Hòa Thượng Thích Pháp Tánh đang sửa soạn chánh điện Tu Viện Hoa Nghiêm, Santa Ana đón Tết vào tháng Giêng 2023 dương lịch. (Hình: Đồng Phúc)
Bài VĂN LAN
(Nguồn Người Việt Online)
Buổi tưởng niệm Phật A Di Đà tại Tu Viện Hoa Nghiêm, Santa Ana, đồng thời thuyết trình đề tài “Sự Khác Biệt Pháp Môn Niệm Phật trong Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Đại Thừa” diễn ra hôm Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2024.
Buổi thuyết trình đề tài trên như là một buổi tu học thường kỳ vào Chủ Nhật, gồm có hát Phật ca, trang kinh cúng dường, thuyết trình và hội luận. Sau phần nghi lễ có bữa cơm trưa.
Hòa Thượng Thích Pháp Tánh, viện chủ Tu Viện Hoa Nghiêm, giảng rằng, “Nhân duyên lớn các Đức Phật thị hiện ra đời đều có cùng một mục đích là ‘Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật.’ Người biết phản tỉnh tự tâm, thuận theo tánh Phật của mình, nỗ lực tu hành để phá dẹp hết những mê lầm khổ đau phiền não, luân hồi chết sống, được vui Niết Bàn, đâu có một pháp môn nào được dựng lên.”
Hòa Thượng nói tiếp, “Nhưng vì căn tánh của chúng sanh mê nhiễm chẳng đồng, nên Đức Phật tùy theo tâm bệnh của từng người mà diễn nói 84,000 pháp môn phương tiện, lớn, nhỏ, nhanh, chậm khác nhau nhưng có cùng một chủ đích là dạy cho chúng sanh quay lại chính mình, từ mỗi cá nhân tu tập bằng sức của mình, tuyệt đối không có một pháp môn nào chủ trương dạy người hướng ngoại tìm cầu, nương nhờ sức Phật để được sinh về cõi Phật. Người đời sau, không hiểu đạo lý này, cổ xúy người tu nương vào tha lực của Phật để được sinh về cõi Phật, khiến cho không ít người tu sanh niệm hoang mang.”
Trong bài pháp thoại, Hòa Thượng Thích Pháp Tánh giảng, “Lối tu của Phật Giáo Nguyên Thủy và lối tu của Phật Giáo Phát Triển về vấn đề niệm Phật, có khác nhau ở chỗ niệm Phật.”
Theo đó, người tu Tịnh Độ tin rằng niệm Phật A Di Đà là cách nhanh nhất để đạt được giải thoát, ai cũng làm được. Còn giáo lý trong Phật Giáo Nguyên Thủy thì cho rằng Thiền là để tự giải thoát, Phật không thể giúp được ai, chỉ có ta tự giúp ta. Ngay cả Đức Phật Thích Ca cũng tự mình giác ngộ, đưa đến giải thoát cao thượng.
Hòa thượng giảng, “Có quý Phật tử hỏi rằng từ trước tới giờ chúng ta đi chùa để làm gì, tụng kinh niệm Phật có phải là tu tập Phật pháp hay không, hay đó chỉ là những điều mê tín. Niệm Phật có thật sự được vãng sanh hay không. Phật Di Đà có phải thật sự được sinh ra trong thế giới của mình hay không. Tại sao mình có những lối tu đi ngược lại với điều căn bản của Phật Giáo, là tự mình phải phản tỉnh lại với tâm của mình để nhận ra tánh Phật của mình, tức là ông Phật của mình. Tại sao trong Phật Giáo có những lối tu bỏ đi tâm Phật của mình để chạy theo một ông Phật không có lịch sử.”
Hòa Thượng giảng tiếp, “Thật sự những kinh điển đó có từ trong giai đoạn nào, tại sao không có trong bốn thời kỳ kiết tập của Phật, có phải những kinh đó của Phật nói hay của ngoại đạo lồng vào mà cả ngàn năm nay chúng ta bị mê hoặc. Đó là những câu hỏi đặt ra, đến chùa để nghe được cái tánh Phật, để hiểu được tâm niệm của mình đang đau khổ như thế nào, có phương pháp tu tập nào để làm sạch những cái thấy biết, những suy nghĩ sai lầm, để đem lại sự an lạc tỉnh thức.”
Theo Hòa Thượng, đó mới là chủ trương của đạo Phật, “chứ không phải đến chùa đốt vài nén nhang, lạy vài tượng đá cầu khẩn để được Phật cho cái này cái kia, cuối cùng khi chết được rước về một hành tinh xa xôi nào đó hoàn toàn không ai biết đến.”
Hòa Thượng nhấn mạnh, “Tất cả những điều này là mê tín huyền hoặc, hoang đường trong Phật Giáo, chúng ta phải mổ xẻ để tìm thấy những chân lý thực tại mà Phật đã dạy. Còn nếu như chúng ta chỉ ngồi thừ ra đó, thụ động, Phật Giáo gọi là tỉnh thức khi chúng ta đang ngủ, nằm chết trong những niềm tin của tôn giáo. Phật đã nói ‘Dựng đứng lại những gì đã bị xô ngã,’ khi giáo pháp hiện nay bị lay động, mất gốc, bị biến chất. Tất cả không còn gì là pháp Phật nữa.”
Hòa Thượng khẳng định, “Phải mở bày ra cho mọi người thấy Phật pháp thật sự, sống và tu tập để thấy được kết quả là chấm dứt ngay khổ đau trong từng ý nghĩ chứ không phải sống trong những khó khăn của đời sống rồi cầu nguyện để khi chết được gõ mõ tụng kinh, để được về một hành tinh xa xôi nào đó, do các nhà tôn giáo giàu tưởng tượng vẽ ra một thế giới không có khổ đau. Tất cả những thứ đó trong Phật Giáo gọi là bệnh hoạn, tà kiến.”
Hòa Thượng nói tiếp, “Đối với người tu pháp môn niệm Phật, ngày vía Phật Di Đà trọng đại giống như ngày Phật Đản, vì ngài là Đức Phật có nhiều đại nguyện nhiếp độ chúng sinh sanh về cõi Phật. Ngài là một tông chủ của Tông Tịnh Độ.
“Dựa vào ngày giờ, mốc thời gian nào có trong kinh điển để chứng minh ngày vía Đức Phật Di Đà là ngày 17 tháng 11 âm lịch. Vì Đức Phật A Di Đà không phải vị Phật sinh ra trong thế giới này, do đó những người ở ngoài Tông Tịnh Độ cho rằng ngài không phải là một vị Phật có lịch sử, mà là một Đức Phật trên triết lý về tự tính. Những người tu niệm Phật dựa vào Kinh Bi Hoa là bộ Kinh Đại Thừa của Phật Giáo Phát Triển, có mặt sau khi Đức Phật nhập niết bàn hơn sáu trăm năm. Nếu căn cứ vào những kinh điển được kiết tập theo hệ Nikaya thì những hệ Kinh Đại Thừa là những kinh sau này, do các vị tổ sư có thể vì theo trình độ con người và bối cảnh lịch sử mà triển khai từ những Kinh Nguyên Thủy.
“Do vậy những kinh Đại Thừa không phải do Đức Phật nói, vì những kinh này không mang những hình thức tu tập để phát triển Niệm, Định, và Tuệ. Nhưng vì tính triết học văn hóa rất cao, nên người đọc Kinh Đại Thừa phải đọc theo tinh thần phản tỉnh tự tâm bằng tinh thần triết học của Phật Giáo. Nếu không thì sẽ mắc kẹt vào những phương tiện, do đó không thấy rõ được cứu cánh của Phật pháp là thấy được bản chất Phật nơi mình, và làm chủ được chính mình. Nếu đường hướng nào tu tập theo Phật Giáo mà thiếu Niệm, Định, Tuệ, đó không phải là pháp của Phật.”
Hòa Thượng Thích Pháp Tánh giải thích thêm, “Người Trung Quốc đã dựa vào ngày sinh của Vĩnh Minh thiền sư, tương truyền là hóa thân của Phật Di Đà, lấy ngày 17 tháng 11 âm lịch để tổ chức lễ vía Phật A Di Đà hằng năm. Không ai xác định ông này là hóa thân của Phật Di Đà, cũng không có lịch sử, bằng chứng nào để xác định điều này.”
“Hoặc là chúng ta có những câu hỏi tụng kinh niệm Phật không phải là công phu của Phật Giáo, hay đó là bệnh của tà kiến. Đến chùa để được nghe những câu hỏi và giải đáp, chứ không phải nghe cái gì là tin theo ngay.”
Hòa Thượng nói, “Đi chùa để cầu lạy xin cho được mua may bán đắt, cầu thăng quan tiến chức, cầu bản thân được mạnh khỏe, cầu mọi thứ… đến khi chết nhờ thầy đọc kinh gõ mõ để được sinh về cực lạc. Những thứ đó là những hoang đường điên đảo nhất mà con người đã làm bao lâu nay.”
(Bấm vào link để đọc nguồn bài báo Người Việt đăng ngày 5 tháng 1, 2024)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.