Bài ĐỒNG PHÚC
(Bài viết này được tổng hợp từ những bài viết của Amy Schmidt, Sara Jenkins, và Sharon Salzberg trong những năm 2003, 2017, và 2020 đăng trên tạp chí The Lions Roar, và của Joseph Golstein trong lời giới thiệu quyển ‘Dipa Ma – The Life & Legacy of a Buddhist Master’ của bà Amy Schmidt.)
Câu chuyện Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện, vợ con, một cuộc sống sung túc về vật chất để đi tìm một cuộc sống tâm linh và trở thành Phật là một câu chuyện quen thuộc. Bà Dipa Ma cũng đi theo một con đường tương tự, nhưng hành trình tâm linh của bà đã có một khúc quanh bất ngờ. Cuối cùng bà trở về nhà, mang theo sự tu tập của mình, sống trong sự tỉnh thức với con gái trong một căn chung cư tầm thường như bao gia đình khác trong một xóm lao động của thành phố. Trách nhiệm làm mẹ của bà đã được làm sáng tỏ bằng sự tu tập; mọi quyết định của bà không vì mặc cảm tội lỗi hay bổn phận, mà vì trí huệ và tâm từ bi xuất phát từ sự hành trì Phật pháp. Thay vì nhập thất trong hang động hay vào rừng sâu để tu luyện, bà Dipa Ma đã ở nhà và giảng pháp ngay từ phòng ngủ của mình, một căn phòng không có cửa ngăn che, thật không còn gì thích hợp hơn để nói rằng phòng ngủ ấy chính là “vô môn thiền tự.”
Người phụ nữ phi thường mang “pháp danh” Dipa Ma này đã chào đời với thế danh là Nani Bala Barua vào năm 1911, tại một ngôi làng trong vùng trung nguyên Chittagong mà nay thuộc xứ Bangladesh. Ở nơi đây nếp sống theo văn hóa Phật Giáo vẫn còn tồn tại được truyền thừa từ thời Đức Phật Thích Ca. Khi Dipa Ma chào đời thì miền đất này hầu như không còn ai biết đến pháp môn thiền quán, họ chỉ biết duy trì những nghi thức, tục lệ theo truyền thống Phật Giáo mà thôi.
Mặc dù rất muốn học hỏi nhiều hơn về đạo Phật từ thời niên thiếu, Dipa Ma cũng không thoát được số phận dành cho hầu hết phụ nữ trẻ thuộc thế hệ của bà. Họ có rất ít cơ may được dự những khóa tu nghiêm chỉnh. Tuy vậy, đến tuổi trung niên thì bà được cơ hội dốc hết thời giờ để học thiền, và chỉ trong một thời gian rất ngắn bà đã đạt được sự tỉnh giác ở những mức độ thiền quán thâm sâu. Đồng thời bà cũng khám phá cách thức đưa cuộc sống gia đình vào hành trình tâm linh của mình. Và rồi bà đã có thể giảng dạy lại những cách thức tu tập để có chánh niệm ngay trong những sinh hoạt của đời thường.
Ảnh hưởng của bà Dipa Ma đã lan rộng đến các nước Tây Phương, một phần là nhờ những mối liên hệ giữa bà với ba người đã sáng lập Insight Meditation Society (IMS) tức Hội Thiền Quán theo Phật Giáo Nguyên Thủy đặt trụ sở tại thị xã Barre, tiểu bang Massachusetts. Trong ba vị này, hai người từng là đệ tử của bà là ông Joseph Goldstein và bà Sharon Salzberg. Sáng lập viên thứ ba là ông Jack Kornfield mà một trong các vị thầy của ông này cũng chính là học trò của bà Dipa Ma.
Ông Joseph Goldstein viết trong “lời giới thiệu” cho quyển “Dipa Ma – The Life & Legacy of a Buddhist Master” của bà Amy Schmidt: “Tôi được nghe nói về bà (Dipa Ma) lần đầu khi theo học thiền với sư phụ Anagarika Munindra tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) bên Ấn Độ vào năm 1967. Sư phụ tôi đã rèn luyện bà Dipa Ma ở Miến Điện khi thầy còn hành thiền và giảng dạy trong chín năm trước đó. Thầy thường kể lại, bà là một thiền giả được nhiều sự chứng đắc khác thường (*), mà quí vị sẽ đọc thấy trong tập sách này. Điều mà sư phụ tôi không nói thành lời nhưng lại nổi bật hẳn trong lần gặp gỡ đầu tiên là phong cách đặc biệt của bà đã làm cảm động bất cứ ai được tiếp xúc bà. Đó là sự hài hòa của một vẻ bình an thanh tịnh nhất với một tình thương luôn tràn đầy. Sự tĩnh lặng và tình thương đó rất khác lạ với những gì tôi kinh nghiệm qua. Cả hai đức tánh đó chẳng phải là cái bản ngã, và chúng không đòi hỏi gì, cũng không cần đến bất cứ gì đền đáp lại. Thật giản dị, trong sự vắng bóng của tự ngã, tình thương và an hòa là những gì còn lưu lại đó… […] Bà đặt niềm tin tưởng chẳng hề lay chuyển nơi khả năng của mỗi ai đang bước trên con đường đạo pháp. Lòng tin cậy đó được trang trải cùng với phương cách biết tùy thuận vào bất cứ cảnh huống nào của chúng ta đang sống kèm theo sự kiên trì nhắc nhở ta luôn phải đào sâu hiểu biết qua công phu thực tập liên tục.”
Ông Kornfield kể rằng mỗi khi gặp ông hay bất cứ ai, bà Dipa Ma luôn luôn hỏi những câu đầu tiên này, “Bạn đang cảm thấy thế nào? Sức khỏe của bạn ra sao? Bạn ăn có thấy ngon không?” Dipa Ma hỏi như thế với khách đến thăm bà, bất kể họ là ai hoặc đang trong tình trạng như thế nào, và đặc biệt hơn nữa, bà hỏi han với một tình thương chân thật. Cả hai, bà Sharon Salzberg và ông Joseph Goldstein, cũng mô tả bà Dipa Ma là “người có tấm lòng thương yêu chân thành nhất mà tôi từng gặp trong đời.”
Bà Michele McDonald-Smith, một trong các giảng viên tại IMS, đã xem cuộc gặp gỡ lần đầu với Dipa Ma là một khúc quanh quan trọng trong đời mình. Bà Michele kể, “Khi tôi gặp bà ấy thì hầu hết những tấm gương trong đạo Phật thời bấy giờ đều là phái nam – họ là thầy, là hình ảnh Phật thuộc nam giới. Được gặp một bà nội trợ sống với con gái và cháu ngoại trai, một phụ nữ đã giác ngộ ở bậc cao như thế, thật là một điều quý hiếm sâu đậm mà tôi không thể nói nên lời. Bà Dipa Ma là biểu tượng cho tất cả những gì mà tôi muốn chính mình được trở thành. Tôi cũng là một bà nội trợ, và ngay lập tức tôi cảm thấy, ‘Nếu bà ấy có thể làm được thì tại sao mình không thể làm được.’”
Đối với hàng cư sĩ có ý chí quyết tâm tu hành nhưng không thể rời nhà, rời gia đình, rời việc làm để sống trong một ngôi chùa hay một tu viện, thì Dipa Ma là một tấm gương sáng chói cho thấy những gì họ có thể làm được. Ngay cả cái tên Dipa Ma của bà cũng nói lên ý nghĩa của một người nội trợ sống trong tỉnh thức. Sau 20 năm mong mỏi được làm mẹ, mãi đến tuổi trung niên, như một phép mầu Nani Bala Barua mới hạ sanh được một bé gái nhưng bé đau nặng và chết lúc mới ba tháng. Bốn năm sau, bà sanh được một bé gái nữa, đặt tên là Dipa. Thế rồi mọi người đều gọi bà là “Dipa Ma,” tức là “mẹ của Dipa.” Chữ dipa trong ngôn ngữ Ấn Độ có nghĩa là “ánh sáng hoặc ngọn đèn đạo pháp,” như thế “mẹ của ánh sáng” đã kết hợp hai điểm nổi bật trong cuộc đời của bà Dipa Ma – Phật pháp và mẹ.
Trong thời niên thiếu, cuộc đời của bà Dipa Ma diễn ra theo thông lệ dành cho một bé gái sống trong thôn làng ở East Bengal (Đông Hồi thời bấy giờ). Đến tuổi 12, cô bé được gả cho anh Rajani Ranjan Barua, một kỹ sư lớn hơn cô gấp đôi tuổi. Chỉ một tuần sau lễ cưới, anh phải qua Miến Điện để nhận việc làm. Sau hai năm sống cô đơn trong gia đình nhà chồng, cô bé được gởi theo chồng đến Rangoon. Cuộc sống của họ tiếp tục gặp những thất vọng. Dipa Ma trẻ tuổi đã không thể thụ thai, một điều rất khó chấp nhận trong xã hội Ấn Độ thời ấy. Bồi thêm cho sự khó khăn này, mẹ cô qua đời ở quê nhà trong lúc cô mới 18 tuổi và còn đang loay hoay thích ứng với cuộc sống mới ở Miến Điện. Gần hai mươi năm sau Dipa Ma mới thụ thai được, nhưng lại mất cả hai đứa con lúc còn sơ sinh (chị và em trai của bé Dipa). Rồi chính Dipa Ma cũng lâm trọng bệnh vì xuống tinh thần. Trong suốt thời gian đầy thử thách, ông Rajani đã là một người chồng tốt, rất kiên nhẫn, thương yêu vợ và sáng suốt. Cặp vợ chồng đã nhận nuôi đứa em trai út của Dipa Ma là Bijoy (bé chỉ mới 18 tháng lúc vừa mồ côi mẹ), xem bé như con ruột. Ông Rajani đã khuyên người vợ đau khổ vì mất con rằng hãy thương mọi đứa bé mình gặp như thương yêu con của chính mình.
Tuy không hoàn toàn vơi hết niềm sầu muộn vì không có con trai, bà Dipa Ma đã nuôi nấng em trai út, sanh bé gái Dipa và săn sóc chồng. Thế nhưng đến năm Dipa Ma được khoảng 45 tuổi, sau khi Bijoy khôn lớn và ra riêng, người chồng mà bà hằng nương tựa với đầy tình yêu thương, bỗng đột ngột từ trần, khiến bà Dipa Ma bị khủng hoảng đến tột cùng. Trong nhiều năm, bà yếu đến nỗi phải nằm liệt giường vì bệnh tim và cao huyết áp, hầu như không thể tự chăm sóc mình và đứa con nhỏ dại. Lúc đó bà nghĩ rằng mình sẽ chết nếu không tìm ra được một con đường thoát ra khỏi những khổ đau đang đè nặng trên đôi vai. Bà nghĩ đến việc học thiền, tin rằng đó là cách duy nhất bà có thể dùng để tự cứu mình. Thế rồi trong một giấc mơ, bà nghe tiếng tụng kinh êm dịu của Đức Phật. Ngài đã tụng bốn câu trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), phẩm thứ 16 về Hỷ Ái:
Piyato jayati soko, piyato jayati bhayam piyato vippamuttassa, natthi soko kuto bhayam. Do ái sinh sầu ưu Do ái sinh sợ hãi Ai giải thoát tham ái Không sầu, đâu sợ hãi (Bản dịch của Sư Sán Nhiên)
Thức giấc giữa cơn mơ, bà Dipa Ma cảm nhận trong sự bình tĩnh rằng bà phải quyết tâm tu thiền. Sau đó bà giao hết tài sản do chồng để lại cho một người láng giềng, nhờ họ chăm sóc đứa con gái để bà có thể tham dự một khóa thiền tại Kamayut Meditation Center ở Rangoon, với ý định là sẽ sống suốt đời còn lại tại thiền viện này.
Vào buổi sáng đầu tiên tại thiền viện, bà Dipa Ma được hướng dẫn căn bản cùng cách thực tập thiền trong một căn phòng và cũng được dặn dò rằng sau đó hãy đến chánh điện vào buổi trưa. Trong buổi thực tập thiền đầu tiên sáng ngày hôm đó, sự tập trung của bà đã mau chóng đi sâu vào thiền định. Đến trưa, khi đi trong hành lang hướng vào chánh điện, trải qua nhiều phút bà đã không hiểu tại sao mình không thể đưa chân lên để tiếp tục bước đi. Khó hiểu quá. Và rồi bà nhận ra rằng chân bà đang bị hàm răng của một con chó ngoạm chặt. Thật không ngờ, sự tập trung cao độ trong mấy giờ đồng hồ đã khiến cho bà không cảm thấy đau đớn chút nào. Cuối cùng thì nhờ sự tiếp tay của mấy vị sư ở đó, con chó mới được lôi ra khỏi chân của bà. Thế là Dipa Ma mỗi sáng phải đi đến bệnh viện để được chích ngừa bệnh dại trong nhiều ngày liên tiếp. Vì quy luật không ăn quá ngọ của thiền viện, Dipa Ma – phải mất bữa ăn vì về trễ – đã yếu đuối lại càng mất sức hơn. Cuối cùng bà phải trở về nhà để hồi phục sức khỏe.
Thấy mẹ về nhà, cô bé từng buồn bã từ lúc mẹ đi học thiền đã nhất định không cho mẹ rời nhà một lần nữa. Thế rồi với cá tính thực tế và hữu dụng bẩm sinh, bà Dipa Ma nhận thấy hành trình tâm linh của mình cần được thực hiện dưới một hình thức khác. Dựa theo những hướng dẫn mà bà đã nhận được tại thiền viện, Dipa Ma đã kiên nhẫn tập thiền tại nhà, quyết chí tu tập với sự tỉnh thức trong từng phút giây ngay nơi mình ở.
Sau nhiều năm, bà được một người bạn của gia đình, sống gần nơi bà ở và là một thiền sư, ông Munindra, khuyên hãy đi học thiền với vị thầy nổi tiếng lúc bấy giờ là ngài Mahasi Sayadaw. Lúc bấy giờ bà Dipa Ma đã 53 tuổi, và ông Munindra đang tu tập cũng như nghiên cứu kinh điển với ngài Mahasi Sayadaw. Chỉ tới ngày thứ ba của khóa tu, bà Dipa Ma đã vào sâu trong thiền định. Sự thèm ngủ của bà bỗng biến mất, nhu cầu ăn cũng không còn. Trong những ngày sau đó, bà đã vượt qua những giai đoạn cổ điển của cái gọi là “tiến triển của thiền quán” diễn ra trước khi thiền sinh đạt giác ngộ. Khi qua giai đoạn đầu tiên, bà thấy huyết áp trở lại mức bình thường, nhịp đập của tim giảm xuống đáng kể, tình trạng yếu đuối từng khiến bà không bước nổi lên những bậc thang nay không còn và bà cảm thấy mạnh mẽ hẳn lên. Cuối cùng, như Đức Phật đã tiên đoán trong giấc mơ, những ưu sầu, sợ hãi mà bà từng nghe chĩu nặng trên vai nay bỗng biến mất.
Trong thời gian còn lại của năm đó, bà Dipa Ma thường xuyên đến tu tập tại thiền viện Kamayut ở Rangoon, nơi bà đã nhanh chóng đạt được những bước tiến trong tiến trình đến giác ngộ (Được mô tả trong Thanh Tịnh Đạo Luận – Visuddhimagga – theo truyền thống Nguyên Thủy gồm bốn giai đoạn, cho thấy sự thay đổi rất rõ rệt của tâm.) Những ai từng quen biết Dipa Ma đều ngạc nhiên trước sự thay đổi rất rõ ràng của bà, từ một phụ nữ suy nhược với nhiều đau bệnh, sầu đời, trở thành một người an nhiên tự tại, khỏe mạnh, đầy nghị lực và tỏa sáng.
Sự chuyển hóa của Dipa Ma đã khích lệ những người bạn cũng như người trong gia đình, kể cả cô con gái từng cùng theo mẹ đến dự những buổi thiền tập tại trung tâm Kamayut. Một trong những người đầu tiên đến với bà là Hema, người em gái của Dipa Ma vừa từ Ấn Độ qua định cư ở Miến Điện không lâu. Hema có tám người con trong đó có năm người còn sống chung nhà. Tuy vậy, bà Heman vẫn cố gắng sắp xếp để có thời giờ tập thiền với chị suốt gần một năm. Trong thời gian học sinh nghỉ học, hai phụ nữ trung niên này có tới sáu đứa con để chăm lo. Tại thiền viên, họ được sống chung như một gia đình nhưng phải tuân theo những quy luật rất khắt khe tại thiền viện, kể cả giữ tịnh khẩu, không nhìn vào mắt của nhau, và không được ăn quá giờ ngọ.
Trong sách “Dipa Ma, Cuộc Đời và Di Huấn” của Amy Schmidt do sư Thiện Nhựt dịch, có đoạn kể như sau:
“Đến năm 1965, Dipa Ma được thu hút theo một chiều hướng mới của việc thực tập thiền. Biết trước thiền sư Munindra sắp trở về Ấn Độ, Đại Lão Hòa Thượng Mahasi bảo đệ tử rằng, trước khi quay về với ‘mảnh đất của thần thông,’ sư cũng nên biết đôi chút về các năng lực tâm linh này. Ngài muốn truyền thọ cho Munindra các phép thần thông, nhưng Munindra quá bận bịu với việc giảng dạy không đủ thời giờ để tập luyện. Vì thế, Munindra quyết định huấn luyện các người khác để có thể phần nào chứng minh rằng thần thông là điều có thật. Nhằm mục tiêu này, ông chọn các đệ tử tiến bộ nhất của ông – Dipa Ma cùng con gái, chị và cháu gái bà – và huấn luyện họ theo phương pháp được rút thẳng từ trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Munindra biết rõ thần thông chẳng những phi luân lý và còn có tiềm năng cám dỗ nữa. Nguy cơ lạm dụng rất lớn, trừ phi căn bản đạo đức của người đệ tử được bảo đảm. Dipa Ma được tuyển chọn, chẳng những vì định lực thâm hậu mà còn là vì đức độ toàn bích của bà nữa.
“Chị em bà Dipa Ma cùng ba người con gái của họ được mời làm quen với các môn: phân tán vật chất, phân thân, nấu nướng không cần lửa, tha tâm thông, du hành cõi trời và địa ngục, vượt thời gian, túc mạng thông, và nhiều môn khác nữa. Trong hàng các đệ tử của Munindra về thần thông, Dipa Ma là hành giả thâm hậu nhất mà cũng lại hay hí lộng nhất. Bà thường hững hờ đến trình pháp với Munindra bằng cách đi xuyên qua tường, hoặc bất chợt hiện hình giữa khoảng không khí loãng. Bà học cách sử dụng theo ý mình muốn mọi khả năng về tâm trí và chế phục được tất cả năm loại thần thông.”
Đến năm 1967, chính quyền quân phiệt Miến Điện đã yêu cầu tất cả người ngoại quốc phải rời đất nước này. Các sư đã trấn an Dipa Ma rằng bà có thể được cấp giấy phép đặc biệt để được ở lại. Đây là một vinh dự cho một phụ nữ, người mẹ đơn thân, một người không có một địa vị nào trong xã hội. Thế nhưng, tuy rất muốn ở lại Rangoon, bà Dipa Ma đã quyết định đến Calcutta ở Ấn Độ, để con gái có cơ hội khá hơn trong xã hội cũng như trong giáo dục.
Cuộc sống mới của họ ở Calcutta đã tương đối khiêm tốn, ngay cả so với tiêu chuẩn thấp ở Calcutta. Hai mẹ con sống trong một căn phòng rất nhỏ nằm bên trên một cửa tiệm chuyên mài kim loại ở trung tâm thành phố. Họ không có nước máy, bếp là một cái lò than đặt trên sàn nhà, và họ dùng chung một phòng vệ sinh với một gia đình khác. Bà Dipa Ma ngủ trên một tấm chiếu mỏng.
Thế rồi tin được loan nhanh khắp Calcutta rằng một thiền sư đã từ Miến Điện đến sống ở thành phố này. Những phụ nữ muốn có thời gian tu tập giữa vô số công việc không bao giờ hết của một người nội trợ đã rủ nhau đến căn chung cư của bà Dipa Ma, mong được bà chỉ dạy. Bà sẵn sàng chấp nhận phải dạy thiền cho từng người tùy thuộc vào cuộc sống đầy ắp công việc của họ, nhưng không chấp nhận việc họ viện lý do quá bận rộn để không học thiền.
Sự nghiệp dạy thiền cho những bà nội trợ của Dipa Ma đã thật sự bắt đầu khi bà còn sống ở Miến Điện. Một trong những học trò đầu tiên của bà là cô Malati, một góa phụ đang phải chăm sóc sáu đứa con nhỏ. Dipa Ma đã chế ra những cách tập thiền riêng cho Malati, giúp cô không cần phải rời các con, chẳng hạn như tập chú tâm đến các cảm giác khi cho con bú. Đúng như sự hy vọng của Dipa Ma, sự việc tập giữ chánh niệm trong lúc cho em bé ăn sữa đã giúp Malati đạt được tầng thiền định đầu tiên.
Tại Calcutta, bà Dipa Ma duy trì phương pháp dạy thiền đó trong các trường hợp khác nhau. Sudipti là một phụ nữ vừa phải điều hành một doanh nghiệp, vừa phải chăm sóc đứa con bị bệnh tâm thần và người mẹ tật nguyền. Dipa Ma muốn dạy cho Sudipti cách thiền vipassana, nhưng Sudipti nói rằng cô không có thời giờ cho thiền quán vì cô quá bận với những trách nhiệm cho gia đình và cho kinh doanh. Dipa Ma nói với Sudipti rằng khi nào cô lo nghĩ đến việc gia đình hay việc kinh doanh, thì cô chỉ cần có chánh niệm khi nghĩ đến những việc đó. Bà Dipa Ma từng dạy,”Nhân loại không thể nào giải quyết hết mọi vấn đề của họ. Chỉ có một cách là hãy có chánh niệm khi đang bị phiền não. Và nếu có thể dàn xếp để có năm phút thiền mỗi ngày, thì bạn hãy nên làm như vậy.”
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, bà Dipa Ma hỏi Sudipti rằng cô có thể ngồi thiền ngay lúc đó trong năm phút được không. Sudipti kể lại, “Thế là tôi đã ngồi với bà năm phút. Rồi bà chỉ dẫn cho tôi cách thiền mặc dù tôi có nói là tôi không có thời giờ. Bằng cách nào đó, mỗi ngày tôi tìm được năm phút để thiền và tu tập theo sự chỉ dẫn của bà. Và từ năm phút, tôi đã phấn khởi, tìm được thêm thời gian mỗi lúc một lâu hơn để thiền. Không lâu, tôi có thể ngồi thiền suốt mấy giờ đồng hồ, ngồi thiền đến đêm khuya, có khi suốt đêm cho đến sáng hôm sau, sau khi làm những bổn phận trong nhà. Tôi khám phá mình có năng lượng và thời giờ mà trước đây tôi không nghĩ tôi có được.”
Một học trò khác cũng người Ấn Độ là anh Dipak. Anh còn nhớ bà Dipa Ma đã có ý châm chọc khi nói với anh trong lần gặp đầu tiên, “À, anh là người làm việc trong văn phòng, đầu óc anh chắc bận rộn lắm.” Nhưng rồi bà nói quyết liệt hơn, như yêu cầu anh phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. “Tôi nói với bà rằng tôi làm việc trong ngân hàng và đầu óc rất bận rộn tính toán những con số, và đầu óc tôi không thể ngưng nghỉ. Tôi không thể nào thiền; tôi quá bận rộn.” Bà Dipa Ma đã trả lời rất nghiêm nghị, “Nếu anh bận rộn, thì bận rộn chính là thiền của anh. Khi anh phải tính toán, thì hãy biết mình đang tính toán. Thiền luôn luôn là chuyện có thể làm được, bất cứ lúc nào. Nếu anh đang phóng tới văn phòng, thì hãy tỉnh giác là mình đang phóng tới.”
Thiền trong lúc làm việc nội trợ, theo cách dạy của bà Dipa Ma, cũng rất nghiêm túc như đối với một người tu trong thiền viện. Với lòng thương yêu nhưng rất cứng rắn, bà Dipa Ma yêu cầu các học trò của bà phải giữ năm giới luật và chỉ được ngủ bốn tiếng mỗi đêm, giống như bà. Các học trò phải thiền nhiều giờ trong ngày, đến gặp bà mấy lần trong tuần, và theo sự thúc đẩy của bà họ phải tự tạo những khóa tu tĩnh tâm cho riêng mình.
Ông Joseph Goldstein kể lại lần cuối ông được gặp bà Dipa Ma, rằng bà nói ông phải ngồi thiền hai ngày – không phải là thiền trong khóa tu dài hai ngày mà ngồi thiền suốt hai ngày. “Tôi cười lên, vì tôi nghĩ rằng điều đó vượt ra ngoài khả năng của mình. Thế nhưng bà đã nhìn tôi với lòng từ bi sâu đậm, và rồi nói, ‘Anh đừng có lười biếng!’”
Giáo pháp của bà Dipa Ma không vướng mắc vào một địa điểm, một vị thầy, một cách sống, hay một kiểu mẫu tu thiền. Thế gian là thiền viện của bà; nuôi con và dạy học là sự tu tập của bà. Bà ôm lấy gia đình và thiền như là một, quyết tâm không tạo sự phân biệt trong cuộc sống. Bà Sharon Kreider, một người mẹ và từng tu học với bà Dipa Ma, kể, “Bà từng nói với tôi, kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ chính là những vị thầy đầu tiên của tôi. Bà dạy tôi rằng bất cứ việc gì chúng ta làm, trong vai trò một người thầy, một người vợ, một người mẹ, tất cả đều cao quý. Tất cả đều bình đẳng.”
Không chỉ là “một vị thánh của những bà nội trợ,” như một học trò đã gọi, bà Dipa Ma là hiện thân của sự tu hành chứ không chỉ là người tu hành. Đối với Dipa Ma, sự tu tập chỉ đơn giản là có mặt trong hiện tại, sống trong sự tỉnh thức hoàn toàn, lúc nào cũng vậy, trong mọi tình huống; bà là một minh chứng sống động cho thấy chân tâm chính là hiện tại. Joseph Goldstein nói rằng với Dipa Ma thì không có người tìm cách sống trong tỉnh thức; chỉ có sự tỉnh thức đang là chính nó.
“Tâm của bà không có sự phân biệt,” bà Jacqueline Mandell, một thầy dạy thiền, nói về Dipa Ma. “Thiền, làm mẹ, và tu tập, tất cả đều quyện vào nhau một cách tự nhiên. Tất cả đều như nhau. Không có một chỗ đặc biệt để tu hành, không có một trường hợp đặc biệt nào, không có gì đặc biệt. Tất cả đều là pháp.” Bà Dipa Ma khuyên các học trò hãy trân trọng từng khoảng khắc và nhấn mạnh sự tỉnh giác trong lúc nấu ăn, ủi quần áo, nói chuyện, hoặc làm bất cứ một việc gì trong sinh hoạt hàng ngày. Bà thường nói trọn vẹn con đường tu tập chánh niệm chỉ đơn giản là biết nhận thức việc gì mình đang làm. “Luôn luôn biết mình đang làm gì,” bà thường nói. “Bạn không thể nào tách rời thiền ra khỏi cuộc sống.”
Bà Dipa Ma qua đời vào năm 1989 và được kể rằng bà mất trong khi đang cúi mình đảnh lễ Đức Phật. Năm ấy bà được 78 tuổi và đã có hàng trăm học trò ở Calcutta cùng rất nhiều người ngưỡng mộ ở Tây Phương. Lúc sinh thởi, mặc dù tuổi cao, bà tiếp khách đến viếng thăm căn chung cư của bà từ sáng sớm đến tối khuya. Bà không bao giờ từ chối một ai. Khi nghe cô con gái khẩn khoản khuyên lơn mẹ hãy dành một chút thời giờ cho riêng mình, bà nói, “Họ khao khát được nghe pháp, cứ để họ đến.”
Bà Sharon Salzberg, một giảng sư nổi tiếng của trung âm IMS, kể lại buổi gặp đầu tiên, “Bà Dipa sống trong một khu xóm nghèo tại Calcutta. Cầu thang đi lên tầng bốn không được sạch sẽ cho lắm, tối tăm và ẩm ướt. Thế nhưng khi cửa phòng vào chung cư của bà được mở, ánh sáng đã tràn ngập hành lang. Ánh sáng này là từ bà Dipa Ma. Bà là người chan chứa tình thương nhiều nhất mà tôi từng gặp trong đời, và tấm lòng trong sáng của bà đã lan tỏa khắp mọi nơi chung quanh bà. Ngồi với bà, tình thương không là một mục tiêu trừu tượng, mà là một trải nghiệm sống thực.”
Dipa Ma không chỉ được tưởng nhớ là người luôn luôn sống trong tỉnh giác và chỉ dạy trực tiếp, mà còn được biết là người truyền pháp bằng sự chúc lành. Từ lúc thức dậy từ sáng sớm, bà thường chúc lành cho tất cả những gì bà tiếp xúc, kể cả thú vật và ngay cả đồ vật. Bà chúc lành những người bà gặp, từ đầu xuống đến chân của họ, thổi vào họ, tụng niệm cho họ, và vuốt tóc họ. Các học trò đều nhớ tình thương tràn đầy mà bà dành cho mọi người. Ai cũng cảm nhận được tình thương đó khi ở gần bà, cảm nhận thật sâu sắc đến nỗi họ không muốn nó chấm dứt. Cho đến ngày hôm nay, một trong các học trò của bà là anh Sandip Mutsuddi. Anh có một tấm hình của bà cất trong túi áo bên trái tim của anh. Nhiều lần trong ngày, anh thường lấy hình ra xem để nhớ lại những bài học và để bày tỏ sự tôn kính. Anh đã làm vậy từ ngày bà Dipa Ma mất.
Hàng cư sĩ thường bị ray rứt giữa sự tu tập tâm linh và bổn phận đối với gia đình, việc làm, và xã hội. Họ biết rằng vấn đề khó khăn này không thể giải quyết bằng cách tách rời thành hai lãnh vực riêng biệt, hoặc so sánh giữa cái này với cái kia. Có lẽ hình ảnh của Dipa Ma nên được cất giữ bên trong trái tim của chúng ta, như một sự nhắc nhở rằng chúng ta không bắt buộc phải chọn một trong hai. Mỗi một vấn đề gây trở ngại có thể nên xem như một món quà, thách đố chúng ta cố gắng tìm ra một con đường trung đạo bằng không ngoài gì khác là lòng từ bi. Trong tiến trình đi tìm như vậy có lẽ sẽ giúp đưa đến một cách hành trì Phật pháp ngay trong cuộc sống gia đình, phù hợp với hoàn cảnh và thời đại của chúng ta.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Dipa Ma was really a great Master of Vipassana Meditation. With Love, She wanted to help every people.
We really all miss and Respect Her so much.
Nghiem Nguyen.
DIPA MA WAS A GREAT MASTER OF VIPASSANA MEDITATION .
WITH LOVE , SHE WANTED TO HELP EVERY PEOPLE .
WE ALL MISS AND RESPECT HER.