Vài giờ với Thầy Đăng Pháp ở Thiền Viện Chân Nguyên

*Đọc 29 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Tết Nguyên Đán tại Chân Nguyên đầu tháng Hai 2013. (hmd)

Đến với cuộc đời, từ lúc bật tiếng khóc lọt lòng cho tới khi nhắm mắt trút hơi thở cuối ở phút lâm chung, mấy ai tránh được những khổ đau triền miên tràn đến kiếp người, không khác chi sóng biển đánh vào bờ, lúc lớn lúc nhỏ không bao giờ ngưng nghỉ. Có những phiền muộn dần dà có cách hóa giải, bốc hơi đến một mức độ có thể chấp nhận được, hoặc có khi chính cơn đau đó lại dẫn đến con đường đạo mầu nhiệm vô biên, mang lại ý nghĩa hữu ích thực sự cho cuộc sống hiện tại. Rồi cũng có những khổ nạn nặng chĩu quá sức chịu đựng của con người, gây đớn đau cùng cực khiến kẻ phàm phu, với trí tuệ còn non yếu, không đủ sức tự cứu lấy mình mà cần đến sự trợ lực của một đấng siêu hình, của một nguồn năng lực nào đó vượt bên trên khả năng hiểu biết của thường nhân. Biết đến nơi đâu để nhận được một sự trợ lực như vậy?

Với câu hỏi đó, tôi tìm về Thiền Viện Chân Nguyên vào một sáng Chủ Nhật đầu tháng Tư. Tôi đến “ngôi chùa giữa sa mạc” không hẳn vì đang mang một nỗi bi thống nào đó cần được hóa giải, mà với sự hiếu kỳ của một người viết. Tôi từng gặp và nghe một số người nói đại khái như “Đức Quán Âm ở chùa Chân Nguyên linh lắm. Tôi bị (ung thư, tai nạn, gia đình bị quậy phá, nhà có ma, thế này, thế kia) tưởng không qua khỏi. Vậy mà Ngài đã giúp cho mọi sự được bình yên.”

Ngài là ai mà “linh” đến như vậy? Ngài thể hiện phương tiện cứu khổ như thế nào? Làm sao biết được kẻ khổ đã được cứu vớt hay đó chỉ là kết quả của một sự kiện ngẫu nhiên, tình cờ nào đó thôi? Thời gian qua đã có một số bài viết về Thiền Viện Chân Nguyên. Nhưng để biết rõ hơn, để cảm nhận được nhiều cho chính bản thân, nên tôi quyết định đến tận nơi ấy và tìm hiểu ở vị thầy viện chủ.

Khoảng một tuần trước khi đến Chân Nguyên, tôi có gọi số của thiền viện để “lấy hẹn” với Thầy Viện Chủ Thích Đăng Pháp. Sau vài lần không nghe ai cầm điện thoại, cuối cùng tôi cũng được Thầy hồi đáp. Đó là lần đầu tiên tôi được nói chuyện với Thầy Đăng Pháp mặc dù đã từng ghé chùa ít nhất một lần mỗi năm vào dịp Tết, và cũng có đôi, ba lần chụp ảnh Thầy giữ làm kỷ niệm: Thầy đứng trong chánh điện, hay trong bếp giữa sân chùa rộng thênh thang mà có lẽ chỉ trong mùa xuân khách thập phương mới chịu nổi khí hậu khắc nghiệt nơi đây.

“Được. Anh cứ đến. Ngày Chủ Nhật thầy không đi đâu cả,” Thầy Đăng Pháp nói giọng Huế êm dịu, thân thiện qua điện thoại dù chưa gặp tôi một lần nào. “Anh không cần gọi nhắc trước một ngày làm chi, thầy lúc nào cũng ở đây. Cứ đến.”

Thầy Đăng Pháp trong tịnh thất tháng Tư, 2018. (hmd)

Đường từ nhà tôi ở Westminster đến thiền viện ở Adelanto xa khoảng 90 dặm, chừng một tiếng rưỡi lái xe nếu đường thông suốt từ nam lên hướng bắc theo hai xa lộ 91 và 15, từ đó rẽ qua 395 hướng lên những thắng cảnh nổi tiếng ở miền núi California. Nhưng trước khi đến vùng núi đồi xanh mát, du khách phải chạy qua thị xã Adelanto nằm giữa một sa mạc khô cằn, thưa dân, không có chi để ngắm ngoài mấy cây xương rồng, mấy tiệm buôn cho người qua đường, và cũng chính nơi đây tọa lạc một ngôi thiền viện mới mẻ, có thể nói là lớn nhất của người Việt Nam tại California.

Đến chùa khoảng 10 giờ sáng, tôi đi loanh quanh không biết Thầy đang ở đâu, thầm nghĩ nơi đây lại vừa xây thêm vài cấu trúc mới. Quả thật không ngờ mới có mấy năm mà Chân Nguyên giờ đây lại bành trướng đến như vậy, và còn đang tiếp tục phát triển, xây cất thêm. Bên trong chánh điện có ba vị tăng áo vàng và dăm cư sĩ áo lam đang tụng kinh, tiếng tụng đều đều vang vọng giữa những bức tường và nền gạch bóng loáng. Tôi lễ Phật, lễ các ngài Bồ Tát, xong đi ra ngoài đến lễ trước tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, một pho tượng cao to lừng lững giữa sân chùa mênh mông, có sức thu hút như nam châm đưa khách thập thương từ nơi xa xôi đến tận đây.

Ngước lên chiêm bái tượng “Phật Bà” nổi bật trên nền trời xanh đang có những đường khói trắng do phản lực cơ để lại, lòng tôi không khỏi gờn gợn xúc động tuy đây không phải là lần đầu đứng đây đảnh lễ. Ở gương mặt đầy đặn tuyệt đẹp và rất có thần của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, tôi cảm thấy một điều gì khó diễn tả bằng lời. Không sầu muộn nhưng lại bao trùm một nỗi thương cảm chứa chan cho kiếp nhân sinh; một tấm lòng hiền dịu bao la của bậc từ mẫu mà ẩn tàng cả một sức mạnh uy nghiêm của đấng cha lành. Do lúc ấy sân chùa vắng, không cần nhường chỗ cho người khác, tôi quỳ trên tấm nệm thêm vài phút để được thư thả ngước lên chiêm ngưỡng ngài, muốn nói hết tâm tư và ước nguyện với ngài, cùng với lời khấn nguyện như mọi lần, rằng “Ngài hãy giúp con, chỉ đường cho con sống sao cho đúng với chánh pháp, đúng với lời Phật dạy, sống sao cho có lợi ích cho mọi người, mọi chúng sanh.”

Thiền Viện Chân Nguyên tháng Sáu 2018 (hmd)
Thời kinh cầu an buổi sáng tại chánh điện tháng Tư, 2018. (hmd)
Quý thầy cùng các Phật tử tụng kinh sáng Chủ Nhật.(hmd)

Tôi chụp mấy bức ảnh, rồi đi vòng ra phía sau thiền viện tìm thầy viện chủ. Ở đằng nhà bếp, thấy một chị đứng tuổi đang bận rộn dọn dẹp mấy thùng rau, tôi ngần ngại chưa dám hỏi thì người phụ nữ trong bộ đồ nâu đậm lem luốc bỗng ngẩng đầu, tặng cho tôi một nụ cười thân thiện, tỏa sáng trên gương mặt chân phương không trang điểm.

“Chị có biết thầy viện chủ ở đâu không? Tôi đang đi tìm thầy,” tôi cất tiếng hỏi.

Vẫn giữ nguyên nụ cười tươi, chị đáp với giọng lơ lớ của người gốc miền Trung, “Ngay kia kìa, thầy ở trong đó đó.” Thấy tôi nhìn ngơ ngác, chị liền bỏ thùng rau xuống, đi thoăn thoát ở phía trước, thỉnh thoảng quay lại ngoắc tay cho tôi đi theo. “Kìa, cái nhà đó. Thầy ở trong đó đó. Anh vô trỏng sẽ gặp thầy.”

“Đó đó” là một ngôi nhà xây cạnh phòng bếp, tuy nhỏ nhưng khang trang, tươm tất với cây cảnh bày biện ở chung quanh. Thấy chị quay trở lại hướng bếp, tôi nói lời cảm ơn và không quên hỏi tên chị.

“Tên em là Hoa, ở đây ai cũng gọi em là Hoa chuối chiên,” chị nói vẫn với nụ cười như người thân quen. Nghĩ tôi chưa hiểu về cái tên lạ, chị nói tiếp, “Ở chùa này em là người có nhiệm vụ chiên chuối, nên ai cũng gọi em là Hoa chuối chiên.”

Hầu như lần nào đến chùa, bất cứ ngôi chùa nào, tôi cũng thường gặp những người vui vẻ, thân thiện như chị Hoa đây. Gặp quý thầy hay quý cô dễ thương ở chùa là chuyện đương nhiên rồi, nhưng hình như ai ở chùa cũng hiền lành, dễ thương, cả mấy con chó giữ chùa cũng vậy, tôi nhận thấy qua kinh nghiệm của chính bản thân. Thế nên những năm sau này tôi khó giải thích cho mấy bạn văn từng một thời thân quen hiểu tại sao tôi không muốn, và không thích, ngồi ở quán cà phê hay la cà ở quán nhậu nữa. Ở chùa vui hơn, bạn cứ đi rồi sẽ hiểu, sẽ nếm được cái vui đạo vị như tôi đã may mắn được thọ hưởng.

Đến trước ngôi nhà “đó đó,” tôi thấy có một đôi dép nữ. Cửa không khóa nên tôi mở hé, vừa đủ để thò đầu vào hỏi thăm. Ở một bên phòng, tôi thấy một vị tăng đeo mắt kiếng đen che gần nửa khuôn mặt, mặc bộ đồ nâu đậm, ngồi phía sau một chiếc bàn gỗ như trong một văn phòng hành chánh. Trước bàn là hai chiếc ghế gỗ dài, có một phụ nữ cũng đứng tuổi cỡ tôi đang ngồi thưa chuyện với thầy. Tôi chào thầy và chào người đàn bà có nét mặt buồn bã, xong nói sẽ trở lại sau, và khép cánh cửa để cho thầy được tiếp tục câu chuyện với bà.

Tết Nguyên Đán tại Chân Nguyên đầu tháng Hai 2013. (hmd)

Thời gian chờ đợi tuy lâu nhưng cũng hay hay. Thấy chung quanh ngôi nhà nhỏ có một lối đi tráng xi-măng, tôi liền “hành thiền” trên lối đi ấy, bước chậm rãi vòng quanh nhà theo chiều kim đồng hồ như đi nhiễu Phật. Đi không biết bao nhiêu vòng mà lòng không chút nôn nóng, vẫn luôn thấy thanh thản nhẹ nhàng. Bầu trời xanh đang vào xuân, nhiều loài chim tụ về chùa.

Giữa vùng sa mạc Adelanto mà có nhiều chim là chuyện hơi lạ. Chim muôn bay về đây vì sân chùa trồng nhiều cây, tôi đoán vậy. Theo dõi một lát, tôi thấy từ mái chùa lợp ngói đỏ theo lối âm dương, dọc theo viền mái có vô số khe nhỏ cho loài chim ẩn náu khi trời nóng, che gió khi trời lạnh. Mải xem chim chơi đùa tíu tít dưới mái nhà, bay nhảy tung tăng trên các nhánh cây đang bắt đầu trổ lá non, ban đầu tôi không nghe tiếng người phụ nữ gọi nhắc khi bà bước ra ngoài và ra hiệu cho tôi vào gặp thầy. Bà ăn mặc tươm tất, nói nhỏ nhẹ lịch sự, nhưng nét mặt không được tươi, ánh mắt đượm màu sầu não. (Trong cuộc nói chuyện với thầy, khi hỏi về khách từ phương xa về đây, tôi được biết người phụ nữ kia đã bay đến từ Đức quốc).

Thầy Thích Đăng Pháp, 77 tuổi, có dáng dấp tầm thước, đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng mặc dù thân người đã đẫy đà theo tuổi tác. Ngay từ phút đầu mới gặp, thầy viện chủ đã làm cho tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi tới gần. Không biết đó là do nụ cười, do giọng nói nhẹ nhàng, hay do phong cách chơn chất từ bi của Thầy?

Tôi dự tính buổi nói chuyện với Thầy sẽ dài chừng 30 phút, xoay quanh mấy câu hỏi về thuở ban đầu và tiến triển hiện nay của Thiền Viện Chân Nguyên, và quan trọng nữa là về tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nổi tiếng là linh thiêng của thiền viện. Dự tính ấy đã tan biến khi tôi nghe Thầy phán mấy câu kèm với tiếng cười nhẹ, “Ồ, ngài Quán Thế Âm thì thầy nói mấy ngày cũng không hết chuyện. Nhiều lắm, kể không hết. Anh muốn nghe thì cứ ngồi đây với thầy.”

Cuộc đối thoại, hay đúng hơn là buổi thầy nói-tôi nghe, kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ, không kể lúc nghỉ để ăn trưa và mấy lúc cần ngưng lại để Thầy tiếp những gia đình muốn vào lễ Phật và cúng dường. (Lúc ấy tôi mới biết trong ngôi nhà nho nhỏ này còn có một bàn thờ trang nghiêm trong cùng phòng Thầy ngồi tiếp khách, chỉ cách tôi mấy thước, và tượng Phật nơi đây đã có từ khi thiền viện còn là một căn nhà mobile home nằm giữa khu đất trống trên miền núi sa mạc).

Thay vì viết lại toàn buổi nói chuyện có nhiều chi tiết rất lý thú “kể không hết” đúng như lời Thầy nói, vì sự giới hạn của khuôn khổ tờ báo Tinh Tấn, tôi chỉ xin ghi giản lược những lời chính Thầy Đăng Pháp đã kể, để bạn đọc biết thêm về ngôi chùa, về thầy viện chủ, về vài người đã đóng góp lớn cho chùa, và về cơ duyên đưa đến một tôn tượng có sự linh thiêng huyền bí không thể nghĩ bàn.

Gian nan thuở ban đầu

“Chính ở đây, nơi này, thầy xây dựng chùa trong vòng tám năm mà được thành tựu như thế này cũng nhờ ơn của Bồ Tát Quán Thế Âm trợ duyên cho thầy. Thầy là người được chịu ơn nên thầy nguyện đem đời sống cũng như tính mệnh để mà phục vụ đạo pháp.

“Nhờ lòng trung kiên chịu đựng và nhẫn nhục như vậy thầy mới có được giấy phép của chính quyền County và xây dựng thiền viện này. Trước khi thầy xây dựng thì ở đây chỉ là một khoảng đất giữa sa mạc, không có nước, không có điện, không có tất cả; khí hậu thì quá khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thì từ 100 đến 110 độ F (từ 38 đến 43 độ C), mùa đông thì lúc nào cũng giá buốt và có khi đông đá.

“Thú thật, với sức chịu đựng có giới hạn của một con người, đôi khi thầy muốn thối chí bồ đề. Nhưng nghĩ lại thầy đã được ơn trên gia hộ, vì khi xưa thầy ở Michigan thầy có phát nguyện xin ngài cho con tìm được một nơi để làm một mái chùa. Lúc đầu ở Michigan có được một số người Việt nhưng dần dà họ về hưu và đi Cali, số còn lại là những vị lớn tuổi, chỉ muốn tụng kinh thôi, còn thầy là loại người thích hoạt động, ưa làm việc này việc nọ có tính cách lớn lao hơn một chút. Vì vậy thầy xin ơn trên cho thầy tìm một nơi để làm một ngôi tam bảo.

“Dù mảnh đất quá lớn lao, sự phát triển quá mạnh ngoài tầm tay nhưng mà thầy cũng cố gắng, chính sự cố gắng đó đem cho thầy một ý chí để phát triển cho Phật Giáo, sự phát triển đó mỗi ngày một lớn mạnh, nhờ sự hỗ trợ của các Phật tử, nhất là các người có lòng trung kiên nơi Phật Giáo. Chính những chỗ đó đã làm nơi nương tựa để thầy vững tiến và có niềm tin.

“Tuy nhiên, giữa vùng sa mạc, nơi mảnh đất cao 3,000 feet (Adelanto có cao độ chính xác là 2,871 feet, tương đương 875 mét) thì thật khó khăn vô cùng. Nhưng không vì khó khăn mà thầy nản chí. Thầy tin tưởng ở sự nhiệm mầu của Phật pháp và chính sự tin tưởng đó đã trợ duyên cho thầy.

“Thiền viện đầu tiên là miếng đất rộng 15 mẫu (acres), tiền bạc để xây dựng là do Phật tử ủng hộ đóng góp rất là nhiệt tâm, và Phật tử đã cùng chung lưng đấu cật để tạo dựng lên ngôi thiền viện trong vòng tám năm. Đến nay tốn kém lên đến trên 10 triệu hay hơn nữa, mười mấy triệu. Thầy cũng không ngờ đời mình lại được như thế này.”

Thoát chết trong thời chiến VN

“Từ nhỏ, thầy rất thích đạo. Hồi 5 tuổi thầy học trường đạo của Công Giáo. Lớn lên một chút thầy thấy đạo Phật thích hợp với mình hơn nên nghiên cứu thêm và từ đó thầy có niềm tin ở đạo Phật vô cùng. Có một thời, thầy học với thầy Mãn Giác ở Đại Học Văn Khoa, say mê Phật Pháp và rất thích đi chùa. (…)

“Thầy là nhà binh. Năm 68 (ở Huế) Việt Cộng vô tìm giết thầy. Nó đã bắn chết thằng em thầy. Thầy đứng thắp nhang khấn, xin ơn trên mách cho phải làm gì, đi hướng nào để thoát, hay thà rằng để bị bắn ở đây cho gia đình được nhận xác, thì thầy thấy làn khói nhang chỉ thẳng về ngả cửa sau. Thầy đi ra cửa sau, thấy ngay một ông Việt Cộng đứng sau cửa. Thầy đi tới không được, đi lui cũng không được vì hắn ở trong nhà rồi. Thầy nghĩ thôi để cho nó bắn, dù sao thì chết ở đây ba mẹ thầy còn thấy xác. Không ngờ ơn trên xui khiến nó không thấy thầy. Trời hơi chạng vạng. Thầy chạy qua được nhà bên kia, có bà hàng xóm đang còn nấu cháo heo. Thầy nói Việt Cộng vô bên nhà tôi rồi, cho tôi vô đi. Bà mở cửa cho thầy, chỉ lên chỗ lúa nằm. Nằm trong đó 11 tiếng đồng hồ thì quân đội mình mới vô chiếm lại được, rồi đưa thầy xuống.

“Sau tới vụ Đại Lộ Kinh Hoàng thầy bị một trận nữa, thầy thấy rõ ràng Quán Thế Âm cứu thầy. Thầy đứng trên nóc xe tăng mà cứ thấy hình ảnh của Bồ Tát Quan Thế Âm mặc đồ trắng ngoắc tay chỉ đường cho thầy nhảy xuống mà thầy không tin. Thầy không xuống, thì từ trên cao chiếc xe tăng bỗng lật xuống ruộng thấp. Thầy rớt ra, rồi xe tăng cứ chạy, chạy được khoảng 50 thước thì Việt Cộng nó bắn chiếc xe tăng tan nát, chết hết.

“Khi đó thầy làm chỉ huy trưởng, chỉ huy mấy trăm thằng lính, lính hắn chết gần hết, thằng phó tiểu đoàn của thầy nó cũng tiêu. Cái thằng cầm tay lái cho thầy đứt lòi ruột, thầy đưa cái bi-đông nước cho nó. Một bên là núi một bên là biển. Đạn từ trên núi bắn xuống như mưa, lính chết nhiều vô số kể mà thầy thoát chết. Vụ đó là năm 1972 khi thầy được lệnh bỏ Quảng Trị.

“Thầy đụng nhiều trận lắm. Trận Khe Sanh nữa. Việt Cộng chúng nó tràn vô, vô quá nhiều, vô đen rồi. Bây giờ phải mở đường máu đi ra bằng đường bộ, đi vô Đà Nẵng (…) Vậy mà thầy cũng sống sót.

“Chính nhờ vậy mà thầy nhận ra mình có duyên với ngài Quán Thế Âm, như lần thầy được ngài đẩy thầy ra khỏi xe, thầy rơi xuống ruộng mà thầy sống.”

Chị Hoa ‘chuối chiên’ đang chiên chuối trong bếp tháng 4, 2018. (hmd)
Angelina và Albert phụ trong bếp sau thời tụng kinh buổi sáng. (hmd)

Gặp may vượt biên đi Mỹ

“Năm 76 thầy mới đi Mỹ, đây cũng là một chuyện rất hên. Trước năm 75, thời VNCH, khi thầy về trình diện Tổng Tham Mưu thì họ đang cần một người để đi theo phái đoàn ra dàn dầu hỏa Hoa Hồng. Ngó qua ngó lại không thấy ai, họ chụp thầy đi (cười). Bởi vậy thầy nói thầy có nhiều cái hên.

“Khi Cộng Sản lên, Cộng Sản tưởng thầy làm trong dàn Hoa Hồng và biết khai thác dầu ngon lành chi đó nên khi thầy trình diện họ đưa thầy về dạy nơi Ty Địa Chất ở Yên Đỗ Sài Gòn. Họ kêu thầy sửa lại mấy cái dàn máy khoan. Thầy cho họ biết là mấy cái đầu máy khoan làm bằng hột xoàn đã bị tháo đem đi hết rồi nên không dùng được. Cán bộ chê thầy anh ăn học cách chi mà anh dốt thế, sao anh không đem máy khoan của Liên Xô thay thế. Thầy nghe mà ráng nhịn, cũng không dám cười.

“Họ đưa thầy ra ngoài dàn khoan nớ, bỏ thầy đó rồi đi ăn đi nhậu. Cái nhóm người ngoài Rạch Giá gặp thầy nói cho tui dầu đi rồi tui cho ông đi. Thầy nói tui làm việc ở đây chớ đi đâu mà đi, nhưng họ nói họ biết thầy là người trong Nam, họ biết vậy là vì mấy ông ngoài Bắc vô thì ốm teo ốm tách còn ông thì cái ruột chình bình. Thầy cũng cười nói thôi tui không biết, tui không nói chuyện với mấy ông nữa, tui leo lên boong tui ngủ đây, thầy làm lơ cho họ đó mà.

“Ba ngày sau họ chạy tới kêu thầy xuống, đưa ra hai điều kiện, Một là ông đi theo bọn tôi, mà ông ở nhà thì tôi cũng bắt ông lên thuyền, tôi không cho ông ở lại đây nữa. Rồi họ đẩy thầy lên thuyền. Lên rồi họ hỏi ông có coi địa bàn được không, ông nhà binh mà. Thầy nói được. Họ đưa cho thầy cái địa bàn. Thuyền chạy rất nhanh, qua thẳng Songkhla (Thái Lan) luôn. Người ta thì đi lạc tới lạc lui, mà thầy đi thẳng một mạch là tới, chỉ mất mười mấy tiếng đồng hồ vô ngay Songkhla luôn, rất là gần.”

Tị nạn ở Michigan

“Thầy qua Mỹ năm 1976. Thầy ở Michigan, được một cái nhà thờ bảo lãnh. Họ lo cho thầy sung sướng lắm, thuê apartment cho thầy ở, đem đồ ăn tới. Sau, họ bảo thầy rửa tội đi, nếu không rửa tội thì họ không giúp đỡ được. Thầy thấy buồn buồn trong lòng, mới đi ra quanh quanh để kiếm việc.

“Thời đó không có bóng một người Việt. Thấy ai tóc đen thầy cũng chạy tới mà toàn là Tàu hay Phi Luật Tân. Ơn trên đưa đẩy, thầy đi tới một tiệm McDonalds, nói với họ tao muốn xin việc, mày có việc chi cho tao làm, lương bao nhiêu cũng được, tao cần có bữa ăn, mày cứ để tao làm thử vài ngày, nếu mày không ưng thì cứ trừ tiền ăn vô tiền lương.

“Thấy thầy quyết chí, nó cho thầy làm thử một tuần rồi nhận thầy vì thấy thầy làm việc siêng năng. Nó trả lương thầy 2 đồng 15 một giờ, vậy là thầy mừng rồi. Ăn xài tiện tặn, mỗi tuần thầy còn lại 80 đồng. Cứ bốn tuần như vậy thì thầy lấy tiền đó ra mua cơm cho homeless ăn vì thấy họ khổ quá. Thầy vô quán cơm xã hội giao chừng nớ tiền rồi dặn họ bán cách sao cho mấy người nghèo này có đủ ăn. Có khi thầy hết tiền xăng phải về mượn người ta. Có mấy người Việt Nam qua sau nói là thầy ngu vừa vừa thôi để cho họ ngu với, thầy đã nghèo mà còn đi cho tiền mấy thằng hút thuốc phiện.

“Thầy nói có thể người ta không tin, cái duyên của thầy với đạo đã được gieo duyên từ khi thầy nghèo. Lúc mẹ thầy cho thầy đi học lớp vỡ lòng ở dưới quê, cho hai, ba đồng chi đó để thầy ăn xôi, ra gặp ăn xin là thầy cho hết.

“Đi làm được một thời gian thì thầy để dành được hai trăm mấy. Tự nhiên thầy đi ra và gặp được Quán Thế Âm. Bữa đó thầy đi vô tiệm JC Penney, thấy nó để mấy cái tượng để bán, trong đó có một bức tượng Quán Thế Âm chung với tượng Khổng Tử này nọ mà người bán cũng không biết là tượng Quán Thế Âm. Thầy thích quá, hỏi giá bao nhiêu. Người bán hàng nói hai trăm rưỡi. Thầy nói thầy có 185 đồng và xin nó hạ giá, discount đi. Nó nói để nó vô hỏi manager, manager chịu hạ xuống còn 220. Thầy nói 220 tôi cũng không có đủ, thì có cái bà làm việc bên kia thấy thầy thích quá, bà động lòng trắc ẩn sao đó nên nói, ‘Tôi cho ông mượn nhưng mà tuần sau ông lãnh lương trả lại cho tôi.’ Hắn cho thầy mượn 22 đồng. Nhờ vậy thầy mới khiêng được cái tượng về, để trên tủ thờ, tối tối đọc kinh.

“Từ tiệm McDonald’s, thầy gặp hên nữa. Một ông thực khách theo dõi cung cách làm việc của thầy, biết thầy mới qua. Ông ta hỏi thăm thầy rồi giới thiệu thầy đi học đại học. Tuy Anh văn yếu nhưng nhờ có căn bản Toán, Lý Hóa, thầy thi vô và được miễn 60 credit, chỉ cần học 64 credit thôi. Vừa học vừa làm thêm (xắt rau trong bếp) cho trường để kiếm tiền. Học chưa được một năm thì thầy và một số sinh viên khác được hãng Ford nhận vào, vừa học vừa làm cho họ cho đến khi ra trường thì chính thức làm luôn.

“Khi đó là năm 1981. Thầy thi quốc tịch, đậu quốc tịch, làm việc cho hãng Ford ở Grand Rapids, sướng lắm. Lương nhiều mà không biết tiêu chi, thầy có ý nghĩ lập một cái chùa. Được hai mươi mấy ngàn, mua cái nhà thờ hăm-bốn ngàn. Mua xong rồi thì không có thầy chi cả, một mình mình làm chủ lễ luôn, giống như mình đã cuốn vào cái nghiệp tu rồi. Thầy gom góp được năm người Phật tử, tự tụng kinh.

“Sau, từ một nhân duyên nảy sinh khi làm Phật sự (mà thầy không tiện kể ra), thầy dứt khoát lên đường, xuất gia luôn. Ngôi chùa ở Michigan đó, thầy giao hẳn cho các ni cô và hiện vẫn còn hoạt động…”

Tết Nguyên Đán tháng Hai, 2013. (hmd)
Mấy căn trailer không người ở Thiền Viện Chân Nguyên đầu tháng Tư 2018. (hmd)

Sau một thời gian tu ở Thiền Viện Đại Đăng ở Bonsall, Nam California, Thầy Đăng Pháp tìm đến vùng sa mạc Adelanto, kéo một cái nhà mobile home vào miếng đất trống và tu một mình ở đó.

“Thầy chọn về đây là chính ở niềm tin. Chỗ đất đây rộng 15 mẫu. Thầy làm những chuyện đôi khi như đội đá vá trời thật, những chuyện không thể tưởng tượng được. Mà nó thành tựu được là nhờ cái can đảm của mình, và niềm tin của mình nữa. Ở đây cực lắm. Đến nỗi một con chó, nó thương thầy nhứt, mà nó cũng chịu không nổi, nửa đêm nó bỏ nó đi.

“Mỗi sáng thầy nấu một nồi cơm, ăn với chao không hà. Ở nơi đây không có chợ, không có nhà cửa chi hết. Cứ sáng chao, chiều chao. Con chó cũng ăn chao với thầy. Lúc đầu ăn được, sau mặn quá nó ăn không được. Thầy nói, Lucky, thầy ăn chi thì con ăn nấy, ví dụ thầy ăn sướng mà cho con ăn cực thì con mới hận chớ. Hắn không nói chi cả, khuya hắn bỏ đi. Thầy buồn vì hắn gần cả tuần. Mỗi lần thấy cái dây xích của nó như là thấy nó, thầy nhớ đến nó. Nó trung thành với thầy vô cùng. Ngủ thì nó luôn ngủ dưới giường thầy. Thấy rắn là nó sủa lên, đẩy ba con rắn đi hết. Rốt cuộc nó cũng bỏ thầy nó đi.

“Năm 2000 thầy mua đất, bốn năm sau thầy bắt đầu làm những hàng rào, năm 2008 bắt đầu xây dựng. Thầy đâu có tiền, mua một mobile home để ở, không có tiền trả tiền đất, tiền thuế, thầy dẫn đoàn đi hành hương Ấn Độ. Mỗi đoàn chừng 40, 50 người thì thầy được từ 10 ngàn đến 15 ngàn. Đi tới đâu thầy thuyết cho họ nghe về di tích lịch sử. Thầy nghiên cứu rất rõ, thầy có viết trong quyển Tìm Về Chân Nguyên được thầy Mãn Giác viết tựa. Thầy Mãn Giác ngày trước cũng là giáo sư Văn Khoa của thầy.”

Chân Nguyên là tên của vị Thiền Sư Việt Nam. Theo Wikipedia, Ngài Chân Nguyên (1647 – 1726), còn có pháp danh là Tuệ Đăng, có công khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời Trần.

Tôn tượng Địa Tạng Vương đang được đặt xuống trong chánh điện đang được xây ngày 13 tháng 10, 2010. (Hình Thiền Viện Chân Nguyên)
Lễ khởi công xây chánh điện ngày 11 tháng 9, 2010. (Hình Thiền Viện Chân Nguyên)
Lễ khởi công xây chánh điện vào sáng sớm ngày 11 tháng 9, 2010. (Hình Thiền Viện Chân Nguyên)

Vị ân nhân người Mã Lai

“Thầy dẫn đoàn đi qua Trung Quốc, Mã Lai, gặp mấy cái đoàn nó cho tiền, cúng dường, như cái đoàn ông Mã Lai cúng dường cho thầy tượng Quán Thế Âm đó. Thầy đẫn đoàn 10 người từ Mã Lai qua Ấn Độ. Khi thầy dẫn đoàn này đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ thì ông Mã Lai đó nói, tôi nói thiệt với thầy tôi đi với thầy tôi thích lắm. Hai tuần tôi sống bên thầy tôi cảm tình với thầy lắm. Tôi hỏi chi thầy cũng trả lời được hết. Nhưng mà còn một câu này nữa, tôi hỏi thầy trả lời giúp tôi. Thầy bảo, ông nói đi.

“Ông nói, tôi thương vợ tôi lắm nhưng tôi lấy vợ tôi chín năm rồi mà không có con, làm sao cho có con? Thầy tính nói với ông là ông hỏi cái này thì tôi chịu. Mà nói tôi chịu thì thầy mắc cỡ. Thầy nghĩ tới ơn trên, xin cho thầy cách sao để thầy nói đây. Thầy ngó lại cái chòi thờ mấy con voi hồi trước Hoàng Hậu Maya lúc đó hiếm muộn, 40 tuổi mà chưa có con, lập cái đàn đó để cầu nguyện mới sinh được Thái Tử Tất Đạt Đa. Chính con voi trắng đó Hoàng Hậu Maya đã nằm mộng thấy và từ  giấc mộng đó cận thần họp lại nói, Hoàng Hậu sẽ sinh ra một vị, nếu làm vua thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, nếu đi tu thì thành Phật. Thầy mới nói với ông ấy, ông cứ tới đó ông cầu đi.

“Thầy nói cho ông yên tâm và cho qua chuyện, chứ nói mình không biết thì cũng dị. Rồi ông tới đó ông cầu. Ông cầu chưa được năm phút thì thầy hối ông đi, thầy nói chỗ linh thiêng thì ông cầu một phút cũng được, vì thầy không muốn bắt cả đoàn đứng đợi. Ông đi mà ông cứ ngó lui chỗ đó.

“Năm, sáu tháng sau, ông gọi điện thoại cho thầy theo cái số trong cái card mà thầy đưa, ông nói vợ tôi có mang rồi. Ui cha, ông mừng, ông nói bây giờ thầy muốn cái chi để tôi cúng dường. Thầy nói, để khi nào sinh đẻ ra đã rồi hẵn hay chứ bây giờ tôi biết ra sao, thì ông nói với thầy năm tháng nữa ông sẽ qua đây giúp thầy xây chùa, thầy cứ tin tưởng nơi Phật đi thì mọi chuyện đều qua hết.

“Ông vẽ (bày) cho thầy tin tưởng như vậy nhưng thầy cũng chẳng biết ra sao. Rồi ông nói, bốn tháng nữa thầy qua bên đó (Mã Lai), ông sẽ cúng dường nhiều tiền cho về làm chùa. Thầy nói ông cúng đủ tiền để tôi xây bức tượng thì tôi cảm ơn ông. Ông mới hỏi cái tượng bao nhiêu thì thầy mới nói cái tượng vào khoảng 75 ngàn. Ông ấy nói, ông cứ qua đi.

“Trong thời gian chờ mua vé máy bay ông ấy viết qua cái télégrame bảo thầy cho cái số account của thầy để ông cúng tiền. Thầy đoán chắc ổng cúng cho thầy cỡ năm ngàn vì thấy lúc ông qua Ấn Độ ông bận cái quần jeans, đi dép, mặc áo may ô, thầy tưởng ổng cũng bình thường vậy thôi. Ai ngờ ổng gửi qua cho thầy 100 ngàn.

“Khi nớ thầy mua vé máy bay đi liền. Thầy qua Mã Lai thăm ổng trước khi về Việt Nam tìm đá xây tượng. Ở phi trường ông ấy cho xe limousine ra đón thầy, có cả mẹ ổng, vợ con ổng ra đón nữa. Thầy mới la ổng sao không để tiền giúp người nghèo, đi thuê làm chi một chiếc xe đắt tiền để đón tui, tui mô (đâu) muốn ngồi trên xe limousine chẳng giống ai hết, ông làm như thế vô bổ quá, ông làm như thế mà nếu tôi dấy tâm thì ông tốn phước nữa. Ông để thầy nói cho đã rồi ông nói, Dạ thưa thầy xe ni của nhà con. Từ đó thầy không nói nữa vì biết mình lố quá. Mình cứ tưởng ổng ăn bận vậy thì đâu ngờ ổng giàu dữ vậy.

“Tới nhà ông ấy thì mới thấy không thể tưởng tượng được. […] Rồi thầy giúp coi phong thủy cho ông theo lời ông thỉnh cầu. Sửa nhà xong chừng một tuần lễ thì ông ấy nói thấy có hiệu quả liền, ông không còn nhức đầu, trái lại ngủ ngon không mộng mị. Ông ấy nói bây giờ thầy muốn làm cái chi con làm cho thầy. Thầy nói thầy chỉ cần về lo việc xây chùa bên Mỹ thôi. Ông nói, bây giờ có cái tượng con cúng 100 ngàn rồi, vậy thầy còn có muốn chi nữa.

“Lúc đó thầy chưa có cái plan (kế hoạch) trong đầu, nhưng có nghĩ tới 18 vị A La Hán, thầy mới nói bây giờ cần 18 vị A La Hán. Ông nói, cái tượng Quán Thế Âm thì để cho con, khắc tên con; còn 18 tượng A La Hán thì con trả tiền hết nhưng cho người ta thỉnh để thầy lấy tiền đó thầy làm thêm việc này việc kia. Sau, mấy tượng đó được các gia đình người Tàu lấy hết, mỗi tượng là bảy ngàn. Nhờ vậy mà việc xây dựng tiến triển rất nhanh.

Vị ân nhân đó tên là Chan Koon Tin. Hơn hai tháng sau tôi mới biết rõ cách đánh vần tên của vị thí chủ này, vì chính Thầy cũng không nhớ. Tôi trở lại Thiền Viện vào một buổi sáng nóng đầu tháng Sáu, mong tìm ra nơi khắc tên ông Chan Koon Tin ở tượng Quán Thế Âm. Nhìn hoài không thấy mới vô hỏi Thầy.

“Phải bắc thang, đứng ở dưới anh không thấy đâu,” Thầy nói.

Tới lúc đó tôi mới hiểu ra là tên của vị ân nhân Mã Lai được khắc ở chân tượng dưới đài sen, đặt bên trên bệ đá cao khoảng bốn thước, ngoài tầm mắt của cả hàng vạn người từng đến Chân Nguyên để chiêm bái Đức Quán Thế Âm giữa sa mạc. Nhờ một cư sĩ có pháp danh Nguyên Thường tìm ra được một cái thang, và nhờ Thầy đứng vịn thang giùm, tôi mới leo lên vừa đủ cao để chụp bức ảnh ở chân tượng. Tôi là thợ viết chứ không phải thợ xây cất, nên cũng hơi run khi đứng ở nấc thang gần chót, ngoi đầu vừa đủ để thấy đài sen với tên của ông họ Chan. Bên dưới tên ông ta còn có tên vợ Teh Chai Foong và con trai Chan Chee Hong. Khi tôi xuống lại mặt đất, Thầy nhờ tôi viết tên của vị ân nhân cùng vợ con trên mảnh giấy, để Thầy khắc một tấm bảng mới đặt ở bên dưới, cho mọi người được xem dễ hơn.

Dòng chữ khắc dưới đài sen ở chân tương Quán thế Âm: Donation by Chan Koon Tin, Teh Chai Foong, Chan Chee Hong. (hmd)
Chân Nguyên tháng Tư, 2018.

“Ngoài ông Mã Lai thì một người nữa giúp chùa là bác sĩ Võ Hữu Ngọc ở Los Angeles. Ông kết thầy hay sao đó. Mà ông cũng kỳ lắm. Ông đi vô cúng dường mà ngó thầy rồi ông đi ra, lúc thầy còn ở mobile home đó. Ông ngó thầy từ chân lên đầu rồi ông hỏi, thầy dám can đảm ra giữa sa mạc mà xây chùa à? Thầy nói, đã ra đây rồi thì biết là can đảm hay không can đảm, bây giờ leo lên ngựa rồi thì phải phóng thôi chứ còn làm gì nữa. Rồi ông nói, thầy làm chuyện đội đá vá trời, khả năng thầy bao nhiêu, thầy có tiền ư? Thầy nói, thì tiền của chúng sanh giúp; chứ thầy đi tu hai bàn tay trắng, ăn cơm của chúng sanh, mặc áo của chúng sanh thì phục vụ chúng sanh thôi, chứ thầy đâu có tiền.

“Thầy đang ăn, ông thấy thầy ăn cơm với chao, rứa thôi. Ông hỏi, thầy sống nổi ở đây để xây cái chùa không, thầy ăn rứa thì sống nổi không? Thầy nói, khi nào sống thì sống, khi  nào đi theo Phật thì đi, xây không xây chết à?

“Ông nhắc thầy làm ba vị Phật: Phật Thích Ca, đức Quán Âm và ngài Địa Tạng. Ông hỏi thầy xây ba vị Phật thì tốn bao nhiêu. Thầy nói, Phật bằng đồng, vị giữa 50, hai vị kia là 50. Ông cứ đi lui đi tới ngó thầy, ông đi ra rồi ông nói, thôi thầy để cho con. Rồi ông đi vô, viết cái check, xếp lại, bỏ xuống bàn cho thầy.

“Thầy không coi tới cái check, ra làm việc. Chiều, thầy vô ăn thầy mới coi. Ông viết cái check 100 ngàn. Sau này ông còn cúng thêm 400 ngàn.”

Khối đá thiêng liêng từ Nghệ An

“Về vấn đề Bồ Tát Quán Thế Âm thiêng liêng nhiệm mầu. Ngày khánh thành tượng Quán Thế Âm thì buổi sáng đó (ngày 25 tháng 11, 2007), khoảng 6 giờ sáng, gần 200 người Mỹ (hay Mễ) họ chạy vào, họ nói họ thấy ánh sáng lạ lùng quá, họ nói Đức Mẹ hiện về, họ quỳ xuống làm dấu và đọc kinh. Đồng khi đó, năm, sáu trăm người Việt tới dự lễ khánh thành ở đây thì đứng lạy Bồ Tát Quán Thế Âm. Hai bên cãi nhau. Thầy mới nói bây giờ quý vị tin Đức Mẹ thì quý vị cứ tin, người nào tin Bồ Tát Quán Thế Âm thì cứ tin, nhưng mà Đức Mẹ hay Bồ Tát đều là những vị cứu khổ cho nhân loại, đem niềm vui cho cuộc đời thì cứ tin đi, đừng có cãi nhau vô ích mà buồn lòng nhau.

“Pho tượng này được làm từ Việt Nam. Trong tiến trình làm cũng có điều nhiệm mầu nữa. Phải mất hai năm, sau bao nhiêu cầu nguyện không nản lòng thầy mới tìm được khối đá vừa ý, không bị tỳ vết, không bị đen. Khối đá này ở Nghệ An. Ngày lấy khối đá ra, trời mưa gió nhiều, làng bị lụt, cây cầu mà chiếc xe chở khối đá đi qua chưa được trọn vẹn thì bị sập, xe còn mắc kẹt lại hai bánh xe sau (xe có cả thảy tám bánh). Thầy chỉ còn biết cầu nguyện. Vậy mà cuối cùng xe cũng tiếp tục đi được, thật là mầu nhiệm vô cùng.

“Thành phố (theo quy luật an toàn) bắt buộc phải khoét bên trong của pho tượng đường kính 12 inches. Thầy đành phải thuê thợ Mỹ khoan một ngày một đêm (tốn mất 12 ngàn đô), rồi để sắt trong đó và phải đưa tượng lên thật cao rồi mới đặt xuống và cuối cùng đục một lỗ sau lưng tượng để bơm một loại xi măng đặc biệt. Thầy lại chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện nếu ngài có duyên với con thì xin cho mọi việc được thực hiện. Thầy thật tình rất lo vì thấy không có cách chi mà đưa tượng lên cao tới 36 feet (11 mét). Nhưng cuối cùng họ dùng cần cẩu đưa tượng lên và đặt xuống an toàn thật là mầu nhiệm.

“Nhưng có điều này còn mầu nhiệm nữa. Có một bà Phật tử thầy còn nhớ cả tên bà, bà lên coi rồi lấy viên đá nho nhỏ khoét ra từ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đem về nhà thờ vì thấy có phóng hào quang. Có lần bà bị đau bụng dữ dội lúc nửa đêm, ông chồng kêu xe ambulance để đưa bà vào nhà thương emergency. Bà bỗng nhớ tới ngài Quán Thế Âm và lấy viên đá đang thờ xoa lên chỗ đau. Lạ thay cơn đau biến mất và bà không cần đi vào bệnh viện nữa. Sau khi lành bệnh bà có cúng (tượng) một con sư tử.

“Bà nói mấy viên đá thiêng lắm, đừng vứt mà nên dùng làm tượng nho nhỏ cho mọi người có thể thỉnh về. Thầy rọc đá, gởi về Việt Nam làm tượng. Trong vòng mấy tháng, thầy bán được trên 2,000 pho tượng, mỗi tượng 150 đô, và lấy tiền đó xây thêm chùa, coi như có thêm một nguồn tịnh tài để xây dựng. Thầy không xin ai hết. Phật tử thỉnh một, hai tượng về, thấy thiêng quá, lại quay lại thỉnh thêm để cho con cho cháu dòng họ thay vì cho chúng tiền bạc, có người thỉnh cả 20 tượng.”

Và thầy trầm giọng cho tôi biết “250 chứng bịnh ung thư bác sĩ bó tay được chữa lành và 120 đứa nhỏ được sinh tại đây.”

Chân Nguyên 2018 (hmd)
Quán Thế Âm Bồ Tát nhìn từ hướng đông tháng Tư, 2018. (Phúc Viên)

Về bác sĩ Võ Hữu Ngọc ở Los Angeles, thầy nói thêm, ông đã đóng góp cho thầy khá nhiều, từ 500 ngàn đến 1 triệu bạc. Tất cả các tượng Phật lớn đều do ông cúng dường cả, gần cuối cuộc đời, ông bán luôn cả phòng mạch và đem tới cho thầy ba, bốn trăm ngàn.

“Ông Ngọc đã qua đời và trước khi mất ông còn nói tôi đi nhưng tôi sẽ trở về làm việc đạo với thầy. Giây phút ông lâm chung, đã có những sự việc xảy ra khiến cho bà xã ông có thêm niềm tin vào kết quả của sự tu hành của ông. Vì vậy sau khi ông mất, bà tin nơi thầy và cúng dường cho thầy thêm hai trăm ngàn.”

Những chuyến xe lên Chân Nguyên

Không chỉ ông cự phú Mã Lai Chan Couteen, vợ chồng bác sĩ đại thí chủ Võ Hữu Ngọc, chắc chắn còn nhiều, rất nhiều Phật tử khác đã nhiệt thành đóng góp cho ngôi già lam này cũng như đặt hết niềm tin vào sự linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm, kể cả những vị mà tôi đã gặp trên chuyến xe bus từ Orange County đổ về Adelanto.

Một tuần sau ngày được tiếp chuyện Thầy Đăng Pháp, tôi có đến bãi đậu xe để tìm hiểu về những chuyến xe bus chở người hành hương này. Đó là những xe bus lớn được chùa tài trợ để đón Phật tử khu phố Little Saigon lên vào những dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan, v.v… Chủ Nhật đó, ngãy 8 tháng 4, cũng là ngày chùa Chân Nguyên cử hành lễ Vía Quán Thế Âm (đản sanh), 19 tháng Hai âm lịch. Từ sáng sớm, ở bãi đậu phía sau siêu thị Best Choice (chợ Việt Thuận) tại góc đường Brookhurst và Chapman, trước giờ khởi hành lúc 8 giờ sáng, hai xe bus đã đầy hết chỗ ngồi, chứa hơn 120 người, hầu hết là phụ nữ lớn tuổi.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi thấy người đi đông đảo như vậy, một bác nói, “Lễ nào ở chùa Chân Nguyên tôi cũng đi, mà ngày Vía Quán Thế Âm thì người ta đi còn nhiều hơn mấy ngày lễ khác nữa. Ngài Quán Thế Âm ở chùa đó linh lắm.”

Sư Cô Như Nghiêm (bên trái) và cô Hằng Hoàng trên chuyến xe lên Thiền Viện Chân Nguyên. (hmd)
Hai người giơ tay là Phật tử mới lên Chân Nguyên lần đầu bằng xe bus từ Little Saigon, trên chuyến xe ngày 8 tháng 4, 2018 nhân dịp Lễ Vía Quán Thế Âm. (hmd)
Chị Diệu Liêm (đứng) là người tổ chức thuê xe bus đưa các đạo hữu từ Little Saigon, Westminster lên Chân Nguyên, Adelanto mỗi dịp lễ lớn trong năm, như Vía Quán Thế Âm trong hình chụp vào tháng Tư 2019 này.(hmd)

Tuy chưa hiểu hết về sự linh thiêng của Ngài là như thế nào, và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được tận nguồn, nhưng qua những mẩu chuyện do Thầy Đăng Pháp kể lại, và do các đạo hữu khác cung cấp, tôi cũng cảm được một phần nào sự linh ứng của Ngài Quán Thế Âm dành cho những người cầu đạo, cho những ai ước nguyện được sống một đời phục vụ đạo, phục vụ chúng sanh. Dường như qua họ, Ngài thể hiện tình thương mang đến sự bình an cho những ai đang bị phiền não.

Thầy Đăng Pháp bên ngoài tịnh thất của Thầy tháng Tư, 2018 (hmd)
Các Phật tử đã bất ngờ đến chúc mừng sinh nhật Thầy Đăng Pháp (giữa), trong khi Thầy Linh Như (quản chúng của Thiền Viện Chân Nguyên, bên trái) và Thầy Linh Quang (phó quản chúng) cũng chia sẻ niềm vui vào cuối giờ thọ trai của một buổi trưa đầu tháng Sáu. (hmd)

Bữa trưa đầu tháng Tư hôm ấy, sau mấy giờ nghe chuyện Thầy Đăng Pháp, tôi xin Thầy cho chụp vài tấm hình của thầy. Rồi tôi đi quanh quẩn để ghi lại mấy tấm ảnh trong chánh điện, ngoài sân chùa. Sau khi chụp thêm hình của bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tôi vẫn chưa hài lòng, cảm thấy thiếu một cái gì đó mà mình cần phải làm trước khi rời chùa. Thế nên một lần nữa tôi lại quỳ dưới chân tượng, nhắm mắt cầu nguyện, và lần này tôi xin Ngài cho tôi một tín hiệu để biết có sự linh ứng của Ngài.

Mở mắt ra, ngước nhìn lên tôn tượng, vẫn là Ngài với nét mặt uy nghiêm và từ bi muôn thuở, in trên nền trời đang có mây thấp. Tôi bấm thêm một tấm cuối cùng trước khi rời Chân Nguyên. Tấm ảnh cuối cùng đó lại là tấm duy nhất có đầy đủ nét của Ngài, của chùa và cây cảnh chung quanh. Tôi chọn bức ảnh ấy làm bìa cho tờ báo Tinh Tấn Magazine số 1 phát hành tháng Tám, 2018, và ảnh nằm mở đầu cho bài viết này, để chia sẻ một kinh nghiệm quí báu mà tôi biết sẽ khó có được lần thứ nhì.

Một lần ghé Thiền Viện Chân Nguyên vào tháng Giêng 2012. (hmd)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

One thought on “Vài giờ với Thầy Đăng Pháp ở Thiền Viện Chân Nguyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *