Bài NGỌC ÂN
(Nguồn: Báo Viễn Đông)
Bà Nguyễn Thị Năm, sanh năm 1966.
Ông Lê Văn Tư, sinh năm 1944 và ba con, tử nạn tại đảo Kra 21 tháng 12, 1979.
Ông Huỳnh Phi Long, sinh năm 1959, tử nạn tại đảo Kra ngày 8 tháng 11, 1979.
Sáu-mươi mốt thuyền nhân ra đi ngày 6 tháng 12, 1979 tại Nha Trang, tử nạn tại đảo Kra 22 tháng 12, 1979.
Ông Trần Quang Huy, sinh năm 1944, và 8 người trong gia đình, tử nạn tại đảo Kra 1979. (Giáo Sư Trần Quang Huy, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học, cùng vợ là Lê thị Thương, cũng là Giáo Sư, hai ông bà du học ở bên Pháp rồi về nước, lúc vượt biên đi cùng tàu, bà đang có mang nên thoát, còn tất cả gia đình 9 người chết hết.)
Bà Đinh Thị Bằng, sinh năm 1939, cùng 4 con 2 cháu, tử nạn tại đảo Kra 1979.
Bà Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1960, bị bắt cóc ngày 23 tháng 12, 1979.
Ông Phạm Thành Tâm sinh ngày 7 tháng 6, 1947
Ông Phạm Thanh Tuyền, sinh năm 1984, bị giết trên biển 1988.
Bà Joan Brittany Bùi Cát Thanh, sinh ngày 8 tháng 8, 1968, mất tích tháng 8, 1988.
Bà Lê Châu Loan Thụy, sinh ngày 7 tháng 9, 1969, mất tích ngày 4 tháng 10, 1987.
…
Chị Loan (Kuku) mở từng tấm bia đen khổ bằng nửa trang giấy học trò lấy ra từ thùng giấy, đưa cho tôi đọc tên, ngày sinh, ngày mất, trong khi chị Kim Hường kiểm lại trong danh sách tổng cộng 64 tấm bia, chị Loan (Kim Hương) kiểm lại một lần nữa rồi gói lại cẩn thận trong bọc, cất lại vào thùng. Cô Vũ Thanh Thủy ngồi một bên, thỉnh thoảng ngắt lời kể thêm chi tiết về những thuyền nhân tử nạn.
Danh sách này thân nhân đã ghi tên đặt làm bia đem ra Koh Kra qua cô Thủy. Bên cạnh, tiếng ồn ào của cuốc xẻng đào đất, làm cột gắn những tấm bia này lên, tiếng các chú các anh trong đoàn vội vã gọi nhau tới giúp, các cô các chị lặng lẽ quan sát, có người thẫn thờ ngồi nhặt từng chiếc lá rơi trên mặt đất trong khu sẽ là một ngôi mộ tập thể duy nhất trên đảo Koh Kra.
Trời sắp về chiều, gió biển có vẻ thổi mạnh, có tiếng Sư Ông hơi lớn tiếng hơn nói chuyện với các Phật tử đi theo giúp đoàn, rồi tiếng cuốc, tiếng xẻng đột nhiên ngừng, chỉ còn mấy chị em chúng tôi vẫn đếm, đọc, gói cất đi những tấm bia mang tên thuyền nhân hoặc chết, hoặc mất tích, hay bị bắt đi, cho đến tấm bia cuối cùng.
Chúng tôi rũ liệt, ngồi bệt bên cạnh thùng giấy lớn đã được đóng nắp gọn ghẽ, để an toàn trên đầu con dốc cạnh nơi sẽ là nấm mộ tập thể, không ai nói với ai tiếng nào, ngay cả chị Kim Hường và chị Loan Kuku là hai chị lúc nào cũng đem lại tiếng cười nói rộn rã nhất trong nhóm, thỉnh thoảng có tiếng thở dài của chị Loan Kim Hương. Gió lớn hơn, lá cây rơi rào rào như mưa chung quanh, trong không gian đã có mùi nước mưa mang theo vị mặn của biển.
“Mấy cô kiểm bia xong chưa, không sao đâu, mấy tấm bia có bị nước mưa cũng không hư, nghe Sư nói sắp có bão lớn.”
Hai chị Loan, chị Kim Hường kéo tôi đứng dậy, “Chị em mình về lều thôi, đi đi em.”
Níu lấy chiếc nón lá, khăn quàng cổ của chị Loan bay phần phật trong gió, “Người bị bắt cóc, bị mất tích, toàn là tuổi chị em mình.”
Mấy chị em bắt đầu khóc, “Ừ, mình cũng dễ dàng là người nằm lại bất cứ nơi nào trên đường vượt biển mà, sống mới lạ, chết dễ như không!”
Tháng Tư, Koh Kra 2017, có quá nhiều điều để nhớ, nhưng với tôi, có lẽ lúc ngồi trên đầu dốc, cạnh ngay nơi sẽ là nấm mộ tập thể trên đảo Koh Kra, trong lúc xác thân của đồng bào tôi bật lên đêm qua rải rác trắng mặt đất, cùng các chị trong nhóm giở từng tấm bia, đọc tên đồng bào đã chết hoặc mất tích, là những giờ phút đau đớn nhất khi nhớ về Koh Kra.
Nếu 2016 hồi hộp chưa biết mạo hiểm ra đảo hoang sẽ ra sao, thì chuyến về Koh Kra 2017 khác hẳn, chính Sư Ông và đoàn tu học chúng tôi đã gặp trên đảo lần đầu tiên năm 2016 đưa chúng tôi đi. Sư Ông ra tận phi trường Nakkhon Si Thammart đón chúng tôi, cho về nghỉ ngơi ở chánh điện Chùa Watsamphraek, Pak Phanang, là ngôi Chùa Sư về trụ trì từ năm 2006. Phật tử kéo đến Chùa nấu nướng đãi khách, rộn ràng như Tết.
Năm nay đặc biệt có tới sáu vị lãnh đạo tinh thần cùng đi trong đoàn: Hòa Thượng Thích Huyền Việt từ Houston, Texas, Thượng Tọa Thích Phước Thiền từ Melbourne, Úc, một vị Sư Tây Tạng, và ba Linh Mục Công Giáo: Cha Phạm Quang Hồng ở Úc, Cha Nguyễn Văn Hùng từ Đài Loan, Cha Phạm Hữu Tâm ở Houston, Texas. Cả đoàn trên dưới 40 người nằm la liệt trong chánh điện. Cha Hồng làm cho mọi người lập tức có cảm giác gần gũi, thân quen nhau ngay qua những trò chơi, bài hát, nhất là với tài kể chuyện khôi hài, dí dỏm của Cha.
Nửa đêm về sáng, Sư Ông đã hối thúc chúng tôi lên đường ra Koh Kra. Năm nay thay vì đi hai tàu lớn như 2016, chúng tôi được Sư Ông sắp xếp đi năm chiếc ghe nhỏ, điều thuận lợi nhất là ghe nhỏ vào được sát bãi san hô, không phải di chuyển từ tàu lớn sang ghe nhỏ, nhưng chính yếu là vì đi với các Phật tử là ngư phủ trong vùng, dùng ghe nhỏ lại ra đảo nhanh hơn, chỉ bằng phân nửa thời gian tàu lớn đi, vì đi ven bờ, không cần ra khơi vượt biển lớn như đi trên tàu.
Đầu tháng Tư năm ấy nhằm vào tháng Ba âm lịch, thuyền đi êm như trên mặt nước hồ, không ai bị say sóng như đi tàu lớn. Chỉ mất hơn hai tiếng đoàn đã ra đến đảo, nắng sớm đàu ngày rạng rỡ chào đón, cảnh đẹp và bình yên đến độ ai không biết Koh Kra từng là địa ngục trần gian, dễ dàng có cảm tưởng đây là hải đảo thần tiên!
Tôi được cho biết trước khi đoàn ra đảo, đã có một số Sư trẻ trong đoàn tu học và vài Phật tử cùng theo ra trước, chuẩn bị đón đoàn còn có hai anh Minh (từ Úc) và Ken (từ Mỹ,) dự định phát quang các bụi cây gai góc đằng sau bãi san hô trắng để rộng chỗ cho cả đoàn.
Tôi vừa đặt chân lên đảo, anh Minh đã vội vã chạy đến, “Đi theo anh, anh muốn em được chứng kiến trước khi cả đoàn lên.”
Qua bãi san hô, qua bụi cây năm trước còn dầy đặc, lộ ra một con dốc dẫn lên bãi đất trống đã được giăng dây trắng bốn góc. Anh Minh bật khóc, giao cho tôi bó nhang, quì xuống trước hàng dây trắng, “Em nhìn đi, xương trắng rải rác khắp mặt đất, xương của đồng bào mình ở nơi mà năm trước anh đã kiếm được dấu tích có mộ, anh mất hai ngày để sắp xếp cho khu đất được bằng phẳng, vuông vức hơn.”
Giơ cao nén nhang, anh cảm ơn Trời Phật đã cho đoàn đến nơi bình an. Anh van vái anh linh đồng bào đã bao nhiêu năm nằm trên đảo cô quạnh, rồi anh lại bật khóc, quì xuống sắp xếp mấy trái cây trên đĩa. “Các anh chị đợi chút, chúng tôi soạn mâm cúng bái đầy đủ hơn.”
Tôi khóc òa lên, quì xuống trên mặt đất còn mềm ướt cơn mưa đêm trước, trong khi em Ken (là một bác sĩ) chỉ cho tôi thấy xương ống chân, những đốt xương sống, cả xương hàm, rải rác trắng mặt đất.
Anh Minh nói, “Chỗ này là nơi mặt đất mềm duy nhất trên đảo, nên năm trước anh đã mong được ở lại lâu hơn, nhưng phải về vội vã quá, bởi vậy năm nay anh và Ken ra trước, ý là để sửa soạn đón đoàn, nhưng chính là anh muốn tìm mộ đồng bào, rồi xem có thể liệu cách nào xin phép hốt hài cốt đồng bào đem về Chùa Sư Ông trụ trì, để thân nhân có biết thì đến viếng, đem vào đất liền dù sao đi viếng mộ đồng bào cũng dễ hơn ngoài hoang đảo này.”
Sư Ông đã lên đến nơi, vừa nhìn qua mấy anh em chúng tôi người nào cũng đầm đìa nước mắt quì trước khu đất được chăng giây, Sư hiểu ngay. Sư đứng quan sát chung quanh, thấy có một cái vách tường đã bị đổ nát gần đó, Sư lên tiếng gọi các Phật tử trong đoàn ngư phủ đưa đoàn ra đảo, rồi nhanh chóng, Sư chỉ cần một cái búa nhỏ trong tay, gõ vào các viên gạch trên bức tường, gỡ xi măng bám chung quanh, lập tức đã có ngay những viên gạch lớn nguyên vẹn.
Sư gọi mọi người giúp đưa gạch xếp thành một vòng chữ nhật chung quanh khu đất, “À! Sư tạm lập một ngôi mộ tập thể!”
Cô thông dịch viên được gọi đến để Sư giải thích, “Đúng vậy! Xếp gạch lên để đánh dấu không ai bước vào nơi sẽ là ngôi mộ tập thể, rồi Sư sẽ hỏi ý đoàn định làm gì sau đó.”
Nhanh chóng mỗi người một tay, tiếng cuốc xẻng vang lên, người khiêng gạch, người bàn tính sẽ cần bao nhiêu vật liệu để mau chóng dựng bia, đặt thêm Tượng Đức Mẹ, nội trong hai ngày ngắn ngủi trên đảo. Mấy chị em chúng tôi được giao cho việc kiểm lại 64 tấm bia xem có sai sót gì so với danh sách được đem theo. Tưởng rằng mọi việc sẽ êm xuôi, chúng tôi sẽ lập mộ nhanh chóng như đã dự định, nhưng không, bão tố đang đến, cả từ trời đất lẫn con người!
Chúng tôi bị gọi xuống tập trung ở bãi san hô, mấy người lính Hải Quân Thái ra lệnh cho chúng tôi xếp thành hai hàng, đàn bà một bên, đàn ông một bên, ai cũng phải có passport trên tay, trong khi hai người khác chạy sâu vào trong đảo xem xét.
“Chúng tôi nghe báo là có âm mưu của tổ chức buôn người trên đảo!”
Nghe lùng bùng lỗ tai, “Buôn người?”
Họ không nói chuyện với chúng tôi, mà áp giải ngay các ngư phủ ngồi xếp hàng một trước năm chiếc ghe, Sư Ông và các Sư trong nhóm tu học cũng bị dồn vào một góc.
Không thèm nghe Sư Ông giải thích “Đây là nhóm du khách từ ngoại quốc, Úc, Mỹ, Âu Châu đến dự nghi thức An Vị Tượng Phật trên đảo.” Sư chỉ cho họ thấy hàng chục tượng Phật được đặt dọc theo các vách đá trên đảo làm bằng chứng.
“Không! Trước hết cho chúng tôi kiểm soát giấy tờ!”
Có người đưa phone lên chụp hình, lập tức bị yêu cầu xóa ngay, hay sẽ bị tịch thu điện thoại!
“Thiếu điều tụi nó chỉ còn lục soát tiền bạc nữ trang nữa là giống y hệt hải tặc ngày xưa!”
Mấy chị thầm thì, có chị run rẩy, chị khác an ủi, “Đừng sợ, dù sao tụi mình cầm passport của ‘đế quốc’ Úc và Mỹ, tụi nó không dám hỗn đâu!”
Sau cả tiếng vặn vẹo, tra hỏi Sư Ông và các ngư phủ, mấy người trong đội tuần duyên của Hải Quân Thái bỏ đi, không quên hăm dọa, “Sáng mai chúng tôi sẽ quay lại, mọi người sửa soạn bị tạm giữ ở đồn cảnh sát Pak Phanang khi vào đến đất liền, trả lời cho âm mưu ‘buôn người!’”
Chưa hết choáng váng vì bị gán cho “âm mưu tổ chức buôn người,” gió bắt đầu nổi lên dữ dội, mây đen kéo tới, Sư Ông và các ngư phủ yêu cầu chúng tôi lập tức tập trung vào góc sát vách đá, xem như được chắn một bên gió, sửa soạn đối phó với bão bất ngờ sắp tới.
Thoăn thoắt chạy lên chạy xuống bãi đất có những cây cao sau ngôi mộ tập thể còn chưa thành hình, Sư Ông chặt đem xuống một thân cây dài và thẳng làm cây đà ngang cho một cái lều lớn, vừa cho tất cả hơn bốn mươi người chúng tôi có thể tránh mưa bão qua đêm. Đêm mưa bão ở đảo là một đêm kinh hoàng, gió rít từng cơn, biển đen như mực, sóng biển và bão tố gào thét, cây đà ngang chống đỡ lều sập xuống, may mà không có ai bị thương tích gì, chúng tôi nằm dưới tấm bạt ướt sũng mưa, run cầm cập, không ai than thở hay kêu khóc gì, chúng tôi tự an ủi nhau “Ở trên đảo địa ngục này, đồng bào mình đã từng sống và chết đau khổ hơn tụi mình bây giờ nhiều, cùng lắm là qua đêm nay thôi!”
Sau nghi thức cầu nguyện cho thuyền nhân bỏ mình trên đảo sáng sớm hôm sau, Sư Ông ra lệnh cho đoàn ghe mau chóng quay về đất liền, “Bão này còn kéo dài ít nhất cả tuần, chỉ có mấy tiếng yên tĩnh trước khi cơn bão kế tiếp kéo tới, không thể chần chờ được!”
Cả đoàn mau chóng rời Thái Lan trước khi bị “tạm giữ ở đồn cảnh sát chờ hỏi tội âm mưu buôn người!”
Phật tử trong Chùa kể cho chúng tôi nghe Sư Ông nằm mê man một tuần lễ sau đó. Cả đêm mưa bão trên đảo, Sư Ông quì trên mộ tập thể của thuyền nhân Việt Nam! Qua cô thông dịch viên, Sư Ông kể nguyện ước của ngài đã thành: mười năm trước đây khi về trụ trì Chùa, Sư luôn mơ cùng một giấc mơ, có những cô con gái khóc lóc, năn nỉ Sư ra đảo gần Pak Phanang cầu nguyện cho họ, vì họ nằm ngoài đó lạnh lẽo bơ vơ lắm.
Sư hỏi Phật tử đã có chuyện gì xảy ra trong vùng? Không ai trả lời. Sư cố gắng quyên góp, gây quĩ trong suốt mười năm để có đủ tài chánh tổ chức khóa tu học và đem tượng Phật ra đảo! Pak Phanang là một làng đánh cá nghèo nàn, lại rất ít Phật tử, quyên mãi mới đủ đem được ba tượng Phật ra đảo năm 2016. Gặp đoàn cựu thuyền nhân tình cờ, Sư mới hiểu ra những cô gái nhỏ về khóc với Sư hằng đêm là tại sao. Hoàn tất khóa tu học 2016 trở về, Sư Ông nói chuyện với Phật tử trong vùng, họ òa khóc, người ta đồn nhau nỗi oan khiên của thuyền nhân Việt Nam không hề phai nhòa, mà chuyện hải tặc năm xưa thì ai cũng biết, nhưng bị những đe dọa họ không thể kể!
Chỉ trong vòng một năm sau, Sư Ông đã mau chóng quyên đủ tiền đưa thêm tượng Phật ra đảo. Sư Ông cầu xin ngày đêm ơn trên cho Sư một dấu hiệu, thì từ 2016, Sư đã chứng kiến, người chết linh thiêng, không một sức mạnh tiền bạc hay chính trị nào có thể che giấu được chuyện thuyền nhân Việt Nam liều chết, bỏ chế độ Cộng Sản Việt Nam mà đi, cho dù có chết thảm khốc trên đường vượt biển!
Hẹn gặp nhau ở Koh Kra tháng Tư 2018. Sư Ông gởi lời nhắn, “Nếu thuận tiện thì xin những vị lãnh đạo các tôn giáo cùng đến lần tới nữa, các bạn của chúng ta nhắc nhở đó, xin đừng quên cầu nguyện cho họ.”
Đừng quên tôi…
(California tháng Tư 2021)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.