Bài GAIL SILVER
(Khi một người thân qua đời, người lớn thường không biết phải giải thích như thế nào về cái chết với những đứa trẻ. Bà Gail Silver đưa ra một số đề nghị rất hữu ích dựa theo Phật pháp.)
*
Tôi nhận lời mời ngồi vào chiếc ghế bành của ông nội. Chiếc ghế này to, màu xanh da trời, và như mọi thứ từ thời thập niên bảy-mươi, vải bọc ghế bị nhiều vết xước, nhưng tôi không ngại. Lúc đó tôi mới có chín tuổi, và với hai chân quấn vào nhau như bánh xoắn pretzel, tôi chỉ nghĩ đến Pop-Pop [Bố của Bố]. Ông ngồi đối diện trong chiếc ghế còn kém thoải mái hơn ghế của tôi, miệng cười trong lúc chúng tôi chơi cờ checker. Kẹo được chứa đầy trong túi áo của ông, như chờ được lấy ra ngoài, và tôi bóc dần lớp giấy bích ngọc bọc những viên kẹo tròn, hết phong này đến phong khác, kẹo bạc hà Lifesavers.
Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng hôm đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông nội. Vài tuần sau, tôi đang ở trại hè thì có người lôi tôi ra khỏi một sinh hoạt buổi tối, nói rằng tôi cần gặp anh tôi trong phòng ăn. Anh nói cho tôi biết, “Pop-Pop đã qua đời.” Ông nội tôi bị đau tim và đột quỵ, chúng tôi cần phải về nhà để dự đám tang. Tôi sửng sốt, nghe đau thắt trong ruột. Tôi không biết phải nói gì, làm gì. Tôi chưa bao giờ có cảm xúc như thế, loại cảm xúc do sự mất mát để lại.
Về nhà, tôi cố gắng làm theo mọi người. Cũng dễ hiểu là cha mẹ tôi rất bận rộn, không có thời giờ (hay không có khả năng) để có những cuộc nói chuyện lâu hơn so với một cái ôm chầm hoặc một lời nhắc nhở tôi phải mặc y phục như thế nào tại lễ tang.
Nhớ lại buổi thăm ông nội lần cuối là cách tôi thích nhất để tưởng niệm ông. Thế rồi vài năm trước đây tôi đã nghĩ về ông vì một lý do khác: cha tôi lâm trọng bệnh ở giai đoạn cuối, và tôi cân nhắc về vấn đề làm sao chuẩn bị cho các con đối diện trước sự ra đi không thể tránh được của cha tôi.
Ngồi cạnh giường cha với người anh ruột, tôi quan sát cha đang ngủ say. Tôi tò mò chăm chú nhìn ông cử động ở tay và miệng, theo dõi nhịp thở của ông, và tôi cảm thấy thú vị khi nhận ra ông nội tôi đã được tiếp nối trong cha tôi – từ màu da đến mái tóc vẫn còn bóng và dầy.
Cuối cùng tôi nói với anh tôi, “Anh còn nhớ lúc Pop-Pop mất không?” Rồi tôi kể cho anh nghe về sự sửng sốt của tôi trước sự ra đi vĩnh viễn của ông nội, tưởng rằng anh mình cũng cảm thấy như vậy. Tôi không ngờ những chữ mà anh nói sau đó lại một lần nữa khiến tôi phải bàng hoàng.
“Đó không phải là lần đầu tiên ông nội bị đau tim,” anh nói. “Pop-Pop đã bị yếu tim khá lâu.” Anh nói một cách bình thản, làm như là “những cuộc giải phẫu trước đó” và “những lần vào nhà thương” là chuyện ai cũng biết, như trong hồ sơ dành cho công chúng. Nhưng không ai muốn cho tôi biết.
“Anh nghĩ là mọi người muốn bảo vệ em,” anh tôi nói.
Bảo vệ trước cái gì? Tôi thầm nghĩ.
Điều dễ hiểu là hầu hết người lớn không sẵn sàng để thảo luận với trẻ em về cái chết. Họ cho là một cuộc thảo luận như vậy cũng không thể chịu đựng được như sự mất mát một người thân. Nhưng đạo Phật nói cho chúng ta biết rằng sự đau khổ là một phần của cuộc sống. Để giảm bớt cơn đau, chúng ta cần phải hiểu và hòa giải với sự vô thường. Mọi thứ đều vô thường, ngay cả bản chất của cơn đau mà chúng ta cảm nhận khi chúng ta mất đi một người thân thương.
Khi ưu tư về việc làm thế nào để nói cho các con biết về sự đau buồn và cái chết, điều đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến là phải cho các con cùng tham gia. Chúng ta có thể thắc mắc, mà tôi nghĩ cha mẹ tôi đã từng có, rằng cho các con cùng trải nghiệm sự đau khổ có phải là điều nên làm không, được chứng kiến sự yếu đuối của cha mẹ chúng, hoặc khám phá ra rằng những người lớn đáng tin tưởng không có hết những câu trả lời, như vậy có tốt không? Tôi nghĩ nó tùy thuộc vào bản tính của từng đứa trẻ. Một quy tắc nói chung về việc cho trẻ em cùng tham gia, là chúng ta không những cho chúng được cơ hội đóng một vai trò trong nghi thức, mà còn tạo một tấm gương cho sự thể hiện bản thân và cung cấp sự chăm sóc bằng tình thương.
Khi quyết định nên chia sẻ điều gì, chúng ta áp dụng chánh niệm để đáp ứng nhu cầu của từng người – của chúng ta, của một đứa trẻ, của người sắp qua đời. Bắt đầu với bản thân chúng ta, bạn có nhận ra những tư tưởng của mình cũng như những ý định ở bên dưới tư tưởng đó? Nếu quyết định không chia sẻ một thông tin nào đó, thì có phải vì thông tin ấy quá khó cho bạn, hay vì bản tính hoặc tuổi của đứa trẻ mà bạn nghĩ là khó cho chúng thấu hiểu? Nếu cứu xét việc nói chuyện với con của bạn về vấn đề con muốn tham dự như thế nào. Nên nhớ rằng một số trẻ em, bất kể tuổi, muốn cuộc đối thoại được ngắn gọn, trong khi những em khác lại bày tỏ rất nhiều, cho thấy cá tính hiếu kỳ tự nhiên của chúng.
Kế đó là tâm trí của người đang chuyển tiếp, họ mong ước điều gì liên quan đến những người thăm viếng trẻ tuổi? Những ước muốn của họ, cộng với bản chất của mối quan hệ giữa họ với đứa trẻ là điều cần xem xét.
Khi chuẩn bị thăm người ở giai đoạn cuối đời, lẽ đương nhiên bạn cần nói cho trẻ em biết trước về những gì chúng sẽ thấy, và chúng cũng có thể muốn biết nên diện kiến như thế nào với một người sắp từ giã cõi đời. Dựa theo những gì chỉ có bạn biết về con của mình, bạn đề nghị những gì con có thể làm phù hợp với cá tính và khả năng của chúng. Chẳng hạn, bạn nói cho con biết rằng con có thể nắm tay người thân yêu của chúng, quan sát hơi thở phập phồng của người đó và thử thở theo cùng nhịp của người. Nếu cần một hành động nhiều năng lực hơn, bạn có thể đề nghị con kể (hay đọc) một câu chuyện, hoặc hát hay trình diễn một bài nhạc. Nên đề nghị con nói những chữ yêu thương, dặn dò con cần nói nhỏ (hoặc lớn) cỡ nào. Bạn nói cho con biết bạn sẽ ở bên cạnh để trợ giúp.
Một trong những đứa cháu trai gọi bằng dì của tôi thường đến cạnh giường cha tôi với nụ cười má lúm đồng tiền. Những lần thăm của cháu này luôn có đầy những cây bút vẽ crayon và những nụ hôn cho ông. Trong khi anh của nó, một đứa trẻ có cá tính dè dặt, thường đứng ở phía bên kia phòng, thầm lặng gởi tình thương bằng ánh mắt.
Các con ở tuổi teen của tôi, mỗi đứa có một cách hiện diện độc đáo tùy thuộc vào mối liên hệ giữa chúng với ông ngoại. Một đứa thường nói về môn thể thao baseball, nhất là đội Phillies [ở Philadelphia] đang như thế nào. Một đứa (có tài mọn viết nhạc) đã sáng tác một ca khúc cho ông. Còn cô gái út thì nói rằng nó không biết phải làm gì, nên chúng tôi đã cùng nhau ngồi yên lặng cạnh giường, có mặt với ông/cha bằng một cách đơn giản nhất. Điều tối quan trọng là chúng ta cần công nhận cách thức bày tỏ của mỗi đứa trẻ và hỗ trợ con trong hành trình của chúng.
Đến một lúc nào đó con của bạn có thể bày tỏ nỗi buồn, và bạn hãy nghĩ đến Phật pháp để hướng dẫn con. Dựa trên khái niệm lý duyên khởi (tất cả mọi chúng sinh và mọi vật đều có liên quan với nhau) và khái niệm về sự liên tục (sự trường tồn của một hiện hữu), chúng ta có thể giúp trẻ em chăm lo sự đau buồn của chúng. Mặc dù các khái niệm này thẳng thắn, chúng ta cần phải biết chắc rằng mình hiểu rõ khái niệm trước khi giảng giải lại với các bé. Mối quan hệ giữa trùng trùng duyên khởi và sự liên tục có thể được giải thích như thế này: vì chúng ta có liên hệ với nhau trong vũ trụ (qua phân tử, kinh nghiệm, và di truyền), chúng ta tiếp tục trong những người và nơi chốn chung quanh chúng ta, cho dù sau khi thân xác của chúng ta không còn hiện diện.
Chúng ta có thể bước nhẹ vào cuộc nói chuyện dễ hiểu đối với trẻ con, bằng cách chia sẻ một ví dụ điển hình về sự tiếp nối của một người thân yêu trong chúng ta và khuyến khích trẻ con hãy tìm một ví dụ tương tự. Có thể là bạn xuất sắc trong một lãnh vực nào đó vì bạn được thừa hưởng năng khiếu di truyền từ cha mẹ hoặc ông bà, hay là bạn nhìn vào gương và nhận thấy một người thân thương đã mất qua nụ cười hoặc ánh mắt ấm áp của bạn. Có phải sự thừa hưởng một điều gì đó từ người thân quá cố đã tạo ra con người, hành động của bạn? Nhìn vào bản thân để trải nghiệm sự có mặt của người thân không thể nào xóa hết nỗi buồn của chúng ta, nhưng những giây phút chánh niệm như vậy cho chúng ta cơ hội được cảm thấy gần gũi hơn với người đã đi xa, và nhờ đó nỗi buồn của chúng ta cũng vơi đi bớt.
Sau hết, hãy đề nghị con của bạn chọn cách tưởng nhớ hoặc tôn vinh người thân thương của chúng. Nếu đứa trẻ và người thân yêu của nó từng chơi thả diều với nhau trong mùa xuân hoặc nướng bánh pie trong mùa thu, bạn hãy khuyến khích chúng hãy tiếp tục những sinh hoạt này và truyền lại cho thế hệ sau. Cha tôi có thói quen ăn kem múc thẳng từ trong hộp vào mỗi buổi tối. Ông thích cạo dần mặt kem như xe Zamboni chà láng mặt sân trượt băng. Giờ đây tôi cũng thích ăn kem như vậy, mặc dù thói quen đó làm cho gia đình tôi phải chán ngán.
Về trường hợp của cha tôi, chúng tôi biết sự kết thúc sắp đến, và chúng tôi đã tận dụng thời gian còn lại rất tốt. Cha tôi sẵn sàng đón nhận những vị khách nhỏ tuổi, điều đó giúp cả gia đình được tham dự về sự ra đi của ông. Cao điểm cho tất cả chúng tôi trong sinh hoạt tập thể đó là buổi chúc mừng đêm Giao Thừa, khi chúng tôi cùng nâng ly và chia sẻ những gì chúng tôi đã học được từ cha của tôi, những gì không thể xóa nhòa được tiếp nối.
Sau khi chúng tôi nói xong, cha tôi cũng nâng ly lên không trung, và nói, “Bây giờ đến lượt tôi. Tôi được nói về điều gì mà tôi đã học từ tất cả quý vị.” Chúng tôi đều im lặng trong lúc ông ngưng lại giây lát, rồi ông nói, “Tôi đã học cách thương yêu, xin cảm ơn tất cả quý vị đã cho tôi món quà đó.”
Đến nay, mỗi năm cứ đến đêm cuối cùng của năm cũ và sắp sang năm mới, tôi nghĩ về cha tôi và những món quà mà ông đã để lại, và nhờ vậy tôi làm cho câu chuyện – luôn luôn – được tiếp tục.
*
(Kite images – hình hai cánh diều: Aarondoucett/ Wikimedia Commons, enhanced with Photoshop)
(Gail Silver là tác giả của cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi “Where Did Poppy Go?: A Story About Loss, Grief, and Renewal” (Bố Đã Đi Đâu?: Một Câu Chuyện Về Sự Mất Mát, Nỗi Buồn, và Làm Mới Lại). Bà Gail Silver cũng là người sáng lập và Tổng Giám Đốc của Dự Án Trường Chánh Niệm (The School Mindfulness Project). Bài viết này được đăng trên tạp chí Lion’s Roar số tháng Ba, 2024. Tinh Tấn Magazine xin mạn phép đăng bài được chuyển ngữ bởi Đồng Phúc.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.