Bài TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm” của riêng mình. Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn.
Vào cuối thế kỷ mười ba, thời nhà Trần, trong THIỀN MÔN VIÊT NAM xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là một thiền sư đắc đạo. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này.
Ông là người chăn giữ con trâu đầu tiên trong văn học Thiền Việt Nam. Ông đã chăn con trâu chính ông, mà ông đã phát hiện từ Qui Sơn Trung Quốc chòm xóm. Đây, thơ ông viết:
放牛
偶 向 溈 山 得 弟 鄰,
荒 蕪 甘 作 牧 牛 人。
國 王 德 澤 寬 如 海,
隨 分 些 些 水 草 春。
Phiên âm: Phóng ngưu
Ngẫu hướng Qui Sơn đắc đệ lân,
Hoang vu cam tác mục ngưu nhân;
Quốc vương đức trạch khoan như hải,
Tùy phận ta ta thủy thảo xuân.
Dịch thơ: Thả trâu
Chợt hướng Qui Sơn kiếm được nhà
Chăn trâu cam phận chốn đồng xa
Nhà vua ơn đức to như biển
Cỏ nước xuân sang đẹp phận ta.
(Tâm Minh dịch)
Theo dõi bước tiến tâm linh của Tuệ Trung Thượng Sĩ từ khi ông thấy con trâu của Đại An ở Qui Sơn rồi cũng từ đó ông cam phận làm kẻ chăn trâu cho chính mình, ông đã linh hoạt tự mình chuyển hóa hình ảnh biểu tượng con trâu ban đầu thành con trâu đất, con trâu bùn hay con trâu đá mang những phong thái đồng quê Việt Nam, con người Việt Nam. Ông luôn luôn chạy theo nó, luôn đóng vai là kẻ mục đồng. Ông đã diễn tả thành công tiến trình chăn trâu của mình qua bài thơ sống động sau:
守 泥 牛
一 身 獨 守 一 泥 牛,
騰 鼻 牽 來 未 肯 休。
將 到 曹 溪 都 放 下,
茫 茫 水 急 打 圓 球。
Phiên âm: Thủ nê ngưu
Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,
Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.
Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ,
Mang mang thủy cấp đả viên cầu.
Dịch thơ: Giữ con trâu đất
Giữ con trâu đất một mình
Liền tay xỏ mũi dắt nhanh trở về
Thả liền khi tới Tào Khê.
Nước mênh mông cuốn bọt đi lăn tròn.
(Tâm Minh dịch)
Con trâu đất của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã được điều phục, bằng cách xỏ mũi dắt về. Hình ảnh người chăn và con trâu đất từ đó không còn ngăn cách với nhau nữa mà đã trở thành “một”. Người ta cho rằng chính cái “một” này nó được thể hiện là “hai” trong câu: “Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ” (thả liền khi tới Tào Khê) và chính giây phút “đô phóng hạ” (thả liền) này là giây phút không nắm giữ, mà không còn nắm giữ thì có gì để buông ra đâu, do đó không buông thả. Thái độ “không giữ không buông” này quả thật là một thái độ “ung dung tự tại” vậy.
Khi con trâu đã hoàn toàn được thuần phục dưới sự điều phục của người chăn trâu, cả người chăn trâu và trâu không còn phân biệt người chăn và được chăn, ở đây đã có một sự hòa điệu. Và như thế, quá trình hàng phục trâu là quá trình hàng phục tìm lại chân tâm thường tịnh trong mỗi con người thường xuyên giáp mặt với những ham muốn của cuộc sống quá nhiều bụi trần đeo bám:
悼 先 師
一 曲 無 生 唱 了 時,
擔 橫 篳 栗 故 鄉 歸。
上 頭 打 過 胡 何 有,
一 箇 泥 牛 任 倒 騎。
Phiên âm: Điệu tiên sư
Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì,
Đảm hoành tất lật cố hương quy.
Thượng đầu đả quá hồ hà hữu,
Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ky.
Dịch thơ: Tiếc thương thầy xưa
Khi khúc vô sinh vừa hát xong
Cầm ngang ống sáo về làng thôn
Bỏ qua cái trước không chi cả
Cưỡi ngược trâu kia cứ mặc lòng.
(Tâm Minh dịch)
Thiền dạy rằng tự ngàn trước tới ngàn sau ta không thiếu gì hết, ta vốn luôn tròn đầy. Là một nhà thơ của Phật giáo Thiền tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ khuyên ta nên trở về tìm kiếm cái đẹp ngay bên trong, chứ đừng tìm bên ngoài. Đừng nương tựa vào người khác. Trong ta có một suối nguồn sâu thẳm, nếu ta biết khai phá một cách kiên trì, thì một lúc nào đó, hàng vạn đóa hoa xuân sẽ tưng bừng nở rộ lên bất tận. Thơ của ông đã nói lên điều đó:
示 學
學 者 紛 紛 不 奈 何,
徒 將 瓴 甋 苦 相 磨。
報 君 休 倚 他 門 戶,
一 點 春 光 處 處 花。
Phiên âm: Thị học
Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Dịch thơ: Chỉ cách học
Học rồi chẳng biết sao đây
Gạch mài gạch mãi công này uổng đi
Cửa nhà người ỷ làm chi
Ánh xuân một điểm hoa kia rợp trời.
(Tâm Minh dịch)
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, trong một bài thơ tương truyền là của thiền sư Hương Hải cũng đã đề cập đến việc đi tìm chân tính hay “bản lai diện mục” như đi tìm trâu. Bài thơ như sau:
Tầm ngưu tu phóng tích
Học đạo quí vô tâm
Tích tại, ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm.
Bốn câu thơ này nói rõ con đường để chúng ta tìm chân lý. Muốn tìm chân lý thì phải nương vào kinh điển giống như người chăn trâu tìm trâu, noi theo dấu thì sẽ gặp. Thơ được dịch là:
Tìm trâu cần phăng dấu
Học đạo cốt vô tâm
Dấu đâu thì trâu đó
Vô tâm đạo dễ tầm.
Tìm trâu cần phăng dấu, người chăn trâu tìm theo cái dấu trâu đi, nó đi hướng nào thì tìm theo hướng đó. Dấu đâu thì trâu đó, khi trâu đi lạc thì người chăn trâu thấy cái dấu đi hướng nào bèn nhắm theo hướng đó mà tìm trâu, nhất định sẽ gặp được trâu. Chữ “dấu trâu” ở đây là tượng trưng cho kinh điển Phật. Kinh điển Phật dạy chúng ta học là những dấu vết để tìm chân lý. Chân lý là dụ cho con trâu.
Còn học đạo thì quý ở chỗ vô tâm. Vô tâm thì đạo dễ tầm. Người tu chúng ta nương theo giáo lý để tu, mà tu đi đến chỗ vô tâm. Vô tâm ví dụ như thấy được con trâu, mà học đạo ví dụ như theo dấu. Nếu cái dấu nó còn, thì tự nhiên chúng ta biết rằng con trâu còn, theo hướng đó tìm tới nhất định sẽ gặp nó. Cũng vậy, người học đạo mà được vô tâm thì đạo hiện tiền khỏi cần cái gì hết. Bao nhiêu kinh, sách Phật dạy, đều cốt làm sao chúng ta tu dẹp bỏ hết những tâm điên đảo vọng tưởng. Điên đảo vọng tưởng hết gọi là vô tâm, mà vô tâm thì thấy đạo.
Kết luận lại ta thấy hình ảnh con trâu quả thật hiện rõ nét trong Phật pháp và trong nhà Thiền. Còn chuyện chăn dắt con trâu thì rất nhiều. Tùy từng người chăn mà hình thức chăn dắt lại khác nhau đôi chút, nhưng đích đến của những con trâu ấy thì chỉ có một, đó là đưa trở về lại bản thể vô nhiễm, vô sinh, tức cái gốc ban sơ của nó.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.