Ánh trăng rằm trong văn hóa và văn học Phật Giáo phương Đông

*Đọc 5 phút*

Bài THẦY SAKYA MINH-QUANG

Lục Tổ Huệ Năng nói:
Phật Pháp vốn ở thế gian
Trong đời giác ngộ, chớ màng đâu xa
Bồ-đề cuộc sống quanh ta
Bôn ba cầu Ngộ, chỉ là uổng công!

Chỉ một chồi non đầu xuân, một làn gió mát trưa hè, một chiếc lá rơi mùa thu, mảnh tuyết trắng mùa đông hay một ánh trăng, đêm rằm đã là một bài Pháp tuy không lời mà thực sự trác tuyệt, khiến ta học suốt đời vẫn chưa hết! Từ vô ngôn biến thành hữu ngôn, trong im lặng cảm nghiệm bỗng trào tuôn văn tự truyền thông. Xin chia sẻ những ai hữu duyên bài viết “Ánh Trăng Rằm Trong Văn Hóa và Văn Học Phật Giáo Phương Đông” nhân Mùa Trung Thu năm nay. Bài viết này cũng đã đăng trong Nguyệt San Người Việt Illinois tháng 9, 2015.

*

Con người đã chính thức đặt chân lên mặt trăng ở cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Những hiểu biết về mặt trăng ngày càng trở nên đầy đủ theo đà tiến bộ của khoa học vũ trụ. Tuy nhiên, dù khoa học vũ trụ có tiến bộ thế nào, kiến thức về mặt trăng có tăng thêm bao nhiêu, ánh trăng rằm rỡ ràng nhưng mát dịu vẫn lung linh huyền bí, là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ và văn nhân sáng tác để góp phần nuôi dưỡng đời sống văn hóa và tinh thần của bao thế hệ con người trên hành tinh này. Kho tàng văn học phương Đông liên quan đến ánh trăng từ xưa đến nay vốn đã vô cùng đồ sộ, đã đang và sẽ không ngừng phát triển, có lẽ mãi cho đến ngày nhân loại vẫn còn hiện hữu trên trái đất này. Ví dụ, Tô Đông Pha (1037-1101), một trong tám vị đại văn hào đời Đường Tống (Đường Tống bát đại gia), đã dùng hình ảnh ánh trăng tròn khuyết để nói lên quy luật vô thường của kiếp nhân sinh:

Trăng sáng tối tròn khuyết
Người vui buồn hợp tan
Việc này xưa đã vậy
Chỉ mong ai bình an!
Ngàn dặm chung trăng vàng!

(Nguyệt hữu âm tình doanh khuyết/Nhân hữu bi hoan ly hợp/Thử sự cổ nan toàn/Đản nguyện nhân trường cữu/Thiên lý cộng thiền quyên.)

Trong dòng chảy văn học phương Đông, văn học Phật giáo với hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử đã đóng góp to lớn vào gia tài văn học của nhân loại. Trong đó, hình ảnh ánh trăng rằm đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa và tôn giáo của người Phật tử, cũng như việc truyền tải tinh thần từ bi và tư tưởng triết học thâm thúy của Phật giáo đến với quần chúng bình dân.

Trước hết, ánh trăng rằm đã gắn bó đến đời sống tâm linh của các Phật tử qua các ngày sóc vọng (ba mươi và mười lăm âm lịch) hàng tháng. Vào những ngày này các Phật tử thường ăn chay, làm phước và về chùa tụng kinh, nghe pháp hoặc thọ Bát Quan Trai. Ngay cả những người không phải là Phật tử, hình ảnh mái chùa cong lợp ngói đỏ, tiếng chuông ngân nga hôm sớm giữa làng quê thanh bình, và lễ hội rộn rã trong những ngày rằm lớn đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tâm linh của người dân Việt:

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.

Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa.

(Quê Tôi-Nguyễn Bính)

(Photo: compartiendoluzconsol.wordpress.com)

Ngoài ra, trong văn học Phật giáo, ánh trăng rằm sáng rỡ ràng nhưng mát dịu được dùng để dụ cho vẻ mặt sáng ngời trí tuệ, trang nghiêm thanh tịnh, nhưng cũng vô cùng từ bi phúc hậu của các vị Thánh giả. Ví dụ, để mô tả A-nan, người đệ tử có khuôn mặt đẹp và trí nhớ siêu phàm của đức Phật, một bài kệ Phật giáo ghi rằng:

Mặt sáng như trăng rằm
Mắt đẹp tợ sen xanh
Phật Pháp như nước biển
Chảy vào A-nan tâm.

(Diện như tịnh mãn nguyệt/Nhãn nhược thanh liên hoa/Phật Pháp đại hải thủy/Lưu nhập A-nan tâm).

Hay trong Kinh Tạp A-hàm biệt dịch, cũng có đoạn dùng ánh trăng rằm để mô tả thân tướng đoan nghiêm của đức Phật, khiến chúng sinh hoan hỷ chiêm ngưỡng và phát khởi thiện tâm:

Ví như ánh trăng rằm
Hết mây, sạch tối tăm
Soi sáng khắp thế gian
Ai cũng hoan hỷ ngắm;
Đức Thích-ca Thế Tôn
Bậc đạo sư vô thượng
Tướng đoan nghiêm thù thắng
Uy đức khắp mười phương.

(Du như thạnh mãn nguyệt/Vô vân xử không trung/Quang minh chiếu thế giới?Nhất thiết giai nhạo kiến/Thích-ca Mâu-ni tôn/Thế gian đại đạo sư? Đoan nghiêm thù thắng đặc/Danh văn tất sung mãn. Kinh Tạp A-hàm Biệt Dịch).

Có lẽ Nguyễn Du (1766-1820), nhà đại văn hào Việt Nam mà cũng là một nhà học Phật, chịu ảnh hưởng hình ảnh văn học này, nên cũng dùng ánh trăng tròn để mô tả khuôn mặt đẹp đầy đặn phúc hậu của Thúy Vân, em gái nhân vật chính Thúy Kiều:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Lại nữa, vầng trăng không chỉ dùng để dụ cho vẻ đẹp sáng ngời trí tuệ mà dịu dàng từ bi, mà còn dùng để mô tả tâm từ bi bình đẳng và trí tuệ không vướng mắc trong sự nghiệp cứu độ chúng sinh của chư Phật và Bồ-tát. Kinh Hoa Nghiêm nói:

Bồ-tát: vầng trăng mát
Dạo giữa trời chân không
Sáng soi khắp ba cõi
Tâm tịnh: bóng trăng lồng.

(Bồ-tát thanh lương nguyệt/Du ư tất cánh không/Thùy quang chiếu tam giới/tâm pháp vô bất hiện.)

Bồ-tát đi vào đời cứu độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh được độ, như vầng trăng dạo đi giữa tầng không, ung dung, tự tại, đem ánh sáng cho đời mà chưa từng nghĩ mình làm gì cho đời. Đó chính là “tất cánh không” hay “chân không,” cảnh giới của người đã đạt được tuệ giác bát-nhã vô sở đắc. Ánh trăng sáng ngời nhưng mát dịu đem lại cảm giác an toàn và mát mẻ cho người đi đêm như thế nào, thì tâm từ bi và trí tuệ của chư Phật và Bồ-tát cũng đem lại sự tin cậy và an tâm cho chúng sinh trong đêm trường vô minh như thế đó. Ví như nước trong trăng hiện, nơi nào chúng sinh tưởng Phật là nơi đó có Phật; khi nào tâm chúng sinh thanh tịnh là lúc đó Phật hiện tiền.

Tóm lại, trăng rằm gắn liền với lễ hội Phật giáo, với tướng hảo trang nghiêm, trí tuệ sáng ngời và tâm từ bi bình đẳng của chư Phật và Bồ-tát. Trong khuôn khổ có hạn, bài viết này không thể nói hết được hình ảnh ánh trăng trong kho tàng văn học Phật giáo vốn vô cùng độ sộ với ba tạng kinh điển truyền thống, chưa nói đến các chú giải và sáng tác không ngừng qua từng thế hệ. Tuy nhiên, bút giả tin rằng đôi điều trình bày ở trên đủ để người đọc cảm nhận được hình ảnh ánh trăng rằm đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Phật tử Việt Nam nói riêng và các nơi trên thế giới nói chung.

Mùa Trung Thu 2015, viết tại Thiền Đường Bát Nhã

*

Thầy Sakya Minh-Quang (thientuongtemple.com)

Thượng Tọa Sakya Minh-Quang, viện chủ Tu Viện Thiện Tường, đã có gần bốn mươi năm kinh nghiệm tu học và hoằng dương Chánh Pháp trong và ngoài nước. Trên con đường hoằng Pháp lợi sinh, Thượng Tọa đã có rất nhiều cống hiến đối với Phật Pháp qua việc biên soạn sách vở, phiên dịch kinh điển, sáng tác thơ văn, và giảng dạy giáo lý.

Tu Viện Thiện Tường: 1512 N. Mckinley Ave., Champaign, IL 61821.
Điện thoại (217) 552-1479
Email: tuvienthientuong@gmail.com
Facebook: Tu Viện Thiện Tường
Website: https://www.thientuongtemple.com/


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *