Yến

*Đọc 13 phút*

Truyện TIỂU LỤC THẦN PHONG

Thế là được ba năm theo nghề, An bây giờ đã là một thợ leo giỏi có tiếng của công ty. Ngày mới vào nghề, ai cũng cười An, chê nó không thể leo được. Anh Bàn, người giới thiệu dẫn dắt nó vào nghề nhiều lúc cũng gắt, “Mầy nhát hít, làm sao làm được đây?”

Chú Bội an ủi, “Từ từ sẽ dạn thôi, khi xưa chú mới vào nghề cũng vậy!”

Mấy tháng đầu người ta cho nó theo làm phụ những việc vặt vãnh, tập leo dưới thấp, nhớ lần đầu leo lên giàn. An run cầm cập, những cây tre trông nhỏ bé và mong manh quá, sóng dưới chân vỗ ì oạp, vách đá chỗ thì nham nhở, chỗ thì trơn trượt, từ trên giàn nhìn xuống muốn chóng mặt. Nhưng vào nghề rồi thì phải chịu, mỗi ngày leo cao hơn chút nữa, có không ít lần An muốn bỏ cuộc, nhìn vách đá thấy ớn lạnh sống lưng, gió rít rần rật, sóng biển ầm ầm vậy mà mồ hôi mặt chảy xuống môi mằn mặn. An cũng chẳng còn tâm trí nào để phân biệt cái mặn do hơi nước biển đọng lại hay do mồ hôi. Tập riết rồi quen, ngày An gỡ được ba mươi tổ yến đầu tiên, anh Bàn mừng lắm, coi như đã thạo nghề. Nhóm thợ đi chung vỗ vai An chúc mừng, “Chú em khá lắm.”

Thời gian vẫn vô tình trôi qua, con nước cứ đầy rồi vơi, hết mùa gió chướng thì xuân lại về. Đàn yến bắt đầu làm tổ để chuẩn bị đẻ trứng. Những người thợ lại dong thuyền ra hang lầy tổ yến về cho công ty. Yến bay rợp trời, trông nhỏ xíu vậy nhưng sức dẻo dai khó có ai bì kịp, mỗi ngày nó bay cả trăm dặm để kiếm thức ăn. Sự kiên nhẫn của yến cũng không ai sánh bằng, không từ ngữ nào mô tả trọn vẹn. Yến khạc nước dãi từ trong thân của mình để trét thành tổ, An và những người thợ leo gỡ lấy tổ của nó. Nó lại kiên nhẫn vắt kiệt nước trong thân để làm tổ lần thứ hai, rồi cũng bị con người cướp đi. Lần thứ ba thì nước trong người nó không còn đủ, nó phải khạc cả máu để làm tổ, những cái tổ lần thứ ba này có những sợi màu đỏ của máu nên gọi là huyết yến. Con người ta quý lắm, giá mắc kinh khủng, Người ta cho huyết yến là cực kỳ bổ dưỡng và sung sức. An và những người thợ lấy tổ yến đem về cho công ty, người ta sơ chế rồi đóng hộp để bán cho giới nhà giàu và phần nhiều là để xuất khẩu. Tổ yến là một trong những món ngon bổ dưỡng hàng đầu, là món mà những người nhiều tiền ưu tiên chọn, bọn họ dùng yến bồi bổ thân để hưởng thụ lạc thú cuộc đời. Nếu ngày xưa chỉ có vua và hoàng gia mới được dùng, bây giờ thì giới quan gia, đại gia nhiều tiền lắm của xài thoải mái

Tổ yến đầu tiên mà An gỡ khỏi vách đá là yến loại hai, trong tổ còn có hai con chim non đang há mỏ chờ mẹ mớn mồi. An lúng túng không biết đặt hai con chim non kia vào đâu để gỡ tổ. An đeo mình trên giàn tre, bám sát vách đá, bên dưới sóng biển vỗ ào ạt, vực sâu thăm thẳm, trên đầu bầy yến bay loạn xạ. Yến thấy những người thợ leo lên vách đá cướp tổ của nó, chúng nó bay lượn quanh những người thợ, kêu rít rít liên hồi, cái âm thanh nhỏ nhưng cộng hưởng của cả chục ngàn con và hồi hưởng của vách đá làm cho âm thanh ấy như mũi dùi xoáy vào tai. Cái âm thanh của sự tuyệt vọng, sự cầu cứu mà những con yến bé nhỏ hiền lành đành chịu bất lực, chỉ còn biết cất tiếng kêu bi thương.

Trong khoảng khắc cực kỳ ngắn, An nhớ lời những người thợ lành nghề truyền dạy, “Cứ vứt trứng và chim non để lấy tổ.” Với trứng chin thì An vứt mà không có bất cứ vấn vương gì, nhưng đây là hai con chim non, nó đang chờ mẹ nó mớm mồi, nó hiền lành và vô tội, nỡ nào ném xuống biển? Lòng An thấy bất nhẫn không đành, An đu mình lòn qua mấy cây sào tre tìm đến những cái tổ khác, càng leo cao, lòng hang càng hẹp và tối dần, mức độ nguy hiểm cũng tăng theo độ cheo leo, được cái lên cao thì tổ yến mới nhiều, những ngóc ngách nguy hiểm thì tổ yến dày đặc, những cái tổ trắng trắng xinh xinh như bàn tay, như miếng bánh hỏi. An với tay tới một tổ yến trước mặt, lại đụng phải chim non, rướn thêm tí thì thấy rõ hai con chim con còn chưa mở mắt, nằm gọn trong cái tổ xinh xinh. Anh rụt tay lại, cứ như thế suốt cả buổi, tổ nào cũng có chim non. Đến buổi nghỉ để ăn, An đếm số tổ lấy được quá ít.

Anh Bàn la lối, “Làm ăn như vậy thì tiêu tùng! Có nhiêu đó sao đủ sở hụi chi tiêu trong ngày, còn nói chi đến vợ và con ở nhà trông đợi!”

Anh Bàn vào nghề đã lâu, anh thấu hiểu vì sao An chỉ lấy được nhiêu đó. Anh cũng đã trải qua những giây phút ban đầu khi gỡ tổ yến gặp chim non, cũng ngần ngại, cũng dằn vặt không nỡ ném, rồi một lần nhắm mắt tặc lưỡi ném, cứ thế làm tới nên cảm giác chai sạn dần, lâu riết chẳng còn xúc cảm nữa, cứ gặp là ném thôi, giờ thì anh cũng như những người thợ khác, cứ ném chúng như ném hòn sỏi xuống biển.

Anh tâm sự, “Cũng vì cơm áo gạo tiền nên phải làm thế thôi, mình không cố ý hại nó, nhưng không làm thì vợ con sống sao đây?”

Chú Bội rít một hơi thuốc lá rồi ném tàn thuốc xuống biển, chú lại hớp một chút nước mắm nhĩ để giữ ấm thân. Chú là người có thâm niên lâu nhất trong nhóm thợ, nhiều anh em được chú dạy cho cách dựng giàn tre, cách leo và cả cách đối phó với những con rắn biển khi gỡ tổ yến gặp phải. Chú Bội khô đét, đen nhẻm, cái khô rắn rỏi của dân biển, cái thân thể ấy được trui rèn qua nước mặn, gió biển và sự leo trèo bao nhiêu năm nay.

Chú bảo An, “Trước khi ra hang đã cúng tổ rồi, mình làm nghề này thì phải vậy thôi, mình không cố ý hại chúng nhưng mình và người nhà cần phải sống!”

An ngồi lặng lẽ không nói lời nào, nó co ro mắt nhìn đăm đăm ra biển. Nó vốn không nghề nghiệp gì, lông bông riết vừa chán đời vừa không có tiền chi tiêu. Anh Bàn là anh họ của nó, xin cho nó vào công ty để đi lấy tổ yến, từ ngày vào nghề, vừa có tiền cho vợ con vừa bớt phải nhậu triền miên. An thấy vui hẳn lên, cái vui chưa được bao lâu thì nó phải đối mặt với sự nghiệt ngã của nghề này. Bản tâm nó còn trong sáng và hiền thiện, nó không nỡ quăng chim non xuống biển. Ngày trước khi chưa vào nghề, trong những cuộc nhậu nó vẫn thường nghe người ta kháo nhau về cái chuyện lấy tổ yến quăng chim non. Bạn nhậu nhiều người cho là ác, thất đức, nào ngờ bây giờ nó lại ở vào hoàn cảnh oái ăm này.

An suy nghĩ mông lung về những tổ yến với chim non, về những người thợ làm chung như anh Bàn, chú Bội, rồi còn vợ con nó đang ở nhà trông ngóng… Không biết định mệnh thế nào mà người vợ yêu thương của nó lại mang tên của loài chim nhỏ bé hiền lành kia. Nó đang tham gia phá tổ của loài chim mang tên vợ nó, vợ An không đẹp nhưng được cái hiền và thủy chung, lại chu đáo trong ngoài, những ngày An chưa có việc làm, vợ nó vẫn bươn chải lo ba bữa cơm cho cả nhà, nhiều lần nó nhậu say về quậy phá nhà cửa nhưng vợ nó vẫn nhẫn nại chịu đựng. Thế rồi đứa con ra đời, túng thiếu lại càng thêm ngặt hơn, từ ngày vào công ty đi lấy tổ yến, nó có tiền để vợ con chi tiêu, lòng nó vui và trở nên nhẹ nhõm làm sao.

Lúc mới vào làm, lương bổng chẳng bao nhiêu, vì người ta trả lương theo sản phẩm, dần dà thạo việc nên lương cũng tăng lên, tuy chẳng thể gọi là dư dả nhưng tạm đủ trang trải cho vợ con, ngoài ra cũng có dư chút đỉnh để dành phòng khi đau yếu, những tưởng suôn sẻ xuôi chèo mát mái. Bây giờ An đối diện với việc ném chin non xuống biển, lòng An thật bất an, không ném chim non thì không có sản phẩm, bỏ việc này thì biết làm gì bây giờ? rồi vợ con và cuộc sống ra sao? Cả trăm mối ngổn ngang.

Giờ lên giàn lại đến, anh Bàn vỗ vai An, “Đành vậy thôi, bằng không thì vợ con sẽ ra sao? Chim cũng chỉ là loài vật, người ăn súc sinh chim muông là chuyện thường tình!”

 An không ừ hữ chi, uể oải đứng dậy đi theo anh Bàn, thật tình An chẳng thấy mình có đồng ý hay không đồng ý lời anh Bàn vừa nói. An biết việc người ăn súc sinh là thường, nhưng ném chim non xuống biển lại là việc khác. Leo lên giàn mà lòng An trống trải lạ thường, tâm tư dường như lúc này ở đâu đâu, xa xa bên kia vách đá là chú Bội, còn anh Bàn thì gần như chạm trần hang. Hàng vạn con yến bay loạn xà ngầu, tiếng kêu lích rích va vách đá dội lại nghe nhức cả tai. Cái sóng âm của kẻ thấy hiểm nguy, tiếng kêu của kẻ biết sắp mất tổ, mất con xoáy vào trong tâm những con người khốn khổ kia. Họ cũng đang kiếm cơm cho vợ con họ, họ cũng lo cho tổ ấm của họ, biết làm sao bây giờ, cuộc chơi nghiệt ngã của dòng đời!

Một tổ chim yến hay én. (Photo: Rick Kimpel / Nature in Navato)

Sóng biển ào ạt nhưng không át nổi sóng âm rít rít của loài chim yến. An vói tay gỡ cái tổ bên phải, vì xa quá và chất nhờn gắn chặt nên cái tổ rách ra, mấy cái trứng rơi xuống như hạt bụi, trứng chim quá nhỏ mà không gian bao la nên mấy cái trứng rơi xuống là mất hút ngay. An gỡ tiếp một cái tổ trên đầu, hai con chim non rơi xuống, tiếng kêu chíp chíp vừa lọt tai là cái thân chim mất hút không còn thấy đâu cả, tiếng kêu cũng bị gió bạt đi. An cắn răng làm tới, những cái trứng và những con chim non cứ thế rơi xuống biển, không còn suy nghĩ gì nữa, An cứ gỡ tổ yến như một người máy. Lòng nó khép lại để khỏi phải phân tâm, thả những con chim nhỏ xuống biển mà lòng trống không, đơn giản chỉ là cái tay làm mà thôi, mắt không còn nhìn theo cái cục thịt bé tí hon rơi như lần đầu nữa.

Mắt An giờ đang bận soi bói tìm kiếm những tổ yến khác trong những kẹt đá, những lỗ hổng hay ẩn sau lớp vách lởm chởm. An leo lên một cái ngách khác, ở đó có vô số tổ yến ken trắng vách. Những con chim yến thấy người vụt bay ra ào ạt, cũng có những con ở xa hơn một chút thì bám vách đá nghiêng nghiêng đầu thám thính. An thấy rõ nhiều con khác vẫn miệt mài quệt nước dãi làm tổ, vệt nước dãi sền sệt từ miệng chúng chảy xuống và quyện vào cái tổ còn dở dang. An trườn người tới, gỡ thêm khá nhiều tổ yến, có tổ còn hơi âm ấm của thân chim, của chất nhờn chưa kịp khô. Cái túi An đeo cũng gần đầy, An nhủ lòng gỡ thêm tí nữa sẽ xuống.

An đu mình leo lên chừng hai mét nữa, những tổ yến như bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo của cô gái, một cái tổ khá to so với những tổ chung quanh, An nhìn thấy hai cái mỏ nhỏ xíu đang há to, kêu chíp chíp, bỗng hai con chim trống và mái, có lẽ bố mẹ chúng, bay vụt qua mặt An, chúng nó cứ bay xà quần quanh An, vừa bay vừa kêu rin rít. Anh không hiểu là chúng tấn công mình hay chúng van xin mà tiếng kêu thảm thiết quá. An, một tay bám chặt ngách đá, một tay vung xua đuổi chim, hai con chim kia dường như quyết liệt bảo vệ tổ và chim con. An cũng quyết lấy tổ để lo cho tổ ấm của mình, cả hai cùng quyết liệt nhưng cái quyết liệt của chim sao bằng được cái quyết liệt của người.

An cheo leo trên vách đá, trông vô cùng nhỏ bé, nhìn từ xa thì An cũng không khác cái tổ yến dính trên vách đá kia. So với An thì con chim kia còn nhỏ biết là bao giữa cái không gian mênh mông này. Nó đã nhỏ máu để làm tổ, nó đã bay hàng trăm dặm để kiếm mồi nuôi con, nó đã mang nặng và đẻ đau nhưng muôn loài khác, sức nó chưa kiệt nhưng tánh linh nó đau đớn đến cùng cực. Khi An ném hai con chim con của nó xuống biển và gỡ cái tổ bỏ vào túi thì cũng là lúc An nghe tiếng rít chít chít bén như dao xoáy bên tai. Hai con chim cả trống và mái lao thẳng vào vách đá như mũi tên bắn, hai cái xác lập tức rơi xuống biển, một vài cọng lông chim phất phơ theo gió giữa hư không. Vách đá xám xịt in một vệt máu tí xíu.

An há hốc kinh ngạc trước sự việc diễn ra quá nhanh và khốc liệt, trong khoảng khắc vô tình, An buông tay bụm miệng thì cả thân thể An rơi theo hai con chim kia. Thân chưa chạm đáy hang hay sóng nước, thân An còn lơ lửng giữa không trung. An như ngủ mê, thấy thằng cu tí đang há miệng chờ mẹ nó đút cơm, thằng cu tí háu ăn, cơm đút không kịp nó la hét ầm ĩ, tiếng hét tắt lịm khi An chạm tảng đá đáy hang. Những tiếng hét khác của chú Bội, anh Bàn và những người thợ khác đồng loạt vang lên, tiếng hét cộng hưởng từ vách đá của hang dội lại như kéo dài ra trước khi tan loãng vào hư không.

Cuối năm ấy yến sào hút hàng, có bao nhiêu cũng không đủ bán, giá lại cao ngất ngưỡng, một ký lô lên đến bốn ngàn đô la Mỹ, đó là loại hạng hai, loại huyết yến thì phải đến năm ngàn hoặc hơn nữa. Nhà hàng Đại Phúc Trung là một mối làm ăn quan trọng của công ty, có bao nhiêu họ thầu hết, với hệ thống chân rết của mình, Đại Phúc Trung không chỉ dùng yến để phục vụ thực khách lắm tiền của trong nước mà còn để xuất khẩu qua Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Canada. Những nhà hàng thường bậc trung và giới bình dân khó mà với tới những món hàng đắt tiền này.

Nhà hàng Đại Phúc Trung, ngoài những món có tiếng xưa nay như: Nhân sâm bát bửu, hùng chưởng, tinh tượng, pín cọp… thì món huyết yến chưng đông trùng hạ thảo là một bí quyết ẩm thực riêng biệt. Dân chơi đồn đại món ấy cực bổ dưỡng, người suy kiệt chỉ cần hai chén là phục hồi, khách huê tình ăn chơi trác táng nhất định phải dùng món này mới trụ được dài lâu. Một chén huyết yến với đông trùng hạ thảo có thể giúp khách làng chơi hành lạc cả đêm mà không mệt mỏi.

Huyết yến chưng của Đại Phúc Trung còn được đồn đại là làm cho cơ thể tươi nhuận trẻ trung, da dẻ hồng hào, xanh tóc sáng mắt, sống thọ dài lâu… Bởi vậy, thực khách không chỉ là quý ông mà còn là quý bà nhiều tiền lắm của, những phu nhân của quan gia, nữ đại gia đều là thực khách thường xuyên của Đại Phúc Trung. Giá của một chén huyết yến có thể lên đến hai trăm đô, tùy theo những món chưng kèm theo.

Ngày tất niên đến, Trần Nhất Thế, một ông trùm của thành đô vừa là cổ đông chính của nhà hàng, tổ chức tiệc chiêu đãi quan gia và những mối lái làm ăn ở Đại Phúc Trung, những món sơn hào hải vị đã quá tầm thường với bọn họ. Nhà hàng bày chế ra món mới đặc trưng chưa có nhà hàng nào ở thành phố này nấu được, đó là món huyết yến chưng bạch noãn đồng trinh. Món này chỉ phục vụ cho một nhóm thực khách đặc biệt mà thôi. Những lời ca tụng cho sự bổ dưỡng và sung sức của món này thì khỏi phải nói, có thể coi như thuốc tiên, đẹp da, sung mãn, trường thọ…Thực khách đủ điều kiện để nếm thử món này không nhiều, nhất định phải là những người ngoài tiền bạc, thế lực còn phải là quen biết thâm sâu với Đại Phúc Trung mới có cơ hội nếm qua.

Khách của buổi tiệc toàn những tay có máu mặt như Lê Kim Ngân, một tay bán trời không văn tự, hàng hoá muốn xuất nhập đều phải qua tay y. Nguyễn Công Vụ, một ông trùm kinh tài, của chìm của nổi của các quan gia không thể thiếu sự tiếp sức của y. Lý Thừa Lệnh, ông trùm của những phi vụ giàn xếp, những rắc rối từ pháp luật cho đến xã hội đen, nếu không có y thì không thể yên…Đàn em xã hội đen của nhà hàng cùng với mật vụ của các quan bố trí mấy vòng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc vui của các đại ca và quan gia. Với thế lực và tiền bạc của họ, những món ăn dầu cầu kỳ và đắt nhất thiên hạ, những trò chơi thác loạn đến loài vật cũng không thể bằng đều có cả trong đêm nay. Giang hồ đồn rằng, bọn nhà giàu Âu – Mỹ tuy giàu hơn nhưng không thể sướng bằng bọn quan gia và đại gia trong nhà hàng Đại Phúc Trung này.

Sau bữa tiệc ấy, ngày kế tin tức nóng hổi từ báo chí đăng một cái tin ngắn gọn: “Ông Lê Kim Ngân bị chết vì té lầu hôm tiệc tất niên.” Ngoài ra không có bất cứ bình luận hay thông tin nào khác. Thiên hạ xì xầm đoán già đoán non nguyên nhân chết, nào là say rượu bất cẩn, thủ tiêu diệt khẩu, tranh ghế hạ độc thủ, nhóm đối đầu nhanh tay hơn… dù xôn xao vậy nhưng gia đình và cơ quan chủ quản vẫn giữ im lặng theo đúng câu ngạn ngữ “thủ khẩu như bình.”

Chuyện ông trùm Ngân chưa yên thì dân mạng lại dậy sóng vì cái tin ông Nguyễn Nhất Thế bị bệnh lạ. Người ta bảo sau bữa tiệc huyết yến chưng bạch noãn đồng trinh ấy, ông Thế tự dưng da thịt trương phù và nhiều vết nứt rỉ ra những tia máu, trông giống như những sợi huyết trên tổ huyết yến, hai tay và chân thì quắp lại như đôi cánh yến gãy nhưng có kẻ lại bảo giống hình dạng bào thai trong bụng mẹ. Có vô số bình luận trên mạng, nhiều người ra vẻ rành đông y bảo, “Huyết yến đã bổ, lại chưng với bạch noãn đồng trinh nên chất bổ bộc phát mạnh, làm cho những mạch máu xung huyết nên vỡ, vả lại nhiều chất khác xung khắc nhau cùng nạp vào cơ thể cùng lúc nên kỵ nhau.”

Tất nhiên cũng có không ít những ý kiến thiên về tâm linh tỷ như báo oán của nhau thai. Có người khẳng định, “Những con yến non chết oan và những con chim yến mất tổ, mất con đã báo oán.”

Ngoài ra còn có vụ ông trùm giàn xếp họ Lý bị ngã ngựa phải xộ khám, gia đình phải bồi hoàn hàng triệu Mỹ kim… Thiên hạ hả hê, dân mạng khen chê không tiếc lời, giữa một rừng tin tốt có, xấu có, giả có, thiệt có, đúng có, sai có… nhưng chuyện mấy ông trùm sau bữa tiệc huyết yến tưởng chừng như nhất thiên hạ kia lại hóa ra là tiệc họa.

Mùa xuân rồi lại đến, đất trời như tươi mới hơn, muôn hoa đâm chồi nảy lộc. Chị Yến dắt cu tí ra nghĩa địa bên chân núi giáp biển để tảo mộ cho anh An. Chị chú tâm đốt hương khấn vái rì rầm, cầu anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho cu Tí. Cu Tí thì chạy lúp xúp dọc mép biển rượt đuổi những con hải âu. Từng bầy chim yến bay rợp cả khoảng trời, bay xập xoè trên mặt biển, cánh yến chao lượn giữa muôn trùng nước non, chúng lại tìm về hang cũ miệt mài nhỏ dãi xây tổ.

(Ất Lăng thành, 12/2020)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *