Trung đạo là con đường đúng đắn nhất

*Đọc 5 phút*

Bài THIỆN QUẢ ĐÀO VĂN BÌNH

Hiện nay hiện tượng hành giả Minh Tuệ đã đi vào thời điểm bùng nổ quá độ không sao kiểm soát được nữa. Đã có một người đàn ông 47 tuổi, từ Mỹ về hối hả tham gia cuộc đi bộ với hành giả Minh Tuệ, say nắng, mệt lả và chết tại bệnh viện Quảng Trị. Rồi lại có những người quá ái mộ nói rằng hành giả Minh Tuệ đã thành Phật hay là một vị Phật sống. Có thật hành giả Minh Tuệ đã thành Phật rồi chăng?

Phật là vị đại giác ngộ thầy dạy của cõi Trời và cõi Người trí tuệ tuyệt vời mà hàng Bồ Tát thượng thủ phải tới vấn hỏi để tu học. Kinh điển Phật để lại không một đại trí thức nào có thể hiểu hết và diễn đạt được cho dù có nghiên cứu cả đời. Ngoài 10 danh hiệu chỉ dành cho các vị Phật như Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc,Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Phật, Thế Tôn… Phật còn chứng đắc Lục Thông trong đó bao gồm: Thần Túc Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông ,Túc Mạng Thông, Thiên Nhãn Thông và Lậu Tận Thông và Tam Minh bao gồm: 1)Túc Mạng Minh: Tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống đã qua của mình và của tất cả chúng sinh. 2)Thiên Nhãn Minh: Tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống tương lai của mình và của tất cả chúng sinh diễn biến sinh diệt như thế nào. 3)Lậu Tận Minh: Tuệ giác sáng suốt nhận biết các pháp đoạn trừ phiền não mê lầm của mình và của tất cả chúng sinh để được an lạc. Ngoài ra theo các nhà nghiên cứu Phật giáo của Tây Phương, Đức Phật còn là người kể chuyện rất tài tình và đi trước kiến thức của nhân loại hơn 2500 năm.

Chính vì thế mà chư Tổ tu hành cả đời, chứng đắc cũng chỉ là đệ tử của Phật mà thôi. Nếu có đắc quả phải được Phật công khai thọ ký. Ngay Đức Đạt Lai Lạt Ma tu hành từ lức năm tuổi được cả thế giới Tây Phương kính nể , đã gọi ngài là Phật Sống (Living Buddha) nhưng ngài nói rằng đừng có bậy bạ gọi tôi như vậy, tôi chỉ là đệ tử của Đức Phật. Do đó chúng ta phải hết sức thận trọng khi cho rằng một vị nào đó ôm bình bát, mặc áo bá nạp, tu theo khổ hạnh, đi dọc đường, khất thực và ngủ ở bờ bụi, gốc cây, gò mả… đã là Phật hoặc Phật Sống kẻo mang tội. Cứ để yên cho họ tu đừng làm phiền họ, vài ba chục năm nữa sẽ biết có thành Phật với trí tuệ tuyệt vời chinh phục cả cõi Trời và Cõi Người hay không? Và có chuyển hóa dung mạo tầm thường thành dung mạo với 32 vẻ đẹp hay không? Và vị Phật xuất thế này sẽ nói toàn giáo lý mới khác hẳn với giáo lý của Đức Phật Thích Ca làm cho cả thế giới kinh ngạc? Nếu nói toàn giáo lý cũ thì chỉ là học trò của một vị sa môn nào đó hay Phật tử có học kinh điển mà thôi.

Cũng phải nói thêm, nếu tu khổ hạnh mà thành Phật thì năm anh em Kiều Trần Như đã thành Phật rồi. Cuối cùng họ phải từ bỏ và đi theo con đường Trung Đạo của Phật qua lời thuyết giảng, trong pháp thoại “Chuyển Pháp Luân” tại khu Tiên Nhân Luận Xứ, trong rừng Thí Lộc, thuộc Ba-la-nại, “Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung Đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-Bàn. “Theo một nghĩa của Trung Đạo thì trong đời sống tu hành khi theo một đường lối khổ hạnh cực đoan là sai lầm, đồng thời, buông mình vào chủ nghĩa khoái lạc, chạy theo các dục cũng là vô tri. Người ta phải luôn đứng ở khoảng giữa, hay chính xác hơn là vượt thoát hai thái cực ấy mới phù hợp với nghĩa Trung Đạo.” (Thư Viện Hoa Sen)

Tu khổ hạnh phải chống lại những phản ứng tự nhiên của cơ thể như đói, lạnh, ngủ nghỉ, cơ thể cần vệ sinh, đánh răng xúc miệng thường xuyên, nếu không cơ thể và miệng sẽ ghẻ lở, hôi thối, răng sớm rụng, khiến đầu óc cứ bị quấy nhiễu bởi những định luật vật lý của cơ thể, khó có thể đại định để phát triển trí tuệ. Hành giả tu khổ hạnh ở tuổi 40, 50 còn có thể chịu đựng được. Qua tuổi 60 chắc chắn sức khỏe suy yếu, không thể đi bộ đường xa, ngủ ngồi… và phải bỏ cuộc xin tá túc ở chùa như chuyện của một vị sư tu hạnh Đầu Đà trước năm 1975 do thầy Thích Chân Tính (Chùa Hoằng Pháp) kể lại.

Giả dụ như hành giả lâm trọng bệnh, phải vào bệnh viện để chữa trị. Liệu hành giả có thể nại cớ tôi tu theo hạnh Đầu Đà, thà chết chứ không thể nằm ở bệnh viện? Theo một tài liệu mà Cư Sĩ Nguyên Giác thu thập được, khi Đức Phật lâm bệnh, Jīvaka (Pali: Jīvaka Komārabhacca; tiếng Phạn: Jīvaka Kaumārabhṛtya)[3] là bác sĩ riêng của Đức Phật và Vua Ấn Độ Bimbisāra, được gọi là Y Vương. Ông sống ở Rājagṛha, Rajgir ngày nay, vào thế kỷ Thứ V trước Tây Lịch. Một ngày ông đến thăm sức khỏe của Phật ba lần và ông rất lo lắng cho sức khỏe của Đức Phật. Ngay Đức Phật khi lâm bệnh cũng phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và có bác sĩ chăm sóc, huống gì đời thường, xác phàm như chúng ta. Một ngày đi bộ ba bốn chục cây số, tối về mệt mỏi, lăn ra ngủ như một xác chết, thời giờ đâu để ngồi Thiền để an trụ tâm và phát triển trí tuệ? Chọn con đường cực đoan thì nổi tiếng nhưng không đi tới đâu hết. Nếu nói về khổ hạnh thì không ai qua nổi đất nước Ân Độ với cả trăm loại khổ hạnh, thấy mà nổi da gà…nhưng có ai thành Phật đâu ngoại trừ Đức Thích Ca Mâu Ni đi theo Trung Đạo.

Trong Bát Chánh Đạo thì Phật tử và tu sĩ phải biết thế nào là Chánh Mệnh, tức yêu mến thân mệnh này, tránh xa hai cực đoan mê đắm nhục dục và hành xác. Không thể nào có được đầu óc minh mẫn trong một cơ thể bệnh tật, yếu đuối. Khi sắp chết, vì thân xác vô cùng yếu đuối cho nên con người lúc đó thường mê sảng và lú lẫn, nhiểu khi chỉ thều thào, nói không ra lời. Vậy thì Trung Đạo là con đường đúng đắn nhất. Hãy tin vào lời Đức Phật là bậc Toàn Thiện, Toàn Trí và Toàn Giác.

Bài viết này còn hết sức thô thiển, chỉ nói lên phần nào những điều kiện vật chất lẫn tinh thần và tu như thế nào trong nhiều đời, nhiều kiếp để thành Phật. Kính cẩn.

(Hình không rõ nguồn, ngày 15 tháng 5, 2024)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *