Tìm hiểu thơ Thiền Nhật Bản

*Đọc 16 phút*

Bài HOANG PHONG

Tranh lụa Hashimoto Gaho (1835-1906)

Thơ thiền Nhật bản là cả một thế giới thi ca độc đáo, tiêu biểu cho tư tưởng và chủ trương tu tập của thiền học Zen, nhất là qua một thể thơ cực ngắn gọi là haiku. Điểm đáng lưu ý và cần nêu lên trước nhất là thơ thiền Nhật bản khác hẳn với thơ Đường của Trung quốc. Một số học giả, kể cả các học giả Tây phương, dường như đôi khi không nhận thấy được sự khác biệt này khi mang ra phân tích và tìm hiểu tinh thần Phật giáo chung cho cả hai thế giới thi ca trên đây.

Dưới một góc nhìn mở rộng hơn thì giữa thiền học Chan/T’chan của Trung quốc và thiền học Zen của Nhật bản không khác biệt nhau nhiều trên phương diện căn bản, thế nhưng về mặt thực hành thì cả hai trường phái thi ca Trung quốc và Nhật bản đều mang nặng ảnh hưởng cá tính, văn hóa, phong tục của mỗi dân tộc. Trong bài viết ngắn này, chúng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề rộng lớn trên đây mà chỉ đơn giản tìm hiểu các nét độc đáo và tiêu biểu trong thơ thiền Nhật bản, nhất là đối với thể thơ haiku, với hy vọng giúp chúng ta khám phá bầu không gian êm ả, nhẹ nhàng và thanh thoát bên trong tâm hồn của các thi nhân và thiền sư Nhật bản.

Mặc dù thiền Zen là một sự thừa hưởng từ thiền Chan của Trung quốc, thế nhưng sau khi được đưa vào Nhật bản thì thiền Chan đã khoác lên mình một chiếc áo mới và tạo ra trong tâm hồn mình những xúc cảm mới để trở thành thiền Zen. Các nguyên nhân đưa đến sự biến dạng này, ngoài sự thích ứng với tánh khí, phong tục, văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Nhật còn phải kể đến các yếu tố xã hội, lịch sử và khung cảnh thiên nhiên của nước Nhật. Trong lãnh vực thi ca cũng vậy, Đường thi của Trung quốc và thơ thiền Nhật bản là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Thơ Đường phát triển và đạt đến độ tột đỉnh vào các thế kỷ thứ VII đến thứ IX trong thời vàng son của nền văn minh Trung quốc, và thời kỳ này cũng được đánh dấu bởi sự xuất hiện của một nhà sư khác thường là Huyền Trang (602-664). Mặc dù chịu ảnh hưởng khá rõ rệt giáo lý Phật giáo, thế nhưng Đường thi vẫn còn mang nặng tư tưởng triết học Lão giáo, nhất là chủ trương “vô vi” của Lão Tử. Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu các ảnh hưởng Lão giáo trong bài thơ Trúc Ly Quán dưới đây của Vương Duy (Wang Wei, 701-761) và sau đó sẽ đối chiếu với những bài thơ của các thiền sư Nhật bản.

竹 里 館
獨 坐 幽 篁 裡
彈 琴 復 長 嘯
深 林 人 不 知
明 月 來 相 照

Trúc ly quán
Độc tọa u hoàng lý,
Đàn cầm phục trường khiếu.
Thâm lâm nhân bất tri.
Minh nguyệt lai tương chiếu.

Rặng trúc tại quê nhà
Ngồi một mình trong bóng tối bên khóm trúc
Khẩy đàn và hát mãi.
Nơi chốn rừng sâu nào ai biết.
Trăng sáng cùng ta chiếu vào nhau.

Tựa bài thơ khá cô đọng chỉ gồm ba chữ 里 館 / Trúc Ly Quán, do đó dễ gây ra hiểu lầm, Chữ ly () trong tựa bài thơ và chữ () ở cuối câu một là cùng một chữ – giản thể và phồn thể – và mang cùng một nghĩa là nơi chốn, nhưng cũng có nghĩa là quê hương, quê nhà. Chữ quán () trong tựa bài thơ có nghĩa là nhà, chỗ ở, nơi trú ngụ hay quán trọ, thế nhưng cũng có nghĩa là quê quán, làng mạc, quê hương. Trong trường hợp của bài thơ trên đây, thiết nghĩ chứ quán có nghĩa là quê quán thì đúng hơn là quán ăn hay quán trọ. Tóm lại có thể hiểu tựa của bài thơ là “Khóm trúc hay Rặng trúc nơi quê nhà”, nhưng tuyệt nhiên không có nghĩa là một “Cái quán mang tên là Trúc Ly”. Nội dung của bài thơ mô tả một thi nhân ngồi đàn và hát trong bóng tối của một bụi trúc hay bụi tre trong một khu rừng hoang vắng, nhưng không phải là ở trong hay bên cạnh một nhà trọ, một quán ăn hay quán nước nào cả. Mạn phép dài dòng là vì các bản dịch tiếng Việt, kể cả một số bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp được tham khảo, dường như hầu hết đều hiểu sai về cái tựa của bài thơ này. Hai chữ trúc ly không có nghĩa gì cả, chữ ly hay là một giới từ chỉ nơi chốn đi đôi và xác định chữ quánquê nhà.

Ngoài ra trong câu thứ nhất, chữ hoàng (篁) có nghĩa là bụi tre, khóm tre hay rặng tre; và hai chữ hoàng lý (篁裡, chốn rừng tre) trong văn chương và hội họa Trung quốc còn mang thêm một ý nghĩa mở rộng hay nghĩa bóng, nói lên một nơi tĩnh mịch và hoang vắng. Hơn nữa trong câu thứ nhất cũng còn có một chữ khác rất quan trọng là chữ u (館), có nghĩa là bóng tối, nơi u tối, tiếc thay trong số các bản dịch tham khảo – bằng tiếng Việt và cả các tiếng Tây phương – dường như các dịch giả không quan tâm đúng mức vì không thấy nói đến trong các bản dịch, thế nhưng vai trò của chữ này lại rất quan trọng, làm nổi bật ý nghĩa của câu kết: ánh trăng sáng rọi vào thi nhân đang ngồi đàn trong bóng tối của rặng trúc. Bóng trăng khám phá ra thi nhân trong bóng tối, thi nhân từ bóng tối trông thấy lý tưởng của mình qua ánh trăng vằng vặc. Ánh trăng sáng chiếu vào thi nhân trong bóng tối, thi nhân dạo đàn và hát cho bóng trăng nghe. Sự trao đổi giữa “đôi bạn” tri âm và tri kỷ trong cảnh u tịch nơi quê nhà là nội dung của bài thơ, nói lên một sự nuối tiếc nào đó của tác giả, nay đang phải sống trong cảnh mũ áo xênh xang nơi chốn triều đình.

Vậy, xin tạm dịch bài thơ của Vương Duy như sau:

Rặng trúc nơi quê nhà
Bóng tối riêng ta bên khóm trúc,
Hát vang khẩy mãi chiếc đàn cầm.
Heo hút rừng sâu nào ai biết?
Một bóng trăng lên ta với trăng.

Tre, vô danh, thời đại nhà Minh hay nhà Thanh, trường phái Su Shi (蘇軾, Tô Thức, 1037-1101, còn gọi là Su Dong-po / 蘇東坡 / Tô Đông Pha). Metropolitan Museum of art, New York.

Vương Duy là một vị quan tại triều đình nhà Đường, vừa là thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ nhưng cũng là một người tu thiền, vào cuối đời đã hoàn toàn rút lui khỏi thế giới bon chen và phồn hoa của thế tục. Tuy là một người Phật giáo trung kiên, thế nhưng thơ của ông, ít nhất là bài thơ trên đây, lại thấm đượm thật rõ nét chủ trương thoát tục và vô vi của Lão giáo.

Đến đây chúng ta lại chuyển sang tìm hiểu một bài thơ của vị thiền sư Nhật Bản Eihei Dogen (Đạo Nguyên, 1200-1253):

Tiếng mưa rơi

鏡清雨滴声
また心なき
身にしあれば
おのれなりけり
軒の玉水

Kiku mama ni
mata kokoro naki
mi ni shi areba
onore nari keri
noki no tamamizu

Just hearing
without extra mind [that grasps them]
the jewel-like raindrops
dripping from the eaves
are myself.

                        Tạm chuyển ngữ dựa vào bản dịch tiếng Anh trên đây:

Lắng nghe,
Với tâm thức buông thả [nhẹ nhàng, không bám víu]
Các hạt mưa tương tư như các viên ngọc,
Rơi trên mái hiên ngoài,
Bỗng hóa thành chính ta.

Bóng trăng và Vương Duy là hai “người bạn” tâm giao trong cảnh u tịch, thế nhưng Đạo Nguyên và hạt mưa trên mái am chỉ là một: Đạo Nguyên là hạt mưa đang rơi, hạt mưa trên mái là Đạo Nguyên, cả hai hóa thành một viên ngọc. Đó là sự khác biệt giữa một bên là một thi nhân tìm thấy lý tưởng của mình nơi bóng trăng trong một khu rừng vắng và một bên là một thiền sư hòa mình một cách hài hòa với vũ trụ qua từng giọt mưa trên mái am.

Đến đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu thêm một bài thơ khác của thiền sư Đạo Nguyên:

Một cánh hạc [lưng trời],
Dù tung cánh đến nơi nào, hay từ đâu bay lại,
Chẳng bao giờ lưu luyến một đường bay.
Thế nhưng cánh chim trời
Nào có bao giờ lạc hướng.

Một người tu hành thấu triệt được Dharma (Đạo Pháp), trông thấy được Sự Thật của thế giới, thì dù đang trong hoàn cảnh nào hay phải đối đầu với cảnh huống nào, cũng sẽ chẳng bao giờ lạc hướng. Bản tiếng Việt trên đây được phỏng dịch dựa vào hai bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp:

Water birds
going and coming
their traces disappear
but they never
forget their path.

Où qu’il aille, d’où qu’il vienne,
L’oiseau aquatique
Ne laisse aucune trace.
Pourtant, jamais?
Il ne perd son chemin.

Đến đây chúng ta lại tìm hiểu thêm một bài thơ khác của một thiền sư Nhật bản khác làShosan Suzuki (1579-1655):

Cùng đi trong cơn mưa Như Lai,
Cà-sa ướt sũng cả hai vai.
Ô kìa! Trên những tàu lá sen,
Chẳng có một giọt nào đọng lại.

Một đoàn người tu hành bước đi trên đường vẫn còn bám víu vào Dharma, thế nhưng dưới ao, trên các tàu lá sen, chẳng có một giọt mưa nào đọng lại.

Nếu đối chiếu bài thơ của Vương Duy với những bài thơ của Đạo Nguyên và Shosan Suzuki thì chúng ta tất sẽ thấy ngay những bài thơ của các thiền sư Nhật Bản thấm đượm tinh thần Phật giáo sâu đậm hơn, trong khi đó bài thơ của Vương Duy phản ảnh trực tiếp hơn tư tưởng của Lão giáo. Đường thi hay thơ thiền của Trung Quốc nói chung thường pha lẫn ít nhiều quan điểm của Lão giáo về xã hội và nhân sinh, trong khi đó thơ thiền Nhật Bản phản ảnh giáo lý Phật giáo về sự giải thoát con người ra khỏi thế giới hiện tượng. Trên phương diện thực tế và cụ thể, sự khác biệt giữa hai thế giới thi phú trên đây liên hệ mật thiết với các yếu tố thời gian và không gian. Thơ thiền Nhật bản xuất hiện sau thơ Đường nhiều thế kỷ, sớm nhất là vào thế kỷ XIII sau khi Đạo Nguyên đưa học phái Soto (Tào động) vào nước Nhật, và sau đó thiền học Nhật bản tiếp tục phát triển hoàn toàn biệt lập với thiền học Trung quốc.

Ba thế kỷ sau khi Đạo Nguyên đưa Thiền học vào hòn đảo Nhật bản, tức là vào thế kỷ XVI, người ta thấy xuất hiện trong nền thi ca Nhật Bản một thể loại thơ hoàn toàn mới lạ và độc đáo, gọi là thơ haiku. Chữ haiku trong tiếng Nhật thật ra cũng chỉ có nghĩa là sự “vui đùa,” “giải khuyây” (amusement) tạo ra một sự thư giản. Haiku là một thể thơ cực ngắn, có thể viết theo hàng ngang, hoặc thẳng đứng theo lối chữ Hán, gồm ba đoạn hay ba câu: câu đầu gồm 5 âm, câu giữa 7 âm và câu cuối 5 âm. Ngoài ra thơ haiku không cần thêm một niêm luật nào khác cả. Tiếng Nhật đa âm, do đó 5/7/5 âm cũng chỉ đủ để nêu lên vài chữ hoặc một hay hai câu thật ngắn.

Tuy vô cùng ngắn gọn thế nhưng thơ haiku phản ảnh thật sâu sắc và tinh tế sự cảm nhận đột ngột phi lý luận mà thiền học Zen gọi là satori, có nghĩa là sự hiểu biết siêu nhiên mang tính cách giác ngộ, Hơn nữa, đối với Thiền Học Rinzai (Lâm Tế), mỗi câu thơ haiku là cả một công án (koân), giúp người tu tập nghiền ngẫm và suy tư, nhằm mang lại cho mình sự giác ngộ satori vào một lúc nào đó.

Chúng ta hãy nêu lên một câu thơ haiku nổi tiếng của Yosa Buson (1716-1784):

“Mi ni shimu ya” – (5 âm)
            naki tsuma no kushi o – (7 âm)
                        neya ni fumu” – (5 âm) 

Nghĩa từ chương; “Cái gì đâm đau nhói / dưới gót chân tôi trong gian phòng ngủ / chiếc trâm (lược) của người vợ qua đời”. What piercing cold I feel: / in our bedroom under my heel / my dead wife’s comb.”

Tạm dịch:

Vật gì đâm vào gót chân đau nhói,
hóa ra chiếc trâm của người vợ qua đời,
trong phòng ngủ đánh rơi.

Một câu thơ thật ngắn, nói lên một xúc cảm thật sâu, mang lại một sự nhận thức bao la. Cảm giác đau nhói ở chân khiến một thi nhân cảm nhận được sự phù du của sự sống và bản chất vô thường của hiện thực. Cảm giác đau nhói đó cũng có thể biền thành một sự qưặn đau trong tim, đánh thức một sự bám víu trong tâm thức.

Nơi nào trời chẳng mưa

Chúng ta lại tiếp tục nêu lên một câu thơ khác của thiền sư cận đại Shunryu Suzuki(1904-1971):

Cùng nhau đi trong cơn mưa,
thầy tôi bảo: “Chớ vội vã như thế,
nơi nào trời chẳng mưa!”.

(When my master and I were walking in the rain / he would say / “Do not walk so fast, the rain is everywhere).

Những gì mang lại từ những việc mình làm, suy nghĩ hay nói năng sẽ đeo đuổi mình khắp nơi trong thế giới hiện tượng. Vội vã, cuống quýt, lo buồn, mưu mô, tính toán chỉ làm cho cái gánh nặng trên vai tạo ra thêm khổ nhọc cho mình mà thôi. Cuống quýt làm gì, chẳng phải cơn mưa Covid đang rót xuống khắp hành tinh này hay sao?

Dưới đây là một câu haiku khác của Issa Kobayashi (1763-1826), tác giả của hơn 20,000 câu thơ haiku.

Tuyệt vời thay,
qua một lỗ thủng của chiếc cửa sổ [bằng giấy],
cả Thiên hà [hiện ra và chuyển động].

(Utsukushi ya / shoji-no ana-no / Amano-gawa . Adorable / from the hole of the window / Celestial-river)

Câu thơ nói lên sự tự do và giải thoát của tâm thức, phản ảnh một sự mở rộng thật tuyệt vời. Câu thơ dưới đây của thiền sư Matsuo Bashô (1644-1694) cũng nói lên cảm nhận đó:

Mượn khối đá làm gối,
tôi ngao du
với mây trời.

Nói chung, các câu thơ haiku tuy rất sâu sắc, thế nhưng trên phương diện hình thức và kỹ thuật lại rất đơn giản. Các vị thiền sư và thi sĩ Nhật Bản thường lưu lại hàng ngàn hay hàng chục ngàn bài thơ haiku. Ngày nay thể thơ này vẫn còn sinh động và phổ biến, các sáng tác mới vẫn thường xuyên xuất hiện qua các phương tiện truyền thông tại Nhật. Nhiều người Tây phương ngày nay cũng làm thơ haiku, thế nhưng dầu sao cũng hết sức khó tôn trọng quy tắc ngắt âm: 5/7/5.

Các câu haiku nêu lên tư tưởng Phật giáo thường là những câu nổi tiếng nhất, biểu trưng cho điểm tột đỉnh của thể loại thơ này. Dưới đây là một số câu tiêu biểu.

Trước hết chúng ta hãy thưởng thức một câu thơ rất dễ thương của Chiyo-ni (1703-1775):

Cọng rau muống,
quấn vào chiếc gàu cạnh giếng,
khiến tôi phải xin láng giềng một ít nước.

Câu thơ nói lên sự kính trọng thiên nhiên qua một cử chỉ thật nhỏ trong sự sinh hoat hằng ngày, một cử chỉ rất phụ nữ, phản ảnh một tâm hồn bàng bạc một tình thương thật nhẹ nhàng và giản dị. Tác giả Chiyo-ni là một ni-sư, tương tự như trong tiếng Việt, chữ ni là một từ gốc tiếng Hán 尼, dùng để chỉ một phụ nữ xuất gia. Ni sư Chiyo từng lập gia đình năm 17 tuổi, thế nhưng hai năm sau thì người chồng qua đời. Người phụ nữ trẻ Chiyo trở về với gia đình để tiếp tục phụng dưỡng cha mẹ và trông nom cửa hàng của gia đình. Năm 52 tuổi, sau khi cha mẹ qua đời, bà đi tu. Bà nổi tiếng là một phụ nữ xinh đẹp, làm thơ từ lúc lên bảy, và được xem là một trong các nữ thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Nhật về thơ haiku. 

Ni Sư Chiyo và chiếc gàu. Tranh bản gỗ của Utagawa Kuniyoshi (1797-1861)

Dưới đây là câu thơ mà bà đã viết vào ngày xuống tóc:

Sáp đỏ bôi môi,
khiến miệng tôi quên cả
[hương vị của] cội nguồn nước mát.

Sau đây là một câu thơ khác:

Ngủ một mình,
bị cái giá buốt của đêm đen đánh thức:
Ồ! sự giác ngộ, tuyệt vời thay.

Bà đã viết câu thơ dưới đây trước khi qua đời:

Tôi từng được trông thấy mặt trăng.
Thế giới này,
xin vĩnh biệt!

Trong Phật giáo, mặt trăng biểu trưng cho sự giác ngộ.

Dưới đây chúng ta lại quay về với các vần thơ haiku của thiền sư Shunryu Sushuki.

Khi tôi vừa dứt lời,
nào bạn có nghe thấy gì nữa đâu.
Vậy thì nhớ lại những lời tôi nói để làm gì?

Vừa trồng xong vài củ hoa loa kèn,
vụt chợt thấy,
xanh biếc một màu mây.

Trong sương mù buổi sáng,
cắt vội một cành hoa.
Sương mai đọng mờ đôi kính trắng.

Mùa thu buồn?
Phó mặc cho cơn mưa,
Trong gian phòng trà, ấm nước đang sôi.

Qua các vần thơ trên đây, chúng ta có cảm giác âm thanh, màu sắc, hình tướng, thiên nhiên và thế giới, tất cả dường như hòa lẫn với nhau và tan biến hết. Trong tâm thức nghỉ ngơi và yên lặng của một thiền sư những gì còn lại chỉ là hiện thực đon sơ và trần trụi. Thế nhưng sự yên lặng và nghỉ ngơi đó của tâm thức đôi khi cũng chuyển thành các xúc cảm thật tinh tế và khó nắm bắt: trồng xuống đất một củ hoa loa kèn (lily flower) vụt thấy cả một bầu trời trên cao; cắt một cành hoa, thế nhưng chẳng trông thấy gì cả, cặp kính đọng mờ sương mai; mùa thu buồn là một sự tạo dựng của tâm thức, ấm nước đang sôi là hiện thực, sống với hiện thực là cách xóa bỏ những sự tạo dựng tâm thần. Sau đây là vài câu thơ haiku của thiền sư “Đại Ngu” Ryokan (1758-1831) có thể nói lên được các điều trên đây:

Cánh cửa sổ mở toang,
quá khứ trở về tràn ngập trong tôi,
phong phú hơn cả một giấc mơ trong đêm.

Một sự an bình tỏa rộng,
tôi gối đầu lên cỏ [bên vệ đường]
ở một nơi thật xa với chiếc am cỏ của tôi.

Gã thiền sư đần độn,
của những ngày năm ngoái,
năm nay sao vẫn thế!

Ryokan là một gã thiền sư lang thang, quê mùa, sống đơn độc trong một chiếc am cỏ nơi một khu rừng heo hút. Một hôm sau khi đi tản bộ về, ông thấy các vật dụng nghèo nàn của mình bị trộm vét sạch, ông lấy bút viết câu thơ haiku sau đây:

Tên trộm,
bỏ quên khuôn trăng,
bên thềm cửa sổ.

Dường như trong tâm hồn của thi nhân thì thời gian luân lưu với một tốc độ khác hơn với chúng ta, không gian cũng vậy, chuyển động theo các hướng khác hơn, hoặc cũng có thể dừng lại, im lìm và tan biến hết. Câu haiku dưới đây của Yosa Buson có thể nói lên được điều đó:

Con bướm nằm yên
say giấc trên chiếc đại hồng chung
của ngôi chùa.              

Trong sự yên lặng mênh mông của cảnh chùa, chẳng thấy một chú tiểu nào đánh một hồi chuông. Con bướm, cảnh chùa và những người tu hành, tất cả dường như dừng lại với thời gian và thoát ra khỏi không gian.

Sự cảm nhận đó cũng có thể hiện lên thật kín đáo qua câu haiku sau đây của Ryokan:

Đi nhặt củi khô,
bước lên chiếc cầu,
trong sương mù buổi tối.

Bếp lửa lạnh tanh trong chiếc am cỏ dưới chân núi Kugami phải chăng đang chờ gã thiền sư quê mùa với những cành củi khô. Thế nhưng thời gian, không gian, cảnh vật, tất cả quyện vào nhau mờ đi và dừng lại với gã thiền sư đang bước lên chiếc cầu dưới bóng hoàng hôn.

Chúng ta thường quen thuộc và gần gũi với các vần thơ ca tụng vẻ đẹp của mùa xuân, mùa thu, thế nhưng trong thơ haiku có rất nhiều bài nói đến các cơn mưa trong cả bốn mùa. Mưa cũng có cái đẹp của nó, cái đẹp đó rất kín đáo, trầm lặng, nhưng cũng có thể rất ray rứt, gợi lên nhiều kỷ niệm. Sau đây là vài bài thơ haiku nói về mưa của Kobayashi Issa:

Cơn mưa rào tháng sáu
khiến bài thơ tôi dán lên tường bị bong,
thế nhưng vẫn còn lưu lại một tí dấu vết.

Dưới cơn mưa mùa hạ,
cả con đường
cũng biến mất;

Này chim cú ơi!
Hãy thay đổi gương mặt đi chứ!
[Trông kìa] cơn mưa xuân đang rơi.

Sau đây là một câu thơ haiku của Oshima Ryota (1716-1784) về các cơn mưa mùa hạ:

Mưa tháng sáu không ngơi,
[Thế nhưng]một hôm vào buổi tối, giữa các cành thông,
[mọc lên] kín đáo một vầng trăng

Thế nhưng, giữa cơn mưa, bầu trời cũng có thể tối sầm, mây đen vần vũ, lóe lên những tia chớp. Sau đây là một trong số các câu thơ haiku nổi tiếng nhất của Matsuo Bashô:

Tuyệt vời thay!
Trông thấy một tia chớp,
nhưng không nghĩ rằng cuộc sống là phù du.

(稲妻にさとらぬ人の尊さよ/ inazuma ni – satoranu hito no – tattosa yo / How admirable, to see lightning, and not think life is fleeting)

Đối với thiền học Zen sự giác ngộ hiện ra thật đột ngột, tương tự như một tia chớp trên bầu trời tối đen. Tâm thức của chúng ta cũng vậy, vần vũ mây đen, những cơn mưa tiếp nối nhau không ngớt. Trong khung cảnh tối tăm đó đôi khi cũng có những tia chớp lóe lên. Nếu một người hành thiền biết giữ tia chớp trong tâm thức thật bền vững, thì đấy sẽ là cách xóa tan bão táp, mưa sa và soi sáng tâm thức mình.

Con rồng và con hổ (1899). Tranh lụa của Hashimoto Gaho. Bảo tàng viện Hoàng Gia Nhật Bản

Sức mạnh của thiền định ào ạt như ngọn sóng của đại dương, sự hùng hổ của tâm thức tương tự như một con cọp chạy quanh trên gềnh đá. Cơn mưa là một con hổ, tia chớp xé toạc tấm màn u tối giúp chúng ta quán thấy sự mênh mông của tâm thức là sức mạnh của ngọn sóng đại dương. Vào mùa thu năm 1694, vài tuần trước khi qua đời, Matsuo Bashô từng viết một câu haiku gần với ý nghĩa đó:

Một tia chớp,
tiếng kêu của con vạc đêm,
vỗ cánh bay vào cõi tối tăm.

(inazuma ya / yami no kata yuku / goi no koe. / A jag of lightning – Then, flitting toward the darkness – A night heron’s scream)

Một tia chớp khiến sự u mê phải khiếp sợ, tan vào bóng đêm.

Thơ haiku không mang mục đích viết cho con người và vì con người, mà chỉ là một cách nói lên sự bén nhạy của con người trước thiên nhiên. Thơ haiku không phát sinh từ lý trí mà từ con tim của con người là như vậy. Reginald Horace Blyth (1898-1964) một học giả người Anh rất uyên bác về thiền học Zen và thi ca haiku, và cũng là bạn thân của thiền sư Daisetsu Teitaro Suzuki (1870-1966), từng nêu lên thật chính xác các đặc tính của thơ haiku:

– quên cái tôi (cái ngã) bằng cách mở rộng và đồng hóa mình với thiên nhiên.

– nói lên sự yên lặng và cô đơn của thi nhân.

– tập trung tâm thức vào hiện thực.

– tránh mọi hình thức ba hoa, không tìm cách giải thích về một điều gì cả, mà chỉ nói lên một xúc cảm, một sự thật hiển nhiên và trần trụi trong thiên nhiên.

– tránh sự hợp lý dựa vào lý trí và các chủ đích đạo đức.

– biểu trưng một sự tương phản hay nghịch lý trong sự nhận thức.

– nói lên sự hóm hỉnh, ngớ ngẩn hay khôi hài.

– phản ảnh thể dạng cởi mở và phóng khoáng của tâm thức.

– luôn đơn giản, trực tiếp và thiết thực.

– bộc lộ tình thương yêu rộng lớn hướng vào thế giới và vũ trụ, thế nhưng không hề bám víu vào bất cứ thứ gì hiện ra trong thế giới và vũ trụ đó.

Nếu thơ Đường và cả thơ thiền Trung quốc nói chung chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Lão giáo thì thơ haiku phản ảnh quan điểm của Thần đạo (Shintoism), là một tín ngưỡng xem mọi hiện tượng trong thiên nhiên luôn hàm chứa một sức sống thiêng liêng và thần bí. Dưới đây là vài vần haiku phản ảnh kín đáo sự thiêng liêng đó của Thần đạo:

[Lạ quá] chiếc lá khô
quay về với chiếc cành của nó?
Không phải thế, đấy là con bươm bướm.
Masaoka Shiki (1867-1902)

Qua những đêm dài,
tiếng nước chảy,
nói lên những những khắc khoải trong tôi. 
Nakabayashi Gochiku (1827-1913)

Dưới cơn mưa mùa xuân,
tất cả mọi sự vật
đều trở nên tuyệt đep.
Ni-sư Chiyo

Mỗi cánh hoa rơi
khiến cho cành mơ
già thêm một tí.
Yosa Buson

Dưới mưa xuân,
nếu không viết được một câu nào,
thì quả thật đáng buốn.
Yosa Buson

Mùa xuân lại sắp về, xin mạn phép tập tành vài câu haiku gửi tặng bạn đọc xa gàn:

Trên đỉnh cao,
rào rạt gió xuân về,
xao xuyến các cành thôn.
Dưới làn nước trong veo
của con suối, các hòn cuội,
đang thì thầm với nhau.

Bures-Sur-Yvette, 27.12.20


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *