Đức Phật truyền y bát cho ai?

*Đọc 13 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dựa vào ngôn ngữ văn tự và là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền ngoài kinh điển) truyền trao cho ngài Ca Diếp. Hay có phải, tất cả đều đúng như thế…

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn DN 16, thuộc Trường Bộ Kinh, nơi Tụng Phẩm II, có lời Đức Phật dạy, trích như sau, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Này Ānanda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ānanda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.” (1)

Theo lời dạy trên, Đức Phật dạy ngài Ananda rằng tất cả tứ chúng phải tự nương tựa, không dựa ai khác, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa. Tức là, phải nương theo lời Đức Phật đã dạy. Nghĩa ban đầu của chữ “Pháp” – tiếng Pali là “Dhamma” và tiếng Sanskrit là “Dharma” – là toàn bộ giáo lý của Đức Phật, tức là ngôi thứ hai trong Tam Bảo. Trong nghĩa khác, chữ “pháp” được hiểu là “sự thật” hay là “cách mà mọi chuyện xảy ra.” Một nghĩa khác, chữ “pháp” có nghĩa là “đối tượng của tâm.”

Trong một nghĩa thâm sâu hơn, mang theo một ẩn nghĩa vô vi, Đức Phật dạy trong Kinh MN 7 rằng: “Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu.” (2)

Trong nghĩa này, chữ Pháp có nghĩa “thiết thực hiện tại, không có thời gian” – tức là, xa lìa các ngôn ngữ hữu vi. Trong nghĩa này, cũng có thể hiểu là “giáo ngoại biệt truyền” là vì xa lìa ngôn ngữ, chỉ có người trí chứng hiểu.

Trở lại Kinh DN 16, trong Tụng Phẩm IV, Đức Phật dạy, trích bản dịch của Thầy Minh Châu: “—-Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì.” (1)

Nghĩa là, để kiểm chứng những gì là Chánh pháp, thì phải đối chiếu với Kinh và với Luật. Chỉ với Kinh và với Luật thôi (nghĩa là, Đức Phật không bảo dựa theo Luận, những sáng tác của đời sau). Đây là một lý do để một số vị sư từ chối dựa vào các luận thư đời sau, kể cả với Abhidhamma, và chỉ tin khi phần nào trong các luận thư phù hợp với Kinh và Luật. Qua đoạn văn trích nơi trên, chúng ta có thể hiểu rằng Đức Phật đã “trao truyền y bát” cho Kinh và Luật, và không trao truyền thẩm quyền đó cho vị sư nào hết.

Cũng trong Kinh DN 16, nơi Tụng Phẩm VI, Đức Phật tổng hợp hai đoạn trên để ngài Ananda ghi nhớ: “—Này Ānanda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)”. Này Ānanda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.” (1)

Nghĩa là, theo đoạn văn trên, Đức Phật không truyền y bát cho cá nhân vị sư nào hết. Mà thẩm quyền này trao cho Kinh và Luật. Bởi vì, bàn tay Phật đã xòe ra cả rồi, không có gì gọi là bí ẩn nữa. Tuy nhiên, Đức Phật lại nói rằng có những kinh cần được giải nghĩa nhiều hơn là những chữ được nghe. Nghĩa là, Đức Phật công nhận có ẩn nghĩa trong một số lời dạy. Nghĩa là, có Kinh liễu nghĩa và Kinh bất liễu nghĩa, nói theo chữ của đời sau. Thực tế, Đức Phật không sử dụng chữ “Kinh liễu nghĩa và Kinh bất liễu nghĩa” mà sử dụng chữ “Kinh đã được giải nghĩa, và Kinh cần phải giải nghĩa.” Như thế, Đức Phật cho phép các vị sư đời sau soạn ra các Luận thư, và do vậy là Abhidhamma xuất hiện và Kinh Đại Thừa cũng xuất hiện để vâng lời Phật nhằm nói lên các “Kinh cần phải giải nghĩa.” Và cũng vâng ý Phật, khi Thiền Tông xuất hiện, cũng là một cách giải nghĩa mới cho các Kinh cần phải giải nghĩa.

Tới đây, chúng ta sẽ trích dẫn Kinh AN 2.21-31, nơi đây Đức Phật cho phép “giải nghĩa Kinh” (có phải rằng Đức Phật công nhận có lời dạy “không dựa vào văn tự, mà truyền ngoài kinh điển”?), theo bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ kinh cần phải giải nghĩa là kinh đã được giải nghĩa, và người nêu rõ kinh đã được giải nghĩa là kinh cần phải giải nghĩa. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuyên tạc Như Lai.

Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, không xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ kinh cần phải giải nghĩa là kinh cần phải giải nghĩa, và người nêu rõ kinh đã được giải nghĩa là kinh đã được giải nghĩa. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, không xuyên tạc Như Lai.”(3)

Khi Đức Phật nói rằng có kinh cần phải giải nghĩa, nghĩa là công nhận vai trò các luận sư. Bây giờ là hình thành Kinh, Luật, Luận. Nói tới Kinh và Luật, thì không có người nào hiện ra. Khi nói tới kinh cần được giải nghĩa, tức là nói tới người giải nghĩa. Tới đây, câu hỏi là, có phải Đức Phật đã hàm ý ủy thác công việc giải nghĩa kinh cho vị nào đó (thí dụ, ngài Ca Diếp, hay ngài A Nan…) hay không?

Dò theo kinh điển, chúng ta sẽ thấy có kinh nói rằng Đức Phật đã chia chỗ ngồi với Ca Diếp, trao y cho Ca Diếp, và có kinh nói rằng Đức Phật “chuyển trao pháp kế thừa này” cho A Nan và dặn dò “Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn.” Nghe y hệt như các truyện tích Thiền Tông.

Ngài Ca Diếp nguyên là ngoại đạo, lúc đó đã có 500 môn đệ, nổi tiếng có nhiều thần thông. Và Đức Phật khi nghĩ tới thu phục Ca Diếp đã phải dùng tới nhiều sức thần thông oai lực và trí tuệ hơn Ca Diếp. Kinh EA 24.5 kể rằng Ca Diếp “biết thiên văn, địa lý; không gì không thông suốt. Toán số cây lá tất cả đều biết rõ. Ông dẫn năm trăm đệ tử thường ngày đi giáo hóa.”

Đức Phật đã chứng tỏ cho Ca Diếp thấy rằng Đức Phật đã hàng phục một con rồng dữ, đã bay lên các cõi trời, bay qua nhiều thế giới khác, thậm chí Đại Phạm Thiên vương tới nghe Phật thuyết pháp, đã đi trên mặt nước mà chân không ướt, vậy mà Ca Diếp vẫn chưa phục. Kinh EA 24.5 ghi lại, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Thích Đức Thắng:

Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đi ra bờ sông. Bấy giờ Thế Tôn đang đi trên nước, chân không bị dính nước. Khi đó Ca-diếp từ xa thấy Thế Tôn đi trên mặt nước. Ca-diếp thấy vậy, liền nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm lại có thể đi trên mặt nước. Ta cũng có thể đi trên mặt nước, nhưng không thể khiến cho chân không dính nước mà thôi. Sa-môn này tuy thật có thần lực. Nhưng vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”

Khi đó Thế Tôn bảo Ca-diếp: “Ông không phải là A-la-hán, cũng không biết đạo A-la-hán. Ông còn chưa biết tên A-la-hán, huống chi là đắc đạo sao? Ông là người mù. Mắt không trông thấy gì hết. Như Lai đã biến hóa ngần ấy sự, mà ông vẫn cứ nói ‘Không bằng ta đắc đạo chân.’ Ông vừa nói rằng: ‘Ta có thể đi trên mặt nước.’ Bây giờ là lúc thích hợp. Có thể cùng đi trên mặt nước chăng? Ông nay hãy bỏ tâm tà kiến, đừng để phải chịu khổ não lâu dài như vậy.”

Khi Ca-diếp nghe Thế Tôn nói như vậy, liền đến trước, mặt đảnh lễ sát chân: “Con xin hối lỗi, biết rõ sai trái xúc phạm Như Lai. Cúi xin nhận sự sám hối này.” Như vậy ba lần.” (4)

Sau đó, Ca Diếp và 500 đệ tử cùng quy y với Đức Phật. Kinh SA 1144 ghi lại hình ảnh Đức Phật tự tay trao y phấn tảo và giao phó gia tài Phật pháp cho ngài Ca Diếp. Kinh này ghi lời ngài Ca Diếp kể cho ngài A Nan, qua bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích như sau:

Phật bảo Ca-diếp: ‘Ông nên nhận y phấn tảo của Ta, Ta sẽ nhận y Tăng-già-lê của ông.’

Phật liền tự tay trao y phấn tảo trao cho ta. Ta liền dâng Tăng-già-lê cho Phật. Rồi lần lượt giáo thọ như vậy, trong vòng tám ngày, ta đã học pháp lãnh thọ nơi khất thực, cho đến ngày thứ chín, ta đạt đến Vô học. Này A-nan, nếu có ai hỏi thẳng: ‘Ai là Pháp tử của Thế Tôn, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật pháp và các thiền giải thoát, tam-muội chánh thọ?’ Thì nên đáp, đó là ta. Như vậy là nói chân chánh.

“Giống như người con trưởng thứ nhất của Chuyển luân Thánh vương, sẽ bằng phép quán đảnh mà ngồi lên vương vị, hưởng thụ ngũ dục của vua, không phải dùng phương tiện khổ, tự nhiên hưởng được. Ta cũng như vậy, là Pháp tử của Phật, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, đắc pháp và pháp tài khác như thiền định, giải thoát, tam-muội chánh thọ, không phải dùng phương tiện khổ, mà tự nhiên được.” (5)

Tuy nhiên, không chỉ riêng ủy thác thẩm quyền gánh vác gia tài Phật pháp cho một người. Kinh MA 67 ghi lời Đức Phật nói cụ thể là thẩm quyền chuyển trao pháp kế thừa là trao cho ngài A Nan, theo bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích:

Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn. Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật chủng đứt đoạn.” (6)

Tương tự, Kinh EA 50.4 ghi lời Đức Phật ủy thác thẩm quyền cho ngài A Nan và nhấn mạnh rằng đừng tăng hay giảm pháp này, theo bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích:

A-nan, pháp của Ta cứu cánh đến Vô vi. Pháp của Ta đưa đến chân tế, vượt lên trời người. Pháp ta vô lậu, vô dục, tịch diệt, diệt tận, độ thoát, giải thoát, chân sa-môn, đưa đến Niết-bàn. A-nan, nay Ta đem Đạo pháp vô thượng này ân cần giao phó cho ông. Chớ tăng giảm pháp của Ta. Chớ làm người biên địa. Nếu có hiện hành Thanh văn. A-nan, ai làm đoạn tuyệt pháp này, người đó là người biên địa. Ai làm hưng thịnh pháp này, đó là trưởng tử của Phật, tức là thành tựu quyến thuộc. A-nan, ông hãy thành tựu quyến thuộc. Chớ có hành vi làm tuyệt chủng tộc. A-nan, những pháp Ta đã nói trước sau đều phó chúc hết cho ông. Ông hãy học điều này.” (7)

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ tới lịch sử kết tập kinh điển, khi chư tăng vâng lời ngài Ca Diếp triệu tới để kết tập Pháp bảo, thì khi Đức Phật sinh tiền, ngài A Nan chưa chứng quả A La Hán. Nghĩa là, Đức Phật ủy thác cho trí nhớ siêu đẳng của ngài A Nan. Và theo Kinh EA 1.1, ngài Ca Diếp trong vai trò lãnh đạo Tăng đoàn, chính là người ra lệnh triệu tập hội chúng A La Hán kết tập Pháp bảo. Cũng trong Kinh EA 1.1, ngài A Nan nhắc lại rằng Đức Phật đã từng chia nửa tòa ngồi cho ngài Ca Diếp.

Từ từ… chúng ta nên đọc thêm. Đức Phật cũng từng tuyên bố trao thẩm quyền cho hai đại môn đệ khác. Lúc đó, có 500 vị sư tới đảnh lễ Đức Phật, gây nhiều tiếng náo động ồn ào, nên Đức Phật đuổi quý ngài này ra xa. Thế rồi, Đức Phật trong Kinh MN 67 nói rằng chỉ có Đức Phật, hay là hai ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên) mới lãnh đạo Tăng chúng được. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahamoggallana: — Này Moggallāna, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi?

— Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như sau: ‘Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Và từ nay con và Tôn giả Sāriputta sẽ lãnh đạo chúng Tỷ-kheo.’

— Lành thay, lành thay, Moggallāna. Này Moggallāna, chỉ có Ta hay Sāriputta và Moggallāna mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ-kheo được.” (8)

Như thế, qua các kinh dẫn trên, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã nói rằng thẩm quyền để tứ chúng nương tựa là Pháp, là Kinh và Luật, là kinh đã được giải nghĩa và kinh cần được giải nghĩa, là ngài Ca Diếp, là ngài A Nan, là ngài Xá Lợi Phất, là ngài Mục Kiền Liên. Tới đây, chúng ta sẽ nhìn theo một bối cảnh mới.

Trong bài viết nhan đề “Khảo Về Sự Kiện Niêm Hoa Vi Tiếu” (9) của Thầy Chúc Phú, ghi rằng một số cổ thư, như Quảng đăng lục của Lý Tuân Úc (988-1038), Truyền pháp chánh tông ký của Khế Tung (1007-1072) ghi lại sự tích Niêm Hoa Vi Tiếu dựa vào Đại Phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (trong Tục Tạng Kinh).

Theo truyền thuyết, Thiền Tông khai sinh từ sự tích Niêm Hoa Vi Tiếu, vì câu chuyện lúc đó là, vua trời Đại Phạm thiên vương tới pháp hội của Đức Phật, tự dùng thân làm tòa, trang nghiêm thiên y, thỉnh Phật an tọa, dâng cúng hoa sen. Khi Thế Tôn cầm hoa đưa lên, lặng lẽ. Ngài Ca-diếp mỉm cười. Thế Tôn mới nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, tổng trì nhậm trì, phàm phu thành Phật, đệ nhất nghĩa đế, nay đều giao phó cho Ma-ha Ca-diếp.”

Nghĩa là, có pháp môn không dùng tới văn tự lời nói, nằm ngoài kinh điển, chỉ vào thật tướng vô tướng, chỉ vào Niết bàn diệu tâm. Sự tích này được đưa vào sách Vô Môn Quan của ngài Vô Môn Huệ Khai (1183-1260), trở thành Công án thứ 6 để những người học Thiền đời sau nghiên cứu, tham khảo.

Tới đây, câu hỏi là, chúng ta suy nghĩ thế nào khi đọc về sự tích Niêm Hoa Vi Tiếu? Bạn hãy hình dung rằng, bạn đang ngồi trong pháp hội trên. Khi nhìn thấy Đức Phật cầm hoa đưa lên, tứ chúng dự đoán rằng Đức Phật sẽ nói gì đó. Chỉ riêng ngài Ca Diếp không mong đợi gì hết, chỉ lặng lẽ mỉm cười một cách hạnh phúc. Tại sao?

Lúc đó, bạn thấy và bạn nghe. Ngay khi bạn thấy và nghe, với tâm không mong đợi gì hết, lúc đó là bạn thấy bằng toàn thân, và bạn nghe bằng toàn thân. Hãy hình dung rằng, toàn bộ pháp hội lúc đó đều tịch lặng khi thấy Phạm Thiên dâng hoa, rồi Đức Phật cầm hoa đưa lên. Lắng nghe cái tịch lặng. Trong chính cái nghe (thí dụ, bạn nghe tiếng chim hót, nghe tiếng mưa rơi, và nơi đây là lắng nghe chính cái tịch lặng) bằng toàn bộ thân tâm đã là một lắng nghe vượt ra ngoài ngôn ngữ, một lắng nghe cái hiện tiền, một lắng nghe không vương tới quá khứ, một lắng nghe không nghĩ gì về tương lai, một lắng nghe với không một niệm khởi lên, một lắng nghe với không một nỗ lực nào…

Cái lắng nghe đó chính là một tâm tịch lặng đang xa lìa tham sân si. Lúc đó, nếu tâm của bạn khởi lên bất kỳ niệm nào, cái lắng nghe không còn là lắng nghe, mà là bạn đang níu vào quá khứ, vì niệm là ngôn ngữ, là sản phẩm quá khứ, là cái đã biết. Và khi bạn sống với cái đã biết, thì bạn đánh mất cái đang biết. Tương tự, trong khi lắng nghe, nếu bạn nghĩ gì về tương lai, bạn cũng sẽ mất đi cái hiện tiền đang nghe. Chính ngay nơi đang nghe, là dòng chảy vô thường lặng lẽ. Khi toàn thân tâm bạn tắm trong dòng chảy vô thường của cái đang nghe, là tâm bạn đang buông bỏ ba cõi và sáu đường, bởi vì cái lắng nghe này không còn dính vào một hiện tướng nào của ba cõi và sáu đường. Đó là Niết bàn diệu tâm. Lúc đó, đừng nghĩ rằng bạn phải tu gì nữa. Lúc đó, cái lắng nghe này là hiển lộ của trí tuệ, không phải là Nam Tông hay Bắc Tông, không dính bất kỳ nhãn hiệu nào. Lúc đó, lắng nghe chỉ là lắng nghe. Lúc đó là bạn đang kinh nghiệm lời Đức Phật dạy ngài Bahiya, rằng nghe chỉ là nghe, nơi đó sẽ thấy quay đầu là bờ, là hiển lộ tánh sáng vô vi đã có sẵn trong gương tâm, là sống trong các pháp ấn vô thường, vô ngã.

Lắng nghe như thế, ngay khi đó là tâm vô niệm, là tâm vô tâm, là “tâm của cái không biết” vì nếu bạn nói rằng bạn “đã biết xong” thì có nghĩa là bạn đã bước vào quá khứ, không còn mở tâm ra để đón nhận cái đang là.

Cái đang nghe chỉ là cái đang nghe, có nghĩa là, phải là cái nghe của “cái không biết” và đó chính là “cái đang biết” và không bao giờ trở thành “cái đã biết.”

Do vậy, khi bạn nghe với “tâm không biết” là khi bạn đang tắm gội trong chánh niệm về “cái đang biết” và cũng chính là đang tỉnh thức trong “cái hiện tiền, cái đang là” luôn luôn sinh động, luôn luôn tươi mới. Và lúc đó là, bạn đang sống cái vô thường, cái vô ngã, cái liên tục như huyễn đang trôi chảy nơi thân tâm bạn. Nếu bạn thấy và nghe thường trực ngày đêm như thế, đó chính là ý chỉ của Thiền Tông. Pháp này, không văn tự nào, không ngôn ngữ nào, không lời nói nào phô diễn cho minh bạch được. Vì một cách vô vi, cái đang nghe, cái đang thấy, cái đang biết… luôn luôn là hiển lộ của một tâm chưa biết, một tâm không biết.

GHI CHÚ:
(1) Kinh DN 16: https://suttacentral.net/dn16/vi/minh_chau
(2) Kinh MN 7: https://suttacentral.net/mn7/vi/minh_chau
(3) Kinh AN 2.21-31: https://suttacentral.net/an2.21-31/vi/minh_chau
(4) Kinh EA 24.5: https://suttacentral.net/ea24.5/vi/tue_sy-thang
(5) Kinh SA 1144: https://suttacentral.net/sa1144/vi/tue_sy-thang
(6) Kinh MA 67: https://suttacentral.net/ma67/vi/tue_sy
(7) Kinh EA 50.4: https://suttacentral.net/ea50.4/vi/tue_sy-thang
(8) Kinh MN 67: https://suttacentral.net/mn67/vi/minh_chau
(9) “Khảo Về Sự Kiện Niêm Hoa Vi Tiếu”: https://thuvienhoasen.org/a41162/khao-ve-su-kien-niem-hoa-vi-tieu

Hình: Bồ Đề Đạt Ma do Phan Tấn Hải vẽ


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *