Hòa Thượng Giác Chánh, một tấm gương hoằng pháp không mệt mỏi

*Đọc 8 phút*
Hòa Thượng Giác Chánh (1947-2020)

Bài TỲ KHEO BỬU CHÁNH

Sáng nay lúc 4g bàng hoàng khi biết tin Hòa Thượng Giác Chánh trưởng lão cao tăng, giáo phẩm hộ pháp Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, trụ trì chùa Bửu Đức viên tịch, một niềm tiếc thương không thể nào tả nổi. Một chiếc thuyền từ đã tách bến ra khơi, một ngôi sao của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam đã không còn soi sáng bầu trời.

Xúc động bồi hồi khi xem trực tiếp (live stream) thời kinh Pāli hộ niệm trong giờ phút viên tịch của Hòa Thượng Giác Chánh do Hòa thượng Thiện Pháp, giáo phẩm Phật Giáo Nam Tông chủ trì cùng chư Tăng mà không thể cầm dòng nước mắt chảy tuôn.

Nhớ trước Tết mấy ngày cùng đi với Thượng Tọa Tuệ Quyền (Chùa Quảng Nghiêm) và Đại Đức Chánh Hạnh (Thiền Viện Phước Sơn) đến bệnh viện đa khoa Đồng Nai (mới) thăm Hòa Thượng và xin phép Ngài đi Hoa Kỳ một tháng để gieo duyên với các Phật tử tha hương, Ngài rất mừng khi gặp và còn nói, “Tôi kiếp này không đủ duyên đi nước ngoài hoằng pháp vì ‘lão lai tài tận,’ ‘lực bất tòng tâm.’ Sư Bửu Chánh còn đi được cố gắng đi để hoằng pháp như lý tưởng ban đầu mà nhóm Siêu Lý đã đề ra.”

Con nghe mà lòng xót xa quá, ra về trong tâm trạng bùi ngùi.

Con biết Ngài từ năm 1974, lúc đó con là Sadi ở chùa Phước Hải, Vũng Tàu (chùa do Ngài Hòa Thượng Thiện Tâm, trụ trì cũng là bổn sư của con) khi Ngài ra thuyết pháp vào những ngày Sám Hối 14-30 AL hằng tháng do Hòa Thượng Trụ trì và Ban Hộ trì Tam Bảo thỉnh mời. Ngài lúc đó rất trẻ, tướng hảo quang minh nhiều người mến mộ, thuyết giảng rất hay, nội dung xúc tích, chi pháp rõ ràng, có văn có thư, có câu chuyện minh họa.

Những năm sau 1975, Ngài vẫn thường xuyên thuyết pháp các nơi trong đó có ngôi chùa Phước Hải nơi con xuất gia tu hành.

Con nhớ có một lần Ngài giảng xong bài pháp trong đêm Sám hối tại chùa Phước Hải khoảng năm 1976, con vô phòng nghỉ đấm lưng cho Ngài, con đọc thuộc lòng mấy câu Kinh Pháp Cú, Ngài khen con, còn cho quà nữa, Ngài còn dặn Cô Tư Khánh Huy, Phật tử thí chủ của chùa Phước Hải lúc bấy giờ là phải nên quan tâm đến con, trợ duyên cho con việc tu học, sau này có thể giúp ích cho Phật pháp. Con mừng lắm, lúc đó con học lớp 9 trường Trung học Vũng Tàu.

Năm 1978 từ Vũng Tàu con vô chùa Thiền Quang, Bình Sơn, Long Thành để học lớp Vi Diệu Pháp và lớp Huấn luyện pháp sư do Ngài tổ chức và trực tiếp giảng dạy trong dịp 3 tháng hè, sau đó là thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Ngôi chùa này do Ngài Thiện Pháp và Ngài xây dựng. Nhờ vậy mà con bắt đầu học được môn Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cao siêu trí tuệ của Đức Phật.

Con còn nhớ Ngài trao giải thưởng cho ai học thuộc lòng bài kinh Tứ Niệm Xứ trong quyển Vi Diệu Pháp nhập môn do Ngài biên soạn, con đã nhận được giải thưởng của Ngài. Con còn nhớ trong bài giảng của Ngài trong khóa Huấn luyện Pháp sư tại chùa Thiền Quang, Long Thành năm 1978, Ngài nói rằng Pháp sư không được “tự tán hủy tha” khen mình chê người khi ngồi trên pháp tòa, bài pháp phải đầy đủ các yếu tố “Lời hay, ý đẹp, điển tích, danh ngôn.”

Hằng tuần vào tối thứ Bảy Ngài tổ chức cho các vị tăng sinh tập sự thuyết trình Phật pháp cho đại chúng nghe, có Ngài tham dự và nhận xét, nhờ vậy mà học viên tiến bộ rất nhanh.

Năm 1978, Ngài lập Ban Hoằng Pháp Diệu Pháp để truyền bá Phật pháp đến với mọi người, nhất là giáo pháp Abhidhamma. Ngày nay Ban Hoằng Pháp Diệu Pháp không còn nữa nhưng những thành viên “cổ xưa” đó vẫn đang ngày đêm giảng dạy môn học này. Bằng chứng là con hay tin Ngài viên tịch khi đang dạy Abhidhamma cho một nhóm nhỏ Phật tử ở Little Sài Gòn – Nam Cali – Hoa Kỳ, cũng là “Tất cả là pháp, pháp được chia làm hai, pháp Tục đế, pháp Chơn đế, pháp Chơn đế được chia làm hai, chơn đế vô vi, chơn đế hữu vi…” Hiện nay môn học này con cũng đang giảng dạy tại Học Viện Phật Giáo Hà Nội, Học Viện Phật Giáo Huế, Học Viện Phật Giáo TP.HCM.
Một lần con nghe Ngài nói: “Nước trong không cá, Xét quá không người,” tức là việc tiếp Tăng độ chúng nếu khó quá thì không có người như hai câu thơ của Hòa Thượng Minh Đức Triều Tâm Ảnh:

“Tăng tài khó nổi chọn người
Cốt lòng rộng mở chào mời hữu duyên.”

Nhờ hiểu được ý nghĩa đó mà tại Thiền viện Phước Sơn, Chùa Lá Giang nơi con trụ trì có nhiều người đến tu học. Con cũng hiểu: “Chùa nhiều người phiền não nhiều, chùa ít người ít phiền não, chùa không có người không có phiền não.”
Con nhờ học thuộc lòng những bài pháp trong quyển Pháp Âm 1, 2, 3 mà ngày nay con trở thành giảng sư được nhiều người biết đến. Con nhớ có lần Ngài dạy “ráng học thuộc lòng 10 bài pháp thì có thể đi thuyết pháp được rồi.” Những bài pháp Ngài tóm tắt bằng thơ con đã thuộc lòng mà đến tận ngày nay sau hơn 40 năm con vẫn sử dụng trong các bài thuyết giảng của mình.

Như tóm tắt những câu chuyện về nhân quả và nghiệp lúc lâm chung từ trần.

“Con trăn nọ tiền duyên Sư Cả
Đem ngọc vàng ra mã cất chôn
Đến khi giờ phút lâm chung
Nhớ vàng chôn cất làm trăn giữ gìn”.

Hay như:

“Có vị sư bình sinh hà tiện
Được tín đồ dâng hiến y sinh
Chẳng bao giờ đắp vào mình
Lâm chung nhớ tiếc thác sinh rệp bò”.

Hoặc là:

“Như bầy dơi xưa có năm trăm
Nghe tăng đọc Abhidham
Sau khi mãn kiếp được làm chư thiên.”

“Somana xưa nguyên gà mái
Nhưng hằng năm bên chái nghe kinh
Luân hồi nhiều kiếp tục sinh
Đến khi đắc quả bởi kinh nghe thường.”

“Tứ vật dụng thường thường dâng cúng
Kiếp tương lai phước cũng đều đều.”

Và nhiều nhiều bài khác nữa mà Ngài đã tóm tắt bằng thơ giúp cho các học viên dễ thuộc lòng đại ý bài pháp.
Con nhớ hoài các bài giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) của Ngài như: Chia pháp, Gồm pháp, Định nghĩa danh từ Abhidhamma, 17 pháp Căn bản như Tâm Sở Hữu Tâm Hợp Đồng, 3 Tánh, 4 Giống, 3 Thời, 12 Hạng người, 31 Cõi, 6 Nhân, 6 Môn, 5 Thọ, 14 Sự, 21 Cảnh, Lộ Sắc, Lộ Tâm, 5 Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới, 4 Đế, Đầu Đề Tam. Đầu Đề Nhị, Nhị Đề Kinh, 24 Duyên, 12 Nhân Duyên.

Những bài giảng Abhidhamma của Ngài vẫn còn mãi với thời gian vô cùng, không gian vô tận do các thế hệ tiếp tục truyền thừa.

Nói đến Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tại Việt Nam không thể nào quên được Ngài Hòa Thượng Tịnh Sự, Hòa Thượng Giác Chánh, Cô Bảy Vĩnh Phúc, Cô Trần Quỳnh Hương, Cư sĩ Báu, v.v.. Có lần con nói với Ngài, Vi Diệu Pháp sao khó quá, Ngài nói tìm cách đi dạy lại sẽ giỏi. Nhờ lời khuyên này mà con học tới đâu đi dạy tới đó, nhờ vậy mà con hiểu thêm được nhiều. Tình cờ con đọc câu này trên mạng và thấy thấm thía lời khuyên của Ngài:

“If you want to master something. Teach it.
The more you teach, the better you learn.
Teaching is a powerful tool to learning.”

(Nếu bạn muốn thông thạo vấn đề gì. Hãy dạy nó. Càng dạy nhiều thì bạn càng học tốt hơn. Dạy học là một phương tiện hữu hiệu nhất cho việc học.)

Cả cuộc đời của Ngài là một sứ giả Như Lai. Hoằng pháp độ sanh không mệt mỏi. Ngài như một ngôi sao càng nhìn càng sáng.

Trong thời bấy giờ Ngài là thần tượng của nhiều Tăng ni Phật tử, là niềm khích lệ, là nguồn động viên cho các thế hệ kế thừa nhất là về phương diện nghiên cứu học hỏi kinh điển Nguyên Thủy và Giáo Lý Abhidhamma cũng như phương diện truyền bá Phật pháp đến mọi người. Đặc biệt Ngài biên soạn rất nhiều tác phẩm Phật học nhất là Vi Diệu Pháp như Vi Diệu Pháp Nhập môn, Siêu Lý học và các tác phẩm Phật học bằng thơ khác.

Khoảng 10 năm trở lại đây Ngài bắt đầu lâm bệnh nhưng vẫn luôn luôn sống với Phật pháp, biên soạn nhiều sách Phật học, thuyết giảng Phật pháp thông qua mạng Internet. Ngài thực tập chánh niệm hơi thở và dạy mọi người thực hành Tứ Niệm Xứ. Ngài là một tấm gương hoằng pháp không mệt mỏi, một ngôi sao, một đời người. Ngài tiếp độ, đào tạo hằng trăm chư Tăng Ni, thành lập, xây dựng và trùng tu hàng chục ngôi chùa góp phần duy trì và phát triển Phật Giáo. Công đức của Ngài thật to lớn.

Sự nhiệt tâm vì đạo pháp của Ngài ai cũng thấy ai cũng biết và tác động rất lớn đến nhiều Tăng Ni Phật tử trong đó có con. Ngài giỏi Abhidhamma, thông thạo chữ Hán Việt, thông suốt về kinh điển Nguyên Thủy, là giảng sư có thẩm quyền, nổi tiếng trên 45 năm qua. Ngài là viên ngọc quý của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Những năm khó khăn nhất Ngài xuất hiện như một vị Bồ Tát “cứu nhân độ thế”, đã khích lệ, cứu giúp được nhiều người trong đó có con. Con không bao giờ quên Ngài khuyên con về Thiền Viện Phước Sơn (Chùa Lá Giang) để tu tập và hoằng pháp – Ngày nay Chùa Lá Giang (T.V Phước Sơn) là nơi tu học của gần 500 Tăng Ni, là một đạo tràng tiêu biểu của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam. Lời khuyên đó từ năm 1984 đến hôm nay 2020, quả là lời khuyên có tầm nhìn lớn.

Con xin kính cẩn nghiêng mình trước công đức vô lượng của Ngài – Xin cảm ơn Ngài đã đến với cuộc đời bằng một tấm lòng quảng đại vì quần sanh, đã trao cho cuộc đời một của hồi môn tâm hồn hướng thiện.

Từ nơi ngàn trùng xa cách, nửa vòng trái đất, con xin thành kính tri ân Ngài, nguyện cầu Ngài an lạc trong cảnh giới mới. Đúng ra con phải có mặt trong tang lễ của Ngài nhưng vì đại dịch virus Corona đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, con không thể về Việt Nam trong lúc này (vì quá cảnh Hong Kong cách ly 14 ngày) Xin Ngài từ bi hỷ xả.

“Người đi để lại nụ cười
Cho yêu thương nối tình người ngàn sau
Cho cây đơm lá xanh màu
Cho hoa nở nhụy nhịp cầu thủy chung”
(Thơ –VM)

“Gặp nhau rồi lại chia tay
Đường trường đôi ngả ngăn mây cách trời
Gặp nhau rồi lại ra khơi
Ngài về phương ấy dâng lời kính thương”.

Chùa Nhỏ, Little Sài Gòn, California, Hoa Kỳ
Ngày 7 tháng 2 năm 2020
14 tháng Giêng âm lịch năm Canh Tý

Buổi tưởng niệm tại “Chùa Nhỏ,” Little Saigon, Nam California. (Photo: New Dharma Readers/ Facebook)

(Nguồn: New Dharma Readers Facebook)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *