Bài VĂN LAN / Báo Người Việt
Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vừa giới thiệu 29 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc “Thanh Văn Tạng” trong “Đại Tạng Kinh Việt Nam” vào chiều Chủ Nhật, 19 tháng Ba, tại nhà hàng Brodard Chateau, Garden Grove.
Buổi ra mắt kinh sách Phật Giáo mang ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam, bởi vì đây là lần đầu tiên Phật Giáo Việt Nam có được 29 cuốn Kinh, Luật và Luận bằng tiếng Việt do Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam ấn hành năm 2023.
Dù chưa phải là toàn bộ “Thanh Văn Tạng” mà chỉ là một phần nhỏ, nhưng đây là thành quả sơ khởi của công trình phiên dịch để hoàn thành bộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam” bằng tiếng Việt để làm chuẩn mực cho sự tu học, nghiên cứu và góp phần vào việc phát triển văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, xã hội, cho Phật Giáo và xã hội Việt Nam trong và ngoài nước.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là chánh thư ký Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), cố vấn Hội Đồng Hoằng Pháp và chủ tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, từ Việt Nam tham dự trực tiếp buổi giới thiệu “Thanh Văn Tạng” qua Zoom.
Hòa thượng giải thích vì sao gọi là “Thanh Văn Tạng.” Theo hòa thượng, vì bộ “Thanh Văn Tạng” chứa đựng giáo điển cơ bản trong 45 năm thuyết pháp của Đức Phật. Từ giáo nghĩa cơ bản này được hiểu và giải thích khác nhau nên dẫn đến thời kỳ Bộ Phái Phật Giáo. Rồi sau đó là thời kỳ phát triển Phật Giáo và Đại Thừa.
Hòa thượng nói Tam Tạng Kinh Điển qua hệ Bắc Truyền nằm trong ba ngôn ngữ chính là tiếng Phạn (Sanskrit), chữ Hán và chữ Tây Tạng. Bốn bộ A-hàm bằng chữ Hán so với bốn bộ Nikaya bằng tiếng Pali thuộc Nam Truyền thì không có nhiều khác biệt.
Hòa thượng lưu ý rằng việc phiên dịch “Tam Tạng Kinh Điển” từ xưa đến nay không thể nào có được sự nguyên thủy lời dạy của Đức Phật và sự chuẩn xác hoàn toàn do trải qua nhiều thế hệ khẩu truyền và do “khẩu âm và phương ngữ nên trong các truyền bản được nói là Phạn văn đã hàm chứa khá nhiều sai lạc. Điều này có thể thấy rõ qua sự so sánh các đoạn tương đương Pali, hay các dẫn chứng trong Đại Tỳ-bà-sa, Du-già Sư Địa. Thêm vào đó, các dịch giả hầu hết đều học Phật và học tiếng Sanskrit tại các nước Tây vực chứ không trực tiếp tại Ấn Độ như La-thập và Huyền Trang, nên trình độ ngôn ngữ Phạn có hạn chế.”
Chư tôn đức tham dự có Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (chánh văn phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, chứng minh Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hội Đồng Hoằng Pháp); Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành (thượng thủ GHPGVN Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove); Hòa Thượng Thích Trí Tuệ (chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, viện chủ Trung Tâm Vạn Hạnh, Virginia); Hòa Thượng Thích Như Điển (chánh thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Đức); Hòa Thượng Thích Minh Nguyện (viện chủ chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana); Hòa Thượng Thích Pháp Tánh (viện chủ Tu Viện Hoa Nghiêm, Santa Ana); Hòa Thượng Thích Thái Hòa (phó thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp Quốc Nội GHPGVNTN, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Việt Nam); Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (phó thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời); Hòa Thượng Thích Nhựt Huệ (thành viên Hội Đồng Hoằng Pháp, viện chủ chùa Duyên Giác, San Jose); Hòa Thượng Thích Minh Tuyên (phó chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ); Hòa Thượng Thích Minh Hồi (tổng vụ trưởng Tổng Vụ Kiến Thiết GHPGVNTN Hoa Kỳ); Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (phó thư ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Canada); Hòa Thượng Thích Trường Phước (cố vấn Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp, Canada); Hòa Thượng Thích Tuệ Uy (quyền tổng vụ trưởng Tổng Vụ Giáo Dục GHPGVNTN Hoa Kỳ).
Trong diễn văn khai mạc, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, phó thư ký Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, hội trưởng Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, kiêm trưởng ban tổ chức, nói, “Sự thuyết pháp của Đức Phật đã để lại cho đời một kho tàng Kinh Luật đồ sộ là kim chỉ nam, là con đường hướng dẫn chư thiên và nhân loại, hướng thân lập mệnh trên tiến trình tu chứng. Đức Phật đã có lời di huấn tối hậu trước khi nhập Niết Bàn, ‘Pháp và Luật mà Như Lai đã tuyên thuyết và quy định là đạo sư của các người sau khi Như Lai diệt độ.’ Kể từ đấy, các hàng Thánh đệ tử thấy được tầm quan trọng của Giáo Pháp để quý ngài đã lần lượt tổ chức các đại hội kiết tập kinh điển, trùng tuyên lại kinh luật mà Đức Thế Tôn thuyết giáo suốt 45 năm.”
“Trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2,000 năm qua, có những bậc kỳ túc, lịch đại tổ sư vì tiền đồ hưng suy của đạo pháp mà gia tâm hạ thủ công phu phiên dịch được một số kinh luật, nhưng vẫn chưa được hoàn tất và môi trường phiên dịch vẫn chưa dàn dựng được một dịch trường có tầm cỡ Kinh Viện Quốc Tế để được thành tựu như ước nguyện. Cứ thế, thời gian lần lượt trôi qua cho đến năm 2021, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, cùng quy tụ một số Chư Tôn Đức Tăng Già, và cư sĩ Phật tử thức giả, học giả, quây quần lại với nhau để hoàn thành Đại Tạng theo tâm nguyện phụng hành. Nhờ vậy mà đến năm nay 2023, công trình văn hóa ngàn đời của Phật Giáo Việt Nam – phiên dịch ‘Đại Tạng Kinh’ – đã thành tựu, sơ bộ của bước đầu là ra mắt ‘Thanh Văn Tạng’ hôm nay,” vị hòa thượng nói tiếp.
Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời có ba Ủy Ban Duyệt Sách, Ủy Ban Phiên Dịch, và Ủy Ban Chứng Nghĩa Chuyết Văn, đã chăm chỉ làm việc ngày đêm, khi Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn miệt mài, cặm cụi làm việc không mệt mỏi để hoàn thành tiêu chí là bộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam” phải mang tính hàn lâm quốc tế.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan đã 96 tuổi, dù sức yếu vẫn cố gắng đến dự, ban lời đạo từ, “Tôi thiết nghĩ, với sự lãnh đạo tài đức của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và sự góp sức tận tụy của chư tăng, ni và cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thì việc hoàn thành bộ ‘Đại Tạng Kinh Việt Nam’ là điều tất yếu sẽ đạt được.”
“Điểm đặc biệt mà tôi biết là công trình phiên dịch ‘Đại Tạng Kinh’ của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được thực hiện trong chuẩn mực hàn lâm nghiêm túc, với sự đối chiếu các bản tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn và Tây Tạng, cũng như phần chú thích công phu rất giá trị sánh ngang hàng với các bộ ‘Đại Tạng Kinh’ có chuẩn mực quốc tế khác. Theo tôi nghĩ, một quốc gia như Việt Nam nếu có được nhiều công trình phiên dịch ‘Đại Tạng Kinh’ là một đại phước cho dân tộc. Không những thế, đó còn là một đại hạnh cho giới học Phật, giới nghiên cứu và các thế hệ tương lai để có nhiều tài liệu, nhiều văn bản, nhiều bản dịch ngõ hầu tra cứu, tham khảo và truy tìm thật nghĩa của Thánh Điển,” ông tiếp.
Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, thủ quỹ Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, phó ban báo chí xuất bản Hội Đồng Hoằng Pháp, kiêm thủ quỹ Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, giới thiệu nữ cư sĩ Quảng Nguyện, chủ nhân nhà hàng Brodard Chateau, đã phát tâm hỗ trợ tài chánh cho việc in “Thanh Văn Tạng,” với ấn phí trong đợt đầu này là $253,000. Đó là chưa tính cước phí chuyên chở lên tới khoảng $60,000 do Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam chi trả. Ông cho biết hôm nay ra mắt 29 quyển chỉ là sơ khởi bước đầu, có thể cần 10 hoặc 20 năm để hoàn tất.
Hòa Thượng Thích Như Điển trình bày khái quát về công trình phiên dịch “Đại Tạng Kinh Việt Nam” do Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết khái quát về công trình phiên dịch “Đại Tạng Kinh” dựa vào Thánh Giáo do kim khẩu của Đức Phật thuyết giảng được truyền bá từ hình thức khẩu truyền đến hình thức được ghi chép bằng văn tự qua các thời đại và quốc độ. Hòa thượng cũng hy vọng sẽ thành lập một Đại Học Phật Giáo để dạy tiếng Phạn, và dịch Kinh, Luật, Luận trực tiếp từ Phạn Ngữ sang tiếng Việt.
Hòa Thượng Thích Thái Hòa trình bày cho cử tọa biết sơ về 29 cuốn Kinh, Luật, Luận và Tổng Lục thuộc “Thanh Văn Tạng” do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ biên soạn, trong đợt đầu ấn hành, gồm có Kinh Trường A-hàm (2 cuốn), Kinh Trung A-hàm (4 cuốn), Kinh Tạp A-hàm (3 cuốn), và Kinh Tăng Nhất A-hàm (3 cuốn); Luật Tứ Phần (4 cuốn), Luật Tứ Phần Tăng Giới Bổn (1 cuốn); Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (3 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận (1 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận (1 cuốn); và Tạp Bộ gồm Lục Độ Tập Kinh (1 cuốn) và Kinh Hiền Ngu (1 cuốn); và 5 cuốn Tổng Lục.
Cư sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn, giáo sư đại học tại Canada, là nhà thơ, nhà báo, nhà bình luận thời sự, đã nói lên cảm nghĩ về công cuộc phiên dịch “Đại Tạng Kinh Việt Nam,” “Phật Giáo với một kho tàng kinh điển bao la, khi tôi từng học với quý hòa thượng và các giáo sư, chia sẻ về giáo lý và tiếp xúc với các tài liệu Phật Giáo nhưng chưa từng gặp bộ ‘Đại Tạng Kinh.’ Rất may khi Phật Giáo Việt Nam bắt đầu công cuộc dịch ‘Đại Tạng Kinh’ có tính chất hàn lâm, và việc này Phật tử Việt Nam đã đợi ngàn năm.”
Chi phiếu cúng dường ấn hành, xin đề “Vietnam Great Tripitaka Foundation” và gởi về địa chỉ, Vietnam Great Tripitaka Foundation, 4333 30TH Street, San Diego, CA 92104 (chi phiếu xin ghi nơi phần Memo, ĐTKVN).
Ở Hoa Kỳ có thể chuyển tiền vào tài khoản Bank of America của Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam bằng cách, Zelle vào địa chỉ email, daitangkinhvietnam@yahoo.com.
Từ các nước ngoài Hoa Kỳ, có thể chuyển khoản (wire transfer) theo địa chỉ và SWIFT code như sau,
Vietnam Great Tripitaka Foundation,
Account # 325152134392
SWIFT code, BOFAUS3N
Bank of America, N.A
222 Broadway, New York, NY 10038
Hội sẽ gởi Phiếu Công Đức (Donation Receipt) đến quý vị (nếu được cung cấp địa chỉ); và các khoản cúng dường này đều có thể được khấu trừ thuế theo luật định của chính phủ Hoa Kỳ.
Xem bài nguồn trên Nhật Báo Người Việt
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.