Danh Tăng và Cao Tăng

*Đọc 4 phút*

Bài THẦY SAKYA MINH-QUANG

Trong bao đời Tổ Sư, có những vị vừa là Cao Tăng vừa là Danh Tăng, công nghiệp vĩ đại, danh tiếng như tiếng sấm vang rền, được người đương thời hay lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có những vị Cao Tăng nhưng không phải Danh Tăng, nội tại thâm sâu và đạo hạnh vững chãi như ngọn núi lớn, nhưng lặng yên, âm thầm cống hiến cho đời, ít ai biết đến.

Cho nên, những bậc Cao Đức ngày xưa đã cân nhắc việc dùng từ Cao Tăng, tức những vị xuất gia phạm hạnh cao thượng, đáng được đời kính ngưỡng, thay vì Danh Tăng, tức những tu sĩ nổi tiếng! Ví dụ, trong tác phẩm Cao Tăng Truyện đời Lương, Pháp Sư Tuệ Hạo 慧皎 (497-554) viết: “Những tác phẩm [viết về Cao Tăng] đời trước, phần nhiều ghi là “Danh Tăng”. Nhưng “danh” là khách, [tức cái bên ngoài] của “thật”, [tức bản chất bên trong]. Nếu chân thật hành trì nhưng ẩn náu danh tiếng thì đó là “cao” mà không có “danh”. Còn như thiếu đức nhưng gặp thời, thì có “danh” nhưng chẳng phải “cao”!”

Hình minh họa Ngài Pháp Sư Tuệ Hạo 慧皎 (497-554) đăng trên trang baike.baidu.com

Cụ thể, Pháp Sư Tuệ Hạo không đồng ý với tựa đề Danh Tăng Truyện của ngài Bảo Xướng trước đó. Theo Tuệ Hạo, có những vị Cao Tăng nhưng không phải là Danh Tăng vì ẩn tu lánh đời, hay không chạy theo số đông quần chúng, hoặc thích thân cận quyền quý, nhờ vào thế lực thế tục. Những vị này đạm bạc danh lợi, chuyên tâm tu niệm, giới hạnh trang nghiêm, và có sự chứng ngộ sâu sắc.

Ngược lại, cũng có những vị Danh Tăng nhưng không phải là Cao Tăng. Những vị này tuy nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhưng lại không có thực tu, thực đức! Sở dĩ những vị này có danh tiếng vì nhiều lý do, chủ quan có, khách quan có. Nhưng có lẽ từ tổng quát và thích hợp nhất để diễn đạt những lý do này là “gặp thời”, như Pháp sư Tuệ Hạo đã dùng.

Quan điểm này của Pháp Sư Tuệ Hạo được những nhà viết sử đời sau thừa nhận. Ví dụ, đời Đường ngài Đạo Tuyên viết tác phẩm Tục Cao Tăng Truyện và đời Tống, ngài Tán Ninh viết Tống Cao Tăng Truyện đều dùng chữ “Cao Tăng” thay cho “Danh Tăng”.

Như vậy, có những vị là Danh Tăng nhưng không phải là Cao Tăng và cũng có những vị là Cao Tăng nhưng không phải Danh Tăng. Tuy nhiên, Danh Tăng và Cao Tăng không phải loại trừ nhau (exclusive), mà có thể bao hàm nhau (inclusive). Có nghĩa, có những vị vừa Cao Tăng mà cũng vừa là Danh Tăng. Trong lịch sử Phật giáo, ngoài những vị Thánh Tăng được ghi nhận trong kinh điển, còn có vô số vị vừa là Cao Tăng vừa là Danh Tăng đã được ghi nhận qua các thời đại và ở các quốc độ khác nhau.

Tuy nhiên, dù trên thực tế, có vị vừa là Danh Tăng vừa là Cao Tăng, nhưng để chọn một trong hai từ đó, thì Cao Tăng là xác đáng và thích hợp hơn. Vì sao? Vì khi một vị được mọi người biết và nhắc đến đã là Danh Tăng rồi; còn điều mà người viết muốn nói và người đọc quan tâm đó là một vị Cao Tăng, mà không phải là một người vì “gặp thời” mà có tiếng! Hơn nữa, người tu là người đạm bạc danh lợi, nhất là những bậc Cao Tăng. Cho nên, dùng từ Danh Tăng cho những bậc Đạo cao Đức trọng như vậy, có lẽ không thích hợp lắm!

Hiện nay, chúng ta có khuynh hướng dùng từ Danh Tăng thay vì Cao Tăng khi viết về những bậc Cao đức, có công với Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Danh Tăng chưa chắc đã là Cao Tăng. Cho nên, theo bút giả, đây là điều cần nên điều chỉnh lại. Nên chăng sửa lại là Cao Tăng Việt Nam thay vì Danh Tăng Việt Nam? Đây là việc ngày xưa Ngài Tuệ Hạo đã cải đổi, Ngài Đạo Tuyên, Tán Ninh và chư tôn đức khác đã tuân theo.

​Nhân đọc và dịch lại bài tựa của tác phẩm kinh điển Cao Tăng Truyện của Pháp Sư Tuệ Hạo đời Lương, nhận thấy trí tuệ và tầm nhìn sâu rộng của người xưa, nên bút giả ghi lại đây chỗ thấy của mình để chia sẻ cùng đại chúng xa gần.

​Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Viết tại Tu Viện Thiện Tường
Ngày 4 tháng 10, 2021


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *