Bài NGỌC ÂN
(Nguồn: Báo Viễn Đông)
Địa danh Koh Kra là ở đâu vậy? Mở Google kiếm thử, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều bài báo trong thập niên 80 viết về hòn đảo địa ngục này, như sách “Hải Tặc Trên Vịnh Thái Lan” phát hành năm 1981 tại Hoa Kỳ của các nhà văn, nhà báo Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy thuật lại sau khi được cứu thoát khỏi đảo Koh Kra năm 1979. Tài liệu tiếng Anh, xin trích dẫn bài báo: “Người Tị Nạn Bị Hãm Hiếp và Tàn Sát Trong Tay Ngư Phủ Thái” –New York Times ấn bản ngày 23 tháng 11, 1979, do ký giả Henry Kamm tường thuật:
“Mười-bảy người tị nạn Việt Nam, trong đó có bốn em nhỏ, đã bị ngư phủ Thái tàn sát trên biển, và hầu hết 37 phụ nữ trên bốn con thuyền tị nạn đã bị khoảng 500 ngư phủ hãm hiếp nhiều lần trong suốt 22 ngày những thuyền nhân sống sót bị giam giữ trên đảo Koh Kra – một hòn đảo hoang ngoài khơi miền nam Thái Lan. Cảnh Sát cho biết 57 tàu đánh cá của Thái đã ngừng lại đảo này, cướp bóc, hãm hiếp, đánh đập thuyền nhân. Những nạn nhân sống sót được nhân viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn tại Pak Phanang thuật lại phụ nữ bị hành hạ ngày đêm, trong khi đàn ông bị đánh đập tàn nhẫn để họ không thể đến gần vợ con đang bị bọn ngư phủ hãm hiếp. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới chỉ có 12 tuổi.
“Một người trên trực thăng tình cờ bay qua đảo trước khi nạn nhân được giải thoát cho biết ông nhìn thấy xác người nổi trên mặt nước, trong khi 12 tàu đánh cá vây chung quanh. Hải tặc ném các trẻ em trên thuyền tị nạn xuống biển để buộc mọi người lớn trên ghe nhảy xuống mước theo. Một phụ nữ kể lại khi cô và các cô gái khác trốn trong bụi cây trên đảo, hải tặc nổi lửa đốt để các cô phải tự bò ra, một cô bị phỏng trầm trọng.
“Cảnh sát cũng cho biết thêm hồi đầu năm 1979 đã có bảy hải tặc Thái bị kết án cướp bóc, hãm hiếp thuyền nhân Việt Nam, trong số đó, một tên bị bắt tại Songkhla trong khi đang tìm cách bán 5 cô gái Việt Nam tuổi từ 11 tới 22 cho động mãi dâm. Tên đồng phạm thứ sáu bị bắt tại Nakhron Si Thamarat.”
Cuối tháng Ba 2016, chuyến đi “Về Bến Tự Do” do Văn Khố Thuyền Nhân tại Úc tổ chức lần đầu tiên về lại Koh Kra. Sáu tiếng trên biển, hai con tàu chở gần 40 người từ Úc, Mỹ, Pháp, Canada khởi hành tại bến tàu Pak Phanang từ tờ mờ sáng cho kịp thuận con nước như lời hướng dẫn của ngư phủ địa phương. Vì là lần đầu tiên, ai cũng nao nao trong lòng, có cảm tưởng như đang vượt biên một lần nữa, vì đã được khuyến cáo vùng biển này vẫn là sào huyệt của cướp biển, quyết định đi là chấp nhận rủi ro, vì lỡ có chuyện xảy ra, không ai có thể đến cứu kịp.
Càng đến gần đảo, đoàn càng hồi hộp, tàu bắt đầu chạy chậm lại, thăm dò, vì vào vùng biển san hô không dễ cho tàu chạy nhanh như trên biển lớn. “Có tượng Phật kìa!” ai đó la lớn.
“Duyên lành rồi! Tưởng là đảo hoang như ngày xưa!”
“Bà con làm ơn giữ trật tự, nhóm đầu tiên vô đảo chuẩn bị.”
Như đã được chia nhóm, chúng tôi gồm có Trưởng Nhóm Trần Đông, cô thông dịch viên Thái Việt, anh chuyên viên quay hình và tôi cùng hồi hộp xuống ghe nhỏ vào đảo, càng đến gần chúng tôi càng thấy rõ, không chỉ có tượng Phật, mà còn thấy có người, mầu áo cà sa của các vị Sư Thái rõ dần, năm, sáu vị cũng chạy từ trong đảo ra, mắt nhìn về phía ghe chúng tôi, hai bên cùng kinh ngạc.
“A Di Đà Phật,” anh Trần Đông chắp hai tay trước ngực, cô thông dịch viên cũng chắp tay cung kính, “A Di Đà Phật.”
Chân chạm đất, mắt vẫn không thể rời các vị Sư Thái, nhưng tim tôi đau nhói, đã có đôi giày thể thao thật tốt, lòng bàn chân vẫn như bị cứa ngang vì đá san hô lởm chởm dưới chân, đồng bào tôi ngày xưa vào đến đảo này chỉ có chân đất, san hô như gai nhọn cứng cứa lòng bàn chân trần của những đôi chân tị nạn. Sư Ông chân trần lớn tuổi nhất nhìn chúng tôi mỉm cười, khẽ gật đầu ra dấu đi theo ông. Qua thông dịch viên, chúng tôi được biết các vị từ một ngôi chùa ở Pak Phanang, cũng lần đầu tiên ra đảo Kohh Kra theo một khóa tu học của Viện Phật Học Thái. Sư Ông quay về phía máy quay phim, ra dấu cứ tự nhiên, Sư vui mừng không kém chúng tôi, vì biết đây cũng là lần đầu tiên có nhóm cựu thuyền nhân trở về thăm đảo, vì cũng như chúng tôi, Sư không nghĩ có người đến đảo hoang này.
Sau khi nấu nướng, ăn uống, chiều đã xuống, quí Sư dời vào bụi cây đá lởm chởm phía trái đảo, nhường chỗ cho chúng tôi bãi san hô trắng bằng phẳng duy nhất trên đảo, là nơi quí sư đã giăng lều dự trù nghỉ ngơi trong tuần lễ tu học. Sư ông căn dặn đêm xuống nếu thấy gì bất thường thì đừng tự ý hành động, nên báo cho Sư biết để các ngài đối phó.
Đem không ngủ, nghe câu chuyện của một vài nhân chứng cùng đi trong đoàn đã sống sót trên đảo thời 1979. Ánh lửa bập bùng, tiếng guitar thùng, giọng kể có lúc nghẹn ngào về những người con gái bị hải tặc Thái bắt đi trên biển, đến thảm cảnh phụ nữ phải chịu trên đảo, những người đàn ông cố gắng bênh đỡ các cô bị hải tặc đánh đập như thú vật, thuyền nhân sống sót còn phải tuyệt vọng vật lộn với cái nóng như nung người của san hô trong tình cảnh không lương thực, không nước uống, chỉ còn chờ chết nếu không được cứu.
Trăng sáng càng làm khó ngủ hơn, bỏ lều, tôi ra sát bờ nước nhìn ra khơi, lung linh ánh sáng của hai chiếc tàu chở chúng tôi đậu ngoài xa. Xa hơn nữa, nhìn thấy như có dải ánh sáng kéo dài, nghe tiếng giải thích của ai đó đứng gần, “Chắc đèn của ngư phủ đánh cá ngoài khơi, mùa này bắt đầu mùa lưới cá của họ.”
Tiếng chân đi xa dần, rồi tất cả im lặng, chỉ còn ánh trăng lấp lánh sắc lạnh, tiếng sóng vỗ vào vách đá, cả tiếng ngáy của hai người Thái được đoàn thuê đi theo bảo vệ, nghe nói là có mang vũ khí! Quay trở lại lều, tôi nằm lên ngồi xuống, thấy tim mình đau thắt, nằm xuống bãi san hô lởm chởm, có cảm tưởng như nằm trên xác đồng bào đã nằm xuống năm nào, từng vách đá, từng bụi cây, cả tiếng sóng, nghe như có tiếng thở dài, nghe như có nỗi ngẹn ngào, hờn tủi, “Sao bây giờ mới đến!”
Kéo tấm bạt dày che máy quay phủ lên người, nước mắt trào ra, trong cơn nức nở đó, tôi nghe như sóng vỗ vào vách đá gần lều lạ hơn, còn có tiếng động gì khác, không phải tiếng sóng vỗ. Chung quanh im lặng, hai người bảo vệ nằm ngoài trời vẫn ngủ say, rõ ràng có tiếng động gì đó, tôi bắt đầu thấy nỗi sợ thấm vào người, tê cứng, bất động! Có ánh đèn quét qua chỗ hai người bảo vệ, bóng hai người đàn ông kéo một chiếc ghe nhỏ vào sát vách đá, từ từ đi vòng quanh vách, qua lều tôi, di chuyển nhanh chóng vào phía trong đảo vòng cung như cánh quạt, có vẻ như chúng biết rõ địa hình của bãi san hô như nhà của chúng.
Quay đầu qua phía tận cùng bên trái của bãi san hô, thấy có bóng người đi, ai vậy, hình như người trong đoàn, làm sao đây nếu hai tên có vẻ như cướp kia đang đi về phía đó. Đột nhiên có ánh sáng, bóng Sư Ông, phải không, đúng rồi, Sư Ông quay về phía hai tên cướp đang di chuyển, rồi có vẻ như các Sư khác cũng thức dậy. Trong tích tắc, có tiếng chân chạy ngược lại, qua lều tôi, qua hai người bảo vệ, kéo chiếc ghe dấu ở vách đá bên phải, tiếng chèo tay vội vã, rồi biến mất vào bóng đêm.
Bình minh trên đảo đẹp và hiền hòa êm dịu, ngược hẳn với ban đêm kinh hoàng vừa qua. Từ năm giờ sáng, đã có năm, sáu người mạo hiểm trèo lên vách đá lên đỉnh cao nhất trên đảo, tìm lại những hang động mà trước kia thuyền nhân sống sót đã trú ẩn trong đó. “Tụi em phải mất tới hai tiếng mới leo lên được đỉnh đảo, không hiểu ngày xưa các cô gái tội nghiệp của mình chạy trốn hải tặc chui vào hốc đá bằng cách nào để có thể trốn được, trượt chân rơi xuống đập vào vách đá chết dễ dàng!”
Cô bé đôi mươi trẻ nhất trong nhóm vừa thở vừa kể, “Theo sách của nhà văn Nhật Tiến, nhóm em kiếm được rất nhiều hang đá trên đường lên đỉnh đảo, nhưng lá cây, đất đá rất nhiều, không nhìn thấy được bên trong, phần vì tối quá, nhóm lại chỉ có sáu người, không đủ phương tiện, không có dao đi rừng để chặt những bụi gai đan chằng chịt, đảo bây giờ không còn giống như ba mươi mấy năm trước, phải leo vòng qua phía bên kia vách đá để tìm đường lên, lúc xuống ai cũng rách nát tay chân vì gai cào xước da thịt. Nhưng dù sao nhóm cũng đã đặt được một Tượng Đức Mẹ nhỏ trên đỉnh đảo, mong an ủi chút hương linh đồng bào nằm lại đây.”
Trong khi một nhóm nhỏ ba, bốn cô chú khác chân yếu không theo kịp, chống gậy đi vòng vách núi tưởng như không còn đường, thì thấy những cánh bướm trắng bay lên, các cô chú vội đi theo cánh bướm, phát giác những hòn đá xếp theo vòng tròn, có ba hoặc bốn vòng như vậy, đúng là mộ thuyền nhân rồi. Các cô chú có kinh nghiệm đi tìm mộ đồng bào, nói rằng hồi vượt biển hầu hết lúc đó tay không, chôn nhau chỉ biết xếp đá làm dấu. Nhóm quay phim chúng tôi thì tìm thấy dễ dàng ngay sau vách đá bên phải, vòng sâu vào bụi cây, là tấm bia tạ ơn tưởng niệm thuyền nhân và tạ ơn Ông Ted Schweitzer, cựu nhân viên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, người đã ngồi trên trực thăng năm 1979 và phát giác có cả người chết lẫn người sống trên đảo Koh Kra này. Chính ông đã giải cứu nhóm thuyền nhân đầu tiên, sau đó tiếp tục can thiệp, và dùng cả tính mạng của mình, để đòi cho được phải có tàu và trạm kiểm soát của Hải Quân Thái tuần tra trên đảo để cứu người vượt biển.
Bảng tưởng niệm và ghi ơn có dòng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Thái như sau: “Để tưởng niệm hàng ngàn người tị nạn Việt Nam đã bị hành hạ, tra tấn, và ngay cả tàn sát tại đây trên Koh Kra này. Xin đừng bao giờ quên những nỗi khổ đau mà họ đã phải trải qua. Với lòng biết ơn chân thành gởi đến Ông Ted Schweitzer, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải cứu hàng ngàn thuyền nhân bị bỏ rơi trên hoang đảo.”
Niềm ước ao “an ủi hương linh đồng bào” cũng là nguyên nhân hai tượng Phật Bà Quan Âm và Tượng Đức Mẹ khác cũng được đặt ngay trên tấm bia tưởng niệm này.
Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân Trần Đông và nhà báo Lưu Dân cũng cho biết các anh tìm thấy một khoang nhìn có vẻ như trước đây là cabin của một con thuyền, trong đó có nhiều di vật của thuyền nhân Việt Nam, với hai món mà theo hai anh là biểu tượng nhất: lon guigoz, và bát nhang có hoa văn rồng xanh, rất đặc trưng của Việt Nam.
Sư Ông và tất cả các vị Sư trẻ trong đoàn tu học tiễn chúng tôi ra tận ghe lớn, sau khi đã cử hành nghi thức tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình trên đảo. Trong nhóm có bốn anh chị em Công Giáo, cùng hát kinh Vực Sâu và Kinh Hòa Bình: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.” Ai cũng nước mắt ràn rụa. Bước chân lên ghe nhỏ ra tàu lớn, quay lại nhìn màu áo cà sa của Sư Ông bay trong gió, bóng ba tượng Phật óng ánh vàng trên triền đá, nước mặt tôi ứa ra, dưới bóng Phật từ bi, đoàn chúng tôi đã được Sư Ông cứu trong một đêm rằm 2016 trên đảo từng là địa ngục trần gian. Vội vã quá, đường xa vạn dặm, đường biển thăm thẳm thách đố, không sao, chúng tôi sẽ trở lại, còn quá nhiều thắc mắc chưa được giải thích, còn quá nhiều việc có thể làm cho đồng bào nằm lại trên đảo. Câu hỏi lớn nhất của tôi vẫn là tại sao quí Sư chọn Koh Kra làm địa điểm tu học, phải có nguyên nhân gì đó chưa kịp giãi bầy, phải không?
Tháng Tư 2016, về đến Mỹ, qua cô thông dịch viên, chúng tôi nhận được lời nhắn của Sư Ông:
“Ngay sau khi các bạn rời đảo, có cơn mưa nhẹ nhàng rơi, Phật tử đi theo giúp đoàn tu học nói rằng đã từng ở địa phương này cả đời ngư phủ, chưa khi nào chứng kiến những giọt mưa nhẹ nhàng như thế rơi trên đảo san hô hoang vu này. Hay đó là lời cảm ơn của đồng bào các bạn nằm lại trên đảo Koh Kra?”
(California tháng Tư 2021)
Hình ảnh và tài liệu tham khảo:
– https://refugeecamps.net/KohhkraPast.html
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Cây đèn hải đăng trên đảo có còn không, thưa anh?