Thương bao kiếp thú trên đời

*Đọc 6 phút*

Photo: Golden Temple, Patan. Nepal, June 2018 (Kandukuru Nagarjun / Wikimedia Commons)

Bài PHÚC VIÊN

Westminster, ngày 3 tháng 11, 2013

Không biết tự lúc nào, dần dà tôi bị (hay được) ông xã truyền cho cái bệnh “thích chùa” nên cảm thấy có một mái chùa ngay trong khu phố mình đang ở (để tối tối có thể thả bộ đến) như hiện nay là một may mắn.

Từ hơn hai năm nay, mỗi tối vợ chồng chúng tôi đều “kết hợp” vừa đi bộ tập thể dục vừa ghé chùa lễ Phật (kiểu giống như “kết hợp” lái xe ngắm cảnh viếng chùa theo tinh thần “nhất cử lưỡng tiện” mà tôi đã từng đề cập trước đây ấy mà). “Phật” đây là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên, được tịnh xá dựng lên và để cổng bỏ ngõ cho khách thập phương có thể ghé qua lễ lạy bất kể ngày đêm.

Trước khi có thói quen đi bộ lễ Phật này, tôi lâu lâu có tới tịnh xá ấy để tụng kinh vào chiều tối nhưng rất hiếm hoi vì giờ giấc làm việc không cho phép. Một lần nọ, trong lúc có chuyện lo âu căng thẳng cùng cực về việc làm, tôi tụng kinh xong, cảm thấy chưa… đủ, bèn bắt chước mấy Phật tử khác, ra cầu nguyện trước tượng Phật Bà Quán Âm một hồi nữa để tìm sự bình an trong tâm hồn. Vì không thể tới chùa tụng kinh mỗi chiều, từ đó tôi bèn rủ ông xã cứ mỗi tối làm một vòng, vừa ghé chùa lễ Phật vừa đi bộ quanh khu phố để vận động cơ thể luôn.

Hằng đêm rồi đêm. Đã bao lần trăng tròn rồi khuyết. Có ngày hai vợ chồng huyên thiên vừa đi vừa kể nhau nghe chuyện đời, chuyện đạo. Cũng có khi chúng tôi cùng im như thóc đến đỗi nghe rõ tiếng bước chân nhau khua vọng trong đêm.

Vì đã gần 10 giờ đêm, thường thì chúng tôi không gặp ai ở chùa; chỉ thi thoảng mới thấy vài ba Phật tử có việc cần viếng hòa thượng trú trì hay quý tăng ni đi đâu đó về muộn. Gặp người hay không gặp người, điều này không mảy may thay đổi cảm giác yên bình mà sân chùa mang đến cho chúng tôi, trên đường đi tới cũng như lúc bước chân ra khỏi thiền môn để tiếp tục hành trình.

Thế nhưng đêm nay, bước ra khỏi chùa mà tâm tôi vẫn còn vướng víu một chuyện đau lòng qua khúc phim mình vừa chứng kiến. Đó là hình ảnh chú mèo con Jivati, người bạn nhỏ thân yêu của chúng tôi ở ngôi chùa đó, đang vờn một con chuột nhắt dưới chân như một trò chơi.

Dưới ánh đèn đường, ban đầu, tôi không nhận ra cái đốm đen đen nho nhỏ đó là một con vật còn sống. Từ xa tôi đã thấy chú mèo con ấy ngồi giữa sân xi măng, chăm chú bất động rồi tung phắt dậy, nhảy nhót, vồ chụp với một điệu bộ như là đang chơi giỡn một trái banh hay một món gì đó rồi vụt chạy đi khi chúng tôi tới gần. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng cúi xuống nhìn “hiện trường.” May quá, không thấy vết máu. Tôi thở phào, nghĩ bụng chắc mình nhìn lầm hay có thể đó là một con bọ có cánh nào đó và cuối cùng nó đã vụt bay mất rồi.

Khi lễ Phật xong, chúng tôi quay lại tìm Jivati và thấy chú mèo con ấy vẫn chạy nhảy đây đó lúc động lúc tịnh, xẹt qua xẹt lại, có khi chui xuống dưới gầm xe, có khi chạy tuốt ra góc sân và cuối cùng nó ngồi im trong vào tầm mắt của chúng tôi. Lúc này Jivati đã giở chân ra. Trước mắt nó là một con chuột nhắt màu xám đậm, có lẽ cũng còn nhỏ, đang thu người tròn vo như một nắm xôi be bé trông dễ thương và tội nghiệp vô cùng.

Hai chúng tôi lặng lẽ rời chùa. Tôi có cảm tưởng nghe rõ tiếng thở dài của ông xã tôi. Anh rất thương thú vật và nhất là mấy con mèo ở chùa này lắm. Jivati là tên mà anh đặt cho chú mèo con đó để chúng tôi phân biệt nó với những con mèo khác (mà hầu hết chúng tôi đều không biết tên). Nhân vừa đọc một quyển Đức Phật và Phật Pháp và chú ý tới nhân vật lương y của Phật, vốn là một em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong một cái giỏ và được một hoàng thân đem về nuôi, đặt tên cho là Jivaka dựa theo Phạn ngữ Jivati có nghĩa là sự sống sót, nhà tôi bèn cao hứng đặt tên cho con mèo ấy là Jivati. Nguyên có lần chúng tôi tình cờ gặp hòa thượng ra sân tiễn khách, khi trông thấy chúng tôi với hai ba con mèo nô giỡn chung quanh, sư ông bèn kể lại chuyện chùa nhặt con mèo bé nhất đó trước sân khi nó bị người ta bỏ rơi lúc hãy còn bú mẹ.

Ban đầu Jivati nhút nhát lắm, nhưng sau, theo gương những con mèo đàn anh đàn chị, nó dạn dĩ dần và trở nên gần gũi với vợ chồng tôi nhất trong đám mèo con ở đó. Mỗi lần tôi quỳ xuống lạy Phật nó hay chồm lên người tôi, nhẹ nhàng níu đôi chân trước vào vai tôi và ngước nhìn bằng cái nhìn đầy trìu mến. Nó cũng theo nghịch giỡn với cọng dây buộc mũ áo của nhà tôi khi hai đầu dây vô tình buông thỏng trong tầm tay nó mỗi lần anh cúi xuống lạy. “Mèo con hay thích chơi với mấy cuộn len, Jivati của mình cũng cần đồ chơi, để anh kiếm cho nó một món mới được.” Tưởng anh nói thế cho vui, ai ngờ tối hôm sau, khi con mèo sà tới, anh âu yếm rút trong túi áo ra  một sợi dây tương tự đưa cho Jivati vồ chơi một hồi.

Ôi chao, bây giờ thì nó đang chơi với một món đồ chơi làm bằng mạng sống của một chúng sinh khác. Còn đâu hình ảnh một Jivati thiên thần bé bỏng dịu hiền của chúng tôi! Ôi, cứ tưởng tượng dưới đôi chân trắng ngà huyền hoặc đó sẽ có cảnh máu đổ thịt rơi, trên khuôn mặt xinh xắn kiều diễm đó sẽ thoảng tanh mùi tử khí mà tôi thấy tiêng tiếc làm sao.

Thành thật mà nói, trước đây tôi không thích loài mèo lắm. Một phần có lẽ cũng bắt nguồn từ “truyền thống gia đình.” Cậu tôi rất ghét mèo, có lẽ vì chúng từ nhà  hàng xóm cứ hay lẻn qua nhà tôi ị vào mấy đụn cát hay chậu kiểng hoặc tè lên chỗ này chỗ nọ. Vì thế mỗi lần thấy bóng dáng chúng hiện ra sau nhà là cậu chụp lấy gáo nước, tạt cho chạy trối chết. Tôi thì rất sợ tiếng mèo kêu, từ tiếng kêu meo meo thảm thiết hay tiếng gấu ó, rượt cắn nhau kịch liệt giữa đêm ngay trên mái ngói làm tôi bạt vía kinh hồn. Có lần tôi chứng kiến một con mèo vật được một con chuột, ngoạm cắn cho tới khi con vật kia trở thành một khối thịt vô hồn rồi đủng đỉnh bỏ đi. Tôi bèn kết luận mèo ác hơn chó và càng thích chó hơn mèo.

Sau này, có dịp quen một ân nhân người Pháp vốn rất thích mèo, trong nhà bà toàn là hình mèo và con mèo của bà cũng rất ngoan (mà bà hãnh diện khoe là “đặc biệt tiến bộ”), tôi bắt đầu gạt bớt thành kiến không tốt về giống vật này. Nhưng mỗi khi con vật ấy trở chứng, không thèm chạy tới khi tôi gọi tên nó hoặc đang chơi đùa, nó bỗng đổi thái độ và vùng dậy bỏ đi “không lời từ biệt” thì tôi lại dè dặt với giống mèo một lần nữa, dầu bà chủ nó hết lời bênh vực, “Đấy là vì loài vật này có tánh tình rất là độc lập, điều mà tôi rất thích.”

Mãi tới khi gặp mấy chú mèo con ở tịnh xá này, tôi mới có cảm tình với mèo. Nay thì Jivati làm tôi đau lòng quá. Nhưng tôi không thấy ghét loài mèo như ngày xưa nữa. Tôi hiểu, chẳng qua đó chỉ là bản năng của chúng mà thôi. Tôi còn thầm thương, không biết kiếp trước nó gây tội gì để kiếp này bị đọa làm mèo với dòng máu đa sát khiến gây thêm nghiệp chướng như thế. Còn con chuột nhắt kia nữa. Trông thấy nó co tròn như nắm xôi nằm giả chết như một món đồ chơi cho con mèo nô giỡn để khỏi bị cấu xé tan da nát thịt, tôi bỗng động lòng trắc ẩn đến độ quên phắt những lần bực mình quá thể khi khám phá bịch đồ ăn của con chó chúng tôi để dưới garage bị những dấu răng nhọn cắn ba bốn lỗ, đổ bể tùm lum. Chẳng qua vì chúng đói, chúng cần kiếm cái để ăn mà thôi.

Làm người đã khổ, làm thú càng khổ hơn, bạn ơi. Tôi nén tiếng thở dài, cũng may nay tôi đã biết hiểu để mà thương. Khổ vì thương còn hơn là khổ vì ghét. Tôi thương Jivati của tôi, thương chú chuột nhắt sa cơ lỡ vận. Và cũng thương bao nhiêu kiếp thú khác trên đời.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *