Dipa Ma: Tôi có thể mang theo được gì khi qua đời?

*Đọc 12 phút*

Bài AMY SCHMIDT

(Trích từ cuốn ‘Knee Deep in Grace, The Extraordinary Life and Teaching of Dipa Ma’ viết về cuộc thời phi thường và sự giảng dạy của bà Dipa Ma (1911-1989), một thiền sư Ấn Độ sống trong phố lao động nghèo khó ở Rangoon, Miến Điện và Calcutta, Ấn Độ nhưng đã tạo ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào thiền Vipassana (Minh Sát) tại Hoa Kỳ, qua những thiền sinh như bà Amy Schmidt tác giả của cuốn sách nói trên. Bài viết này được hiệu đính từ bản dịch của Tỳ Kheo Thiện Minh, người đã chuyển ngữ cuốn ‘Knee Deep in Grace’.)

Trong vòng mười năm, bà Dipa Ma mất hai đứa con, ông chồng, và sức khoẻ của chính bà. Khi đó bà đã ở tuổi bốn-lăm. Một bà góa với đứa con gái lên bẩy tuổi phải tự chăm sóc nuôi dạy con gái một mình ở Miến Điện. Cha mẹ hai bên nội ngoại đều chết cả, đất nước Ấn Độ thì quá xa xôi, và còn bà thì tan nát cõi lòng đau buồn và hỗn loạn.

“Tôi không biết phải làm gì, đi đâu và sống ra sao,” bà kể. “Tôi chẳng còn gì, và chẳng còn ai để cầu xin giúp đỡ cứu.” Ngày tháng trôi qua, bà chẳng còn biết làm gì hơn là kêu gào than khóc, ôm bức ảnh ông chồng Rajani vào lòng. Chỉ trong vòng ít năm, sức khoẻ của bà ngày giảm sút trông thấy rõ. Hoàn cảnh của bà nghiêm trọng đến nỗi bà cảm thấy chỉ còn niềm hy vọng sống sót duy nhất là luyện thiền.

Bà suy nghĩ về hoàn cảnh thật trớ trêu. Khi còn khoẻ mạnh và hăm hở muốn hành thiền, chồng bà đã ngăn cản bà thực hiện điều đó. Giờ đây, vì trách nhiệm với con gái và hoàn toàn kiệt quệ, trong nỗi thất vọng và phải đương đầu với cái chết, bà cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Đó là bà sẽ phải chết với tâm hồn tan nát trừ phi bà thực hiện điều gì đó để cải thiện hiện trạng tâm linh.

Bà tự hỏi mình, “Tôi có thể mang theo được gì khi qua đời?” Bà nhìn một ít của hồi môn, chiếc áo Xari bằng lụa và ít đồ trang sức bằng vàng; bà còn ngắm cả con gái bà nữa. “Tôi càng thương con gái tôi bao nhiêu, tôi dư biết tôi không thể mang theo con tôi xuống mồ được. Thế rồi tôi liền nói, ‘Hãy vào thiền viện. Có lẽ ở đó tôi có thể tìm thấy được điều gì đó có thể mang theo với mình khi chết.”

Ngay giây phút cùng cực nhất của cuộc sống, đức Phật đã hiện ra với bà trong giấc mộng. Ngài đã hiện diện sáng láng, nhẹ nhàng tụng một vần thơ trong Bản Kinh Dhammapada, thực chất dùng để an ủi một người cha khóc thương khóc con trai mới chết:

Piyato jayati soko,
Piyato jayati bhayam
Piyato vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayam.

Chấp thủ với những gì yêu quí sẽ đem lại sầu khổ.
Chấp thủ với những gì yêu quí sẽ đem lại sợ hãi.
Đối với người nào hoàn toàn thoát khỏi những điều mình mến chuộng
Chẳng còn phải phiền muộn sầu khổ hay lo sợ nữa.

Khi Dipa Ma tỉnh dậy, bà cảm thấy rõ ràng và bình thản. Bà biết mình phải luyện hành thiền bất kể tình trạng sức khoẻ như thế nào. Bà hiểu rõ lời khuyên của Đức Phật: Nếu bà muốn có bình an đích thực, bà phải tu luyện thiền cho đến khi được giải thoát khỏi mọi tham lam và đau buồn.

Mặc dù bà đã thực hiện các nghi thức Phật giáo trong suốt cuộc sống, Dipa Ma biết rất ít về tập luyện thiền cần phải thực hiện những gì. Tuy nhiên, qua trực giác bà đã áp dụng cách thức cổ xưa nay vẫn dùng để được thoát khỏi đau khổ. Thiền minh sát không tập trung sự chú ý vào một đối tượng cố định, mà tập trung liên tục vào những thay đổi nơi kinh nghiệm. “Thiền quán” yêu cầu nhận ra rõ ràng ba điểm đặc trưng nơi kinh nghiệm giác quan: đó là vô thường, khổ và vô ngã.

Đức Phật dạy rằng: thông qua hành thiền, ta có dư khả năng phá bỏ những ảo giác giới hạn cuộc sống chúng ta. Giải thoát hay giác ngộ, theo những lời dạy của Đức Phật, là ở việc cảm nhận được bản chất hiện hữu.

Bà Dipa Ma đã thu xếp để đến thiền viện Kamayut tại Rangoon, Miến Điện. Mọi tài sản chồng bà để lại cho bà – nữ trang và toàn bộ của cải vật chất- bà mang tặng cho người hàng xóm, nói rằng, “Xin vui lòng nhận lấy toàn bộ những gì tôi có, và dùng để chăm sóc cho Dipa con gái tôi.”

Bà ra đi và không hy vọng sẽ trở lại nữa. Nếu chết bất kỳ bằng cách nào, bà lý luận, ít nhất bà sẽ chết tại thiền viện mà thôi.

Bài luyện thiền đầu tiên trong cuộc tĩnh tâm không diễn ra như ý bà muốn. Vừa đến thiền viện bà được giao cho một căn phòng và những chỉ dẫn cơ bản và yêu cầu bà tường trình ngay tại phòng thiền vào bốn giờ chiều ngày hôm sau. Bà khởi sự luyện tập ngay từ những giờ buổi sáng tinh sương, thoạt tiên bà tập trung chú ý vào hơi thở, rồi để ý đến những cảm giác có được, những suy nghĩ và những cảm súc xuất hiện trong cơ thể và trong tâm trí nữa. Khi ngày sắp sửa kết thúc, sức chú ý của bà lại càng gia tăng.

Ngay buổi chiều hôm đó bà bắt đầu đi tới phòng thiền để gặp thiền sư của bà. Thình lình bà dừng lại. Không thể tiến thêm được nữa. Bà không biết chắc tại sao, chỉ biết là không thể tiến thêm được nữa chính xác là không thể nhắc chân lên được. Bà đứng đó hơi bối rối nhưng đặc biệt là không lo lắng chi cả, sau năm phút hay mười phút gì đó. Cuối cùng, bà nhìn xuống và thấy một con chó rất to đã ngoặm nguyên hàm răng vào cẳng chân bà. Việc tập trung tư tưởng của bà lại càng trở nên sâu đậm hơn, ngay cả những giờ đầu luyện tập, đến nỗi bà không còn cảm thấy gì nữa.

Bật ra khỏi tình trạng tập trung sự chú ý, bà Dipa Ma liền kêu cứu và cố gắng lắc mạnh cẳng chân để cho con chó thôi ngoặm lấy cẳng của bà. Con chó nhất định không bỏ đi, nhưng sau cùng có mấy vị sư giúp tháo gỡ hàm răng sắc bén của con chó ra khỏi chân cho bà. Khi nghe mấy vị sư bảo đảm rằng nó là con chó dại, bà Dipa Ma quá sợ hãi khi nghĩ mình phải chết. Thật là tức cười, bà đến thiền viện là để sửa soạn chết cơ mà.

Rồi bà cũng tìm cách đến bệnh viện, tại đó bà được tiêm những liều thuốc phòng bệnh chó dại lần đầu tiên. Trên đường đi tới đi lui từ thiền viện đến bệnh viện có nghĩa là bà sẽ không còn cơ hội để ăn uống gì hết. Theo truyền thống các tu viện (Phật Giáo Nguyên Thủy) vùng Nam Á, thiền sinh chỉ có một bữa ăn cho mỗi ngày và phải được dùng vào buổi trưa. Chẳng bao lâu bà Dipa Ma đã trở thành yếu đuối kiệt sức đến nỗi thiền viện phải khuyên bà trở về nhà để được phục hồi sức khoẻ.

Thấy bà về đến nhà, cô con gái trẻ của bà, người đã buồn vì cuộc ra đi đột ngột của mẹ, đã quấn quít, không rời khỏi mẹ. Bà Dipa Ma cảm thấy cơ hội duy nhất để đạt đến giác ngộ đã qua mất. Bà thường khóc trước thất bại thê thảm đó.

Thế nhưng bà không bỏ cuộc và tiếp tục thực hiện tập luyện thiền, áp dụng những bài học đầu tiên đã học được ở cuộc tĩnh tâm đầu tiên ngắn ngủi đó. Bà đã kiên trì hành thiền tại nhà như vậy trong nhiều năm liền, vào bất cứ lúc nào bà có thể làm được. Bà tin rằng cuối cùng cũng sẽ có một dịp khác để bà có thể tham dự tĩnh tâm một lần nữa.

Cơ hội đó đã đến khi bà Dipa Ma được biết có một gia đình người bạn và cũng là một thiền sư Phật giáo. Ngài Anagarika Munindra đang cư ngụ gần thiền viện (“Anagarika” có nghĩa là “không là nội trợ” hay người nào đó đã bỏ gia đình để theo chánh đạo siêu nhiên). Bà đã mời vị thiền sư này đến nhà và kể lại kinh nghiệm thiền mà bà đã có được vào lúc uống trà.

Ngài Munindra khuyên bà nên đến thiền viện Thathana Yeitha. Chính thiền viện này ông cũng đã đào sâu được việc luyện tập trước đây, dưới sự hướng dẫn của Ngài Mahasi Sayadaw, một vị sư nổi tiếng nhất, một học giả, một thiền sư tại Miến Điện thời bấy giờ. Như vậy bà Dipa Ma đã được đề nghị cho một cơ hội thật hiếm hoi: được học luyện thiền với một thiền sư nổi tiếng đến như vậy. Bà còn được ông Munindra, một người bạn trong gia đình, hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Vào khoảng thời gian đó, chị của bà là Herna và gia đình có đến Miến Điện để thăm, thế nên con gái Dipa có thể được sống với bà dì, chú và các em, trong khi bà đến sống ở trong thiền viện.

Lần này bà Dipa Ma được gia nhập một buổi tĩnh tâm thứ nhì với một bối cảnh tâm trí hoàn toàn khác – ít khẩn trương hơn và không thúc bách mấy, được hoạch định kỹ hơn và thấu đáo hơn. Bà từng bị chứng mất ngủ từ lúc chồng bà là Rajani qua đời. Giờ thì bà không thể tỉnh giấc được. Tuy nhiên vào cuối ngày tĩnh tâm thứ ba, bà đã đạt đến tập trung tư tưởng sâu đậm trở lại và nhu cầu ngủ cũng tan biến luôn cùng với ước muốn được ăn.

Ông Munindra đã quan tâm đến tình trạng sự tập trung chú ý của bà không được quân bình. Ông đã yêu cầu bà đến dự những buổi thuyết giảng hàng tuần của ngài Mahasi Saydaw. Tuy nhiên, vì bà không hiểu được tiếng Miến Điện nên không muốn đến tham dự, nhưng vì ông Munindra khuyến khích quá nhiều nên bà đã nhận lời đến tham dự để ông vui lòng.

Trên đường đi tham dự buổi thuyết giảng, bà Dipa Ma bắt đầu cảm thấy nhịp tim đập mạnh, mình yếu hẳn đi. Bà quị xuống hai bàn tay và đầu gối chống xuống đất, bà trườn lên cầu thang dẫn đến phòng hội họp. Tuy không hiểu bài nói chuyện nhưng bà vẫn tiếp tục hành thiền. Sau buổi giảng, bà Dipa Ma cảm thấy mình không còn đứng lên được nữa, bà cảm thấy mình như bị dính chặt với tư thế ngồi, thân mình bà cứng nhắc, bất động vì sự tập trung chú ý quá độ.

Ngày hôm sau, bài luyện thiền của Dipa Ma còn thâm sâu hơn nhiều, khi bà chuyển nhanh chóng từ những giai đoạn thiền cổ điển để đạt đến thiền quán, được nhắc đến trước khi giác ngộ. Theo như những lời thuyết pháp của các vị thiền sư theo trường phái Nam Tông, bà cảm thấy một luồng sáng chói chan, tiếp theo là cảm giác tất cả mọi sự đều tan biến hết, thân xác của bà, sàn nhà, đủ thứ chung quanh bà như đã biến thành từng mảnh nhỏ. Tan vỡ và trống rỗng. Điều đó nhường chỗ cho đau đớn khủng khiếp nơi thân xác cũng như tâm linh. Với một luồng lửa cháy hành hạ bà một cách khủng khiếp và bám chặt trên thân xác. Bà cảm thấy như bị vỡ tung ra do áp lực cực mạnh.

Thế rồi một điều hết sức phi thường đã xảy ra. Một khoảng khắc đơn sơ – ngay trong ban ngày, bà đang ngồi thiền ngay trên sàn hành thiền với một nhóm các vị thiền sư – có một sự chuyển đổi tức thời rất yên tĩnh và tế nhị, hình như chẳng có gì đã xảy ra. Nói về cái khoảng khắc sáng láng đó sau này, bà chỉ nói đơn sơ rằng, “Tôi chẳng biết sự gì cả.” Tuy nhiên cuộc đời bà đã có một biến đổi sâu rộng và toàn diện.

Sau ba thập niên đi tìm tự do (giải thoát), vào tuổi năm mươi ba, sau sáu ngày luyện thiền, bà Dipa Ma đã đạt đến giai đoạn giác ngộ đầu tiên. Hầu như ngay lập tức huyết áp của bà đã trở lại bình thường và nhịp tim của bà cũng chậm lại. Trước đây bà không thể leo lên mấy bậc thang vào thiền viện được nữa thế mà bây giờ việc leo cầu thang này không cần phải cố gắng gì mấy và bà có thể đi bộ với bất kỳ nhịp điệu nhanh chậm tuỳ ý thích.

Như Đức Phật đã báo trước trong giấc mơ của bà, nỗi buồn khổ hàng ngày bà phải gánh chịu giờ đây đã tiêu tan hết. Nỗi sợ hãi liên tục nơi bà giờ đây đã tan biến luôn, nhường lại cho bà là một sự thanh thản chưa từng thấy bao giờ và một sự hiểu biết minh bạch đến nỗi bà có thể giải quyết mọi vấn đề ngay tức khắc.

Bà Dipa Ma tiếp tục luyện thiền tại thiền viện Thathana Yeiktha thêm hai tháng nữa, sau đó bà trở về nhà tại thành phố Rangoon. Sau vài tuần nghỉ ngơi bà lại tham gia những chuyến đi qua lại thường xuyên với thiền viện này trong vòng một năm nữa. Trong cuộc tĩnh tâm tiếp theo, bà lại cảm nghiệm được hiện tượng khác thường nữa chỉ sau năm ngày hành thiền. Chánh đạo dẫn đến trực giác này cũng tương tự như lần đầu tiên vừa đề cập đến ở trên, trừ một điều là lần này còn đánh dấu một sự đau đớn và buồn khổ đến tột độ. Sau khi đạt đến giai đoạn giác ngộ thứ hai, toàn bộ điều kiện thể lý và tâm linh của bà biến đổi hoàn toàn. Phóng tâm (uddhacca) giảm thiểu rõ rệt trong khi đó khả năng chịu đựng của bà lại tăng thêm rất nhiều.

Những người quen biết Dipa Ma như bị thôi miên do sự biến đổi nơi bà. Hầu như suốt đêm bà đã biến đổi từ một người hoàn toàn bị lệ thuộc, bệnh hoạn sang một người khoẻ mạnh, tự chủ, thân thể bà rực sáng lên. Dipa Ma nói với những người có mặt vây quanh bà, “Các bạn có thấy tôi không, tôi đã bị chán nản và sụp đổ do những mất mát chồng, con cái và bệnh tật. Tôi phải chịu đựng đau khổ quá nhiều. Tôi không còn bước đi nổi nữa. Nhưng hiện giờ các bạn thấy tôi ra sao? Toàn bộ bệnh tật đã biến mất. Tôi đã khoẻ khoắn trở lại, và chẳng còn điều gì mắc mớ trong tâm trí nữa. Không còn buồn chán và đau khổ. Tôi rất hạnh phúc. Nếu các bạn cũng đến để luyện thiền, các bạn cũng sẽ tìm thấy được hạnh phúc, chẳng có ma thuật nào cả đâu. Chỉ cần tuân thủ các điều chỉ dẫn mà thôi.”

Nhờ tấm gương của bà Dipa Ma, bạn bè và cả gia đình của bà đã tham gia luyện thiền tại thiền viện đó. Người đến đầu tiên là em gái của bà, Hema, và một người bạn rất thân, Khuki Ma. Cho dù Hema là một bà mẹ có tám con, năm đứa còn sống trong gia đình.

Bà đã thu xếp thời gian để đến luyện thiền cùng với chị trong vòng một năm. Sau đó, con gái Dipa Ma, là Dipa, và một số con gái của Hema cũng đến tham gia. Họ là những tín hiệu đáng noi theo: hai bà mẹ trung niên và các con của họ đang ở tuổi thiếu niên cũng luyện thiền giữa những nhà sư khổ hạnh và mặc áo mầu vàng. Thông thường thì các thiền viện không cung cấp chỗ ăn ở cho các phụ nữ đến tĩnh tâm, thế nên các phòng ngủ dành cho họ thật là mộc mạc và giống như các túp lều ở một góc xa xa thiền viện. Con gái Hema, Daw Than Myint, kể lại họ phải leo qua những lùm cây của một cánh rừng nhỏ và bò lên triền đồi để đến tiếp chuyện với thiền sư Munindra .

Vào những ngày nghỉ hè, bà Dipa Ma và bà Hema có tới sáu, bảy đứa con đến tham gia luyện thiền chung với hai người. Cho dù có bầu không khí gia đình thân thiện, những luật lệ ở thiền viện cũng rất nghiêm ngặt. “Chúng tôi phải dùng bữa trong im lặng chung với nhau như một gia đình,” Daw Than Myint nhớ lại. “Chúng tôi không thể nhìn nhau được đâu. Một điều thật khác biệt với ở ngoài đời.”

Trong suốt năm luyện thiền đầy biến cố này có tất cả sáu đứa con nhà Barua  – bốn gái, hai trai – đã đạt đến ít nhất giai đoạn đầu giác ngộ. Việc tận tâm hành thiền của những đứa nhỏ trong gia đình Dipa đã làm cho bà sung sướng vô cùng, bà chỉ muốn để lại cho con cái đôi điều gì đó có giá trị tồn tại vĩnh cửu, “Một món quà vô giá,” bà luôn nhắc nhở con gái Dipa là hành thiền sẽ đem lại cho ta phương cách được bình an tâm linh.

[…]

Năm 1966, sau khi Munindra trở về Ấn Độ, bà Dipa Ma được giao việc hướng dẫn thiền và bắt đầu thuyết pháp tại Rangoon. Bà hết sức vui mừng vì có thể đem lại cho người khác sự bình yên mà bà đã tìm thấy được cho chính mình và bà đã thuyết phục được biết bao nhiêu bạn bè và anh em tham gia luyện thiền.

Người thiền sinh chính thức của Dipa Ma chính là bà hàng xóm Malati Barua, một góa phụ phải nuôi dạy sáu đứa con nhỏ dại. Malati là một thử thách lớn cho Dipa Ma: Bà rất thích hành thiền nhưng không thể rời khỏi gia đình. Dipa Ma tin rằng giác ngộ có thể đạt đến được ở bất kỳ môi trường nào, vì vậy bà đã thu xếp cho thiền sinh của bà được thực hiện thiền ngay tại gia đình.

Một trong những việc hành thiền bà dạy cho Malati là hãy lưu ý kiên trì đến động tác “đứa bé mút sữa” khi mẹ cho con bú, đặt hết sự chú tâm vào đó, trong suốt khoảng thời gian cho con bú. Điều này bà có thể phải thực hiện nhiều giờ trong ngày, và rồi như Dipa Ma mong đợi, Malati đã đạt đến giác ngộ bước một mà không phải bỏ nhà đến thiền viện

Như vậy Dipa Ma bắt đầu sự nghiệp hướng dẫn cho các bà nội trợ đến với giác ngộ giữa những bề bộn của cuộc sống hàng ngày.

Năm 1967, chính phủ Miến Điện yêu cầu tất cả người ngoại quốc phải rời quốc gia này. Các sư đã bảo đảm rằng bà có thể nhặn được một giấy phép đặc biệt, một vinh dự chưa từng có dành cho một phụ nữ và một người mẹ đơn thân, một người không có một địa vị nào trong xã hội. Tuy rất muốn ở lại Rangoon, cuối cùng bà Dipa Ma quyết định trở về quê hương và đến Calcutta, nơi con gái bà có được những cơ hội khá hơn về giáo dục cũng như trong xã hội. Và Cacutta là nơi mà nhiều người Tây Phương đã tìm đến một khu xóm lao động để được tham vấn thiền với bà Dipa Ma.

Ngài Dipa Ma (Photo by Janice Rubin)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *