Lời SƯ GIÁC NGUYÊN
(Nguồn: Nhật Ký Chép Bằng Kinh, tập13, đăng trên trang New Dharma Readers Facebook)
Ở đây Đức Phật nói có ba hạng người có mặt trên đời này tâm của họ giống như vết thương, như chớp sáng, như kim cương.
1. Tâm giống như vết thương
Có những người cộc cằn thô lỗ, dễ nổi điên, dễ phản ứng, dễ bộc lộ, họ luôn luôn trong tình trạng dễ dàng phản ứng trước bất cứ sự va chạm lớn nhỏ nào, hữu ý hay vô tình. Ngài nói tâm tư của họ giống như một vết thương đang làm độc.
Nếu chỉ đọc lướt qua bài kinh này bằng một não trạng nông thô thì không có chuyện gì để nói, nhưng lớn chuyện ở chỗ này: Vì đâu mà anh dễ bất mãn như vậy? Bởi vì anh đã kín đáo có sẵn trong lòng anh một niềm đam mê lớn nào đó. Người nào sân càng lớn là người đó đang kín đáo chứa một cái tham lớn nào đó. Sân là mặt trái của tham, ghét là mặt trái của thích.
Do còn thích còn ghét nên lúc nào ta cũng nuôi dưỡng một cái tôi to đùng, chính vì có cái tôi đó nên ai chạm tới là ta bèn có phản ứng. Người không còn thích thì không còn ghét, người không còn ghét nghĩa là người ta đã không còn thích. Kẻ nào mà tối ngày mặt mày quạu quọ, sân si giống như mất sổ gạo, bị táo bón, chắc chắn là kẻ ấy có rất nhiều thứ đang cần được thỏa mãn, cần đang hoàn tất mà không xong nên cái mặt họ mới tang thương như vậy.
Tuy trên mặt chữ chúng ta thấy Đức Phật dạy, có những người có tâm giống như vết thương đang làm độc bởi tâm họ rất sân si, rất dễ bộc lộ thể hiện sự phản ứng. Nhưng điểm sâu sắc của đoạn kinh này là vì đâu mình là con người như vậy? Đó là vì mình thích những cái không đáng thích, mình lưu tâm những cái không đáng lưu tâm, mình bực mình những cái không đáng bực mình thế là mình mới ra như vậy.
Tại sao như vậy? Voltaire có nói: Khi không còn gì để nói thì người ta sẽ nói bậy, khi không còn gì để làm thì người ta sẽ làm bậy, khi không có gì đáng để suy nghĩ thì người ta sẽ nghĩ bậy. Như vậy từ đó suy ra, người dễ sân si nghĩa là người này trong đầu rỗng, hưởn, để ý chuyện này chuyện kia mà bực mình.
Thân người khó được, tuổi đời mong manh, trừ thời gian ngủ (một phần ba cuộc đời) và thời gian ngu (dưới 18 tuổi), trừ thời gian đầu tắt mặt tối vùi đầu trong trường lớp, trong công sở, trong công việc, thời gian còn lại của mình muốn làm cái gì một cách hữu ích đâu còn được bao nhiêu. Ấy vậy mà người ta bèn dùng luôn cả thời gian bằng vàng ấy để thích những thứ không đáng thích, ghét những thứ không đáng bận tâm, bận tâm những thứ không đáng bận tâm. Như vậy quả là phí hết một kiếp người.
Mạng người ngắn ngủi mà cứ làm toàn những chuyện không cần thiết. Do anh có những chú ý không cần thiết nên anh có những bực mình không cần thiết. Do anh có những bực mình không cần thiết nên tâm tư của anh lúc nào cũng giống như một vết thương đang làm độc, đang mưng mủ hết. Bài kinh sâu là ở chỗ đó đó quí vị, chớ còn liếc qua thì mình thấy ở đây Ngài nói chỉ đến người quạu quọ. Không phải đơn giản như vậy đâu. Tại sao mình quạu? Tại vì mình quá hưởn và không có dành thời giờ cho những cái quan trọng.
2. Tâm giống như tia chớp
Tâm giống như tia chớp nghĩa là gì? Người có học A-tỳ-đàm một tí ti thì sẽ dễ hiểu hơn. Trong vô số kiếp luân hồi chúng ta sống trong bóng tối của tâm thức, chúng ta hoàn toàn mù tịt không biết Bốn Đế, 12 Duyên khởi là gì hết, cho đến một ngày kia chúng ta nhận ra hay ai đó nói cho chúng ta biết đời này là khổ, vui khổ đều là khổ, đều là nhân sanh khổ.
Hành trình của người học đạo gồm ba bước: (1) trốn khổ tìm vui bằng cách chạy theo cái thích, trốn cái ghét; (2) trốn khổ tìm vui bằng cách hành thiện lánh ác. (3) tiếp tục hành thiện lánh ác nhưng bằng nhận thức như sau: thiện ác đều là nhân sinh tử, và buồn vui đều là khổ như nhau có điều là gián tiếp hay trực tiếp mà thôi. Chỉ có người nào đến được bước (3) này thì mới có cơ hội dốc lòng hết sức mà tu tập Tứ Niệm Xứ.
Thiện ác đều là nhân sinh tử, có lên sống mãn kiếp rồi cũng lọt xuống trở về đơn vị gốc. Gốc là nơi không cần nỗ lực mình vẫn có mặt. Thiện vẫn đáng chán vì nó cho mình quả lành tái sanh ở cõi vui, sống hết trên đó cũng trở về đơn vị gốc.
Buồn vui cũng vậy, buồn khổ thì ai cũng sợ, sướng vui thì ai cũng thích nhưng được bao lâu? Khổ một chỗ nữa là cái buồn mình đang chịu đựng thì ai cũng biết khó chịu đã đành, còn cái hạnh phúc sung sướng nếu nhìn bằng trí tuệ thì thấy nó không bền, nó có nhiều cách để bỏ mình lắm. Vùi đầu trong cái vui sướng lại là tiếp tục chuẩn bị cho cái chuyện chịu khổ kiếp sau.
Đây là lý do vì sao hành giả Tứ Niệm Xứ từng bước từng bước thay đổi thành con người khác. Họ ăn không cần ngon, mỗi ngày không cần vui cười không phải là họ khùng mà vì họ từ từ thấm, họ thấy cái gì là vị ngọt của đời sống không khác gì vị đắng, bởi nó giống như muỗng đường có pha thuốc độc vậy. Đường tuy không phải là thuốc độc, nhưng nằm chung với thuốc độc thì mình phải tránh. Viên kim cương 5 carats thì quí thật nhưng gắn với một quả bom thì làm sao ham nổi. Không phải là mình không ham viên kim cương, nhưng nghĩ tới trái bom thì lạnh người rồi.
Trong vô số kiếp luân hồi cái đầu chúng ta là cái đầu bư, chúng ta không biết Bốn Đế là gì hết. Một ngày nào nghe sách nghe giảng coi kinh, chúng ta mơ hồ nhận ra, chúng ta bèn tu tập công đức để có một ngày công viên quả mãn, chúng ta chứng Tu-đà-hoàn. Lúc chứng Tu-đà-hoàn là lần đầu tiên trong dòng sinh tử thăm thẳm bằng khả năng thật sự của riêng mình chúng ta nhận ra: À thì ra mọi thứ là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa, hành trình nhận thức ấy được gọi là con đường thoát khổ. Lần đầu tiên nhận ra điều đó được gọi là Sơ ngộ, tầng thánh Sơ đạo hay tầng thánh Sơ ngộ.
Trong kinh cho ví dụ thế này, giống như có một người đi đêm giữa một con đường mịt mù không có nổi một tia ánh sáng, tự nhiên có một tia chớp nhoáng lên. Tia chớp nhoáng lên lần đầu, vị ấy nhìn thấy à thì ra trước mặt mình có một cái lâu đài, có hồ nước, có nhà cửa, có quán xá, có chợ búa, thấy như vậy thôi, rồi trời tối trở lại. Vị này biết chắc rằng trước mặt mình có cái gì, nhưng không rõ bằng cái thấy lần thứ hai khi trời nhoáng lên lần thứ hai, thế là cái thấy đầu tiên được tô đậm, được củng cố. Thấy hai lần thì cái nhìn phải rõ hơn chứ, đó là tầng thánh Tư-đà-hàm. Tầng thánh thứ ba, đắc A-na-hàm thì đó là nhoáng lên trí tuệ nhận diện niết-bàn là gì. Niết-bàn là Diệt đế, sự vắng mặt của Tập đế.
Lúc đắc Tu-đà-hoàn, tầng thánh Sơ ngộ (Dassana) thì vị ấy đã thấy niết-bàn là gì rồi nhưng mới lần đầu tiên, đến lần thứ hai thì rõ hơn, và lần thứ ba là rõ hơn nữa, đến lần thứ tư thì coi như trời đã sáng, không cần trời nhoáng nữa. Đắc A-la-hán rồi nhìn quanh thấy sáng trưng không còn chỗ nào tăm tối khuất lấp nữa. Vì vậy Đức Phật dạy có những người có tâm như tia chớp là vậy, (nhưng chúng ta yên tâm, trong phòng mình không có người đó đâu, có thì đâu có vô đây).
Tất cả là ba lần chớp. Cái thấy của vị đó chưa được hoàn mãn, toàn diện như vị La-Hán. Vị La-Hán mới đúng là giác ngộ toàn tập, nhìn không sót một góc nào hết. Cho dù vị A-la-hán không đắc một tầng thiền nào hết nhưng vị này biết rất rõ bất cứ nơi nào trong trời đất bao la và vô lượng vũ trụ hễ có danh có sắc thì phải do duyên mà có, có rồi phải mất. Ngài không biết gì về thiền, không biết cõi Phạm thiên là sao, nhưng ngài biết chắc ở đâu có thân có tâm thì chắc chắn ở đó là do các duyên tạo nên, và hễ có mặt thì phải có lúc nó vô thường biến mất.
Vị A-la-hán nắm chắc như vậy, vị A-la-hán biết rõ thiện là con đường sinh tử vui vẻ; ác là con đường sinh tử u buồn đau khổ. Đã là con đường sinh tử thì không có con đường nào hay hết; đều là lối đi trong nhà tù, thì dù có trồng hoa quí hay rải miểng chai kẽm gai thì đều là lối đi trong nhà giam hết.
Phàm phu mình giống như một đứa bé cấm không cho ăn ngọt ban đêm, nghe nói rằng sún răng thì xấu lắm, đi nha sĩ đau lắm thì ớn nhưng trong bụng vẫn còn thích, ôm con gấu vô giường ngủ rồi nhưng mắt vẫn liếc phía sau thấy hộp sô cô la ngon quá, muốn ăn một viên rồi đánh răng cũng được. Biết ăn sẽ sún răng, sẽ đi nha sĩ, sẽ nhổ răng rất đau, nhưng lòng vẫn chưa yên đâu. Phàm phu mình học đạo thì học vậy thôi, biết đời là khổ nhưng mê đời vẫn mê.
3. Tâm giống như kim cang
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như kim cang?…” (‘‘Katamo ca, bhikkhave, vajirūpamacitto puggalo? Idha, bhikkhave, ekacco puggalo āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati.”)
Chữ ‘vajira’ này vô cùng khó dịch. Tiếng Việt thì ‘Vajira’ có nghĩa ‘lưỡi tầm sét’, ‘búa thiên lôi’, mà cũng có nghĩa là ‘kim cương’ nữa. Trong Chú giải nói, ở đây mình phải hiểu nghĩa là ‘lưỡi tầm sét’.
‘Vijiu’: ‘làn chớp’ (mình nhìn thấy trên trời); ‘Vajira’: ‘làn sét đánh’ (đánh xuống sập nhà, làm chết cây, chết trâu bò v.v. bị sét đánh là bị trúng ‘Vajira’).
Đức Phật dạy rằng trí tuệ của vị La-Hán giống như làn sét, cắt đứt mọi thứ. Ba tầng thánh thấp chỉ ở mức ánh sáng mà thôi chứ chưa dứt điểm. Dứt điểm là ở tầng thứ tư (giống như làn sét) cắt đứt 100% không cần tái sanh nữa. Nói như vậy thì hiểu như vậy thôi chứ đừng coi thường ba tầng kia vì những lý do sau:
(1) Nếu không có ba tầng kia thì làm gì có tầng La-Hán.
(2) Ba tầng kia không trừ dứt điểm toàn diện triệt để nhưng phải nói những phiền não quan trọng bậc nhất đã trừ bỏ ở tầng đầu tiên rồi, chỉ là chưa dứt bỏ hoàn toàn như tầng La-Hán.
Ở đoạn kinh 2, Ngài ví dụ ba tầng thánh đầu tiên bằng những tia chớp trên trời. Nhờ tia chớp đầu tiên mà biết trước mặt mình có cái gì, người đắc Tư-đà-hàm (tầng thánh hai) thì giống như nhìn thấy tia chớp lần hai; đắc A-na-hàm giống như tia chớp lần ba và A-la-hán thì trời đã sáng. Đoạn kinh 3 thì Ngài nói trí tuệ La-Hán giống như làn sét cắt đứt mọi thứ.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.