Thăm lại Huế xưa

*Đọc 6 phút*

Photo: Chùa Hiếu Quang, Huế (Chùa Hiếu Quang / Facebook 20/7/2015)

Bài HOA LÀI

Mồng bốn tết năm Đinh Sửu, sau khi dự lễ húy kỵ ở chùa Thọ Quang xong, khi lên liêu chào Hòa Thượng ra về, Hòa Thượng bảo, “Con có đi Huế với thầy không?”

“Dạ có ạ!”

“Vậy ở lại đây đi với thầy!”

“Dạ, vậy là con có dịp về thăm Cố.”

Một lát sau, chiếc xe đưa thầy trò lên đường. Chiếc xe cũ kỹ của Hòa Thượng nặng nề leo lên đầu con dốc của đèo Hải Vân. Vừa đến miếu nhỏ bên đường Hòa Thượng bảo dừng xe chỉ ngôi miếu và kể:

Ngôi miếu này có từ lâu, trước năm 1945, khi đó con đường độc đạo này, còn hoang vu và nhỏ hẹp, chưa được mở mang rộng rãi như ngày hôm nay. Có một dạo, Quốc Sư Phước Huệ từ chùa Thập Tháp Bình Định ra kinh đô Huế để dạy, Ngài thường đi một mình. Khi đến miếu này, vào lúc mười giờ đêm, Ngài không thể vượt qua đèo trong đêm sương mù được, cả con đường đều bị sương phủ cả rồi.

Ngài đến trước miếu bảo, “Phiền ông cho tôi trú đỡ đêm nay, ngày mai tôi sẽ lên đường.”

Nói xong Ngài dọn hết đồ thờ ở trong miếu để ra bên ngoài, bẻ cành lá làm chổi quét, xong trải tọa cụ rồi ngồi tĩnh tọa. Ông Thần miếu không có chỗ ở, liền xuống làng, đánh thức mọi người bảo lên thỉnh Hòa thượng về nhà nghỉ. Dân làng nghe nói nữa tin nữa ngờ nhưng cùng nhau đốt đuốc đến miếu xem thử, thì quả có Hòa Thượng thật, Ngài đang ngồi tham thiền. Trai tráng trong làng quỳ xuống lạy ba lạy thưa, “Chúng con thỉnh Hòa thượng xuống núi, trả miếu lại cho Thổ Thần.”

Ngài mở mắt càu nhàu, “Lão thổ thần keo kiệt này, ta chỉ mượn miếu có một đêm mà cũng không cho, báo hại làm náo động đến dân làng nhọc sức.”

Nói xong Ngài lên võng, dân làng thỉnh Ngài về làng. Đến nhà ông xã cư, nhà ông rộng rãi và đầy đủ tiện nghi, gian nhà giữa thờ Phật, có bộ ván gõ láng bóng thỉnh ngài nghỉ. Uống xong tuần trà, khách chủ đàm đạo hồi lâu, Ngài cảm ơn mọi người rồi tiếp tục tĩnh tọa cho đến sáng hôm sau. Trong lúc điểm tâm, ngài vui vẻ hỏi, “Tối hôm qua các người làm sao biết ta đang trú ở miếu Thổ Thần mà đến đón?”

“Bạch Hòa Thượng. Chúng con đang ngủ, nghe tiếng nói sang sảng ngoài sân: ‘Dân làng ơi! Dậy đi đón Hòa Thượng! Ngài đang ở miếu của ta ở đầu đèo Hải Vân.’ Nhà nào cũng nghe đúng một câu như nhau. Nên chúng con cùng nhau bàn bạc quyết định dẫn tráng đinh lên đó xem thật hư như thế nào. Khi đến nơi, chúng con thấy đúng là có Hòa Thượng. Vì vậy, dân làng mới biết vị Thần Hoàng ở miếu linh thiêng.

Điểm tâm xong, dân làng cử sáu tráng đinh thay nhau kiệu Ngài qua đèo Hải Vân ra đến kinh đô Huế.

Kể xong câu chuyện, Hòa Thượng lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Đường lên mỗi lúc mỗi cao, xe cộ chạy như mắc cửi, gió chiều nhè nhẹ thôi qua đỉnh núi. Nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn dưới chân núi, như một bức tranh thủy mặc, chấm phá thật hoành tráng. Đến đây, Hòa Thượng chỉ ngọn núi trước mặt và kể:

Vào cuổi thế kỷ 17 (1695), Hòa Thượng Thạch Liêm người Trung Quốc, Ngài được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang kinh đô Huế mở đại giới đàn tại đại nội cho hơn ba nghìn tăng ni. Chúa, các quan và Hoàng thất đều quy y Ngài. Sau đó Ngài vào Hội An. Để có tàu buôn về Quảng Đông, thầy trò đi bộ băng qua con đường độc đạo này, các Ngài dừng chân ở đỉnh Hải Vân để cho dân phu dọn đường, Ngài Thạch Liêm làm rất nhiều thơ, trong đó có bài vịnh ‘Đỉnh Vân Quang’ nói về cảnh đẹp nỗi tiếng của đèo Hải Vân.

Khi trời càng về chiều, cảnh núi rừng pha màu đen bạc vừa huyền bí vừa kiêu sa, pha với ráng chiều tạo thành cảnh đỏ rực, giữa màu xanh biếc của núi rừng pha sắc đá xanh tạo nên cảnh đẹp lung linh giữa núi rừng bạc ngàn sương sớm. Trên con đường mòn khúc khuỷu độc đạo, thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy chậm chạp khi xuống núi.

Vừa đến Huế thì nắng chiều đã tắt, cảnh vật mờ ảo, đại nội cổ kính rêu phong, mọi người hối hả trong chiều hoang loang lỗ. Một vài ngọn đèn bắt đầu sáng, những chiếc thuyền nhỏ e ấp đậu bên bờ sông Hương, thành phố trở nên lung linh huyền ảo.

Đến chùa Hiếu Quang thì trời đã tối hẳn, phố xá đã rực ánh đèn. Ngôi chùa nhỏ nằm khuất dưới tàng cây vú sữa sum sê. Thật yên tỉnh, ngôi chùa nằm trong khu vườn cây ăn trái, tuy không thật rộng nhưng đẹp làm sao!

Sau khi ăn qua loa bữa cơm chiều, Hòa Thượng lên viếng Cố. Cố năm nay hơn chín mươi tuổi mà Ngài vẫn khoẻ chỉ đi lại khó khăn, vì vậy Ngài ít khi ra ngoài.

“Mô Phật bạch Ôn.”

“Ai đó, Quang Thể đó hả, ngồi chơi.”

“Dạ bạch Ôn, Ôn có khoẻ không?”

“Khoẻ không biết sống chi sống dữ rứa!”

“Ôn sống lâu để chúng con được hầu Ôn.”

“Sống để hành tội mấy ông chứ có ích chi mô.”

“Hòa Thượng sống lâu là phúc cho chúng con.”

“Phúc đức chi mô, đi đứng lụm khụm có vui chi đâu mà sống cho lâu.”

“Nhưng chúng con muốn Ôn sống lâu để chúng con được nhờ.”

“Sống mà ăn chẳng được sống có ích chi hỉ, bệnh của ông bớt chưa?”

“Bạch Ôn bệnh của con bớt nhiều rồi.”

“Bạch Ôn, Ôn có ngủ ngon giấc không?”

“Răng ngủ chẳng được, nằm hoài không ngủ đau lưng lắm. Niệm Phật mãi sao không rước đi cho rồi?”

“Bạch Ôn Phật Tổ chưa muốn Ôn đi.”

Ôn ngâm:

“Xuân tàn cành lá khẳng khiêu

Nụ hoa chớm nở ít nhiều tàn phai

Ngày xuân hết, đêm đông dài

Ngàn sau còn dấu gót hài vân du…”

Ngâm xong bốn câu thơ Cố lại hỏi, “Phật sự của ông trong Đà Nẵng ra sao rồi?

“Bạch Ôn việc Phật sự cũng bình thường.”

“Bệnh ngứa ngoài da của ông đã hết chưa?”

“Bạch Ôn bệnh của con vẫn còn nhưng con đang uống thuốc.”

“Mong cho ông có sức khoẻ để lo Phật sự, như tui đây sức tàn chẳng còn lo gì được, cái thân già này đi đâu cũng phải nhờ cậy người khác phiền phức lắm.”

“Bạch Ôn! Đêm đã khuya rồi thỉnh Ôn vào nghỉ.”

“Nằm hoài đau lưng thức trắng chứ có ngủ được mô.”

Hòa Thượng dìu Ôn vào liêu, thị giả lo cho Ôn. Hòa Thượng trở lại phòng khách đàm đạo với thầy Quang Nhuận. Đêm đã khuya, cảnh chùa u tịch. Con không sao ngủ được, có lẽ lạ chỗ nên như vậy chăng?

Có lẽ hình ảnh của cuộc đối thoại giữa hai Ôn vừa rồi khiến con thao thức. Đẩy nhẹ cửa phòng bước ra sân chùa, dạo quanh sân chùa một vòng cảm nhận được hương vị xuân còn xót lại, cảnh vật chìm trong giấc ngủ lờ mờ, chỉ còn lại bầu trời đầy sao, một vài con chim ăn đêm vỗ cánh vút lên trong cành lá xào xạc rồi bay vào bóng đêm mất hút.

Đêm đã xuống từ lâu, sương đêm càng thêm nặng lạnh tiếng còi tàn rút lên khiến con giật mình. Bốn bề vắng lặng thỉnh thoảng mới nghe tiếng hát vọng từ sông Hương, con cảm thấy Huế mang đầy chất thơ trải qua chín Chúa mười ba Vua suốt ba trăm năm trên mãnh đất kinh kỳ ngàn năm còn lưu dấu. Kinh thành Huế giờ đây đang chìm trong giấc ngủ mộng mơ của ánh sáng lờ mờ huyền ảo con cảm nghe đâu đây âm vang của 13 triều đại vàng son đã bao lần thay đổi, biết bao thế hệ sinh ra và có mặt ở đây, những nhân tài xuất chúng làm nên lịch sử để bảo vệ giang sơn này. Các triều đại đã qua đi với thời gian âm vang của cuộc sống trong lòng dân tộc dường như viết năm tháng của bao đời hưng thịnh, qua một thế kỷ hoang phế tang thương nhìn lại dấu xưa đã lui về dĩ vãng một thời ngang dọc đã qua.

“Dấu xưa xe ngựa hồn Thu Thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Tiếng rao lanh lãnh vắng bặt từ lâu, con cảm thấy lành lạnh đứng dậy về phòng nhưng không sao chợp mắt được, lâu lắm rồi mới có dịp trở về thăm Huế thân yêu. Mảnh đất mang đầy huyền hoặc. Con kinh qua sách vở nhận thấy phút giây này đằm thắm biết bao! Đối với con một hình ảnh đã đọng lại trong con kí ức ngày xưa, một thời vang bóng gắn liền với sự thăng trầm trên mãnh đất thiêng liêng này. Đêm nay đã bao đêm trên dòng sông mang đầy chứng tích của các cuộc tranh hùng. Một khúc nhạc vang mãi chẳng thôi, con lặng lẽ cảm nhận trong tiếng gió thì thầm lời tự tình của lớp người đã qua trong tiếng vọng à ơi!

Ngày nay, Huế có nhiều thay đổi, những cái mới chất chồng lên cái cũ, nỗi bật nét dịu dàng của cuộc sống thanh khiết ngày xưa xen lẫn sự năng động của một thời bùng vỡ giao thoa của cuộc sống sôi động. Nằm im lìm trong cái oai phong lẫm liệt của quá khứ vàng son.

Con chấm hết ở đây sau một lần thăm Huế ! Một lần cuối cùng về thăm Cố để rồi vĩnh viễn con không bao giờ có diễm phúc lần nữa cùng với Hòa Thượng viếng lại mái chùa xưa.

(Hiếu Quang Tự, đầu xuân Đinh Sửu 1997)

(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả sống tại Phường Bình Hiên, Quận Hải Châu, Thành Phố Đà Nẵng.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *