Bài TRẦN VĂN MÃNH
Tô Châu là tên của hai ngọn núi tuy không là cao nhất trong các ngọn núi thuộc vùng Hà Tiên, nhưng có vị trí đặc biệt nên thuận lợi về mặt du lịch. Một ngọn là Tiểu Tô Châu (cao 107 m), và ngọn kia là Đại Tô Châu (cao 178 m), hiện thuộc về phường Tô Châu, nằm ngay tại cửa ngõ đi vào Hà Tiên dọc theo quốc lộ 80, nếu tính từ Hà Tiên hướng về Rạch Giá thì xem như bắt đầu cây số 1.
Tiểu Tô Châu là ngọn núi quen thuộc, luôn ở trong tầm nhìn của người Hà Tiên từ sáng sớm đến chiều tối. Đại Tô Châu tuy cũng ló mình ẩn hiện phía sau Tiểu Tô Châu qua tầm mắt của người Hà Tiên, nhưng ngọn núi này vẫn còn giữ nhiều bí ẩn. Tiểu Tô Châu nổi tiếng hơn, được người Hà Tiên thăm viếng thường xuyên.
Trên sườn núi vào những năm 60-70 bắt đầu có một vài tịnh xá, cốc tu của các nhà tu theo môn phái Khất Sĩ ở phương xa tìm đến để thực hành phép tu, có lẽ các vị này cảm nhận được một nơi khá thanh tịnh, có chiều cao và cũng rất thuận tiện trong việc cung cấp nước uống và thức ăn… Còn nhớ trong những năm đó, mình và các bạn: anh Trần Văn Dõng, Nguyễn Đình Nguyên, Lê Công Hưởng, v.v. đã thường xuyên qua núi Tiểu Tô Châu chơi, leo lên núi để xem các cốc tu hoặc ngay cả “nói chuyện” trực tiếp với các vị sư tu trên núi. Có nhiều lần cả bọn đã leo lên tới tận đỉnh núi Tiểu Tô Châu, thời đó đã có nhiều con đường mòn dẫn từ phía dưới chân núi, lên đến vị trí mà nay là Tịnh Xá Ngọc Đăng, và tiếp tục có đường mòn để lần đi lên tới trên đỉnh núi.
Khi đó có nhiều vị sư tu theo phái Khất Sĩ trên núi Tiểu Tô Châu. Có hai vị được nhiều Phật tử biết đến là sư Yên và sư Từ. Sư Yên bắt đầu dựng cốc bằng lá dừa đơn sơ ở ngay vị trí tịnh xá Ngọc Đăng hiện nay. Cốc tu của sư Yên chỉ là một căn nhà lá rất nhỏ, hình hộp chữ nhựt theo chiều cao và có mái nhọn bằng lá. Bên trong chỉ có một sàn gỗ hình vuông nơi sư ngồi xếp bằng để vào thiền. Bên kế ngôi cốc ngồi thiền là một căn nhà lá nhỏ khác dùng để sinh hoạt hằng ngày và ăn uống.
Sư Yên còn rất trẻ tuổi, người rất thanh tao, trắng trẻo… Mình còn nhớ thời đó sư Yên thực hành phép “tịnh khẩu” tức là không nói ra lời, chỉ tiếp xúc nếu cần với các tín hữu bằng cách viết chữ ra giấy mà thôi. “Tịnh khẩu” là một phép tu rất thịnh hành vào thời đó, được các sư theo môn phái Khất Sĩ thực hành rất nhiều. Vị sư có thể nguyện sẽ “tịnh khẩu” trong một thời gian vài năm, thường là hai năm, sau đó làm lễ “xuất khẩu” và được phép nói chuyện bình thường.
Sở dĩ các vị sư “tịnh khẩu” là để tránh nói chuyện cho tâm được yên tĩnh, thần trí không bị chi phối nhiều trong đời sống tu hành. Mình còn nhớ rõ khi sư Yên hết hạn “tịnh khẩu,” bên cốc tu của sư, các tín đồ (đa số là người ở Hà Tiên, theo đạo Phật hay người tuy không có đạo nhưng rất kính trọng các sư ở núi Tô Châu) tổ chức một buổi lễ rất lớn. Mình có tham dự buổi lễ đó và được nghe sư Yên cất giọng lên tiếng đầu tiên vào một cái micro sau hai năm tịnh khẩu. Sư nói hai tiếng “Mô Phật,” và vì đã lâu ngày không nói, nên tiếng của sư rất nhỏ và hơi ngập ngừng.
Sư Từ tu trên đỉnh Tiểu Tô Châu, mình và các bạn cũng đã có nhiều lần leo lên tới cốc tu của sư Từ ở đỉnh núi. Sư Từ là vị sư rất lớn tuổi, thân hình cao lớn, có lẽ sư có sức khỏe rất tốt nên đã chọn tu trên đỉnh núi cao như vậy. Cốc tu của sư Từ hướng về phía núi Đại Tô Châu.
Thời đó mình thường lên núi Tiểu Tô Châu để du ngoạn và viếng sư là vì ngay trong nhà mình có hai Phật tử rất gắn bó với các vị sư tu theo phái Khất Sĩ. Đó là chế Thìn và hia Tư. [Chế tức là chị, và hia là anh]. Chế Thìn chính là người chị bạn dì với mình, chế tên thật là Lê Thị Phượng, ngày xưa ở gian nhà bên trái trong căn nhà ba gian của ông bà ngoại mình. Chế Thìn làm nghề thợ may y phục phụ nữ, hia Tư là chồng của chế Thìn, tên thật là Lý Văn Nhiên, ngày xưa hia cũng là một thợ may y phục đàn ông rất khéo và được nhiều người biết đến. Gia đình hia rất đông bà con gốc Tiều Châu (Triều Châu hay Teochew). Hai người kết thành vợ chồng và luôn theo con đường tu tập Phật pháp để cư xử cách sống ở đời.
Thời gian đó hia và chế vẫn hành nghề thợ may, nhưng cũng thường qua núi Tiểu Tô Châu làm công quả để giúp cho quý sư về các phương tiện hằng ngày như cất, lợp tịnh xá, mang thức ăn, thức uống lên núi tiếp cho quý sư. Sống trong một khung cảnh và chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục đạo đức và Phật pháp như vậy, cả các anh em trong nhà của mình đều thấm nhuần tư tưởng đạo pháp ngay từ nhỏ nên cũng thường tham gia vào các sinh hoạt cúng chùa, ăn chay theo các ngày chay tịnh trong tháng, và nhiều khi vào các tháng hè cả nhà lên chùa Phước Thiện để xắc thuốc, phơi thuốc làm công quả trong chùa Phước Thiện (chùa ở ngay đầu đường Chi Lăng và Bạch Đằng, kế nhà ông Ký Cụi).
Thời gian đầu hia Tư và chế Thìn thường nấu các món chay tại nhà rồi chờ quý sư bên núi Tô Châu đi “khất thực” ngang nhà để dâng các món ăn cúng dường. Quý sư Khất Sĩ thường thực hành phương pháp đi “khất thực” vào khoảng 10 giờ sáng cho đến trưa, quý sư đi theo hàng một, chậm rãi và trong im lặng, người mộ đạo hay tín đồ Phật giáo, chuẩn bị các món ăn chay, hoa quả đón sư đến và chấp tay bái sư rồi sư mở nắp bình bát ra và Phật tử để các món ăn, hoa quả vào trong bình bát để cúng dường. Dần dần Phật tử và người mộ đạo được nghe và biết có quý sư tu trên các tịnh xá bên núi Tiểu Tô Châu, nên hia Tư và chế Thìn cùng với các nhà buôn bán trong chợ Hà Tiên tổ chức cúng dường cho có quy củ hơn.
Lúc đó có thêm nhiều Phật tử ở chợ Hà Tiên tham gia vào, có bà chủ tiệm trồng răng Phục Hưng (má của bạn Tường, tên ở nhà là Sện), bác Tư má của bạn Lý Văn Tấn, những vị này rất mộ đạo, thường mua các món ở chợ mang đến nhà mình vào buổi sáng và nấu nướng thức ăn chay để chuẩn bị đem qua núi Tô Châu cúng dường quý sư.
Đặt biệt có một nhân vật giữ vai trò rất quan trọng trong việc mang thức ăn cúng dường sang núi Tô Châu, đó là ông Thiện Chơn. Ít người biết tên thật của ông là gì, chỉ biết ông đến Hà Tiên lập nghiệp, có một người vợ khá xinh đẹp bán bánh bao chỉ trong nhà lồng chợ Hà Tiên mỗi buổi trưa. (Ngày xưa mình rất thích ăn bánh bao chỉ, bánh không làm trước ở nhà và đem ra bán, chỉ khi nào có người mua, thì người bán bánh lấy một miếng bột đã chế tạo sẵn, nhồi tròn ra một tí rồi thêm vào nhân đậu xanh màu vàng ở giữa, thêm một muổng đường cát trắng, sau đó gói gọn miếng bột lại để thành một viên bánh tròn trịa, lăn viên bột này vào những miếng dừa được nạo ra từ trước, đó là bánh bao chỉ!).
Thời đó có tiếng đồn là ông Thiện Chơn vốn ngày xưa là hội viên trong Quốc Dân Đảng bên Trung Quốc, tung hoành ngang dọc, nên ngày nay ông muốn phục thiện, tự nguyện mỗi ngày tự ông hai tay xách hai giỏ thức ăn cúng dường nặng trĩu, đi chân đất không có mang giày dép gì cả, và ông mang hai giỏ thức ăn đó lên đến tận đỉnh núi Tô Châu để dâng thức ăn cho quý sư tu trên núi. Mình biết ông rất nhiều, ông nói được chút ít tiếng Việt, đầu cạo trọc, lúc nào cũng vui cười và rất tử tế.
Nhà của ông Thiện Chơn và người vợ bán bánh thời đó ở đường Cầu Câu khúc bên kia đường Lam Sơn, gần kế trường Tàu chùa Ông Bổn. Hai ông bà có một đứa con trai lúc đó khoảng 14, 15 tuổi, nhỏ con và rất sáng sủa, đẹp trai. Gần nhà ông Thiện Chơn là nhà của người bạn học cùng lớp với mình ở Trung Học Hà Tiên, đó là bạn Nguyễn Văn Tài, con của ông Tư bán kẹo kéo cho học sinh hằng ngày.
Trở lại chuyện tổ chức quy củ việc nấu nướng thức ăn chay để cúng dường cho quý sư tu trên núi Tiểu Tô Châu, thời đó có quy lệ là mỗi nhà Phật tử ở chợ Hà Tiên muốn cúng dường thì cho hia Tư và chế Thìn biết trước và phân chia mỗi ngày do một nhà đảm trách việc ra tiền chi phí mua thức ăn để đem lại nhà mình nấu nướng. Công việc đem thức ăn qua núi Tô Châu thì có ông Thiện Chơn đảm nhận.
Một thời gian sau, hia Tư và chế Thìn mua được một mảnh vườn nhỏ trên sườn núi Tiểu Tô Châu, ở khoảng giữa chiều cao khi đi từ chân núi lên vị trí tịnh xá Ngọc Đăng bây giờ. Tại mảnh đất này hia và chế cất một căn nhà nhỏ và xây dựng vườn trồng tiêu. Mình đã nhiều lần qua thăm hia chế tại căn nhà trên sườn núi Tiểu Tô Châu này, chung quanh vườn tiêu cũng có rất nhiều cây vú sữa cao lớn, rất sai trái.
Ngôi tịnh cốc xa xưa của sư Yên thời đó chính là tiền thân của tịnh xá Ngọc Đăng sau này. Sau khi sư Yên rời khỏi Hà Tiên (mình không nhớ rõ là trong thời gian nào và vì lý do gì), người ta đã cất lên một ngôi “tịnh xá” bằng gạch rất đồ sộ, có mái ngói hình rồng phượng, có tượng Phật, tượng Phật Bà Quan Âm,… và con đường đất từ dưới chân núi, kế bên cái giếng nước nhỏ, con đường đó đã được “xi măng hóa” và có xây từng bậc nấc thang bằng gạch vững chắc rất tiện cho người đi leo núi viếng tịnh xá… Rồi bên phía sườn núi nhìn về phía Đông Hồ, lúc đầu cũng chỉ là vài đơn cốc bằng lá nhỏ dành cho các vị sư nữ tu (lần đầu tiên mới có các vị ni trên núi Tô Châu chứ từ trước đến lúc đó chỉ có quý sư nam tu mà thôi).
Mình không có kỷ niệm nhiều về nhóm tịnh xá dành cho quý sư nữ bên này, chỉ biết là nơi đó cũng là tiền thân của “tịnh xá” Ngọc Tiên rất đồ sộ, quy mô, chiếm lĩnh một vùng đất to lớn trên mảnh sườn của núi Tiểu Tô Châu. Ngày nay hai tịnh xá Ngọc Đăng và Ngọc Tiên nổi bật trên sườn núi màu xanh thẩm của Tiểu Tô Châu, ở xa cũng thấy.
Còn nhớ ngày xưa mình và bạn Nguyễn Đình Nguyên thường hay leo lên núi Bình San, cũng ở Hà Tiên, đi lòn lỏi qua các vườn cây và các ngôi mộ, tìm tòi một cái gì đó có vẻ huyền bí, ẩn dật, vì thời đó vốn đã bị ảnh hưởng rất nặng của các tiểu thuyết kiếm hiệp, đánh chưởng nên muốn đi tìm một hang hóc sâu thẩm nào đó mà chắc chắn là nhân vật chánh của câu chuyện đã có từng bị đánh rơi xuống hang sâu đó và đã âm thầm luyện các môn chưởng hiểm hóc để sau này trở lại xuất hiện trên giang hồ…
Vậy mà mình và bạn Nguyên đã tình cờ tìm ra được một ngôi cốc tu rất nhỏ, nhà lá, ở phía sau tịnh xá Ngọc Hồ, không biết thời đó của vị sư khất sĩ nào tu ở đó, nhưng ngôi cốc quả thật có vẻ rất huyền bí, đầy thơ mộng và rất hợp với không khí tu hành… Mình và bạn Nguyên còn đọc được một bài thơ rất hay của vị sư tu ở đó viết trên một tờ giấy và treo trên tường lá của ngôi cốc, lúc đó mình và bạn Nguyên rất có ấn tượng về bài thơ, rất tiếc là ngày nay không thể nhớ ra các câu thơ, nội dung đại khái đầy vẻ thong dong, tĩnh mịch, tả ngôi cốc tu êm ả trên sườn núi, một nơi thật yên tĩnh dành cho các bậc chân tu thực hành đạo Pháp, mong đạt được phép nhiệm mầu của nhà Phật, một nơi ẩn lánh người đời, tránh xa nhân thế.
(Trích đoạn từ bài gốc ‘Núi Tô Châu qua các giai đoạn thời gian (Hà Tiên)’ được ông Trần Văn Mãnh ở Paris, Pháp đăng trên trang web “Blog Trung Học Hà Tiên Xưa” ngày 4 tháng 8, 2018.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Rất cám ơn ban biên tập của báo Tinh Tấn Magazine đã chấp nhận đăng phần chính của bài viết về núi Tô Châu, Hà Tiên. (Trần Văn Mãnh)