Pháp môn niệm Phật dưới cách giảng của một vị Thầy Tây Phương

*Đọc 14 phút*
Sư Bà Thubten Chodron và Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hình của Sravasti Abbey (Tu Viện Xá Vệ).

Bài VIÊN KHÁNH

Sư Bà Hòa Thượng Thubten Chodron chào đời tại Chicago năm 1950 với thế danh Cheryl Greene, lớn lên tại Los Angeles. Sư Bà đã tốt nghiệp bằng Cử Nhân môn Lịch Sử tại trường University of California tại Los Angeles năm 1971. Sau một năm rưỡi du hành ở Âu Châu, Bắc Phi và Á Châu, Sư được cấp chứng chỉ dạy học tại trường University of Southern California.

Năm 1975, Sư Thubten Chodron dự một khóa thiền của Thầy Lama Yeshe và Thầy Kyabje Lama Zopa Rinpoche, và sau đó quyết định đi tu tại Thiền Viện Kopan ở Nepal. Năm 1977, Sư thọ giới Sa Di với ngài Kyabje Ling Rinpoche, và đến năm 1986 Sư thọ giới Tỳ Kheo Ni tại Đài Loan, nơi mà kiến thức Phật học của Sư Bà được vun bồi với truyền thống Tịnh Độ.

Trong nhiều năm tại Ấn Độ và Nepal, Sư đã tu học theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng dưới sự hướng dẫn của Ngài Đạt Lai Lạt Ma và các Thầy Tây Tạng như Tsenzhap Serkong Rinpoche và Kyabje Lama Zopa Rinpoche. Sư đã học tập và giảng dạy tại Viện Lama Tzong Khapa Institute ở Ý hai năm, Dorje Pamo Monastery ở Pháp, và là giảng sư thường trực chuyên về pháp môn Tịnh Độ tại Amitabha Buddhist Center ở  Singapore. Trong mười năm, Sư Bà là giảng sư thường trực Phật Pháp tại Dharma Friendship Foundation (Viện Đạo Hữu Phật Pháp) ở Seattle.

Trong hơn ba thập niên Hòa Thượng Thubten Chodron đã tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo, kể cả hướng dẫn viên của một phái đoàn Do Thái Giáo đến viếng Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala, Ấn Độ, hỗ trợ Ngài Đạt Lai Lạt Ma trong những cuộc thảo luận với các khoa học gia Hoa Kỳ.

Vào năm 2003, Sư Bà thành lập Sravasti Abbey (Tu Viện Xá Vệ), nằm về phía bắc thành phố Spokane, tiểu bang Washington. Đây là tu viện đào tạo ni và tăng duy nhất theo truyền thống Tây Tạng tại Hoa Kỳ. Sư Bà còn viếng thăm các nhà tù và có những buổi giảng thường xuyên cho các tù nhân.

Sư Bà Thubten Chodron luôn chú trọng đến việc thực hành Phật Pháp trong đời sống thường ngày, và nổi tiếng có khả năng giải thích kinh điển với ngôn ngữ rất dễ hiểu, khôi hài cho người Tây Phương muốn biết về đạo Phật.

Sư Bà đã viết rất nhiều sách và cùng với Ngài Đạt Lai Lạt Ma soạn thảo cuốn sách nổi tiếng “Phật Giáo: Một Thầy, Nhiều Truyền Thống.”

Dưới đây là trích đoạn từ nhiều buổi giảng về pháp môn Tịnh Độ, được Sư Bà trình bày với các học viên thuộc các thành phần khác nhau trong khóa tu mùa đông Amitabha Retreat 2017-2018 tại tu viện Sravasti Abbey (sravasti.org).

*

(Photo: Sravasti Abbey)

Amitabha (Phật A Di Đà) có nghĩa là ánh sáng vô tận, hay vô lượng quang. Và Amitayus, một khía cạnh của Amitabha có nghĩa là đời sống vô tận, hay vô lượng thọ.

Tôi nhận thấy rằng mỗi khi niệm “Amitabha,” niệm thật nhiều lần và sự việc nghĩ đến ý nghĩa của “vô lượng quang” giúp cho tôi cảm thấy rất phấn khởi, nhất là trong những ngày tôi cảm thấy mỏi mệt. Tôi cần có chút ánh sáng trong đời mình khi cảm thấy cuộc sống quá nặng nề và chán nản, và tôi chợt nhớ ra rằng, “Mình có thể niệm danh hiệu Amitabha, nghĩ đến vô lượng quang.” Đó cũng là một cách suy nghĩ rất tốt, vì khi chúng ta niệm Amitabha, nó nhắc nhở chúng ta hãy nghĩ đến ánh sáng từ Đức Phật Amitabha đến với chúng ta.

Bạn có thể nghĩ ánh sáng đó là ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của lòng từ bi, chỉ ánh sáng đó thôi cũng làm cho tâm của chúng ta được yên ổn, bất kể ánh sáng đó có ý nghĩa gì đối với bạn.

Về câu “Con xin cúi đầu đảnh lễ,” bạn cúi đầu bằng thân mình, bằng lời nói, và bằng cái tâm. Khi nói thì chúng ta cúi đầu lạy và nói lớn. Trong tâm thì chúng ta phát triển lòng kính cẩn và trân quí  đối với Phật, và hãy tưởng tượng tất cả các chúng sanh ở chung quanh ta cũng đang cúi đầu đảnh lễ.

Bất kể những gì bạn muốn cúng dường: mandala, tám điều dâng hiến, tất cả những gì mà bạn nghĩ là tốt đẹp, và bạn hãy đưa lên hết lên bầu trời, làm cho bầu trời được tràn đầy với sự cúng dường đó.

Chúng ta đến với Phật Amitabha để được ngài hướng dẫn về tâm linh. Chúng ta thường được gọi là đối tượng quy ẩn, nương tựa vào Phật để được che chở. Tất cả các Phật đều che chở chúng ta bằng cách dạy cho chúng ta biết về Phật Pháp. Vì Phật Pháp mới chính là sự che chở thật sự cho chúng ta.

(Photo: Phil Borges)

Khi chúng ta thật sự khấn nguyện đến Phật Amitabha, xin ngài hãy giúp cho chúng ta được phấn khởi lên, hoặc được “ban ơn lành,” mà “ban ơn lành” nghĩa là như thế nào thì tôi không biết, thì chúng ta thật sự nói chuyện với chính mình. Ước nguyện cho tâm của mình được phấn chấn với niềm tin.

Đây là công việc cần sự hợp tác giữa chư Phật với chúng ta, để tâm của chúng ta được chuyển hóa. Với làn sóng của đức hạnh của các Phật kết hợp với sự tu hành chân thành của chúng ta, thì tâm của chúng ta sẽ được cảm hứng hoặc được ban phước lành. Từ phía chư Phật, các ngài luôn luôn cho chúng ta sự hưng phấn. Khi chúng ta ước nguyện thì chúng ta tự nói hai điều với chính mình. Một, là hãy tỉnh ngộ và nhận ra rằng Đức Phật đang gởi đến chúng ta những hành động khuyến khích này. Và hai, là chúng ta phải thực hiện phần của mình, bằng việc tu hành hầu giúp cho công việc của Phật được dễ dàng hơn khi Phật cần làm cho tâm của chúng ta được phấn khởi lên.

Chỉ cầu nguyện được phấn khởi và được ban ơn thì chúng ta sẽ không bao giờ trở thành Phật. Chúng ta phải hành động.

Chúng ta niệm Phật với hình thức tưởng tượng hình ảnh ở phía trước, thành thử Phật Amitabha ở phía trước và trên đầu của chúng ta. Khi chúng ta đảnh lễ thì ngài ở phía trước. Ngài ở bên trên đầu của chúng ta.

Nói một cách khác, chúng ta cần bày tỏ sự kính cẩn và trân trọng đối với Phật Amitabha. Chứ chúng ta không thể nói như là, “Okay, bữa nay tôi sẽ niệm Phật…” rồi thôi. Chúng ta phải đến với Phật với một cảm giác gì đó trong tâm mình. Bởi vì chính chúng ta là người tạo ra mối liên hệ với Phật Amitabha. Chúng ta phải đến với tấm lòng chân thành…

Sư Thubten Chodron thọ giới Tỳ Kheo Ni tại Đài Loan năm 1986. (Sravasti Abbey)

Phật Amitabha ngự ở trên đầu vương miện của chúng ta. (Người Mỹ có chữ “crown head” chỉ phần phía sau đầu và ở ngay dưới đỉnh đầu, người Việt nôm na gọi là “sọ khỉ” hay “gáo dừa”.) Chúng ta hãy nghĩ rằng Amitabha là sự thể hiện và có cùng chân tánh như vị thầy tâm linh nguyên thủy của chúng ta. Thành thử khi chúng ta tiếp nhận Phật Amitabha thì chúng ta cũng tiếp nhận vị thầy tâm linh, và chính vị thầy đó trao cho chúng ta năng lực cần thiết trong việc tu hành này. Nếu các bạn đã tu học với nhiều vị thầy lama thì hãy chọn một vị thầy nào đó là thầy nguyên thủy của mình. Nhưng thật ra tất cả các vị thầy đều có cùng một chân tánh như Phật Amitabha.

Chúng ta phải hết sức chú tâm để quán chiếu. Nếu muốn, chúng ta có thể dừng lại và hành thiền thanh thản, phát triển sự an lạc với hình ảnh Phật Amitabha ở đầu vương miện của chúng ta. Nếu bạn cảm thấy muốn để Phật Amitabha ở phía trước mặt khi hành thiền, thì tôi nghĩ rằng Phật Amitabha cũng không ngại di chuyển từ phía sau đầu đến phía trước mặt, hay trở về phía sau ở vương miện của bạn đâu. Thế nhưng ngài sẽ không chạy tới chạy lui trong lúc quí vị đang hành thiền thanh thản.

Khi ngài ở trên đầu của chúng ta, thì đây là lúc rất tốt để chúng ta dừng lại và quán tưởng, và nhớ rằng chúng ta đang nghĩ đến Phật Amitabha và những đức hạnh của ngài, vì điều đó sẽ giúp cho sự niệm Phật của chúng ta được mạnh mẽ hơn.

Có những người cảm thấy khó khăn khi vừa quán tưởng đến Phật Amitabha, vừa nghĩ đến những đức hạnh của ngài, lại vừa niệm Phật trong cùng một lúc. Làm như vậy quả thật là khó khăn, vì nó đòi hỏi ba tiến trình khác nhau.

Tôi nghĩ là không sao hết khi bạn dành thời giờ yên lặng để suy ngẫm về những đức hạnh của Phật Amitabha và làm sao mình có thể có được những đức hạnh đó. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta nghĩ đến những đức hạnh được truyền từ Phật Amitabha đến chúng ta qua hình thức ánh sáng và cam lồ. Hoặc là bạn có thể đi hẳn vào quán tưởng, nghĩ rằng ánh sáng và cam lồ đang được truyền xuống chúng ta, nghĩ đến những đức tính khác nhau của ngài Amitabha, mà cũng chính là những đức tính của Phật.

Khi bạn niệm Phật đếm số thì bạn vừa đếm vừa niệm. Nếu bạn không thể nào chú tâm hết vào sự quán tưởng Phật Amitabha và niệm Phật cùng một lần, thì cũng đừng nên nổi khùng lên vì chuyện này. Tôi đã từng nghe những người đến với tôi và nói, “Tôi không thể nào làm được như vậy, khó quá, tôi phát điên lên.” Hãy thư giãn, không làm được thì cũng không sao hết. Cũng giống như khi bạn vào thang máy hay đến một văn phòng nào đó, bạn nghe có tiếng nhạc êm dịu văng vẳng mà vẫn có thể chú ý đến người đang đứng trước mặt mình.

Thật ra thì cái biết của chúng ta chuyển qua chuyển lại rất nhanh. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy, đúng không?

Một điều quan trọng là cực lạc Sukhavati và chính Phật Amitabha không phải tự nhiên mà có. Cực Lạc có là do nhân và duyên, mà nhân duyên là sự kết tụ những đức hạnh, trí tuệ, và những thệ nguyện không lay chuyển của Phật Amitabha khi ngài quyết tâm tạo cõi Tịnh Độ cho chúng sanh phàm phu đang có nhiều phiền não.

Cõi Tịnh Độ này thì cũng như mọi pháp khác, nó hiện hữu trong cái không của sự hiện hữu. Đây là điểm quan trọng, nếu không hiểu thì chúng ta cứ tưởng Phật Amitabha là một vị Thượng Đế và Tịnh Độ là một cõi thiên đường. Tất cả những thứ đó chỉ hiện hữu trong tâm thức ở mức độ quy ước nhưng chúng không có thực tánh. Vì những thứ đó là cái không của sự hiện hữu nên có thể được tạo ra và có sự hiện hữu (tánh không duyên khởi, chân không diệu hữu). Nếu mọi thứ có bản chất bất biến thì chúng không thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác. Đây là điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ khi quán chiếu về Phật Amitabha và cõi Cực Lạc.

Phật Amitabha đã có rất nhiều thệ nguyện không thể lay chuyển, được kết hợp trong 48 lời thệ nguyện. Đến một lúc khác chúng ta sẽ nói về 48 lời thệ nguyện này. Nếu muốn tóm lược 48 thệ nguyện thành một thệ nguyện, thì đó là quyết tâm của Phật A Di Đà để tạo dựng cõi Tịnh Độ cho chúng sanh phàm phu.

Cõi tịnh độ thì có rất nhiều và khác nhau. Những gì tôi muốn giảng ở đây là cõi Tịnh Độ của Phật Amitabha. Mỗi khi nghe hai chữ “tịnh độ” thì quí vị đừng nên nghĩ chung chung về cõi đó, vì có rất nhiều loại tịnh độ khác nhau.

(Photo: Sravasti Abbey)

Có những cõi tịnh độ mà khi bạn tái sanh về cõi ấy thì bạn liền được giác ngộ rất nhanh. Tại cõi cực lạc Sukhavati thì không như vậy, vì khi đến đó thì bạn còn mang theo nghiệp chướng và vẫn phải tiếp tục tu hành một cách rất kiên trì. Cõi cực lạc đó không phải là nơi mà khi đến thì bạn sẽ có ngay một tấm vé để bước vào sự giác ngộ. Bạn vẫn phải vượt qua những chặng đường mà bất cứ hành giả nào cũng phải vượt qua, chứ không phải mình đến đó thì sẽ tránh được vài đoạn đường và được đi tắt cho mau hơn.

Nói một cách khác, Sukhavati là nơi bạn được một tấm vé giảm giá, bạn không phải hành trì quá cực nhọc, gian nan như những người khác, nhưng bạn vẫn phải tu tập để có được tất cả sự tỉnh thức của một Đức Phật toàn giác. Bạn vẫn phải thanh lọc hết những nghiệp chướng. Bạn vẫn phải tạo dựng tất cả những phẩm chất của một đấng toàn giác. Điều làm cho cõi cực lạc Sukhavati có lợi thế hơn những cõi tịnh độ khác cho những hành giả như chúng ta, là nơi đó có một môi trường tốt, thuận lợi cho việc tu hành để được giác ngộ hoàn toàn.

Phật Amitabha đã dùng hết khả năng của ngài để tạo ra cõi Cực Lạc, một môi trường thuận lợi cho chúng ta tu hành, nhưng nơi đó không thể nào xóa hết nghiệp chướng của chúng ta.

Có những người nói rằng khả năng của Phật cũng mạnh ngang với nghiệp lực của chúng ta, hay còn mạnh hơn. Nếu điều đó đúng thì tất cả chúng ta đây đều đã được giác ngộ, vì chư Phật sẽ nhận thấy không có lý do gì mà để cho chúng ta tiếp tục bị đau khổ trong cõi Ta Bà.

Chư Phật đã được giải thoát để có thể mang lại lợi lạc cho chúng ta bằng những cách hữu ích nhất, nhưng chúng ta lại không muốn đón nhận. Và đó là vấn đề gây trở ngại. Chúng ta cần phải gia tăng khả năng tiếp nhận Phật Pháp, mà theo đó thì chúng ta phải bỏ đi rất nhiều thành kiến, những tập khí cũ – những thói quen về tình cảm, những thói quen về cách suy nghĩ – toàn thể cách nhìn của chúng ta về thế giới. Tất cả mọi thứ đều cần phải xem xét lại và thách đố chúng.

Không phải là chúng ta có được tánh Phật cất ở trong một góc của nhân cách của chúng ta, rồi tất cả những cá tính khác vẫn được giữ nguyên như vậy. Như thể nói “Tôi sẽ thay đổi một chút ít, tôi không còn bám giữ vào thế giới hiện hữu vì biết chúng không có thật, nhưng tôi vẫn có thể tức giận với tất cả những ai mà tôi không ưa và những ai có ý kiến khác với tôi, và tôi vẫn thèm muốn những thứ gì đó, và tôi cảm thấy thương hại cho chính tôi vì tôi đã làm như vậy từ muôn kiếp trước.”

Không phải như vậy. Chúng ta cần phải thanh lọc hết mọi thứ. Ở cõi cực lạc Sukhavati thì nơi ấy thuận lợi cho người tu vì có môi trường rất đẹp. Không có ô nhiễm không khí, không có cháy rừng, không có lũ lụt, không động đất, ngoại trừ khi nào có người phát nguyện làm bồ tát thì mặt đất rung chuyển một chút.

Họ nói rằng ngài Nagarjuna (Long Thọ) đã tái sanh ở cõi Cực Lạc. Đó là một trong những lý do mà tôi muốn tái sanh về cõi ấy, để được tu tập trực tiếp với ngài Nagarjuna. Thân Phật Amitabha luôn tỏa sáng và tràn khắp mọi nơi. Toàn cõi Cực Lạc đều có ánh sáng của ngài. Bạn không phải lo lắng về mặt trời hay những thứ như vậy. Mặt đất trên ấy mềm, không làm bạn đau chân, té không đau. Tôi không nghĩ là người ta tái sanh về cõi đó để chơi đá banh, nhưng ở đó thì không có ai bị thương tích, đau đớn gì cả.

Rồi có những loài chim từ Phật Amitabha phát ra những giai điệu Phật Pháp giúp cho tâm của chúng ta được nhẹ nhàng, trong sáng. Cõi Cực Lạc có muôn vàn cảnh đẹp, hàng hàng lớp lớp những tòa sen thơm ngát, không ai bị dị ứng với hương sen, nên tôi không nghĩ bạn sẽ bị nhức đầu ở nơi ấy. Mỗi khi sen nở thì sen tỏa ra muôn ngàn tia sáng. Trên mỗi ngọn ánh sáng có một vị Phật đang giảng pháp tùy theo căn cơ của mỗi người, và mỗi chúng sanh đến đó đều được nghe pháp.

Ở cõi Sukhavati không có bệnh tật, nghèo đói, già, hay chết. Chúng ta chưa được giải thoát ở nơi đó, nhưng chúng ta sẽ không bị trở lại cõi ta bà. Mọi người đều xinh đẹp. Không có Hoa Hậu Vũ Trụ vì phụ nữ không trở thành đối tượng. Không có sách nhiễu tình dục. Ôi mừng quá. Mọi người đều có những phẩm chất tốt lành. Không có sai trái, không có ô uế, không có khổ đau. Ngay cả chữ “khổ đau” cũng không có ở cõi Sukhavati.

Tu viện Sravasti Abbey nằm trên đồi cạnh rừng thông về phía bắc thành phố Spokane, địa chỉ 692 Country Lane, Newport, WA 99156. Điện thoại 509-447-5549. Ni Trưởng Thubsten Chodron từng đến đây với hai con mèo và thành lập tu viện vào năm 2003. Nay Thầy dành nhiều thời giờ để viết sách và tổ chức những khóa tu gọi là retreat. Trong hình là tòa nhà Ananda Hall chính của tu viện. (Sravastiabbey.org)

Một sự thuận lợi khác cho người tái sanh về cõi Cực Lạc của ngài Amitabha, là họ có thể từ nơi đó đi viếng thăm những cõi khác đang có Phật để tu học càng tinh tấn hơn. Bạn có thể đến những cõi Phật khác và cúng dường, học được những bài học do chư Phật thuyết giảng. Không có giới hạn cho những ai muốn đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác.

Có người đã hỏi, “Nếu tôi đang có mặt bên cạnh một người đang hấp hối, liệu tôi có thể ước nguyện cho họ về cõi Tịnh Độ và họ có được về đó hay không?” Câu trả lời là “Không.” Cũng giống như ăn, uống, và ngủ. Muốn về cõi Phật thì bạn phải tự ước nguyện cho mình, không ai có thể làm điều đó cho bạn. Nếu người đang hấp hối đã từng nghe đến Phật Amitabha và cõi cực lạc Sukhavati thì chúng ta nên khuyên họ nên tái sanh về cõi ấy.

Điều rất rõ ràng là chúng ta phải tự tu, làm hết mọi thứ cho chính mình, làm được càng nhiều trong đời này thì sẽ tu dễ dàng hơn ở cõi Tịnh Độ. Điều quan trọng là đừng bao giờ nghĩ đến cách đi đường tắt. Bạn không nên nghĩ là mình cứ sống cho thỏa thích, gây nhiều nghiệp xấu, rồi cho rằng trước khi nhắm mắt thì tự nghĩ, “Mình niệm Phật A Di Đà 10 lần, xin được tái sanh về Cực Lạc. Thế là được.” Chúng ta không nên nghĩ đơn giản như vậy.

*

Chín người đã dự khóa tu niệm Phật Amitabha Retreat 2017-2018 dài một tháng tại Sravasti Abbey, nơi họ đã hành trì niệm Phật, nghe những bài giảng về Tịnh Độ và Phật Amitabha. Trong hình từ bên trái phía trước là Karen Barrick (từ tiểu bang Illinois), Ni Jenkir Shih (Đài Loan), Jane Robson (Oregon), Tanya Lasuk (Washington), Sabrina Facco (nước Ý), anh Jazz (Washington), Angela Yang (California), Ni Thubten Nyima (Washington). Người thứ chín không có trong bình là bà Zopa Herron, từ Oregon. (Sravastiabbey.org)

Ni Trưởng Thudten Chodron còn giảng rất nhiều về Phật Amitabha và cõi Tịnh Độ của ngài, trong gần 20 buổi giảng tại Sravasti Abbey. Phần trích đoạn trên đây chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, trong toàn bộ chương trình thuyết giảng. Điều chúng tôi muốn nêu ra ở đây, là pháp môn Tịnh Độ đang phát triển trong lãnh vực tâm linh tại Hoa Kỳ, được hiện đại hóa theo trình độ căn cơ của người Mỹ trí thức, mang đến cho họ một phương pháp tu tập rất hữu ích, nhiều lợi lạc cho cuộc sống hiện tại, chứ không phải chỉ là một pháp môn niệm Phật đơn giản, tầm thường cho “ông già, bà cả” như người ta từng nghĩ, và vẫn còn nghĩ như vậy.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Pháp môn niệm Phật dưới cách giảng của một vị Thầy Tây Phương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *