầm thanh gỗ nầy xây cối rất là mỏi tay. Bà ngoại cho cối “ăn” rất khéo tay, mình cứ tiếp tục xây cối không gián đoạn và bà ngoại chờ lúc cánh tay mình vừa đi qua thì cho một muổng gạo nếp vào cối mà không đụng tay mình cũng không làm lỡ nhịp xây cối.

Sau khi công việc xây bột gạo nếp xong thì bà ngoại thực hiện một vài giai đoạn tiếp theo như vắt nước vào trong một bao vải trắng sạch và chắc chắn, rồi để bao vải chứa nước bột đã xây xong đó trên cái cối xây và lấy cái phần trên của cối xây dằn lên bao bột nước đó, cứ để như thế qua một đêm thì sáng ra mở bao vải ra sẽ có những miếng bột thành hình trong bao vải. Lúc nầy là lúc chuẩn bị để tối đó sẽ vò ỷ.

Đây chính là cái cối xây bột ở nhà mình đã được ông bà để lại từ rất xa xưa (trên cối có ghi năm 1940). Thời xưa cối nầy có trong nhà mình ở Hà Tiên, dùng xây bột làm bánh thường xuyên. Hiện nay cối trữ tại nhà em mình Trần Văn Phi ở Kiên Lương.

Trong lúc đó thì bà ngoại và vú nấu đậu xanh để làm nhân. Hồi đó nhà mình có một cái chảo bằng đồng rất lớn và sáng chói. Cái chảo nầy là để dành nấu nhân đậu xanh, nếu có lúc làm bánh nào khác mà có nhân dừa thì cũng nấu trên chảo nầy. Thấy một chảo dừa ngào với đường có màu nâu bóng là rất hấp dẫn, mình rất thích ăn trước vài miếng nhân nầy. Trở lại việc nấu nhân đậu xanh để làm xôi nước, bà ngoại chuẩn bị xong một chảo nhân rất là ngon, màu vàng cháy. Mình thường đi ra đi vô trong bếp, lần nào cũng lấy ngón tay quẹt một miếng nhân đưa lên miệng ăn rất ngon. Lúc đó vì còn là trẻ con nên không nghĩ xa tới nơi tới chốn. Vì nhân đó là để làm chè xôi nước để cúng ngày 23 tháng chạp mà mình dám ăn trước dù là vài miếng nhỏ như vậy cũng là phạm lỗi với người trên rồi.

Buổi tối cả nhà quây quần bắt đầu vào công việc thích nhất là vò ỷ. Cả nhà tụ họp ở nhà sau, trên cái phản gỗ lớn thường ngày dùng làm chỗ ăn cơm cho tụi mình. Bột đã chuẩn bị xong và chia ra làm hai phần, bột màu trắng và bột màu đỏ, vì là để nấu chè ỷ nên bà ngoại dùng phẩm đỏ để chế ra bột có màu đỏ, chè ỷ thì thường có hai loại màu trắng và màu đỏ. Mấy anh em mình rất thích vò ỷ, nhưng cũng không bỏ cái tật vui chơi. Mình còn nhớ mình thường hay cắc cớ là cố tình vò một số ít hạt ỷ hơi khác lạ một chút, dùng bột nhiều hơn để hạt ỷ hơi lớn hơn bình thường, rồi chờ khi nấu chè xong cả, cúng kiến xong rồi thì đi múc trong nồi chè để tìm lại mấy viên ỷ do mình chế tạo ra… để nhìn cho vui và cũng để ăn luôn!!!.

Trong ngày cúng chè ỷ và chè xôi nước thì không biết sao có một cái tục lệ nầy ở đâu mà có, số là vú kêu mình đem mấy hạt ỷ, gắn vào mấy chỗ có “vú” của mấy cái lu nước ở nhà mình. Chỗ nầy mình phải cắt nghĩa rỏ hơn, nhà mình có rất nhiều lu nước, có tới hơn một chục cái lu, xếp hàng dài theo mé nhà sau. Những cái lu nầy là loại lu rộng và có cái bụng phình to, người ta thường kêu là “lu mái vú,” khác với loại lu kêu là “lu da lươn” nhỏ và cao hơn. Nhà mình có những cái lu nầy là để tích trữ nước mưa. Nhớ mỗi lần có mưa lớn là nhà rất chộn rộn vì bà ngoại và vú cùng với mấy đứa mình phải chuyển nước từ một cái lu đầu máng xối được hứng nước mưa liên tục nên sợ khi quá đầy thì nước tràn ra nên phải dùng thùng nhỏ chuyển qua các lu lân cận đó. Nhờ vậy mà nhà luôn có nước mưa mát rượi để uống suốt năm. Mỗi cái lu như vậy nếu mình để ý một chút sẽ thấy có hai cục lồi ra khoảng gần phía miệng lu, trong mỗi cục như vậy có hai lỗ hổng vô một chút…Khi tới ngày cúng chè ỷ thì phải gắn vào mỗi lỗ hổng như vậy một viên ỷ và phải gắn hết tất cả các lu có trong nhà.

Một trong những cái “lu mái vú” còn lại của nhà mình ở Hà Tiên. Nếu để ý ta sẽ thấy hai cục nhỏ gắn bên hông lu, mỗi cục nhỏ lại có hai lỗ hỏng mà ta phải gắn vào hai viên ỷ khi tới ngày cúng chè ỷ 23 tháng chạp…

Còn một việc thường thấy người ta làm vài ngày trước Tết nữa là đi kiếm và đốn các nhánh cây mai ở trên núi đem về nhà. Vụ nầy thì ở nhà mình hoàn toàn không có làm. Chỉ cam phận đi chợ mua các nhánh mai đem về ngâm nước nóng và hy vọng cho mai nở đúng vào mấy ngày Tết vậy thôi. Vì sao không lặn lội trên núi để đốn mai về? Số là ở nhà mình, bà ngoại và vú mình áp dụng một chánh sách rất là chặc chẽ và nghiêm khắc là tuyệt đối không cho phép con cháu đi “băng rừng lội suối,” tức là cấm tuyệt đối không cho tụi mình đi lên núi chơi và hoàn toàn không cho bén mảng tới sông suối để lặn lội tìm hào hến gì đó. Đó là quy luật ở nhà mình như vậy, vì thế khi mấy đứa bạn rủ ren lên núi Lăng tìm mai về ăn Tết thì mình rất muốn đi theo nhưng không dám cải vụ nầy. Nhớ khi ở Hà Tiên có phong trào nuôi và đá cá “lia thia”, thấy mấy đứa bạn đi tìm kiếm, vớt cá “lia thia” ở khu Ao Sen mình thích và muốn đi theo lắm nhưng không dám đi vì ở nhà không cho đi gần sông suối. Hà Tiên là nơi có rất nhiều ao hồ, như ao Sà Lách, ao Lục Bình, ao Rau Muống, v.v.. Tất cả các ao nầy đối với mấy anh em mình là nơi bị cấm đoán không cho tới gần, mà mình cũng rất sợ khi nghe kể là dưới mấy cái ao đó thường có “ma da” nó kéo chân mình cho chìm xuống ao chết. Về việc chưng hoa mai ăn Tết thì năm nào nhà mình cũng có mua vài nhánh mai ở chợ đem về nhà chưng trong bình lớn và để trang trí trên một cái bàn ở giữa nhà…

Nói đến cái bàn ở ngay giữa nhà và có chưng bình mai lớn làm mình nhớ lại rất rỏ điều nầy. Ở Hà Tiên và ở mọi vùng quê chung quanh Hà Tiên, trước khi Tết vài ngày là người ta phải dọn một chiếc bàn vuông hay tròn, để ở giữa nhà, ngay khi ta bước vào nhà thì thấy liền. Trên bàn để một bình bông cắm các nhánh hoa mai đã được lựa chọn kỷ và ngâm nước sôi cho mai nở kịp vào những ngày Tết. Chung quanh bình mai lớn nầy, người ta để rất nhiều chai bia 33 hiệu con cọp, rồi tiếp theo là rất nhiều chai nước ngọt như là: xá xị, mỏ nách (limonade), bạc hà, v.v., cũng có thêm các hộp bánh tây, hộp trà trang trí chung quanh. Trên bình bông cắm các nhánh mai, lẫn lộn với màu vàng của các nụ hoa mai, người ta treo lủng lẳng các thiệp chúc Tết mà con cái trong nhà được bạn bè gởi tặng, màu đỏ của các thiệp chúc Tết hòa với màu vàng của các nụ hoa mai làm cho khung cảnh trở nên rất ấm cúng và rất xinh mắt. năm nào và nhà nào cũng có trang trí cái bàn với bình hoa mai, chai bia, nước ngọt và trà bánh như vậy.

Mấy đứa ở nhà mình cũng dọn một cái bàn theo đúng thể thức đó, có điều là ở nhà mình thì hơi khác một chút, đó là cái bàn “ăn tết” của nhà mình thì quay ra phía nhà sau chứ không phải mới bước vào nhà cửa trước thì thấy như mọi nhà khác. Vì sao, là vì bà ngoại của mình vẫn còn giữ theo cái không gian của những năm rất xa xưa khi mà ngôi chợ Hà Tiên còn nằm bên phía chùa Bà Mã Châu ở bên đường Tô Châu, vì thế mặt chánh của nhà mình thời xưa nhìn về phía chợ, tức là hồi xưa đó thì cửa chánh nhà mình nhìn về phía đường Tô Châu, còn cửa sau nhìn ra đường Bạch Đằng. Rốt cuộc sau nầy khi chợ Hà Tiên cất lại ở giữa hai bên đường Tham Tướng Sanh và Tuần Phủ Đạt thì cửa chánh nhà mình lại trở thành cửa sau nhìn về phía có Đình Thần Thành Hoàng Mỹ Đức và chùa Bà Mã Châu bên đường Tô Châu, còn cửa sau hồi xưa phía đường Bạch Đằng thì trở thành cửa chánh vì nó nhìn về hướng chợ Hà Tiên mới cất. Đối với bà ngoại cửa chánh của nhà vẫn là cửa sau bây giờ nên bàn thờ trước nhà (bàn Trời), và tất cả bàn thờ trong nhà vẫn còn giữ nguyên quay mặt ra cửa sau của thời sau nầy khi người ta đã dời chợ về đường Tham Tướng Sanh và đường Tuần Phủ Đạt.

Đến đây nhân nhắc việc thiệp chúc Tết khi ngày Xuân đến thì mình cũng còn nhớ là mỗi lần sắp đến Tết thì học trò như tụi mình thường ra các tiệm như Minh Thái Phong ở phố tứ diện, tiệm Anh “Buôn” ở khu có sáu căn tiệm ở mặt nam của nhà lồng chợ Hà Tiên (tiệm của Anh “Buôn” ở đối diện với tiệm bán trầu cau của Bà Năm Quới), tụi mình ra đó để mua thiệp chúc Tết về và ghi vài hàng gởi chúc quý thầy cô và bạn bè. Thời xa xưa đó không có mạng xã hội hay email gì cả, thấy vậy mà hay hơn vì người ta gởi cho nhau những tấm thiệp màu, có hình vẽ cây mai nhắc nhở ngày Xuân ngày Tết rất xinh đẹp.

Mình còn nhớ khi còn học lớp Tiếp Liên tức lớp cuối ở bậc Tiểu Học trường Tiểu Học Hà Tiên, lớp do thầy Hà Phương Linh dạy, thầy dạy luyện thi cho các học sinh đã một lần thi hỏng kỳ thi lên lớp Đệ Thất. Thời đó thầy Hà Phương Linh dạy luyện thi rất nổi tiếng với các bài toán động tử, vòi nước, v.v.. Lúc đó vào cuối năm, học trò có mua thiệp để vào bao thơ và lên bàn thầy đưa thiệp chúc Tết cho thầy. Trong lớp mình có người bạn tên là Trương, bạn Trương nầy là con của nhà có tiệm may hiệu là Vĩnh Trường, tiệm nầy ở ngay trên đường Tham Tướng Sanh, giữa hai con đường Lam Sơn và Chi Lăng, gần tiệm đồi mồi Lâm Văn Cao vài căn nhà. Các bạn trong lớp đều kêu bạn là “Trương Vĩnh Trường.” Khi bạn Trương lên bàn thầy và trao thiệp chúc Tết cho thầy thì mình thấy thầy mở thiệp ra đọc và thầy nói một câu mà mình vẫn còn nhớ, thầy nói khi nào sau nầy mấy em có đi đến những phương Trời xa xôi như Paris hay New York, các em vẫn hãy nhớ đến thầy cô ngày xưa. Có lẽ câu nói của thầy làm cho bạn Trương rất cảm động nên vì mình ngồi bàn đầu nên thấy rõ bạn Trương nhỏ hai giọt nước mắt xuống và bạn khoanh tay xin phép thầy chạy nhanh về chỗ ngồi vì không nén được cảm xúc lúc đó.Đó là hình ảnh mà đến ngày nay mình vẫn còn ghi khắc sâu trong đầu óc.

Cái bàn ở mỗi nhà với bình hoa mai và những chai bia, nước ngọt, và trà bánh trang trí rất đẹp như đã nói, cái bàn đó chính là linh hồn của những ngày Tết ở Hà Tiên, hình ảnh cái bàn đó tượng trưng cho sự sống và nỗi niềm “ăn Tết” của người dân dù cho giàu hay nghèo, mỗi nhà đều dọn dẹp, trang trí cái bàn như vậy. Cái bàn đó là dấu hiệu sống của mùa Xuân và cái Tết. Mình còn nhớ sau khi trải qua ba bốn ngày Tết, những khi có dịp cùng với bạn bè đi chơi xa ra ở vùng Thạch Động, biên giới hay phía bên vùng quê Thuận Yên, Dương Hòa, mình vẫn thấy trong những căn nhà lá vùng quê đó, nhà nào cũng còn giữ cái bàn với bình hoa mai dù đã hơi tàn một chút, các chai bia và nước ngọt cũng đã thưa thớt hơn một chút, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy mùa Xuân và hương vị Tết vẫn còn, mỗi lần mình thấy hình ảnh đó thì thấy lòng rất vui, ấm cúng và tự thấy là Tết vẫn còn.

Còn một việc nữa phải làm trước khi “ăn Tết,” đó là trước Tết khoảng một tuần thì phải đi hớt tóc cho gọn gàng, sách sẽ và … “đẹp trai” hơn. Hồi xưa khi còn nhỏ, mình thường hớt tóc ở tiệm ông Trần Kỷ, tiệm ở trên đường Trần Hầu, ở sát bên tiệm đồi mồi Lê Minh. Thỉnh thoảng thì mình cũng có hớt tóc ở các tiệm khác như tiệm của ba anh Trần Hồng Khanh ở đường Bạch Đằng gần nhà mình, hay tiệm của ba anh Đỗ Thành Tâm và tiệm của chú Tư Thiên ở phía dãy tiệm cất sát mé sông Giang Thành giữa Cầu Bắc và chợ cá Hà Tiên. Đến bây giờ mình cũng còn nhớ lúc vào tiệm hớt tóc của chú Tư Thiên thì chú hay nói đùa vui với mình lắm, chú hay nói thằng nầy đẹp trai quá mậy, chắc lớn “đắt gái” lắm. Mình lúc đó còn nhỏ, chỉ biết cười thẹn thùng, không dám nói gì cả, mà cũng không dám nhìn ngắm các hình ảnh chú trang trí chung quanh vách của tiệm, chú thường treo các bóng đèn và các bình bên trong có gắn các nhánh trầu bà, trường sanh rất đẹp. Mấy người bạn mình thường bàn với nhau là đừng có chờ sát ngay gần Tết mà đi hớt tóc, phải hớt tóc trước Tết khoảng gần 10 ngày để cho tóc ra dài thêm một chút thì mới đẹp, còn cái đầu mới hớt trông cũng “quê” lắm…

Chuẩn bị đủ mọi thứ xong xuôi rồi thì cái gì đến phải đến thôi, trong năm thì cứ đếm ngày chờ cho Tết đến, bây giờ thì chỉ còn tính theo năm ngón tay trên bàn tay, còn 5 ngày nữa, còn 3 ngày nữa, v.v.. Buổi chiều ngày 30 Tết thấy vậy tuy trong lòng rất nôn nao và rộn rã vì Tết đã đến sát bên mình, nhưng khi đi chơi ngoài phố chợ thì thấy rất lạ vì trong những tiệm buôn bán, hàng hóa dẹp trống trơn, người ta buôn bán quanh năm, chỉ có ngày 30 nầy là lúc ngưng buôn bán lại để dọn dẹp tiệm quán cho gọn gàng để “ăn Tết.” Buổi tối 30 lại là lúc cúng để rước Ông Bà về nhà mình “ăn Tết,” nhà mình cũng vậy, tối đó cúng kiến xong xuôi, trong nhà hương khói bay đầy thơm ngát, trong lòng trẻ con như mình cũng thấy rất là ấm cúng. Xứ sở mình ngày xưa tuy trong thời kỳ chiến tranh nhưng mọi nhà cũng được hưởng những ngày Xuân thật thanh bình, êm ả và hạnh phúc…Sau đó bà ngoại và vú kêu mấy đứa tụi mình đi ngủ sớm để sáng thức sớm “ăn Tết.” Khỏi nói ra thì thầy cô và các bạn cũng biết là tụi con nít cứ nôn nao chộn rộn chờ cho đến Tết, trước đó một hai ngày thì đã có đầy đủ quần áo sẽ mặc trong mấy ngày Tết, nhóm anh em mình còn có “chương trình” tính đâu đó sẳn sàng cả là bộ quần áo nào mặc trong ngày mùng một, bộ nào mặc trong ngày mùng hai, mùng ba, tính sẳn cho tới ngày mùng bốn và mùng năm. Dĩ nhiên là mùng một sẽ mặc bộ mới và đẹp nhất (bộ đồ số một). Đâu đó sắp xếp sẳn cả, vú cũng có tham dự vào ý kiến và lo cho anh em tụi mình trong vụ nầy.

Khi cả nhà đi ngủ yên lặng hết, tụi nhỏ như mình cũng vô mùng xong xuôi, thấy vậy mà cũng không ngủ được, cứ thức mở mắt suy nghĩ lung tung. Đến 12 giờ đêm, khi giờ bắt đầu qua ngày mùng một thì ông ngoại thức dậy để chuẩn bị đi chùa Ông Quan Thánh cúng và hái lộc. Ở Hà Tiên có một ngôi miếu rất lâu đời, đó là miếu Ông Quan Thánh Đế có từ thời ông Mạc Cửu, đúng tên chữ là miếu nhưng người Hà Tiên có thói quen không phân biệt miếu hay chùa nên cứ gọi là chùa Ông, chùa Ông ở gần nhà đèn cung cấp điện, phía sau chùa Phật Đường, cặp theo đường Mạc Thiên Tích và đường Mạc Cửu lên Ao Sen.

Hồi nhỏ mình rất ít khi nào đi vào chùa Ông vì rất sợ ngôi chùa nầy. Có rất nhiều huyền thoại về ngôi chùa Ông, phía ngoài vách có vẽ hình con ngựa Xích Thố màu trắng, hồi nhỏ mình thường nghe người ta nói ban đêm ở gần chùa Ông, người ta thường nghe tiếng ngựa hí vang. Dân Hà Tiên có tục đi chùa Ông trong ngày mùng một ngay sau khi đêm khuya 30 đã chuyển qua giờ sáng mùng một. Có một lần mình được ông ngoại dẫn đi chùa Ông như vậy, đi vào bên trong thấy rất đông người, nhang khói bay mù mịt. Khi mình tới gần bàn thờ có tượng mấy ông Thần đó thì thấy hình tượng rất là cao lớn mình không dám nhìn thẳng vào những gương mặt của mấy ông, lòng thì cũng hồi hộp sợ sệt.

Khi cả nhà thức dậy ngay lúc vào giờ đầu tiên của ngày mùng một để ông ngoại đi chùa Ông thì ngoại và vú cũng kêu tụi nhỏ mình đi ngủ lại vì còn rất lâu mới tới sáng…Tụi nhỏ đi ngủ lại và cũng chợp mắt được một lúc lâu. Đến 4, 5 giờ sáng thì cũng bắt đầu thức dậy, sau khi rửa mặt vệ sinh xong cả thì bắt đầu thay quần áo mới theo đúng như chương trình dự định. Đứa nào cũng có vẻ hân hoan, vui mừng vì thấy Tết đã đến thật sự và cụ thể ngay hiện tại rồi. Hồi xưa mình không hề nghĩ đến tinh thần và nỗi lòng của ông bà cha mẹ có vui mừng khi thấy Tết đến hay không, mình chỉ tự thấy mình vui và muốn hưởng Tết cho mình, không biết trong lòng ông bà cha mẹ ra sao.

Sau nầy khi lớn lên mình mới thấu hiểu là có khi tùy theo hoàn cảnh gia đình giàu nghèo, người lớn có cảm nhận về Tết khác với trẻ con. Mặc dù trong nhà nhiều khi quanh năm khó khăn nhưng quý bậc ông bà cha mẹ cũng cố gắng lo cho tương đối đầy đủ về vật chất cho con cháu trong nhà để cho con cháu vui hưởng ngày Tết không thua bạn bè chung quanh. Trong khi đó thì con cháu không cảm nhận hay thông cảm được điều đó, vì tâm hồn còn quá trẻ con, non nớt, còn thiếu sót. Có những bậc cha mẹ cố gắng chịu mọi thiệt thòi để lo cho con cái của mình được “ăn Tết” cũng như bạn bè nó, không nói ra sự thiếu thốn trong gia đình. Tuy nhiên theo mình nghĩ, khi ông bà cha mẹ nhìn thấy con cháu hồn nhiên vui chơi trong mấy ngày Tết thì chắc cũng làm an ủi cho ông bà cha mẹ nhiều, xin ông bà cha mẹ hiểu cho và tha thứ cho nỗi vô tư của trẻ nít.

Khi mấy anh em mặc quần áo mới xong xuôi thì bà ngoại và vú cũng thay quần áo chỉnh tề để chờ mấy anh em mình đến chúc mừng tuổi và điều quan trọng đối với tụi trẻ nít mình là được lãnh tiền lì xì. Trước Tết vài ngày, bà ngoại và vú đã đổi nhiều tờ tiền giấy mới tinh, chưa có lằn xếp để dành cho việc lì xì cho con cháu. Khi lãnh tiền đâu đó xong xuôi, thường mình nhớ là có các tời giấy 10 và 20 đồng, tiền bạc cất kỷ vào bóp và để trong túi xong thì đi tới đi lui trong nhà chờ sáng rỏ ra một chút để cả nhóm anh em mình sẽ kéo tới nhà má Hai chúc Tết và cũng để lãnh tiền lì xì. Theo tục lệ người mình thì ngay ngày Tết, người ta không dám đi tới nhà người khác sớm quá nếu không có dự tính trước, tục đi tới nhà người khác để chúc Tết và thăm viếng gọi là “đầu năm xông đất.” Muốn đi tới nhà người quen biết ngay trong giờ phút đầu năm như vậy phải có sự thỏa thuận của đôi bên, vì khi mình đến nhà người ta như vậy là phải đem đến sự tốt đẹp cho người ta suốt năm nên phải thận trọng.

Mình còn nhớ ngày xưa ông ngoại mình có nhiều người bạn cao tuổi thường đến nhà chơi, trong đó có một ông tên là Của, tuổi cũng ngang với tuổi ông ngoại mình, ông Của nhà ở gần chùa Phật Đường (đường Chi Lăng) và có người con trai rất cao lớn tên là bác Khương (bác Phạm Đình Khương, thường gọi là bác Năm Bé, nhà làm nghề đồi mồi), hằng ngày bác Khương thường chạy chiếc xe đòn dông dạo phố ở Hà Tiên và bác Khương nầy cũng là bạn thân của thầy Trương Minh Hiển và thầy Trương Minh Đạt. Vì ba của bác Khương tên là Của nên ông bà ngoại mình thường nói với ông là đầu năm ngay ngày Tết mời ông cứ xuống nhà mình trước để xông đất, vì đúng như theo ý nghĩa tên của ông, tức là đem của cải đến cho nhà mình.

Trở lại việc chuẩn bị đi đến nhà má Hai để chúc Tết và lãnh tiền lì xì. Đến đây mình phải giải thích cái từ xưng hô “má hai”… Ở nhà mình sao cái gì cũng hơi khác với người ta, má hay mẹ thì lại gọi là “vú,” còn dì Hai thì lại gọi là má Hai. Thật ra má Hai là để chỉ người dì thứ hai, tức là người chị hai của má mình. Ngày xưa ông ngoại mình vốn là người có gốc gác người Tàu, tên ông ngoại có hai chữ thôi, Trần Đệ, người quen biết ở Hà Tiên gọi thân mật là ông Tỹ Tôm vì ông rất cao và lưng hơi cong như người ta thường nói lưng tôm. Ông ngoại có một bà ngoại trước và sanh ra một người con gái tên là bà Trần Thị Hương tức là má Hai của tụi mình. Má Hai là má của các anh chị bạn dì với mình như anh Lê Quang Chỉnh (anh Hiển, đã mất rồi), chị Lê Thị Phượng (chế Thìn), anh Lê Quang Chánh, chị Huỳnh Thị Huệ, chị Huỳnh Thị Kim, anh Huỳnh Ngọc Sơn và Huỳnh Hồng Quang (Út, đã mất rồi). Sau đó khi bà ngoại trước mất thì ông ngoại gặp bà ngoại mình từ Châu Đốc vào Hà Tiên đi cúng chùa Phật Đường và hai người cũng có một người con gái duy nhất là bà Trần Thị Xuân Lan tức là má của mình. Như vậy má mình kêu má Hai là chế, tức là dì hai của mình, và thay vì kêu dì Hai cả anh em nhà mình lại kêu là má Hai theo thói quen và cách dạy xưng hô của nhà mình.

Hồi xưa nhà của má Hai ở xóm Đông Hồ, ở trên đường Chi Lăng, khoảng giữa hai con đường Tô Châu và Đông Hồ, từ ngả tư Chi Lăng-Tô Châu nhìn xuống Đông Hồ thì căn nhà nằm bên trái, cách nhà thầy giáo Lộc vài căn. Sau khi anh em mình chúc Tết và lãnh tiền lì xì ở nhà xong rồi thì chờ trời sáng ra một chút thì cả bọn kéo tới nhà má Hai. Má Hai là người rất vui tánh và bình dân, rất thương con cháu. Khi cả bọn tới nhà má Hai thì má Hai rất vui không câu nệ về tục lệ xông đất gì cả, má Hai kêu cả bọn vô nhà, xếp hàng và má Hai lì xì cho mỗi đứa vài tờ giấy bạc cũng mới tinh. Ngày xưa khi còn nhỏ anh em mình thường tới nhà má Hai vui chơi với anh chị em bạn dì là Sơn, Quang và chế Huệ, chế Kim.

Nhiều năm sau, nhà của má Hai bán cho người khác và má Hai cũng mua một căn nhà khác cũng ở gần đó, nhà mới nầy ở trên đường Tô Châu, đối diện với căn nhà xinh đẹp của thầy Hứa Văn Vàng, nếu tính về phía ngả tư đường Chi Lăng-Tô Châu thì căn nhà mới của má Hai kế nhà của Trần Lệ Hằng và nhà của người đẹp Phan Kiều Dũng. Khi gia đình má Hai dọn về căn nhà mới nầy thì mấy anh em mình cũng vẫn thường xuyên tới nhà má Hai vui chơi như trước, căn nhà mới nầy rộng hơn nhà cũ, bên hông nhà cũng có đất dư và phía sau nhà có thể nhìn thấy tới phía sau của chùa Phước Thiện.

Khi còn nhỏ, sau một hai ngày Tết thì bà ngoại cũng có dẫn mấy anh em mình đến thăm nhà cậu Hai Lộc, cậu Hai Lộc tức là thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, ba của chị Nguyễn Ngọc Hà và chị Nguyễn Ngọc Hằng (lúc đó chị Ngọc Hà còn là học sinh, chưa là phu nhân của thầy Nguyễn Văn Nén). Số là nhà mình có bà con với thầy giáo Lộc, mình kêu thầy là cậu Hai. Còn bên nhà của bạn Lý Mạnh Thường thì có bà con với bà giáo Lộc (như vậy nếu mà tính chất “bà con” là một quan hệ nhị thức và có tính chất dẫn truyền hay bắc cầu = relation transitive, thì mình và bên gia đình Lý Mạnh Thường cũng có bà con với nhau, vì A “bà con” với B và B “bà con” với C thì A cũng “bà con” với C !!). Nhà của cậu Hai Lộc ở trên đường Chi Lăng, gần về phía Đông Hồ, mình còn nhớ khi bà ngoại dẫn mấy anh em đến nhà thì gặp cậu Hai và mợ Hai, cậu và mợ rất vui vẻ và rất thích trẻ con tụi mình, cậu nói với chị Ngọc Hằng mang ra một cái hộp tròn lớn có nhiều ngăn, trong đó có đủ bánh mứt cho mấy anh em mình ăn.

Trong ngày mùng một Tết thì trưa trưa một chút, mấy anh em mình cũng kéo tới nhà hia Phón để mừng tuổi và cũng để lãnh tiền lì xì…! Vì ông ngoại là gốc người Tàu nên nhà mình có bà con thân thiết với gia đình của hia Phón. Hia Phón có tên chánh thức là Thái Văn Bằng, hia là con của ý Hai Láng (dì Hai láng), mình kêu bằng ý Hai và kêu hia Phón là Hia. Má của mình thì kêu ý Hai bằng chế. Trong những năm còn trẻ nít, bà ngoại thường dẫn mấy anh em mình tới nhà để thăm hỏi ý Hai và A Tiểu là ba của hia Phón. Nhà của ý Hai ngày xưa ở ngay gần góc đường Lam Sơn-Mạc Công Du, đối diện với nhà ông Tám Trọng sơn sửa xe đạp.

 Thường thường là buổi tối thì bà ngoại và mấy anh em mình tới nhà hia Phón, mấy đứa mình thì ngồi chơi trên bộ phản gỗ rất lớn, mình ưa nhìn trên vách xem các tranh ảnh lộng kiếng gồm bốn tấm lớn và dài thành một bộ có hình hoa cảnh và chim chóc. Hia Phón lấy cái tập nhạc chép tay của hia cho tụi mình xem, và hia đem cây đờn mandoline ra chơi cho tụi mình nghe. Nhà của ý Hai rất dài sâu ra phía sau, có nhà trước, nhà giữa và một căn nhà sau dùng để nấu bếp và ăn cơm rất rộng, phía sau nữa thì có một con hẻm nhỏ. Ngoài ra ý Hai còn có một người em trai tên là Dương, mình kêu là củ Dương, củ Dương là ba của anh Giang Văn Chương, anh Chương thì ở Hà Tiên ai cũng biết hết cả, vì anh có mang bệnh tâm thần, nhưng rất hiền và vui tánh, không phá phách ai cả. Khi tới chơi ngày Tết nhà hia Phón thì hia dọn thịt kho, cơm và nước ngọt mời mấy anh em mình ăn, hia thường nói “Dùng đi bé, dùng cơm đi bé Ba.”

Mình cũng còn nhớ rõ có một hôm đó khi đến nhà ý Hai chơi thì được nghe tin là củ Dương mất rồi, vì thời đó củ Dương đi chơi hay là đi làm việc gì đó ở Long Xuyên và hia bị té sông ở Long Xuyên chết. Còn A Tiểu là ba của hia Phón thì mình cũng nhớ là hổi nhỏ có một đêm đó, anh Chương chạy tới nhà mình nói với ông ngoại là A Tiểu mất rồi… Ý Hai có một cái tiệm nhỏ ở bên hông nhà lồng chợ Hà Tiên, phía bên đường Tham Tướng Sanh, hơi đối diện với tiệm Hiệp Lợi của nhà em Trần Tố Chinh. Hồi nhỏ bà ngoại và vú thường kêu mình ra mua dầu ăn, nước tương, nước mắm, dầu lửa ở tiệm của ý Hai. Tiệm của ý Hai có tên hiệu là Thành Hưng, mỗi lần ra mua như vậy ý Hai rất vui và rất tử tế với mấy anh em mình, ý Hai thường hay kéo lại nói nhỏ để căn dặn đừng đi chơi xa nhà, đừng theo đứa nầy đứa nọ, cứ ở nhà lo học cho mẹ được yên tâm.

Những ngày cúng giỗ tại nhà mình, ý Hai lúc nào cũng tới nhà mình để tham dự cúng kiến. Còn hia Phón thì ở Hà Tiên ai cũng biết vì hia có tham gia rất nhiều hội hè của người Hoa. Hia cũng có thực hành nhiều môn thể thao, hồi đó tới nhà hia mình rất thích ngắm chiếc xe đạp loại xe đạp đua của hia, chiếc xe có hai cái bánh to mà võ xe thì nhỏ xíu và cái tay cầm có hai bên cong vòng về phía dưới, khi ngồi xe đạp phải khom lưng để hai bàn tay cầm đúng vào hai chỗ cong vòng nầy. Hia thường hay chơi đánh bóng chuyền tại sân trước Chi Thú Y ngày xưa, hia chơi bóng chuyền rất hay, hia cũng đánh ping pong hay lắm.

Hia có nghề vẽ họa rất xuất sắc, mỗi khi nhà nào hai bên chợ có đám tang thì hia tới ngay để vẽ trang trí bằng mực Tàu đen trên mấy miếng vải trắng dùng làm phong cho bàn thờ. Có một lần ngày xưa khi mình còn học Tiểu Học, ở trường có phong trào cho học sinh vẽ hình để dự thi, hia Phón tới nhà mình và chấm bút vẽ bằng màu nước phát họa cho mình vài nét, hia nói hiện nay đang có chiến dịch “Ấp Chiến Lược” nên chọn đề tài về Âp Chiến Lược, hia vẽ một cái đồn cao chung quanh có hào sâu và chông gai ngăn trở.

Trở lại chuyện “ăn Tết” trong những ngày thơ ấu, sau khi đi mừng tuổi và lãnh tiền lì xì xong xuôi thì mấy anh em mình kéo ra chợ để có dịp “xài” số tiền nầy. Hồi đó cũng còn nhỏ lắm nên không dám chơi pháo, có năm thì cũng dám mua cây súng lục bằng sắt để bắn pháo cuồn, đó là loại pháo quấn thành một cuồn tròn nhỏ, mình lắp vào súng và cầm súng bấm cò cho nổ từng viên pháo nhỏ dán trong cái băng pháo. Còn về cây pháo phải châm ngòi cho nổ thì mấy anh em mình không dám chơi, mấy năm sau khi lớn lên nhiều rồi mới dám chơi tới pháo cây đó. Nhớ có lần đi chơi vòng vòng chợ khi mà Tết đã qua tới mấy ngày mùng hai, mùng ba, có một lúc thì gặp vú và chế Thìn, má Hai đang đi đâu đó trên khúc đường Mạc Công Du, mình chạy theo kêu vú để xin tiền, vú móc cho một lần hai đồng luôn. Lúc đó vì là Tết nên vú cho nhiều như vậy vì trong những ngày thường trong năm, mỗi lần xin tiền thì vú chỉ cho năm cắc mà thôi.

Có một lần sau khi có nhiều tiền lì xì rồi, mấy anh em mình kéo lên nhà bên nhạc phụ của anh hai Hiển (tức là anh Lê Quang Chỉnh, anh bạn dì với mình), chị hai tên là chị Mùi, nhà chị ở trên khúc đường Lam Sơn phía cuối đường, gần nhà ba má bạn Lý Cui và hơi xéo xéo nhà anh Đỗ Thành Tâm. Gia đình bên nhà chị hai rất tử tế, vui vẻ tiếp đón mấy em út của anh hai lên chơi, cũng được ăn bánh tét và uống nước ngọt. Sau đó khi ra về, thay vì về thẳng nhà mình ở phía chợ, mấy anh em mình ghé lại một sòng bầu cua cá cọp của mấy đứa nhỏ trong xóm gần đó và bắt đầu ngứa tay, tham gia vào đặt tiền để chơi.

Lúc đầu ăn thua lai rai không có khuynh hướng rõ rệt, nhưng từ từ về sau, càng đánh càng thua đậm, không biết xui hay tại sao, cuối cùng thì mấy anh em mình bị thua hết cả tiền lì xì trong ngày Tết đó, trong túi không còn một tấm giấy bạc mới nào nữa cả. Không hiểu tại sao mà chơi bầu cua cá cọp mà lại thua liên tục như thế, vì khi lắc ba con đê thì nó hiện ra hên xui mà thôi đâu có lẽ gì thua liên tục. Sau nầy khi gặp bạn Lê Phước Dương kể lại thì nghe tụi con nít chủ sòng chơi đó nói cho Lê Phước Dương biết là tụi nó chơi ăn gian, vì mỗi lần tụi nó chờ mình đặt tiền vào chỗ nào xong xuôi rồi thì nó cầm con đê lên và cố tình lấy ngón tay có dính bánh tét ấn mạnh ngay ở mặt mà có hình mình đặt tiền để cho cái mặt hình nầy dính chặt xuống đáy dĩa như thế thì cái hình mà mình đặt đó không bao giờ quay lên trên, tức không có ra được, nên cứ thua là thua. Bây giờ nghĩ lại chắc nhóm nầy là “đàn em” của bạn Lê Phước Dương đây (phải không bạn Dương).

Còn chưa hết chuyện, sau khi bị “cháy túi” hết cả thì ba anh em mình mò về nhà với bộ mặt tiêu nghiểu, bà ngoại và vú nhìn thấy thì biết có điều gì rồi nên hỏi mình, mình bắt buộc phải nói ra sự thật, bà ngoại kêu mình đưa cho xem cái bóp tiền, mình móc bóp ra đưa cho bà ngoại xem, bà ngoại vạch bóp ra thấy trống rổng liền ném cái bóp xuống đất và rầy la mấy anh em mình. Năm đó quả thật là không may mắn, dân khờ khạo “hiền lành” mà lại dám đi chơi cờ bạc đánh bầu cua cá cọp với nhóm con nít thiện nghệ thì thua nặng là chắc rồi. Câu chuyện nầy tới ngày nay bạn Lê Phước Dương vẫn còn nhớ, và ở nhà mình thì ai cũng biết.

Cái vụ đánh bầu cua cá cọp nầy có lẽ là do ảnh hưởng của một năm đó ở Hà Tiên, vì vào một năm đó không biết có một đơn vị lính ở đâu và vì lý do gì mà họ kéo về đóng quân gần Hà Tiên rất đông (hồi đó người ta nói là họ là gốc người Nùng, họ nói một thứ tiếng gì rất lạ, không phải tiếng Việt cũng không phải tiếng Hoa) và nhóm người lính nầy rất thích chơi các trò chơi may rủi ăn tiền. Vì lúc đó là thời gian cận Tết, người ta tổ chức các sòng chơi cờ bạc ăn tiền rải rác ở hai bên khu chợ Hà Tiên, nhất là ở trên lề đường Lam Sơn, khúc bên hông tiệm bác Ba Góp, và bên lề đường bên hông nhà Ông Tàu Lái, đối diện tiệm đồi mồi Phan Văn Thân. Lúc đó mình còn nhỏ mà lại rất mê đứng xem người ta chơi các loại cờ bạc nầy, thông dụng nhất là các sòng bầu cua cá cọp (dành cho mấy đứa trẻ con) và các sòng Tài Xỉu (Lớn, Nhỏ), các sòng nầy là dành cho toàn người lớn có máu cờ bạc đậm, người ta đặt tiền và ăn thua là tiền của người ta mà tụi con nít như mình lại đứng xem mê mẩn, có đêm ghiền xem tới khuya lắm mới chịu về nhà, có khi về nhà lại bị bà ngoại và vú rầy vì đi chơi khuya quá, sáng hôm sau cũng ra đứng xem tiếp.

Về cái môn chơi Tài Xỉu là người ta dùng ba cục xí ngầu (cục lúc lắc), mỗi cục có sáu mặt khắc từ 1 đến 6 chấm. Khi người ta lắc xong, mở cái tô úp ra thì làm kết quả trò chơi là tổng số điểm của ba con xí ngầu quay mặt lên trên, nếu tổng số điểm từ 4 đến 10 thì là Xỉu và từ 11 đến 17 thì là Tài. Người chơi thì cứ đặt tiền vào ô Tài hay là Xỉu. Chỉ có ăn hay thua 50/50. Tuy nhiên nếu có hiện ra ba con số giống nhau cùng một lúc (thí dụ cả ba mặt của con xí ngầu đều là 2 hay là cả ba mặt đều là 5) thì nhà cái ăn hết tất cả, dù cho tổng số là nhỏ hay lớn, vì thế khi tổng số là 3 (ba mặt của ba xí ngầu đều là 1) hay là 18 (ba mặt xí ngầu đều là 6) thì không được xem như là Xỉu hay Tài mà là nhà cái ăn hết. Nhớ lại Hà Tiên năm đó là năm rất đặc biệt, người ta chơi cờ bạc suốt những ngày trước và sau Tết như vậy. Những năm tiếp sau đó thì không có hiện tượng nầy vì nhóm đơn vị người lính Nùng đó đã dời đi nơi khác.

Trong những ngày “ăn Tết” như vậy, còn có hai việc không thể thiếu là đi tiệm chụp hình để chụp hình làm kỷ niệm vì lúc đó là lúc mặc toàn quần áo mới đẹp và tổ chức cả nhà đi bãi biển Mũi Nai chơi. Sau ngày mùng một, mùng hai thì người ta bắt đầu đi chụp hình ở các tiệm chụp hình rất đông. Hà Tiên thời đó có tiệm Phương Dung ở đường Trần Hầu, tiệm Đức Quang ở đường Tuần Phủ Đạt và sau đó có thêm tiệm Tô Châu ở đường Chi Lăng. Hồi xưa người ta rất thích chụp hình ở tiệm chụp hình, ngày xưa chụp hình phải dùng phim, chụp rồi phải rửa phim và cho hình ra trên giấy nên rất ít người có máy chụp hình cá nhân. Vã lại muốn chụp cho đẹp và nhất là để không bị hư làm tốn kém phim chụp hình nên khi chụp phải có ít nhiều tay nghề, vì thế phải đi chụp ở tiệm cho chắc chắn là có hình đẹp. Nếu trước khi Tết các tiệm may quần áo rất đắt hàng đặt may thì sau khi Tết đến phiên các nhà chụp hình hoạt động rất mạnh vì khách đến chụp hình rất đông.

Mỗi tiệm đều có thiết trí một gian phòng nhỏ (bây giờ gọi là studio) có màn vẽ hình phong cảnh làm nền, có vài vật dụng như chậu hoa lá để trang trí cho người chụp, cũng có sẳn một cây đờn thùng để cho khách ôm đờn làm dáng khi chụp hình. Thường thường là do óc thẩm mỹ của người thợ cố vấn cho khách làm kiểu nầy hay dáng nọ để chụp. Lúc còn nhỏ mình rất thích đứng trước các tủ kiếng lớn của mấy tiệm chụp hình nầy để ngắm xem những khuôn mặt quen thuộc được tiệm chọn để chưng hình làm mẫu. Đa số là những khuôn mặt quý cô quý chị xinh đẹp của Hà Tiên, hình nữ nhiều hơn hình nam. Mỗi lần đứng xem hình mẫu như vậy, mình thường tự hỏi ủa sao không thấy hình của tui?!

Nhà mình cũng có dẫn mấy anh em mình đi chụp hình Tết ở tiệm Phương Dung, có hình bốn anh em đứng chụp trước một phong màn vẽ cảnh một phòng khách có trang trí bông hoa. Hồi xưa mình cũng thường đứng xem mấy người thợ chỉnh sửa phim hình, người ta ngồi trước một cái thùng to có một chỗ để gắn cái phim chụp hình vào và có rọi ánh sáng phía sau để thấy rỏ hình ảnh trắng đen trên phim, dĩ nhiên là hình theo kiểu âm bản tức là chỗ màu đen khi rửa hình ra sẽ thành màu trắng và ngược lại. Người ta dùng một cây cọ rất mịn để chấm phá vài nét trong phim để cho hình được rỏ nét thêm các chi tiết và cũng để loại bỏ những chấm đen không cần thiết khi in hình ra giấy.

Về việc đi bãi biển Mũi Nai chơi trong mấy ngày Tết thì năm nào nhà mình cũng có tổ chức đi. Lúc đó mình cũng còn rất nhỏ, nhà thường kêu xe lam để đi. Có vú, chế Thìn (Lê Thị Phượng) và anh Huỳnh Ngọc Sơn đi cùng. Hồi xưa bãi Mũi Nai còn khá hoang sơ và rất đẹp, theo thông lệ khi xe vừa đến bãi thì người ta hay đi nhanh đến căn nhà bên trái của bãi trước, gọi là nhà mát, nhà nầy cất bằng cây và lợp lá, không có vách, theo kiểu hình lục giác (hay bát giác, mình quên rồi). Phía dưới căn nhà mát nầy thường có một mũi nhô ra có đá lỏm chỏm, vậy mà ở nơi nầy người ta thường xuống đứng trên các bờ đá để chụp hình.

Mình vẫn còn một tấm hình rất xưa chụp tại chỗ nầy, trong đó có vú và chế Thìn, vú và chế Thìn mặc áo dài trắng, còn ba anh em mình thì năm đó vú có may cho mỗi đứa một bộ quần áo gồm một cái áo theo kiểu ba túi và có bâu lật với chiếc quần sọt ngắn, chân thì mang dép, còn anh Huỳnh Ngọc Sơn thì mặc bộ pyjama sọc mới tinh, nói là pyjama nhưng thuở xưa cha mẹ thường cho con mặc bộ pyjama mới ra ngoài chứ không nhất thiết là pyjama là chỉ để mặc ngủ trong nhà, chân anh Sơn thì mang một đôi giầy bata trắng. Khi xem lại những hình ảnh xa xưa mang tính chất “ăn Tết” như vậy mình thấy rất nhớ Hà Tiên của những thời êm đềm, dân cư vừa đủ, mọi người thảnh thơi hưởng an vui ngày Tết, không có cái không khí đông đúc xáo trộn để kịp sống như kiểu thời bây giờ. Cũng may là trong đời sống con người một khi có nhiều người thân đã ra đi, cũng còn có hình ảnh để lại để con cháu đời sau nhìn ngắm và tưởng nhớ.

Còn một việc sau những ngày Tết mình cũng kể ra luôn ở đây cho đầy đủ những hương vị và sinh hoạt của mấy ngày Tết ở Hà Tiên xa xưa. Đó là việc đi cúng chùa. Hà Tiên mình là xứ của chùa chiền, nơi đất Phật. Bà ngoại mình năm nào cũng vậy, đầu tiên là khoảng mùng chín tháng giêng thì đi chùa Phật Đường để cúng sao, trước đó vài ngày có người ở chùa xuống nhà mình quyên tiền và lấy giấy ghi hết tên họ mỗi người trong nhà để đêm cúng sao thầy sẽ đọc tên lên. Lúc đí chùa bà ngoại dẫn hết ba anh em mình đi theo, mình rất thích đi như vậy, vì sau khi cúng sẽ có chè và xôi ăn rất ngon.

Rồi tiếp theo đó một ngày khác bà ngoại cũng thuê một chiếc xe lôi và dẫn ba anh em mình cùng đi, lần nầy là đi một vòng lớn rất nhiều chùa, đầu tiên là năm nào cũng đi chùa Bà Cửu Thiên trước (chùa Bà Cửu Thiên ở bên trái đường Phương Thành, khoảng hướng ra phía Ấp Chiến Lược hồi xua, ngày nay chùa đã bị phá hủy). Tiếp theo đó là chùa Phù Dung, chùa Lò Gạch, chùa Tam Bảo, ở mỗi chùa nào bà ngoại cũng kêu tụi mình vô phía sau nơi quý bà cô ở để chào hỏi và chúc Tết. Mấy bà cô giữ chùa đó rất cao tuổi, và rất thương con nít, lần nào quý bà cũng vò đầu tụi mình và khen ngoan…

Thầy cô và các bạn thân mến, đó là chuyện kể cũng đại khái những kỷ niệm “ăn Tết” của thời thơ ấu của mấy anh em mình khi còn nhỏ ở Hà Tiên. Sau nhiều năm qua, khi vào bậc Trung Học, có nhiều bạn bè thân thiết thì “ăn Tết” có vẽ người lớn hơn, không có trò chơi bầu cua cá cọp hay đi ăn hột vịt trắng như ngày xưa. Lúc nầy thì cũng tụ tập với bạn bè cùng lớp, cùng nhóm và đi ăn uống, đí đến nhà thầy cô để chúc Tết và đến nhà bạn bè để chơi văn nghệ đờn ca…Đó là chuyện sau nầy, đây chỉ trong chủ đề “ăn Tết” của thời thơ ấu mà thôi…Mong ràng thầy cô và các bạn kiên nhẫn đọc bài và góp ý nhé. Đến đây cũng tạm đủ xin dùng bút và chúc tất cả quý độc giả một cái Tết Tân Sửu thật an lành, vui tươi và hạnh phúc…

Hình chụp khi nhà đi chơi bãi biển Mũi Nai nhân mấy ngày Tết. Từ trái qua phải: Hai người lớn áo dài trắng là: Bà Trần Thị Xuân Lan (má của mình), chế Thìn (chị Lê Thị Phượng, chị bạn dì), bốn trẻ nít là: Trần Văn Mãnh (anh Ba, tác giả), Trần Văn Phi (em thứ Tư), Trần Văn Dõng (anh Hai) và Huỳnh Ngọc Sơn (anh bạn dì)

(Trần Văn Mãnh, Paris, tháng chạp năm Canh Tý âm lịch)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *