Tâm là gì?

*Đọc 6 phút*

Hình: Nhuận Hùng

Bài NHUẬN HÙNG

Nói đến Tâm ai ai cũng hiểu được liền liền, nhưng đi sâu vào vấn đề là việc khác. Theo tôi được biết có nhiều người thường nói Tâm là trái tim có gì đâu mà diễn bày. Thật là, thiển cận vô cùng.

Xin thưa, các bạn trẻ yêu quý! Nói như thế là dưới con mắt phàm phu của chúng ta. Chớ mà giải phẫu ra thì trái tim ấy chỉ là cục thịt mà thôi. “Không trong, không ngoài, không trên, không dưới, không hình thức, không nắm bắt.”

Vậy “tâm” là cái gì đây? Một câu hỏi ai giải thích cặn kẻ được? Tâm vẫn là Tâm ai ai cũng hiểu cả. Có nhiều người hiểu chút ít giáo lý Phật đà còn nói rằng: Phật tức tâm hay tâm tức Phật, trong tâm có Phật, vậy nghĩa là gì? Hiểu như thế là chưa đủ nghĩa. Nghĩa là ai ai cũng có thể thành Phật nếu tu hành đúng chánh pháp để đạt đến sự giải thoát, thoát ly sanh tử luân hồi!Trong kinh có ghi lại rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Nói như thế nghĩa là ai ai cũng có thể thành Phật cả nhưng tu được hay không là việc khác!

Còn một vấn đề nữa mà nhiều học giả thường hay nhắc đến: Phật tánh, ai cũng có nhưng phải làm sao cho hiển lộ mới được. Bản tánh có Phật nhưng không tu tập công phu bái sám hằng ngày, cộng thêm phải trau dồi học hỏi giáo lý Phật đà hành thiện tích đức thì lấy đâu ra “Phật tánh” ở trong “tâm” hay ngược lại chỉ chuyên làm việc bất thiện thì là sao đây mà có Phật tánh, hỡi các bạn trẻ ạ! “Tâm dẫn đầu các pháp,” “Tâm làm chủ…”…!

Đúng vậy! Như chẽ cọng tóc làm tám, đi vào chi tiết cặn kẽ, không dễ như mình tưởng, thời gian vô cùng, không gian vô tận. Bao nhiêu thử thách, khó khăn chung quanh chúng ta đã lìa hẳn hay chưa? Cơm áo gạo tiền hằng ngày là việc chính chúng ta chưa giải quyết ổn thỏa được. Những việc khác tình, tài, danh vọng, sự nghiệp thì sao đây? Hỷ, nộ, ái, ố dẫy đầy. Thiết tưởng, một ngày 24 giờ chia chẽ ra còn bao nhiêu giờ để tu tập. Vậy chúng ta, gặm nhấm ngay bản thân luôn luôn trói chặt không lối thoát. Thì phải làm sao đây?

Đơn giản nhất mà chúng ta chưa thực hiện rốt ráo được: tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến nhiều người vẫn còn vấp phải, ngay cả những vị xuất gia ra khỏi nhà thế tục, vẫn còn bị lôi cuốn vào con đường tham vọng ấy. Thật đáng buồn, có phải không quý vị! Huống hồ việc khác, trên giảng đường sự lý luận thao thao bất tuyệt đưa ra nhiều vấn đề cao thượng từ, bi, hỷ, xả, thương yêu, lo lắng hay giúp đỡ mọi người.Nói thì dễ, nhưng có mấy ai làm trọn vẹn điều đó, riêng chỉ có một số ít người thể hiện được. Hầu như lời nói đi ngược với việc làm chúng ta ai cũng đều thấy rõ. Cội nguồn gốc rễ do đâu mà ra nhất là điều gì?

Chúng ta cứ thử nhìn lại, quan sát cho thật tường tận thì sẽ thấy và hiểu ngay. Ví dụ: Đứa trẻ ở Việt Nam khi xưa đất nước nghèo nàn vào những năm tháng chiến tranh loạn lạc. Khi có một ai đó cho đứa bé kia vài viên kẹo nhưng lại cho đứa khác ngồi bên cạnh nhiều hơn số kẹo của nó, thì đứa bé kia sẽ nghĩ ra sao? Lúc bấy giờ nó sẽ khởi tâm tham lên ngay. Tại sao và tại sao như thế? Từ sự so đo phân biệt đưa vào tâm thức sự phân biệt ngay lúc đó, dù là còn nhỏ chưa hiểu biết gì cả.

Bởi vậy, cho chúng ta thấy tâm con người rất phức tạp, chủng tử đã huân tập nhiều đời, nhiều kiếp. Sự phân biệt hơn thua, cao thấp, giàu nghèo, tài, danh,  thực, thùy đã có sẵn trong bản tánh của con người rồi, cộng thêm sự chấp ngã “cái tôi, cái ta” như thế thì xã hội này có đại đồng hay không? Hay là luôn luôn tranh đấu để dành quyền lợi về mình? Tâm chúng ta chưa bình thì làm sao thế giới bình yên được. Một ví dụ nho nhỏ cho chúng ta thấy tham khởi lên từ thời cổ hủ xa xưa, từ khi con người có mặt trên trái đất này, thì làm sao có thể diệt trừ cho hết cội nguồn thâm sâu cố đế.

Hỡi các bạn trẻ! Đó là đời sống nhân sinh thường tình của con người trên cõi ta bà. Đứng trên bình diện khách quan mà nhìn thế giới cao siêu chúng ta không thể nghĩ bàn. Vì con mắt phàm phu tục tử không thể thấy được, ngoại trừ, những bậc Thượng căn, Thượng trí, Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Đó chỉ là những sự kiện nho nhỏ được nêu ra, chúng ta không cần phải nhọc tâm lưu ý sự kiện nhân sinh quan bên ngoài. Bài viết này xin tóm gọn về chữ Tâm.

Đứng trên góc cạnh khách quan khác mà nhìn, xin chia sẻ cùng các bạn trẻ một phần nho nhỏ về chữ Tâm qua lăng kính giáo lý Phật đà. Trong Duy Thức Học có thể giải rộng ra nhiều vấn đề nữa, chữ Tâm nói nôm na là Tâm Thức. Tâm còn được phân ra và chia chẽ rất nhiều, đại loại được phân ra làm hai: Tâm Vương và Tâm Sở.

Vậy Tâm Vương là gì?

Tâm Vương là tâm chủ thể, nói cách khác là Vương có nghĩa là vua, duyên lấy tổng tướng chớ không duyên lấy biệt tướng.Ví dụ như bên ngoài cửa có một người khách lạ đang đứng đó, khi mắt của mình nhìn thấy liền đưa vào bên trong tâm thức để phân biệt, lúc bấy giờ Tâm Vương nhận định biết được tướng mạo tổng thể của người đó một cách nhanh lẹ rồi phân biệt nam hay nữ lạ hay quen, chứ không thể biết được tỷ mỹ, kỹ lưỡng về tánh tình người kia tốt hay xấu để khởi lên ý niệm phân biệt sâu sắc, v.v..

Như thế thông thường thì Tâm Vương có ba danh từ khác nhau để gọi “nó.” Đó là Tâm – Ý- Thức. Đây chỉ vắn gọn mà thôi, nếu phân tích còn nhiều chi tiết nữa quý vị ạ!

Trong Duy Thức Học,Tâm có nghĩa là tập khởi. Tập khởi nôm na là tập trung chứa nhóm để rồi phát khởi ra tất cả tạo tác và hậu quả của sự việc đã làm tốt hay xấu tùy theo Tâm Vương chủ động, tùy theo căn tánh của từng con người, không ai giống ai cả.

Theo Duy Thức Học thì Tâm chỉ cho thức thứ Tám, Ý chỉ cho thức thứ bảy, Thức chỉ cho thức sáu. Thức là một lối gọi khác của Tâm  hay duyên ngoại cảnh cho nên người ta thường hay gọi Tâm Thức  hay Ý Thức,

Nói cho đầy đủ và dễ hiểu: Lục thức bao gồmNhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, và Ý thức. Tóm lại, đây chỉ là sơ lược mà thôi nếu quý bạn trẻ muốn tường tận phải tìm học giáo lý Phật đà về Duy Thức Học, lúc bấy giờ quý Chư Tăng, Chư Ni sẽ giảng giải tường tận. Vì giới hạn trên trang giấy nên không thể trình bày chi tiết, tỉ mỉ.

Tiếp theo, Tâm Sở có nghĩa là sở hữu quyền lợi của mình chấp giữ, là sự hiện tác dụng của tâm lý nên gọi là Tâm Sở. Nói cho đủ là Tâm Sở Hữu Pháp có nghĩa là tâm lý tác dụng này tùy Tâm Vương mà khởi lên, nó là phần phụ của Tâm Vương cũng như quân lính của nhà vua. Bởi vì Tâm Sở không thể tách rời Tâm Vương đơn độc hoạt động một mình được mà phải nương vào Tâm Vương nhờ Tâm Vương duyên lấy trần cảnh để rồi biền biệt vi tế. Thế nên gọi là Tâm Pháp Tương Ưng.

Tương ưng có năm loại: Sở y bình đẳng, Sở duyên bình đẳng, Hành tương bình đẳng,Thời gian bình đẳng, Thể sự bình đẳng. Năm bình đẳng của pháp tương ưng thuộc về Tâm Vương và Tâm Sở.

Nói tóm lại, bài viết này chỉ sơ lượt giáo đầu về Tâm. Còn đi sâu vào phần chi tiết cặn kẽ, các bạn trẻ nên tìm hiểu giáo lý Phật đà. Nếu có lý thú về Duy Thức Học trong Phật Giáo thì hãy tìm đến các chùa để thọ giáo, Chư Tôn Thiền Đức trưởng thượng quý ngài hoặc quý thầy, quý sư cô trong chùa sẽ giảng giải thêm. Để có cơ hội mở rộng trí tuệ bước đến chân trời mới trên con đường đi đến chân – thiện – mỹ, noi theo con đường giải thoát của Đức Phật.

Một lần nữa xin chúc quý vị độc giả gần -xa và cùng các bạn trẻ thân tâm thường lạc, cát tường như ý. Con đường đạo đi vào tuệ giác cũng có nhiều lý thú lắm các bạn ạ! Nên tìm hiểu giáo lý Phật Đà nói về Tâm cũng nhiều mấu chốt trong con người mình, một là thể xác, hai là tinh thần, tâm là phần chúng ta đang tìm hiểu “nó” và diễn như thế nào? Các cạn trẻ nên tìm hiểu học hỏi cho thật cặn kẽ, để cảm nhận được hương vị tâm.

Mong lắm thay !!!

T. Nhuận Hùng
Santa Ana, California, ngày 30/10/ 2024


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *