Photo: Rễ cây quấn chung quanh tượng đầu Phật bằng đá sa thạch tại chùa Wat Maha That, tỉnh Phra Nakhon Si Ayutthaya, Thái Lan. (Siripatwongpin / Wikimedia Commons)
Bài LÝ THU LINH
Tôi dùng chữ TA, chứ không phải tôi, vì thực sự tôi rất muốn biết mọi người đã đến với Phật giáo như thế nào?
Trước đây không hiểu tại sao, tôi thường nghĩ chỉ có những người hoàn toàn bế tắc trong cuộc đời, mới tìm đến cửa Phật. Có lần nghe một người bạn đi tu, tôi thảng thốt kêu trời, và tự nhiên nước mắt trào ra trong tiếng nấc. Trong tôi lúc đó, việc đi tu cũng đồng nghĩa với tự kết thúc cuộc đời, chấm dứt mọi liên hệ với thế giới quanh mình. Tôi còn nghĩ người tu có khác nào một xác chết, khi họ đóng hết mọi cánh cửa đưa đến cảm xúc. Khi họ không còn ham muốn, không còn khổ đau, không còn rơi nước mắt thì quả là họ không thua một xác chết.
Gia đình tôi có gốc theo Phật. Nhưng đạo Phật của bà nội, của má tôi thì quá giản lược. Lên chùa thì niệm A Di Đà, ở nhà thì chỉ biết khi nào cúng sao nào, cúng bao nhiêu ngọn nến là ổn. Mỗi khi nhà có người bệnh hay có tai nạn gì đó là má tôi lại cúng, lại cầu xin, lại hứa hẹn ăn chay trong bao nhiêu ngày đó.
Tôi nhớ năm tôi thi Tú Tài I (lớp 9 lên lớp 10 bây giờ). Trước ngày thi má dắt tôi đi gặp bà Mẹ gì đó. Bà mặc áo xanh, áo đỏ, son phấn lòe loẹt, cho tôi một lá bùa. Bà Mẹ dặn đi thi khi nào bí, không làm được bài thì lấy tay đập đập lên lá bùa ba lần. Năm đó tôi tự biết mình lo chơi nhiều hơn học, nên cũng thiếu tự tin, đành cất lá bùa vào túi. Ngặt nỗi lúc bí, không dám lấy lá bùa ra đập thường xuyên, sợ giám thị bắt gặp, bảo gian lận, còn bị cấm thi nữa thì mệt, nên tôi chỉ đập có hai lần. Và năm đó tôi thi rớt. Khóc ơi là khóc, vì hối hận. Riêng Má tôi, năm sau khi tôi đi thi lại, bà không dẫn đi xin bùa nữa.
Khi mới biết đạo, tôi nghĩ mình có thể một bước nhảy vào đường tu, nên đã mấy lần cất thất, sang cốc ở các thiền viện. Vào rồi mới thấy mình thiếu chuẩn bị, giống như lúc đi thi hồi đó. Vào chùa rồi, tôi không biết mình đang đi tu cái gì. Đang hướng đến mục đích gì. Tôi loay hoay trong cái thất của mình. Ngồi thiền thì ngủ gật. Đọc kinh thì không hiểu. Sức khỏe thì không đủ để đảm nhận các Phật sự trong chùa. Tôi tự hỏi mình có đang hành xác không, có đang phiền lụy người khác, có đang lẫn tránh cuộc đời, trong khi cái đầu thì rỗng tếch.
Sau vài lần thử nghiệm, tôi sang thất, trả lại cốc và trở về với cuộc sống đời thường. Bởi thế tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ mà đã biết tìm hiểu, thực hành theo giáo lý Đức Phật. Những người dám từ bỏ đời sống thế tục để đi xuất gia dù ở tuổi nào, trong hoàn cảnh nào.
Lòng tin và cách hành đạo của Má tôi không hề gây ấn tượng với mấy đứa con trong gia đình, nên chúng tôi, nếu có ai hỏi, vẫn trả lời mình là Phật tử, nhưng hoàn toàn mù tịch về giáo lý của Đức Phật. Giỏi lắm là biết lõm bõm về cuộc đời của Đức Phật. Và chúng tôi sẽ đi hết cuộc đời làm người Phật tử của mình như thế, nếu không có biến cố xảy ra trong gia đình tôi.
Người chị thứ tư của tôi bỗng có cục u trên đầu. Bác sĩ khám, bảo u lành tính, cắt bỏ là xong. Thời gian sau, chị lại cảm thấy khó chịu ở ngực. Đi khám bác sĩ khác, bảo ung thư, phải giải phẫu. Giải phẫu xong, yên ắng được một thời gian, ung thư nhảy qua xương, và cuối cùng là chị ra đi.
Mọi người trong gia đình đều chứng kiến sự biến hoại thân xác của chị, sự vô thường của kiếp người. Nhưng mỗi người đã phản ứng với sự việc đó một cách khác nhau.
Mấy anh em trai khóc vì sự ra đi đột ngột của người thân. Khóc vì tiếc thương người thân. Nhưng gần như không có gì thay đổi nơi họ. Có người ngay sau đó cũng đi chùa, cũng đọc kinh, ăn chay, nhưng sau một thời gian ngắn là đâu lại vào đó. Anh tôi còn nói một cách rất ngây thơ rằng: “Tôi còn sân si quá, làm sao tu!”
Nhưng sự kiện đó lại làm mấy chị em gái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Tất cả đều quy hướng Phật ở nhiều mức độ khác nhau. Em Út tôi vô cùng hạnh phúc khi được quy y với một vị hòa thượng nổi tiếng. Chị tôi thì bớt nghe tin tức, bớt xem phim, thay vào đó chị tìm đọc các bài pháp, lắng nghe Pháp thoại trên số băng đĩa ít oi của thời ấy. Còn tôi, làm gì cũng hấp tấp, bản năng, nên lúc đầu đã soạn quần áo cho Goodwill [chỗ nhận đồ cho từ thiện ở Mỹ], đòi nghỉ làm, như thể sẽ xuống tóc đi tu liền. Nhưng dĩ nhiên là sự việc đã không xảy ra như thế. Duyên nghiệp đưa tôi qua một hướng khác. Tôi tìm đọc những gì có thể trong tầm tay, rồi mày mò dịch sách để khám phá xem người Tây phương nghĩ gì về Phật giáo. Tại sao họ tin Phật mà quay lưng với tôn giáo gốc của gia đình? Không ngờ công việc dịch thuật tưởng chỉ cho riêng mình cũng đã được bạn bè chia sẻ, khuyến khích, và duyên nghiệp đó đi theo tôi cho đến tận ngày nay. Không phải là duyên lành với Phật đó sao? Tôi hàm ân chư Phật biết bao cho vừa, nên càng cố công dịch các bài Pháp để chia sẻ với mọi người, xem như một cách chuộc lỗi cho bao thời gian mình đã hoang phí vào những chuyện không đâu.
Đúng là phải có duyên lành mới gặp được chánh pháp, mới thấy thích thú với những điều mình được học hỏi, mới không chán nản quay lưng lại với những gì mình vừa khám phá được. Đó là tâm trạng của tôi trong bước đầu ‘gặp’ Phật.
Tôi nhớ trong một bài kinh đã đọc (không nhớ tên), ngay chính Đức Phật cũng nói Ngài không thể độ người vô duyên. Và Đức Phật cũng nói số người biết tu thì ít mà số vô minh thì nhiều. Số chúng sinh sẽ được trở lại làm người thì ít mà số phải đọa vào các cõi ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục thì nhiều. [Kinh Thiểu Số (APPAMATTAKASUTTA), Nhật Tụng Kalama 2, trang 472, Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch.]
Muốn theo Phật, phải có lòng tin kính Phật tuyệt đối. Các anh em trai tôi thường có nhiều hoài nghi về người tu, mà họ xem là tiếng nói, là biểu tượng cho Phật giáo. Nhất là gần đây khi những thông tin không tốt lành về người xuất gia hình như ngày càng nhiều, và sự phạm giới cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngay chính tôi và các bạn đôi khi cũng thấy nản lòng, may mà nhờ có nghe Pháp thường xuyên, chúng tôi lại tự nhắc nhở mình nhớ đến câu: “Y Pháp, bất y nhân.”
Đúng là người ta sống ở đời thường dễ bị vật chất lôi cuốn mà bỏ quên đời sống tâm linh. Ngẫm lại bản thân mình cũng thế. Bao năm tuổi trẻ, tôi chỉ biết đi học, ra trường thì lo kiếm việc nuôi thân, rồi mua xe, tậu nhà, rồi yêu đương… Thật dễ dàng để cuốn theo dòng chảy của thế gian, có mấy ai ở tuổi trẻ biết nghĩ đến đời sống tâm linh? Bởi thế, tôi rất ngưỡng mộ những vị tu sĩ trẻ. Gương mặt họ hình như lúc nào cũng tỏa sáng nụ cười tự tại, trong khi những người trẻ khác tôi nhìn thấy hằng ngày, hình như lúc nào họ cũng cắm cúi, bận rộn với chiếc máy điện thoại trong tay. Hình như càng ngày những người tuổi trẻ càng ít ngẩng mặt lên nhìn người thân. Hình như chiếc điện thoại thông minh đang khiến họ kém hay mất đi sự thông minh tối thiểu. Đi du lịch thay vì thưởng thức bao cảnh thú vị ven đường thì họ đắm chìm trong những trò chơi bạo lực, hay những hình ảnh thác loạn của nhóm bạn.
Nói nhiều sẽ giống như mình đang bêu xấu tuổi trẻ, nhưng tôi cảm thấy thất vọng ngay cả với con cháu của mình. Tôi thấy mình bất lực, không đủ sức mạnh để răn đe chúng, không đủ thuyết phục để lôi kéo chúng trở về với đời sống tâm linh cao đẹp. Nói gì chúng cũng bịt tai, không muốn nghe. Chúng chỉ muốn nhìn, muốn nghe nhiều thứ từ cái máy Iphone. Cái máy nhỏ xíu đó đã thắng chúng tôi rồi. Chúng cười với máy. Ngủ. Ăn. Tắm, vệ sinh với máy. Chúng tôi thừa. Chúng tôi chỉ có mặt khi chúng cần: Chở con đi học. Cho con tiền. Nấu cơm con ăn. Giặt giùm cái áo… Tôi như nhìn thấy chúng nó, một đàn cừu mù, đang sắp hàng đi tới bờ vực, hố sâu trước mắt. Hình như mọi thứ đều đảo lộn trong xã hội này, ở thời đại này, đúng hơn là trên cả thế giới này.
Thật ra con đường tôi đến với Phật giáo cũng không dễ dàng. Khi mới về Việt Nam, tôi may mắn được một anh bạn chở đi thăm viếng các chùa thuộc nhiều hệ phái tại thành phố. Nhưng phải thú thật, kiến thức sâu rộng mà anh muốn nhắn gửi cho tôi, giống như nước chảy đầu vịt, tôi chẳng để tâm lắm. (Sau này mới hối về sự vô tâm đó). Chỉ nhớ chùa này có những cây mít trái sai oằn đến mặt đất. Chùa nọ có vườn rau xanh mượt trong khuôn viên chùa. Chùa này các sư cô mặc áo lam, chùa kia lại áo vàng, áo đỏ.
Rồi một ngày tình cờ ghé ngang một chùa ni nằm trong một hẻm nhỏ, gặp vị trụ trì quá niềm nở, sốt sắng, nên vị ấy bảo quy y thì quy y, không biết chùa theo hệ phái nào, phương cách tu hành ra làm sao. Mà vị trụ trì hình như mãi vui vì thâu nạp thêm được đệ tử, hay nghĩ đệ tử thông minh, nên cũng không giải thích cặn kẽ điều gì, ngay cả năm giới. Như thế đó, tôi trở thành một Phật tử thật dễ dàng. Má tôi ngày xưa là Phật tử của cúng sao giải hạn, cầu khấn van xin, còn tôi ngày nay là Phật tử của kiêng cữ, tránh né. Trở thành Phật tử, tôi chưa học hiểu được điều gì từ giáo lý của Đức Phật, thì đã phải ghi nhớ những điều lệ như: Không được chỉ trích người tu, dù có thế nào. Không được đứng cao đầu hơn người tu. Không được đi trước người tu. Ăn cơm ở chùa, gắp thức ăn bằng đũa, ăn bằng muỗng, vân vân và vân vân.
Nhiều điều lệ tôi thấy khi tuân hành không giúp gì cho sự hiểu biết thêm về Phật pháp, chỉ làm người ta hoài nghi trong dạ.
Như có lần tôi đi dự một đám tang có cả tăng và ni đưa đám. Tăng một xe, ni một xe. Tôi hân hạnh được ngồi chung xe với quý ni. Chỉ quý ni biết đường đến điểm hẹn, nhưng vì giữ lễ, quý ni không cho bác tài lái xe lên trước xe tăng. Phải đợi khi xe chư tăng ra hiệu, các ni mới dám để bác tài đánh xe lên dẫn đường.
Hiểu biết sâu hơn về Phật giáo, tôi cũng có những nỗi buồn khi thấy các hệ phái, tuy cùng là con của Phật, lại có những cái nhìn thành kiến về nhau. Bắc tông thì khó chấp nhận việc các tu sĩ Nam tông ăn mặn, ngược lại, Nam tông thì cho là kinh điển của Bắc tông không ‘nguyên thủy’ bị ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc, nên có nhiều hoạt động dễ đưa đến mê tín, dị đoan. Phật tử Nam tông và Bắc tông vì thế cũng có những cách trở. Trên FB (Facebook), không thiếu những comment chỉ trích, sửa sai cho nhau.
Cũng bởi vì thế, tôi không có một sư phụ. Tôi thấy em gái tôi thần tượng sư phụ của nó như một vị thánh. Nhiều Phật tử run sợ trước ‘thiền sư’ của mình. Tôi muốn được lãnh hội tất cả những điều hay, điều đúng của bất cứ hệ phái nào, bất cứ vị thầy nào, nếu đúng theo chánh pháp của Đức Phật.
Cá nhân tôi khi chưa hiểu chút gì về Phật pháp, tôi cũng có thành kiến với một số điều lệ. Thí dụ như luật Bất Kỉnh Pháp. Tôi đã nghĩ vì sao Phật lại trọng nam khinh nữ như thói thường tình. Sau này biết rõ lý do rồi thì thật phải tâm phục, khẩu phục cái nhìn thấu đáo, xa rộng của Đức Phật.
Đức Phật không dạy điều gì thừa thải. Chỉ năm giới đơn giản mà Ngài khuyên chúng ta tuân giữ: Nếu tất cả chúng sanh ở khắp mọi nơi đều thực hành theo, thì chiến tranh giữa các nước, các chủng tộc sẽ chấm dứt, xung đột gia đình sẽ không xảy ra, anh chị em không tranh chấp nhau, xã hội sẽ trật tự, an toàn.
Có phải do không biết hay không tuân giữ năm giới mà ngày nay người ta dễ sát hại nhau vì những lý do không đâu. Vợ chồng cãi nhau cũng có thể đánh nhau dã man. Ngay cả cha mẹ, cũng có thể bị con cái sát hại. Ngược lại, con cháu cũng có thể bị ông, cha xâm phạm. Nhiều bữa tiệc nhậu kết thúc bằng việc, nhẹ thì vào nhà thương nằm, nặng thì ra nghĩa trang, rồi tù tội, gia đình tan nát. Còn nói dối, lường gạt, thì là chuyện thường ngày ở huyện -nói theo cách nói hiện đại. Gần đây nhiều ông quan, bà giám (đốc) phải vào tù vì tham nhũng của công, là ăn cắp của người dân lương thiện. Còn ở ghế nhà trường đã hành xử như côn đồ. Hình như không có giới nào người ta không phạm. Vậy mà bây giờ năm giới hình như ít được nhắc nhở, giảng sâu trong các lễ hội ở chùa. Người ta còn lo giải oan, lo cầu siêu đủ cách. Bây giờ nhiều nhà chùa còn ra giá cho các dịch vụ ma chay như những nhà kinh doanh thương mại. Còn nỗi buồn nào hơn?
Chúng ta đang sống vào thời mạt Pháp chăng? Cả thế giới hình như đang chơi trò lộn ngược đầu. Gần đây tin tức từ Mỹ ồn ào, náo loạn với luật cấm hay không cấm phá thai. Nước Mỹ bỗng bị chia đôi, không phải do chiến tranh mà do lòng người. Người chống phá thai, thì thở phào nói: “Sinh mạng trẻ thơ đã chiến thắng.” Bên ủng hộ phá thai, phẫn nộ gào lên: “Thân thể tôi, tôi làm chủ.” Bên cạnh đó, người ta cầm súng vào trường học, vào khu shopping, vào sòng bạc, chĩa súng bắn người vô tội như một trò đùa. Ở nơi khác, người ta đốt nhau vì cái khăn đội đầu. Ở nơi khác nữa, người ta dùng hận thù để đáp trả hận thù -hoàn toàn trái ngược với lời Phật dạy- nên chiến tranh sẽ còn kéo dài. Nước mắt trẻ thơ sẽ vẫn còn chảy, máu nhân loại sẽ vẫn còn rơi… để làm nguội lạnh hận thù? Như Đức Phật đã dạy, chuyện đó ‘ngàn đời không có được’. [Kinh Pháp Cú 3-5, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.]
Trở lại con đường học Phật của tôi. Từ ngày tôi mới biết đạo cho đến nay cũng tròm trèm 20 năm. Con số thời gian nghe tưởng như dài lâu lắm, nhưng để có chút kiến thức về Phật giáo, thì con số đó có nghĩa lý gì. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình là kẻ sơ cơ. Những từ ngữ Pali không thể đi vào cái đầu cứng của tôi. Kinh nào đọc xong, nhớ được tên kinh đã là một cố gắng, nói chi chuyện ngồi thiền hàng giờ. Và bao giờ đứng trước tấm bảng đề cương về Vi Diệu Pháp, tôi cũng hoa cả mắt, loạn cả tâm. Sao mà cái tâm rắc rối đến thế. Tôi có bao giờ biết đến sự hiện hữu của nó đâu. Tôi vẫn ngỡ chính tôi làm chủ tâm, tôi là tâm, tâm là tôi. Giờ tôi phải nhìn lại nó, nghĩa là nhìn lại tôi.
Khi nhìn lại, tôi thấy mình vẫn chưa học được gì nhiều từ ngày làm con Phật. Nhưng hình như tôi cũng hơi khác với tôi ngày xưa từ ngày biết Phật. Tôi thấy mình bớt lòng ghen tỵ. Tôi đã có thể chúc phúc cho người đã quay lưng với tôi. Đã có thể thật lòng hoan hỷ cho hạnh phúc hiện tại của anh. Tôi bớt tranh cãi với anh chị em tôi. Bớt so bì với người. Biết bằng lòng với cái mình có. Và nhất là có được sự can đảm cần thiết để nghĩ đến cái chết gần kề.
Tôi không thể nói là Phật giáo đã cho tôi tất cả, nhưng tôi có thể mượn lời một nhà văn để lặp lại rằng: Phật giáo đã giúp tôi hướng đến một câu hỏi lớn hơn, Cuộc sống là gì?
2022
(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả có pháp danh Diệu Liên, nguyên quán Biên Hòa, Đồng Nai, rời Việt Nam năm 1969, về Việt Nam 1996, ngụ Phường 14, Tân Bình, Sài Gòn.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.