Cao Huy Thuần, biết bao giờ có lại

*Đọc 4 phút*

Giáo Sư Cao Huy Thuần (Photo: Giao Hảo / Báo Giác Ngộ)

Bài TRẦN KIÊM ĐOÀN

Tin anh Cao Huy Thuần vừa ra đi, đột ngột và xót xa quá!

 Nhớ mới tuần trước, chia sẻ tin thầy Thích Chân Trí, trụ trì Chùa Phước Điền vừa tạ thế ở Huế, anh Cao Huy Thuần viết email chia sẻ: “CHT thăm và rất nhớ TKĐ. Tôi cũng xúc động. Hồi Đệ Ngũ hay Đệ Lục gì đó, tôi sinh hoạt GĐPT [Gia Đình Phật Tử] với thầy Thiên Ân ở chùa Quan Âm gần Phước Điền. Còn thầy Đức Tâm, ôi thầy Đức Tâm thương quý, năm 1980 tôi về gặp thầy sau 16 năm biệt xứ, hai thầy trò ôm nhau, tưởng chừng 16 năm chỉ là hôm qua. Những ông Thầy… những ông Thầy… mất đi, mất dần, cả một thế hệ mất dần, mất đi, chúng ta cũng thế, một thế hệ trong sáng, nhiệm mầu, biết bao giờ có lại. CHT.”

 Thời Phật giáo xuống đường vào những năm 1960, anh Cao Huy Thuần là một nhà làm báo mà tôi chỉ là một đoàn sinh GĐPT đi phát báo. Thuở ấy, tờ LẬP TRƯỜNG như một tiếng kèn xông xáo trong mặt trận văn chương và xã hội của khuynh hướng Phật giáo dấn thân, tôi mê nhất là mục Chén Thuốc Đắng của Ba Cao do chính anh Thuần phụ trách. Đó là mục chính luận sắc bén nhất của tờ báo dưới hình thức phiếm luận hoạt kê. Rồi thời gian qua đi, anh Thuần sang Pháp và ở luôn bên đó. Đạo pháp và thế sự thăng trầm… gẫm nghe thơ Vũ Hoàng Chương như một tâm kinh tiễn biệt khung trời Huế xưa:

Rồi đây… rồi mai sau… còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian, lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
Dội hào quang xuống chốn A tì

 Ngày lần đầu tiên từ Mỹ qua Châu Âu, chị Thái Kim Lan ở Đức đã nhiệt tình giới thiệu cho tôi thăm Chùa Khuông Việt ở Dorsey, ngoại ô Paris. Chùa Khuông Việt ngày đó chỉ mới là một căn nhà tàm tạm nhưng rất nhiều hoa. Chùa có hai thầy và anh Cao Huy Thuần. Được ăn bữa cơm chay đầy đạo vị do chính quý Thầy và anh Thuần… biên soạn. Bữa ăn ngon thường nhớ hết một đời!

 Đạo Phật Việt Nam xa xứ như dòng sông Hương ngoài biên giới: Trong mướt và huyền diệu vì không có bờ mé ngăn ngại ân tình kẻ ở người đi. Anh Thuần cho tôi được chọn một nơi thích nhất đến viếng vào buổi chiều hôm đó, tôi muốn đến thăm cầu Mirabeau nơi có thơ Apollinaire làm ngọt lịm những hồn thơ trên thế giới:

“Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine”

Dưới cầu Mirabeau sông Seine trôi
Tình đôi ta. Nổi chìm sao nhớ quá
Buồn qua rồi có lại được niềm vui

 Còn nhớ cả buổi chiều đến gần tối, anh em vẫn không tìm ra chiếc cầu Mirabeau trong 37 chiếc cầu bắt qua dòng sông Seine xinh đẹp. Điều đáng ngạc nhiên là hỏi người đi đường chẳng có ai biết chiếc cầu đã trăm tuổi ấy nằm ở khúc sông nào. Với một chút mỏi mệt và nản lòng anh em ghé quán cà phê bên bờ sông Seine. Rất tình cờ, người chủ quán cà phê chỉ vào chiếc cầu: Mirabeau 1897. Thì ra chiếc cầu trước mắt mà như đã chìm vào quên lãng. Tôi chỉ vào chiếc cầu tâm ảnh trong cảm xúc riêng của mình: Trường Tiền 1897. Hai chiếc cầu cùng thời bắc ngang qua hai dòng sông lịch sử và cùng trợ duyên cho cả hai dòng sông chỉ có một âm: Hương – Seine. Tôi chia sẻ ý nghĩ ngồ ngộ nầy với anh Cao Huy Thuần. Anh cười lặng lẽ và nói với ai mà như nói một mình:

 – Con trai Huế toàn cả yêu nước, yêu nhà và yêu người đầy lãng mạn.

Bên mé cầu Mirabeau trong bóng tối, tôi cố đụng vào bàn tay giơ lên của bức tượng xanh tạc người thiếu phụ mà bỗng nhớ về sông Hương, một dòng sông cứ mãi luân lưu không bao giờ là dĩ vãng trong lòng người ra đi như chúng tôi.

Cư sĩ Cao Huy Thuần sinh năm 1937 tại Huế, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1960, dạy Đại Học Huế (1962-1964), năm 1964 sang Pháp và ở lại cho đến cuối đời. Anh là Giáo Sư – Tiến Sĩ về ngành chính trị học tại Đại Học Picardie, Pháp cho đến ngày hưu trí. Dẫu mang bao nhiêu học hàm, học vị trong nước và ngoài nước, những huynh trưởng và đoàn sinh trong hệ thống GĐPT Việt Nam như tôi, một thời và mãi mãi, vẫn gọi nhân vật Cao Huy Thuần bằng tiếng “Anh” thân thương vì anh đã đến, đã sống và đã đi với chân dung của một người Phật tử thuần thành sống tình nghĩa và chung thủy với Đạo Pháp, Dân Tộc, người thân, bằng hữu và chính mình. Anh ra đi lúc 23 giờ 26 phút ngày 7-7-2024 (nhằm mùng 2 tháng 6 năm Giáp Thìn) tại Paris, Pháp.

 Cư sĩ Cao Huy Thuần là tác giả của nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Cùng duyên lành với tiếng Việt thân yêu, Anh là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị gồm hơn 15 đầu sách đã được in ấn và xuất bản cùng nhiều bài biên khảo, tham luận, nhận định về các đề tài tôn giáo, văn chương và chính trị.

Anh được hàng Phật tử Việt Nam xuất gia cũng như tại gia quý trọng với vai trò là một Phật tử thuần thành đóng vai trò xông xáo với pháp hạnh không thối chuyển dẫu cho những cơn lốc lịch sử và giáo sử muốn thổi phăng anh ra khỏi đường Trung Đạo. Trong tất cả những giai đoạn thăng trầm nhất của Đạo Pháp giữa dòng lịch sử và trong lòng dân tộc dẫu rằng anh sống ở nước ngoài mà không là người ngoại cuộc.

Những dòng tâm cảm với cuộc đời nầy Anh đã nói qua tác phẩm. Lòng yêu Đạo quý đời Anh đã sống bằng hành động và những ân tình bằng hữu Anh đã thân trao bằng tác phẩm và đến giờ anh an tịnh thong dong ra đi.

Người Phật tử thuần thành nhìn dáng vẻ đổi thay hình tướng nhẹ nhàng như mây trắng.

Từ bên nầy phương trời Châu Mỹ, xin hướng vọng qua Châu Âu để tiễn biệt Anh về Châu Á, buông tay vô cầu không lại hoàn không.

 Sacramento 8-7-2024

(Nguồn: Trần Kiêm Đoàn / Facebook)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *