Bài HOÀNG MAI ĐẠT
Trong số thứ tư ra hồi tháng Bảy 2020, Tinh Tấn Magazine có đăng những bài viết về các ni sư đã cống hiến đời mình cho sự an lạc của chúng sanh bằng sự xiển dương Phật pháp với tất cả khả năng, kiến thức, và lòng từ bi của họ. Vì sự giới hạn của số báo nên chúng tôi không thể nào nhắc đến hết các vị ni xứng đáng được đề cao trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Danh sách thiếu sót ấy chắc hẳn rất dài, và một trong các vị danh tăng cũng cần được nhắc tới là Sư Bà Thích Nữ Diệu Không, một vị ni đã đóng góp khá nhiều cho Phật Giáo Việt Nam, về mặt xã hội cũng như giáo dục ni chúng trong thế kỷ thứ 20.
Bài viết này tổng hợp phần lớn từ bài “Cuộc Đời và Sự Nghiệp của Sư Bà Diệu Không” của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu – vị thầy đã khai sơn Chùa Phật Đà và Tu Viện Pháp Vương trong vùng San Diego, Nam California – viết nhân dịp ‘Về Nguồn – Hiệp Kỵ Tổ Sư lần thứ 8’ được tổ chức tại chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu năm 2014, một phần từ cuốn hồi ký “Đường Thiền Sen Nở” của Sư Bà Diệu Không viết năm 1986, và từ một số các tài liệu khác, về cuộc đời của một ni sư mà đôi lúc rất ly kỳ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của Việt Nam, và trong cõi ta bà mà ngài đã nguyện “lăn lóc” để cứu độ chúng sanh.
Hòa Thượng Nguyên Siêu viết: “Trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại của những thập niên 30-40 có bậc Tôn túc của Ni giới xuất hiện, đồng hành với chư Tăng để xiển dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài, xây dựng tự viện, giữ gìn giềng mối đạo pháp được bền vững. Bậc Tôn túc của Ni giới ấy là Sư Bà Diệu Không, người đã hy hiến cả đời mình cho đời lẫn đạo, đã lưu lại cho hậu thế một hành trạng sáng ngời cho đàn hậu học noi gương.”
Vậy Sư Bà Diệu Không là ai, xuất thân như thế nào?
Sư Bà có thế danh là Hồ Thị Hạnh, húy là thượng Trừng hạ Hảo, hiệu là Nhất Điểm Thanh. Sư Bà sinh ngày 24 tháng 12, 1905 tức năm Ất Tỵ, con gái út trong một gia đình danh gia vọng tộc của Cụ Hồ Đắc Trung và Cụ Châu Thị Lương ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong buổi giao thời của hai nền văn hóa cũ mới.
Thân phụ của Sư Bà là quan đại thần của triều đình Huế thời bấy giờ. Thuở thiếu thời Sư Bà đã hấp thụ hai nền giáo dục cũ mới nên có tư tưởng rất cấp tiến. Gia đình muốn cho Sư Bà xuất dương du học, nhưng Sư Bà đã từ chối vì muốn sống trong hoàn cảnh đương thời, trong lễ nghi đạo đức truyền thống ngõ hầu nâng cao phẩm giá của người phụ nữ mà Sư Bà thường ấp ủ.
Tuy nhiên, Sư Bà nghĩ rằng muốn nâng cao giá trị phẩm chất của người phụ nữ thì phải xuất gia, tu học, phải xa rời đời sống nhỏ hẹp gia đình. Để thực hiện ước vọng ấy, Sư Bà bèn xin cha mẹ đi tu, nhưng gia đình không dễ dàng chấp nhận vì Sư Bà là con gái út của quan đại thần, hơn nữa thời gian ấy ở Huế chưa có một ngôi chùa chính thức của Ni giới. Trước những khó khăn trở ngại ấy, Sư Bà ẩn nhẫn chờ thời, lo trả hiếu cho cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với gia đình, mong cơ duyên sớm đến để hoàn thành chí nguyện xuất gia.
Trước áp lực phải lấy chồng thời đôi mươi, Sư Bà kể trong hồi ký: “Nguyên năm ngoái [khoảng năm 1924] mẹ tôi đau nặng, có gọi cha tôi đến và dặn rằng, ‘Nếu tôi có mệnh hệ nào, thì đừng cho con Tám (tức tôi) để tang vì nó đã cãi lời tôi dạy, là đứa con bất hiếu.’
“Tôi sợ Bà Cụ chết, nên mới thưa, ‘Xin Mạ yên tâm, chuyến này con xin nghe lời Mạ dạy.’ Mẹ tôi lo cho con mà phát ốm, thật tình mẹ thương con không bờ bến. Nghe lời tôi thưa và xin hứa, sức khỏe đã ngày một trở lại như thường.”
Cũng trong năm ấy, cô Hồ Thị Hạnh (Sư Bà khi chưa xuất gia) được một hoàng tử Cao Miên chiếu cố khi theo thân phụ qua Cam Bốt trong phái đoàn đại diện Việt Nam dự lễ Trà Tỳ vua Cao Miên vừa mất. Mặc dù được cha gợi ý, cô Hạnh đã nhất quyết từ chối gặp lại vị hoàng tử này, vì nhớ lại thân phận của chị mình là một thứ phi trong cung đình ở Huế.
Sư Bà kể, “Khi về nhà, ông Cụ tôi cho biết ông hoàng ấy muốn qua Việt Nam gặp tôi trở lại. Tôi thưa, ‘Thầy nên từ chối ngay đi, gia đình đã làm khổ chị con, thôi đừng làm khổ con nữa. Vả lại nếu con đi xa, Thầy và Mẹ con sẽ sống với ai? Còn chị con nữa đang bất mãn, lấy ai để tâm sự?’ Cụ tôi thở dài, im lặng, không nói gì nữa.”
Cũng nhân dịp đến xứ chùa tháp ấy, Sư Bà đã có một kỷ niệm vui với đạo. Sư Bà viết trong hồi ký: “Ở Cao Miên, một cử chỉ đẹp làm tôi không quên. Ngôi nhà tôi ở, có anh lao công. Khi sắp về lại Việt Nam, tôi có tặng anh ta 100 đồng. Tôi nói anh giữ làm kỷ niệm, anh tỏ vẻ không bằng lòng. Không nói gì, anh mời tôi ra xe hơi cùng đi đến một cửa hiệu bán đồ bạc chạm trổ rất đẹp. Anh ta mua một quả bồng bằng bạc giá 95, rồi lên xe bảo đi nữa. Đến một ngôi chùa anh vào trước, lấy khay để quả bồng, trước mặt vị sư Tăng đã già 80 tuổi rồi bảo tôi vào lạy. Sau, anh cũng vào lạy rồi ra xe cùng về và anh ta bảo, ‘Đó là kỷ niệm đẹp đời đời đó.’
“Tôi tự nghĩ, một người nghèo mà tâm hồn sang và đẹp quá, trái lại người giàu mà hèn, rồi cứ hèn mãi!”
Người mà Sư Bà cuối cùng đã kết hôn để làm vui lòng cha mẹ là một Tham Tá, ông Cao Xuân Xang, con trai Thượng Thư Bộ Học Cao Xuân Dục. Lúc đó vợ ông Xang đã mất để lại năm con thơ từ 3 đến 10 tuổi, ba trai, hai gái. Trước khi lấy ông Tham Tá này, Sư Bà viết trong hồi ký về việc hôn nhân: “Suy tính mãi, nếu không chịu thì mẹ tôi sẽ rất khổ tâm, mà nếu theo ý mẹ thì tôi biết trước rằng tôi sẽ rất khổ, và ước gì lúc ấy có một chùa Sư nữ để mình được vào chùa tu.
“Một hôm, tôi xin phép cha cho tôi được gặp ông bạn tham tá, người mà cha tôi có thiện cảm, đã thông cảm hoàn cảnh của ông nên đã đi hỏi vợ cho mà không ai dám nhận lời vì ông mang bệnh, lại có năm con còn nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn. Cụ tôi hỏi, ‘Vậy con ưng ông ấy hay sao?’ Tôi thưa, ‘Nói ưng thì không đúng mà con muốn nuôi các con ông ấy, và con luôn được ở gần Thầy, Mẹ và chị con.’
“Cụ tôi cho mời ông lên, tôi tỏ ý. Ông [Xang] nói, ‘Cưới cô, thì tôi không dám, vì tôi có bệnh, còn các con tôi, Cô muốn nuôi, tôi xin cảm tạ Cô. Tôi sẽ đưa lên để Cô nuôi dạy thay Mẹ chúng.’
“Cụ tôi bằng lòng cho tôi làm mẹ nuôi chúng nó. Một năm qua, tôi thương các con côi như con mình, mấy đứa nhỏ rất dễ dạy.”
Cuối năm đó, vì biết ông Cao Xuân Xang không sống lâu hơn vì bệnh lao, cô Hạnh đồng ý tổ chức hỏi cưới. Sư Bà kể, “Cũng vì vậy mà đám cưới tôi thành một đám tang. Ngày chú rể lên lạy hai Cụ, cả nhà hai họ đều khóc. Khi các con ra lạy ông bà ngoại và cha mẹ, họ hàng đều khóc như là đám ma.”
Năm 1930, cô Hạnh sinh được một người con trai tên là Cao Xuân Chuân, theo ghi chép của ông Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Sư Bà Diệu Không, một kỳ nữ của Cô Đô Huế thế kỷ 20.” Không lâu thì chồng cô Hạnh mất vì bệnh lao. Đến lúc đó cô Hạnh dứt khoát đi tu, gởi con của mình cho người chị là bà Hồ Thị Huyên nuôi nấng, và gửi các con chồng vào học nội trú ở hai trường Quốc Học và Đồng Khánh.
Thầy Nguyên Siêu viết, “Vào năm 1932, khi Sư Bà 27 tuổi được Hòa Thượng Giác Tiên, Tổ Đình Trúc Lâm, truyền Thập giới Sa Di Ni và cho pháp tự Diệu Không, nhưng Sư Bà vẫn để tóc làm phương tiện giao dịch với người Pháp trong chính quyền bảo hộ, với tư cách đại diện An Nam Phật Học mà Sư Bà là một trong những vị sáng lập viên. Thời gian qua mau, sau 12 năm thọ Thập Giới Sa Di Ni, năm Giáp Thân, 1944, Sư Bà được thọ Cụ Túc Giới tại Giới Đàn Thuyền Tôn do Hòa Thượng Giác Nhiên làm đàn đầu.
“Kể từ khi xuất gia cho đến ngày đầy đủ giới pháp – Tam Đàn cụ túc, Sư Bà luôn có mặt trong mọi hoàn cảnh Phật sự, nơi nào cần Sư Bà đều có mặt để chung lo Phật sự nơi đó, không phân biệt thành phần xã hội. Sư Bà trang trải tình thương yêu đến cho tất cả, do vậy Sư Bà đã thể hiện tấm lòng phụng sự Phật pháp đến với mọi người đều được tốt đẹp. Tấm lòng của Sư Bà đã được trân quý nhất mực, kể cả chư Tăng thời bấy giờ.”
Hòa Thượng Nguyên Siêu viết tiếp, “Từ tinh thần hy sinh, phụng sự ấy Sư Bà đã hoan hỷ tham gia công cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo, bình đẳng tín ngưỡng trước sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm. Sư Bà xin phát nguyện tự thiêu trước tiên trong công cuộc đấu tranh này.”
Trong cuốn hồi ký ‘Đường Thiền Sen Nở,’ Sư Bà Diệu Không có kể lại đôi dòng vấn đáp của Sư Bà với các chư vị Tôn Túc thời bấy giờ:
“Một hôm tôi được mời về chùa Từ Đàm họp, Thượng Tọa Trí Quang nói, ‘Miền Nam im lìm như vậy, làm sao có đông Tăng Ni hưởng ứng?’
Thượng Tọa Thiện Minh nói, ‘Phải có người hy sinh mới xong.’
Tôi nói, ‘Hy sinh đây là chết phải không?’
Thượng Tọa Trí Quang đáp, ‘Hy sinh trong ý nghĩa thiêu thân để bảo vệ chánh pháp.’
‘Vậy, kính bạch chư Tôn Túc, cho phép con đứng đầu đội cảm tử.’
Hòa Thượng Thiền Tôn hỏi, ‘Hòa Thượng Mật Hiển đại diện cho Trúc Lâm có cho phép không?’
Hòa Thượng Mật Hiển nói, ‘Vị pháp hy sinh ai lại dám cấm?’”
Cũng về câu chuyện hy si đạo pháp này, Hòa Thượng Nguyên Siêu cho biết, “Sư Bà viết một bức thư gửi cho chư Tôn Đức miền Nam, ký tên phát nguyện tự thiêu. Sau đó, Sư Bà cùng người chị ruột là Sư Bà Diệu Huệ vào Saigon để chuẩn bị cho công việc hy sinh, tự thiêu để bảo vệ Phật pháp được trường tồn, cho quê hương, dân tộc được tự do hạnh phúc. Nhưng có lẽ nhân duyên chưa tròn, nên sau khi vào Saigon ở chùa Từ Nghiêm, Sư Bà được mời về Ấn Quang và Hòa Thượng Thiện Hoa, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo cho biết là đã có Hòa Thượng Quảng Đức phát nguyện tự thiêu rồi. Khi nghe tin Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt, Sư Bà đã xúc động, thành tâm làm bài thơ khóc Hòa Thượng:
Thầy ơi! Con biết tính sao đây
Lễ kính lòng đau trước Thánh Thầy
Lửa dậy lưng trời thân chẳng động
Dầu loang khắp đất ý không lay
Tiêu diêu Cõi Tịnh, Thầy theo Phật
Lận đận trần gian con nhớ Thầy
Phật tử Việt Nam còn nhớ mãi
Nét son lịch sử vẫn không phai”
(Đường Thiền Sen Nở, Sư Bà Diệu Không)
Sư Bà xây dựng Ni Viện đầu tiên cho Ni giới là Ni Viện Diệu Đức, Huế. Sư Bà sáng lập các chùa Ni khác như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân ở Huế; Bảo Thắng ở Hội An, Bảo Quang ở Đà Nẵng, Tịnh Nghiêm ở Quảng Nam, Ni Viện Diệu Quang ở Nha Trang; Ni Trường ở Sa Đéc; Ni Viện Từ Nghiêm ở Sài Gòn. Sư Bà cũng góp công xây dựng Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn cùng với chư Tôn túc Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Minh Châu…
Ngoài những Phật sự xây dựng chùa viện, Sư Bà còn góp phần vào việc khai sáng các Cô Ký Nhi Viện ở miền Trung, như Cô Nhi Viện Tây Lộc ở Huế. Sư Bà thành lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách và in Nguyệt San Liên Hoa năm 1952 do Hòa Thượng Đôn Hậu làm chủ nhiệm, Hòa Thượng Đức Tâm làm chủ bút, Sư Bà là quản lý, biên tập viên. Đây là nguyệt san phát hành lâu nhất ở miền Trung.
Sau 1975, nhà in Liên Hoa bị đóng cửa dưới chế độ mới, Sư Bà cho chuyển nhà in thành cơ sở sản xuất mì sợi tạo việc làm cho Ni chúng trong thời kỳ bao cấp với cuộc sống vô vàn khó khăn và thiếu thốn.
Về trung tâm văn hóa Liễu Quán, nơi đây bị chế độ cộng sản chiếm giữ một thời gian khiến Giáo Hội Thừa Thiên không có cơ sở để truyền bá tôn giáo đến đại chúng. Vào năm 1994, theo ghi chép của tỳ kheo ni Thích Nữ Diệu Đạt trong bài ‘Hành trạng Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Không,’ Sư Bà đã “dõng mãnh ký tên đứng đơn xin chính quyền tỉnh trả lại [Liễu Quán] cho Phật giáo.” Sư Bà cũng viết thư ngỏ kêu gọi đồng bào “Phật tử trong và ngoài nước, xin hướng về cố đô Huế thân yêu, cầu nguyện và giúp đỡ cho tôi, ngõ hầu Phật sự cao quý trên dần dần được viên mãn.”
Ngoài ra, Sư Bà Diệu Không đã để lại các tác phẩm dịch thuật gồm Thành Duy Thức Luận, Du Già Sư Địa Luận, Lăng Già Tâm Ấn, Di Lặc Hạ Sanh Kinh, Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận Lược Giải của ngài Long Thọ Bồ Tát, Hiển Thật Luận của Thái Hư Đại Sư.
Bên cạnh những dịch phẩm trên, Sư Bà còn sáng tác nhiều thơ văn để khuyến tấn người đời tu tập, cũng như giáo dục người phụ nữ thời bấy giờ.
Hòa Thượng Nguyên Siêu viết, “Trong đời sống hằng ngày, tuy bận rộn Phật sự vừa đối ngoại, đối nội lo toan nhiều việc nhưng Sư Bà vẫn không xao lãng công hạnh tu hành, tham thiền, niệm Phật. Tuy mang thân người nữ nhưng Sư Bà không có tính nữ nhi thường tình, hy sinh đời mình phụng sự cho lý tưởng tu tập Bồ Tát Đạo.
“Chính vì lý tưởng Bồ Tát Đạo này, Sư Bà đã không phát nguyện sinh về Tịnh Độ mà nguyện trôi lăn trong sinh tử luân hồi để làm lợi ích chúng sinh. Vào thời bấy giờ các Sơn Môn Thừa Thiên – Huế, quý Ôn đều biết hạnh nguyện của Sư Bà, quý Ôn kể lại nhiều câu chuyện về tánh đức, hạnh lành của Sư Bà thể hiện qua đời sống hằng ngày, qua tinh thần phụng sự Phật pháp, lợi lạc quần sanh. […]
“Suốt đời đem thân tu tập và hành đạo, năm 1978 Sư Bà trải qua một cơn bạo bịnh, dứt hơi thở cuối cùng, trong lúc chư Tăng Ni vây quanh Niệm Phật tiếp dẫn vừa dứt, một sư cô [Sư cô Bảo Châu] cảm thương bật khóc thành tiếng, Sư Bà giật mình tỉnh dậy. Sư Bà nói, ‘Có gì mà quý cô khóc, sống chết là chuyện thường tình của người tu hành, ta đã thấy cảnh Tịnh Độ trang nghiêm rồi, quả thật cõi ta bà không bằng, nên ta nguyện ở cõi ta bà để tùy duyên hóa độ.’ Từ đó, Sư Bà tiếp tục con đường hoằng pháp lợi sanh suốt 19 năm sau.”
Sư Bà thường dạy, “Khi đã thấy cảnh Tịnh Độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả.” (Trích từ kỷ yếu tang lễ Sư Bà Diệu Không). Có lẽ nhờ thấy thế gian này là giả mà Sư Bà kham nhẫn được mọi sự trong gần 5 năm già yếu ngọa bệnh, luôn luôn hoan hỷ với mọi người. Sư Bà thâu thần thị tịch vào 2 giờ sáng ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 23 tháng 9, 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời, 53 hạ lạp.
Hòa Thượng Nguyên Siêu viết, “Một tiểu thư con nhà quan, quyền quý, giàu sang, nhưng Sư Bà đã từ bỏ, không lấy đó làm lợi ích cho bản thân, danh lợi cho riêng mình sống đời thế tục, mà đời sống ấy chính là phương tiện để làm lợi đạo ích đời. Sự nghiệp của Sư Bà để lại cho hậu thế tương đối khá nhiều: Chùa Viện, Ni Viện, cơ sở vật chất, văn hóa, giáo dục cho Giáo Hội.
“Riêng đời sống tâm linh, sự nghiệp tinh thần thì ngôn ngữ thế gian hữu lậu không thể nói hết được, sự tu chứng của Sư Bà thì mấy ai hiểu được. Trên con đường tu tập, Sư Bà quan niệm phụng sự cho chúng sinh là cúng dường chư Phật, từ ý niệm này Sư Bà luôn xông xáo vào hiện tình xã hội để cứu nhân độ thế, để xốc dậy phẩm giá người phụ nữ thời ấy. Sư Bà đã xây dựng Hội Nữ Công Gia Chánh – Huế do Nữ sĩ Đạm Phương thành lập. […]
“Sư Bà đã thật sự dấn thân vào đời ác năm trược để hóa độ mọi người, làm lợi ích cho tha nhân mà không cầu mong chóng thành quả Thánh. Sư Bà chỉ một lòng lo chấn chỉnh Ni chúng, thành lập nhiều Ni Viện từ Huế vào Nam để tạo thành sự sinh hoạt đồng bộ với chúng Tăng.”
Hạnh nguyện của Sư Bà là đời đời mang thân nữ để độ cho nữ giới và không cầu sanh Tịnh Độ đã được thể hiện qua hai câu thơ do Sư Bà sáng tác được đăng trong Diệu Không Thi Tập:
“Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp
Con xin lăn lóc cõi Ta Bà.”
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.