Photo: Grigoriy / Pexels
Bài T. NHUẬN HÙNG
(thân tặng thiền sư -du tăng tứ phương – Quảng Thiện)
Tôi đã đến, một lần trở lại
Biển trời xanh man mác gió chiều
Mây chuyên chở biết bao âm hưởng
Làm sao ngờ được có bao nhiêu
Anh ngỡ ngàng qua từng giai đoạn
Đời văn minh cho đủ lớn khôn
Em mang cả hồn thơ kỳ diệu
Bước êm đềm giữa lúc hoàng hôn…
(thơ Thanh Trí Cao)
Đúng thế, bài thơ trên tác giả ngầm cho chúng ta biết “đã đến” và “trở lại,” “biển trời xanh man mác” ngụ ý muốn nói lên rằng biển cả có muôn vàn sự kiện để nói, nhưng ai là người hiểu được điều gì đang và sẽ xảy trên đại dương muôn trùng sóng vỗ dạt dào. Thiền sư ngắm nhìn bể khổ mênh mông, thế sự vô thường biến thiên vạn đổi, từng sát na sinh diệt, ai là người đã từng thấu tình đạt lý?
Đề tài “Thiền Sư & Biển Cả” có thể là ngộ nghĩnh. Thiền sư thì phải ở nơi thâm sơn cùng cốc hay trên đỉnh núi cao chót vót ngồi thiền tọa, bất động qua bao tháng ngày để tu luyện, hoặc nghiền ngẫm một câu thoại đầu nào đó, hầu mong đạt đến đỉnh cứu cánh nào đó. Chớ đâu phải thiền sư ngồi nơi biển cả mà quán chiếu, có phải không các bạn trẻ ạ! Lắm lúc người cầm bút cũng phải lắc đầu, tại sao và tại sao lại diễn ra như thế hả? Thật ra, trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra được cả.
Vâng! Đúng thế, đã là thiền sư rồi tại sao phải phân biệt núi đồi hay sông sâu, biển cả. Sơn hà đại địa này đâu đâu cũng là chỗ cho mọi người tu tập, ngay cả những chúng sanh khác loài với chúng ta cũng có thể tu hành để sám hối tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp đã tạo ra. Bởi vậy, chúng ta, nếu ai đã có học giáo lý Phật đà rồi thì sẽ hiểu rõ “bản chất của tâm” là gì. Nếu là thiền sư đã có đạo lực thâm hậu thì “tâm vô quái ngại.” Họ có thể ở giữa chợ búa nơi chốn náo nhiệt mà vẫn giữ được “tâm” an lành không bị chi phối, bởi ngoại cảnh xô bồ bên ngoài, còn ngược lại thì quý vị cũng có thể hiểu điều gì sẽ xảy ra.
Chẳng hạn, chúng ta cùng bạn bè rủ nhau đến bãi biển, vui chơi đùa giỡn trong mùa hè nóng nực để hưởng những ưu đãi thiên nhiên ban cho, đó là sự mát mẻ từ nước biển mà ra. Có bao giờ chúng ta nghĩ có một thiền sư nào đó xuất hiện ngồi thiền ngay ở đó chăng? Hoàn toàn là không có? Nếu ngược lại thì ta sẽ nghĩ ra sao?
Những câu hỏi như thế, thật là buồn cười có phải không, các bạn trẻ ạ! Nhưng nói như vậy, chúng ta thô thiển quá, thiền sư đạo hạnh thanh cao, thì đâu đâu cũng có thể đến và đi, bất cứ lúc nào. Nếu đạt đến cảnh giới cao họ có thể đi lại trong tư tưởng, chớ đâu cần có đi bằng thể xác như mình tưởng đâu! Tâm chúng ta rất bén nhạy. Còn thiền sư thì sao? Có những vị thiền sư thâm niên tu tập “đến, đi tự tại” như những áng mây bềnh bồng, phiêu lãng trên bầu trời xanh, hoặc những cánh chim tung bay khắp muôn phương.
Thiền sư lững thững lên núi hay thiền sư ngồi bên bờ suối, bãi biển không có bóng người thì sao đây? Nếu họ ngồi nhiều giờ ở đó, thì họ sẽ làm gì đây?
Đứng trên phương diện nhân sinh quan, chúng ta có thể định đoạt tất cả cho mọi vị thiền sư đó sao? Ai tu thì nấy chứng, ai ăn thì người ấy no. Tôi đang ăn cơm thì không thể nói rằng: “Anh hay chị no chưa, có ngon hay dở?” Thật là quái gở vô cùng, phải không các bạn trẻ ạ!
Thật tế vẫn là thật tế, không thể ăn bánh vẽ mà no được. Tu cũng thế. Nếu không thực nghiệm dấn thân vào con đường đạo, không tụng kinh bái sám công phu thiền tọa, mà cứ ngồi nói thao thao giáo lý Phật đà hết giờ này đến giờ nọ, thì các bạn trẻ nghĩ sao? Đó có phải là người tu hay không? Họ chỉ là một học giả mà thôi, bởi vì học giáo lý nhiều mà không bỏ thời gian hành thiền tu tập thì chỉ là chiếc máy biết nói có khác gì đâu. Vừa học giáo lý vừa hành thiền tu tập để chiêm nghiệm những lời Phật dạy có như thế mới có thể hiểu cặn kẽ được giáo lý Phật đà.
Trong phút chốc cũng là vĩnh cửu, tâm bất phân thấu thị chân thường, một quá khứ như dòng sông nhỏ, nước trung hòa trong biển đại dương.
Sách xưa có câu: “Hãy ngắm hoàng hôn khi nó đang còn ở đó, nhưng bạn không thể níu giữ được hoàng hôn ở lại.”
Đúng vậy, hoàng hôn chỉ ngắm nhìn mà thôi, chớ không một ai có thể níu giữ được hoàng hôn ở lại bên mình. Hoàng hôn rất đẹp trên biển cảnh là bức tranh quá tuyệt vời, nhưng hoàng hôn xuống rất nhanh thoáng chốc là màn đêm bao phủ lên liền.
Thiền sư ngồi nhìn buổi chiều tà trên bãi biển để chiêm nghiệm một đời người quá ư ngắn ngủi! Vì sao? Còn rất nhiều điều không thể nghĩ bàn khi thiền sư chưa hoặc đã “ngộ” ra điều gì?
Chúng ta, hãy thử ngồi mà tưởng tượng lại xem có đúng phần nào hay không? Riêng đời người phân ra làm năm giai đoạn:
1. Từ khi lọt lòng mẹ cho đến 6 tuổi gọi là hài nhi.
2. Từ bảy tuổi đến 15 gọi là đồng tử.
3. Từ mười sáu đến 30 tuổi gọi là thiếu niên.
4. Từ ba mươi mốt đến 40 tuổi gọi là thanh niên hay tráng niên.
5.Từ bốn mươi mốt về sau gọi là lão niên.
(Ghi lại theo Câu Xá Luận Cương Yếu của cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm.)
Phân định như thế, các bạn trẻ ạ! Nếu chúng ta đã bước vào tuổi bốn-mốt về sau, cũng như là chúng ta đang đứng trên đỉnh núi, mà hướng tới tương lai thì quá ngắn ngủi, lúc đó là lúc đi xuống chớ không còn nhiều thể lực trèo lên thêm nữa để đạt đến đỉnh cao.
“Lực bất tòng tâm” là như thế. Đó cũng là lẽ tất nhiên của đời người, lúc bấy giờ thể lực và trí tuệ của chúng ta mòn mỏi lười biếng không còn sức phấn đấu và hăng say như trước nữa! Bởi vậy, thiền sư ví tuổi (bốn mươi-mốt) sẽ là nắng chiều hoàng hôn sắp xuống núi!
Chao ôi! Đời người sao ngắn ngủi thế đấy! Bôn ba cho lắm rồi cũng chỉ thế thôi. Nếu ai đã thành đạt công danh sự nghiệp thì trước tuổi bốn mươi-mốt là tốt. Còn như để quá chậm đến tuổi năm mươi thì chật vật và vất vả vô cùng. Sức cùng, lực kiệt, trí tuệ lu mờ. Mọi việc thật là gian nan khi tuổi đã về chiều, gối mòn chân mỏi. Bệnh hoạn phát sinh. Còn đâu nữa mà tu với luyện.
Do đó, thiền sư khuyên chúng ta: Tu mau kẻo trễ. Nói đến tu là không phải bắt buộc quý vị vào chùa xuống tóc, quy y Tam Bảo mới gọi là tu. Quý vị cũng có thể tu tại gia, dành thời gian học hỏi giáo lý Phật đà qua nhiều hình thức trong thời đại khoa học tối tân này. Tìm sự an lành cho chính mình và cũng cho những người thân chung quanh mình nữa. Làm những gì có thể làm được đừng để phí một đời làm người, mà chẳng biết tu tập gì cả. Chỉ biết chạy theo danh lợi ảo huyền của thế gian đến khi vô thường đến. Ô thôi! Còn gì để nói! Trắng tay vẫn hoàn tay trắng.
Trên đời này có biết bao nhiêu việc đơn giản nhưng mấy ai nghĩ đến, chẳng hạn như bố thí, phóng sanh, giúp đỡ những người hoạn nạn, hoặc giả cúng dường xây dựng Tam Bảo hộ trì tăng-ni gặp nhiều khó khăn v.v..
Vậy thiền sư và biển cả chẳng có gì khác cả. Biển thì bao la dung chứa lượng nước vô bờ bến như Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Dưới lòng biển có biết bao nhiêu điều mà chúng ta chưa khám phá hết được. Ngay cả khoa học gia chuyên viên nghiên cứu về biển chưa dám phán quyết về biển được. Những bí mật lòng biển còn quá nhiều điều bí ẩn chưa khám phá ra hết, bằng cặp mắt thường tình của chúng ta. Muôn hình vạn trạng, những giống cá,tôm, tép hoặc những thủy sản san hô dưới lòng biển cả, chúng ta làm sao biết hết được. Ngay cả chiều sâu của biển cũng thế, chỗ sâu chỗ cạn chỗ có đá ngầm hoặc có những san hô hay rong rêu gì đó, đố ai biết được? Thế giới của biển không thể nghĩ bàn những nhà khoa học gia vẫn chưa tìm ra chân tướng gì cả.
Nói kết lại, thiền sư và biển cả là đề tài thật thú vị. Hãy tìm hiểu đại dương ngoài kia có những gì mà nhiều người hay nhắc đến. Bao la đại dương sóng vỗ muôn trùng, thuyền từ vững chãi thiền sư ngắm trăng bên bờ đại dương.
Giọt nắng thiền thầy đã truyền trao
Tôi đem nó sưởi ấm dòng đời
Người còn mãi trong tôi nắng ấm
Con thuyền đời tâm sự biển khơi
Dòng lưu chuyển chung quanh sức sống
Vẫn chưa phai trên đỉnh yêu thương?
Thân bé nhỏ con đường chuyển hóa
Đôi bàn tay truyền cảm ngát hương…
(Thơ cố thi sĩ Thanh Trí Cao)
California ngày 30/3/ 2021
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.