Những bài học từ Thiền Viện Panditarama

*Đọc 15 phút*

Bài ROSIE

(Cảm nhận của một tân thiền sinh theo khóa Thiền Minh Sát ở Thiền Viện Panditarama, cách Yangon, Miến Điện khoảng 70 cây số về hướng bắc.)

Đầu năm nay, mình lại dành một thời gian ngắn thực hành thiền trong thiền viện. Sau đây là những trải nghiệm và bài học mà mình rút ra trong quãng thời gian đó. Nó có thể không giống với trải nghiệm hay cảm nhận của những người khác về cùng một thiền viện, hoặc về cùng một phương pháp tu tập. Hoặc không chính xác so với tinh thần Phật pháp. Mình mới bước đầu tìm hiểu nên mong được chỉ bảo thêm ạ.

Năm ngoái mình đã đi rồi, có viết một bài giới thiệu tổng quan về thiền viện. Năm nay mình đi sâu hơn tí, viết về những lợi lạc trong quá trình hành thiền của mình ở đó.

Đến thiền viện lúc tối muộn. Sáng hôm đầu tiên xếp hàng ăn sáng lúc 5 giờ, nhìn thấy hàng người áo trắng longyi nâu âm thầm nối bước nhau trong im lặng, tự nhiên lòng mình dâng lên một sự xúc động. Cảm giác cứ như được trở về nhà. Mỗi thiền sinh được phân riêng một căn nhà nhỏ (còn gọi là cốc), với đầy đủ dụng cụ, đơn sơ mà sạch sẽ. Mỗi sáng lại lên thiền đường qua cây cầu gỗ dài nghiêng nghiêng bóng nắng. Thiền đường vẫn như xưa, sàn lát gỗ, nệm thiền mùng thiền để sẵn, những tấm thảm hoa rực rỡ. Dành vài phút đứng dưới nắng sớm ở hành lang thiền đường sưởi ấm. Cảm thấy nhẹ nhõm, một khoảng thời gian cho bản thân mình, được im lặng toàn thời gian, không phải bận tâm tới việc tiếp xúc giao thiệp.

Theo truyền thống thiền vipassana (thiền minh sát) mà mình đang theo học, thiền sinh được dạy quán sát hơi thở qua sự phồng xẹp của bụng theo hơi thở vào ra. Khi có suy nghĩ hay cảm giác gì nảy sinh cũng cần quan sát. Lúc ban đầu mới ngồi thiền mình hầu như không cảm nhận được gì, rất nhiều suy nghĩ chen vào mà không nắm bắt được. Dần dần khả năng tập trung tăng lên, mình có thể cảm nhận được những tính chất khác nhau của sự phồng xẹp. Sau đó thấy rõ hơn sự căng cứng cử động của các cơ bên trong, rồi đến sự di chuyển của các luồng khí. Thầy* dạy rằng càng thực tập tinh tấn và chú tâm thì càng thấy rõ. Rồi dần dần ta sẽ thấy được cả tứ đại (đất, nước, lửa, khí) trong cơ thể mình, hiểu được những đặc tính của cơ thể và tâm trí. Rồi hiểu được những quy luật, điều kiện điều khiển thân tâm mình. Rồi sâu hơn nữa là hiểu được vô thường, vô ngã. Từ đó trí tuệ sẽ nảy sinh.

Thiền Sư Sayadaw U Pandita (saraniya.com)

Dần dần những suy nghĩ lan man của mình cũng bắt đầu ít lại. Rồi dần dần mình có thể nhận biết ngay được khi chúng xuất hiện. Có lúc còn biết được là mình sắp suy nghĩ, vì trước khi suy nghĩ nảy sinh sẽ có những “gợn sóng” nhất định. Mình có thể tự chủ quyết định là suy nghĩ đó có cần thiết hay không, có nên suy nghĩ tiếp không, hay là để nó tan đi. Bình thường có biết bao thời khắc tâm trí mình đang suy nghĩ mà mình không ý thức được rằng mình đang suy nghĩ. Nên những suy nghĩ tiêu cực, bất thiện sẽ nảy sinh làm tổ trong đầu mà mình không hay. Các thiền sư thường nói tâm trí chúng ta như một khu vườn. Những phiền não, tham sân si cứ như cỏ dại luôn tìm kiếm cơ hội xâm nhập khu vườn. Nếu không quán sát một cách minh triết thì khu vườn chẳng mấy chốc cỏ dại sẽ mọc đầy. Khi thực tập ở thiền viện mình có thể cảm nhận được tâm trí mình ngày càng dịu xuống, suy nghĩ vô ích bớt đi. Như khi nước lặng, bụi bẩn dần lắng xuống đáy, trả lại sự trong sạch, sáng tỏ vốn có.

Thiền viện ở trong một khu rừng có khuôn viên rộng lớn. Không gian mát mẻ thoải mái và tĩnh lặng. Trong một quyển sách, Thầy từng kể chuyện có nhiều người tới thực tập thiền ở thiền viện vài tháng và chữa được những căn bệnh kinh niên trong người. Mình không hề nghi ngờ rằng cuộc sống ở thiền viện có thể giúp cải thiện sức khỏe và chữa bệnh. Vì ở đây không khí trong lành, thức ăn sạch sẽ, lịch trình sinh hoạt lành mạnh, năng lượng xung quanh lại rất tốt. Sau vài ngày ở thiền viện, mình đã ngộ ra năm vừa qua mình sai ở đâu, tại sao trước đó mức thang hạnh phúc lại đi xuống và dễ mệt hơn trước. Sau hai tuần hành thiền, mình phát hiện được thân tâm mình hiện đang bị bệnh gì. Chắc chắn ở thiền viện một thời gian dài hơn thì cơ thể và tâm trí sẽ được chữa lành.

Nội quy trong thiền viện chặt chẽ nghiêm mật. Mỗi ngày lúc 3 giờ sáng, người cầm chuông leng keng sẽ đi khắp thiền viện báo giờ thiền hành, 4 giờ là vào ngồi thiền, và cứ thế xen kẽ 14 giờ đồng hồ thực tập tọa thiền và thiền hành như vậy. Ngày ăn hai bữa, không ăn bữa tối. Nói chung quy định thì rất nghiêm ngặt, nhưng yêu cầu tính tự giác cao. Sẽ không có ai đập cửa phòng từng người bắt phải đi thiền, hay canh cửa coi có phá giới không. Nhưng có thực hành mới biết những nội quy này là giống như các giới luật trong đạo Phật, nhằm bảo đảm cho thiền sinh thực tập được chăm chú và cho kết quả tốt nhất. Nếu không tuân theo thì chỉ thiệt mình. Tuy có vẻ khó khăn nghiêm khắc, nhưng nếu mình nghĩ khổ là khổ, nghĩ sướng là sướng. Vì hầu như mọi thứ đều được chu cấp và coi sóc chu đáo đến tận răng. Thiền viện miễn phí toàn bộ chi phí tham gia khóa thiền, ai muốn donate thì tùy hỉ. Hằng ngày chỉ có ăn và tu thôi.

Trong thiền viện, các thiền sinh được yêu cầu hạn chế giao tiếp nói chuyện, nhìn qua ngó lại, cư xử như một người mù, câm, điếc. Trong đạo Phật gọi là thu thúc lục căn. Lý do của điều này là mỗi lần ta nghe một âm thanh gì đó hay thấy một hình ảnh gì đó là tâm trí ta ngay lập tức nổi lên những suy nghĩ, cảm xúc. Nếu cái đó ta thích thì sẽ nảy lòng tham muốn, nếu cái đó không vừa ý ta thì ta sẽ nổi ý ghét bỏ. Những suy nghĩ đó làm ta không chú tâm được vào việc hành thiền. Ta thường đánh giá cao suy nghĩ của mình. Nhưng đa phần các suy nghĩ hằng ngày đều là vô ích và lan man. Nên mỗi lần nghe âm thanh hay thấy gì đều phải ghi nhận nó lại, để không bị vướng mắc vào đó mà nổi tâm tham hay sân.

Ở thiền viện dĩ nhiên có người này người nọ, không phải ai cũng nghiêm túc hành thiền, không phải ai cũng thu thúc lục căn. Có người cẩn trọng nghiêm mật, nhưng cũng có người giải đãi thờ ơ. Ông Joseph Goldstein, một tác giả về thiền nổi tiếng ở Mỹ cũng từng học với Thầy kể rằng trong thiền viện có lúc ông hay nổi tâm phán xét, sao người này ăn nhiều thế, sao người kia đi đứng cẩu thả, sao người nọ hành xử ồn ào, và ông bị phân tán tư tưởng. Mình cũng không tránh khỏi những lúc như vậy, nghĩ thầm người này phá giới nói chuyện xầm xì, người kia có tướng ngồi chổng mông sao mà quá kỳ. Nhưng mình nghiệm lại, mỗi lần nhìn vào người khác, phê phán chỉ trích họ, là mình lại mất đi sự chánh niệm của mình. Mỗi lần để ý nhìn ngó người khác, là mình lại niệm hụt một bước chân. Nên đừng vì phê phán người khác hời hợt trễ nãi mà mình bị ảnh hưởng. Đừng nhìn vào người khác để rồi thất niệm, mà hãy chú tâm vào chính mình.

Mình ngộ ra rằng cuộc sống ngoài đời cũng vậy. Mạng xã hội bây giờ cho người ta cơ hội để nhìn tận vào ngóc ngách cửa nhà người khác, khiến ta thấy và nghe nhiều hơn những gì ta cần, tạo cơ hội cho những hạt giống tham muốn đố kỵ hay chê trách phán xét nảy sinh. Nhưng đừng vì người này thế này người kia thế nọ mà chỉ trích bỉ bai, hay tị hiềm thèm muốn. Vì mỗi lần chú tâm vào người khác là một lần ta thất niệm. Có người thế nọ thế kia không có nghĩa là ta được quyền thoải mái lên án phê phán. Có người sơ sài hời hợt không có nghĩa là ta được quyền làm mất đi tư cách, phẩm chất của mình. Phải quay lại chú tâm tập trung giữ sự chánh niệm của mình. Tránh xa những người thất niệm, tìm người chánh niệm để đồng hành.

Một nội quy khác là thiền sinh cần cử động chậm rãi, càng chậm rãi càng tốt, cứ như một người yếu đuối, già cả, bệnh tật, sắp chết. Và càng làm theo mình càng hiểu được lý do vì sao. Khi hoạt động chậm rãi, mình nhận ra rằng bình thường cơ thể và tâm trí hoạt động theo phản xạ và thói quen, ý thức hầu như không thể theo kịp. Có bao nhiêu lúc ta hành động thừa thãi, hay làm những thứ mà không hiểu tại sao mình lại làm vậy. Hay những lúc nhỡ tay sơ ý, làm vỡ một đồ vật, thốt ra câu lỡ lời, phạm sai lầm ngớ ngẩn, thậm chí là lỡ giận giết người, cũng xuất phát từ một nguyên nhân. Nên khi mọi thứ chậm lại, mình thấy được mỗi hành động đang làm là gì, ý thức được từng cử động. Thấy cơ thể mình mới kỳ diệu và thông minh làm sao. Thấy có bao nhiêu điều bên trong mình mà mình chưa hiểu được.

Khi đi kinh hành cũng thế, mình cảm nhận rõ ràng được các cơ trong người, các dây chằng, xương khớp hoạt động thế nào trong các cử động. Thấy trong mỗi bước chân là có bao nhiêu quá trình và động tác nảy sinh. Chân sau dở lên, trọng lực dồn vào chân trước, xương này gập lại, khớp kia duỗi ra, các cơ co vào giãn ra. Mỗi một bước đi cần sự liên quan của bao nhiêu bộ phận, là bao nhiêu tiến trình vận động của cơ và xương. Biết bao điều tinh tế chỉ trong một bước chân nhỏ. Thấy sự kỳ diệu chỉ trong một bước chân nhỏ. Thấy mỗi việc mình đang đứng được, đi được đã là một may mắn lớn rồi. Trong lòng mình trở nên tràn ngập sự hân hoan, và mìn cảm giác biết ơn mỗi bước đi.

Những điều tương tự như vậy không phải là phép màu hay điều gì huyền bí khó hiểu, nó chỉ là kết quả của một sự quan sát kỹ lưỡng, khi tâm trí an định ta sẽ thấy được những điều mà bình thường không để ý, từ đó hiểu biết tăng lên. Thầy dạy rằng trí tuệ có được từ thiền minh sát không phải là trí tuệ có được từ suy nghĩ, hay từ đọc sách, mà trí tuệ đến từ trực giác, từ trải nghiệm cảm quan rõ ràng. Pháp môn này là pháp môn của những người thực hành. Không thực hành thì không biết, mà không ai có thể thực hành thay cho mình được.

Thầy cũng dạy rằng phải giữ chánh niệm mọi lúc mọi nơi, chánh niệm như một sợi dây liên tục từ khoảnh khắc mở mắt thức dậy trong ngày cho đến tận lúc đặt lưng đi ngủ. Phải chánh niệm không chỉ trong lúc hành thiền mà cả trong hoạt động thường ngày, quán sát theo dõi mọi hành động một cách kỹ lưỡng sát sao. Khi thực tập theo, mình đặt đôi dép xuống cũng đầy cẩn thận và tôn trọng. Đi trên mặt đất từng bước chậm rãi và tôn nghiêm cứ như sợ mặt đất bị đau. Chợt nhận ra bình thường mình đã sống hời hợt ra sao. Những ngày trong thiền viện dạy mình về sự “tương kính” với cuộc sống, với thế giới này, mỗi hành động đều cần cung kính. Và như vậy, ta sẽ thấy cuộc sống đầy mầu nhiệm, thấy mỗi bước đi đầy diệu kỳ.

Và khi đi đứng, hoạt động thường ngày đều trong chánh niệm thì lại càng bổ sung hiệu quả cho việc ngồi thiền. Những ngày sau đó, mình không còn đau khi ngồi kiết già nữa. Tâm trí mình có thể quan sát kỹ càng từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc từng hơi thở vào ra, phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Tâm trí hiện diện với từng hơi thở. Mỗi hơi thở như một vị khách quý ghé thăm, mỗi khoảnh khắc chánh niệm là một món quà. Hít vào, khách đến, chào mừng, bạn thế nào. Thở ra, khách đi, tạm biệt nhé, cảm ơn vì đã đến. Cứ lặp lại như thế, mỗi lần mỗi khác, với niềm vui sướng hân hoan.

Và mình cảm nhận được rằng tâm trí mình thực sự yêu thích việc này. Tâm trí mình bình thường hay lang thang nhảy nhót, cứ như con khỉ chuyền cành. Nó không ngừng quay về quá khứ, hướng tới tương lai, hồi nhớ, tưởng tượng, dự định, suy đoán và bao nhiêu điều khác. Khi thực hành thiền minh sát, mình rèn luyện để tâm trí sát sao kỹ lưỡng đối tượng quan sát. Khi tâm trí mình chà xát trên đề mục, có mặt với từng hơi thở, thì nó thực sự nhẹ nhõm và vui tươi. Nó thích được “đơn nhiệm,” mỗi lần chỉ làm một việc. Nó như được trút đi gánh nặng, chăm chút quan sát mỗi một thứ duy nhất, với sự tỉnh táo, chú tâm và tĩnh lặng.

Sau những giờ thiền dài, đứng dậy đi lại, thấy đầu óc mình sảng khoái mát mẻ tinh khôi, như vừa được gột rửa tắm gội từ bên trong. Cảm nhận rõ ràng tâm trí mình trong sáng, như một chiếc gương soi sạch sẽ, như một mặt hồ mùa thu trong veo không chút bụi. Và cả quãng thời gian đó cứ như là một kỳ nghỉ, nơi mình chẳng cần làm gì, chỉ có mỗi một việc là hít thở. Mỗi giờ chuông đồng hồ reo báo hiệu giờ thiền trở thành một tiếng reo mừng, khi mình có thể ngồi xuống và chơi với hơi thở. Mỗi hơi thở trở thành một người bạn thân của mình.

Và lần đầu tiên mình hiểu được một tầng nghĩa mới của chánh niệm. Mình cảm nhận được một niềm hạnh phúc mà mình chưa bao giờ biết trước đây. Nó là cảm giác nhẹ nhàng an nhiên khi tâm trí được đặt trong hiện tại, không trông đợi gì, không suy nghĩ gì. Nó là cảm giác an lạc trên từng bước chân khi mình có thể an trú trong hiện tại. Trước đây thi thoảng mình cũng có cảm giác này. Nhưng đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được sự chánh niệm lâu dài và liên tục như vậy. Một niềm hạnh phúc vững chắc và bền chặt, không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào. Không hề bị vướng bận quấy nhiễu bởi bất kỳ lo lắng sợ hãi suy nghĩ muộn phiền gì. Không hề bị tác động bởi hoàn cảnh và không ai cướp nó đi được. Nó là do nỗ lực thực tập hành thiền của mình. Biết được điều đó, mình lại càng tinh tấn nỗ lực đặt tâm lên từng bước chân, tự nhủ phải giữ lấy chánh niệm, chánh niệm mà ta phải nỗ lực khó khăn lắm mới có được. Vì như lời Thầy nói, mỗi phút giây chánh niệm quý giá biết bao nhiêu. Chánh niệm như tấm khiên, bảo vệ ta khỏi những điều xấu, điều ác.

Và mọi vật quanh mình mở ra những lớp ý nghĩa mới. Những lời niệm rải tâm từ đều trở thành niềm vui. Trong thiền viện không có tụng kinh hay thắp nhang. Mỗi ngày chỉ có đọc niệm rải tâm từ ái, nuôi dưỡng lòng yêu thương của mình đến với mọi người và sinh vật ở đời. Ngày trước mỗi lần nghe thì mình thấy lời niệm rất đều đều. Nhưng khi đã thực sự chú tâm, những lời niệm trở nên đầy xác thực và nhiều ý nghĩa, thấy nó cũng giống như những gì mình thường cầu nguyện. Mình để tâm vào từng chữ đang đọc, thấy hiểu rõ tại sao chỗ này lại có từ này, tại sao khi kết thúc lại có từ Sadhu Sadhu (lành thay lành thay). Thấy quả là lành khi mình đã tìm được con đường để tu luyện thân tâm.

Một điều không thể không kể khi ở thiền viện là giờ ăn. Khi ăn mọi người thường bỏ muỗng nĩa xuống, và khi nào nhai nuốt xong mới cầm muỗng nĩa lên lấy thức ăn tiếp, nhiều người cũng nhắm mắt khi ăn cơm. Mỗi khi nhắm mắt lúc nhai mình tập trung vào những gì đang xảy ra trong miệng, những mùi vị, cấu tạo thức ăn, cách thức ăn đang biến đổi trong miệng mình. Mình cũng học từ cuốn Ăn Chánh Niệm của thiền sư Jan Chozen Bays, dừng trước mỗi miếng ăn, truy ngược lại nguồn gốc thức ăn. Khoai trên đĩa này vốn được trồng từ nông trại, người nông dân phải chăm chút nhiều tháng trời mới có, rồi người vận chuyển đưa thức ăn đi bán, người khác mua khoai về, rồi người đầu bếp nấu khoai chung với cà chua, rồi người phục vụ đưa nó lên bàn mình. Quả lê này chắc không phải xuất xứ ở đây, nó được trồng trong một nông trại xa xôi nào đó, bao nhiêu người trồng trọt, dự trữ, vận chuyển, băng cả đại dương, rửa sạch, chế biến, rồi nó mới được nằm trên đĩa của mình. Trở về thời xa xưa, tổ tiên mình chắc đã mất rất nhiều thời gian trong quá trình hái lượm mới học ra được rằng quả lê là thứ mát lành ngon ngọt có thể ăn được. Có lẽ đã có nhiều người tiền sử đã chết trong quá trình tìm hiểu gạn lọc ra những trái cây, rau củ ăn được với loài người.

Nên mỗi miếng nhai mình đều nhai một cách kỹ lưỡng và ngon lành. Bình thường mình thường nhai thức ăn từ mấy chục đến một trăm lần, trong thiền viện thì càng nhai kỹ hơn nữa, thành bột thật nhuyễn hoặc nước luôn. Đó là cách để bày tỏ sự tôn trọng với bao nhiêu chúng sanh đã làm ra thức ăn. Một khay cơm của mình bao nhiêu là loại thực phẩm, bao nhiêu là công sức của bao nhiêu người và động vật. Ngay cả cứt ị ra cũng không thấy xấu xí bẩn thỉu nữa. Vì nó là công sức làm việc của người khác, và cả công mình nhai. Phải mất rất nhiều công sức mới ra được cứt đó. Thầy còn có nguyên một bài pháp thoại về việc đi cầu trong chánh niệm, nghe rất là mở mang đầu óc.

Nãy giờ nói quá trời về các quy tắc, quy định. Nhưng ở thiền viện cũng có nhiều niềm vui và tự do. Một trong những tự do tuyệt đối trong thiền viện là tự do… đánh rắm. Ở đây bạn có thể thoải mái đánh rắm nơi công cộng mà không ai nói gì, vì đâu có được nói chuyện đâu. Lỡ đánh rắm không ai biết bạn là ai, vì không được ngoảnh qua ngoảnh lại nhìn ngó láo liên. Thiền viện quá yên tĩnh nên một tiếng đánh rắm từ tầng một thiền đường thì tầng hai cũng nghe thấy được. Nên quy định gì thì thì quy định, chứ trong thiền viện thì bạn luôn tự do đánh rắm mọi lúc mọi nơi.

Rất nhiều sư thầy sư cô và các thiền sinh trong thiền viện cũng dễ thương và tử tế không kể xiết, đặc biệt nhiều người lớn tuổi rất nice, mình đã nghĩ nếu được làm bạn với họ ngoài đời chắc sẽ rất thích. Trong khuôn khổ của bài này khó kể hết những câu chuyện nhỏ thú vị đó.

Một điều mình thấy tiếc là lần này đi thiền ít quá. Khóa thiền diễn ra trong 2 tháng, yêu cầu của thiền viện là tham gia khóa thiền ít nhất 10 ngày. Nhưng mình thường mất đến vài ngày để điều chỉnh. Cố gắng liên tục thực hành đến ngày thứ 4, thứ 5 mình mới bắt nhịp lại với việc thiền tập, ngộ ra được chút chút và bắt đầu cảm nhận được lợi ích của thiền. Nên lần sau mình sẽ phải tham gia khóa thiền lâu hơn. Các bạn mình một năm đi làm chỉ 10 tháng, còn lại hai tháng đi thiền, để khi ở đời có thể sống tốt hơn, nghĩ cũng chí lý.

Nhưng nói gì thì nói, thực tập thiền trong thiền viện không phải là đi du lịch hay du ngoạn. Cũng có nhiều lúc thực hành khá cực khổ, phải thực sự nỗ lực tinh tấn mới có kết quả. Nếu không cố gắng và cảm nhận được hiệu quả từ việc tu tập, thì cuộc sống trong thiền viện có thể sẽ khá khắc nghiệt và chán nản. Năm nay có một bạn chưa thiền bao giờ cũng đi chung, thấy bạn chưa quen lắm nhưng cũng cố gắng có mặt đầy đủ trong các thời thiền, vậy cũng là khá rồi.

Chú thích:

*Thầy ở đây là thiền sư U Pandita, một trong những bậc thầy trên thế giới về vipassana và là người sáng lập thiền viện Panditarama nơi mình thực tập. Đáng tiếc là Thầy đã viên tịch năm 2016, mình chỉ đọc sách của Thầy và nghe các bài pháp thoại Thầy để lại. Nhưng trong lúc hành thiền lúc nào cũng có cảm giác như Thầy đang ở bên vì những lời giảng cứ như là nói riêng cho mình, quá đúng và quá hay, không thể tả được.

(Nguồn: New Dharma Readers Facebook)

Dưới đây là hình ảnh được chụp tại Thiền Viện Paditarama năm 2018 bởi nhiếp ảnh gia Peter Stuckings, một người Úc đã du hành đến nhiều nơi tại Á Châu, đăng trên trang Places to Meditate / WordPress.com.

Chân dung Thiền Sư Sayadaw U Pandita (1921-2016) đặt trong thiền đường. (Peter Stuckings)
Trai đường ở Thiền Viện Paditarama. (Peter Stuckings)
Các ni đến phòng ăn. (Peter Stuckings)
Các sư đến phòng ăn. (Peter Stuckings)
Thiền đường dành cho phái nam tại Paditarama. (Peter Stuckings)
Cầu bắc ngang hồ nước tại Paditarama. (Peter Stuckings)
Kuti, hay cốc, dành cho thiền sinh. (Peter Stuckings)

Xem thêm hình ảnh từ trang web của ông Peter Stuckings:

https://placestomeditate.wordpress.com/2018/10/03/panditarama-forest-meditation-centre/


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *