Ngôi chùa của đêm giao thừa trên đất khách: Một giờ với Sư Ông chùa Huệ Quang

*Đọc 29 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Quen thì có quen nhưng không thân lắm, mà xa lạ thì chắc chắn là không. Đó là trường hợp giữa Sư Ông chùa Huệ Quang, tức Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, với cá nhân người viết này. Hai đàng tuy sống cùng một khu vực nhưng ở hai chốn khác nhau. Thầy là người tu hành, dường như chỉ làm bạn với lời kinh tiếng kệ, gióng tiếng chuông ngân vang mang niềm an lạc đến cho chúng sanh, còn tôi, kẻ bôn ba giữa chợ đời, mượn con chữ, cái viết để lội qua chốn thị phi kiếm sống độ nhật, một câu kinh cũng chưa thông suốt, còn đứng ngấp nghé ở cửa chùa. Vậy mà giữa thầy và tôi đã có những dịp được quen biết nhau, hay đúng hơn là tôi đã để ý đến thầy từ hơn ba-mươi năm trước, chứ thầy đâu mắc mớ gì mà cần biết đến tôi.

Mấy chục năm trước, hồi cuối thập niên 1980, khi mới bước vào nghề viết báo ở tòa soạn Người Việt, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một vị tăng trung niên da ngăm ngăm dáng dấp nhanh nhẹn đến đăng thông báo hay quảng cáo gì đó. Thầy đi rồi thì tôi nghe mấy cô thư ký nói “ông thầy sắp tổ chức văn nghệ ở chùa.” Hồi đó tôi có biết vài ngôi chùa ở đây thường mời ca sĩ đến trình diễn vào những dịp lễ lạc. Dò hỏi thì được biết “ông thầy” đó là thầy Minh Mẫn từ chùa Huệ Quang. Nghe rồi bỏ qua, vì tôi không mấy hứng thú với việc coi ca sĩ hát ở chùa.

Hứng thú với tôi lúc bấy giờ là đi giang hồ, tức là làm kẻ du mục lái xe đến đó đi đây để xem sông ngắm biển chứ không theo nghĩa “giang hồ” của mấy tay anh chị thứ dữ thời nay. Rời Người Việt đi được mấy năm thì tôi trở lại Quận Cam, giữ chân viết tin tức hàng ngày cho đài Little Saigon Radio (LSR). Một trong những xướng ngôn viên đọc tin tôi viết là ca nhạc sĩ kiêm nhà hoạt động nhân quyền Việt Dzũng.

Khi Việt Dzũng rời đài LSR và mở một đài riêng với chị Minh Phượng (Radio Bolsa) được một thời gian, thì đài LSR cũng dọn về cùng một khu văn phòng với đài của Việt Dzũng ở góc đường Brookhurst Street và Margo Lane bên bìa phố Little Saigon. Ở gần nhau, chỉ cách vài chục bước, hai đài tha hồ mà cạnh tranh. Bữa nọ tôi ra bãi đậu xe ở phía sau để lấy một món đồ bỏ quên, thì thấy Việt Dzũng đang đứng chống nạng hút thuốc một mình ở gốc cây cuối sân. Ai đã từng quen với Dzũng thì biết anh luôn chào hỏi rất thân thiện, tha thiết với họ. Thế nên mới thấy tôi bước vào bãi đậu xe, Dzũng liền reo lớn giọng giễu cợt, cả xóm đều nghe, “Anh Đạt ới ời ơi! Đến đây làm với em một điếu đi.”

Thôi đi! Chủ đài tui mà thấy tui đứng cười giỡn với bạn thì họ cho tui ra xe về nhà luôn, khỏi trở lại sở ngày mai. Nghĩ vậy nhưng tôi lại nói, “Thôi! Hút thuốc bị ung thư chết. Bỏ được thì tốt thôi.”

“Em không bỏ hút được anh Đạt ơi,” Việt Dzũng nói nhanh, còn nhe răng cười. “Anh không bỏ chị thì em cũng không bỏ hút.”

Việt Dzũng lanh lợi hơn tôi cả triệu lần (nên tôi mới dậm chân ở nghề viết tin, còn anh ngày ngày nói chuyện với khán giả trên làn sóng phát khắp nước Mỹ, được họ yêu mến đến mức thần tượng).

Bàn viết tin của tôi nằm cạnh cửa sổ đằng sau đài, nên tôi vẫn thường thấy Việt Dzũng ra đứng ở gốc cây hút thuốc cách vài chục thước, thỉnh thoảng nói chuyện với một ai đó mà anh sắp phỏng vấn trên làn sóng. Một bữa kia tôi thấy Dzũng kéo theo một người mặc bộ áo màu nâu đậm ra gốc cây bàn chuyện riêng. Tôi nhận ra người đó là thầy Minh Mẫn.

Dzũng hút thuốc, nhả khói qua một bên, đầu gật gật, trong khi thầy nói gì đó cũng hăng hái lắm, hai bàn tay đánh ngửa lên nhau như muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng. Lần ấy tôi đoán thầy cũng muốn phổ biến một chương trình văn nghệ ở chùa, mà Dzũng thì rất đúng người để tìm tới, vì anh “thầu” nhiều ca sĩ ở chốn này. Hai người đứng ở gốc cây khá lâu, tôi ngưng theo dõi để viết tin mấy lần mà vẫn thấy họ còn nói chuyện với nhau, xem có vẻ tâm đắc lắm.

Nhiều năm sau thì tôi lại được dịp “để ý” đến thầy ở một sở làm khác, đài Little Saigon Television. Các phòng trong đài truyền hình này khá chật vì chứa nhiều đồ đạc, bàn viết tin của tôi nằm cạnh những máy móc mà tôi không biết nó là máy gì, thỉnh thoảng đang viết tin gay cấn tôi dang chân đá trúng cái nằm dưới bàn là chuyện thường. Hôm ấy tôi nghe một giọng đàn ông nói khá lớn ở phòng cách hai cánh cửa. Người ấy đang nói chuyện với cô quản lý mà cũng là một nhân vật khá “thế lực” ở trong đài, gần như có quyền thay người chủ để quyết định nhiều thứ. Cô đang nhắc tới tên những ca sĩ với người đàn ông mà tôi nghe giọng quen quen. Có lúc người này nói “được,” có lúc nói “không,” có lúc phê bình, khen chê với phát ngôn chắc nịch, quả quyết như một tay “giang hồ” mặc dù không dùng chữ xấu.

Khi buổi bàn luận của hai người chấm dứt, tôi thấy bóng người đàn ông đi ngang qua cửa phòng mình. Thì ra người đó là thầy Minh Mẫn. Tôi rất đỗi kinh ngạc vì không thể kết hợp giữa giọng nói của người thương lượng, sắp đặt chương trình với người mặc bộ áo nâu của nhà tu hành. Họ đã bàn về chương trình Đón Giao Thừa tại Chùa Huệ Quang. Đài truyền hình Little Saigon TV và Chùa Huệ Quang đã hợp tác tổ chức chương trình này suốt nhiều năm mà đến nay vẫn còn thực hiện, tạo một truyền thống không thể thiếu vào mỗi đêm giao thừa âm lịch.

Nhiều tháng sau cô quản lý từ nhiệm, chuẩn bị đến Las Vegas để nhận việc mới. Đài mở tiệc tiễn  cô ở một nhà hàng và mời nhiều thân chủ của đài đến dự vào một buổi tối. Thầy Minh Mẫn cũng được mời. Vì tôi ăn chay nên được xếp ngồi chung bàn với thầy. Bàn chay này chỉ có hai chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được nói chuyện trực tiếp với Hòa Thượng Thích Minh Mẫn. Thầy đã từng nghe tên tôi nhắc trên đài phát thanh hoặc trên nhật báo nhưng chưa hề gặp mặt, nên bữa đó đôi bên đã có dịp trao đổi vài mẩu chuyện thời sự. Thầy rời tiệc sớm trước khi tiết mục văn nghệ bắt đầu, không quên nói lời chia tay với tôi, “Bữa nào anh ghé chùa ăn cơm chay với thầy.”

Trông theo thầy bước ra cửa, tôi cho rằng vị tăng đã để lại cho tôi một câu chào có tính cách xã giao. Nhưng sau này nhìn lại, tôi mới nhận ra mình đã kết duyên với thầy mà không hề biết, và bài viết này chính là “quả” của cái duyên ấy.

Thời gian không ngừng trôi, như dòng xe nối đuôi nhau qua phố Bolsa, chiếc này chạy theo chiếc kia đi tới trước, tưởng như biết mình đi đâu nhưng không thật sự biết, và sau đài truyền hình thì đời tôi lưu lạc qua một ngã rẽ đến Nhật Báo Viễn Đông, lúc tôi đã bước vào giai đoạn “ngựa già,” mỏi gối mòn chân tìm được bóng mát để nghỉ thân nơi Phật pháp. Trong những ngày được nghỉ viết báo tôi thường tìm đến chùa, hưởng những giây phút an lạc mà trước giờ tìm hoài không ra.

Một buổi sáng Chủ Nhật mùa hè năm 2017, tôi theo vợ ghé căn thất của Sư Cô Chân Phụng, một vị ni lớn tuổi chúng tôi mới quen. Cô tổ chức lễ Vu Lan trong một căn apartment ở Huntington Beach. Căn phòng chánh điện mới đứng chừng năm, sáu người trước bàn thờ Phật là đã thấy chật. Bữa đó tôi không ngờ có thầy Minh Mẫn đến chứng minh và làm chủ lễ. Thầy là Hòa Thượng viện chủ của một ngôi chùa lớn, lẽ nào lại nhận lời đến cái thất nhỏ bé này để tụng kinh? Vậy mà thầy đã làm với oai nghi trong bộ y vàng, khác hẳn một con người mà tôi từng gặp ở các cơ sở truyền thông. Lúc thầy xướng bài “Trầm Hương Đốt” cho các Phật tử hát theo, một luồng điện chạy xuống xương sống làm tôi rùng mình, nghe xúc động một cách lạ kỳ. Lúc ra về thì thầy có chào xã giao tôi, mà tôi không nghĩ thầy nhận ra mặt người từng ngồi với thầy ở bàn ăn, vì tôi đã không tự giới thiệu, lại mặc chiếc áo tràng hòa lẫn với các cư sĩ khác cũng một màu lam.

Mùa hè năm sau thì em tôi mất, mới 55 tuổi. Rồi đến mùa hè 2019, mẹ cùng chúng tôi mang tro cốt em theo phái đoàn chùa Huệ Quang ra khơi ở Long Beach để thả xuống biển. Một lần nữa tôi lại ngạc nhiên khi thấy Hòa Thượng Minh Mẫn giữ vai trò chủ lễ, tụng kinh cho cả trăm hương linh trước khi các gia đình rải tro cốt xuống đại dương. Tôi tưởng thầy đã luống tuổi, có thể giao việc tổ chức lễ rải tro cốt cho các thầy khác trẻ tuổi hơn trong chùa, thay vì đích thân lên ngồi trên xe bus từ Santa Ana đến Long Beach rồi lên tàu ra biển. Một số Phật tử đã bị chóng mặt trong lúc đi  tàu, trong khi thầy vẫn di chuyển nhanh nhẹn, ngồi tụng kinh trên con tàu lướt sóng chạy ra khơi mà như ngồi ở trong chùa.

Lúc tàu quay về bờ, còn đang phăng phăng rẽ sóng, tôi thấy thầy đứng ở lan can bên trên mũi tàu, đăm chiêu nhìn đàn cá heo bơi lướt theo. Thầy báo cho mọi người biết để cùng xem đàn cá heo bơi giỡn ở hai bên tàu. “Một điềm lành khi có cá heo xuất hiện,” thầy nói với ai đó mà tôi thoáng nghe được ở khoảng cách chừng mười thước.

Hình như hôm đó thầy không biết tôi có mặt trong đám Phật tử mang tro cốt ra biển, hay có biết nhưng thầy không muốn bày tỏ sự thân thiện quá đáng với một cá nhân, nhất là mối quan hệ với tôi còn sơ giao. Chính tôi cũng muốn giữ một khoảng cách với thầy, vì thầy là một vị Hòa Thượng khá nổi tiếng ở Quận Cam đây, còn tôi, dẫu gì chăng nữa cũng là một người viết báo, khó bỏ cái nhãn “nhà báo” dưới cái nhìn nghi ngại của một số người dù tôi đến chùa chỉ để tu học như một cư sĩ.

Hòa Thượng Minh Mẫn trên con thuyền trở về bờ Long Beach sau buổi lễ thủy táng tro cốt ngày 10 tháng 8, 2019. (Hình lấy từ màn ảnh kênh Pháp Bửu USA Youtube)

Cũng vào mùa hè mà em tôi mất, tôi từng ghé chùa Huệ Quang và tìm gặp thầy Minh Mẫn. Khi ấy nhóm Tinh Tấn Magazine chuẩn bị ra số đầu tiên, tôi cần ghé một số chùa để tham khảo ý kiến, hỏi các thầy xem việc trợ giúp sự hoằng pháp của chúng tôi bằng phương tiện tạp chí đó có cần thiết hay không, bên cạnh các phương tiện khác khá phổ thông như truyền hình, Youtube, Facebook, máy phát thanh để nghe băng giảng pháp, vân vân.

Ngày đó tâm tôi đã hướng về đạo khá mạnh, mà vốn liếng không có gì để cúng dường, đền ơn Tam Bảo ngoài khả năng viết lách. Vào buổi sáng được dịp thưa chuyện với thầy Minh Mẫn, tôi được ngồi trong một khu vườn tuy nhỏ nhưng rất tươm tất, rợp bóng mát với nhiều cây ăn trái xanh tươi mà tôi đoán là do chính thầy chọn trồng. Nghe dự án ra tạp chí Phật giáo in màu như báo Mỹ, thầy Minh Mẫn đã rất phấn khởi, không ngớt khuyến khích chúng tôi hãy cố gắng thực hiện cho được. Thầy cho nhiều ý kiến rất hữu ích về hình thức. Nói một cách giang hồ, thầy đã ủng hộ Tinh Tấn Magazine “hết mình.”

Khác với buổi chia tay ở bàn tiệc năm xưa, lần này thì chính tôi thưa với thầy, “Bữa nào tiện thầy cho con một buổi phỏng vấn dành cho báo Tinh Tấn.”

“Ừ. Anh cứ gọi trước. Số của tui anh còn giữ mà phải không?” thầy đáp.

Tôi đoán thầy nghĩ tôi chỉ nói xã giao vậy thôi.

Thế rồi số báo đầu tiên ra đời, số thứ hai, thứ ba, và thứ tư tiếp nối dù không đều đặn như sự mong ước của chúng tôi. Mỗi lần mang báo mới đến biếu thầy, tôi vẫn lập lại đề nghị phỏng vấn. Và lần nào thầy cũng nói, “Ừ. Anh cứ gọi trước.”

Đến cuối tháng Bảy vừa rồi, giữa cuộc đại họa dịch Covid-19, tôi gọi lấy hẹn với thầy. Ban đầu thầy nói, “Cả tháng nay tui không tiếp xúc với ai hết, ở trong nhà thôi, sợ bị lây nhiễm chứ không gì hết.” Rồi cuối cùng thầy đồng ý, “Sáng thứ Sáu. Vậy đi, sáng thứ Sáu anh tới tui nha.”

Tôi hứa chỉ làm phiền thầy khoảng một tiếng đồng hồ, hỏi về việc thành lập chùa Huệ Quang mà đặc biệt là truyền thống đón Giao Thừa hằng năm được chiếu trực tiếp trên đài truyền hình cho bà con cô bác người Việt mình ở khắp nơi được xem.

Sáng thứ Sáu, ngày 24 tháng Bảy, 2020, tôi đến chùa Huệ Quang ở thành phố Santa Ana. Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời, lớn nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đậu xe giữa bãi xi-măng trống mênh mông, một nỗi buồn đã khởi lên trong tôi. Trận đại dịch kéo dài suốt nửa năm, giết hại hơn nửa triệu người trên trái đất mà nhiều nhất là tại Hoa Kỳ, gây tai họa quá lớn cho các cơ sở tôn giáo. Không ai dám đến chùa, nhà thờ. Các tu sĩ cũng khóa mình trong những căn phòng, chờ đám quỷ dữ sớm tan biến để trả lại những sinh hoạt tín ngưỡng ở chốn trần gian vốn đã nhiều thống khổ này.

Tôi vào gian chánh điện bên ngôi chùa cũ vắng vẻ để lễ Phật, trước khi tìm đến ngôi thất của thầy Minh Mẫn ở đằng sau khu nhà bếp. Vườn cây ăn trái vẫn tươi tốt như không hề biết dịch là gì. Tôi chờ đợi được phỏng vấn thầy ở trong vườn để có thể thâu hình thầy giữa sắc màu xanh thắm thiên nhiên. Nhưng vì thời tiết nóng, cộng thêm tiếng ồn từ một dự án xây nhà ở đâu đó trong khu phố, nên buổi nói chuyện diễn ra trong căn bếp của ngôi thất dành cho Hòa Thượng.

Chúng tôi ngồi đối diện ở khoảng cách vừa đủ xa tại bàn bếp, tôi đeo khẩu trang để tránh truyền nhiễm cho thầy, còn thầy cần phát biểu nên không đeo miếng vải nào trên mặt. Dự khán buổi mạn đàm là chiếc điện thoại thâu băng, máy thâu hình nhỏ bằng bàn tay, mớ giấy tờ trên bàn, chiếc tủ lạnh sau lưng thầy, một nải chuối vàng ở mặt bếp. Thầy mặc bộ đồ nâu đậm như tôi vẫn thường thấy trong ba thập niên sống nghề báo, nhưng những câu chuyện thầy kể với giọng trầm ấm, có lúc hùng hồn, thì hoàn toàn mới lạ, đưa tôi đến với một con người khác ở thầy Minh Mẫn mà tôi từng tưởng mình đã biết.

Dưới đây là phần chép lại buổi phỏng vấn ấy, theo đúng thứ tự đã diễn ra.

Thầy Minh Mẫn trong căn phòng vừa là bếp vừa là phòng ăn của ngôi thất của thầy sáng 24 tháng Bảy, 2020. (Hình: hmd)

– Khi nhắc đến chùa Huệ Quang, điều mà người ta nhớ nhất là lễ Đón Giao Thừa được chiếu trực tiếp trên đài truyền hình. Xin thầy cho biết thêm về truyền thống này.

Chùa Huệ Quang là một trong những partner (bạn đồng hành) của cộng đồng Việt Nam tại đây. Cộng đồng như một con sông có nhiều làn sóng tiếp nối. Chùa Huệ Quang nằm trên một cái nhánh của con sông Phật Giáo. Nó phát triển trên nhánh sông Phật Giáo được quy tụ bởi nhiều người Việt ở đây, về đây, và định cư ở đây.

Cộng đồng khởi sự với những sinh hoạt văn hóa. Trước hết là văn hóa của tiếng Việt, của niềm tin, và văn hóa của kiến trúc, văn hóa của lễ hội. Nói tóm lại giai đoạn đầu cần có văn hóa để sưởi ấm cho người Việt ở đây. Cộng đồng đã có nhiều ngôi chùa khởi đầu, chùa Trúc Lâm, chùa Việt Nam dưới Santa Ana, rồi chùa Huệ Quang, kế tiếp sau này là chùa Dược Sư, chùa Bảo Quang, chùa Bát Nhã. Sự tiếp nối đó hình thành từ một cái nôi đất đai khiêm tốn nhưng sau này được cộng đồng hỗ trợ để phát triển mang đến vừa niềm tin, vừa sự an ủi tâm hồn cho những người con Phật.

Đi bất cứ đâu, ở hoàn cảnh nào ai cũng muốn trở về cái cội nguồn của mình. Đó là cái ngày Tết Giao Thừa cúng ông bà. Giao Thừa cúng ông bà đã đi sâu vào tâm thức của từng người nhớ về cố quốc, ngày đó, tháng đó, năm đó. Từ ngày 23 đưa ông Táo cho đến đón ông bà chiều 30, ai đâu thì tụ về đó.

Ngoài lễ cúng ông bà, người ta đi đâu lúc nửa đêm trừ tịch để mà nghinh xuân? Những cái buồn, xui xẻo mong cho nó trôi qua, cộng với niềm tin văn hóa, nên người ta mới đến chùa để mà xin cho cái lòng phơi phới lên, ô năm nay mùa lễ giao thừa chúng ta có hy vọng năm tới mình sẽ tốt hơn. Vì cái niềm tin đó người ta đi chùa thắp nhang lễ Phật.

Lễ đón giao thừa ở Chùa Huệ Quang này được hình thành bởi tất cả những niềm tin của những người trong cộng đồng người Việt nói chung, Phật tử nói riêng. Nói đến giao thừa là nói đến chùa, nói đến chùa là nói đến văn hóa dân tộc, như xin xăm, nhìn đức Phật trang nghiêm để năm tới mình sẽ giống như đức Phật, mình sẽ có một sự giác ngộ nào đó, để mình buông xả tham sân si, những cái cũ mà mình vấp phải, mình tức tối, nhìn đức Phật thì mình thấy nhẹ đi, giảm bớt.

Đêm giao thừa đi lễ Phật, được thầy lì xì để lấy cái lộc, cộng với văn hóa dân gian để tạo thành một bó bông của đêm giao thừa và mồng một.

Đám đông xem đốt pháo Đêm Giao Thừa mừng Xuân Quý Tỵ rạng sáng 10 tháng Hai, 2013 dương lịch tại sân Chùa Huệ Quang, thành phố Santa Ana. (Hình: Thomas Trương / Viễn Đông)

Tôi đến đây đầu năm 80. Trước đó, đầu tiên tôi đến chùa Việt Nam ở đường 16, Washington D.C., nhưng mà ở đó tháng đó lạnh quá, tôi mới qua California, trước ở chùa Giác Minh của Hòa Thượng Thanh Cát, Palo Alto, Bắc Cali. Sau đó một tháng thì Hòa Thượng Mãn Giác nói chuyện với Hòa Thượng Thanh Cát đưa tui về dưới này trụ trì chùa Việt Nam ở đường McFadden, Santa Ana.

Sau vì hoàn cảnh sức khỏe tôi nghỉ ngơi ở một chỗ riêng, mới ở Việt Nam qua mà. Về đây tôi mua miếng đất này vào năm 1983, trị giá hồi đó rẻ lắm, khoảng 75 ngàn thôi. Miếng đất khiêm tốn là khoảng 8,000 square feet.

Chùa ở đâu thì có văn hóa ở đó, lễ giao thừa được tổ chức ở đó. Hồi đó chùa tổ chức rất khiêm tốn, vào khoảng chừng một trăm, hai trăm người đến vào đêm giao thừa. Thấy có ngôi chùa là người ta đến. Vào đêm đó ở Mỹ thì người Việt Nam chỉ biết tục lệ đốt pháo, chúc nhau, thăm hỏi nhau, lì xì với nhau, rồi xin lộc xin mai. Mấy chục năm trước người ta tràn vô chùa lấy cái bông, tưởng rằng đó là lộc của chùa. Khi mất hết những gì ở Việt Nam rồi thì người ta muốn đến chùa ở đây, muốn lấy cái lộc đó, làm lại từ đầu cái niềm tin đó, chỉ có chùa là có cái niềm tin để người ta vịn thôi.

Khoảng 10 năm hay 15 năm gì đó, chùa tổ chức giao thừa không có hát xướng gì hết. Rồi cộng đồng lớn mạnh, truyền thông nhiều, người ta đến đông. Cộng đồng muốn có những sinh hoạt văn hóa đêm giao thừa, ngoài những lễ lạc người ta muốn có sinh hoạt văn nghệ, có những bài ca dân gian về giao thừa.

Rồi các đài truyền hình muốn involve vô. Rồi một số ca sĩ muốn làm đêm giao thừa để mọi người đều có thể chia sẻ. Các nghệ sĩ đều muốn tham gia những cái nét văn hóa đó. Cộng đồng người Việt tại Orange County này là cái nôi, cái chỗ báo chí, truyền thông, văn nghệ, tất cả mọi thứ, những cái tài ba, tinh hoa của đất nước Việt Nam ở khúc quanh lịch sử 1975 được quy tụ về đây.

Orange County là cái nôi. Đi đâu cũng biết tổ ấm là đây, người ta trở về đây, nên tổ chức đón giao thừa ở đây. Ca sĩ hát ở đây, rồi người ta trở về cúng ông bà. Không giống như bây giờ người ta đi hát show, đi casino đêm giao thừa.

Các đài truyền hình gần nhất chúng tôi là đài Little Saigon TV của Đinh Xuân Thái, làm với tôi cũng mười mấy năm, khá lâu rồi. Nhắc tới lễ giao thừa thì người ta nghĩ tới chùa Huệ Quang. Bây giờ cộng có thêm chùa Điều Ngự thật là hay, bởi vì đó là vườn hoa của Phật giáo. Bên chùa Điều Ngự cũng có đêm giao thừa đài truyền hình, tui thấy rất là đẹp.

Tất cả các tiểu bang, kể từ năm 2015 đến nay, sau 30 năm làm việc mệt mỏi, người ta dành một tuần để về đây, người ta đi dự lễ hội, đón giao thừa, khai mạc hội chợ Tết, hội chợ sinh viên, nhiều hội chợ Tết lắm. Đón giao thừa rồi đi hội chợ, rồi đi diễn hành nữa, cũng ở đây.

Lễ tưởng niệm Ân Sư và Ngày Hội Chư Tăng tại Chùa Huệ Quang, Santa Ana ngày 25 tháng 12, 2018. (Hình cung cấp)

Chùa Huệ Quang mang nét kiến trúc văn hóa của một ngôi chùa giống như Việt Nam, nằm trên một lộ trình, một khu đất thiên thời địa lợi, trên đại lộ Westminster. Hồi xưa đại lộ Westminster không như bây giờ. Nó không có curb, không có sidewalk, rất là hẹp, bây giờ có nhiều business hơn. Mỗi lần tổ chức chúng tôi phải xin giấy phép đóng đường, những parking xung quanh đây, mấy ngàn chỗ parking, thành ra đêm giao thừa, rất là tiện lợi cho người muốn đến chùa, rồi có đốt pháo để mà countdown.

Các nghệ sĩ ủng hộ rất nhiều, không chỉ giao thừa thôi mà còn những ngày lễ khác, như lễ hội Vu Lan.

Tôi nói thiệt với anh, những ca sĩ đã thành danh ở đây bây giờ, từ trại tỵ nạn qua đây, con cá sống nhờ nước, thì ca sĩ cần khán giả. Họ nhớ nghề nghiệp lắm, muốn ca hát dầu chỗ đó nhỏ hay chỗ đó lớn, từ hồi xưa hồi còn Việt Dzũng làm MC cho chùa, anh Việt Thảo cũng đóng góp cho chùa. Phải nói cái chùa này không phải tự nhiên có, chỉ do Phật tử cúng đâu. Báo chí, truyền thông support vô, rồi ca sĩ. Hồi đó Hoài Linh mới qua cũng hát ở đây. Rồi chị Khánh Ly cũng hát, chị Phương Dung, chị Trang Thanh Lan. Hầu hết ca sĩ cần có sân khấu để hát không cần lấy tiền. Rồi đợt sau như Quốc Anh cũng vậy. Hát riếc rồi già lớn tuổi.

Ngồi tĩnh lặng mà nghiệm, thấy được cái chùa này hình thành là do nhiều cái duyên, nhiều sự đóng góp của cộng đồng. Bức tường trông nó bằng phẳng vậy nhưng có nhiều hạt đá hạt cát hạt này hạt kia nó đóng góp. Nhiều người đã nằm xuống, bỏ công lao, từng đóng góp cho chùa. City, kể cả city, họ dễ dãi cho những người Việt tỵ nạn mới qua.

Thành ra những năm gần đây thì cái đêm giao thừa trở thành truyền thống, mà chùa Huệ Quang được nhắc tới trong đêm giao thừa của người Việt tại hải ngoại. Bây giờ trong hoàn cảnh năm nay thì chưa biết sao, nhưng nói thật, đại dịch đã ép mình qua một bên rồi. Kinh tế chậm lại, mình lệ thuộc vào đất nước Hoa Kỳ.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn (giữa) cùng Hòa Thượng Thích Phước Tịnh từ Quận Cam (bên phải) và Thượng Tọa Thích Pháp Hòa từ Edmonton, Canada trong một dịp gây quỹ cho Tam Bảo. (Hình cung cấp)

– Có những người nói chùa Huệ Quang là chùa văn nghệ, thầy nghĩ sao?

Tùy theo cái hoàn cảnh, vì giao thừa của Phật Giáo gắn liền với nét văn hóa dân tộc Việt Nam, trừ khi chùa ở trên núi thì không được, chớ còn đối với dân gian ở đây thì chùa là một cái sinh hoạt văn hóa, người ta biểu lộ được nét đẹp văn hóa trong đêm giao thừa. Thí dụ như bài hát Ly Rượu Mừng, có nét đẹp văn hóa hồi tưởng ở trong đó, nói lên niềm hoài hương cố quốc của mình.

Cho nên, tùy theo sở thích, dĩ nhiên những người đó nói đúng, đúng một phần. Chùa là nơi thanh tịnh, nơi cầu nguyện, nhưng chùa cũng là… (ở miền quê gọi là) “nhà lồng chợ,” là chỗ bán buôn, tụ họp, đụt mưa, đụt nắng. Chùa là chỗ tạm dung để cho những người tỵ nạn đến để lễ nghi. Chùa là một hội trường, chùa là tòa đại sứ của Phật giáo, của Đức Phật. Nó không riêng gì cho người ta ngồi thiền không. Gọi là mái chùa che chở hồn dân tộc. Thì dân tộc đó được cái gì khi mà đến lễ Phật? Người ta hoài hương, người ta nhớ.

Ông Phật vẫn điềm nhiên tọa thị, ai muốn chiêm ngưỡng thì chiêm ngưỡng, ai muốn tu thì qua ngày khác, không có gì trở ngại. Chùa cũng có những khóa tu, tổ chức an cư kiết hạ. Đó là phương tiện.

Ở dưới dân gian thì chùa nằm trong thành phố để cho người ta không phải đi xa. Đi làm về thì chỉ có đủ thời gian tắp vô chùa, nói bữa nay có duyên sự là chồng con nằm nhà thương, không được khỏe, nhờ thầy chú nguyện, nhờ cái đức của chùa, đức của ông thầy, phước của chùa. Phước của chùa là phước tập thể, gọi là lực của cộng đồng, lực của chư tăng. Rồi mới sanh ra việc viết sớ cầu an, viết sớ cho ông bà mới chết nhờ cầu siêu.

Đó là cái niềm tin văn hóa, đâu thể buông bỏ được. Đứng bờ bên nay thì cũng không được, đứng bờ bên kia gọi là xã hội, Phật giáo gọi là tương tức tương nhập, gọi là sống tương quan tương đối để cho hòa hợp với quần chúng ở đây.

Trước ngày xảy ra đại dịch, Chùa Huệ Quang vẫn tổ chức phát cơm chay miễn phí cho đại chúng vào ngày Rằm âm lịch mỗi tháng. Hình này chụp hồi tháng 10, 2018. (Hình: hmd)

– Thầy bước vào đường tu như thế nào?

Tôi sanh ở đồng bằng Nam Bộ, giữa Long Xuyên và Cần Thơ, nói Long Xuyên cũng được, nói Cần Thơ cũng được. Tôi sống ở nơi thuộc về quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên nhưng mà sau 1975 thì thuộc về Cần Thơ.

Bên ngoại tôi ở gần chùa Phước Long. Hồi nhỏ tôi theo ngoại đi chùa. Đất của bà ngoại là đất của chùa, người ta cho ở bên cạnh, thành ra tui chạy qua chạy lại chùa. Năm 1940 ba má tui gặp nhau ở đó, ở chung với bà ngoại, sanh tôi ra thì tôi thật sự tuổi Canh Dần, 1950, tuổi ta là 71. Tôi có năm anh em. Ba má tôi cũng đã xuất gia. Ba tôi là thầy tì kheo Thích Thiện Thanh, má tui thọ sa di ni là sư cô Diệu Đức.

Tôi được xuất gia và vô chùa ở lúc 12 tuổi. Tui thích vô đó vì có mấy chú tiểu, chẳng qua là thích chứ chưa biết tu là gì, rồi hòa thượng cho phép ở đó, sáng tối sinh hoạt theo nề nếp của nhà chùa. Rồi lớn lên tới năm 1963 thì tôi được đi ra ngoài Sài Gòn. Tôi học trong thời gian có tranh đấu Phật giáo, đầu tiên ở chùa Vạn Thọ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Quang Khải, gọi là Xóm Chùa. Ở đó, năm 1964 thì cuộc tranh đấu trôi qua, yên ổn.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có những vị coi về văn hóa giáo dục của tăng ni như Hòa Thượng Thiện Hòa, Hòa Thượng Trí Tịnh, có mở trường trung đẳng, gọi là trung đẳng chứ không phải cao đẳng, Phật Học Huệ Nghiêm thì mở tuyển cho các miền. 

Tôi thi vô đậu lớp trung đẳng 1964, học bốn năm, tới 68 thì Mậu Thân. Trong hoàn cảnh biến cố đó thì ra trường sớm một chút, lẽ ra phải sáu, bảy năm. Phật Học Huệ Nghiêm ở xa cảng miền Tây bây giờ, hồi xưa gọi là khu An Dưỡng Địa, chỗ lò thiêu, ai cũng biết hết. Quản lý của học viện đó có ba vị giám đốc là Hòa Thượng Thanh Từ, Hòa Thượng Thiền Tâm, và Hòa Thượng Bửu Huệ. Ba vị này dạy trong nội chúng, dạy kinh điển theo từng lớp. Môn học ngoài đời thì mời giáo sư vô dạy.

Chúng tôi ở nội trú, trong đó ăn uống thì có mấy chục cái chợ, chợ Cầu Muối, chợ Ông Lãnh, chợ cầu Nguyễn Tri Phương, chợ Bàn Cờ, vân vân, tới cuối tuần để sẵn đồ ở đó, xe chùa chạy ra chở rau về. Thời đó mà nuôi tới 300, 400 trăm vị tăng sinh hơi khó. Nhưng mà nhờ đạo tâm và sự điều hành của các Hòa Thượng Thanh Từ, Thiền Tâm, Bửu Huệ, nhờ uy tín của các ngài mà nuôi được tăng chúng. Dân từ khắp miền Nam, Trung, Bắc gì cũng có mặt trong học viện đó.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn trì bình trong một buổi lễ được tổ chức tại Chùa Huệ Quang tháng Tám 2019. (Hình: Thanh Huy)

– Thầy bổn sư

Ở dưới quê thì thầy bổn sư của tôi ở chùa Phước Long là Hòa Thượng Phước Trí. Hòa Thượng Phước Trí là một vị Hòa Thượng rất đức độ thật sự. Hồi xưa chùa dạy Kinh không cho đi học ở ngoài, dạy Kinh thì dạy chữ Nho không, rồi dạy Luật, Tì Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách. Rồi học chữ Nho, Tam Tự Kinh, Tứ Thư, Ấu Học, rồi Minh Tâm Bửu Giám. Những chữ đó thì nằm yên ở đó, lâu lắm không dùng nên tôi cũng quên chút chút.

Nhưng cũng nhờ đó tôi có căn bản thiện căn, gần với đức độ của hòa thượng thì thiện căn phước đức mới có, chấp lao, phục dịch, gánh nước, bữa củi, công phu, bái sám. Cho nên cái ông thầy mà tu được phải có cái căn duyên từ đời trước, là thiện căn, là phước đức hiện đời của cha mẹ. Cái nhân duyên là phải gặp thầy tổ, rồi nhân duyên cho sau này nữa.

Tới biến cố lịch sử 75 thì tôi phải trở về quê cũ, đi làm ruộng, không thể ở thành phố. Ai cũng tản mác hết, người cảnh này cảnh nọ. Ngày 30 tháng Tư, buổi sáng, giữa trời nắng chang chang, người Việt miền Nam nào nghe tin như vậy cũng ngơ ngác như một người mất quê hương. Không còn tổ quốc ở nơi đây nữa. Khi cộng sản chiếm miền Nam rồi thì chúng ta không có lý tưởng gì để nói rằng “Ô, hòa bình rồi!” Đâu có chuyện đó.

Đến năm 78 tôi dự định ra nước ngoài. Ai sinh ra ở đời cũng có cái duyên, một là đi ra nước ngoài, hai là trước sau gì nó cũng mời mình vô Ủy Ban Mặt Trận để mà làm việc, nếu không đồng ý thì mình coi chừng có ngày. Nhìn hoàn cảnh đất nước thời đó, thời khủng hoảng, nó theo dõi các chùa. Thành ra tôi nhìn thấy khả năng của mình thì chỉ có đi ra xứ người. Chẳng lẽ mình sanh ra đời để phải sống như thế này.

Nhờ Phật tử ủng hộ tôi mới đi vượt biên được. Tôi đi từ Long Xuyên quê của tui, đi theo dòng sông Hậu, ngang qua Cần Thơ thì tâm trạng của những người đi vào buổi chiều đi ngang quê của mình ai cũng gạt nước mắt mà chào tạm biệt, còn chết sống thì không còn quan trọng nữa. Tui tới Pulau Bidong, một đảo nằm ngoài khơi tỉnh Terengganu, Malaysia.

Có những người đi nhiều ngày qua biển đến thẳng đảo, có những người bị cướp biển, bị nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể chết trên biển, đi mười ghe thì mất hết năm ghe. Lòng can đảm của những người tỵ nạn chịu chiến tranh mấy mươi năm. Họ đủ can đảm để thà chết trên biển để tìm tự do, không vì kinh tế mà vì lý tưởng tự do, họ mới đi ra biển, người nào có duyên phận thì đến bờ, không có thì chìm dưới biển.

Khi ra biển thì mình mới biết hải tặc như thế nào, biển lớn như thế nào, biển đen như thế nào. Tôi rất biết ơn Đức Mẹ Quán Thế Âm, đức độ của ngài đã cứu vớt biết bao nhiêu người trong chúng ta. Cho nên khi đến bất cứ đâu, Úc, Hoa Kỳ hay nước nào đi nữa thì chúng ta cũng hồi tưởng lại rằng ông bà cha mẹ mình có tu có phước lắm mình mới được đến đây.

Lênh đênh qua cửa thần phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Không ai tài giỏi gì nhưng tiếc nỗi là có những người qua đây rồi họ quên đi những nỗi nhọc nhằn, cực khổ của những thuyền nhân, những người ở những bên trại tỵ nạn. Chứ thật sự chúng ta không có tài gì hết ngoài cái đức độ, phước báo chúng ta, rồi mới có cộng đồng người Việt.

Tôi ở trại tỵ nạn Pulau Bidong từ đầu 78 đến cuối năm 79. Lúc đó những thuyền nhân Việt Nam đều tắp vô đó hết. Trong đó tôi gặp ca sĩ Thanh Tuyền, Ngọc Minh, đủ mặt hết. Những tay lớn đều ở đó. Tôi đến đây trọn 40 năm, tắp đầu xuống nước Mỹ là đã làm việc rồi. Cho đến ngày hôm nay, cái thân này thật sự như chiếc xe Pinto hồi xưa, mệt mỏi lắm rồi, còn ráng một chút xíu để ổn định cho việc ở đây.

Thầy Minh Mẫn trong một buổi lễ với Hội Đồng Liên Tôn cùng các viên chức gốc Việt và giới truyền thông tại Quận Cam. (Hình cung cấp)

– Thầy tu tập như thế nào giữa những lúc tiếp xúc với người ngoài, lo chuyện đời?

Trong đạo Phật có câu: Phật pháp bất ly thế gian pháp. Phật pháp giống như không khí và hơi thở. Phật pháp giống như tự do, tự do của nước Mỹ, người nào có lỗ mũi biết thở thì xuống phi trường Los Angeles người ta sẽ thấy được cái hạnh phúc của sự tự do ở đây. Ngoại trừ người đó bị nghẹt mũi thì không thấy được cái hơi thở.

Trở lại một người tu, tôi là một người Việt tỵ nạn, tôi là một tu sĩ tỵ nạn đồng hành với những người tỵ nạn khác. Thứ hai, tôi có trách nhiệm trên tinh thần lãnh đạo của Phật giáo cho chúng tôi được nuôi nấng, có năng lực để duy trì cùng những Phật tử ở xứ ngoài. Thứ ba, tui còn trẻ, tôi vô núi tôi tu, nhập thiền, thì ai bồng bế những nỗi đau khổ của những người Việt Phật tử chúng tôi mới qua đây.

Chuyện thứ tư nữa, tui nuôi cái niềm tin của những Phật tử ở đây, chẳng lẽ tui lên núi bỏ họ ở đây? Họ đi bỏ báo, tối ghé thăm chùa, tôi là người counselor, vỗ về tinh thần, vỗ về tín ngưỡng, và dạy cho họ. Và còn nhiều cái khác nữa, tôi nói với tất cả bà con hiểu rằng, bất cứ hành đạo nào mà mình mang lại lợi lạc, xoa dịu cho người khác để báo ân cho chư Phật, lợi lạc cho xã hội, lợi lạc cho chúng sanh, cho cộng đồng, cho người Việt, cái đó là cái tu của tôi và của tất cả các thầy.

Chuyện thứ kế nữa, giai đoạn đầu mới về chùa đây, đâu phải tự nhiên có chùa. Ở nhà trọ, mướn garage, mướn nhà để làm chùa, nhưng mà vẫn tu trong thời gian còn lại, tối chiều khuya. Không phải ngày nào tôi cũng ngồi thiền suốt ngày. Chữ tu ở đây có nghĩa là chuyển hóa, làm cách mạng, làm thay đổi cái tâm thức suy nghĩ của mình ở Việt Nam và ở đây. Cách mạng là tu. Làm việc làm sao cho chúng sanh ở đây có cái nét đẹp của văn hóa là cách tu. Bởi vì cái việc của thế gian là gì, là việc của Phật pháp. Mà Phật pháp làm cho người ta ổn định, người ta hạnh phúc, vui tươi, bớt đau khổ, tức là mình đã có hạnh phúc. Chữ tu tuy có nghĩa là sửa nhưng mà cũng phải làm.

Cho nên ông thầy ngày đầu mới tạo lập chùa phải lo mua nhà, mua chùa, vay mượn đầu này, đầu kia. Cúng kiếng tụng kinh bái sám, vừa tu vừa làm, chứ đâu ai cho anh tiền để đóng tiền nhà. Phải trả tiền xe, tiền cộ, insurance, tiền này tiền kia. Như vậy sự tu hành của một người tu sĩ gắn liền với những đau khổ của chúng sanh trong cõi này. Đó là việc tu của ông thầy.

Đến tuổi bây giờ tui đã được về hưu rồi, tui tự mình cắt bớt, giao lại những công việc cho người khác. Ngày thường thì sinh hoạt văn hóa, đám tang đều là đóng góp cho công việc Phật sự, sau đó có thời giờ thì buổi tối ngồi thiền, tụng kinh, hướng dẫn Phật tử. Nói tóm lại, làm những việc nào có lợi ích cho chúng sanh tức là đã tu rồi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma (ngồi) đang đáp lễ Hòa Thượng Thích Minh Mẫn nhân dịp ngài lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng thăm Chùa Điều Ngự tại thành phố Westminster năm 2016. Đứng đằng sau bên phải là Hòa Thượng Thích Viên Lý, viện chủ Chùa Điều Ngự. (Hình cung cấp)

– Lời khuyên cho Phật tử trong thời đại dịch này

Chuyện dịch năm 2020 này không chỉ xảy ra cho nước Mỹ mà cho toàn cầu, chịu nhiều cái nghiệt ngã của bệnh dịch nói chung phát xuất từ Trung Quốc. Mình ở đất nước Hoa Kỳ, được chính phủ cưu mang cho mình, xin bà con chớ nên than vãn, bởi vì mình chỉ giữ cái khoảng cách của mình, giữ cái hạnh phúc của mình có được trong tay. Và thứ nữa là được chính phủ hỗ trợ cho số tiền, tiền thất nghiệp mấy tuần lễ, mỗi tuần mấy trăm, anh chị phải coi đó là hạnh phúc. Nếu ở Việt Nam thì ai hỗ trợ cho anh chị? Đó là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai là hoàn cảnh tôn giáo hiện nay thật sự rất khó khăn, không biết nói nên lời với ai bởi vì đó là cái chung của tiểu bang và từng quốc dân Hoa Kỳ. Chùa chiền suốt ba tháng nay không có sinh hoạt gì hết. Ngân quỹ không có. Nhà thờ cũng không có con chiên bỏ tiền vô, chùa thì người ta không đến sợ lây dịch.

Bệnh dịch là một cái loại nghiệp của chúng sanh trong cõi đời này, và tuy không có hình tướng, nhưng ảnh hưởng đến từng đất nước, đến chính trị, bầu cử, tôn giáo. Chúng ta cần giữ gìn, đeo khẩu trang, giữ gìn cách ly, thì không có lý do gì mà chúng ta bị bệnh dịch.

Đặc biệt cho chùa là những người lớn tuổi, bây giờ con cái không cho thì các cụ đành ở nhà, nhưng các cụ chỉ nhớ chùa thôi, chứ thật sự các cụ cũng có tiền già, tiền này tiền kia. Cái gì nó cũng hết, tối rồi lại sáng. Tới một lúc nào đó thì bệnh dịch tự nhiên nó cũng lần hồi biến mất.

Chúng ta chỉ cần giữ gìn một cái cẩn trọng trong đời sống, không được tiếp xúc nhiều, không hội họp nhiều để tránh bị lây nhiễm. Nếu nói vùng nào có gai thì anh chị mang giày thì gai nó không đâm thôi, rõ ràng là vậy, không nói “ô chỗ đó có gai tôi cứ đi,” đừng đi bình thường, mang giày thì không bị gai đâm.

Nói tóm lại, đức Phật dạy muốn thành Phật, muốn về cõi Niết Bàn, muốn về cõi vĩnh hằng? Dễ ợt! Chỉ cần giữ thân, khẩu, ý. Không có tham, không có sân, không có si, không này không kia. Đức Phật đã nói như vậy thì mình cứ vậy mà làm theo.

Cái bệnh dịch như vô cái ô nhiễm của môi trường, mình chỉ cần giữ những cái giới đó. Cái tham, cái sân, bỏ hết thì anh chị có thể về cõi vĩnh hằng với Chúa với Phật rất dễ dàng.

Việc chùa chiền nói tóm lại là ơn Trời Phật và đàn na thí chủ, những người công quả đóng góp, từ các giới, tầng lớp của xã hội trong cộng đồng người Việt đã giúp đỡ hình thành cho Phật giáo nói chung ở vùng này, và cho chùa Huệ Quang nói riêng. Chùa đã có mặt ở đây cho thế hệ con cháu chúng ta 100 năm, 200 năm chùa Huệ Quang vẫn có mặt ở đây. Đừng nghĩ rằng chúng ta làm cái đó là lợi lộc cho mình, mà nghĩ đến cái tương lai cho cộng đồng người Việt được vững chãi.

Hằng năm Chùa Huệ Quang vẫn thường xuyên tổ chức những buổi lễ lớn cho các Phật tử cũng như tuần An Cư Kiết Hạ cho chư tăng ni. (Hình cung cấp)

– Ước vọng của thầy cho thời gian tới

Tôi còn trách nhiệm của người xuất gia, sao cho trọn vẹn, mặc dù trên đường đời có bụi bặm, có bị liệng đá bể kiếng xe, rồi xe nó bị vết thương. Tôi có nhiều cái bệnh tật tai tiếng, rồi nhiều cái chuyện này chuyện nọ, có tánh xấu, bởi vì tôi cũng là con người, chỉ có một cái là tôi biết chuyển hóa, làm mới lại, tôi đứng dậy tại chỗ mà tôi bị té, những gì tôi vấp phải là những bài học quý giá trong cuộc đời mình.

Hy vọng của tôi là có một cái vườn cây, có một sự thanh thản, có thời giờ để tu tập để chuẩn bị cái tư lương của mình trên đường về nước Phật, hiểu được Phật pháp một cách trọn vẹn. Đó là một cuộc đời mà người Phật tử cũng nên hiểu, không phải đi chùa tụng kinh nhiều, thiền nhiều, khóa học nhiều là được, mà phải thâm thấu được Phật pháp hay không mới là quan trọng.

Đức Phật nói vô thường, hiểu được vô thường, hiểu được vô ngã, hiểu được cái điện thoại này nó không có cái tính chất Iphone, không phải tự nó có. Hiểu như vậy là hiểu điều Đức Phật nói. Cuộc đời của mình cũng vậy, thành vợ thành chồng, có nhà có cửa, đều là duyên hết. Phải cần cầu hiểu được Phật pháp thì đó là hạnh phúc, chúng ta mới bừng tỉnh “Ồ thì ra là như vậy.”

HT Thích Minh Mẫn (Hình cung cấp)

*

Trong suốt thời gian chia sẻ tâm tư của mình ở phòng bếp, thỉnh thoảng thầy Minh Mẫn phải ngưng nói để tắt những cú điện thoại. Đến cuối buổi nói chuyện, khi tôi xin phép chụp hình thầy một tấm ở trong bếp và một tấm ở ngoài sân, thì lại có tiếng reo điện thoại. Lần này thầy “bắt phone,” và tôi nghe loáng thoáng tiếng nói của một cụ bà lớn tuổi. Cụ lo lắng là tượng Phật mới an vị ở nhà cụ sẽ bị nghiêng đổ. Thầy vừa ngồi yên trong bếp cho tôi chụp hình, vừa nói chuyện trấn an bác Phật tử, nhưng cụ vẫn tiếp tục bày tỏ sự lo âu.

Tôi bước ra sân đứng ngắm vườn cây, tránh nghe thêm những mẩu đối thoại, nhưng thầy cũng theo tôi ra sân, vừa nói chuyện với cụ kia với giọng lớn hơn, vừa nhìn theo hướng tay tôi chỉ để đứng vào vị trí cho tôi bấm máy. Tôi “bắt” được một tấm ảnh của thầy tay cầm điện thoại, ngưng nói vài giây. Thấy tôi bấm xong thầy vội vã đưa điện thoại lên tai, trở lại câu chuyện của cụ bà Phật tử, nhưng không quên vẫy tay chào anh nhà báo.

Về nhà xem lại mấy bức ảnh chụp được ở chùa Huệ Quang, tôi ưng ý nhất với tấm hình thầy đứng giữa vườn cây với nét mặt thanh thản, dường như không hề bận tâm với một cú gọi còn đang dở dang ở trong tay.

 “Sự tu hành của một người tu sĩ gắn liền với những đau khổ của chúng sanh trong cõi này,” thầy có nói sáng hôm ấy. “Đó là việc tu của ông thầy.”

Tôi thầm cảm ơn những duyên lành đã giúp tôi được tiếp chuyện và hiểu hơn về thầy Minh Mẫn, về những vị Bồ Tát, những “chiếc xe Pinto” đang dấn thân trong cõi ta bà đầy ô nhiễm bệnh dịch này.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn trong vườn cây ăn trái của thầy đằng sau khu nhà bếp của Chùa Huệ Quang sáng thứ Sáu, ngày 24 tháng Bảy, 2020. (Hình: hmd)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *